Sản xuất sạch hơn trong chế biến thủy sản

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là giải pháp tối ưu giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Công nghiệp hóa nhanh chóng là một trong những yếu tố trọng điểm cho sự phát triển của nền kinh tế. Song song với sự bùng nổ là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đó cũng là vấn đề xảy ra trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Để giải quyết cả hai vấn đề này, Sở TN&MT TP.HCM hướng dẫn, khuyến khích đơn vị sản xuất đi theo mô hình SXSH.

Ý thức cá nhân đóng vai trò quan trọng

Trong chế biến thủy sản, tài nguyên sử dụng nhiều nhất là nước và điện. Đối với nước, các doanh nghiệp (DN) thường lấy từ nước giếng bơm hoặc nước máy. Tùy theo yêu cầu sản phẩm, loại nguyên liệu, dây chuyền công nghệ sản xuất, mức độ tự động hóa, điều kiện làm vệ sinh thiết bị, kỹ năng của người vận hành… mà lượng nước sử dụng sẽ khác nhau. Tại các nhà máy chế biến thủy sản, mức tiêu thụ tối ưu trung bình khoảng 30 m3/tấn thành phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế ít có DN nào đạt đến mức tiêu thụ lý tưởng như vậy.

Trong quá trình chế biến, tổn hao nước xảy ra khi công nhân sơ ý, lơ là để van mở khi không sử dụng. Nhiều vòi còn không gắn thiết bị khóa làm nước chảy tràn lan. Điều này dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên. Hơn nữa, do không được kiểm soát, bảo trì thường xuyên nên đường ống, van, co nối bị rò rỉ hay sử dụng thiết bị quá cũ, dụng cụ vệ sinh không hiệu quả… gây hao phí nước. Trong quá trình sơ chế, chúng ta thường sử dụng nước để rửa sạch sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn áp dụng một mô hình lạm dụng quá nhiều nước, dây chuyền không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

 Quy trình sản xuất hợp lý trong thủy sản sẽ giúp tăng năng suất và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: INTERNET

Để tháo gỡ vấn đề này, chủ DN cần nâng cao ý thức tiết kiệm cho công nhân. Chúng ta có thể đầu tư lắp đồng hồ nước theo dõi để kịp thời phát hiện thất thoát, gắn van tại đầu vòi để thuận tiện cho thao tác đóng mở. Chuyên viên kỹ thuật bảo dưỡng nhà máy cần có các thiết bị phù hợp trên hệ thống cấp nước. Điều đó giúp họ phát hiện và sửa chữa kịp thời những chỗ hư hỏng. Thông thường chúng ta hay dùng vòi nước áp lực để xịt sàn. Khi đó, tất cả lượng rác như đầu, ruột, xương cá, vỏ tôm… sẽ bị đẩy và thu gom ở lưới rác. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả và gây lãng phí tài nguyên. Thay vào đó, ta có thể sử dụng chổi cao su để thu gom, quét dọn các chất thải rắn. Sau đó mới xịt nước, như vậy sàn rất sạch mà vòi xịt không phải gánh nhiệm vụ là chổi quét. Mặt khác, chúng ta cũng có thể tự đánh giá, hoạch định, xây dựng định mức tiêu thụ nước một cách hiệu quả. Như thế việc quản lý tiêu thụ nước sẽ có cơ sở dễ dàng kiểm soát.

Cải tiến máy móc, thiết bị phù hợp

Mức tiêu thụ điện nhiều hay ít phụ thuộc vào quy trình chế biến, tuổi thọ của thiết bị, hoạt động bảo trì, mức độ tự động hóa, yêu cầu các loại sản phẩm, sự quản lý đặc thù của mỗi nhà máy. Theo thống kê, tiêu thụ điện nhiều nhất là thiết bị đông lạnh với 32%, kế đó là sản xuất đá, kho lạnh. Phần còn lại dành cho sản xuất nước lạnh, bơm, điều hòa không khí, chiếu sáng…

Vấn đề còn tồn tại ở các DN là chưa có kế hoạch quản lý điện năng; thiếu liên kết, chia sẻ thông tin giữa các bộ phận sản xuất. Nhiều nơi chỉ gắn một đồng hồ điện tổng thể để theo dõi cho toàn nhà máy. Với hệ thống lạnh, việc bảo dưỡng và vận hành máy móc, thiết bị vẫn chưa được quan tâm đúng đắn. Trong đó, khâu thiết kế các khay, mâm cấp đông chưa hiệu quả; máy nén không phù hợp với công suất của thiết bị làm lạnh. Mặt khác, ý thức cá nhân cũng là vấn đề quan trọng có tính quyết định.

Ta có thể áp dụng các giải pháp xử lý như xây dựng định mức tiêu thụ điện chuẩn, khoán cho các tổ sản xuất tự quản để làm cơ sở đánh giá. Ban lãnh đạo có thể tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao ý thức cho toàn thể cán bộ, công nhân viên. Đặc biệt, chúng ta nên áp dụng chính sách khen thưởng để khuyến khích việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, bộ phận kỹ thuật nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh định kỳ các thiết bị trao đổi nhiệt như bình ngưng, dàn ngưng, dàn bay hơi. Việc cách nhiệt nên tránh sự xâm nhập nhiệt từ bên ngoài và các thiết bị tỏa nhiệt bên trong kho lạnh; đảm bảo độ kín cho kho lạnh, đường ống; che nắng cho dàn giải nhiệt; tối ưu hóa kích thước kho; chế độ bảo quản nguyên liệu như thời gian, nhiệt độ, khối lượng, chế độ xả tuyết… Để tối ưu hóa lợi ích, chúng ta cần xếp sản phẩm vào băng chuyền sao cho tận dụng triệt để diện tích bề mặt. Như thế việc sản xuất sẽ đạt được mục tiêu theo hướng SXSH. Đồng thời, DN nên sử dụng các thiết bị có chức năng tiết kiệm điện như biến tần, máy quản lý điện năng, quạt lò hơi, bơm nước lạnh, bơm nước giải nhiệt, máy nén khí… Một số vấn đề khác cần lưu ý như tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên; sử dụng bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng cao; bố trí bóng, công tắc hợp lý; sản xuất trong giờ thấp điểm…

NGỌC CHÂU

Hỗ trợ doanh nghiệp xanh để phát triển bền vững

Để phát triển thành công, mỗi doanh nghiệp (DN) và cấp lãnh đạo cần một tầm nhìn và tư duy mới, hướng tới việc tạo ra những giá trị bền vững và có hành động cụ thể chung tay góp sức vì một thế giới tốt đẹp hơn. Doanh nghiệp chỉ có thể thành công nếu truyền được cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới cùng thực hiện những hành động nhỏ mỗi ngày. Từ đó, góp phần thay đổi thế giới và tạo một cuộc sống bền vững cho tất cả chúng ta.

Đó là sự chia sẻ rất chân tình của ông Doug Baillie, Chủ tịch Phụ trách nhân sự Unilever toàn cầu, cùng các vị lãnh đạo cao cấp của Công ty Unilever Việt Nam với hơn 200 các bạn sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TPHCM. Đây cũng là những gì mà Việt Nam nói chung và TPHCM mong muốn hướng tới.

Không đổi môi trường vì kinh tế

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã hy sinh môi trường hơn 20 năm để phát triển kinh tế. Đến thời điểm này, kinh tế phát triển mạnh nhưng tình trạng suy thoái chất lượng môi trường cũng không ngừng tăng lên. Điển hình nhất là phần lớn kênh rạch, sông ngòi đều nhuốm màu ô nhiễm. Tại TPHCM, chất lượng nước hầu hết các kênh rạch đều ở mức chết. Vi sinh gần như không thể sống được trong nước. Xuất phát từ thực tế đó mà chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được đề ra và được UBND TPHCM chấp thuận đưa lên làm một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp giảm thiểu phát thải chất thải gây ô nhiễm môi trường đã được đề ra. Cụ thể, tăng cường thanh kiểm tra DN gây ô nhiễm nghiêm trọng; rà soát thống kê tất cả nguồn thải là DN có khối lượng lớn từ 50m³/ngày; buộc tạm ngưng hoạt động nhiều DN tái vi phạm môi trường nghiêm trọng; thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư nhiều dự án cải tạo hạ tầng xử lý chất thải… Những giải pháp này đã và đang dần tạo nên những chuyển biến mới trong việc cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, để tăng tính khuyến khích, từng bước phát huy tính tự giác của DN trong việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, UBND TPHCM đã triển khai chương trình trao giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những DN thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường.

Mặt khác, thông qua hình thức tôn vinh sẽ giúp cộng đồng nhận diện rõ hơn đâu là DN xanh và sản phẩm mà họ sản xuất ra. Từ đó, có chính sách kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp.

Tạo sự hỗ trợ đa chiều cho doanh nghiệp

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường của Sở TN-MT TPHCM Hà Dũng cho biết, giải thưởng Doanh nghiệp xanh được UBND TPHCM triển khai từ năm 2006. Cho đến nay, giải thưởng đã được cải cách nhiều lần nhằm phù hợp hơn với yêu cầu thực tế. Một trong những cải cách được đánh giá cao nhất là kết hợp hình thức khen tặng danh hiệu Doanh nghiệp xanh với vận động cộng đồng ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của DN đạt chứng nhận này.

Cụ thể, vào tháng 12 hàng năm sau khi xét tuyển hồ sơ đăng ký của DN xanh, thực hiện thẩm định thực tế đối chiếu với thông tin hồ sơ đăng ký, hội đồng chấm giải sẽ chọn ra những DN tiêu biểu trao chứng nhận Doanh nghiệp xanh. Kế đến, tháng 6 hàng năm, ban tổ chức sẽ tổ chức chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh. Chiến dịch được thực hiện xuyên suốt một tháng.

Theo đó, những thông tin thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và sản phẩm của DN xanh sẽ được thông qua tình nguyện viên đưa đến cho cộng đồng. Các tình nguyện viên sẽ trực tiếp đến từng khu phố, từng hộ dân để vận động cộng đồng ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của DN xanh.

Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc thường trực Sở Công thương, khẳng định, cách làm trên cũng là hình thức phát huy quyền của người tiêu dùng. Nếu đẩy mạnh được hoạt động này, góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng sẽ rất có lợi cho việc cải thiện chất lượng môi trường sống. Khi người dân chỉ chọn sản phẩm của các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường thì chắc chắn sẽ buộc các DN phải tự hoàn thiện mình để sản xuất xanh, sạch và thân thiện với môi trường hơn để được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Và nếu ngày càng có nhiều DN xanh như thế thì rõ ràng là môi trường sống sẽ xanh hơn, an toàn hơn cho sức khỏe của cộng đồng.

Ông Hà Dũng cũng cho biết thêm, ngoài việc thẩm định và chứng nhận DN đạt tiêu chí giải thưởng Doanh nghiệp xanh, từ năm 2012 trở đi, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ, tư vấn giúp DN hoàn thiện hơn khâu bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để họ thực hiện tốt luật bảo vệ môi trường và hướng tới đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh.

Trên thực tế, Bộ Y tế đã đưa ra con số cảnh báo khi mỗi năm nước ta có khoảng 20.000 người chết vì bệnh ung thư do tiếp xúc phải nguồn thải ô nhiễm. Và nếu tình trạng suy thoái môi trường hiện nay không sớm được ngăn chặng thì khó để kiểm soát được vấn đề an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Ông Doug Baillie nhấn mạnh thêm, thế giới hiện đại ngày nay đang phải đối mặt: dân số tăng lên chóng mặt, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khí hậu biến đổi nhanh, thiếu lương thực, bệnh tật do sử dụng nguồn nước ô nhiễm, ý thức vệ sinh kém…

Đồng thời, đặt ra một bài toán cho tất cả mọi người, từ chính phủ đến các DN, cần tìm một mô hình phát triển mới cân bằng được lợi ích kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, không chỉ buộc các chính phủ và DN hành động kịp thời, mà còn là vấn đề mà cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ – những người chủ tương lai củađất nước cần ý thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

(sggp.org.vn)

Các Bài Viết Liên Quan => Quỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh Vay Tiềnsản xuất sạch hơnBảo lãnh

Công nghệ xanh: Chiến lược lợi nhuận mới cho DN

Với khả năng tăng năng suất, tiết kiệm vòng đời sản phẩm, tăng tính bền vững và những chính sách ưu đãi từ chính phủ, ngày càng có nhiều công ty trên thế giới áp dụng công nghệ xanh vào sản xuất, không chỉ nhằm bảo vệ môi trường, mà nhằm gia tăng tối đa lợi nhuận.

General Electric đang áp dụng các mô hình công nghệ xanhCôngThương –

Bài học từ cửa hàng hamburger lớn nhất Thụy Sỹ. Mọi người thường cho rằng những lời kêu gọi hướng tới một “hành tinh xanh, kinh tế xanh” chỉ đến từ những chính trị gia hay những tổ chức bảo vệ môi trường. Nhưng trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp, từ nhỏ đến lớn, bắt đầu áp dụng công nghệ xanh vào hoạt động của mình để hướng tới một mô hình bền vững với lợi nhuận cao hơn.

Max Burgers – chuỗi cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng của Thụy Sỹ, đã bắt đầu thực hiện các chính sách “xanh” cùng với chiến dịch kinh doanh của mình từ năm 2006. Cửa hàng chỉ mua duy nhất năng lượng từ sức gió và bù đắp toàn bộ lượng CO2 mình thải ra bằng cách trồng một lượng cây tương đương tại Uganda. Cửa hàng cũng đưa ra những chính sách để cắt giảm bớt 20% lượng điện tiêu thụ.
Đến năm 2008, Max đưa thêm nhãn CO2 vào trong thực đơn của mình, với thông số chính xác về lượng CO2 trong từng gói khoai chiên hay trong mỗi món ăn. Cửa hàng cũng đồng thời đưa ra cảnh báo về việc sản xuất thịt bò trong các loại burger tạo ra lượng CO2 cao gấp 5 lần so với các loại burger chay và 6 lần so với sandwich cá. Bằng những chỉ báo này, cửa hàng hy vọng khách hàng sẽ có những lựa chọn phù hợp hơn.

Max là doanh nghiệp đầu tiên đưa nhãn CO2 vào thực đơn, với thông số chính xác về lượng CO2 để khách hàng lựa chọn

Và họ đã thành công. Khách hàng khi tới Max Burgers bắt đầu lựa chọn những loại burger không có thịt bò còn doanh số các loại burger ít tạo ra CO2 hơn tăng 16%. Nhờ vào chiến lược này, Max Burgers đã tăng trưởng mạnh.
Từ năm 2005 đến năm 2011, Max đã mở thêm 45 cửa hàng mới và tăng gấp đôi thị phần tại Thụy Sỹ. Năm 2008 – năm mà cửa hàng thêm nhãn CO2 vào trong thực đơn của mình – Max trở thành chuỗi cửa hàng burger được nhiều người tìm đến nhất Thụy Sỹ, vượt qua Mc Donald bất chấp việc Mc Donald có số lượng cửa hàng nhiều gấp 3 lần Max tại Thụy Sỹ.
Những sáng kiến xanh thực sự đem lại lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh cho công ty. Theo một cuộc điều tra của Mindshare, những sáng kiến xanh đã tăng cường lòng trung thành của khách hàng đối với sản phẩm của Max, đồng thời tăng thêm 27% lượng khách trong giai đoạn từ 2007 – 2009. Thêm vào đó, họ còn thu về những khách hàng mới. Những người ăn chay giờ đây cũng tìm đến Max burger để thưởng thức Greenburgare, salad đậu hay sữa dâu lắc.
Với lợi nhuận hàng năm lên đến 16%, Max trở thành một trong những cửa hàng có lợi nhuận cao nhất nước. Hiện tại, cửa hàng này đang mở rộng dịch vụ sang Nauy và các quốc gia thuộc EU.
Chiến lược sử dụng công nghệ xanh
Max Burgers không phải là doanh nghiệp duy nhất triển khai các chiến lược xanh vào trong sản phẩm của mình. Nhìn thấy lợi nhuận cũng như khả năng phát triển bền vững từ việc áp dụng công nghệ xanh, nhiều công ty lớn trên thế giới cũng đang áp dụng các mô hình tương tự. Chẳng hạn như General Electric (GE). Kể từ năm 2006, công ty này đã bán được 12 tỉ USD sản phẩm có lợi cho môi trường (bao gồm cả pin mặt trời). GE cũng đang tiến hành làm sạch con sông Hudson mà mình từng làm ô nhiễm.
Starbucks cũng là một ví dụ điển hình. Bằng việc sử dụng cốc café bằng giấy tái chế từ năm 2006, hãng café này đã giúp giảm 78000 cây bị chặt mỗi năm. Công ty này cũng có liên kết với nhiều tổ chức môi trường trong nỗ lực thực hiện các hoạt động có ích cho cộng đồng.
Ngoài ra, còn vô số những thương hiệu nổi tiếng khác như Walmart, Bank of America, Coca-cola, Toyota, Dell, HP,… đang áp dụng những công nghệ xanh ngày càng nhiều vào trong chiến lược phát triển của mình.
Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều vốn mới có thể áp dụng công nghệ xanh vào trong sản phẩm của mình. Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng nhận ra rằng, việc sử dụng công nghệ xanh có thể tốn một khoản tiền đầu tư cao hơn một chút so với công nghệ thông thường, nhưng lại giúp tiết kiệm một khoản tiền lớn trong thời gian dài, tăng cường sản xuất và tính bền vững của thị trường nếu áp dụng đúng cách.
Randal Palach, CEO của NextEnergy, một doanh nghiệp nhỏ tại Detroit cho biết, công ty của ông đã áp dụng những phương pháp xanh ngay từ khi bắt đầu hoạt động, thay vì chuyển đổi từ từ như nhiều công ty khác. Mặc dù chi phí ban đầu có vẻ cao hơn, nhưng những chi phí về sau ngày càng thấp và tiết kiệm hơn.
Thêm vào đó, tại nhiều quốc gia những doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh vào trong hoạt động sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của chính phủ. Ở Mỹ, doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh sẽ được gia hạn 5 năm để hoàn vốn theo chương trình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh.
Palach thống kê, nếu một doanh nghiệp nhỏ sử dụng thiết kế xanh và năng lượng mặt trời, chi phí có thể cao hơn khoảng 50%. Doanh thu về cũng không thể nhảy vọt ngay lập tức, tuy nhiên, vòng đời của công nghệ xanh sẽ tự hoàn trả lại vốn đầu tư ban đầu. Trong khi đó, công nghệ cũ có thể sẽ khiến doanh nghiệp nhỏ phải trả tốn thêm tới 75% chi phí bảo hiểm.
“Nếu nhìn vào chi phí theo từng tháng thì nó có vẻ cao hơn, nhưng chi phí quay vòng lại thấp hơn, và giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều tiền. Đó là cách thu hồi vốn đầu tư hiệu quả nhất. Thêm vào đó, di chuyển theo mô hình xanh không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn tăng cường chất lượng cuộc sống của nhân viên”, Palach nói.
“Công nghệ xanh” (Green Technology) dùng để chỉ sự áp dụng các kiến thức khoa học vào trong thực tế của đời sống trước cơ ô nhiễm toàn cầu, tạo dựng và tiêu dùng năng lượng qua chiều hướng phát thải phế thải không độc hại hay ít độc hại ngõ hầu hạn chế được vấn nạn hâm nóng toàn cầu hiện tại.
Công nghệ xanh bao gồm:
– Phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường (friendly), không làm tổn hại đền nguồn tài nguyên thiên nhiên hay ảnh hưởng nguy hại đến những thế hệ tương lai.
– Tạo dựng một chu trình kín trong sản xuất, nghĩa là phế phẩm của một quy trình sẽ là nguyên liệu của một quy trình sản xuất khác.
– Giảm thiểu tối đa phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái tạo sản phẩm cũ thành nguyên liệu mới.
– Trong nông nghiệp, sáng tạo công nghệ mới thay vì sư dụng phân bón và hoá chất.
– Công nghệ xanh đòi hỏi cần phải sử dụng năng lượng hợp lý hoặc giảm thiểu hầu bảo vệ mội trường thiên nhiên.
– Hóa học xanh cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc giải quyết công nghệ xanh.

Anh nông dân kiêm nhà công nghệ xanh

Một người nông dân Trung Quốc đã cống hiến 30 năm cho nghiên cứu khoa học. Ông tin rằng trong tương lai, năng lượng xanh sẽ ứng dụng rộng rãi.

Ding Jiangshan bên cạnh chiếc máy quét tự động chạy bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: ChinaDaily.

Ông Ding Jiangshan, 56 tuổi, mới tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng ông được nhiều người biết đến “như một nhà phát minh sáng chế” của thị trấn Hongguang, quận Helan, khu tự trị Ningxia Hui, tây bắc Trung quốc.

Năm 1990, sau 8 năm thử nghiệm, ông Ding được nhà nước cấp mộtbằng sáng chế với sản phẩm kết hợp máy gặt đập liên hợp gắn trên máy kéo. Thành tích này giúp ông có thêm động lực phát minh ra thiết bị khác như khác máy quét tự động bằng năng lượng mặt trời,xe chạy bằng điện và xe đạp thể dục có thể tạo ra điện.
Nguồn thu nhập của gia đình ông Ding chủ yếu từ nghề nông nghiệp và cửa hàng tạp hóa nhỏ. Ông từng từ bỏ niềm đam mê khoa học trong thời gian dài do không có kinh phí và phản đối của gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính phủ nước này đã có nhiều chính sách thúc đẩy nguồn năng lượng mới và công nghệ xanh, điều đó đã nhen nhóm lại niềm đam mê về phát minh khoa học trong ông.
Ông đã thực hiện ước mơ của mình bằng việc vay 500.000 nhân dân tệ (khoảng 78.500 USD) để mở công ty theo hướng phát triển các phương tiện sạch cho ngành công nghiệp du lịch.
“Công nghệ xanh thân thiện với môi trường là xu hướng lớn. Ước mơ lớn nhất của tôi là áp dụng phát minh của mình vào cuộc sống hàng ngày cho mọi người dân”, ông Ding Jiangshan nói.

 tinmoi.vn

Tiếp tục hành trình 1 triệu cây xanh tại trường học

Khoảng 150 cây xanh được các đại biểu, thầy cô và học sinh trường trung học phổ thông Chuyên Hà Nội Amsterdam, thành phố Hà Nội, trồng tại khuôn viên của trường vào ngày 22/10.

​Phát biểu tại buổi lế phát động trồng cây tại trường trung học phổ thông Chuyên Amstesdam, bà Lê Thị Oanh, phó hiệu trưởng cho biết, Chương trình trồng cây xanh tại trường nhằm mục đích gia tăng số lượng cây xanh, tạo không gian xanh xung quanh sân trường, đồng thời tạo cơ hội thiết thực cho các em học sinh đóng góp sức mình trong việc trồng và bảo vệ cây xanh, từ đó nâng cao ý thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho các em học sinh.

Ngay sau khi trồng tại trường trung học phổ thông chuyên Hà Nội Amstesdam, Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam sẽ tiếp tục trồng thêm 110 cây tại trường Phổ thông trung học Lương Thế Vinh, Hà Nội. Sau đó chương trình tiếp tục hành trình trồng cây tại thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác trên toàn quốc.

Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam do Tổng cục Môi trường (VEA) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và nhãn hàng nước giải khát Vfresh thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk phát động.

Trước đó, chương trình cũng đã triển khai trồng cây tại xa lộ Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh trồng rừng ngập mặn ở thành phố Hạ Long; trồng cây ở trường học Lương Thế Vinh, thành phố Hà Nội; trồng cây tại khu vực Âu Thuyền và cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; trồng tại huyện Tân Phước và khôn viên Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác của tỉnh Tiền Giang.

Theo ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông môi trường, Tổng cục Môi trường, Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam là hoạt động nhằm hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc đẩy mạnh trồng, quản lý và bảo vệ cây xanh để cải thiện chất lượng môi trường không khí tại các đô thị, vừa thực hiện chủ trương lớn của Đảng và nhà nước, vừa hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh công tác trồng cây xanh.

Trong năm 2012, công ty Vinamilk đóng góp cho Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam bằng việc trích 50 đồng trên mỗi sản phẩm Nước giải khát Vfresh của Vinamilk bán ra với tổng số tiền cam kết tối thiểu trích là 3 tỷ đồng./

 Theo vea.gov.vn

Centec Việt Nam: Cầu nối “xanh” cho sự hợp tác bền vững

Trong thời gian qua, trước những thách thức từ các vấn đê môi trường, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để phát triển bền vững. Chia sẻ với Việt Nam, hơn 40 năm qua, Thụy Điển đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác BVMT và phát triển bền vững đất nước. Hiện nay, mối quan hệ giữa 2 nước đã chuyển sang giai đoạn mới: Hợp tác bình đẳng dựa trên lợi ích song phương. Trung tâm Hợp tác Công nghệ Môi trường Việt Nam – Thụy Điên (Centec Việt Nam) ra đời, là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ hợp tác 2 quốc gia về môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu.

 Hertzman: Cen-tec là Dự án của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nhằm tiếp tục duy trì, tăng cường quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực môi trường, năng lượng và biến đổi khí hậu. Từ năm 2007, Chính phủ Thụy Điển đã thông báo, các gói hỗ trợ song phương cho Việt Nam sẽ kết thúc vào tháng 12/2013. Trước khi nguồn viện trợ kết thúc, từ 2009 – 2013 là giai đoạn chuyển tiếp để đưa mối quan hệ Việt Nam và Thụy Điển từ nhà tài trợ – nhận tài trợ, sang một mối quan hệ bình đẳng hơn. Năm 2011, để hỗ trợ Thụy Điển duy trì mối quan hệ họp tác với Việt Nam trong công tác BVMT, Tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) đã quyết định thành lập Centec.

Kể từ khi thành lập, với vai trò là cầu nối, Centec đã tích cực giới thiệu những công nghệ và giải pháp quản lý môi trường của 2 nước; Mở ra những cơ hội hợp tác có lợi cho cả 2 bên đối tác; Chia sẻ các giải pháp mang tính hệ thống và tổng thể, hướng đến mục tiêu quản lý môi trường bền vững. Centec đã hỗ trợ đắc lực cho quá trình xây dựng mối quan hệ bền vững và lâu dài giữa các đối tác Việt Nam với các đối tác Thụy Điển, đồng thời, giúp quan hệ đó tiếp tục phát triển sau năm 2013 khi Dự án kết thúc.

PV: Xin ông cho biết, những hoạt động mà Centec đã triển khai trong thời gian qua và kết quả của những hoạt động này?

Ông Tomas Hertzman: Cen-tec đã nghiên cứu, lập kế hoạch, triển khai dự án, tổ chức hội thảo, thiết kế các chương trình hợp tác song phương, hỗ trợ quá trình chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Các hoạt động của Centec giúp tạo lập và duy trì mạng lưới hợp tác, tập trung vào 3 nhóm: Khối cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu/trường đại học và doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp là đối tượng chủ chốt.

Năm 2011, Centec cùng Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức thành công Hội thảo “Hành Trình Xanh 2011” tại 5 thành phố: Đà Nang, Hội An, Quy Nhơn, Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh, qua đó, khẳng định vai trò cầu nối quan trọng, thúc đẩy quan hệ họp tác giữa 2 nước về môi trường. Đồng thời, mở ra cơ hội để các bên trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, xây dựng dự án và tìm nguồn tài chính hỗ trợ thực hiện dự án. Những giải pháp về xử lý nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh, tận dụng chất thải, rác thải làm nguồn năng lượng sinh học… đã được đưa ra tại các buổi Hội Thảo. Ngoài ra, Centec còn hợp tác với một số cơ quan truyền thông đại chúng để giới thiệu các công nghệ và giải pháp xanh, sạch của Thụy Điển đến với công chúng. Bên cạnh đó, Centec cũng liên kết với Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam để cung cấp thông tin cho các nhà quy hoạch, kiến trúc sư về mô hình thành phố bền vững Symbio City của Thụy Điển. Hơn 1 năm qua, Centec đã triển khai được một số dự án xử lý chất thải, nước thải đô thị, xử lý đất nhiễm dioxin. Đặc biệt, Centec đã kết nối để thực hiện thành công 5 dự án: Dự án giáo dục về phát triển bền vững, môi trường và biến đổi khí hậu giữa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Uppsala -Thụy Điển; Diễn đàn hợp tác kinh doanh công nghệ sạch giữa Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội và Mạng lưới Kinh doanh bền vững Thụy Điển; Dự án hợp tác xử lý dioxin tại Việt Nam giữa Công ty Cleantech, Công ty VITTEP (Việt Nam) với Công ty DGE, Đại học Umea (Thụy Điển); Dự án kết nối về môi trường và phát triển bền vững giữa TP. Đà Nẵng và TP. Boras, TP. Linkping. Thông qua những dự án này, đối tác của 2 nước đều nhìn thấy những triển vọng tốt đẹp, được tư vấn những giải pháp, phương thức kinh doanh hiệu quả, để góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước trong lĩnh vực môi trường.

 PV: Trong quá trình hoạt động, Centec có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông? Xin ông cho biết, định hướng của Centec trong thời gian tới?

Ông Tomas Hertzman: Để triển khai các hoạt động đạt hiệu quả, Centec có một số thuận lợi. Cụ thể, về mặt tài chính, Centec và các bên đối tác được hỗ trợ một khoản kinh phí cho các dự án thông qua một số cơ chế hỗ trợ của phía Thụy Điển: Chương trình hợp tác đối tác Việt Nam – Thụy Điển (PDC), với 3 triệu cua-ron (SEK) Thụy Điển; Chương trình dự án thử nghiệm về môi trường, với gói hỗ trợ gần 2 triệu SEK; Chương trình kinh doanh phục vụ cho phát triển (B4D), với 1,8 triệu SEK. Cùng với những nguồn hỗ trợ khác từ Trung tâm hợp tác quốc tế phát triển địa phương (ICLD) và các khoản vay phục vụ cho hoạt động liên doanh, liên kết sử dụng công nghệ của Thụy Điển. Đặc biệt, các hoạt động của Centec đều nhận được sự ủng hộ của Chính phủ 2 nước, sự tham gia tích cực của các bên, góp phần mang đến sự thành công cho các dự án. Đó là nguồn động lực lớn, thúc đẩy các hoạt động họp tác ngày càng phát triển. Tuy nhiên, Centec cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vói doanh nghiệp Việt Nam, thuyết phục họ sử dụng công nghệ của Thụy Điển. Còn với các công ty của Thụy Điển, do chưa nhìn thấy thị trường tiềm năng của Việt Nam và không phải dễ dàng để thuyết phục họ tin tưởng vào điều đó.

Hiện nay, mục tiêu của Centec là tập trung vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Centec đang tìm kiếm đối tác Việt Nam để xúc tiến đầu tư với đối tác Thụy Điển trong lĩnh vực biogas, năng lượng mặt trời, xử lý nước ngầm, chất thải điện tử, khử nước bùn thải. Đồng thời, Centec cũng đang tìm kiếm những đối tác phía Thụy Điển để đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực viên nén năng lượng, xử lý nước thải, chất thải nguy hại và quy hoạch đô thị. Vào tháng 8/2012, Centec sẽ triển khai Chương trình Hành trình xanh 2012 tại Thụy Điển để giới thiệu về thị trường Việt Nam và nhu cầu hợp tác của Việt Nam về môi trường và năng lượng. Sau đó, Centec sẽ tổ chức Hội thảo quốc gia về khí sinh học tại 2 thành phố: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng quan hệ hợp tác giữa 2 nước về ứng dụng và phát triển khí sinh học trong đời sống. Chúng tôi hy vọng rằng, các chương trình, hoạt động sắp tới của Centec sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, góp phần củng cố mối quan hệ bền vững giữa 2 quốc gia vì một màu xanh cho những thế hệ mai sau.

PV: Xin cảm ôn ông!

 Theo vea.gov.vn

Khai thác bền vững đồng cỏ bàng lớn nhất ĐBSCL

Sau 8 năm triển khai thực hiện, dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang ngày càng phát huy hiệu quả tích cực về bảo vệ môi trường sinh thái và cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer trong vùng.

[ Kiên Giang: Sếu đầu đỏ về lại đồng cỏ Phú Mỹ ]

Dự án có tổng vốn đầu tư 500.000 USD do Hội Sếu quốc tế tài trợ và 300 triệu đồng đối ứng của tỉnh Kiên Giang.

Hiệu quả dự án là bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ tự nhiên lớn nhất còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sếu đầu đỏ (sếu cổ trụi), một loài chim quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới, vì số lượng hiện còn quá ít, khoảng 800-1.100 con.
Ông Hà Trí Cao, Điều phối viên dự án này cho biết: “Dự án đã bảo vệ được 1.200ha đồng cỏ, rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60ha và trồng mới 20ha cỏ bàng. Môi trường sinh thái ổn định và bền vững, trở thành nơi cư ngụ quan trọng cho sếu đầu đỏ bay về, từ khoảng 6 con vào năm 2003, đến nay đàn sếu có hơn 237 con, được các tổ chức môi trường thế giới đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, đồng cỏ bàng không những là nguồn nguyên liệu để duy trì, phát triển nghề đan đát truyền thống của địa phương mà còn giúp người dân ở đây cải thiện, nâng cao đời sống, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trong vùng dự án chiếm hơn 95%.”
Theo đó, làng nghề đan đát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Phú Mỹ đã tạo hơn 500 mẫu sản phẩm đẹp, chất lượng giới thiệu cho khách hàng, trong đó có nhiều mẫu mã làm theo yêu cầu của các công ty xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sản phẩm đan đát từ cỏ bàng như các loại giỏ, khay, thùng, chiếu, đệm, nón, có mặt ở thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới là Nhật, Hong Kong, Mỹ, Canada, Italy, Australia, Thụy Sĩ, Chile, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương tham gia hoạt động của dự án và nhiều lao động phụ khác. Dự án đã đào tạo trên 500 công nhân thành thạo kỹ thuật đan giỏ xách, nón, may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với mức thu nhập 1,8-4 triệu đồng/người/tháng.
Khoảng 300 hộ dân, với gần 1.000 lao động trong vùng dự án nhờ bán nguyên liệu cỏ bàng, cung cấp các sản phẩm dệt tại nhà như: đệm, chiếu… thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả có ý nghĩa lớn nhất của dự án Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ là đồng bào dân tộc Khmer ở đây đã được tổ chức thành tổ, nhóm có tay nghề đan đát cao, ý thức kỷ luật tốt.
Thông qua dự án, đồng bào dân tộc Khmer tiếp thu tốt các chủ trương, chính sách và thấy rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, hiệu quả của dự án là kinh phí đầu tư không nhiều, nhưng cùng lúc kết hợp được việc phát triển kinh tế của người dân với bảo tồn thiên nhiên; gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới.
Hiện nay, nhiều đoàn khách, các nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm đến môi trường và sinh viên của nhiều trường đại học trên thế giới tìm đến Phú Mỹ để xem sếu đầu đỏ và tham quan làng nghề đan đát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi cho các chương trình phát triển du lịch và tiếp cận nhà đầu tư của tỉnh Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long./.

Theo baomoi.com

Đưa công nghệ xanh vào sản xuất: Cuộc chiến dài hơi

KTĐT – Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp đang là vấn đề nan giải, gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệpvi phạm

Trong thời gian qua, nhiều vụ vi phạm môi trường xảy ra nổi cộm. Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, các đoàn thanh tra của Sở kiểm tra, phát hiện 50 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 1 tỉ đồng. Mới đây, Công ty TNHH Hệ thống Công nghiệp LS-VINA (trụ sở tại thị trấn Đông Anh) phải chịu mức phạt 100 triệu đồng vì vi phạm về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp này có hành vi không phân loại chất thải nguy hại; không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bồn, thùng chứa, bao bì chuyên dụng… Trước đó, tại Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm, Công ty cổ phần sản xuất nhãn mác và phụ liệu dệt may Thanh Bình và Công ty TNHH Huy Thành, cũng bị xử phạt vì vi phạm về bảo vệ môi trường.

Ở các địa phương trên cả nước, hàng loạt doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường bị phát giác. Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an tại TP. HCM phát hiện, xử lý 7 doanh nghiệp tư nhân, công ty vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại Đà Nẵng, vẫn còn 3/6 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, 14% doanh nghiệp chưa xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua kiểm tra ngẫu nhiên ở 90 doanh nghiệp, phát hiện 100% doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó có 90% doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình. Doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường tai tiếng nhất ở Việt Nam có thể phải kể đến Công ty Vedan (Đồng Nai). Ngay sau khi phát hiện, Vedan đã bị kiện, bị tẩy chay và cuối cùng phải chấp nhận bồi thường 220 tỉ đồng cho hành vi của mình.

Giải pháp nào?

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã và đang từng bước chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua các giải pháp giảm phát thải ngay từ đầu nguồn thay vì xử lý cuối nguồn hoặc xả thẳng ra môi trường. Với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, phần lớn các doanh nghiệp FDI đều chủ động áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Tại các doanh nghiệp trong nước, bên cạnh nhiều tổng công ty lớn của nhà nước chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp làng nghề cũng đã nâng cao nhận thức trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua thay đổi phương thức sản xuất và đổi mới công nghệ. Điển hình là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, đa số các hộ dân chủ động chuyển đổi từ lò nung gốm đốt than sang đốt gas, nhờ vậy mỗi năm tiết kiệm được khoảng 3.000 tấn dầu quy đổi và giảm phát thải trên 12.000 tấn khí CO2.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra một số đề xuất giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường. Trước hết, Nhà nước cần cho áp dụng các loại phí và lệ phí theo pháp lệnh, như phí nước thải, rác thải, phí gây ô nhiễm không khí, phí gây tiếng ồn… Số tiền thu được cần qui định là nguồn thu của quĩ môi trường để hỗ trợ các hoạt động cải thiện môi trường. Thứ hai, Nhà nước cần áp dụng chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm nhất định cho các dự án đầu tư cải thiện môi trường sản xuất ở doanh nghiệp. Thứ ba, cần có cơ chế hỗ trợ vốn thích hợp cho các doanh nghiệp thông qua quĩ môi trường. Do đó, đề nghị sớm thành lập quĩ môi trường quốc gia và hoàn thiện mô hình hoạt động của các quỹ môi trường địa phương. Ngoài ra, có thể đưa ra điều kiện ràng buộc miễn giảm thuế gắn với việc hợp lý hóa được sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến hay công nghệ sạch hơn ngay tại doanh nghiệp.

baomoi.com

Tìm giải pháp môi trường ở làng nghề Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội

IRV – Thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội giờ đây đã có nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên nhờ vào nghề cơ khí. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, đằng sau những cơ ngơi khang trang đó, là tiếng ồn, nước thải, bụi từ các cỗ máy phay, dập, cắt, đột…

Rác thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp… thải thẳng ra mương nước, đồng ruộng khiến môi trường ngày càng thêm “cằn cỗi”.

Sống chung với ô nhiễm, tiếng ồn
Xã Thanh Thùy thuộc huyện Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, xã có 6 thôn, thì có tới 5 thôn làm nghề cơ khí, một thôn làm nghề điêu khắc. Năm 2010, xã đạt doanh thu 80,486 tỷ đồng, trong đó 83,5 % là từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Từ những năm 2000 xã có chủ trương thành lập điểm công nghiệp và đến năm 2006- 2007 lô 1 của điểm công nghiệp đã được cho các hộ làm nghề trong làng thuê để sản xuất.

Đến xã Thanh Thùy vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng rất dễ nhận làng làm nghề cơ khí bởi những âm thanh chát chúa, đinh tai nhức óc phát ra từ các máy phay, dập, cắt kim loại không lúc nào ngừng. Con đường làng nhỏ bé mà không khí lúc nào cũng như một đại công trường lớn. Anh Chính trưởng thôn Rùa Hạ cho biết, người dân ở đây đã sống chung với bụi, tiếng ồn và nước thải từ các cơ sở mạ kim loại từ rất lâu rồi, đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ cấp trên đưa xuống nhưng kết quả chưa được là bao, khổ nhất là các cháu nhỏ, tiếng ồn phát ra suốt ngày đêm nên không sao mà học được.

Các xưởng mạ trong làng chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ nên sản phẩm và nguyên vật liệu bày bừa bãi ra cả lòng lề đường.

Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch xã Thanh Thùy cho biết, do làng nghề phát triển tự phát nên các xưởng sản xuất nằm ở ngay trong chính hộ gia đình đó. Vì thế nước thải, đặc biệt là nước thải từ các hộ làm mạ giữa làng thải thẳng ra mương nước, cống tiêu, chảy ra ruộng lúa khiến những ruộng lúa đang xanh tốt bỗng nhiên lùn lại, hạt không chắc được và chết dần.

Còn theo anh Chính trưởng thôn Rùa Hạ thì những nơi đất canh tác bị nhiễm nguồn nước thải từ các xưởng mạ còn bị chai và phải bỏ cho cỏ mọc vì không trồng được loại cây gì. Phần ruộng trước cổng vào thôn Rùa Hạ và khu vực giữa làng, nơi tập trung các xưởng mạ. Không những thế rác thải công nghiệp thải ra từ các nhà xưởng và rác thải sinh hoạt của hầu hết các thôn trong xã chưa có chỗ đổ tập trung, vứt tuỳ tiện ra cống, mương máng, đường đi… gây mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây ô nhiễm
Khi chúng tôi hỏi về giải pháp của xã và làng nghề về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, Ông Lê Văn Cảnh Chủ tịch xã cũng thừa nhận, hiện giờ các xưởng sản xuất nhỏ lẻ trong xã vẫn thải trực tiếp nước thải và rác thải công nghiệp ra ao, hồ, ruộng đồng xung quanh làng, xã. Thậm chí, tại điểm công nghiệp của xã vẫn chưa có khu xử lý chất thải riêng đảm bảo tiêu chuẩn… rác thải của các hộ sản xuất tại điểm công nghiệp, vẫn thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Ông Cảnh cũng cho biết thêm, cả xã có khoảng 1400 hộ sản xuất cơ khí, tiểu thủ công nghiệp thì tới nay mới có khoảng 40 hộ sản xuất lớn, có quy mô chuyển vào hoạt động tại điểm công nghiệp, số còn lại vẫn sản xuất ngay trong xã gây bức xúc cho người dân.

Thêm nữa, máy móc cũ kỹ, tiếng ồn nhiều cũng là một nguyên nhân khiến môi trường càng thêm ô nhiễm. Trong khi tai người bình thường chỉ nghe được tiếng ồn, độ ré của âm thanh ở mức từ 0- 130 db trong khoảng 10 phút, thì môi trường trong làng nghề lúc nào cũng trên con số đó gấp nhiều lần và diễn ra liên tục…

Máy móc cũ kỹ không chỉ năng suất thấp mà còn gây tiếng ồn lớn.

Mong muốn của xã
Khi chúng tôi hỏi về việc xã có mong muốn và đề xuất gì, ông Cảnh cho biết: Một là, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường xã mong muốn Huyện và Thành phố mở thêm vài điểm công nghiệp nữa để quy hoạch các hộ sản xuất lại, tiện cho việc quản lý và kinh doanh. Hai là, Xã cũng mong Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quan tâm và tổ chức các hội thảo và đề xuất các mô hình bảo vệ môi trường sống cho người dân. Ba là, Huyện, Thành Phố cho lập một quỹ khuyến công để từ đó dạy nghề, và hỗ trợ kinh phí cho các chủ hộ sản xuất đi học thêm các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề và bảo vệ môi trường. Vì hiện nay vấn đề an toàn lao động, nâng cao tay nghề người lao động và bảo hộ lao động đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Vì thế, UBND TP. Hà Nội, huyện Thanh Oai cần sớm có những chỉ đạo thiết thực, biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn nữa để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm đã tồn tại nhiều năm qua ở xã Thanh Thuỳ.

Mạnh Cường

Các Bài Viết Liên Quan => Quỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh Vay Tiềnsản xuất sạch hơnBảo lãnh

Sản xuất sạch hơn

sản xuất sạch hơn

IRV – Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 07 tháng 9 năm 2009 với mục tiêu phổ biến rộng rãi công cụ này vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất công nghiệp, đồng thời giảm thiểu chất thải và tác động của các cơ sở sản xuất đến môi trường và sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phương pháp luận sản xuất sạch hơn (SXSH) giống như đa phần các công cụ quản lý môi trường khác như hệ thống quản lý môi trường, kiểm toán môi trường, xuất phát từ các nước phát triển với nền sản xuất công nghiệp tiên tiến và nền văn hoá cơ bản khác với Việt Nam về cách suy nghĩ và quan niệm sống. Liệu đây có phải là rào cản đối với việc phổ biến công cụ này tại Việt Nam. 
Nội dung SXSH đã được phổ biến tại Việt Nam từ những năm 90 của thập kỷ trước bằng sự thành lập của Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam và nỗ lực của nhiều nhà tài trợ như Thuỵ Điển, Canada, Đan Mạch,… Mặc dù đã được trình diễn tại hàng trăm cơ sở sản xuất và lợi ích của nó đã được chứng minh trên thực tế, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mức độ lan toả của SXSH đã không được như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này. 
Các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước đã có một số nghiên cứu đánh giá về những yếu tố có thể được coi là rào cản của SXSH tại Việt Nam. Những rào cản này có thể được phân thành 04 loại hình chính: (1) chính sách của nhà nước, (2) động lực của cơ sở sản xuất, (3) rào cản về kỹ thuật và (3) rào cản về quản lý. 
Về vấn đề chính sách, mặc dầu đã có nhiều cố gắng và đã xây dựng được hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế tuân thủ đối với các quy định của nhà nước, do vậy, nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường. Ngoài ra nhiều nguồn lực đầu vào sản xuất (đặc biệt là nước và nhân công) của chúng ta còn quá rẻ so với nhiều nước nên các doanh nghiệp chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. 
Rào cản thứ hai, liên quan đến động lực của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền trong chính sách bảo vệ môi trường của nhà nước và cho rằng bảo vệ môi trường là việc của nhà nước. Quan điểm chờ đợi hỗ trợ của nhà nước trong các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có áp dụng SXSH còn tương đối phổ biến. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự hiểu lợi ích của SXSH đối với tính kinh tế của doanh nghiệp, mà đơn thuần cho rằng SXSH cũng tương tự như việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thường gây chi phí tăng thêm. 
Về mặt kỹ thuật, nhiều cơ sở sản xuất của ta còn tương đối yếu về kiểm toán và hạch toán nội bộ nên không đo đếm được mức chi phí của mình mất đi theo chất thải. Do vậy, không nhận thấy sự cần thiết áp dụng SXSH để giảm chất thải đồng thời giảm chi phí sản xuất. Việc phổ biến SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn của ta cũng thiếu về số lượng và chất lượng. Đặc biệt thiếu là các chuyên gia SXSH chuyên ngành. 
Mặc dù các rào cản trên là tương đối quan trọng, nhưng đã phần nào được xác định, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra có tác động khắc phục tích cực. Ví dụ, đối với rào cản chính sách, các cơ quan quản lý ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều nỗ lực trong việc cưỡng chế tuân thủ với pháp luật về bảo vệ môi trường, giá năng lượng và các tài nguyên khác cũng dần tăng lên khiến các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc nâng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bộ Công Thương thông qua Dự án ODA do Đan Mạch tài trợ cũng đang thực hiện nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ sở sản xuất và tăng cường bổ sung các chuyên gia tư vấn về SXSH sạch hơn. 
Loại hình rào cản từ trước đến nay chưa được chú ý nhiều đó là các rào cản mang tính quản lý bao gồm: (1) văn hoá doanh nghiệp, (2) sự phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của Việt Nam, và (3) kỹ năng quản lý của các chủ doanh nghiệp. Một cuộc điều tra đối với 04 nhóm đại diện bao gồm nhóm chuyên gia tư vấn về SXSH, nhóm cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến SXSH, nhóm doanh nghiệp đã áp dụng SXSH và nhóm doanh nghiệp chưa áp dụng SXSH để xác định đây có thực sự là rào cản và nếu là rào cản thì cần phải có những giải pháp gì để khắc phục đã được tiến hành. 
Qua lăng kính của các chuyên gia ngoài nước, người Việt Nam có quan điểm ngại thay đổi, do vậy, các doanh nghiệp do họ quản lý cũng phải chịu văn hoá quản lý “tĩnh”, kém linh hoạt trong việc đưa các công cụ quản lý mới vào áp dụng nếu thực sự không có áp lực từ bên ngoài hoặc động lực về lợi ích kinh tế, đặc biệt là với các công cụ môi trường. Kết quả điều tra cho thấy, đây là một nhận định có nhiều phần đúng và để khắc phục được rào cản này, nhà quản lý cần phải kết hợp giải pháp tăng áp lực từ cơ quan quản lý, đồng thời, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của SXSH không chỉ trên phương diện môi trường mà quan trọng hơn đó là lợi ích kinh tế đối với doanh nghiệp khi áp dụng SXSH. 
Nhận định về tính phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng SXSH là một giải pháp có tính quy trình, hệ thống, chủ động và liên tục trong khi các doanh nghiệp Việt Nam quen thuộc hơn với các giải pháp có tính nhiệm vụ, một lần, thiếu chủ động và ngắn hạn. Kết quả điều tra cho thấy nhận định trên phần nào có cơ sở và để SXSH phù hợp với Việt Nam, các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cần được Việt Nam hoá như điều chỉnh thuật ngữ cho gần gũi hơn với ngôn ngữ điều hành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam; cách mô tả các bước thực hiện cần đơn giản hoá. Đặc biệt kết quả điều tra cho thấy, cần có hướng dẫn riêng và cụ thể hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Đối với rào cản là kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp, tỷ lệ lớn những người tham gia điều tra đồng ý đây là một rào cản lớn. Sản xuất sạch hơn là một công cụ quản lý, để áp dụng doanh nghiệp trước hết cần phải có hệ thống quản lý tối thiểu, mặt khác, để đo được lợi ích của SXSH, chủ doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các dữ liệu sản xuất của mình, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có hệ thống lưu giữ dữ liệu sản xuất. Do vậy, việc nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất nói chung cho các doanh nghiệp là rất cần thiết để giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các phương thức quản lý mới, bao gồm cả SXSH. 
Như vậy qua nghiên cứu cho thấy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến các rào cản mang tính quản lý, từ đó, có biện pháp khắc phục nhằm phổ biến thành công SXSH tại Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. 

Bài viết dựa trên luận án Thạc sỹ quản trị kinh doanh quốc tế của tác giả tại Trường Quản lý, Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan.

Các Bài Viết Liên Quan => Quỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh Vay Tiềnsản xuất sạch hơnBảo lãnh