Tìm giải pháp môi trường ở làng nghề Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội

IRV – Thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội giờ đây đã có nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên nhờ vào nghề cơ khí. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, đằng sau những cơ ngơi khang trang đó, là tiếng ồn, nước thải, bụi từ các cỗ máy phay, dập, cắt, đột…

Rác thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp… thải thẳng ra mương nước, đồng ruộng khiến môi trường ngày càng thêm “cằn cỗi”.

Sống chung với ô nhiễm, tiếng ồn
Xã Thanh Thùy thuộc huyện Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, xã có 6 thôn, thì có tới 5 thôn làm nghề cơ khí, một thôn làm nghề điêu khắc. Năm 2010, xã đạt doanh thu 80,486 tỷ đồng, trong đó 83,5 % là từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Từ những năm 2000 xã có chủ trương thành lập điểm công nghiệp và đến năm 2006- 2007 lô 1 của điểm công nghiệp đã được cho các hộ làm nghề trong làng thuê để sản xuất.

Đến xã Thanh Thùy vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng rất dễ nhận làng làm nghề cơ khí bởi những âm thanh chát chúa, đinh tai nhức óc phát ra từ các máy phay, dập, cắt kim loại không lúc nào ngừng. Con đường làng nhỏ bé mà không khí lúc nào cũng như một đại công trường lớn. Anh Chính trưởng thôn Rùa Hạ cho biết, người dân ở đây đã sống chung với bụi, tiếng ồn và nước thải từ các cơ sở mạ kim loại từ rất lâu rồi, đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ cấp trên đưa xuống nhưng kết quả chưa được là bao, khổ nhất là các cháu nhỏ, tiếng ồn phát ra suốt ngày đêm nên không sao mà học được.

Các xưởng mạ trong làng chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ nên sản phẩm và nguyên vật liệu bày bừa bãi ra cả lòng lề đường.

Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch xã Thanh Thùy cho biết, do làng nghề phát triển tự phát nên các xưởng sản xuất nằm ở ngay trong chính hộ gia đình đó. Vì thế nước thải, đặc biệt là nước thải từ các hộ làm mạ giữa làng thải thẳng ra mương nước, cống tiêu, chảy ra ruộng lúa khiến những ruộng lúa đang xanh tốt bỗng nhiên lùn lại, hạt không chắc được và chết dần.

Còn theo anh Chính trưởng thôn Rùa Hạ thì những nơi đất canh tác bị nhiễm nguồn nước thải từ các xưởng mạ còn bị chai và phải bỏ cho cỏ mọc vì không trồng được loại cây gì. Phần ruộng trước cổng vào thôn Rùa Hạ và khu vực giữa làng, nơi tập trung các xưởng mạ. Không những thế rác thải công nghiệp thải ra từ các nhà xưởng và rác thải sinh hoạt của hầu hết các thôn trong xã chưa có chỗ đổ tập trung, vứt tuỳ tiện ra cống, mương máng, đường đi… gây mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây ô nhiễm
Khi chúng tôi hỏi về giải pháp của xã và làng nghề về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, Ông Lê Văn Cảnh Chủ tịch xã cũng thừa nhận, hiện giờ các xưởng sản xuất nhỏ lẻ trong xã vẫn thải trực tiếp nước thải và rác thải công nghiệp ra ao, hồ, ruộng đồng xung quanh làng, xã. Thậm chí, tại điểm công nghiệp của xã vẫn chưa có khu xử lý chất thải riêng đảm bảo tiêu chuẩn… rác thải của các hộ sản xuất tại điểm công nghiệp, vẫn thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Ông Cảnh cũng cho biết thêm, cả xã có khoảng 1400 hộ sản xuất cơ khí, tiểu thủ công nghiệp thì tới nay mới có khoảng 40 hộ sản xuất lớn, có quy mô chuyển vào hoạt động tại điểm công nghiệp, số còn lại vẫn sản xuất ngay trong xã gây bức xúc cho người dân.

Thêm nữa, máy móc cũ kỹ, tiếng ồn nhiều cũng là một nguyên nhân khiến môi trường càng thêm ô nhiễm. Trong khi tai người bình thường chỉ nghe được tiếng ồn, độ ré của âm thanh ở mức từ 0- 130 db trong khoảng 10 phút, thì môi trường trong làng nghề lúc nào cũng trên con số đó gấp nhiều lần và diễn ra liên tục…

Máy móc cũ kỹ không chỉ năng suất thấp mà còn gây tiếng ồn lớn.

Mong muốn của xã
Khi chúng tôi hỏi về việc xã có mong muốn và đề xuất gì, ông Cảnh cho biết: Một là, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường xã mong muốn Huyện và Thành phố mở thêm vài điểm công nghiệp nữa để quy hoạch các hộ sản xuất lại, tiện cho việc quản lý và kinh doanh. Hai là, Xã cũng mong Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quan tâm và tổ chức các hội thảo và đề xuất các mô hình bảo vệ môi trường sống cho người dân. Ba là, Huyện, Thành Phố cho lập một quỹ khuyến công để từ đó dạy nghề, và hỗ trợ kinh phí cho các chủ hộ sản xuất đi học thêm các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề và bảo vệ môi trường. Vì hiện nay vấn đề an toàn lao động, nâng cao tay nghề người lao động và bảo hộ lao động đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Vì thế, UBND TP. Hà Nội, huyện Thanh Oai cần sớm có những chỉ đạo thiết thực, biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn nữa để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm đã tồn tại nhiều năm qua ở xã Thanh Thuỳ.

Mạnh Cường

Các Bài Viết Liên Quan => Quỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh Vay Tiềnsản xuất sạch hơnBảo lãnh