Đưa công nghệ xanh vào sản xuất: Cuộc chiến dài hơi

KTĐT – Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp đang là vấn đề nan giải, gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệpvi phạm

Trong thời gian qua, nhiều vụ vi phạm môi trường xảy ra nổi cộm. Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, các đoàn thanh tra của Sở kiểm tra, phát hiện 50 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 1 tỉ đồng. Mới đây, Công ty TNHH Hệ thống Công nghiệp LS-VINA (trụ sở tại thị trấn Đông Anh) phải chịu mức phạt 100 triệu đồng vì vi phạm về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp này có hành vi không phân loại chất thải nguy hại; không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bồn, thùng chứa, bao bì chuyên dụng… Trước đó, tại Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm, Công ty cổ phần sản xuất nhãn mác và phụ liệu dệt may Thanh Bình và Công ty TNHH Huy Thành, cũng bị xử phạt vì vi phạm về bảo vệ môi trường.

Ở các địa phương trên cả nước, hàng loạt doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường bị phát giác. Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an tại TP. HCM phát hiện, xử lý 7 doanh nghiệp tư nhân, công ty vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại Đà Nẵng, vẫn còn 3/6 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, 14% doanh nghiệp chưa xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua kiểm tra ngẫu nhiên ở 90 doanh nghiệp, phát hiện 100% doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó có 90% doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình. Doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường tai tiếng nhất ở Việt Nam có thể phải kể đến Công ty Vedan (Đồng Nai). Ngay sau khi phát hiện, Vedan đã bị kiện, bị tẩy chay và cuối cùng phải chấp nhận bồi thường 220 tỉ đồng cho hành vi của mình.

Giải pháp nào?

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã và đang từng bước chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua các giải pháp giảm phát thải ngay từ đầu nguồn thay vì xử lý cuối nguồn hoặc xả thẳng ra môi trường. Với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, phần lớn các doanh nghiệp FDI đều chủ động áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Tại các doanh nghiệp trong nước, bên cạnh nhiều tổng công ty lớn của nhà nước chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp làng nghề cũng đã nâng cao nhận thức trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua thay đổi phương thức sản xuất và đổi mới công nghệ. Điển hình là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, đa số các hộ dân chủ động chuyển đổi từ lò nung gốm đốt than sang đốt gas, nhờ vậy mỗi năm tiết kiệm được khoảng 3.000 tấn dầu quy đổi và giảm phát thải trên 12.000 tấn khí CO2.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra một số đề xuất giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường. Trước hết, Nhà nước cần cho áp dụng các loại phí và lệ phí theo pháp lệnh, như phí nước thải, rác thải, phí gây ô nhiễm không khí, phí gây tiếng ồn… Số tiền thu được cần qui định là nguồn thu của quĩ môi trường để hỗ trợ các hoạt động cải thiện môi trường. Thứ hai, Nhà nước cần áp dụng chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm nhất định cho các dự án đầu tư cải thiện môi trường sản xuất ở doanh nghiệp. Thứ ba, cần có cơ chế hỗ trợ vốn thích hợp cho các doanh nghiệp thông qua quĩ môi trường. Do đó, đề nghị sớm thành lập quĩ môi trường quốc gia và hoàn thiện mô hình hoạt động của các quỹ môi trường địa phương. Ngoài ra, có thể đưa ra điều kiện ràng buộc miễn giảm thuế gắn với việc hợp lý hóa được sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến hay công nghệ sạch hơn ngay tại doanh nghiệp.

baomoi.com