Sản xuất sạch hơn trong chế biến thủy sản

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là giải pháp tối ưu giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Công nghiệp hóa nhanh chóng là một trong những yếu tố trọng điểm cho sự phát triển của nền kinh tế. Song song với sự bùng nổ là vấn đề ô nhiễm môi trường. Đó cũng là vấn đề xảy ra trong lĩnh vực chế biến thủy sản. Để giải quyết cả hai vấn đề này, Sở TN&MT TP.HCM hướng dẫn, khuyến khích đơn vị sản xuất đi theo mô hình SXSH.

Ý thức cá nhân đóng vai trò quan trọng

Trong chế biến thủy sản, tài nguyên sử dụng nhiều nhất là nước và điện. Đối với nước, các doanh nghiệp (DN) thường lấy từ nước giếng bơm hoặc nước máy. Tùy theo yêu cầu sản phẩm, loại nguyên liệu, dây chuyền công nghệ sản xuất, mức độ tự động hóa, điều kiện làm vệ sinh thiết bị, kỹ năng của người vận hành… mà lượng nước sử dụng sẽ khác nhau. Tại các nhà máy chế biến thủy sản, mức tiêu thụ tối ưu trung bình khoảng 30 m3/tấn thành phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế ít có DN nào đạt đến mức tiêu thụ lý tưởng như vậy.

Trong quá trình chế biến, tổn hao nước xảy ra khi công nhân sơ ý, lơ là để van mở khi không sử dụng. Nhiều vòi còn không gắn thiết bị khóa làm nước chảy tràn lan. Điều này dẫn đến lượng nước thải cũng tăng lên. Hơn nữa, do không được kiểm soát, bảo trì thường xuyên nên đường ống, van, co nối bị rò rỉ hay sử dụng thiết bị quá cũ, dụng cụ vệ sinh không hiệu quả… gây hao phí nước. Trong quá trình sơ chế, chúng ta thường sử dụng nước để rửa sạch sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn áp dụng một mô hình lạm dụng quá nhiều nước, dây chuyền không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

 Quy trình sản xuất hợp lý trong thủy sản sẽ giúp tăng năng suất và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ảnh: INTERNET

Để tháo gỡ vấn đề này, chủ DN cần nâng cao ý thức tiết kiệm cho công nhân. Chúng ta có thể đầu tư lắp đồng hồ nước theo dõi để kịp thời phát hiện thất thoát, gắn van tại đầu vòi để thuận tiện cho thao tác đóng mở. Chuyên viên kỹ thuật bảo dưỡng nhà máy cần có các thiết bị phù hợp trên hệ thống cấp nước. Điều đó giúp họ phát hiện và sửa chữa kịp thời những chỗ hư hỏng. Thông thường chúng ta hay dùng vòi nước áp lực để xịt sàn. Khi đó, tất cả lượng rác như đầu, ruột, xương cá, vỏ tôm… sẽ bị đẩy và thu gom ở lưới rác. Tuy nhiên, cách làm này không hiệu quả và gây lãng phí tài nguyên. Thay vào đó, ta có thể sử dụng chổi cao su để thu gom, quét dọn các chất thải rắn. Sau đó mới xịt nước, như vậy sàn rất sạch mà vòi xịt không phải gánh nhiệm vụ là chổi quét. Mặt khác, chúng ta cũng có thể tự đánh giá, hoạch định, xây dựng định mức tiêu thụ nước một cách hiệu quả. Như thế việc quản lý tiêu thụ nước sẽ có cơ sở dễ dàng kiểm soát.

Cải tiến máy móc, thiết bị phù hợp

Mức tiêu thụ điện nhiều hay ít phụ thuộc vào quy trình chế biến, tuổi thọ của thiết bị, hoạt động bảo trì, mức độ tự động hóa, yêu cầu các loại sản phẩm, sự quản lý đặc thù của mỗi nhà máy. Theo thống kê, tiêu thụ điện nhiều nhất là thiết bị đông lạnh với 32%, kế đó là sản xuất đá, kho lạnh. Phần còn lại dành cho sản xuất nước lạnh, bơm, điều hòa không khí, chiếu sáng…

Vấn đề còn tồn tại ở các DN là chưa có kế hoạch quản lý điện năng; thiếu liên kết, chia sẻ thông tin giữa các bộ phận sản xuất. Nhiều nơi chỉ gắn một đồng hồ điện tổng thể để theo dõi cho toàn nhà máy. Với hệ thống lạnh, việc bảo dưỡng và vận hành máy móc, thiết bị vẫn chưa được quan tâm đúng đắn. Trong đó, khâu thiết kế các khay, mâm cấp đông chưa hiệu quả; máy nén không phù hợp với công suất của thiết bị làm lạnh. Mặt khác, ý thức cá nhân cũng là vấn đề quan trọng có tính quyết định.

Ta có thể áp dụng các giải pháp xử lý như xây dựng định mức tiêu thụ điện chuẩn, khoán cho các tổ sản xuất tự quản để làm cơ sở đánh giá. Ban lãnh đạo có thể tổ chức các khóa tập huấn nhằm nâng cao ý thức cho toàn thể cán bộ, công nhân viên. Đặc biệt, chúng ta nên áp dụng chính sách khen thưởng để khuyến khích việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Đặc biệt, bộ phận kỹ thuật nên thường xuyên kiểm tra, vệ sinh định kỳ các thiết bị trao đổi nhiệt như bình ngưng, dàn ngưng, dàn bay hơi. Việc cách nhiệt nên tránh sự xâm nhập nhiệt từ bên ngoài và các thiết bị tỏa nhiệt bên trong kho lạnh; đảm bảo độ kín cho kho lạnh, đường ống; che nắng cho dàn giải nhiệt; tối ưu hóa kích thước kho; chế độ bảo quản nguyên liệu như thời gian, nhiệt độ, khối lượng, chế độ xả tuyết… Để tối ưu hóa lợi ích, chúng ta cần xếp sản phẩm vào băng chuyền sao cho tận dụng triệt để diện tích bề mặt. Như thế việc sản xuất sẽ đạt được mục tiêu theo hướng SXSH. Đồng thời, DN nên sử dụng các thiết bị có chức năng tiết kiệm điện như biến tần, máy quản lý điện năng, quạt lò hơi, bơm nước lạnh, bơm nước giải nhiệt, máy nén khí… Một số vấn đề khác cần lưu ý như tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên; sử dụng bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng cao; bố trí bóng, công tắc hợp lý; sản xuất trong giờ thấp điểm…

NGỌC CHÂU