Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò cấp thiết của  sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp, ngày 07/9/2009 Thủ tướng chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTCP phê duyệt “Chiến lược  sản xuất sạch hơn  trong công nghiệp đến năm 2020″. Quyết định này đã nêu ra những chỉ tiêu, lộ tình cụ thể và những dự án mà các Bộ, ngành địa phương cần phải làm để thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng SXSH nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; Giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững.

Mục tiêu của chiến lược đặt ra trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 là 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng  SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở này xé tiết kiệm được từ 5-8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên-nhiên-vật liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 70% các cơ sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH  trong công nghiệp.

Giai đoạn từ năm 2016-2020, mục tiêu của chiến lược là đưa 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và sẽ tiết kiệm được từ 8-13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên-nhiên-vật liệu/1 đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 90% doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chyên trách về  SXSH. Cũng trong giai đoạn này, mục tiêu của chiến lược là 90% các sở công thương sẽ có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSh trong công nghiệp.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, Bộ Công Thương đã thành lập ngay Ban điều hành, Văn phòng giúp việc và khởi động xây dựng thông tư hướng dẫn quản lý kinh phí, xây dựng khung các đề án.

Trong năm 2010, với sự hỗ trợ của Văn phòng giúp việc Chiến lược, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai nội dung của 5 đề án và đã bố trí nguồn kinh phí để thực hiện đó là:

  • Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp;
  • Xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp;
  • Hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp;
  • Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp; và
  • Hoàn thiện các cơ chế chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng SXSH trong công nghiệp.

Để chiến lược đạt được những kết quả tốt nhất, Bộ Công Thương và Hợp phần SXSH trong công nghiệp sẽ hỗ trợ cho các địa phương dưới các hình thức như  sau: tổ chức đào tạo cho các cán bộ của Sở và Trung tâm khuyến công về SXSH theo nhu cầu; Hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật để xây dựng kế hoạch hướng dẫn về SXSH cho các cơ sở công nghiệp trên địa bàn cũng như đề án thành lập các đơn vị hỗ trợ SXSH tại các Trung tâm khuyến công.

Đặc biệt, đối với công tác truyền thông, các địa phương sẽ được hỗ trợ kinh phí để in tờ rơi, làm phim, tổ chức các hội thảo cũng như các khoá đào tạo về SXSH cho các cơ sở công nghiệp trong tỉnh. Ngoài ra, các Trung tâm khuyến công cũng sẽ được hỗ trợ kinh phí để tổ chức đánh giá SXSH cho các cơ sở công nghiệp.

Bên cạnh những nội dung đó thì hàng năm Bộ Công Thương tổ chức đăng ký kinh phí thực hiện các đề án Chiến lược SXSH tại Bộ Tài chính và sẽ nhận đăng ký của các Sở và Trung tâm khuyến công để văn phòng giúp việc của ban điều hành chiến lược có kế hoạch xây dựng cơ chế hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật.

Triển vọng mới cho nghành công nghệ sạch

triển vọng mới cho ngành công nghệ sạch

Triển vọng mới cho ngành công nghệ sạch

Tái sử dụng chất thải để phục vụ sản xuất, tái chế chất thải thành các sản phẩm có ích là một giải pháp được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Đây được coi là hướng đi mới của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, mở ra triển vọng mới cho ngành công nghiệp sạch trong tương lai.

Tái chế chất thải, lợi cả đôi đường

Bộ Công thương, Tổng cục Môi trường và Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã có văn bản ủng hộ và đánh giá cao giải pháp tiết kiệm năng lượng – bảo vệ môi trường của Nhà máy giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân (Công ty TNHH Một thành viên giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân) tại KCN Mỹ Xuân A, huyện Tân Thành. Theo đó, các cơ quan này khẳng định, việc Nhà máy giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân ứng dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn dùng nhiên liệu là phụ phẩm nông nghiệp và các chất thải công nghiệp không nguy hại phát sinh từ hoạt động của nhà máy là việc làm phù hợp với chủ trương, chính sách về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường hiện nay. Công ty CP Tài nguyên Xanh, đơn vị tư vấn cho biết: Việc lắp đặt lò hơi công nghệ tầng sôi tuần hoàn giúp cho Nhà máy Giấy Sài Gòn – Mỹ Xuân thay thế được nguồn nhiên liệu dầu FO, khí đốt, tiết kiệm được chi phí năng lượng và giải quyết được vấn đề môi trường liên quan đến các chất thải rắn thông thường phát sinh hàng ngày như phế liệu giấy đầu vào (nilon, giấy phế liệu không thể tái chế,…). Xử lý, tiêu hủy hoàn toàn lượng bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải; đồng thời tận dụng được nhiệt năng từ nguồn chất thải này để cung cấp hơi cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Mặt khác, việc xử lý trực tiếp chất thải rắn không phải là chất thải nguy hại có khả năng cháy tại nhà máy thay vì phải chuyển giao cho các đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn bằng giải pháp đốt cũng sẽ tận dụng được năng lượng phát sinh nhiệt từ quá trình đốt, không gây lãng phí tài nguyên đất đai do phải chôn lấp…

Các nhà khoa học về môi trường của Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cũng đã đánh giá cao hiệu quả của Nhà máy xử lý – tái chế chất thải lỏng sinh hoạt thành phân vi sinh phục vụ cho ngành nông nghiệp của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam (Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên, huyện Tân Thành). Đây là nhà máy có công nghệ xử lý phù hợp với thực tế chất thải lỏng sinh hoạt tại Việt Nam và là một trong 2 nhà máy đầu tiên trong nước hoạt động trong lĩnh vực này… Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để góp phần ngăn chặn tình trạng đổ xả chất thải lỏng sinh hoạt bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan, nhà máy này có chủ trương miễn phí việc xử lý chất thải lỏng sinh hoạt cho các cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một điển hình khác trong việc tái chế chất thải là dự án tái chế xỉ thép của Công ty TNHH Vật liệu Xanh có nhà máy tại huyện Tân Thành. Với dự án này, Hội đồng khoa học của Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định: Sử dụng xỉ thép sau xử lý thay thế cho các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên sẽ đáp ứng được việc bảo vệ môi trường, hạn chế được khai thác tài nguyên thiên nhiên và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải theo đúng chủ trương của Nhà nước. Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ xỉ lò điện lò quang có công suất 1.000 tấn/ngày tại Bà Rịa-Vũng Tàu là dự án đầu tiên về tái chế xỉ thép tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên – Môi trường thẩm định và thông qua. Các sản phẩm của dự án bao gồm gạch không nung, xỉ thay thế cho vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, vật liệu lọc dùng cho xử lý nước thải…

Sẽ “khai tử” việc chôn lấp túi nilonĐối với việc xử lý túi nilon, cách làm truyền thống là chôn lấp cùng với rác hoặc được người dân sinh sống tại các bãi rác nhặt, đóng bao và bán cho các cơ sở tái chế nilon quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Túi nilon thải được tái chế lại thành các sản phẩm có chất lượng tương đối thấp, không có giá trị cao, đổi lại môi trường sẽ phải tiếp nhận thêm nhiều loại chất thải mới, mức độ độc hại cao hơn (nước thải, khí thải) và điều quan trọng là những sản phẩm từ túi nilon thải cũng không thể mất đi và theo thời gian sẽ tiếp tục phải thải bỏ vào môi trường. Do đó, việc tái sử dụng túi nilon thải theo cách làm truyền thống như hiện nay chỉ là một hình thức biến chất thải từ dạng này sang dạng khác… Tại Việt Nam, đã có một số dự án tái chế túi nilon thải thành dầu bằng công nghệ nhiệt phân như: Nhà máy chế biến rác thải nilon thành dầu do Công ty CP Môi trường Việt Nam làm chủ đầu tư tại TP. Đà Nẵng; nhà máy chế biến dầu từ nhựa thải của Công ty TNHH Công nghệ mới ở Bình Phước. Mới đây, các Sở Tài nguyên – Môi trường, Xây dựng, Công thương, Khoa học – Công nghệ và UBND huyện Tân Thành đã có văn bản ủng hộ một dự án tái tạo năng lượng từ chất thải đầu tư vào Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Đồng thời, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng hỗ trợ dự án hoàn tất các thủ tục về đầu tư để sớm đi vào hoạt động.Theo chủ đầu tư dự án này, các sản phẩm tái chế từ nhựa, túi nilon sẽ là nguồn nhiên liệu tốt có thể thay thế một phần hoặc 100% cho các lò đốt đang sử dụng dầu DO và FO hiện nay. Công nghệ tái chế nilon thải thành dầu đảm bảo được các yêu cầu về bảo vệ môi trường, nilon được tái chế 100% vì toàn bộ công nghệ hoạt động theo quy trình kín, khí thải không phát sinh chất độc hại, được tuần hoàn tạo ra nhiệt lượng phục vụ lò nhiệt phân nilon thải, tro thu được sử dụng làm vật liệu xây dựng,… không có chất thải thải vào môi trường. Ngoài lợi ích xử lý triệt để được nilon thải, tạo ra được nguồn năng lượng mới, việc tái chế nilon thành dầu còn giúp nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn vì loại chất thải như túi nilon sẽ được bán làm nguyên liệu có giá trị, đồng thời nó còn giúp cho địa phương giảm được chi phí xử lý rác từ nguồn ngân sách Nhà nước khi giảm được khối lượng rác thải đầu vào khi giao cho đơn vị xử lý rác do nilon đã được phân loại ngay tại nguồn.

Sử dụng công nghệ sạch tốt cho sức khỏe cộng đồng

Sử dụng công nghệ sạch tốt cho sức khỏe cộng đồng

Sử dụng công nghệ sạch tốt cho sức khỏe cộng đồng

Sử dụng công nghệ sạch không những rất tốt cho sức khỏe cộng đồng mà còn còn giúp tiết kiệm chi phí – Chủ tịch Nhóm Phát triển Liên Hợp quốc cho biết như vậy trong chuyến thăm làng Bát Tràng – một trung tâm nghề gốm cổ truyền của Việt Nam hồi giữa tháng 6.

Bà Helen Clark, Chủ tịch Nhóm Phát triển Liên Hợp quốc UNDP, thăm làng Bát Tràng, một trung tâm nghề gốm cổ truyền của Việt Nam, nhằm khuyến khích sử dụng công nghệ  sản xuất sạch hơn ở các lò gốm.

“Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội rất lớn với tiềm năng khí hậu sẵn có cho các công tác liên quan đến thích ứng và giảm nhẹ tác động đến môi trường – ý tôi ở đây là các công nghệ năng lượng sạch hơn. Sử dụng công nghệ sạch sẽ rất tốt cho sức khỏe cộng đồng, và ở đây sử dụng công nghệ sạch còn giúp tiết kiệm chi phí. ” – bà Helen Clark phát biểu.

Dự án kéo dài năm năm này được cấp kinh phí bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu/ UNDP (5,5 triệu dollar Mỹ) và Chính phủ Việt Nam (23,5 triệu dollar Mỹ) là một phần của một sáng kiến lớn hơn do UNDP hỗ trợ nhằm làm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hoạt động thân thiện hơn với môi trường.

Đến nay, hơn 400 doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, giúp họ giảm mức tiêu thụ năng lượng. Đồng thời, lợi nhuận của các doanh nghiệp tham gia vào sáng kiến này cũng đã tăng lên – nhờ tiết kiệm được năng lượng một cách trực tiếp và nhờ những cải thiện về chất lượng sản phẩm, ví dụ như lĩnh vực sản xuất gạch và gốm hiện đang sử dụng các lò nung hiện đại hơn.

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đang được nhiều nước phát triển và đang phát triển đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh đó, các giải pháp mới như công nghệ sạch, SXSH, công nghiệp thân thiện với môi trường,… ngày càng được nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn kinh tế chú trọng, lựa chọn như một xu hướng tất yếu cho các chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn của mình. Riêng với các DN, việc đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn mang lại hiệu quả cao và bền vững trong kinh doanh. Bởi, theo Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ Công Thương), SXSH sẽ giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phế phẩm và bán thành phẩm có giá trị, tạo hình ảnh tốt hơn cũng như cải thiện được sức khỏe cho người lao động. Khi triển khai thực hiện mô hình SXSH, người quản lý sẽ xác định được hàm lượng nguyên vật liệu đầu vào bị thất thoát, hiểu được tại sao gây ra lãng phí, tiếp cận một cách có hệ thống để giảm thiểu sự thất thoát và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời quan trắc liên tục hiện trạng phát thải và tình trạng ô nhiễm môi trường.

Công nghiệp sạch – xu hướng tất yếu:

Theo số liệu của Trung tâm SXSH Việt Nam, sau hơn 4 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về SXSH, các DN tham gia dự án đã tiết kiệm được nguồn kinh phí tương đối lớn hằng năm, như: ngành dệt 2.800 – 73.000USD, ngành giấy 91.000 – 159.000USD, sản xuất thực phẩm 6.700 – 24.600USD… Chẳng hạn như trong Dự án “Quản lý chất thải nguy hại tại thành phố Nam Định”, với 33 DN tham gia, đã tiết kiệm chi phí hằng năm 620.000USD nhờ việc giảm tiêu thụ điện (485MWh), than (1.800 tấn), dầu FO (470 lít), gas (1.900 lít)… Điều đó cho thấy, SXSH đã và đang mang lại lợi ích về nhiều mặt, không chỉ cho xã hội, môi trường mà còn cho cả bản thân DN.

Cơ hội cho Quảng Nam

Tuy mới ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, nhưng sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch ở Quảng Nam thời gian qua đã và đang tiếp tục làm phát sinh những vấn đề môi trường khá bức xúc. Hiện nay, tại các khu công nghiệp (KCN) như Điện Nam – Điện Ngọc, Thuận Yên, Bắc Chu Lai, Tam Hiệp… đã có hơn 100 dự án đang hoạt động, hệ thống xử lý chất thải chưa được đầu tư đồng bộ, gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Theo khảo sát mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường, riêng tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc, nước thải do các cơ sở sản xuất xả ra môi trường có nồng độ các chất ô nhiễm cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Uớc tính, khối lượng trung bình mỗi ngày chất thải rắn công nghiệp tại KCN này thải ra khoảng 10 tấn, trong đó, có khoảng 35 – 41% là chất thải nguy hại. Ngoài các KCN, hoạt động của các cơ sở sản xuất tại 20 cụm công nghiệp cũng đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Vì thế, toàn bộ chất thải, nước thải “tự do” đổ thẳng ra ao hồ, sông suối…

Trong bối cảnh như vậy, việc Chương trình DCE, Hợp phần SXSH chính thức tài trợ cho 3 DN Quảng Nam áp dụng mô hình SXSH trong công nghiệp không chỉ là cơ hội cho các DN thụ hưởng chương trình đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về SXSH cho cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Khánh Toàn – Giám đốc Sở Công nghiệp cho biết: “Qua khảo sát, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo hợp phần thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công nghiệp đã chọn 3 DN, gồm: Xí nghiệp Sản xuất mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành), Nhà máy tinh bột sắn Quảng Nam và Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Mỹ Hưng để tài trợ áp dụng mô hình SXSH. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh”. Cũng theo ông Toàn, các DN áp dụng mô hình SXSH sẽ được hỗ trợ kinh phí trong công tác tư vấn kỹ thuật và đầu tư thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện điều kiện sống cho công nhân và các khu dân cư lân cận.

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sạch và xử lý chất thải

hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và xử lý chất thải

Toàn cảnh hội thảo (ảnh: st)

Ngày 9/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo giới thiệu Dự án “Đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp tại Viêt Nam”.

Theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải trong quá trình xây dựng, củng cố uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp trong bối cảnh người tiêu dùng luôn coi trọng vấn đề bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sống xung quanh. “Kinh nghiệm cho thấy, về trung hạn và dài hạn, nếu các doanh nghiệp tích hợp xử lý môi trường trong chiến lược kinh doanh sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, kiến thức và hành động cụ thể về sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Đoàn Duy Khương cho biết.

Dự án “Đào tạo sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải cho các doanh nghiệp tại Việt Nam” do Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) triển khai thực hiện, dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Dow Chemical International và hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Môi trường và Sản xuất sạch (Bộ Công thương).

Dự án được đề xuất trong bối cảnh Việt Nam trong hơn 15 năm qua đã và đang nỗ lực thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải, góp phần nâng cao năng lực của cộng đồng doanh nghiệp trên cả 2 phương diện phát triển: Tăng trưởng và giữ gìn môi trường sinh thái.

Chương trình đào tạo về sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải sẽ cung cấp cho doanh nghiệp công cụ chính để nâng cao năng lực về ứng phó với vấn đề quản lý chất thải, cải thiện hiệu suất sản xuất thông qua ứng dụng chu trình sản xuất sạch hơn trong quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong các ngành nghề công nghiệp và kinh doanh khác nhau.

Hoạt động chính của dự án là tổ chức 28 khóa học ở 25 tỉnh, thành phố trên cả nước trong vòng 2 năm (2012 – 2014). Thông qua sự hỗ trợ của dự án sẽ giúp doanh nghiệp Viêt Nam thay đổi cách nhìn nhận và lập chiến lược kinh doanh về môi trường bền vững, bao gồm cách tiếp cận chủ động tới sản xuất sạch hơn và quản lý chất thải ngay từ đầu nguồn.

Tăng cường chính sách thương mại và đầu tư trong lĩnh vực môi trường

Chiều 9/11/2012, tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo đã có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (EU-MUTRAP). Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng đã tham dự buổi làm việc.

Dự án EU-MUTRAP với mục tiêu tổng thể nhằm hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiểu vùng, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, tối đa hóa lợi ích của quá trình phát triển kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tại buổi làm việc, hai bên đã bàn về các nội dung, kế hoạch của đề xuất các dự án, kế hoạch hợp tác trong thời gian tới nhằm cải thiện khuôn khổ chính sách về đầu tư, tập trung vào các vấn đề xã hội và môi trường trong các chính sách và pháp luật liên quan đến thương mại và đầu tư.

Giới thiệu về Dự án EU-MUTRAPHiệp định tài chính: DCI-ASIE/2011/022-818Ngân sách: 16.500.000 EUR bao gồm tài trợ của Liên minh Châu Âu, đóng góp của Chính phủ Việt Nam và các bên hưởng lợi.Cơ quan điều hành và thực hiện Dự án: Bộ Công ThươngThời gian thực hiện Dự án: từ ngày 27/8/2012 đến ngày 31/01/2018

Mục tiêu tổng thể: Hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiểu vùng, tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, tối đa hóa lợi ích của quá trình phát triển kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Mục đích cụ thể của Dự án: Hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành thuận lợi hóa thương mại quốc tế và đầu tư thông qua việc tăng cường năng lực hoạch định chính sách, tham vấn chính sách, đàm phán và thực thi các cam kết liên quan, đặc biệt là trong quan hệ với EU.

Các kết quả chính: Các kết quả chính dự kiến của Dự án bao gồm:

1. Tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa EU và Việt Nam thông qua đối thoại và hợp tác, đàm phán và thực thi một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU trong tương lai.

2. Nâng cao năng lực thể chế trong đàm phán và thực thi các cam kết thương mại đa phương, khu vực và tiểu khu vực.

3. Cải thiện khuôn khổ chính sách về đầu tư, tập trung vào các vấn đề xã hội và môi trường trong các chính sách và pháp luật liên quan đến thương mại và đầu tư.

4. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, quy định và cơ hội thị trường liên quan đến cam kết thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam; tăng cường sự tham gia của các bên liên quan vào quá trình xây dựng chính sách thương mại và đầu tư; và nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đáp ứng các quy định tiếp cận thị trường của châu Âu.

5.  Hỗ trợ đối thoại EU-Việt Nam trong các nội dung kinh tế của Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), và dành sự hỗ trợ linh hoạt để giải quyết các vấn đề thương mại quan trọng, cấp thiết.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Tăng cường chính sách thương mại và đầu tư trong lĩnh vực môi trường
Tăng cường chính sách thương mại và đầu tư trong lĩnh vực môi trường
Tăng cường chính sách thương mại và đầu tư trong lĩnh vực môi trường

Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam

Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường (DVMT) ở Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết Đảng và nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và DVMT nói riêng.
​Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường DVMT phát triển như các quy định về đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,… Tuy nhiên, các chính sách hiện nay chưa có tính hệ thống; các chính sách cụ thể chưa đầy đủ, chưa tận dụng hết các công cụ quản lý, hỗ trợ của nhà nước;… nhằm đạt được mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường.
Phó Tổng cục trưởng cho rằng xây dựng Khung chính sách, pháp luật về phát triển DVMT ở Việt Nam là hết sức cần thiết nhằm phát triển DVMT để cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Theo ThS. Vũ Đình Nam – Phó trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Tổng cục Môi trường, hiện có 3.769 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường do địa phương cấp phép, hoạt động tại 46 tỉnh, thành phố và 96 doanh nghiệp do Bộ TN&MT cấp phép (là các doanh nghiệp hoạt động liên vùng, liên tỉnh, hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại).
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận về nội dung dự thảo Khung. Các đại biểu đều thống nhất cần phân loại các DVMT với các tiêu chí rõ ràng, nên phân nhóm DVMT thành các nhóm lớn, không nên phân nhóm quá chi tiết.
Phát biểu tại Hội thảo, Chánh Văn phòng Tổng cục Hoàng Văn Thức thay mặt tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo đó, tổ soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Khung chính sách, pháp luật về phát triển DVMT ở Việt Nam sớm trình Thủ tướng ban hành.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Linh Hương (VEA)

Sản xuất bền vững sạch hơn tạo ra sự khác biệt

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là một cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững, trong đó chú trọng tới giảm thiểu sử dụng các hóa chất độc hại ảnh hưởng tới môi trường và tăng lợi nhuận thông qua giảm lãng phí trong sản xuất, làm tiền đề thâm nhập vào thị trường quốc tế. SXSH sẽ được quảng bá rộng rãi tại hội trợ khu vực châu Á Thái Bình Dương Lifestyle Trade Fair tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 4 tới.

 Trong số 700 doanh nghiệp dự kiến tham gia hội trợ thường niên năm nay, chỉ có khoảng vài chục công ty cam kết tham gia thực hiện SXSH, trong đó có 4 công ty sản xuất và chế biến Mây Song (2 từ Việt Nam và 2 từ Lào) được WWF hỗ trợ gian hàng trong khuôn khổ dự án “Thiết lập hệ thống Sản xuất bền vững cho các sản phẩm mây tre đan ở Lào, Campuchia và Việt Nam”.

 Để khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào phát triển bền vững, trong đó có nội dung sản xuất sạch hơn, một hội thảo về chủ đề “Sản xuất bền vững – Xu hướng của thế kỷ 21” sẽ được tổ chức trong thời gian hội chợ, từ 10.00 đến 11.00 sáng ngày 21 tháng 4. Hội thảo do WWF, One-UN và Vietcraft phối hợp tổ chức.

 Các sản phẩm mây tre đan được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam, Lào, Campuchia và đem lại thu nhập cho rất nhiều người sống phụ thuộc vào rừng và sản xuất chế biến Mây Song. Tuy nhiên, việc sản xuất không bền vững do khai thác quá mức cùng với các lãng phí trong sản xuất, chế biến và vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất đang đe dọa ngành sản xuất này. Trước thực trạng này, năm 2009, WWF triển khai chương trình Mây bền vững tại Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng, khu vực kinh tế tư nhân và chính phủ cam kết hướng tới một chuỗi cung ứng mây bền vững, từ hoạt động quản lý rừng mây bền vững đến sản xuất và kinh doanh.

 Dự kiến sẽ có  300 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm quen với qui trình Sản xuất sạch trong đó ít nhất 120 doanh nghiệp đưa ra được các biện pháp cụ thể phù hợp với từng doanh nghiệp.

 “Là một đơn vị chuyên về sản xuất sạch hơn, cùng phối hợp với Chương trình Mây Bền vững của WWF, chúng tôi dành nhiều thời gian và công sức để khuyến khích các doanh nghiệp mây tre hướng tới quy trình SXSH” Ông Lê Xuân Thịnh, Trưởng nhóm Tư vấn Doanh nghiệp của Trung Tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết. “Hiện có 7 công ty bao gồm: Âu Cơ, Ngọc Đông, Vĩnh Long, Hà Linh, Hiệp Hòa, Đức Phong và Nam Phước đã cam kết áp dụng qui trình sản xuất sạch hơn. Trong số đó 3 công ty đã được đánh giá toàn diện, 4 công ty sẽ được đánh giá vào cuối năm nay,” ông cho biết thêm.

 Cũng theo ông Thịnh, trung tâm đã phát triển 8 kỹ thuật SXSH mới và phối hợp với các đơn vị chế biến mây tre liên quan kiểm nghiệm trước khi giới thiệu rộng rãi tới các doanh nghiệp khác trong mạng lưới. VNCPC cũng tiến hành các đánh giá nhanh và toàn diện cho các doanh nghiệp tại 3 nước Lào, Việt Nam và Campuchia nhằm giúp họ tìm ra cách thức tốt nhất để áp dụng SXSH và từ đó dần đáp ứng được yêu cầu từ thị trường thế giới đối với sản phẩm sạch.

 “Một công ty mây ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có thể tiết kiệm từ 30-50% chi phí về hóa chất và giảm thiểu 40% chi phí về chất lỏng, xăng dầu và khí ga”, ông Thịnh chia sẻ “Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn để đưa SXSH đến các doanh nghiệp như thiếu số liệu về quá trình sản xuất, chuyên môn và năng lực của cán bộ nhân viên còn yếu, thậm chí không đủ kinh phí để thực hiện các giải pháp đề ra. Dự án Mây bền vững của WWF đã và đang hỗ trợ tổ chức bằng các khóa đào tạo nhân lực, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp để họ thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật SXSH mới trong quy trình sản xuất của mình”.

 Theo một số điều luật mới được ban hành tại Châu Âu và Mỹ (FLEGT và Lacey Act), chỉ các sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC mới được nhập khẩu vào Châu Âu và Mỹ – hai thị trường chính của các sản phẩm mây. Mây thuộc vào nhóm các sản phẩm phi gỗ, tuy nhiên xu hướng cho thấy các thị trường trên sẽ sớm áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về việc nhập khẩu các sản phẩm này. Bên cạnh quy trình SXSH, trong qui trình quản lý bền vững, dự án mây bền vững còn hỗ trợ việc quản lý rừng bền vững bằng việc cấp giấy chứng nhận FSC của Hội đồng Quản lý Rừng.

 Ông Lê Thái Tính, Giám đốc Kinh doanh của công ty Vĩnh Long phát biểu: “Chứng chỉ FSC cho mây rất hữu ích vì nó phù hợp với ý tưởng của chúng tôi trong việc duy trì nguồn nguyên vật liệu bền vững và lâu dài. Trong nhận thức, chúng tôi luôn mong muốn duy trì nguồn nguyên vật liệu có thể tái tạo này cho phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Vĩnh Long có thể mở một công ty liên doanh tại Lào, trong đó công ty sẽ cung cấp máy móc và kỹ thuật chế biến trong khi các công ty Lào có thể cung cấp nguồn mây có chứng nhận FSC”.

Bà Sabine Gish Boie, cán bộ quản lý dự án cho biết: “Tại Việt Nam, dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng 6000 ha mây thuộc tỉnh Quảng Nam và Huế, trong đó có khoảng 2000 ha được đưa vào quản lý bền vững. Tại huyện Khamkeut, Lào 1.200 ha rừng mây đang trong quá trình nhận chứng chỉ FSC – chứng chỉ FSC mây tre đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi hy vọng cuối năm nay thị trường châu Âu  sẽ xuất hiện sản phẩm mây tre dán nhãn FSC ”

Dự án “Thiết lập hệ thống Sản Xuất Mây Song bền vững tại Lào, Campuchia và Việt Nam” được đồng tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu (EU), công ty đa quốc gia IKEA và Tổ chức hỗ trợ tài chính Đức (DEG

Việt Nam đã có hơn 300 doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội nghị bàn tròn quốc gia về sản xuất sạch hơn lần thứ 4 vừa diễn ra tại TP.Huế. Hội nghị do Bộ Tài nguyên Môi trường (Tổng cục Môi trường), Bộ Công Thương (Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp – Danida) và Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam phối hợp tổ chức.

Hội nghị đã nhận được sự tham dự nhiệt tình của trên 160 đại biểu là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia tư vấn và các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước. Những nội dung được đưa ra thảo luận bao gồm: Hiện trạng và hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn tại Việt Nam và định hướng thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển đô thị và khu công nghiệp bền vững; tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; các cơ chế tài chính cho các dự án môi trường nói chung và các dự án sản xuất sạch hơn/tiết kiệm năng lượng nói riêng.

Phổ biến rộng rãi sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được giới thiệu và trình diễn thành công ở Việt Nam hơn 10 năm nay thông qua các dự án tài trợ của nước ngoài và đã bước đầu được thực hiện rộng khắp tại một số tỉnh thành. Tính đến quý 3/2009, Việt Nam đã có hơn 300 DN áp dụng SXSH. Tháng 9/2009, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SXSH trong công nghiệp. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, phổ biến rộng rãi SXSH tại các cơ sở công nghiệp trên cả nước. Trong thời gian qua, việc phổ biến SXSH tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức do nhận thức của lãnh đạo DN về tầm quan trọng của SXSH còn thấp, SXSH chưa nói ngôn ngữ của các DN, các hoạt động phổ biến SXSH chưa tập trung vào lợi ích kinh tế… Đây là những thách thức mà Bộ Công Thương sẽ phải vượt qua trong thời gian thực hiện chiến lược từ nay đến năm 2020. Qua thảo luận, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: Sử dụng tốt hơn truyền thông đại chúng để phổ biến, đưa SXSH vào các trường quản lý DN, đưa SXSH vào các lớp đào tạo dành cho CEO, và thúc đẩy SXSH thông qua các quỹ tài chính và ngân hàng có hỗ trợ vốn đối với các dự án SXSH.

Phát triển đô thị và khu công nghiệp bền vững

Nội dung chính của một đô thị và KCN bền vững chính là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực (năng lượng, nước, điện), trao đổi, tái chế và xử lý chất thải. Hiện nay, các đô thị và KCN của Việt Nam chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Để phát triển đô thị và KCN bền vững còn gặp nhiều rào cản: Hạ tầng đô thị, KCN còn yếu kém, diện tích cây xanh chưa nhiều; quy hoạch KCN và đô thị còn chưa hợp lý dẫn đến các DN khó có điều kiện trao đổi, chia sẻ chất thải, nguyên liệu, nguồn lực.

Hội nghị bàn tròn đưa ra giải pháp là: Việt Nam cần phải xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đô thị và một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững KCN; hoàn thiện chính sách về phát triển các khu đô thị và KCN.

Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả

Hội nghị đã nêu rõ, tiết kiệm năng lượng (TKNL) là một nội dung lớn của sản xuất và tiêu thụ bền vững. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến TKNL và đã có một chương trình quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì. Các hoạt động TKNL đã được thực hiện tương đối rộng rãi tại nhiều tỉnh thành. Theo đó, Việt Nam đã bước đầu hình thành một thị trường về TKNL, hiện đã có nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ cho việc TKNL và mạng lưới tổ chức hỗ trợ TKNL từ trung ương đến địa phương. Các DN đã nhận thức được ý nghĩa của việc TKNL. Vấn đề đối với DN là điều kiện để xây dựng các dự án đầu tư về TKNL như tài chính, kỹ thuật và nguồn nhân lực. Hiện Chính phủ đã có nghị định về TKNL, dự kiến sẽ ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng trong năm 2010.

Các cơ chế tài chính

Ngoài các vấn đề kỹ thuật, hội nghị bàn tròn lần này còn có một phiên toàn thể về các cơ chế tài chính hỗ trợ cho các dự án/DN thực hiện SXSH, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ TKNL. Qua các trình bày tại hội nghị bàn tròn có thể thấy, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều quỹ tài chính có tiềm năng hỗ trợ cho các dự án sản xuất và tiêu dùng bền vững như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quỹ Tín dụng xanh của Chính phủ Thụy Sỹ; Chương trình bảo lãnh vốn vay của Dự án TKNL cho các DN vừa và nhỏ; các quỹ đầu tư phát triển địa phương; quỹ đầu tư tư nhân. Vấn đề là làm sao để các DN biết đến và tiếp cận các nguồn vốn một cách hiệu quả. Đây cũng là vấn đề còn trăn trở của nhiều đại biểu tham dự hội nghị./.

Khởi động dự án Sống Xanh Việt Nam

Sống Xanh Việt Nam là dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững với tổng kinh phí 1,4 triệu EURO (tương đương 37.5 tỷ đồng) chính thức khởi động vào ngày 7/11/2012 tại Hà Nội.

Khởi động dự án Sống Xanh Việt Nam

Quang cảnh khởi động dự án Sống Xanh Việt Nam sáng 7/11/2012

Dự án, kéo dài từ 2012 đến 2015, hướng tới đối tượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình ở sáu đô thị lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, và Cần Thơ.

Mục tiêu của dự án là thành lập hàng trăm câu lạc bộ tiêu dùng bền vững tại các thành phố này, xây dựng mạng lưới 1000 hạt giống thay đổi nhằm phổ biến phong cách sống và làm việc bền vững trong cộng đồng ngày cả sau khi dự án kết thúc.

“Thông qua chương trình SWITCH, Liên minh Châu Âu đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến về sản xuất và tiêu dùng bền vững, những yếu tố quan trọng của một nền kinh tế xanh tại Châu Á”, bà Berenice Muraille, Cố vấn Phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh, “Sống Xanh Việt Nam và dự án Đổi Mới Sản Phẩm Bền Vững cũng do chương trình SWITCH đồng tài trợ đã đưa ra những giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp và tổ chức người tiêu dùng thông qua việc thúc đẩy những phương pháp sản xuất hiệu quả và nâng cao thói quen tiêu dùng tại Việt Nam.”

Theo TS Marcel Crul, đại diện đối tác chính của dự án, Đại học Công nghệ Delft, “điểm đặc biệt của Sống Xanh Việt Nam là đây là dự án đầu tiên thiết lập cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất để hai bên cùng nhau cải tiến sản phẩm, tạo ra những sản phẩm bền vững hơn. Chúng tôi gọi đây là phương pháp đồng sáng tạo”

Không những khuyến khích thói quen tiêu dùng bền vững của người Việt, Sống Xanh Việt Nam còn hướng đến nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước và các hội người tiêu dùng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” tầm nhìn đến 2050 trong đó nhấn mạnh thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong những nhiệm vụ chiến lược.

“Dự án Sống Xanh Việt Nam mong muốn tạo ra một mô hình để chỉ cho người tiêu dùng thấy rằng sống bền vững là có thể và, thậm chí, không hề khó. Chúng tôi không ảo tưởng rằng chỉ qua ba năm có thể thay đổi hành vi tiêu dùng của hàng triệu người Việt Nam nhưng chúng tôi kỳ  vọng sẽ có ít nhất 1000 người trở thành những “hạt giống thay đổi”, là những ví dụ sống động cho nhiều người khác làm theo”, PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam, chia sẻ.