Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, đang được nhiều nước phát triển và đang phát triển đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh đó, các giải pháp mới như công nghệ sạch, SXSH, công nghiệp thân thiện với môi trường,… ngày càng được nhiều quốc gia, nhiều tập đoàn kinh tế chú trọng, lựa chọn như một xu hướng tất yếu cho các chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn của mình. Riêng với các DN, việc đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất gắn với giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn mang lại hiệu quả cao và bền vững trong kinh doanh. Bởi, theo Vụ Khoa học – Công nghệ (Bộ Công Thương), SXSH sẽ giúp các DN nâng cao hiệu quả sản xuất, tái sử dụng phế phẩm và bán thành phẩm có giá trị, tạo hình ảnh tốt hơn cũng như cải thiện được sức khỏe cho người lao động. Khi triển khai thực hiện mô hình SXSH, người quản lý sẽ xác định được hàm lượng nguyên vật liệu đầu vào bị thất thoát, hiểu được tại sao gây ra lãng phí, tiếp cận một cách có hệ thống để giảm thiểu sự thất thoát và đề ra các kế hoạch hành động cụ thể, đồng thời quan trắc liên tục hiện trạng phát thải và tình trạng ô nhiễm môi trường.

Công nghiệp sạch – xu hướng tất yếu:

Theo số liệu của Trung tâm SXSH Việt Nam, sau hơn 4 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về SXSH, các DN tham gia dự án đã tiết kiệm được nguồn kinh phí tương đối lớn hằng năm, như: ngành dệt 2.800 – 73.000USD, ngành giấy 91.000 – 159.000USD, sản xuất thực phẩm 6.700 – 24.600USD… Chẳng hạn như trong Dự án “Quản lý chất thải nguy hại tại thành phố Nam Định”, với 33 DN tham gia, đã tiết kiệm chi phí hằng năm 620.000USD nhờ việc giảm tiêu thụ điện (485MWh), than (1.800 tấn), dầu FO (470 lít), gas (1.900 lít)… Điều đó cho thấy, SXSH đã và đang mang lại lợi ích về nhiều mặt, không chỉ cho xã hội, môi trường mà còn cho cả bản thân DN.

Cơ hội cho Quảng Nam

Tuy mới ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, nhưng sự phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch ở Quảng Nam thời gian qua đã và đang tiếp tục làm phát sinh những vấn đề môi trường khá bức xúc. Hiện nay, tại các khu công nghiệp (KCN) như Điện Nam – Điện Ngọc, Thuận Yên, Bắc Chu Lai, Tam Hiệp… đã có hơn 100 dự án đang hoạt động, hệ thống xử lý chất thải chưa được đầu tư đồng bộ, gây ra ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Theo khảo sát mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường, riêng tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc, nước thải do các cơ sở sản xuất xả ra môi trường có nồng độ các chất ô nhiễm cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Uớc tính, khối lượng trung bình mỗi ngày chất thải rắn công nghiệp tại KCN này thải ra khoảng 10 tấn, trong đó, có khoảng 35 – 41% là chất thải nguy hại. Ngoài các KCN, hoạt động của các cơ sở sản xuất tại 20 cụm công nghiệp cũng đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Vì thế, toàn bộ chất thải, nước thải “tự do” đổ thẳng ra ao hồ, sông suối…

Trong bối cảnh như vậy, việc Chương trình DCE, Hợp phần SXSH chính thức tài trợ cho 3 DN Quảng Nam áp dụng mô hình SXSH trong công nghiệp không chỉ là cơ hội cho các DN thụ hưởng chương trình đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về SXSH cho cộng đồng DN và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Khánh Toàn – Giám đốc Sở Công nghiệp cho biết: “Qua khảo sát, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo hợp phần thuộc Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công nghiệp đã chọn 3 DN, gồm: Xí nghiệp Sản xuất mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành), Nhà máy tinh bột sắn Quảng Nam và Công ty TNHH sản xuất và dịch vụ Mỹ Hưng để tài trợ áp dụng mô hình SXSH. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng ra nhiều DN khác trên địa bàn tỉnh”. Cũng theo ông Toàn, các DN áp dụng mô hình SXSH sẽ được hỗ trợ kinh phí trong công tác tư vấn kỹ thuật và đầu tư thiết bị, công nghệ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường, góp phần cải thiện điều kiện sống cho công nhân và các khu dân cư lân cận.