Việt Nam đã có hơn 300 doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội nghị bàn tròn quốc gia về sản xuất sạch hơn lần thứ 4 vừa diễn ra tại TP.Huế. Hội nghị do Bộ Tài nguyên Môi trường (Tổng cục Môi trường), Bộ Công Thương (Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp – Danida) và Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam phối hợp tổ chức.

Hội nghị đã nhận được sự tham dự nhiệt tình của trên 160 đại biểu là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia tư vấn và các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước. Những nội dung được đưa ra thảo luận bao gồm: Hiện trạng và hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn tại Việt Nam và định hướng thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển đô thị và khu công nghiệp bền vững; tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; các cơ chế tài chính cho các dự án môi trường nói chung và các dự án sản xuất sạch hơn/tiết kiệm năng lượng nói riêng.

Phổ biến rộng rãi sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được giới thiệu và trình diễn thành công ở Việt Nam hơn 10 năm nay thông qua các dự án tài trợ của nước ngoài và đã bước đầu được thực hiện rộng khắp tại một số tỉnh thành. Tính đến quý 3/2009, Việt Nam đã có hơn 300 DN áp dụng SXSH. Tháng 9/2009, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SXSH trong công nghiệp. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, phổ biến rộng rãi SXSH tại các cơ sở công nghiệp trên cả nước. Trong thời gian qua, việc phổ biến SXSH tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức do nhận thức của lãnh đạo DN về tầm quan trọng của SXSH còn thấp, SXSH chưa nói ngôn ngữ của các DN, các hoạt động phổ biến SXSH chưa tập trung vào lợi ích kinh tế… Đây là những thách thức mà Bộ Công Thương sẽ phải vượt qua trong thời gian thực hiện chiến lược từ nay đến năm 2020. Qua thảo luận, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: Sử dụng tốt hơn truyền thông đại chúng để phổ biến, đưa SXSH vào các trường quản lý DN, đưa SXSH vào các lớp đào tạo dành cho CEO, và thúc đẩy SXSH thông qua các quỹ tài chính và ngân hàng có hỗ trợ vốn đối với các dự án SXSH.

Phát triển đô thị và khu công nghiệp bền vững

Nội dung chính của một đô thị và KCN bền vững chính là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực (năng lượng, nước, điện), trao đổi, tái chế và xử lý chất thải. Hiện nay, các đô thị và KCN của Việt Nam chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Để phát triển đô thị và KCN bền vững còn gặp nhiều rào cản: Hạ tầng đô thị, KCN còn yếu kém, diện tích cây xanh chưa nhiều; quy hoạch KCN và đô thị còn chưa hợp lý dẫn đến các DN khó có điều kiện trao đổi, chia sẻ chất thải, nguyên liệu, nguồn lực.

Hội nghị bàn tròn đưa ra giải pháp là: Việt Nam cần phải xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đô thị và một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững KCN; hoàn thiện chính sách về phát triển các khu đô thị và KCN.

Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả

Hội nghị đã nêu rõ, tiết kiệm năng lượng (TKNL) là một nội dung lớn của sản xuất và tiêu thụ bền vững. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến TKNL và đã có một chương trình quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì. Các hoạt động TKNL đã được thực hiện tương đối rộng rãi tại nhiều tỉnh thành. Theo đó, Việt Nam đã bước đầu hình thành một thị trường về TKNL, hiện đã có nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ cho việc TKNL và mạng lưới tổ chức hỗ trợ TKNL từ trung ương đến địa phương. Các DN đã nhận thức được ý nghĩa của việc TKNL. Vấn đề đối với DN là điều kiện để xây dựng các dự án đầu tư về TKNL như tài chính, kỹ thuật và nguồn nhân lực. Hiện Chính phủ đã có nghị định về TKNL, dự kiến sẽ ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng trong năm 2010.

Các cơ chế tài chính

Ngoài các vấn đề kỹ thuật, hội nghị bàn tròn lần này còn có một phiên toàn thể về các cơ chế tài chính hỗ trợ cho các dự án/DN thực hiện SXSH, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ TKNL. Qua các trình bày tại hội nghị bàn tròn có thể thấy, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều quỹ tài chính có tiềm năng hỗ trợ cho các dự án sản xuất và tiêu dùng bền vững như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quỹ Tín dụng xanh của Chính phủ Thụy Sỹ; Chương trình bảo lãnh vốn vay của Dự án TKNL cho các DN vừa và nhỏ; các quỹ đầu tư phát triển địa phương; quỹ đầu tư tư nhân. Vấn đề là làm sao để các DN biết đến và tiếp cận các nguồn vốn một cách hiệu quả. Đây cũng là vấn đề còn trăn trở của nhiều đại biểu tham dự hội nghị./.