Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam

Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường (DVMT) ở Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết Đảng và nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp cho các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và DVMT nói riêng.
​Hệ thống văn bản pháp luật hiện hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường DVMT phát triển như các quy định về đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng,… Tuy nhiên, các chính sách hiện nay chưa có tính hệ thống; các chính sách cụ thể chưa đầy đủ, chưa tận dụng hết các công cụ quản lý, hỗ trợ của nhà nước;… nhằm đạt được mục tiêu phát triển dịch vụ môi trường.
Phó Tổng cục trưởng cho rằng xây dựng Khung chính sách, pháp luật về phát triển DVMT ở Việt Nam là hết sức cần thiết nhằm phát triển DVMT để cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Theo ThS. Vũ Đình Nam – Phó trưởng phòng Tổng hợp, Văn phòng Tổng cục Môi trường, hiện có 3.769 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ môi trường do địa phương cấp phép, hoạt động tại 46 tỉnh, thành phố và 96 doanh nghiệp do Bộ TN&MT cấp phép (là các doanh nghiệp hoạt động liên vùng, liên tỉnh, hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại).
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận về nội dung dự thảo Khung. Các đại biểu đều thống nhất cần phân loại các DVMT với các tiêu chí rõ ràng, nên phân nhóm DVMT thành các nhóm lớn, không nên phân nhóm quá chi tiết.
Phát biểu tại Hội thảo, Chánh Văn phòng Tổng cục Hoàng Văn Thức thay mặt tổ soạn thảo tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo đó, tổ soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Khung chính sách, pháp luật về phát triển DVMT ở Việt Nam sớm trình Thủ tướng ban hành.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Tăng cường chính sách, pháp luật phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam
Linh Hương (VEA)

Sản xuất bền vững sạch hơn tạo ra sự khác biệt

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là một cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững, trong đó chú trọng tới giảm thiểu sử dụng các hóa chất độc hại ảnh hưởng tới môi trường và tăng lợi nhuận thông qua giảm lãng phí trong sản xuất, làm tiền đề thâm nhập vào thị trường quốc tế. SXSH sẽ được quảng bá rộng rãi tại hội trợ khu vực châu Á Thái Bình Dương Lifestyle Trade Fair tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 4 tới.

 Trong số 700 doanh nghiệp dự kiến tham gia hội trợ thường niên năm nay, chỉ có khoảng vài chục công ty cam kết tham gia thực hiện SXSH, trong đó có 4 công ty sản xuất và chế biến Mây Song (2 từ Việt Nam và 2 từ Lào) được WWF hỗ trợ gian hàng trong khuôn khổ dự án “Thiết lập hệ thống Sản xuất bền vững cho các sản phẩm mây tre đan ở Lào, Campuchia và Việt Nam”.

 Để khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào phát triển bền vững, trong đó có nội dung sản xuất sạch hơn, một hội thảo về chủ đề “Sản xuất bền vững – Xu hướng của thế kỷ 21” sẽ được tổ chức trong thời gian hội chợ, từ 10.00 đến 11.00 sáng ngày 21 tháng 4. Hội thảo do WWF, One-UN và Vietcraft phối hợp tổ chức.

 Các sản phẩm mây tre đan được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam, Lào, Campuchia và đem lại thu nhập cho rất nhiều người sống phụ thuộc vào rừng và sản xuất chế biến Mây Song. Tuy nhiên, việc sản xuất không bền vững do khai thác quá mức cùng với các lãng phí trong sản xuất, chế biến và vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất đang đe dọa ngành sản xuất này. Trước thực trạng này, năm 2009, WWF triển khai chương trình Mây bền vững tại Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng, khu vực kinh tế tư nhân và chính phủ cam kết hướng tới một chuỗi cung ứng mây bền vững, từ hoạt động quản lý rừng mây bền vững đến sản xuất và kinh doanh.

 Dự kiến sẽ có  300 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm quen với qui trình Sản xuất sạch trong đó ít nhất 120 doanh nghiệp đưa ra được các biện pháp cụ thể phù hợp với từng doanh nghiệp.

 “Là một đơn vị chuyên về sản xuất sạch hơn, cùng phối hợp với Chương trình Mây Bền vững của WWF, chúng tôi dành nhiều thời gian và công sức để khuyến khích các doanh nghiệp mây tre hướng tới quy trình SXSH” Ông Lê Xuân Thịnh, Trưởng nhóm Tư vấn Doanh nghiệp của Trung Tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết. “Hiện có 7 công ty bao gồm: Âu Cơ, Ngọc Đông, Vĩnh Long, Hà Linh, Hiệp Hòa, Đức Phong và Nam Phước đã cam kết áp dụng qui trình sản xuất sạch hơn. Trong số đó 3 công ty đã được đánh giá toàn diện, 4 công ty sẽ được đánh giá vào cuối năm nay,” ông cho biết thêm.

 Cũng theo ông Thịnh, trung tâm đã phát triển 8 kỹ thuật SXSH mới và phối hợp với các đơn vị chế biến mây tre liên quan kiểm nghiệm trước khi giới thiệu rộng rãi tới các doanh nghiệp khác trong mạng lưới. VNCPC cũng tiến hành các đánh giá nhanh và toàn diện cho các doanh nghiệp tại 3 nước Lào, Việt Nam và Campuchia nhằm giúp họ tìm ra cách thức tốt nhất để áp dụng SXSH và từ đó dần đáp ứng được yêu cầu từ thị trường thế giới đối với sản phẩm sạch.

 “Một công ty mây ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có thể tiết kiệm từ 30-50% chi phí về hóa chất và giảm thiểu 40% chi phí về chất lỏng, xăng dầu và khí ga”, ông Thịnh chia sẻ “Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn để đưa SXSH đến các doanh nghiệp như thiếu số liệu về quá trình sản xuất, chuyên môn và năng lực của cán bộ nhân viên còn yếu, thậm chí không đủ kinh phí để thực hiện các giải pháp đề ra. Dự án Mây bền vững của WWF đã và đang hỗ trợ tổ chức bằng các khóa đào tạo nhân lực, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp để họ thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật SXSH mới trong quy trình sản xuất của mình”.

 Theo một số điều luật mới được ban hành tại Châu Âu và Mỹ (FLEGT và Lacey Act), chỉ các sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC mới được nhập khẩu vào Châu Âu và Mỹ – hai thị trường chính của các sản phẩm mây. Mây thuộc vào nhóm các sản phẩm phi gỗ, tuy nhiên xu hướng cho thấy các thị trường trên sẽ sớm áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về việc nhập khẩu các sản phẩm này. Bên cạnh quy trình SXSH, trong qui trình quản lý bền vững, dự án mây bền vững còn hỗ trợ việc quản lý rừng bền vững bằng việc cấp giấy chứng nhận FSC của Hội đồng Quản lý Rừng.

 Ông Lê Thái Tính, Giám đốc Kinh doanh của công ty Vĩnh Long phát biểu: “Chứng chỉ FSC cho mây rất hữu ích vì nó phù hợp với ý tưởng của chúng tôi trong việc duy trì nguồn nguyên vật liệu bền vững và lâu dài. Trong nhận thức, chúng tôi luôn mong muốn duy trì nguồn nguyên vật liệu có thể tái tạo này cho phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Vĩnh Long có thể mở một công ty liên doanh tại Lào, trong đó công ty sẽ cung cấp máy móc và kỹ thuật chế biến trong khi các công ty Lào có thể cung cấp nguồn mây có chứng nhận FSC”.

Bà Sabine Gish Boie, cán bộ quản lý dự án cho biết: “Tại Việt Nam, dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng 6000 ha mây thuộc tỉnh Quảng Nam và Huế, trong đó có khoảng 2000 ha được đưa vào quản lý bền vững. Tại huyện Khamkeut, Lào 1.200 ha rừng mây đang trong quá trình nhận chứng chỉ FSC – chứng chỉ FSC mây tre đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi hy vọng cuối năm nay thị trường châu Âu  sẽ xuất hiện sản phẩm mây tre dán nhãn FSC ”

Dự án “Thiết lập hệ thống Sản Xuất Mây Song bền vững tại Lào, Campuchia và Việt Nam” được đồng tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu (EU), công ty đa quốc gia IKEA và Tổ chức hỗ trợ tài chính Đức (DEG

Việt Nam đã có hơn 300 doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn

Đó là thông tin được đưa ra trong Hội nghị bàn tròn quốc gia về sản xuất sạch hơn lần thứ 4 vừa diễn ra tại TP.Huế. Hội nghị do Bộ Tài nguyên Môi trường (Tổng cục Môi trường), Bộ Công Thương (Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp – Danida) và Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam phối hợp tổ chức.

Hội nghị đã nhận được sự tham dự nhiệt tình của trên 160 đại biểu là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia tư vấn và các doanh nghiệp công nghiệp trên cả nước. Những nội dung được đưa ra thảo luận bao gồm: Hiện trạng và hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn tại Việt Nam và định hướng thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; phát triển đô thị và khu công nghiệp bền vững; tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; các cơ chế tài chính cho các dự án môi trường nói chung và các dự án sản xuất sạch hơn/tiết kiệm năng lượng nói riêng.

Phổ biến rộng rãi sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Sản xuất sạch hơn (SXSH) đã được giới thiệu và trình diễn thành công ở Việt Nam hơn 10 năm nay thông qua các dự án tài trợ của nước ngoài và đã bước đầu được thực hiện rộng khắp tại một số tỉnh thành. Tính đến quý 3/2009, Việt Nam đã có hơn 300 DN áp dụng SXSH. Tháng 9/2009, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SXSH trong công nghiệp. Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện chiến lược sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, phổ biến rộng rãi SXSH tại các cơ sở công nghiệp trên cả nước. Trong thời gian qua, việc phổ biến SXSH tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức do nhận thức của lãnh đạo DN về tầm quan trọng của SXSH còn thấp, SXSH chưa nói ngôn ngữ của các DN, các hoạt động phổ biến SXSH chưa tập trung vào lợi ích kinh tế… Đây là những thách thức mà Bộ Công Thương sẽ phải vượt qua trong thời gian thực hiện chiến lược từ nay đến năm 2020. Qua thảo luận, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp như: Sử dụng tốt hơn truyền thông đại chúng để phổ biến, đưa SXSH vào các trường quản lý DN, đưa SXSH vào các lớp đào tạo dành cho CEO, và thúc đẩy SXSH thông qua các quỹ tài chính và ngân hàng có hỗ trợ vốn đối với các dự án SXSH.

Phát triển đô thị và khu công nghiệp bền vững

Nội dung chính của một đô thị và KCN bền vững chính là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực (năng lượng, nước, điện), trao đổi, tái chế và xử lý chất thải. Hiện nay, các đô thị và KCN của Việt Nam chủ yếu vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài. Để phát triển đô thị và KCN bền vững còn gặp nhiều rào cản: Hạ tầng đô thị, KCN còn yếu kém, diện tích cây xanh chưa nhiều; quy hoạch KCN và đô thị còn chưa hợp lý dẫn đến các DN khó có điều kiện trao đổi, chia sẻ chất thải, nguyên liệu, nguồn lực.

Hội nghị bàn tròn đưa ra giải pháp là: Việt Nam cần phải xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đô thị và một chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững KCN; hoàn thiện chính sách về phát triển các khu đô thị và KCN.

Tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả

Hội nghị đã nêu rõ, tiết kiệm năng lượng (TKNL) là một nội dung lớn của sản xuất và tiêu thụ bền vững. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến TKNL và đã có một chương trình quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì. Các hoạt động TKNL đã được thực hiện tương đối rộng rãi tại nhiều tỉnh thành. Theo đó, Việt Nam đã bước đầu hình thành một thị trường về TKNL, hiện đã có nhiều cơ chế tài chính hỗ trợ cho việc TKNL và mạng lưới tổ chức hỗ trợ TKNL từ trung ương đến địa phương. Các DN đã nhận thức được ý nghĩa của việc TKNL. Vấn đề đối với DN là điều kiện để xây dựng các dự án đầu tư về TKNL như tài chính, kỹ thuật và nguồn nhân lực. Hiện Chính phủ đã có nghị định về TKNL, dự kiến sẽ ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng trong năm 2010.

Các cơ chế tài chính

Ngoài các vấn đề kỹ thuật, hội nghị bàn tròn lần này còn có một phiên toàn thể về các cơ chế tài chính hỗ trợ cho các dự án/DN thực hiện SXSH, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ TKNL. Qua các trình bày tại hội nghị bàn tròn có thể thấy, hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều quỹ tài chính có tiềm năng hỗ trợ cho các dự án sản xuất và tiêu dùng bền vững như: Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Quỹ Tín dụng xanh của Chính phủ Thụy Sỹ; Chương trình bảo lãnh vốn vay của Dự án TKNL cho các DN vừa và nhỏ; các quỹ đầu tư phát triển địa phương; quỹ đầu tư tư nhân. Vấn đề là làm sao để các DN biết đến và tiếp cận các nguồn vốn một cách hiệu quả. Đây cũng là vấn đề còn trăn trở của nhiều đại biểu tham dự hội nghị./.

Khởi động dự án Sống Xanh Việt Nam

Sống Xanh Việt Nam là dự án thúc đẩy tiêu dùng bền vững với tổng kinh phí 1,4 triệu EURO (tương đương 37.5 tỷ đồng) chính thức khởi động vào ngày 7/11/2012 tại Hà Nội.

Khởi động dự án Sống Xanh Việt Nam

Quang cảnh khởi động dự án Sống Xanh Việt Nam sáng 7/11/2012

Dự án, kéo dài từ 2012 đến 2015, hướng tới đối tượng người tiêu dùng có thu nhập trung bình ở sáu đô thị lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, và Cần Thơ.

Mục tiêu của dự án là thành lập hàng trăm câu lạc bộ tiêu dùng bền vững tại các thành phố này, xây dựng mạng lưới 1000 hạt giống thay đổi nhằm phổ biến phong cách sống và làm việc bền vững trong cộng đồng ngày cả sau khi dự án kết thúc.

“Thông qua chương trình SWITCH, Liên minh Châu Âu đã không ngừng thúc đẩy các sáng kiến về sản xuất và tiêu dùng bền vững, những yếu tố quan trọng của một nền kinh tế xanh tại Châu Á”, bà Berenice Muraille, Cố vấn Phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, nhấn mạnh, “Sống Xanh Việt Nam và dự án Đổi Mới Sản Phẩm Bền Vững cũng do chương trình SWITCH đồng tài trợ đã đưa ra những giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp và tổ chức người tiêu dùng thông qua việc thúc đẩy những phương pháp sản xuất hiệu quả và nâng cao thói quen tiêu dùng tại Việt Nam.”

Theo TS Marcel Crul, đại diện đối tác chính của dự án, Đại học Công nghệ Delft, “điểm đặc biệt của Sống Xanh Việt Nam là đây là dự án đầu tiên thiết lập cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất để hai bên cùng nhau cải tiến sản phẩm, tạo ra những sản phẩm bền vững hơn. Chúng tôi gọi đây là phương pháp đồng sáng tạo”

Không những khuyến khích thói quen tiêu dùng bền vững của người Việt, Sống Xanh Việt Nam còn hướng đến nâng cao năng lực của các cơ quan nhà nước và các hội người tiêu dùng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” tầm nhìn đến 2050 trong đó nhấn mạnh thúc đẩy tiêu dùng bền vững là một trong những nhiệm vụ chiến lược.

“Dự án Sống Xanh Việt Nam mong muốn tạo ra một mô hình để chỉ cho người tiêu dùng thấy rằng sống bền vững là có thể và, thậm chí, không hề khó. Chúng tôi không ảo tưởng rằng chỉ qua ba năm có thể thay đổi hành vi tiêu dùng của hàng triệu người Việt Nam nhưng chúng tôi kỳ  vọng sẽ có ít nhất 1000 người trở thành những “hạt giống thay đổi”, là những ví dụ sống động cho nhiều người khác làm theo”, PGS.TS Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam, chia sẻ.

Phát triển đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn: “Cái khó nhất chính là thị trường”

 Phát triển đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn: “Cái khó nhất chính là thị trường”

 Phát triển đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn: “Cái khó nhất chính là thị trường”

Thị trường nhỏ bé, chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh chính là nguyên nhân khiến đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn (SXSH) chưa phát triển. Đó là khẳng định của ông Trần An – Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn EPRO – đơn vị đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo tư vấn SXSH cho Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) và Chiến lược quốc gia về SXSH.

Được coi là “sợi chỉ đỏ” cho hoạt động SXSH, lực lượng tư vấn là một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một dự án SXSH. Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ này hiện nay?

Về số lượng các đơn vị tư vấn SXSH, hiện nay nhiều đơn vị có năng lực chuyên sâu về SXSH như Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), EPRO. Ngoài ra, một số đơn vị có làm về SXSH như Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và SXSH Hải Phòng… Tuy nhiên, các đơn vị này chủ yếu chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… Riêng các nhóm tư vấn đã được CPI hỗ trợ và Bộ Công Thương tổ chức đào tạo trước đây thì hiện nay vẫn hoạt động và liên kết theo góc độ cá nhân, khi có khó khăn thì hỗ trợ cho nhau. Về chất lượng, các nhóm ở địa phương như Thái Nguyên, An Giang, Đà Nẵng… là những nhóm mạnh và với những ngành nghề không quá phức tạp, họ có thể làm tốt. Song, nhìn chung, lực lượng tư vấn SXSH hiện nay vẫn cần phải có thời gian rèn luyện và tích lũy thêm kinh nghiệm.

Là một người làm tư vấn lâu năm, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất đối với lực lượng tư vấn SXSH hiện nay?

Theo tôi khó khăn lớn nhất là thị trường chưa đủ lớn nên tư vấn dù có được đào tạo bài bản cũng giống như chỉ học lý thuyết mà không được thực hành, năng lực không thể phát huy được. Nghề tư vấn SXSH không có gì quá khó khăn hay phức tạp mà hoàn toàn là vấn đề thực hành, có nhiều người không học lý thuyết nhưng cứ làm nhiều rồi vẫn giỏi. Cho nên, cái quan trọng nhất vẫn là giải bài toán về thị trường.

Điều thứ hai là vì cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, lực lượng tư vấn đôi khi không mặn mà gì với các dự án SXSH. Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là khi có ngân sách để làm các đánh giá nhanh SXSH, rất nhiều địa phương có xu hướng tìm tư vấn bên ngoài thay vì tự làm. Điều này dẫn đến thực tế là nhiều khi các trung tâm tư vấn SXSH độc lập thường hoạt động mạnh hơn những trung tâm tư vấn trực thuộc các Sở Công Thương.

Với những rào cản như vậy, đâu là hướng giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Theo tôi, nên chăng có một mức thù lao hoặc thu nhập cao hơn cho chính các cán bộ SXSH tại địa phương để họ có động lực tham gia làm các dự án SXSH thay vì hoàn toàn thuê ngoài. Tất nhiên, trước mắt, vì những hạn chế cả về kinh nghiệm và kỹ năng, sự phối hợp giữa các cán bộ địa phương và các đơn vị tư vấn chuyên sâu ở ngoài là cần thiết nhưng nếu xét về lâu dài sẽ không tốt vì vừa tốn kém, vừa khiến các cán bộ địa phương không có kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện các dự án SXSH. Do vậy, các địa phương nên cân nhắc, tận dụng cơ hội này để có thể phát huy mạnh hơn năng lực của các đơn vị tư vấn và xây dựng lộ trình cho mình. Ví dụ, với 5 – 10 DN cần đánh giá mỗi năm, đầu tiên, có thể phối hợp tỷ lệ 75 – 25 (75% cán bộ thuê ngoài và 25% là cán bộ địa phương), sau đó tiến dần lên là 50 – 50 rồi 25 – 75. Điều này dần dần sẽ giúp lực lượng này nâng cao năng lực.

Sau khi Hợp phần CPI kết thúc, Chiến lược quốc gia về SXSH vẫn đang tiếp tục được triển khai rầm rộ. Lực lượng tư vấn SXSH sẽ đóng vai trò như thế nào trong sự thành công của Chiến lược, thưa ông?

Chiến lược quốc gia về SXSH đã và đang được triển khai thực hiện song DN và các địa phương vẫn đang có tư tưởng trông chờ quá nhiều vào ngân sách quốc gia. Nhiều địa phương vẫn hỏi năm nay CPI có hỗ trợ gì không mặc dù hợp phần đã kết thúc rồi và địa phương nào hiện nay cũng được hỗ trợ kinh phí để xây dựng chương trình hành động. Đấy là một vấn đề lớn và đòi hỏi sự “vào cuộc” của lực lượng tư vấn SXSH.

Cụ thể, họ phải giúp các DN tại các địa phương thấy rằng SXSH là mang lại lợi ích cho chính DN, mà trong đó có những giải pháp hoàn toàn không tốn chi phí hoặc chi phí rất thấp, chỉ đơn giản là thay đổi thói quen, tư duy và cách làm chứ đừng đợi đến khi có hỗ trợ kinh phí mới làm. Kinh nghiệm từ Công ty KIDO –chuyên sản xuất kem ở TP. HCM là một ví dụ. Là một công ty được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM hỗ trợ về đánh giá nhanh và tư vấn, nhận thức được những lợi ích rõ ràng của việc ứng dụng SXSH, họ đã tự xây dựng được một kế hoạch với mục tiêu tiết kiệm điện, nước, xăng dầu hàng năm rõ ràng, thực hiện đầu tư nghiêm túc và hàng năm đều có báo cáo về những thay đổi cải tiến. Lợi nhuận thu được từ SXSH đã giúp họ nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Công ty Ắc quy Tia sáng – một điển hình của áp dụng Sản xuất sạch hơn

Sản xuất ắc quy chì-axit cũng như hóa chất tiêu tốn rất nhiều nguyên nhiên vật liệu, thải ra các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động và gây ô nhiễm môi trường. Mười năm trước, do thiết bị và công nghệ lạc hậu, Công ty ắc quy Tia sáng đã bị xếp vào điểm đen về ô nhiễm môi trường. Từ một doanh nghiệp nhận được quyết định buộc phải di dời, đến nay công ty đã đổi khác, trở thành một điển hình áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại và phương thức quản lý thân thiện môi trường.

Để đáp ứng được sự phát triển bền vững, Công ty nhận thấy cần phải đầu tư, nghiên cứu, cải tiến công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

1. Nội dung nghiên cứu và các giải pháp

Công ty đã rà soát lại toàn bộ quá trình công nghệ, thiết bị sản xuất và các dòng phát thải, căn cứ số liệu thu thập được đưa ra các giải pháp cụ thể như: tiến công nghệ giảm tiêu tốn nguyên vật liệu, năng lượng, xử lý các công đoạn gây ô nhiễm, thay thế thiết bị cũ bẳng thiết bị tiên tiến và áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến…

2- Các kết quả đã đạt được

2.1.  Thực hiện

–   Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, hoàn thiện hệ thống thiết bị xử lý mù axit ở công đoạn điện phân “hoá thành tấm cực”.


Hình 1: Hệ thống xử lý mù axit 

Hình 2: Hệ thống hóa thành tấm cực

Hình 3: Máy cắt cực, chống bụi

–       Cải tiến hoàn thiện thiết bị cắt, mài tấm cực ắc quy và hệ thống xử lý bụi chì – khí thải của  “Xưởng gia công tấm cực”.

–       Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt hệ thống xử lý khí, bụi ở khâu “ đúc sườn cực”,  “nấu chì hợp kim và đúc phụ tùng ắc quy” .

–       Nghiên cứu, chế tạo và lắp đặt hệ thống xử lý khí, bụi ở công đoạn “xếp-gấp lá cách-lá cực” ắc quy tích điện khô và ắc quy kín khí .

–       Nhập khẩu, tự lắp đặt, vận hành các thiết bị mới tiên tiến từ Mỹ và Châu Âu, nghiên cứu cải tiến các thiết bị hiện có, giúp dây chuyền sản xuất hiện tại của Công ty là đồng bộ và tiên tiến.

2.2.  Kết quả đạt được

Góp phần giảm lượng chì và hợp kim chì phải nhập khẩu 10¸15%, giảm tiêu hao điện năng 40,19% , nước 78,36% , than 94,7% trong quá trình sản xuất. Tăng năng lực sản xuất của Công ty mà không phải đầu tư mở rộng nhà xưởng và nhập thêm thiết bị. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động, giảm ăn mòn thiết bị, nhà xưởng. Chất lượng sản phẩm ắc quy được nâng lên, ổn định, đạt và vượt các chỉ tiêu chất lượng theo tiêu chuẩn quy định. Góp phần tăng uy tín thương hiệu của Công ty trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tổng hợp các giải pháp về công nghệ và thiết bị đã thực hiện, không những công ty  tạo được môi trường làm việc tốt hơn mà còn giảm khối lượng lớn nguyên vật liệu, năng lượng cho quá trình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau 10 năm đổi mới cho thấy tổng doanh thu của năm 2010 là 269 tỷ đồng, tăng hơn 4,7 lần so với năm 2000. Có được kết quả đó là do công ty đã mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị và nghiên cứu phát triển về công nghệ một cách đúng hướng, tiết kiệm khoảng 6 tỷ đồng mỗi năm. Nâng cao được nhận thức phát triển bền vững của toàn thể CBCNV, phát huy khả năng sáng tạo của người lao động. Chất lượng lao động được ổn định, sức khoẻ CBCNV được cải thiện, tỷ lệ nghỉ ốm, chi phí y tế giảm rõ rệt. Đồng thời, thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động được nâng lên bình quân là 4.700.000đ/người/ tháng.

 Với các kết quả đạt được Công ty Ắc quy Tia sáng đã được Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Tổng Công ty Hoá chất Việt nam và các Cơ quan quản lý thành phố Hải phòng tặng bằng khen về việc hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất, và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Xứng đáng là một điển hình để các doanh nghiệp khác học tập.


Lợi ích từ sản xuất sạch hơn

Lợi ích từ sản xuất sạch hơn

Các giải pháp SXSH đã giúp các DN thu lợi không nhỏ

Tiết kiệm 14% điện trong phân xưởng sợi, 9% điện trong phân xưởng dệt và 4% than dùng sinh hơi cho quá trình hồ vải… là những lợi ích cơ bản mà các giải pháp sản xuất sạch hơn đã mang lại cho Công ty Dệt Vĩnh Phú.

Vào những năm 1970, Công ty Dệt Vĩnh Phú được coi là công ty lớn nhất Việt Nam về số lượng nhân viên, vốn đầu tư và thiết bị cho các quá trình từ kéo sợi, dệt vải, in đến hoàn thiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, các thiết bị đã trở nên hao mòn, gây tốn nhiều năng lượng, cộng với công nghệ sản xuất lạc hậu khiến năng suất chưa cao, tiềm năng sản xuất sạch hơn (SXSH) của DN còn rất lớn.
Với những tiềm năng lớn như vậy, khi Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) được triển khai ở tỉnh Phú Thọ, Dệt Vĩnh Phú chính là một trong những DN đầu tiên được lựa chọn để triển khai chương trình này. Theo đó, sau quá trình đánh giá tiềm năng SXSH tại đây, 9 giải pháp đã được DN triển khai trước và sau chương trình nhằm tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu và tiết giảm chi phí sản xuất. Theo thống kê của DN, nhờ thực hiện các giải pháp này, công ty đã tiết kiệm được hàng năm khoảng 1.000 MWh điện và 200 tấn than. Con số này tương ứng với tiết kiệm hàng năm 60.724 USD từ tổng số vốn đầu tư 21.759 USD. Thời gian hoàn vốn trung bình của tất cả các giải pháp là khoảng 4 tháng.
Cụ thể, trước khi tham gia SXSH, các trạm biến thế của công ty đều được lắp đặt từ những năm 1970 và chỉ hoạt động với 50% công suất. Do đó, trong quá trình triển khai chương trình, công ty đã lắp mới tụ bù cho các trạm biến thế, đồng thời chuyển tải của 6 trạm về tập trung tại 4 trạm. Với chi phí khoảng 2.930 USD, giải pháp này đã giúp công ty tiết kiệm được khoảng 113 MWh/năm, tương ứng với 5.831 USD. Thời gian hoàn vốn cho giải pháp này là 6 tháng.
Giải pháp tiêu biểu tiếp theo được công ty thực hiện là cải thiện hệ thống thông gió cho xưởng sợi số 2. Bởi trước đó, phân xưởng sợi số 2 là khu vực được thiết kế và sử dụng cho việc lưu trữ bông nên hệ thống thông gió không phù hợp khi có các máy kéo sợi hoạt động. Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong nhà có thể lên đến 400C, vì vậy, việc vận hành hệ thống làm mát trung tâm sẽ làm tăng đáng kể giá thành sản xuất. Do đó, công ty đã quyết định làm thêm cửa sổ để tăng cường đối lưu tự nhiên, đồng thời lắp đặt thêm 7 quạt hút và cải thiện việc theo dõi sử dụng hệ thống làm mát. Giải pháp này giúp công ty tiết kiệm thêm 223 MWh điện/tháng.
Trước hiệu quả của hai giải pháp trên, một giải pháp đòi hỏi chi phí cao hơn đã được công ty thực hiện là thay đổi chi số sợi và nâng cao năng suất máy kéo sợi thô. Do trước khi tham gia SXSH, 14 máy kéo sợi thô của công ty vẫn hoạt động theo quy trình cũ, năng suất chưa cao nên sau quá trình khảo sát SXSH, công ty đã quyết định đầu tư thay đổi chi số sợi nhằm nâng cao năng suất máy kéo sợi thô. Giải pháp này giúp chất lượng sợi thô cao hơn, không ảnh hưởng đến chất lượng của sợi con, đồng thời tăng sản lượng 14%, từ đó không chỉ tiết kiệm nhân công mà còn tiết kiệm 133 MWh điện tiêu thụ hàng tháng.
Sau khi chương trình SXSH tại nhà máy hoàn thành, so sánh số liệu trước và sau khi các giải pháp này được triển khai cho thấy, các nỗ lực không ngừng của công ty hàng năm đã giúp giảm tiêu thụ 14% điện trong phân xưởng sợi, 9% điện trong phân xưởng dệt và 4% than dùng sinh hơi cho quá trình hồ vải. Đồng thời, hàng năm, lượng khí nhà kính cũng giảm khoảng 1.096 tấn. Đây chính là tiền đề để công ty tiếp tục thực hiện các giải pháp SXSH ngay cả khi chương trình đã kết thúc. Đến thời điểm này, Dệt Vĩnh Phú luôn là một trong những DN điển hình làm tốt các giải pháp SXSH nhằm mang lại lợi nhuận lớn từ tiết giảm chi phí trong quá trình sản xuất./.

Ứng dụng công nghệ xanh với đèn gỗ phát sáng

Nhà thiết kế người Nhật Ryosuke Fukusada vừa giới thiệu thiết kế bóng đèn bằng gỗ rất độc đáo của mình.

                 
Bóng đèn gỗ trong bóng tối
Bóng đèn thông thường dùng vỏ thuỷ tinh và tim đèn làm bằng tungsten, một loại vật liệu phát ra nhiều nhiệt và sử dụng khá nhiều năng lượng. Thiết kế bóng đèn gỗ của ông Fukusada khắc phục được các nhược điểm này bằng cách dùng đèn LED (đèn điốt phát quang) với tính chất gọn, nhẹ, bền, tiết kiệm năng lượng và quan trọng hơn cả là đèn LED phát ra rất ít nhiệt. Chính đặc điểm này đã khiến cho việc kết hợp đèn LED với vỏ ngoài bằng gỗ trở nên khả thi, và bạn sẽ không phải lo đến việc chiếc đèn gỗ này bỗng nhiên phát cháy bất chợt.


                                   Bóng đèn gỗ của Fukusada ở trạng thái tắt và mở đèn
Phần vỏ gỗ được thiết kế theo kĩ thuật thủ công truyền thống của Nhật có tên Rokuro. Khi tắt đèn, lớp vỏ gỗ này trông cứng cáp và hoàn toàn kín khiến cho bạn không thể thấy được đèn LED bên trong. Tuy nhiên, khi bạn bật đèn, điều kì diệu sẽ xảy ra: lớp vỏ gỗ phát sáng lên như một bóng đèn neon thủy tinh. Bí mật nằm ở độ mỏng tối đa của lớp gỗ, được tạo nên bởi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Fukusada.

Với ưu điểm nhẹ, ít nguy hiểm, tiết kiệm năng lượng và thiết kế độc đáo mang phong cách phương Đông, chiếc đèn gỗ hứa hẹn sẽ trở nên phổ biến đối với những người yêu thích công nghệ xanh cũng như công chúng yêu công nghệ nói chung.

Theo diginew.digisoft.

Wipro Unza ứng dụng công nghệ xanh xây nhà xưởng tại Việt Nam

Một thành viên thuộc tập đoàn Wipro, công ty chuyên kinh doanh sản phẩm chăm sóc cá nhân Wipro Unza khởi công xây dựng nhà xưởng ứng dụng công nghệ xanh tại KCN Việt Nam – Singapore, Bình Dương.

Kinh phí đầu tư khoảng 2 triệu USD, dự kiến gia tăng 200% sản lượng cho công ty sau khi đầu tư trang thêm trang thiết bị tại nhà xưởng mới
Dự án nhà kho mới của Wipro Unza khởi công ngày 01/11/2012, công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2013. Nhà kho hiện tại có diện tích là 2.791m2, dự án đầu tư xây mới trên diện tích đất 9.488m2. Nhà kho mới được thiết kế với diện tích 5.376m2, tăng 93% so với diện tích kho cũ.

Lễ khởi công xây dựng nhà xưởng
Lễ khởi công xây dựng nhà xưởng
Wipro Unza ứng dụng công nghệ xanh nhằm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường và tối ưu công suất hoạt động. Nhà kho sẽ sử dụng thiết kế Flexi Narrow Aisle cho phép linh hoạt trong cách bố trí kho, có thể thu hẹp tối đa khoảng cách giữa các kệ chứa hàng vừa đủ cho các xe Flexi hoạt động. Đây là kỹ thuật tiên tiến đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, nhà kho mới của Unza có thể tăng khả năng bố trí kệ hàng từ 3.400 kệ lên đến 8.131 kệ (tăng sức chứa lên đến 139%). Flexi Narrow Aisle là kỹ thuật mới đang được ứng dụng nhiều nơi trên thế giới giúp nhà xưởng tiết kiệm không gian, tối ưu công suất, tiết kiệm chi phí đầu tư. Cách thiết kế này giúp tiết kiệm diện tích xây dựng, khu vực còn lại bên ngoài nhà kho Unza đủ cho khoảng 40 container đậu và di chuyển.

Lễ khởi công xây dựng nhà xưởng

Ngoài ra, nhà kho của Unza được trang bị thiết bị chữa cháy toàn diện đảm bảo tính an toàn cao. Toàn bộ khu vực bên trong và bên ngoài nhà kho sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Nguồn năng lượng mặt trời được tận dụng để chiếu sáng vào ban ngày và hệ thống thông gió tự nhiên tiết kiệm điện. Nhằm hạn chế việc khai thác mạch nước ngầm giữ màu xanh cho không gian xung quanh và thân thiện với mới trường, nhà kho được xây dựng riêng một bể chứa nước để lưu trữ nguồn nước mưa và sử dụng dần trong vận hành kho.

Công nghệ xanh và kỹ thuật tiên tiến, Wipro Unza đạt được mục tiêu tiết kiệm chi phí, tối ưu công suất, thân thiện và bảo vệ môi trường. Đây cũng là xu hướng xây dựng nhà xưởng được ứng dụng nhiều nước tiên tiến trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng như hiện nay.

Wipro Unza có mặt tại Việt Nam từ năm 1996 với các nhãn hàng nổi tiếng như Romano, Enchanteur, Izzi… và nhiều chăm sóc cá nhân khác. Sản phẩm của công ty được sản xuất 90% tại các nhà máy riêng đặt tại Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia.

 Theo dantri.com

Ứng dụng công nghệ vào khách sạn xanh

ứng dụng công nghệ vào khách sạn xanh
 Ứng dụng công nghệ vào khách sạn xanh

Rất nhiều khách sạn ngày nay cam kết sẽ trở thành một khách sạn “xanh”, tức là một khách sạn thân thiện với môi trường và hệ sinh thái nhằm thu hút khách du lịch tìm đến đặt chỗ và nghỉ lại.

Thông tin trên trang web chuyên về đặt chỗ trực tuyến Travelocity, cho thấy trên thực tế khách du lịch ưu tiên đặt chỗ tại các khách sạn “xanh”. Theo thống kê của trang web này, các khách sạn thân thiện với môi trường nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch hơn những đối thủ khác.

Nhiều khách du lịch tìm kiếm chỗ ở cho những ngày nghỉ của mình trên các trang web như Travelocity, Expedia và Orbitz luôn tra cứu ngay vào danh mục các khách sạn “xanh” và từ chối đặt chỗ tại những khách sạn chưa có chứng nhận gì. Điều này đã khiến những ông chủ của các khách sạn bắt đầu phải quan tâm hơn đến khái niệm “phát triển bền vững”.

Mới đây, một khách sạn tại Tây Ban Nha trong chuỗi các khách sạn mang tên NH đã giới thiệu hệ thống “Máy tính đếm lượng khí cácbon,” hệ thống này cho các vị khách biết lượng cácbon mà họ thải ra khi nghỉ tại khách sạn.

Hệ thống này còn có khả năng tính toán được những tác động tới môi trường của việc sử dụng các loại phương tiện giao thông khác nhau. Đây là một hệ thống máy tính đầu tiên kiểu như vậy được trang bị tại một chuỗi khách sạn. NH cũng tổ chức những cuộc họp hay hội nghị cho các khách hàng là doanh nhân với tiêu chí “các cuộc họp sinh thái”.

Chuỗi khách sạn Scandic tại Bắc Âu cũng được nhắc đến với tư cách là “người tiên phong” khi đã không sử dụng các loại nước đóng chai tại các khách sạn của mình. Scandic cũng cam kết sẽ trang bị cho tất cả các nhân viên khách sạn loại đồng phục hữu cơ trong thời gian tới