Phát triển đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn: “Cái khó nhất chính là thị trường”

 Phát triển đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn: “Cái khó nhất chính là thị trường”

 Phát triển đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn: “Cái khó nhất chính là thị trường”

Thị trường nhỏ bé, chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh chính là nguyên nhân khiến đội ngũ tư vấn sản xuất sạch hơn (SXSH) chưa phát triển. Đó là khẳng định của ông Trần An – Phó giám đốc Công ty CP Tư vấn EPRO – đơn vị đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo tư vấn SXSH cho Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) và Chiến lược quốc gia về SXSH.

Được coi là “sợi chỉ đỏ” cho hoạt động SXSH, lực lượng tư vấn là một trong những yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một dự án SXSH. Ông đánh giá như thế nào về đội ngũ này hiện nay?

Về số lượng các đơn vị tư vấn SXSH, hiện nay nhiều đơn vị có năng lực chuyên sâu về SXSH như Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), EPRO. Ngoài ra, một số đơn vị có làm về SXSH như Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và SXSH Hải Phòng… Tuy nhiên, các đơn vị này chủ yếu chỉ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… Riêng các nhóm tư vấn đã được CPI hỗ trợ và Bộ Công Thương tổ chức đào tạo trước đây thì hiện nay vẫn hoạt động và liên kết theo góc độ cá nhân, khi có khó khăn thì hỗ trợ cho nhau. Về chất lượng, các nhóm ở địa phương như Thái Nguyên, An Giang, Đà Nẵng… là những nhóm mạnh và với những ngành nghề không quá phức tạp, họ có thể làm tốt. Song, nhìn chung, lực lượng tư vấn SXSH hiện nay vẫn cần phải có thời gian rèn luyện và tích lũy thêm kinh nghiệm.

Là một người làm tư vấn lâu năm, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất đối với lực lượng tư vấn SXSH hiện nay?

Theo tôi khó khăn lớn nhất là thị trường chưa đủ lớn nên tư vấn dù có được đào tạo bài bản cũng giống như chỉ học lý thuyết mà không được thực hành, năng lực không thể phát huy được. Nghề tư vấn SXSH không có gì quá khó khăn hay phức tạp mà hoàn toàn là vấn đề thực hành, có nhiều người không học lý thuyết nhưng cứ làm nhiều rồi vẫn giỏi. Cho nên, cái quan trọng nhất vẫn là giải bài toán về thị trường.

Điều thứ hai là vì cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, lực lượng tư vấn đôi khi không mặn mà gì với các dự án SXSH. Có một thực tế đang diễn ra hiện nay là khi có ngân sách để làm các đánh giá nhanh SXSH, rất nhiều địa phương có xu hướng tìm tư vấn bên ngoài thay vì tự làm. Điều này dẫn đến thực tế là nhiều khi các trung tâm tư vấn SXSH độc lập thường hoạt động mạnh hơn những trung tâm tư vấn trực thuộc các Sở Công Thương.

Với những rào cản như vậy, đâu là hướng giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Theo tôi, nên chăng có một mức thù lao hoặc thu nhập cao hơn cho chính các cán bộ SXSH tại địa phương để họ có động lực tham gia làm các dự án SXSH thay vì hoàn toàn thuê ngoài. Tất nhiên, trước mắt, vì những hạn chế cả về kinh nghiệm và kỹ năng, sự phối hợp giữa các cán bộ địa phương và các đơn vị tư vấn chuyên sâu ở ngoài là cần thiết nhưng nếu xét về lâu dài sẽ không tốt vì vừa tốn kém, vừa khiến các cán bộ địa phương không có kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện các dự án SXSH. Do vậy, các địa phương nên cân nhắc, tận dụng cơ hội này để có thể phát huy mạnh hơn năng lực của các đơn vị tư vấn và xây dựng lộ trình cho mình. Ví dụ, với 5 – 10 DN cần đánh giá mỗi năm, đầu tiên, có thể phối hợp tỷ lệ 75 – 25 (75% cán bộ thuê ngoài và 25% là cán bộ địa phương), sau đó tiến dần lên là 50 – 50 rồi 25 – 75. Điều này dần dần sẽ giúp lực lượng này nâng cao năng lực.

Sau khi Hợp phần CPI kết thúc, Chiến lược quốc gia về SXSH vẫn đang tiếp tục được triển khai rầm rộ. Lực lượng tư vấn SXSH sẽ đóng vai trò như thế nào trong sự thành công của Chiến lược, thưa ông?

Chiến lược quốc gia về SXSH đã và đang được triển khai thực hiện song DN và các địa phương vẫn đang có tư tưởng trông chờ quá nhiều vào ngân sách quốc gia. Nhiều địa phương vẫn hỏi năm nay CPI có hỗ trợ gì không mặc dù hợp phần đã kết thúc rồi và địa phương nào hiện nay cũng được hỗ trợ kinh phí để xây dựng chương trình hành động. Đấy là một vấn đề lớn và đòi hỏi sự “vào cuộc” của lực lượng tư vấn SXSH.

Cụ thể, họ phải giúp các DN tại các địa phương thấy rằng SXSH là mang lại lợi ích cho chính DN, mà trong đó có những giải pháp hoàn toàn không tốn chi phí hoặc chi phí rất thấp, chỉ đơn giản là thay đổi thói quen, tư duy và cách làm chứ đừng đợi đến khi có hỗ trợ kinh phí mới làm. Kinh nghiệm từ Công ty KIDO –chuyên sản xuất kem ở TP. HCM là một ví dụ. Là một công ty được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM hỗ trợ về đánh giá nhanh và tư vấn, nhận thức được những lợi ích rõ ràng của việc ứng dụng SXSH, họ đã tự xây dựng được một kế hoạch với mục tiêu tiết kiệm điện, nước, xăng dầu hàng năm rõ ràng, thực hiện đầu tư nghiêm túc và hàng năm đều có báo cáo về những thay đổi cải tiến. Lợi nhuận thu được từ SXSH đã giúp họ nâng cao sức cạnh tranh và khẳng định chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!