Sản xuất bền vững sạch hơn tạo ra sự khác biệt
Sản xuất sạch hơn (SXSH) là một cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững, trong đó chú trọng tới giảm thiểu sử dụng các hóa chất độc hại ảnh hưởng tới môi trường và tăng lợi nhuận thông qua giảm lãng phí trong sản xuất, làm tiền đề thâm nhập vào thị trường quốc tế. SXSH sẽ được quảng bá rộng rãi tại hội trợ khu vực châu Á Thái Bình Dương Lifestyle Trade Fair tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 4 tới.
Trong số 700 doanh nghiệp dự kiến tham gia hội trợ thường niên năm nay, chỉ có khoảng vài chục công ty cam kết tham gia thực hiện SXSH, trong đó có 4 công ty sản xuất và chế biến Mây Song (2 từ Việt Nam và 2 từ Lào) được WWF hỗ trợ gian hàng trong khuôn khổ dự án “Thiết lập hệ thống Sản xuất bền vững cho các sản phẩm mây tre đan ở Lào, Campuchia và Việt Nam”.
Để khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào phát triển bền vững, trong đó có nội dung sản xuất sạch hơn, một hội thảo về chủ đề “Sản xuất bền vững – Xu hướng của thế kỷ 21” sẽ được tổ chức trong thời gian hội chợ, từ 10.00 đến 11.00 sáng ngày 21 tháng 4. Hội thảo do WWF, One-UN và Vietcraft phối hợp tổ chức.
Các sản phẩm mây tre đan được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam, Lào, Campuchia và đem lại thu nhập cho rất nhiều người sống phụ thuộc vào rừng và sản xuất chế biến Mây Song. Tuy nhiên, việc sản xuất không bền vững do khai thác quá mức cùng với các lãng phí trong sản xuất, chế biến và vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất đang đe dọa ngành sản xuất này. Trước thực trạng này, năm 2009, WWF triển khai chương trình Mây bền vững tại Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng, khu vực kinh tế tư nhân và chính phủ cam kết hướng tới một chuỗi cung ứng mây bền vững, từ hoạt động quản lý rừng mây bền vững đến sản xuất và kinh doanh.
Dự kiến sẽ có 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm quen với qui trình Sản xuất sạch trong đó ít nhất 120 doanh nghiệp đưa ra được các biện pháp cụ thể phù hợp với từng doanh nghiệp.
“Là một đơn vị chuyên về sản xuất sạch hơn, cùng phối hợp với Chương trình Mây Bền vững của WWF, chúng tôi dành nhiều thời gian và công sức để khuyến khích các doanh nghiệp mây tre hướng tới quy trình SXSH” Ông Lê Xuân Thịnh, Trưởng nhóm Tư vấn Doanh nghiệp của Trung Tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết. “Hiện có 7 công ty bao gồm: Âu Cơ, Ngọc Đông, Vĩnh Long, Hà Linh, Hiệp Hòa, Đức Phong và Nam Phước đã cam kết áp dụng qui trình sản xuất sạch hơn. Trong số đó 3 công ty đã được đánh giá toàn diện, 4 công ty sẽ được đánh giá vào cuối năm nay,” ông cho biết thêm.
Cũng theo ông Thịnh, trung tâm đã phát triển 8 kỹ thuật SXSH mới và phối hợp với các đơn vị chế biến mây tre liên quan kiểm nghiệm trước khi giới thiệu rộng rãi tới các doanh nghiệp khác trong mạng lưới. VNCPC cũng tiến hành các đánh giá nhanh và toàn diện cho các doanh nghiệp tại 3 nước Lào, Việt Nam và Campuchia nhằm giúp họ tìm ra cách thức tốt nhất để áp dụng SXSH và từ đó dần đáp ứng được yêu cầu từ thị trường thế giới đối với sản phẩm sạch.
“Một công ty mây ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có thể tiết kiệm từ 30-50% chi phí về hóa chất và giảm thiểu 40% chi phí về chất lỏng, xăng dầu và khí ga”, ông Thịnh chia sẻ “Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn để đưa SXSH đến các doanh nghiệp như thiếu số liệu về quá trình sản xuất, chuyên môn và năng lực của cán bộ nhân viên còn yếu, thậm chí không đủ kinh phí để thực hiện các giải pháp đề ra. Dự án Mây bền vững của WWF đã và đang hỗ trợ tổ chức bằng các khóa đào tạo nhân lực, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp để họ thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật SXSH mới trong quy trình sản xuất của mình”.
Theo một số điều luật mới được ban hành tại Châu Âu và Mỹ (FLEGT và Lacey Act), chỉ các sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC mới được nhập khẩu vào Châu Âu và Mỹ – hai thị trường chính của các sản phẩm mây. Mây thuộc vào nhóm các sản phẩm phi gỗ, tuy nhiên xu hướng cho thấy các thị trường trên sẽ sớm áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về việc nhập khẩu các sản phẩm này. Bên cạnh quy trình SXSH, trong qui trình quản lý bền vững, dự án mây bền vững còn hỗ trợ việc quản lý rừng bền vững bằng việc cấp giấy chứng nhận FSC của Hội đồng Quản lý Rừng.
Ông Lê Thái Tính, Giám đốc Kinh doanh của công ty Vĩnh Long phát biểu: “Chứng chỉ FSC cho mây rất hữu ích vì nó phù hợp với ý tưởng của chúng tôi trong việc duy trì nguồn nguyên vật liệu bền vững và lâu dài. Trong nhận thức, chúng tôi luôn mong muốn duy trì nguồn nguyên vật liệu có thể tái tạo này cho phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Vĩnh Long có thể mở một công ty liên doanh tại Lào, trong đó công ty sẽ cung cấp máy móc và kỹ thuật chế biến trong khi các công ty Lào có thể cung cấp nguồn mây có chứng nhận FSC”.
Bà Sabine Gish Boie, cán bộ quản lý dự án cho biết: “Tại Việt Nam, dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng 6000 ha mây thuộc tỉnh Quảng Nam và Huế, trong đó có khoảng 2000 ha được đưa vào quản lý bền vững. Tại huyện Khamkeut, Lào 1.200 ha rừng mây đang trong quá trình nhận chứng chỉ FSC – chứng chỉ FSC mây tre đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi hy vọng cuối năm nay thị trường châu Âu sẽ xuất hiện sản phẩm mây tre dán nhãn FSC ”
Dự án “Thiết lập hệ thống Sản Xuất Mây Song bền vững tại Lào, Campuchia và Việt Nam” được đồng tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu (EU), công ty đa quốc gia IKEA và Tổ chức hỗ trợ tài chính Đức (DEG