Vôi…một hóa chất quan trọng trong lĩnh vực môi trường.

Ngày nay, vôi là mặt hàng quan trọng và không thể thay thế đối với nhiều ngành công nghiệp như: xây dựng, thực phẩm, bột giấy và giấy, luyện kim,…và đặc biệt là trong lĩnh vực môi trường.

Nói đến ứng dụng của vôi trong lĩnh vực môi trường là dùng vôi để xử lí nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp cho phép tái sử dụng nước thải. Vôi được sử dụng rộng rãi để xử lí chất thải độc hại đã và đang được thải ra môi trường hay các chất cấm không được thải ra môi trường. Vôi làm ổn định hầu hết các kim loại bằng cách chuyển chúng thành hóa chất dạng ổn định hơn, khó rò rỉ hơn. Hơn thế, vôi có thể phản ứng với các vật liệu rắn, làm giảm sự rò rỉ chất thải độc hại. Vôi có thể sử dụng để trung hòa các chất chứa axit. Vôi cũng giữ vai trò quan trọng trong nhiều ứng dụng kiểm soát ô nhiễm không khí, loại trừ khí có chứa axit, đặc biệt là SO2 và HCL từ khí thải.

Công nghệ trên cơ sở sử dụng vôi được đánh giá cao trong việc loại trừ thủy ngân và xử lí bùn, chất thải rắn sinh khí. Vôi có thể sử dụng hiệu quả để xử lí chất thải rắn sinh khí và cống rãnh cũng như chất bùn công nghiệp và chất thải xăng dầu.Ngoài ra, vôi còn được sử dụng để xử lí chất thải súc vật với nhiều ứng dụng cho hiệu quả và tiết kiệm chi phí, được mọi người chấp nhận vì chất thải súc vật gây nhiều thách thức. Nhiều đô thị sử dụng vôi để cải thiện chất lượng nước, kiểm soát độ PH, đặc biệt còn làm mềm nước và khử asen trong nước.Trong khi đó, ngành vôi ở Việt Nam đã có hàng chục năm nhưng vẫn sản xuất theo phương thức cũ, các cơ sở sản xuất vôi đều có tác động xấu tới môi trường và sinh thái, đặc biệt là các cơ sở sản xuất vôi thủ công. Bên cạnh đó, những cơ sở sản xuất vôi theo quy mô công nghiệp ở các địa phương tuy đã đầu tư nhưng chưa được quy hoạch. Việc đầu tư các cơ sở sản xuất vôi đã theo xu hướng thị trường, nhưng chưa có sự kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị sản xuất vôi công nghiệp từ nước ngoài, quy hoạch vị trí xây dựng nhà máy, mỏ nguyên liệu để đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ và bảo vệ môi trường… 

Sản xuất vôi công nghiệp
Sản xuất vôi công nghiệp

Vấn đề đặt ra là bài toán cân bằng môi trường trong sản xuất vôi để đem lại sự phát triển bền vững. Việc nhập khẩu thiết bị công nghệ cũng cần có những tiêu chí để đảm bảo về chất lượng sản phẩm và các tiêu chí về bảo vệ môi trường chung, đảm bảo sức khoẻ cho người lao động trực tiếp tại cơ sở sản xuất. Hiện nay, trên thế giới công nghệ sản xuất vôi cũng rất được quan tâm khi luật môi trường ở các nước châu Âu ngày càng nghiêm ngặt đối với các nhà máy sản xuất. Các công nghệ mới được ra đời, thay thế các thiết bị lạc hậu. Trong đó, công nghệ lò đứng nung vôi của Italia do Công ty Cimprogetti cung cấp cũng đã được sử dụng rộng rãi mộ số nước trên thế giới như Trung Quốc, Úc, Malaysia, Nga, Ấn Độ,…Công nghệ rất tiên tiến tuy nhiên suất đầu tư cũng tương đối lớn so với ngành công nghiệp vôi, khoảng 80 tỷ. Do vậy, đây vẫn còn là một công nghệ còn mới mẻ đối với Việt Nam.

Trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu đưa ra quy hoạch phát triển sản xuất vôi công nghiệp giai đoạn đến 2020 và có xét đến năm 2030, các nhà máy sản xuất vôi cũng cần tính đến công nghệ để phù hợp với nhu cầu và sự phát triển bền vững góp phần bảo vệ môi trường.

Theo vinathuan 

Phố cổ Hội An có nhà máy xử lý rác thải đầu tiên

Ngày 15/7, tại xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, Ban quản lý dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam, đã khánh thành và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý rác thải có công suất lớn nhất từ trước đến nay tại địa phương.

Ông Jean Francois Girault, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam đến dự và cắt băng khánh thành nhà máy. Nhà máy xử lý rác thải Hội An được xây dựng ở khu vực cách xa khu dân cư, có tổng vốn đầu tư trên 77 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của Chính phủ Cộng hòa Pháp chiếm hơn 57 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.


Nhà máy xử lý rác thải Hội An gồm các hạng mục chính như hệ thống thu gom nước thải, nhà xử lý sơ bộ, nhà lên men, khu nhà ủ chín, nhà tinh chế, hệ thống thiết bị xử lý nước thải và chất thải rắn, hệ thống điện… có công suất xử lý gần 7.000m3 nước thải và 55 tấn rác thải/ngày, trong đó có lượng lớn rác thải rắn của Bệnh viện Hội An quy mô 300 giường.

Nhà máy xử lý rác thải Hội An đưa vào vận hành sẽ góp phần giải quyết một cách triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ Di sản Văn hóa Thế giới phố cổ Hội An, tích cực thực hiện mục tiêu đưa Hội An sớm trở thành Thành phố văn hóa-du lịch-sinh thái./.


Theo : TTXVN/Vietnam+

40.000 người dân được tiếp cận với nước sạch

Từ khi triển khai các mô hình tiếp cận nước sạch, đến nay, các dự án do Coca-Cola tài trợ thực hiện đã góp phần cải thiện cuộc sống của gần 40.000 người dân.

Nhu cầu sử dụng nước sạch là vấn đề cấp thiết đối với một lượng lớn dân cư tại Việt Nam, đặc biệt là các vùng nông thôn. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề trên, từ năm 2004, Công ty Coca-Cola Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tăng cường hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình tiếp cận nước sạch, nâng cấp các hệ thống vệ sinh môi trường, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục về nếp sống văn minh, vệ sinh và ý thức bảo vệ tài nguyên nước cho cộng đồng.

Nước sạch đến với dân

Từ đầu năm 2012, Coca-Cola tiếp tục đầu tư gần 3,2 tỷ đồng (tương đương 150.000 USD) để UN-HABITAT (Tổ chức Định cư Liên Hợp Quốc) thực hiện dự án xây dựng mạng đường ống phân phối và lắp đặt đấu nối cấp nước cho các hộ nghèo ở 3 xã vùng ven thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, là Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông và Cam Phước Đông. Số lượng người hưởng lợi từ dự án dự kiến lên đến 4.000 người sau khi công việc thi công hoàn tất vào đầu tháng 11 năm nay.

Bên cạnh các hỗ trợ về cung cấp nước sạch cho dân nghèo, dự án cũng triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc sử dụng và bảo tồn nguồn nước sạch. Bà Phạm Thị Thu Hương, Cố vấn trưởng kỹ thuật của UN-HABITAT tại Việt Nam cho biết: “Sau thành công của dự án trước đây của UN-HABITAT, 85% hộ nghèo và cận nghèo ở 9 phường đô thị của Cam Ranh đã được tiếp cận với nước sạch. Với kinh phí hỗ trợ của Coca-Cola, một đối tác quan trọng của UN-HABITAT, dự án đang tiếp tục hành trình giúp cải thiện điều kiện sống cho nhiều người dân nghèo tại Cam Ranh nói riêng, và ở Việt Nam nói chung”.

Đồng thời, Coca-Cola cũng tài trợ gần 2,8 tỷ đồng (tương đương 130.000 USD) cho CEFACOM (Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Gia đình và Cộng đồng) thực hiện các hoạt động đưa nước sạch về các khu vực thiếu nước của thành phồ Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Hoạt động chính của dự án là khoan giếng, lắp đặt hệ thống lọc nước cho các hộ nghèo tại Thường Tín (Hà Nội) và cho các trường học tại quận Thủ Đức (TP HCM) có kết hợp hỗ trợ thêm trong việc nâng cấp hệ thống vệ sinh; lắp đặt đường ống, đồng hồ nước cho các hộ nghèo tại quận Hòa Vang (Đà Nẵng); đồng thời kết hợp với giáo dục vệ sinh cá nhân và ý thức bảo vệ tài nguyên nước cho cộng đồng. Sau gần 1 năm thực hiện, dự án đã đưa nước sạch trực tiếp đến cho gần 6.000 người dân.

Nước sạch đến trường học

Từ khi triển khai đến nay, các dự án do Coca-Cola tài trợ thực hiện đã góp phần cải thiện cuộc sống của gần 40.000 người dân, đặc biệt là các hộ gia đình khó khăn, các học sinh đang sinh sống và học tập tại các vùng nông thôn hoặc vùng ven đô thị. Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola Đông Nam Á cho biết: “Các dự án cung cấp và bảo tồn nước sạch nhằm cải thiện điều kiện sống của cộng đồng luôn là một trong những hoạt động phát triển bền vững trọng tâm của Công ty Coca-Cola Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam để thực hiện nhiều dự án thiết thực hơn trong lĩnh vực này”.

Theo:  coca cola

Ứng dụng các công nghệ mới trong ngành sơn

TOA Việt Nam đã đi tiên phong khi liên tục đón đầu những công nghệ tân tiến để sản xuất những sản phẩm sơn nội và ngoại thất với nhiều tính năng nổi bật, giúp nâng cao chất lượng và độ bền công trình.

Trong những năm gần đây, công nghệ xanh được ứng dụng và triển khai nhiều trong cuộc sống khi con người nhận thức về nguy cơ ô nhiễm toàn cầu. Trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, ngành sơn nói riêng, khái niệm thân thiện môi trường, bảo đảm sức khỏe người dùng đã khá quen thuộc với công chúng với những tính năng nổi bật như: sơn kháng khuẩn, sơn cách nhiệt, hàm lượng VOC thấp (VOC là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có trong sơn thông thường gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe), sơn không sử dụng chì và thủy ngân…

Dòng sản phẩm Ultra siêu cao cấp từ TOA.
Dòng sản phẩm Ultra cao cấp từ TOA.

Tất cả những sản phẩm do Sơn TOA Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Sơn TOA (Thái Lan) – nhà cung cấp lớn về sơn và chất liệu phủ – đều được sản xuất theo tiêu chí này. Những yếu tố trên mang lại cho khách hàng giải pháp tối ưu: hoàn thiện công trình với TOA, sơn cao cấp thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa TOA và các đối tác tin cậy tại Mỹ đã giúp TOA sản xuất ra các loại sơn nội thất, ngoại thất bằng những công nghệ tiên tiến. Với công nghệ Acrylic Technology, nhựa Acrylic, TOA đã sản xuất ra các loại sơn chất lượng cao cấp trong khi duy trì mức giá được công chúng ủng hộ. TOA cũng là nhà sản xuất sơn đầu tiên tại Thái Lan ứng dụng công nghệ “Shield” từ năm 1979, với việc cho ra đời sơn cao cấp tốt nhất “SuperShield” có độ bền cao, đáp ứng nhu cầu bảo vệ làm đẹp cho các tòa cao ốc đang ngày càng mọc lên thời bấy giờ. Công nghệ “Tự làm sạch” Self-Cleaning Technology được áp dụng trong sơn SuperShield với khả năng tự làm sạch, chống nấm mốc và hóa chất cho màng sơn, mang lại độ bền cho nước sơn trên 10 năm.

Kết hợp với Microban, công ty lớn trên thế giới của Mỹ về lĩnh vực ngăn ngừa và bảo vệ vi khuẩn, nấm mốc, Tập đoàn Sơn TOA được chứng nhận độc quyền khai thác và ứng dụng công nghệ Microban kháng khuẩn trong sản phẩm Supershield Duraclean, giúp kháng khuẩn tốt và lau chùi dễ dàng trong suốt tuổi thọ của màng sơn.

Nhờ sự am hiểu khu vực, các sản phẩm của TOA đang phục vụ thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á, cụ thể tại Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Thái Lan và Việt Nam. Qua đó, các dòng sơn cao cấp của TOA lại được người tiêu dùng trân trọng và đón nhận như một khẳng định, cho một bước tiến trong định hướng phát triển của toàn ngành cônnghiệp sơn.

TOA áp dụng các công nghệ tiêu chuẩn thế giới cho dòng sản phẩm Ultra siêu cao cấp Self-Cleaning Technology – công nghệ “Tự làm sạch”: được áp dụng trong sơn SuperShield với khả năng tự làm sạch, chống nấm mốc và hóa chất cho màng sơn. Những hạt nhựa sử dụng trong sơn SuperShield có cấu trúc phân tử kép với lớp trong mềm, để những phân tử sắp xếp dễ dàng và lớp ngoài cứng để bụi không thể bám được, khi nước mưa xuống, những hạt nước lan tỏa và cuốn bụi bẩn đi.

Microban Technology – công nghệ kháng khuẩn: Microban là công ty lớn trên thế giới của Mỹ về lĩnh vực ngăn ngừa và bảo vệ vi khuẩn, nấm mốc. Tập đoàn Sơn TOA được chứng nhận độc quyền khai thác và ứng dụng công nghệ Microban kháng khuẩn này trong sản phẩm Supershield Duraclean, giúp kháng khuẩn tốt.

Để biết thêm thông tin chi tiết, truy cập website: www.toagroup.com.vn.

vnexpress.net

Những thành quả mà công nghệ xanh sẽ mang đến cho Việt Nam?

Khai thác sự năng động của Việt Nam 

Giàu có về nguồn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam được thế giới biết đến hiện nay như một quốc gia đang ở trong giai đoạn phát triển kinh tế quan trọng. Sự chuyển hướng theo kinh tế thị trường trong những năm gần đây đã tạo ra một tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, đem đến nhiều cơ hội và thực sự hấp dẫn cho các dự án đầu tư.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, do sự cạnh tranh quốc tế sẽ cho ra đời những mô hình kinh tế mới. Đặc biệt khi mà kinh tế xanh trên thế giới đang ở vào thời điểm phôi thai, thông qua mô hình này, kinh tế xanh sẽ đem đến cho Việt Nam vào thời điểm hiện tại một cơ hội định vị lại mình trong một thị trường thế giới đầy tiềm năng về cơ hội phát triển và bền vững. Cơ hội này cho phép các đô thị tại Việt Nam sẽ thay đổi, sự thay đổi này không chỉ diễn ra tại các thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM với một thị trường quan trọng mà còn ảnh hưởng đến các đô thị vừa và các vùng nông thôn.
Ngoài ra, trong một thời gian ngắn, hệ thống kinh tế sẽ nhanh chóng định vị lại thông qua thị trường “kinh tế xanh”, khi đó việc khởi hành sớm trên chuyến tàu kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam hạn chế chi phí dành cho việc tái cấu trúc lại hệ thống công nghiệp, các thành phố và hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông để thích ứng với những tiến hoá về môi trường.
Đây thực sự là một tiềm năng chưa hề có trước đây nhằm giải quyết mối quan hệ về sự phát triển kinh tế, sự giàu có về tài nguyên và cảnh quan đặc biệt của Việt Nam, hạn chế sự xé nát hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học.
Kinh tế xanh, với thuộc tính tự nhiên về sự đổi mới, sẽ thúc đẩy cùng lúc các lĩnh vực nghiên cứu. Không chỉ dừng lại một hoạt động kinh tế thông thường, kinh tế xanh còn là một khuynh hướng nhằm giải quyết triệt để các mối quan hệ giữa các lĩnh vực; từ sản xuất, nghiên cứu, giáo dục và cả các yếu tố xã hội trong một mối liên hệ tổng thể.
Thúc đẩy sự phát triển của vùng lãnh thổ dựa trên kinh tế xanh, điều này có nghĩa là thúc đẩy và khuyến khích hơn nữa, sự hiệp đồng giữa môi trường doanh nghiệp, môi trường đại học, môi trường nghiên cứu và phát triển xã hội.
Tất cả các hoạt động liên quan đến kinh tế xanh sẽ giúp Việt Nam giữ một vị trí quan trọng trên thế giới. Phát triển mô hình kinh tế này sẽ cho phép Việt Nam tăng cường hình ảnh về một thương hiệu và góp phần củng cố, định vị lại mình như một vị trí quan trọng của “mô hình kinh tế mới” trên diễn đàn thế giới.
Kinh tế xanh là gì?
Kinh tế xanh quan tâm đến việc xác định lại quá trình tiến hoá của hệ thống công nghiệp trong một mối liên hệ tổng thể với vùng lãnh thổ chứ không chỉ quan tâm đến việc giải quyết những vấn đề về môi trường.
Ngoài ra, kinh tế xanh không chỉ được biết đến như với công nghiệp năng lượng tái tạo, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau từ khâu cung cấp năng lượng cho đến quy trình tái chế, từ sản xuất nông nghiệp cho đến công nghiệp xây dựng và giao thông.
Được xem xét bởi Liên hiệp quốc như một loại hình kinh tế mới với tốc độ phát triển nhanh và tiềm năng nhất. Sự ra đời các ngành nghề và lao động mới, được gọi tên là “lao động xanh”, mở ra một thời kỳ mới cho kinh tế xanh từ một thị trường nhỏ cho đến một thị trường lớn. Khắp nơi trên thế giới, lao động xanh lan toả và trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế và tăng trưởng.
Các hoạt động nghiên cứu – sản xuất sinh thái ngày càng gây sự chú ý đặc biệt cho các nhà hoạch định các chiến lược kinh tế của các thành phố trên khắp thế giới. Được định nghĩa bởi cộng đồng châu Âu, những hoạt động nghiên cứu – sản xuất sinh thái là tổng hợp những doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu phát triển sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ có khả năng lường trước, ngăn ngừa, giảm thiểu và hạn chế những thiệt hại gây ra cho môi trường, như ô nhiễm nước, không khí, đất, cho đến cả những vấn đề liên quan đến rác thải, tiếng ồn, và ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Điều này bao gồm cả những công nghệ, những sản phẩm và dịch vụ “sạch” có tác dụng giảm thiểu những hiểm hoạ về môi sinh và hạn chế việc sử dụng nguồn tài nguyên tự nhiên.
Cùng với sự phát triển của lĩnh vực này trong những năm gần đây, các nhà kinh tế học tiên đoán thị trường châu Âu về lĩnh vực này trong vòng 5 – 6 năm tới sẽ bùng nổ do sự gia tăng về nhu cầu, do áp lực của công chúng, áp lực của sức khoẻ cộng đồng, sự tăng cường các hệ thống luật định, các cam kết quốc tế, và sự đột biến về giá dầu thế giới.

wru.edu.vn

“Tăng trưởng xanh”: Chìa khóa phát triển bền vững

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn là mô hình và công cụ để phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) về tăng trưởng xanh với chủ đề “Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh” do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 3 và 4/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: “Giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa và những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải cùng nhau hành động, cùng nhau hợp tác để tìm kiếm các mô hình tăng trưởng mới, trong đó có mô hình tăng trưởng xanh và bền vững là hướng đi đúng và sẽ được nhân dân và chính phủ các nước mong đợi”. 

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong một phần tư thế kỷ qua, kinh tế thế giới đã tăng trưởng gấp 4 lần, đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, 60% các hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái của thế giới là cơ sở sinh kế quan trọng lại đang xuống cấp hoặc đang sử dụng thiếu bền vững do tăng trưởng kinh tế trong hàng thế kỷ qua chủ yếu thông qua khai thác tài nguyên thiên nhiên, không chú ý tới khả năng tái tạo, khiến hệ sinh thái đang ngày càng xuống cấp. Số liệu của báo cáo cũng cho thấy nguồn nước đang ngày càng trở nên khan hiếm và tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng khi nguồn cung chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu về nước trong 20 năm tới. Sản lượng nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua chủ yếu do sử dụng phân bón hóa học, kéo theo hậu quả là chất lượng đất canh tác suy giảm và không thể góp phần đẩy lùi xu thế suy thoái rừng với tốc độ là 13 triệu ha rừng/năm trong giai đoạn (1990-2015). Một số nước đạt mức phát triển con người ở trình độ cao, nhưng thường phải trả giá bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường và mức phát thải khí nhà kính cao.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn là mô hình và công cụ để thực hiện phát triển bền vững với 3 yếu tố quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau: phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh, tăng cường phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. 

Xây dựng nền kinh tế xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội, góp phần vào việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhiều thành viên ASEM đã đi đầu trong thực hiện xanh hóa nền kinh tế, coi tăng trưởng xanh là một định hướng phát triển quốc gia trong những thập kỷ tới.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển xanh đến năm 2020. 

Tại hội thảo, các diễn giả cho biết các quốc gia khi bước quá độ sang nền kinh tế xanh sẽ rất khác nhau, bởi nó phụ thuộc vào đặc thù về vốn tự nhiên và vốn con người. Theo nhận định chung, thế giới còn cách nền kinh tế xanh rất xa, vì vậy đòi hỏi các quốc gia cần hợp tác, nỗ lực ngày từ bây giờ. Bên cạnh đó, nhiều diễn giả cho rằng, để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế xanh, cần chú ý khung chính sách hỗ trợ phải phù hợp. Khung này bao gồm các biện pháp tài chính và cải tổ chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế thông qua thương mại, phát triển thị trường…

ASEM là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng đại diện cho hơn 60% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP toàn cầu. Vì vậy ASEM hoàn toàn có khả năng và phải có tranh nhiệm đóng góp tích cực cho nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh. Hiện tại không riêng Việt Nam, nhiều thành viên ASEM đã đi đầu trong thực hiện xanh hóa nền kinh tế, mà nổi bật là các chiến lược của Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Các quốc gia này đều coi tăng trưởng xanh là một định hướng phát triển quốc gia trong những thập kỷ tới, đặc biệt là trước những hệ quả sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu.
baomoi

Phát triển du lịch xanh, bảo vệ môi trường

Những năm qua, quá trình mở rộng đô thị tại TP Hạ Long, Cẩm Phả và các địa phương ven bờ Vịnh Hạ Long, rồi hoạt động khai thác và kinh doanh than, các hoạt động kinh tế trên và ven bờ vịnh, nhà bè cư trú, nuôi trồng thủy sản trên Vịnh, hoạt động kinh doanh du lịch… đã gây những sức ép không nhỏ đối với việc quản lý, bảo tồn di sản – kỳ quan Vịnh Hạ Long. Đặc biệt là vấn đề môi trường. Trước thực trạng như hiện nay, để khai thác, phát triển du lịch Vịnh Hạ Long một cách bền vững, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường di sản, chỉ có thể phát triển du lịch Vịnh Hạ Long theo hướng “xanh”…

Phát triển du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Mô hình này cũng đã và đang được triển khai ở nước ta. Tại Hội An, ngành Du lịch đã xây dựng dịch vụ cho du khách khám phá phố cổ học và làm đèn lồng, xây dựng tour “một ngày làm ngư dân” ở làng rau Trà Quế. Tại Huế, ngành du lịch chủ động xây dựng một số “điểm đến xanh” như làng cổ Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên. Khách đến làng Phước Tích phải gửi xe ở bên ngoài và đi bộ, tham quan tìm hiểu về làng. Khách muốn đến phá Tam Giang bắt buộc phải đi xe đạp, trồng một cây xanh. Tại Hà Nội cũng đã áp dụng mô hình du lịch xanh, như đưa du khách khám phá phố cổ, dạo quanh hồ Tây bằng xe điện, bố trí cho khách đi tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực của làng cổ Đường Lâm bằng xe đạp… Ngành du lịch Thủ đô cũng sắp trình làng một số sản phẩm “du lịch xanh” mới như homestay, du lịch sinh thái (Sóc Sơn), du lịch tâm linh, ăn nghỉ tại nhà dân (huyện Ba Vì)…

Tại Hạ Long, du lịch xanh đã manh nha xuất hiện cách đây một hai năm và mới chỉ được một vài doanh nghiệp triển khai. Tiên phong trong việc này là Công ty CP Du thuyền Đông Dương. Sau sự ra đời của HTX Vạn chài Hạ Long cung cấp dịch vụ đưa khách khám phá các làng chài bằng thuyền nan, tổ chức cho khách câu cá, kéo lưới, mới đây, doanh nghiệp này còn xây dựng thêm các tour “một ngày làm nông dân”, đưa du khách về xã Yên Đức (Đông Triều) “ba cùng” với nông dân – cùng ăn, cùng ở, cùng gặt lúa, làm vườn, bước đầu đem lại hiệu quả. Những chuyến đi dân dã như thế luôn tạo ra sự trải nghiệm thú vị cho du khách nước ngoài muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa Việt Nam.

Trong số các dịch vụ du lịch hướng tới xanh trên, tour “một ngày làm ngư dân” đang ngày càng phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Theo giới thiệu, du khách đến Hạ Long sẽ được đưa đến khu vực Tùng Da. Tại đây, khách được dân chài đưa xuống tàu đánh cá, hướng dẫn cách thả lưới, kéo lưới. Bữa trưa, khách sẽ được thưởng thức món cá do chính mình đánh bắt được. Haratours (Công ty CP Dịch vụ du lịch đường sắt Hà Nội) còn “hứa” tham gia tour này, du khách sẽ được tặng cá giống để thả xuống Vịnh Hạ Long – một hoạt động ý nghĩa góp phần tạo hệ sinh thái thủy hải sản cho ngư trường.

Xét về tiềm năng, Hạ Long rất sẵn để phát triển du lịch xanh. Ngoài những thuận lợi về cảnh quan và sinh hoạt văn hóa của ngư dân trên Vịnh, ven bờ Vịnh và các địa phương ven bờ như Hạ Long, Hoành Bồ, Quảng Yên, Vân Đồn… có rất nhiều di tích, thắng cảnh mang tầm quốc gia, có phong cảnh đẹp. Ở Hà Nam (Quảng Yên) không chỉ có rất nhiều di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, còn có làng nghề đan ngư cụ Hưng Học, làng quê Hà Nam vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ. Cẩm Phả có nhiều mỏ than, làng công nhân. Thời chiếm đóng Vùng mỏ, du lịch khám phá cảnh khai thác than đã được người Pháp giới thiệu thành tour…

Việc khai thác, phát triển du lịch xanh về các vùng phụ cận Hạ Long, không chỉ “giảm tải” cho di sản Vịnh Hạ Long mà còn giới thiệu, khai thác được nguồn tài nguyên du lịch dồi dào ở các địa phương. Để nhân rộng mô hình du lịch xanh, có ý kiến cho rằng cần có sự bắt tay của ba nhà: Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Hơn nữa, từ những mô hình đã có, có thể tham khảo các mô hình đã triển khai tại các tỉnh, thành phố để áp dụng tại Hạ Long.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-12-2011 xác định rõ: “Tập trung đầu tư phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có thể là thế mạnh về tài nguyên du lịch của đất nước và của từng địa phương. Ưu tiên phát triển loại hình du lịch gắn với biển, hải đảo; nhấn mạnh yếu tố văn hóa và sinh thái đặc sắc trong sản phẩm du lịch. Tập trung phát triển các khu du lịch biển tầm cỡ, chất lượng cao, tạo thương hiệu và có sức cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới”. Như vậy, việc phát triển sản phẩm du lịch biển xanh đã được đặt ra nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch biển Việt Nam, trong đó có Hạ Long.

baoquangninh

Quỹ “1 triệu cây xanh cho Việt Nam” tiếp tục trồng cây xanh tại thành phố Hội An

Tiếp tục hành trình trồng cây để phát triển mật độ cây xanh nhằm bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường sống tại các tỉnh, thành trên cả nước, ngày 25-11 tại TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” do Tổng cục Môi trường thuộc Bộ TN&MT và nhãn hàng nước giải khát Vfresh thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk phát động đã tiến hành trồng khoảng 25.500 cây xanh tại Khu tái định cư Làng Chài (phường Cẩm An, TP. Hội An, Quảng Nam).

Chương trình có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường – (Bộ TN&MT), đại diện các ban, ngành tỉnh Quảng Nam và sự hưởng ứng nồng nhiệt của cán bộ và người dân TP. Hội An. Trước đó, chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” cũng đã triển khai trồng 200 cây tại xa lộ Hà Nội ở Tp.Hồ Chí Minh; 20.000 cây tại rừng ngập mặn ở thành phố Hạ Long; 300 cây tại khu vực Âu Thuyền và cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng); 16.600 cây tại tỉnh lộ 867 huyện Tân Phước và khuôn viên Thiền Viện Trúc Lâm Chánh Giác (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang); 300 cây ở trường học Amsterdam và Lương Thế Vinh, (TP. Hà Nội).
Tới đây “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” sẽ tiếp tục trồng cây tại nhiều thành phố khác trên toàn quốc, mở rộng đến các khu vực mà cây xanh đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng như: khu dân cư, khu công cộng, các tuyến đường trung tâm, các trường học… tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Trong năm 2012, công ty Vinamilk đóng góp cho Quỹ bằng việc trích 50 đồng trên mỗi sản phẩm nước giải khát Vfresh của Vinamilk bán ra với tổng số tiền cam kết tối thiểu trích là 3 tỷ đồng.
Theo Baomoi

Hành lang pháp lý cho tín dụng xanh

Dường như các tổ chức tín dụng nằm hơi xa vấn đề bảo đảm môi trường trong các dự án. Tuy nhiên, nếu đó là một cơ chế ràng buộc với điều kiện cơ bản trong quyết định cho hay không cho vay vốn thì chắc chắn môi trường sẽ trở thành vấn đề quan tâm của các nhà đầu tư. Đó cũng là cách hiểu đơn giản nhất về tín dụng xanh. Ở Việt Nam, hành lang pháp lý cho tín dụng xanh đã có hay chưa? Và, tín dụng xanh đã phát huy như thế nào với vấn đề phát triển và môi trường?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chưa quy định

Pháp luật hiện hành chưa có một quy định hay hướng dẫn nào đối với việc các ngân hàng phải cân nhắc đến những rủi ro về môi trường và an sinh xã hội trước khi cấp tín dụng. Văn bản pháp lý cao nhất quy định về các hoạt động bảo đảm an toàn môi trường là Luật Bảo vệ môi trường với nguyên tắc xuyên suốt là “bảo vệ môi trường gắn hài hòa với phát triển kinh tế” và “bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”. Tuy nhiên, luật này cũng chỉ tập trung làm rõ trách nhiệm của khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các ngành nghề quan trọng (Điều 35 – 49), ngoài ra không nhắc đến trách nhiệm của ngành tài chính, ngân hàng. Các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong Bộ luật Hình sự – phần quy định về tội phạm môi trường – cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm.

Trong khi đó, những công cụ chủ yếu để bảo đảm an toàn môi trường là đánh giá tác động môi trường (dự án), đánh giá tác động môi trường chiến lược và cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện, phê duyệt và theo dõi các đánh giá/cam kết này còn nhiều vấn đề phải bàn thêm về tính hiệu quả của nó. Việc đánh giá tác động môi trường chỉ được xem như một việc cần làm để xin giấy phép hoạt động cho dự án thay vì một bước tính toán, cân nhắc về những tác động đến môi trường, xã hội và cách giảm thiểu, khắc phục.

Trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc giúp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường dường như chưa được quan tâm nhiều, mặc dù họ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong khi Ngân hàng Nhà nước có vai trò quản lý chung, các ngân hàng thương mại có quyền quyết định sẽ cho và không cho những dự án nào vay vốn theo tiêu chí riêng của mỗi ngân hàng. Do đó, nếu các ngân hàng có những yêu cầu nhất định đối với các dự án vay vốn khi thực hiện phải bảo đảm những quy định về môi trường và an sinh xã hội thì sẽ góp phần hạn chế các dự án gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến người dân và khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn hơn.

Đã có hệ thống quản lý rủi ro

Tín dụng xanh chỉ những khoản tín dụng mà ngân hàng cấp phát cho các dự án sản xuất kinh doanh không gây rủi ro hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường – xã hội. Thực tế, một số tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. Các tổ chức này cũng chịu nhiều áp lực hơn các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện trách nhiệm của họ đối với môi trường và xã hội. Chẳng hạn, ADB đã từng bị Mạng lưới sông ngòi Việt Nam gây sức ép trong việc tài trợ cho dự án thủy điện Sông Bung 4 vì không bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội. Theo khảo sát của Công ty Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế (IFC) – 2012, hiện có 3 ngân hàng thương mại Việt Nam có hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, trong đó có hai ngân hàng sử dụng bộ tiêu chuẩn của IFC (Techcombank, Vietinbank), một ngân hàng (Sacombank) có tham khảo bộ tiêu chuẩn này nhưng cũng xây dựng chính sách riêng của mình. Một nghiên cứu độc lập của Tổ chức PanNature (Trung tâm Con người và Thiên nhiên) trên 19 ngân hàng thương mại lớn nhất hiện nay cho thấy, các cán bộ ngân hàng chưa thực sự quan tâm đến các rủi ro về môi trường, xã hội khi thẩm định dự án. Theo đó, hầu hết các cán bộ tín dụng chỉ kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn xem có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt hay chưa, một số kiểm tra thêm công nghệ xả thải và kế hoạch di dân. Hiện, các kênh về tín dụng xanh chủ yếu được tiếp cận qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sỹ (SECO) thành lập tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Quỹ được vận hành có sự phối hợp của cơ quan tài trợ SECO, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam và các ngân hàng ACB, Techcombank và VIB. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được bảo lãnh tín dụng (50%) và hoàn trả một phần (tới 25%) vốn vay ngân hàng để đầu tư cho công nghệ thân thiện với môi trường tùy theo tác động cải thiện môi trường của công nghệ đó.

Th.s Nguyễn Hồng Anh, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đề xuất, cần sớm có chính sách tín dụng xanh. Theo đó, ngoài những hướng dẫn và quy định chi tiết về trách nhiệm là các yêu cầu đối với ngân hàng trong việc cấp phát tín dụng, không nêu những nguyên tắc quá chung chung. Đồng thời, ngành ngân hàng cần phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một hệ thống phân loại, đánh giá các ngành nghề và cơ sở gây ô nhiễm để từ đó các ngân hàng cũng có cơ sở để đánh giá khi thẩm định tín dụng và ra quyết định cấp tín dụng.

Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có quy định về trách nhiệm đối với môi trường không chỉ của doanh nghiệp gây ô nhiễm mà còn của các bên liên quan khác, trong đó bao gồm các ngân hàng cho vay vốn cho công trình, dự án gây ô nhiễm. Bên cạnh những nỗ lực của các quốc gia trong việc bảo vệ môi trường, thì Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng có Sáng kiến của Chương trình môi trường LHQ, Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của LHQ… Đây đều là những cam kết quan trọng trong việc xác định trách nhiệm liên đới của các tổ chức tín dụng trước sự cố môi trường và sẽ là những nguyên tắc Việt Nam có thể tham khảo. Được biết, hiện những vấn đề pháp lý liên quan đến tín dụng xanh (bảo đảm an toàn môi trường, xã hội trong các hoạt động tín dụng) đang được các cơ quan chức năng tiến hành soạn thảo.

Theo baomoi

Bình Dương xây dựng dự án biến rác thành điện

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bình Dương và Công ty Trisun Energy Việt Nam vừa thống nhất phương án đầu tư dự án xử lý chất thải để sản xuất điện năng bằng công nghệ plasma tiên tiến trên thế giới.

Đây là công nghệ dùng năng lượng điện và nhiệt độ cao, tạo bởi hồ quang điện khí hóa với nhiệt độ trên 7.000 độ C làm bốc hơi rác thải hữu cơ và tan chảy thành các hợp chất vô cơ. Trung bình 1 tấn rác thải sẽ cho ra khoảng 815 kWh điện và các sản phẩm khác trong quá trình xử lý như ethanol, methanol, dầu diesel, khí hydro…

Ngoài ra, những tạp chất từ quá trình xử lý rác thải còn có thể tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài và Công ty Trisun Energy tại Bình Dương. Nếu nhà máy được xây dựng, sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trisun Energy là một trong những công ty hàng đầu của Australia về hoạt động xử lý chất thải thành điện năng nhờ công nghệ plasma tiên tiến trên thế giới.

Theo ThienNhien