“Tăng trưởng xanh”: Chìa khóa phát triển bền vững

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn là mô hình và công cụ để phát triển bền vững.

Tại Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) về tăng trưởng xanh với chủ đề “Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh” do Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày 3 và 4/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: “Giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị đe dọa và những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải cùng nhau hành động, cùng nhau hợp tác để tìm kiếm các mô hình tăng trưởng mới, trong đó có mô hình tăng trưởng xanh và bền vững là hướng đi đúng và sẽ được nhân dân và chính phủ các nước mong đợi”. 

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), trong một phần tư thế kỷ qua, kinh tế thế giới đã tăng trưởng gấp 4 lần, đem lại lợi ích cho hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, 60% các hàng hóa và dịch vụ hệ sinh thái của thế giới là cơ sở sinh kế quan trọng lại đang xuống cấp hoặc đang sử dụng thiếu bền vững do tăng trưởng kinh tế trong hàng thế kỷ qua chủ yếu thông qua khai thác tài nguyên thiên nhiên, không chú ý tới khả năng tái tạo, khiến hệ sinh thái đang ngày càng xuống cấp. Số liệu của báo cáo cũng cho thấy nguồn nước đang ngày càng trở nên khan hiếm và tình trạng thiếu nước ngày càng trầm trọng khi nguồn cung chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu về nước trong 20 năm tới. Sản lượng nông nghiệp tăng cao trong thời gian qua chủ yếu do sử dụng phân bón hóa học, kéo theo hậu quả là chất lượng đất canh tác suy giảm và không thể góp phần đẩy lùi xu thế suy thoái rừng với tốc độ là 13 triệu ha rừng/năm trong giai đoạn (1990-2015). Một số nước đạt mức phát triển con người ở trình độ cao, nhưng thường phải trả giá bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường và mức phát thải khí nhà kính cao.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, tăng trưởng xanh không chỉ là động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu, mà còn là mô hình và công cụ để thực hiện phát triển bền vững với 3 yếu tố quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau: phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh, tăng cường phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. 

Xây dựng nền kinh tế xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế – xã hội, góp phần vào việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Nhiều thành viên ASEM đã đi đầu trong thực hiện xanh hóa nền kinh tế, coi tăng trưởng xanh là một định hướng phát triển quốc gia trong những thập kỷ tới.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ Việt Nam chủ trương phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển xanh đến năm 2020. 

Tại hội thảo, các diễn giả cho biết các quốc gia khi bước quá độ sang nền kinh tế xanh sẽ rất khác nhau, bởi nó phụ thuộc vào đặc thù về vốn tự nhiên và vốn con người. Theo nhận định chung, thế giới còn cách nền kinh tế xanh rất xa, vì vậy đòi hỏi các quốc gia cần hợp tác, nỗ lực ngày từ bây giờ. Bên cạnh đó, nhiều diễn giả cho rằng, để chuyển đổi thành công sang nền kinh tế xanh, cần chú ý khung chính sách hỗ trợ phải phù hợp. Khung này bao gồm các biện pháp tài chính và cải tổ chính sách quốc gia, hợp tác quốc tế thông qua thương mại, phát triển thị trường…

ASEM là một trong những diễn đàn liên khu vực quan trọng đại diện cho hơn 60% dân số thế giới, đóng góp khoảng 55% GDP toàn cầu. Vì vậy ASEM hoàn toàn có khả năng và phải có tranh nhiệm đóng góp tích cực cho nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh. Hiện tại không riêng Việt Nam, nhiều thành viên ASEM đã đi đầu trong thực hiện xanh hóa nền kinh tế, mà nổi bật là các chiến lược của Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Các quốc gia này đều coi tăng trưởng xanh là một định hướng phát triển quốc gia trong những thập kỷ tới, đặc biệt là trước những hệ quả sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính toàn cầu.
baomoi