Gánh nặng từ rác thải y tế

 

Chất thải y tế loại rác khó xử lý
Chất thải y tế là loại rác khó xử lý

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng dịch vụ y tế được nâng lên, số giường bệnh gia tăng, sự thay đổi trong việc thực hành các kỹ thuật y tế… đã kéo theo hệ quả tất yếu là lượng chất thải y tế cũng gia tăng nhanh chóng. Nguy cơ ô nhiễm môi trường và tác động tới sức khỏe cộng đồng do chất thải gây ra ngày càng trở thành vấn đề “nóng”. 

Chất thải y tế gia tăng 

Theo số liệu điều tra mới nhất của Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng), mỗi ngày, các cơ sở y tế thải ra hơn 350 tấn chất thải rắn, trong đó 40,5 tấn là chất thải rắn nguy hại phải được xử lý bằng những biện pháp phù hợp. Hiện nay, đã có 95,6% bệnh viện (BV) thực hiện phân loại chất thải. Tuy nhiên, tồn tại hiện tượng phân loại nhầm, một số loại chất thải thông thường được đưa vào chất thải y tế nguy hại đã gây tốn kém trong việc xử lý. Thùng đựng chất thải theo đúng quy định cũng không nhiều: có 63,6% BV sử dụng túi nhựa làm bằng PE, PP nhưng chỉ có 29,3% BV sử dụng túi có độ dày bảo đảm yêu cầu. Tại 90,9% BV, chất thải rắn y tế đã được thu gom hằng ngày, song chỉ có 53% số cơ sở vận chuyển rác trong xe có nắp đậy và 45,3% có nơi lưu giữ chất thải y tế đạt yêu cầu.

Chất thải rắn y tế sau thu gom được xử lý bằng nhiều cách, chủ yếu là đốt. Ngoài hầu hết BV trung ương, 73,3% BV tuyến tỉnh, huyện đã xử lý chất thải y tế nguy hại bằng lò đốt nhưng chỉ có 42,7% đơn vị có lò đốt 2 buồng đạt tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường. Số còn lại hoặc đốt ngoài trời hoặc chôn lấp. Về chất thải lỏng, hiện có khoảng 74% BV tuyến trung ương, 40% BV tuyến tỉnh và 27% BV tuyến huyện có hệ thống xử lý nước thải. Tính chung trên toàn quốc, đến nay 56% số BV chưa có hệ thống xử lý nước thải và 70% hệ thống xử lý nước thải hiện có không đạt tiêu chuẩn.

Theo tính toán, con số 350 tấn chất thải rắn và 150 mét khối chất thải lỏng phát sinh từ các cơ sở y tế hiện nay sẽ tăng lên 600 tấn và 300 mét khối mỗi ngày vào năm 2015. Chất thải y tế gia tăng nếu không được xử lý tốt sẽ trở thành gánh nặng đối với sức khỏe con người và môi trường.

Cốt lõi là công nghệ 

Đây là nhận định của các đại biểu tham dự hội nghị triển khai đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và hội thảo giới thiệu về công nghệ xử lý được tổ chức ngay sau đó. Hiện có hai công nghệ xử lý chất thải y tế và những ưu, nhược của mỗi loại đã được phân tích đầy đủ. Công nghệ đốt đang được đa số cơ sở y tế dùng là xử lý triệt để, loại trừ được các mầm bệnh trong các chất thải lây nhiễm, giảm tối đa thể tích chôn lấp sau khi xử lý. Tuy nhiên, trong thành phần chất thải rắn y tế có lượng lớn chất hữu cơ và thường có độ ẩm tương đối cao, chất nhựa chiếm khoảng 10% nếu đốt không đủ nhiệt có thể phát sinh khí thải gây ô nhiễm không khí. Thêm nữa, chi phí đầu tư xây dựng và quản lý vận hành cao. Còn công nghệ không đốt thì chi phí thấp nhưng không loại trừ hoàn toàn mầm bệnh, không giảm được thể tích rác cần chôn lấp sau khi xử lý. Đối với việc xử lý nước thải y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, mỗi BV cần lựa chọn công nghệ phù hợp để đạt được những tiêu chí như hiệu quả xử lý nước thải tốt, chi phí đầu tư xây dựng, vận hành bảo dưỡng hợp lý, tác động đối với môi trường cảnh quan ít; có khả năng vận hành, chuyển giao công nghệ và có thể bố trí trong khuôn viên BV.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đề án “Nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội” đang được nghiên cứu hoàn thiện. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đang xúc tiến triển khai dự án hỗ trợ xử lý chất thải BV, thực hiện trong 6 năm (2011-2017) với tổng vốn đầu tư 155 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới là 150 triệu USD, nhằm cải thiện hệ thống chính sách liên quan đến quản lý chất thải y tế; hỗ trợ đầu tư xây dựng và lắp đặt hệ thống xử lý chất thải rắn và lỏng ít nhất cho 150 BV tuyến trung ương và địa phương; nâng cao năng lực quản lý, vận hành, quan trắc, kiểm định hệ thống xử lý chất thải BV.

Hy vọng, với sự vào cuộc của các bộ, ngành, rác thải y tế sẽ không còn là nỗi lo của cộng đồng.

Để các cơ sở y tế lựa chọn công nghệ phù hợp, Bộ Y tế đã tạm thời đưa ra các tiêu chí: Công nghệ đã được áp dụng trên thế giới hoặc Việt Nam, có các báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ ít nhất phải đạt các tiêu chuẩn và quy chuẩn về chất thải của Việt Nam; phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam; có chi phí đầu tư phù hợp với định mức đầu tư của dự án; vận hành đơn giản; đối với công nghệ xử lý chất thải rắn y tế tập trung vào công nghệ không đốt và các giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý và sau xử lý.

(Nguồn: moitruongxanh.vn)

Hướng tới một thành phố xanh của tương lai

Thành phố xanh trong tương lai
Thành phố xanh trong tương lai

Hơn một nửa dân số thế giới đang tập trung ở các thành phố với hy vọng cải thiện được tình trạng kinh tế – xã hội, các thành phố bền vững mở đường cho một sự cân bằng giữa nhu cầu ngày càng tăng và sự  cung cấp cạn kiệt các nguồn tài nguyên

Những hệ lụy 

Xu hướng này được thấy rõ ràng nhất ở châu Á, xuất phát từ những nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ. Sự bùng nổ kinh tế thúc đẩy các thành phố lớn châu Á sẵn sàng hoạch định tương lai của mình. Theo Hội đồng Phát triển Châu Á (ADB): “Dân số ở các thành phố tăng thêm bốn mươi bốn triệu người mỗi năm, tương đương với 120.000 người mỗi ngày. Sự tăng trưởng này yêu cầu xây dựng hơn 20.000 ngôi nhà mới, 250 km đường giao thông mới và cơ sở hạ tầng bổ sung để cung cấp hơn 6 mega lít nước sạch”. Bên cạnh việc tạo ra việc làm và phát triển kinh tế thì mặt trái của đô thị hóa – phát triển các đô thị quá nhanh – là tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước; sự “nghèo hóa” của một bộ phận cư dân mất đất – Và chính đối tượng này phải chịu những tác động nặng nề của tình trạng ô nhiễm nước, môi trường không khí, rác thải…

Đó là một thực tế nghiệt ngã khi hơn 200 triệu cư dân đô thị ở châu Á sống trong nghèo đói và thường xuyên sống trong các khu nhà ổ chuột. Vì vậy, các thành phố này đang chịu áp lực liên tục để biến đổi thành những nơi lành mạnh, hấp dẫn và đầy đủ kinh tế hơn. Câu hỏi chính là làm thế nào để một thành phố duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và đồng thời có thể khai thác phát triển bền vững và toàn diện, chẳng hạn tất cả các đô thị, cư dân châu Á có thể trải nghiệm cuộc sống chất lượng cao với tiện nghi cơ bản, chỗ ở và đồng thời cũng miễn dịch được với tác động của biến đổi khí hậu ?

Hướng tới xây dựng các thành phố sinh thái 

Các chuyên gia tranh luận rằng, một sự thay đổi mà họ đang nhìn thấy và có thể đoán trước được trong tương lai, là việc hoạch định hướng phát triển cho các thành phố ngay từ đầu. Kiểu quy hoạch chuyên sâu này là điều cần thiết để thay thế hoàn toàn cơ sở hạ tầng cũ trở nên gần như lỗi thời do khả năng suy yếu của chúng trong một môi trường đô thị hóa.

Thành phố sinh thái Thiên Tân – nằm ở phía Đông Bắc của Trung Quốc, phía Nam của Bắc Kinh là một dự án song phương giữa Singapore và Chính phủ Trung Quốc, được phát triển chung bởi tập đoàn của Singapore Keppel Group và tập đoàn liên doanh của Trung Quốc do Nhà nước quản lý là Thiên Tân TEDA. Thành phố sinh thái này nổi bật trên toàn thế giới trong việc áp dụng các nguyên lý cơ bản nhất nhưng hiệu quả của thiết kế – những thứ có khả năng thực tế, nhân rộng và mở rộng. Chỉ số bền vững đô thị (USI) – chỉ số đầu tiên để đo lường và so sánh tính bền vững đô thị trên khắp Trung Quốc, cho thấy, để xây dựng một thành phố thực sự xanh, thành phố Trung Quốc nên có mật độ cao hơn, cung cấp những cách tiếp cận dễ dàng cho người dân thông qua các phương tiện giao thông công cộng tốt và sử dụng đất hiệu quả hơn.

Thành phố công nghiệp của Nhật Bản, Kawasaki, cũng là một trong những thành phố sinh thái phát triển. Trước khi Chính phủ Nhật Bản đầu tư vào phục hồi thành phố này, nơi đây đã phải vật lộn với tình trạng thiếu không gian, chất thải công nghiệp không được quản lý và ô nhiễm quá mức. Dựa trên nguyên lý “không chất thải”, thành phố nhằm mục đích tái chế chất thải trong một ngành công nghiệp hoặc trong các hộ gia đình và tái sử dụng nó trong một lĩnh vực khác như chế tạo vật liệu.

Triển vọng trong tương lai 

Sự khơi dậy và phát triển thành công các thành phố sinh thái phụ thuộc vào sự cân bằng lành mạnh trong quản trị từ trên xuống và từ dưới lên ở cấp địa phương. Đây là thời điểm mà các cơ quan quản lý ở châu Á cần phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện hơn theo hướng bền vững bằng cách thiết lập quy hoạch các thành phố sinh thái, bắt đầu từ việc giáp mối với tính toán trước về các vấn đề như ngân sách và tài trợ. Một thành phố có thể hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ bền vững bằng cách tối đa hóa nguồn thu hiện có và xác định những tiềm năng mới, bằng cách tận dụng các nguồn lực khác từ khu vực tư nhân và bằng cách mời tài trợ để hỗ trợ sự phát triển của các sáng kiến phát triển bền vững.

Dù nhìn thấy điều đó, nhưng với Việt Nam, có lẽ con đường xây dựng các thành phố sinh thái sẽ còn không ít chông gai. Trước hết, sự thay đổi là không thể tránh khỏi trong quá trình lập kế hoạch và bộ phận lãnh đạo sẽ cần phải thiết lập một quy trình linh hoạt cho sự tham gia của cộng đồng để sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh ở mỗi thành phố – Đây cũng là một cơ hội lớn có ý nghĩa cho mối quan hệ của khu vực Nhà nước – tư nhân.

(Nguồn: monre.gov.vn)

Áp dụng công nghệ xanh để đảm bảo an ninh lương thực

Hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh cần phải được gắn kết chặt chẽ hơn nữa với sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an ninh lương thực.

Một gian hàng trong Chợ Công nghệ thiết bị quốc tế 2012.  Ảnh: VGP/Thu Cúc

Đó là một trong những nội dung được thảo luận tại hội thảo quốc tế “Từ nghiên cứu đến đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ xanh và an ninh lương thực” do Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, tổ chức ngày 21/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chợ Công nghệ thiết bị quốc tế (Techmart 2012).

Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và  Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), lúa là một loại cây lương thực nuôi sống hơn một nửa dân số thế giới. Theo tính toán, tới năm 2030 sản lượng lúa của thế giới có thể tăng thêm 60% so với sản lượng năm 1995.

Về mặt lý thuyết, lúa có khả năng cho sản lượng cao hơn nữa, song điều kiện canh tác như hệ thống tưới tiêu, chất lượng đất, biện pháp thâm canh và biến đổi khí hậu đang ngăn cản xu thế trên. Hàng loạt yếu tố tiêu cực về thiên nhiên và môi trường nếu không cải thiện, đến năm 2050, sản lượng lương thực toàn cầu sẽ giảm 25%, giá lương thực sẽ có thể tăng từ 30-50%.

Chính vì vậy, một trong những biện pháp gia tăng an ninh lương thực là kiểm soát dân số và áp dụng công nghệ xanh trong nông nghiệp.

Theo các đại biểu, việc phát triển các công nghệ xanh và thân thiện với môi trường, cung cấp các nguồn lương thực chất lượng cao đang là mối quan tâm chính của khu vực ASEAN.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế nông nghiệp đã tập trung thảo luận sâu về những biện pháp chính sách và kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai thực hiện công nghệ xanh để tăng năng suất lương thực. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp hợp tác bảo đảm an ninh lương thực trên cơ sở cách tiếp cận đa ngành, trong đó, coi trọng tăng đầu tư cho nông nghiệp, tăng sản lượng và năng suất sản xuất lương thực, hợp tác công-tư, áp dụng công nghệ mới, quản lý bền vững hệ sinh thái.

http://baodientu.chinhphu.vn

Sắp ra mắt máy bay không người lái chạy bằng gió

 

Mô hình máy bay không người lái Green Falcon II thân thiện với môi trường đã được nghiên cứu sinh Wesam Al Sabban tại Đại học Công nghệ Queensland chế tạo thành công.

Mô hình máy bay không người lái Green Falcon II của kỹ sư Wesam Al Sabban
Mô hình máy bay không người lái Green Falcon II
của kỹ sư Wesam Al Sabban

Theo nhà thiết kế Al Sabban, chiếc máy bay không người lái Green Falcon II sử dụng năng lượng gió để bay như một con chim, do đó nó sẽ không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn gió để phục vụ mọi chuyển động của máy bay.

Hiện tại, Al Sabban đang nghiên cứu cách loài chim sử dụng năng lượng gió để bay với lượng sức ít nhất, cũng như phát triển hệ thống dự báo cường độ năng lượng mặt trời, kết hợp với hướng gió để thiết lập bản đồ bay và cung cấp năng lượng cho Green Falcon II.

Mô hình máy bay không người lái (UAV) của kỹ sư Al Sabban sẽ phải mất thêm 18 tháng nữa để hoàn thành. Tuy nhiên, nó đã nhận được 3 giải thưởng tại Hội chợ Thương mại quốc tế iENA lần thứ 63 chuyên giới thiệu những phát minh mới trên toàn thế giới được tổ chức hàng năm tại Nuremberg, Đức.

Tại hội chợ thương mại lần này, phát minh của Al Sabban đã phải cạnh tranh với 750 sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học thuộc 30 quốc gia khác để giành giải thưởng.

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới công nghệ xanh và trong nhiều năm tổ chức hội chợ, chúng tôi đã được chiêm ngưỡng rất nhiều mô hình UAV dựa theo mô phỏng hoạt động của loài chim. Tuy nhiên, mô hình của Al Sabban là thành công hơn cả trong ứng dụng hệ thống không người lái dân sự và điện tử hàng không vũ trụ”, Tiến sĩ Felipe Gonzalez, công tác tại Trung tâm nghiên cứu tự động hóa hàng không vũ trụ Úc (ARCAA) cho biết.

Sau khi hoàn thành, máy bay Green Falcon II có khả năng hỗ trợ công tác kiểm tra đường dây tải điện, cứu trợ thiên tai, lập bản đồ khai thác mỏ 3D và nhiều ứng dụng quét tự động.

Nhà tổ chức hội chợ iENA hy vọng họ sẽ sớm tìm được đối tác để chuyển giao bản thiết kế Green Falcon II, nhằm thương mại hóa loại máy bay mới này vào năm 2013.

khoahoc.com.vn

 

Viên năng lượng từ mùn cưa, dăm bào

Kỹ sư Nguyễn Minh Văn, Công ty Thiết bị công nghiệp MTC (quận 3 – TP Hồ Chí Minh) đã tham khảo một số mẫu máy của nước ngoài, sau đó chế tạo ra máy sản xuất viên nhiên liệu làm chất đốt từ mùn cưa, dăm bào (chất thải sinh khối) và xây dựng được quy trình kỹ thuật để xử lý các nguyên liệu mùn cưa, dăm bào trước khi đưa vào máy ép thành viên nhiên liệu.
6dd091253_95107_34.jpg
Đây là lần đầu tiên trong cả nước dòng máy này được chế tạo thành công. Máy có công suất 1,5-1,8 tấn/giờ, từ mùn cưa, dăm bào sẽ ép ra viên nhiên liệu có đường kính 90 hoặc vuông 80 x 80 mm, chiều dài của viên nhiên liệu trong khoảng từ 50 – 300 mm.
Bước đầu một số công ty ở Đồng Nai đã sử dụng máy này để sản xuất viên nhiên liệu (thay thế cho than đá, dầu FO…) sử dụng đốt lò hơi các nhà máy ở khu công nghiệp, nồi hơi nhà máy điện… So với hàng ngoại (Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…) máy ép viên nhiên liệu của công ty MTC sản xuất có chất lượng gần tương đương nhưng giá thành chỉ bằng 60%.
http://songxanh.vn

Xử lý rác thải hữu cơ bằng… giun

Lâu nay, người ta vốn chẳng lạ gì việc dùng giun làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hay để xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhưng dùng giun đất xử lý rác thải hữu cơ thì đây mới là lần đầu. Ngạc nhiên hơn là chỉ cần 1 – 2 lạng giun đã có thể xử lý không dưới 300kg rác thải hữu cơ với hiệu suất xử lý đạt 100%

 

Đó là ý tưởng của các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật nhằm tái sử dụng phần lớn rác thải hữu cơ (70% là rác thải chợ) ở các hộ gia đình được Báo Đất Việt 27/7/2011 đề cập .

Sau khi thí điểm thành công mô hình này tại 5 hộ nông dân xã Lam Hồng (Đông Anh) và khu chợ Bưởi, chợ Long Biên (Hà Nội), mô hình đã được mở rộng ứng dụng tại một số địa phương khác như Mê Linh, Từ Liêm, Hoàng Mai.

Theo đó, rác thải được thu gom từ các hộ gia đình, các khu chợ và được lựa chọn, phân loại riêng trước khi đem ủ. Thấy rác thải có dấu hiệu hoại mục thì thả giun vào. Như vậy, vô hình chung, rác thải hữu cơ đã trở thành thức ăn nuôi giun.

Điều đáng nói là theo ghi nhận từ những người nông dân đang trực tiếp ứng dụng mô hình xử lý rác thải bằng giun đất thì sử dụng phân từ rác hữu cơ do giun xử lý để bón rau xanh mang lại hiệu quả rất tốt và đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đặc biệt lấy giun nuôi gà, vịt rất nhanh lớn, khỏe mạnh, thịt chắc, ăn ngon, mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Tuy nhiên, theo TS. Huỳnh Thị Kim Hối – chủ nhiệm đề tài – thì mô hình hiệu quả, song quá trình nhân rộng lại gặp nhiều khó khăn do vấn đề phân loại rác thải và mô hình này đòi hỏi các hộ nuôi giun phải có không gian rộng rãi mới thực hiện được.

http://songxanh.vn

Cần khuyến khích đầu tư sản xuất công nghệ sạch

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo về xây dựng Chiến lược Công nghệ sạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương trong năm 2012 đối với gần 500 doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành dệt may, da giày, giấy, thiết bị điện, hóa chất, khai thác và chế biến than, nhiệt điện…, hầu hết các ngành đều có quy hoạch với định hướng đẩy mạnh áp dụng và đổi mới sản xuất theo công nghệ sạch, nhưng thực tế việc thực hiện còn hạn chế và chưa đa dạng.

Trong Dự thảo Chiến lược Công nghệ sạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu chính là tăng cường ý thức cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội về công nghệ sạch.

Đến năm 2020, các cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ sạch đạt ít nhất là 50% khi cải tạo, mở rộng sản xuất hoặc thay đổi công nghệ; 100% số cơ sở sử dụng công nghệ sạch khi đầu tư mới; 50% sản phẩm của các ngành sản xuất công nghiệp là sản phẩm công nghệ sạch. Tỷ lệ tương ứng với các mục tiêu trên đến năm 2030 lần lượt là 80%, 100% và 70%.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nhất trí việc phát triển và sử dụng công nghệ sạch cần tập trung ưu tiên đối với những công nghệ có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Các cơ sở sản xuất cần chú trọng tới đầu tư quy trình sản xuất sạch bởi yêu cầu từ các nước nhập khẩu đối với sản phẩm sạch là rất cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, vẫn còn nhiều vấn đề trong Chiến lược Công nghệ sạch mà các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các quy chuẩn, dịch vụ và lộ trình công nghệ sạch phù hợp. Cùng với chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại, việc có các giải pháp để kiểm soát các nhóm đầu tư công nghệ, nhằm giải quyết đối với các công nghệ cũ theo lộ trình đến năm 2020 cũng rất cần thiết./.

http://www.vietnamplus.vn

Ứng dụng công nghệ xanh trong sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam

Gạch xi măng cốt liêu đang dần thay thế gạch nung truyền thống (Nguồn: vậtliệukhôngnung.vn)
Là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nhiên liệu phụ trợ và có ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng http://sxsh.vntại Việt Nam cần phải có chiến lược tổng thể, dài hạn để tiết kiệm năng lượng cũng như bảo vệ môi trường. Thay thế dần bằng vật liệu không nung
Theo một báo cáo gần đây, cả nước trung bình tiêu thụ mỗi năm hơn 20 tỷ viên gạch cho các công trình xây dựng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lượng đất sét, diện tích đất nông nghiệp cũng như các nhiên liệu phụ trợ như than, củi, điện… và đặc biệt là mối nguy hại tới môi trường. Với mức tiêu thụ này, tính ra hàng năm nước ta sẽ tiêu tốn khoảng 600 triệu m3 đất sét tương đương với 30 nghìn ha đất canh tác. Dự kiến tới năm 2020, Việt Nam sẽ cần khoảng 42 tỷ viên gạch để phục vụ cho nhu cầu xây dựng.

Do đó, ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần phải tiến tới sản xuất sạch, tức là hướng từ vật liệu nung sang vật liệu không nung. Trong đó gạch xi măng cốt liệu là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp hướng tới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi năm doanh nghiệp sản xuất gạch không nung sẽ giúp giảm khoảng 30 ngàn tấn C02 thải ra môi trường. Ngoài việc bảo vệ được tài nguyên môi trường còn có lợi ích cao, tận dụng được tài nguyên sẵn có mà không phải phụ thuộc vào giá than.

Với nhiều ưu điểm như cách âm, cách nhiệt tốt hơn và cường độ chịu lực nén cao. Hiện nay các chủ đầu tư công trình thường lựa chọn gạch xi măng cốt liệu thay cho gạch nung truyền thống vì các tính năng của chúng. Ngoài đảm bảo chất lượng, đảm bảo môi trường, loại gạch này thường có sẵn quy chuẩn riêng nên thuận lợi hơn trong việc thi công.

Ông Đặng Việt Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty gạch Khang Minh, một doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp gạch xi măng cốt liệu cho biết: “Mỗi năm nhà máy sản xuất hơn 155 triệu viên gạch để cung cấp cho thị trường. Ngoài việc kinh doanh vì lợi nhuận ra thì khi sản xuất loại gạch này doanh nghiệp chúng tôi cũng phải nghĩ tới yếu tố môi trường.”

Cũng theo ông Lê, xét về giá cả, gạch xi măng cốt liệu rẻ hơn gạch truyền thống khoảng 20% và đặc biệt dây chuyền sản xuất không khói bụi, không chất thải và giúp bảo vệ tài nguyên đất. Trên thế giới việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung đã được thực hiện từ cách đây hàng chục năm.

Trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, xi măng cũng là một trong những ngành quan trọng và được hình thành sớm ở nước ta. Hiện nay cả nước có khoảng 90 đơn vị sản xuất trong cả nước, tập trung chủ yếu ở miền Bắc nơi có nguồn nhiên liệu đầu vào lớn. Tuy nhiên trình độ công nghệ lạc hậu do thừa hưởng dây chuyền sản xuất cũ từ những nhiều năm trước, sản xuất bằng công nghệ lò đứng, năng suất không cao, gây tác động xấu tới môi trường, ô nhiêm không khí, chất thải rắn, bụi. Ngành xi măng cũng sử dụng nhiều năng lượng như than, đá vôi khi nung trong lò sinh ra nhiều CO2 do đó đòi hỏi phải có hướng tiếp cận sạch hơn trong sản xuất để hạn chế ô nhiễm.

Chính sách lâu dài hướng tới tăng trưởng xanh

Đứng trước những thách thức này, ngày 28/04/2010 Chính phủ đã có Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng tới năm 2020 với mục tiêu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu không nung thay thế cho gạch đất sét nung. Theo đó mục tiêu cụ thể là phải phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020. Hàng năm sử dụng khoảng 15-20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất vật liệu xây không nung, tiết kiệm được khoảng 1.000 ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công

Theo định hướng phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2020, từ năm 2011, các công trình nhà cao tầng (từ 9 tầng trở lên) sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây; Khuyến khích các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung khác có độ rỗng lớn hơn 30% và vật liệu xây không nung loại nhẹ.

Theo ông Lương Đức Long Viện trưởng viện Vật liệu xây dựng – Bộ Xây dựng Việt Nam cần có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong quá trình sản xuất để cho ra đời những sản phẩm phù hợp với giá cả phải chăng. Đồng thời cần  tuyên truyền phổ biến tới người tiêu dùng về chất lượng của vật liệu xây dựng không nung không kém mà thậm chí còn có tính ưu viêt hơn vật liệu xây dựng nung.

Cùng với xu hướng thế giới, xu hướng phát triển công nghệ xanh tại Việt Nam đang tạo ra những thử thách mới cho sự cân bằng giữa môi trừơng và nhu cầu phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng ngày càng cần những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường. Đứng trước thử thách này, Việt Nam cần phải thật sự hiểu rõ giá trị của công nghệ xanh và có một cái nhìn hướng tới môi trường một cách đầy đủ hơn. Để làm được điều đó, bên cạnh việc tạo môi trường cạnh tranh công bằng, hành lang pháp lý, các doanh nghiệp trong ngành chế tạo vật liệu xây dựng cũng cần phải đầu tư nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong quá trình hoạt động./.
 http://sxsh.vn

Phát triển công nghệ xanh: Doanh nghiệp cần vốn

Phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường, giảm tối đa phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái chế; đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý…là xu hướng các doanh nghiệp hướng đến để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp.

Phát triển công nghệ xanh: Doanh nghiệp cần vốn

Phát triển công nghệ xanh: doanh nghiệp cần vốn

 Tuy nhiên, đến nay, không ít doanh nghiệp chưa quan tâm tới yêu cầu này. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu vốn.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Trưởng Văn phòng phát triển bền vững (PTBV) – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bảo vệ môi trường đã và đang trở thành tiêu chí trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Để phù hợp với tiêu chí này, nhiều doanh nghiệp đã tự đổi mới để hoạt động sản xuất và cao hơn là làm ra sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Điển hình như: Vinacomin mỗi năm đầu tư trên 700 tỷ đồng cho bảo vệ môi trường, trong đó, khoảng 60-70% số vốn được dành cho các dự án sử dụng nguồn quỹ môi trường tập trung. Bên cạnh đó, tập đoàn đã dành hàng trăm tỷ đồng xây dựng 30 trạm xử lý nước thải, thực hiện một số dự án cải tạo, phục hồi môi trường các bãi thải mỏ; phấn đấu đến năm 2020, cơ bản cải thiện môi trường vùng than Quảng Ninh. Không chỉ các tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm đến bảo vệ môi trường, như: Công ty CP Xi măng Hạ Long đã đầu tư 6 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường trong năm 2011. Theo kế hoạch, năm 2012, công ty tiếp tục đầu tư trên 6 tỷ đồng cho hoạt động này.

Bên cạnh các doanh nghiệp mạnh, tích cực đầu tư bảo vệ môi trường (BVMT), còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc đầu tư bảo vệ cảnh quan, môi trường sản xuất. Ông Nguyễn Quang Vinh nhìn nhận, việc chuyển mình của các doanh nghiệp trong công tác BVMT hiện rất chậm. Bằng chứng là, Văn phòng PTBV đã được thành lập hơn 2 năm với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác BVMT, sản xuất xanh hơn, nhưng trên cả nước chỉ có khoảng 30 DN tham gia.

Giải thích nguyên nhân của tình trạng này, các doanh nghiệp cho rằng, khó khăn lớn nhất là họ rất thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi lại không dễ dàng. Ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – thừa nhận: Cho đến nay, Nhà nước đã chi không dưới 1% tổng chi ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp BVMT. So với thực trạng ô nhiễm hiện nay, mức chi này chưa thấm vào đâu. Hiện các cơ quan chức năng đang kiến nghị cần tiếp tục nâng dần mức chi cho sự nghiệp BVMT qua từng năm, đảm bảo đến năm 2015 đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước.

Để giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt “công nghệ xanh”, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất phát thải gây hiệu ứng nhà kính; cam kết sử dụng và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm khí CO2 gây biến đổi khí hậu toàn cầu; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường; tiến tới hình thành ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam…

Cần quan tâm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Hà Tĩnh là tỉnh có bước “đột phá” mạnh về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư xầy dựng nhà máy sản xuất, chế biến tạo ra những sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuẩt của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất thì vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Cần quan tâm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Các cơ sở sản xuất cơ khí cần áp dụng sản xuất sạch hơn

Những năm gần đây, Hà Tĩnh thu hút được nhiều dự án lớn mang tầm quốc gia, quốc tế vào trên địa bàn với hàng tỷ USD. Qua đó, những dự án này đang góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Cùng với các dự án trọng điểm thì phát triển tại các khu CN và cụm CN, làng nghề được tỉnh chú trọng. Toàn tỉnh có 3 khu công nghiệp và 13 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 845 ha có tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng hơn 1.540 tỷ đồng. Hiện tại đã thu hút 81 dự án đăng ký đầu tư với số vốn gần 5000 tỷ đồng, trong đó 60 dự án đã đầu tư và đi vào sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn còn có hơn 13.900 cơ sở sản xuất công nghiệp, giải quyết việc cho 65.000 lao động thường xuyên, mang lại giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.077 tỷ đồng (năm 2010), tăng gấp 2 lần so năm 2005. Tuy nhiên, việc áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) trong các cơ sở công nghiệp thì ở tỉnh ta vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thật sự quan tâm. Theo Chỉ thị 08/CT-BCN của Bộ Công nghiệp (nay Bộ Công thương) năm 2007 thì sản xuất sạch hơn trong công nghiệp tức là doanh nghiệp phải cải tiến liên tục quá trình sản xuất công nghiệp, sản phẩm và dịch vụ để giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, để phòng ngừa tại nguồn ô nhiễm không khí, nước và đất, và giảm phát sinh chất thải tại nguồn, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường. Mặt khác sản xuất sạch hơn bao gồm tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc, giảm lượng và độ độc của các dòng thải trước khi đi ra khỏi quá trình sản xuất, đồng thời làm giảm ảnh hưởng trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ khâu chế biến nguyên liệu đến khâu thải bỏ cuối cùng. Vì vậy, việc áp dụng SXSH trong sản xuất công nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Mới đây, qua khảo sát cho thấy đại đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tỉnh ta đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ theo kiểu chắp vá, không đồng bộ; quy hoạch không hợp lý kéo theo công tác quản lý lỏng lẻo, chồng chéo dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn. Nguy hại nhất hiện này là ngành sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói có lượng khí thải lớn đang tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí. Một số cơ sở sản xuất, làng nghề TTCN truyền thống mộc, rèn đúc… còn xả thải một khối lượng lớn chất thải trực tiếp ra môi trường vượt quá tiêu chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, khí… ảnh hưởng tới sức khoẻ con người. Ngoài một số nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại thì đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đều có thiết bị công nghệ lạc hậu. Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa cơ khí, dệt may, chế biến nông lâm sản, chế biến thực phẩm, tuy mới đầu tư nhưng thiết bị công nghệ chỉ ở mức trung bình yếu, thiếu các dây chuyền tự động hoá, các thiết bị chuyên dùng nên năng lực sản xuất còn kém xa so với các nước. Để doanh nghiệp từng bước áp dụng SXSH vào sản xuất, ngành Công Thương đang tập trung xây dựng chương trình hành động SXSH trong công nghiệp giai đoạn 2011-2015. Giải pháp trước mặt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Làm thế nào để các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp xác định áp dụng SXSH là có lợi cho mình nhằm tiết kiệm được các chi phí tiêu hao năng lượng, nguyên liệu vật tư đầu vào. Qua đó, hạ giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần làm giảm thiểu các chất thải trong quá trình sản xuất. Hiện nay tỉnh cũng đang tiến hành rà soát lại các doanh nghiệp chưa áp dụng SXSH trong sản xuất kinh doanh để từ đó tư vấn, hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn nhằm giúp các cơ sở áp dụng một cách triệt để quá trình SXSH trong công nghiệp. Mặt khác, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành các thủ tục đăng ký việc đánh giá công nghệ tiên tiến, hiện đại tránh việc lắp đặt những công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, vấn đề đổi mới và nâng cao năng lực các thiết bị công nghệ sẽ được các doanh nghiệp quan tâm chú trọng, đưa SXSH vào sản xuất công nghiệp. Bài, ảnh: Hoàng Long…