Hướng tới một thành phố xanh của tương lai

Thành phố xanh trong tương lai
Thành phố xanh trong tương lai

Hơn một nửa dân số thế giới đang tập trung ở các thành phố với hy vọng cải thiện được tình trạng kinh tế – xã hội, các thành phố bền vững mở đường cho một sự cân bằng giữa nhu cầu ngày càng tăng và sự  cung cấp cạn kiệt các nguồn tài nguyên

Những hệ lụy 

Xu hướng này được thấy rõ ràng nhất ở châu Á, xuất phát từ những nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ. Sự bùng nổ kinh tế thúc đẩy các thành phố lớn châu Á sẵn sàng hoạch định tương lai của mình. Theo Hội đồng Phát triển Châu Á (ADB): “Dân số ở các thành phố tăng thêm bốn mươi bốn triệu người mỗi năm, tương đương với 120.000 người mỗi ngày. Sự tăng trưởng này yêu cầu xây dựng hơn 20.000 ngôi nhà mới, 250 km đường giao thông mới và cơ sở hạ tầng bổ sung để cung cấp hơn 6 mega lít nước sạch”. Bên cạnh việc tạo ra việc làm và phát triển kinh tế thì mặt trái của đô thị hóa – phát triển các đô thị quá nhanh – là tình trạng ô nhiễm môi trường không khí và nguồn nước; sự “nghèo hóa” của một bộ phận cư dân mất đất – Và chính đối tượng này phải chịu những tác động nặng nề của tình trạng ô nhiễm nước, môi trường không khí, rác thải…

Đó là một thực tế nghiệt ngã khi hơn 200 triệu cư dân đô thị ở châu Á sống trong nghèo đói và thường xuyên sống trong các khu nhà ổ chuột. Vì vậy, các thành phố này đang chịu áp lực liên tục để biến đổi thành những nơi lành mạnh, hấp dẫn và đầy đủ kinh tế hơn. Câu hỏi chính là làm thế nào để một thành phố duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và đồng thời có thể khai thác phát triển bền vững và toàn diện, chẳng hạn tất cả các đô thị, cư dân châu Á có thể trải nghiệm cuộc sống chất lượng cao với tiện nghi cơ bản, chỗ ở và đồng thời cũng miễn dịch được với tác động của biến đổi khí hậu ?

Hướng tới xây dựng các thành phố sinh thái 

Các chuyên gia tranh luận rằng, một sự thay đổi mà họ đang nhìn thấy và có thể đoán trước được trong tương lai, là việc hoạch định hướng phát triển cho các thành phố ngay từ đầu. Kiểu quy hoạch chuyên sâu này là điều cần thiết để thay thế hoàn toàn cơ sở hạ tầng cũ trở nên gần như lỗi thời do khả năng suy yếu của chúng trong một môi trường đô thị hóa.

Thành phố sinh thái Thiên Tân – nằm ở phía Đông Bắc của Trung Quốc, phía Nam của Bắc Kinh là một dự án song phương giữa Singapore và Chính phủ Trung Quốc, được phát triển chung bởi tập đoàn của Singapore Keppel Group và tập đoàn liên doanh của Trung Quốc do Nhà nước quản lý là Thiên Tân TEDA. Thành phố sinh thái này nổi bật trên toàn thế giới trong việc áp dụng các nguyên lý cơ bản nhất nhưng hiệu quả của thiết kế – những thứ có khả năng thực tế, nhân rộng và mở rộng. Chỉ số bền vững đô thị (USI) – chỉ số đầu tiên để đo lường và so sánh tính bền vững đô thị trên khắp Trung Quốc, cho thấy, để xây dựng một thành phố thực sự xanh, thành phố Trung Quốc nên có mật độ cao hơn, cung cấp những cách tiếp cận dễ dàng cho người dân thông qua các phương tiện giao thông công cộng tốt và sử dụng đất hiệu quả hơn.

Thành phố công nghiệp của Nhật Bản, Kawasaki, cũng là một trong những thành phố sinh thái phát triển. Trước khi Chính phủ Nhật Bản đầu tư vào phục hồi thành phố này, nơi đây đã phải vật lộn với tình trạng thiếu không gian, chất thải công nghiệp không được quản lý và ô nhiễm quá mức. Dựa trên nguyên lý “không chất thải”, thành phố nhằm mục đích tái chế chất thải trong một ngành công nghiệp hoặc trong các hộ gia đình và tái sử dụng nó trong một lĩnh vực khác như chế tạo vật liệu.

Triển vọng trong tương lai 

Sự khơi dậy và phát triển thành công các thành phố sinh thái phụ thuộc vào sự cân bằng lành mạnh trong quản trị từ trên xuống và từ dưới lên ở cấp địa phương. Đây là thời điểm mà các cơ quan quản lý ở châu Á cần phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện hơn theo hướng bền vững bằng cách thiết lập quy hoạch các thành phố sinh thái, bắt đầu từ việc giáp mối với tính toán trước về các vấn đề như ngân sách và tài trợ. Một thành phố có thể hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ bền vững bằng cách tối đa hóa nguồn thu hiện có và xác định những tiềm năng mới, bằng cách tận dụng các nguồn lực khác từ khu vực tư nhân và bằng cách mời tài trợ để hỗ trợ sự phát triển của các sáng kiến phát triển bền vững.

Dù nhìn thấy điều đó, nhưng với Việt Nam, có lẽ con đường xây dựng các thành phố sinh thái sẽ còn không ít chông gai. Trước hết, sự thay đổi là không thể tránh khỏi trong quá trình lập kế hoạch và bộ phận lãnh đạo sẽ cần phải thiết lập một quy trình linh hoạt cho sự tham gia của cộng đồng để sẵn sàng thích nghi với hoàn cảnh ở mỗi thành phố – Đây cũng là một cơ hội lớn có ý nghĩa cho mối quan hệ của khu vực Nhà nước – tư nhân.

(Nguồn: monre.gov.vn)