Khai thác bền vững đồng cỏ bàng lớn nhất ĐBSCL

Sau 8 năm triển khai thực hiện, dự án “Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương” tại xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang ngày càng phát huy hiệu quả tích cực về bảo vệ môi trường sinh thái và cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer trong vùng.

[ Kiên Giang: Sếu đầu đỏ về lại đồng cỏ Phú Mỹ ]

Dự án có tổng vốn đầu tư 500.000 USD do Hội Sếu quốc tế tài trợ và 300 triệu đồng đối ứng của tỉnh Kiên Giang.

Hiệu quả dự án là bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ tự nhiên lớn nhất còn lại của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sếu đầu đỏ (sếu cổ trụi), một loài chim quý hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới, vì số lượng hiện còn quá ít, khoảng 800-1.100 con.
Ông Hà Trí Cao, Điều phối viên dự án này cho biết: “Dự án đã bảo vệ được 1.200ha đồng cỏ, rừng tràm tự nhiên, phục hồi 60ha và trồng mới 20ha cỏ bàng. Môi trường sinh thái ổn định và bền vững, trở thành nơi cư ngụ quan trọng cho sếu đầu đỏ bay về, từ khoảng 6 con vào năm 2003, đến nay đàn sếu có hơn 237 con, được các tổ chức môi trường thế giới đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, đồng cỏ bàng không những là nguồn nguyên liệu để duy trì, phát triển nghề đan đát truyền thống của địa phương mà còn giúp người dân ở đây cải thiện, nâng cao đời sống, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trong vùng dự án chiếm hơn 95%.”
Theo đó, làng nghề đan đát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Phú Mỹ đã tạo hơn 500 mẫu sản phẩm đẹp, chất lượng giới thiệu cho khách hàng, trong đó có nhiều mẫu mã làm theo yêu cầu của các công ty xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sản phẩm đan đát từ cỏ bàng như các loại giỏ, khay, thùng, chiếu, đệm, nón, có mặt ở thị trường nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới là Nhật, Hong Kong, Mỹ, Canada, Italy, Australia, Thụy Sĩ, Chile, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hà Lan.
Từ hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm này đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động địa phương tham gia hoạt động của dự án và nhiều lao động phụ khác. Dự án đã đào tạo trên 500 công nhân thành thạo kỹ thuật đan giỏ xách, nón, may các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với mức thu nhập 1,8-4 triệu đồng/người/tháng.
Khoảng 300 hộ dân, với gần 1.000 lao động trong vùng dự án nhờ bán nguyên liệu cỏ bàng, cung cấp các sản phẩm dệt tại nhà như: đệm, chiếu… thu nhập 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả có ý nghĩa lớn nhất của dự án Khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương tại xã Phú Mỹ là đồng bào dân tộc Khmer ở đây đã được tổ chức thành tổ, nhóm có tay nghề đan đát cao, ý thức kỷ luật tốt.
Thông qua dự án, đồng bào dân tộc Khmer tiếp thu tốt các chủ trương, chính sách và thấy rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, hiệu quả của dự án là kinh phí đầu tư không nhiều, nhưng cùng lúc kết hợp được việc phát triển kinh tế của người dân với bảo tồn thiên nhiên; gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới.
Hiện nay, nhiều đoàn khách, các nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm đến môi trường và sinh viên của nhiều trường đại học trên thế giới tìm đến Phú Mỹ để xem sếu đầu đỏ và tham quan làng nghề đan đát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Đây là cơ sở, điều kiện thuận lợi cho các chương trình phát triển du lịch và tiếp cận nhà đầu tư của tỉnh Kiên Giang và Đồng bằng sông Cửu Long./.

Theo baomoi.com

Đưa công nghệ xanh vào sản xuất: Cuộc chiến dài hơi

KTĐT – Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt là bảo vệ môi trường giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập vào các thị trường quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp đang là vấn đề nan giải, gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệpvi phạm

Trong thời gian qua, nhiều vụ vi phạm môi trường xảy ra nổi cộm. Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, các đoàn thanh tra của Sở kiểm tra, phát hiện 50 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 1 tỉ đồng. Mới đây, Công ty TNHH Hệ thống Công nghiệp LS-VINA (trụ sở tại thị trấn Đông Anh) phải chịu mức phạt 100 triệu đồng vì vi phạm về bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp này có hành vi không phân loại chất thải nguy hại; không bố trí nơi an toàn để lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại; không đóng gói, bảo quản chất thải nguy hại theo chủng loại trong các bồn, thùng chứa, bao bì chuyên dụng… Trước đó, tại Cụm công nghiệp tập trung vừa và nhỏ huyện Từ Liêm, Công ty cổ phần sản xuất nhãn mác và phụ liệu dệt may Thanh Bình và Công ty TNHH Huy Thành, cũng bị xử phạt vì vi phạm về bảo vệ môi trường.

Ở các địa phương trên cả nước, hàng loạt doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường bị phát giác. Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an tại TP. HCM phát hiện, xử lý 7 doanh nghiệp tư nhân, công ty vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại Đà Nẵng, vẫn còn 3/6 khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, 14% doanh nghiệp chưa xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Qua kiểm tra ngẫu nhiên ở 90 doanh nghiệp, phát hiện 100% doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó có 90% doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình. Doanh nghiệp vi phạm về bảo vệ môi trường tai tiếng nhất ở Việt Nam có thể phải kể đến Công ty Vedan (Đồng Nai). Ngay sau khi phát hiện, Vedan đã bị kiện, bị tẩy chay và cuối cùng phải chấp nhận bồi thường 220 tỉ đồng cho hành vi của mình.

Giải pháp nào?

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp đã và đang từng bước chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua các giải pháp giảm phát thải ngay từ đầu nguồn thay vì xử lý cuối nguồn hoặc xả thẳng ra môi trường. Với lợi thế về vốn, khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý, phần lớn các doanh nghiệp FDI đều chủ động áp dụng các biện pháp xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Tại các doanh nghiệp trong nước, bên cạnh nhiều tổng công ty lớn của nhà nước chủ động áp dụng các giải pháp xử lý chất thải và đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp làng nghề cũng đã nâng cao nhận thức trong vấn đề giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua thay đổi phương thức sản xuất và đổi mới công nghệ. Điển hình là làng nghề gốm sứ Bát Tràng, đa số các hộ dân chủ động chuyển đổi từ lò nung gốm đốt than sang đốt gas, nhờ vậy mỗi năm tiết kiệm được khoảng 3.000 tấn dầu quy đổi và giảm phát thải trên 12.000 tấn khí CO2.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra một số đề xuất giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường. Trước hết, Nhà nước cần cho áp dụng các loại phí và lệ phí theo pháp lệnh, như phí nước thải, rác thải, phí gây ô nhiễm không khí, phí gây tiếng ồn… Số tiền thu được cần qui định là nguồn thu của quĩ môi trường để hỗ trợ các hoạt động cải thiện môi trường. Thứ hai, Nhà nước cần áp dụng chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm nhất định cho các dự án đầu tư cải thiện môi trường sản xuất ở doanh nghiệp. Thứ ba, cần có cơ chế hỗ trợ vốn thích hợp cho các doanh nghiệp thông qua quĩ môi trường. Do đó, đề nghị sớm thành lập quĩ môi trường quốc gia và hoàn thiện mô hình hoạt động của các quỹ môi trường địa phương. Ngoài ra, có thể đưa ra điều kiện ràng buộc miễn giảm thuế gắn với việc hợp lý hóa được sản xuất, áp dụng công nghệ tiên tiến hay công nghệ sạch hơn ngay tại doanh nghiệp.

baomoi.com

Tìm giải pháp môi trường ở làng nghề Thanh Thùy, Thanh Oai, Hà Nội

IRV – Thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, Hà Nội giờ đây đã có nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên nhờ vào nghề cơ khí. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, đằng sau những cơ ngơi khang trang đó, là tiếng ồn, nước thải, bụi từ các cỗ máy phay, dập, cắt, đột…

Rác thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp… thải thẳng ra mương nước, đồng ruộng khiến môi trường ngày càng thêm “cằn cỗi”.

Sống chung với ô nhiễm, tiếng ồn
Xã Thanh Thùy thuộc huyện Hà Tây cũ, nay là Hà Nội, xã có 6 thôn, thì có tới 5 thôn làm nghề cơ khí, một thôn làm nghề điêu khắc. Năm 2010, xã đạt doanh thu 80,486 tỷ đồng, trong đó 83,5 % là từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Từ những năm 2000 xã có chủ trương thành lập điểm công nghiệp và đến năm 2006- 2007 lô 1 của điểm công nghiệp đã được cho các hộ làm nghề trong làng thuê để sản xuất.

Đến xã Thanh Thùy vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng rất dễ nhận làng làm nghề cơ khí bởi những âm thanh chát chúa, đinh tai nhức óc phát ra từ các máy phay, dập, cắt kim loại không lúc nào ngừng. Con đường làng nhỏ bé mà không khí lúc nào cũng như một đại công trường lớn. Anh Chính trưởng thôn Rùa Hạ cho biết, người dân ở đây đã sống chung với bụi, tiếng ồn và nước thải từ các cơ sở mạ kim loại từ rất lâu rồi, đã có nhiều biện pháp giảm thiểu ô nhiễm từ cấp trên đưa xuống nhưng kết quả chưa được là bao, khổ nhất là các cháu nhỏ, tiếng ồn phát ra suốt ngày đêm nên không sao mà học được.

Các xưởng mạ trong làng chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ nên sản phẩm và nguyên vật liệu bày bừa bãi ra cả lòng lề đường.

Ông Lê Văn Cảnh, Chủ tịch xã Thanh Thùy cho biết, do làng nghề phát triển tự phát nên các xưởng sản xuất nằm ở ngay trong chính hộ gia đình đó. Vì thế nước thải, đặc biệt là nước thải từ các hộ làm mạ giữa làng thải thẳng ra mương nước, cống tiêu, chảy ra ruộng lúa khiến những ruộng lúa đang xanh tốt bỗng nhiên lùn lại, hạt không chắc được và chết dần.

Còn theo anh Chính trưởng thôn Rùa Hạ thì những nơi đất canh tác bị nhiễm nguồn nước thải từ các xưởng mạ còn bị chai và phải bỏ cho cỏ mọc vì không trồng được loại cây gì. Phần ruộng trước cổng vào thôn Rùa Hạ và khu vực giữa làng, nơi tập trung các xưởng mạ. Không những thế rác thải công nghiệp thải ra từ các nhà xưởng và rác thải sinh hoạt của hầu hết các thôn trong xã chưa có chỗ đổ tập trung, vứt tuỳ tiện ra cống, mương máng, đường đi… gây mất vệ sinh và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây ô nhiễm
Khi chúng tôi hỏi về giải pháp của xã và làng nghề về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, Ông Lê Văn Cảnh Chủ tịch xã cũng thừa nhận, hiện giờ các xưởng sản xuất nhỏ lẻ trong xã vẫn thải trực tiếp nước thải và rác thải công nghiệp ra ao, hồ, ruộng đồng xung quanh làng, xã. Thậm chí, tại điểm công nghiệp của xã vẫn chưa có khu xử lý chất thải riêng đảm bảo tiêu chuẩn… rác thải của các hộ sản xuất tại điểm công nghiệp, vẫn thải trực tiếp ra môi trường xung quanh.

Ông Cảnh cũng cho biết thêm, cả xã có khoảng 1400 hộ sản xuất cơ khí, tiểu thủ công nghiệp thì tới nay mới có khoảng 40 hộ sản xuất lớn, có quy mô chuyển vào hoạt động tại điểm công nghiệp, số còn lại vẫn sản xuất ngay trong xã gây bức xúc cho người dân.

Thêm nữa, máy móc cũ kỹ, tiếng ồn nhiều cũng là một nguyên nhân khiến môi trường càng thêm ô nhiễm. Trong khi tai người bình thường chỉ nghe được tiếng ồn, độ ré của âm thanh ở mức từ 0- 130 db trong khoảng 10 phút, thì môi trường trong làng nghề lúc nào cũng trên con số đó gấp nhiều lần và diễn ra liên tục…

Máy móc cũ kỹ không chỉ năng suất thấp mà còn gây tiếng ồn lớn.

Mong muốn của xã
Khi chúng tôi hỏi về việc xã có mong muốn và đề xuất gì, ông Cảnh cho biết: Một là, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường xã mong muốn Huyện và Thành phố mở thêm vài điểm công nghiệp nữa để quy hoạch các hộ sản xuất lại, tiện cho việc quản lý và kinh doanh. Hai là, Xã cũng mong Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quan tâm và tổ chức các hội thảo và đề xuất các mô hình bảo vệ môi trường sống cho người dân. Ba là, Huyện, Thành Phố cho lập một quỹ khuyến công để từ đó dạy nghề, và hỗ trợ kinh phí cho các chủ hộ sản xuất đi học thêm các lớp bồi dưỡng nâng cao tay nghề và bảo vệ môi trường. Vì hiện nay vấn đề an toàn lao động, nâng cao tay nghề người lao động và bảo hộ lao động đang là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Vì thế, UBND TP. Hà Nội, huyện Thanh Oai cần sớm có những chỉ đạo thiết thực, biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn nữa để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm đã tồn tại nhiều năm qua ở xã Thanh Thuỳ.

Mạnh Cường

Các Bài Viết Liên Quan => Quỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh Vay Tiềnsản xuất sạch hơnBảo lãnh

Sản xuất sạch hơn

sản xuất sạch hơn

IRV – Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 07 tháng 9 năm 2009 với mục tiêu phổ biến rộng rãi công cụ này vào các cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất công nghiệp, đồng thời giảm thiểu chất thải và tác động của các cơ sở sản xuất đến môi trường và sức khoẻ con người.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phương pháp luận sản xuất sạch hơn (SXSH) giống như đa phần các công cụ quản lý môi trường khác như hệ thống quản lý môi trường, kiểm toán môi trường, xuất phát từ các nước phát triển với nền sản xuất công nghiệp tiên tiến và nền văn hoá cơ bản khác với Việt Nam về cách suy nghĩ và quan niệm sống. Liệu đây có phải là rào cản đối với việc phổ biến công cụ này tại Việt Nam. 
Nội dung SXSH đã được phổ biến tại Việt Nam từ những năm 90 của thập kỷ trước bằng sự thành lập của Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam và nỗ lực của nhiều nhà tài trợ như Thuỵ Điển, Canada, Đan Mạch,… Mặc dù đã được trình diễn tại hàng trăm cơ sở sản xuất và lợi ích của nó đã được chứng minh trên thực tế, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mức độ lan toả của SXSH đã không được như mong muốn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn xa lạ, chưa hiểu và chưa áp dụng công cụ này. 
Các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước đã có một số nghiên cứu đánh giá về những yếu tố có thể được coi là rào cản của SXSH tại Việt Nam. Những rào cản này có thể được phân thành 04 loại hình chính: (1) chính sách của nhà nước, (2) động lực của cơ sở sản xuất, (3) rào cản về kỹ thuật và (3) rào cản về quản lý. 
Về vấn đề chính sách, mặc dầu đã có nhiều cố gắng và đã xây dựng được hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế tuân thủ đối với các quy định của nhà nước, do vậy, nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường. Ngoài ra nhiều nguồn lực đầu vào sản xuất (đặc biệt là nước và nhân công) của chúng ta còn quá rẻ so với nhiều nước nên các doanh nghiệp chưa nhìn nhận được tầm quan trọng của việc tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. 
Rào cản thứ hai, liên quan đến động lực của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền trong chính sách bảo vệ môi trường của nhà nước và cho rằng bảo vệ môi trường là việc của nhà nước. Quan điểm chờ đợi hỗ trợ của nhà nước trong các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có áp dụng SXSH còn tương đối phổ biến. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự hiểu lợi ích của SXSH đối với tính kinh tế của doanh nghiệp, mà đơn thuần cho rằng SXSH cũng tương tự như việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thường gây chi phí tăng thêm. 
Về mặt kỹ thuật, nhiều cơ sở sản xuất của ta còn tương đối yếu về kiểm toán và hạch toán nội bộ nên không đo đếm được mức chi phí của mình mất đi theo chất thải. Do vậy, không nhận thấy sự cần thiết áp dụng SXSH để giảm chất thải đồng thời giảm chi phí sản xuất. Việc phổ biến SXSH thường dựa trên mạng lưới các nhà tư vấn, nhưng ngay cả các chuyên gia tư vấn của ta cũng thiếu về số lượng và chất lượng. Đặc biệt thiếu là các chuyên gia SXSH chuyên ngành. 
Mặc dù các rào cản trên là tương đối quan trọng, nhưng đã phần nào được xác định, nhiều giải pháp đã được các cơ quan quản lý đưa ra có tác động khắc phục tích cực. Ví dụ, đối với rào cản chính sách, các cơ quan quản lý ngành tài nguyên và môi trường đã có nhiều nỗ lực trong việc cưỡng chế tuân thủ với pháp luật về bảo vệ môi trường, giá năng lượng và các tài nguyên khác cũng dần tăng lên khiến các doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc nâng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bộ Công Thương thông qua Dự án ODA do Đan Mạch tài trợ cũng đang thực hiện nâng cao nhận thức và năng lực cho các cơ sở sản xuất và tăng cường bổ sung các chuyên gia tư vấn về SXSH sạch hơn. 
Loại hình rào cản từ trước đến nay chưa được chú ý nhiều đó là các rào cản mang tính quản lý bao gồm: (1) văn hoá doanh nghiệp, (2) sự phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của Việt Nam, và (3) kỹ năng quản lý của các chủ doanh nghiệp. Một cuộc điều tra đối với 04 nhóm đại diện bao gồm nhóm chuyên gia tư vấn về SXSH, nhóm cán bộ quản lý nhà nước liên quan đến SXSH, nhóm doanh nghiệp đã áp dụng SXSH và nhóm doanh nghiệp chưa áp dụng SXSH để xác định đây có thực sự là rào cản và nếu là rào cản thì cần phải có những giải pháp gì để khắc phục đã được tiến hành. 
Qua lăng kính của các chuyên gia ngoài nước, người Việt Nam có quan điểm ngại thay đổi, do vậy, các doanh nghiệp do họ quản lý cũng phải chịu văn hoá quản lý “tĩnh”, kém linh hoạt trong việc đưa các công cụ quản lý mới vào áp dụng nếu thực sự không có áp lực từ bên ngoài hoặc động lực về lợi ích kinh tế, đặc biệt là với các công cụ môi trường. Kết quả điều tra cho thấy, đây là một nhận định có nhiều phần đúng và để khắc phục được rào cản này, nhà quản lý cần phải kết hợp giải pháp tăng áp lực từ cơ quan quản lý, đồng thời, tăng cường tuyên truyền về lợi ích của SXSH không chỉ trên phương diện môi trường mà quan trọng hơn đó là lợi ích kinh tế đối với doanh nghiệp khi áp dụng SXSH. 
Nhận định về tính phù hợp của SXSH đối với phương thức quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, các chuyên gia cho rằng SXSH là một giải pháp có tính quy trình, hệ thống, chủ động và liên tục trong khi các doanh nghiệp Việt Nam quen thuộc hơn với các giải pháp có tính nhiệm vụ, một lần, thiếu chủ động và ngắn hạn. Kết quả điều tra cho thấy nhận định trên phần nào có cơ sở và để SXSH phù hợp với Việt Nam, các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cần được Việt Nam hoá như điều chỉnh thuật ngữ cho gần gũi hơn với ngôn ngữ điều hành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam; cách mô tả các bước thực hiện cần đơn giản hoá. Đặc biệt kết quả điều tra cho thấy, cần có hướng dẫn riêng và cụ thể hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Đối với rào cản là kỹ năng quản lý của các doanh nghiệp, tỷ lệ lớn những người tham gia điều tra đồng ý đây là một rào cản lớn. Sản xuất sạch hơn là một công cụ quản lý, để áp dụng doanh nghiệp trước hết cần phải có hệ thống quản lý tối thiểu, mặt khác, để đo được lợi ích của SXSH, chủ doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các dữ liệu sản xuất của mình, trong khi đó nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không có hệ thống lưu giữ dữ liệu sản xuất. Do vậy, việc nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất nói chung cho các doanh nghiệp là rất cần thiết để giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các phương thức quản lý mới, bao gồm cả SXSH. 
Như vậy qua nghiên cứu cho thấy, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, các cơ quan quản lý cần quan tâm đến các rào cản mang tính quản lý, từ đó, có biện pháp khắc phục nhằm phổ biến thành công SXSH tại Việt Nam, thực hiện mục tiêu của Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. 

Bài viết dựa trên luận án Thạc sỹ quản trị kinh doanh quốc tế của tác giả tại Trường Quản lý, Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan.

Các Bài Viết Liên Quan => Quỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh Vay Tiềnsản xuất sạch hơnBảo lãnh

Hướng tới sản xuất vùng “rau sạch Túy Loan bền vững”

Từ trước đến nay, rau xanh luôn là  nguồn thực phẩm không thể thiếu đối với những bữa ăn. Từ chế độ ăn uống bình thường, cho đến ăn kiêng  và ăn chay, rau xanh đều là thực phẩm không thể thay thế. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cũng như nhiều loại thực phẩm khác, rau xanh không thoát khỏi danh mục báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng và cả hóa chất bảo quản thực sự trở thành mối lo ngại về sức khỏe; vấn đề được sử dụng “rau sạch” của người tiêu dùng ngày càng cấp thiết và nhu cầu ngày càng cao. Chính vì thế, để tạo ra sản phẩm “rau sạch” đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập cho hộ nông dân, hướng đến mô hình sản xuất nông nghiệp theo chương trình xây dựng Nông thôn mới của Hòa Vang, Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan( xã Hòa Phong) đã được thành lập vào ngày  11/10/2011.Đến nay, Hợp tác xã đã từng bước đi vào hoạt động, mở rộng sản xuất với quy mô 6ha, cùng 44 hộ tham gia với một số mô hình sản xuất hướng theo chuẩn VietGap như: dưa leo, bí đao chanh, khổ qua, rau mầm, cải xanh…

 

Nằm trong hoạt động mục tiêu xây dựng chương trình Nông thôn mới của Hòa Vang, chính quyền huyện đã hỗ trợ cho Hợp tác xã 01 máy làm đất cầm tay trị giá 20 triệu đồng trong khâu làm đất, bên cạnh đó cũng đã hỗ trợ giống rau tạo điều kiện cho các hộ xã viên sản xuất. Bên cạnh đó, Phòng Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư nông lâm, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân Hợp tác xã các quy trình sản xuất rau sạch, nâng cao an toàn thực phẩm.

 

Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm “rau sạch Túy Loan” mới chủ yếu được  tiêu thụ ở thị trường nhỏ là các chợ trên địa bàn nhưng cũng theo quy trình bán lẻ  cùng với việc có quá nhiều loại rau xanh bày bán la liệt ở các chợ, nhiều nơi lợi dụng “rau sạch Túy Loan” để trục lợi, trộn rau sạch và rau không sạch để bán, gây mất niềm tin người tiêu dùng, chính vì chưa có thương hiệu riêng thế nên nhiều người tiêu dùng đã tìm đến các thương hiệu rau xanh “uy tín” đã được đảm bảo thương hiệu là “rau sạch Đà Lạt” tại các siêu thị lớn trên thành phố Đà Nẵng như BigC, CoopMart dù giá thành của rau xanh trong siêu thị khá cao.

Hướng đến một thương hiệu rau sạch đảm bảo sự tin cậy của người tiêu dùng và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và cải thiên thu nhập hiệu quả, UBND huyện đang triển khai nghiên cứu kế hoạch bố trí mặt bằng và đề xuất Chi cục Phát triển Nông thôn và Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy Sản hỗ trợ kinh phí để xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm tại chợ Túy Loan, với sự đầu tư công nghệ chuyên sâu và xây dựng chuỗi cung ứng rau sạch đáp ứng được quy trình chứng nhận VietGap, thu hút các hộ nông dân hợp tác, đầu tư sản xuất tập trung, góp phần tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp huyện; từng bước tạo nên thương hiệu “ rau sạch Túy Loan” không chỉ trong nhu cầu cung ứng địa phương mà tương lai sẽ rộng khắp tại các thị trường lớn tại các địa bàn lân cận./.

           – Minh Chi –

 

tag:  Quy Dau Tu – San Xuat Sach – Moi Truong Xanh – Vay Tien

Hành động để sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp khá cao với giá trị gia tăng bình quân 14/1%/năm. Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, Bình Dương nói riêng đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn…

 
 Một mô hình sản xuất sạch trong công nghiệ. Sản xuất nước giải khát tại Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam (vốn 100% nước ngoài) tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 2

Có áp dụng… nhưng vẫn còn hạn chế

Số liệu thống kê đến cuối năm 2011, Bình Dương có 13.162 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh và 2.054 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp phát triển góp phần giải quyết việc làm, tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng và tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian qua, Bình Dương cũng được đánh giá, việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp bắt đầu có sự chuyển biến tích cực. Một số doanh nghiệp đã nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn và từng bước cải tiến quản lý, đầu tư đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng nguyên liệu thay thế phát sinh ít chất thải…, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kết quả ban đầu là thế nhưng việc áp dụng sản xuất sạch hơn vẫn còn hạn chế, một số cơ sở, doanh nghiệp tuy có triển khai nhưng chưa đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa cao. Theo khảo sát ở một số doanh nghiệp trên địa bàn, được biết tiềm năng áp dụng sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp còn rất lớn, có thể tiết kiệm được các nguyên liệu, nhiên liệu, nước, hóa chất… đến 25% năng lượng trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp chỉ mới chú trọng giải pháp xử lý môi trường của các chất thải cuối nguồn (xử lý cuối đường ống), chưa quan tâm sâu sắc tới việc phòng ngừa, ứng phó sự cố về môi trường vào các quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Sẽ có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.

Để từng bước đưa sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp cận mục tiêu của sản xuất sạch hơn, sản xuất tránh gây ô nhiễm môi trường bằng việc sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng hợp lý, hiệu quả nhất, các nhà chuyên môn cho biết mục tiêu quan trọng là trong sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp cần bảo đảm công tác bảo vệ môi trường sinh thái và sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững; đồng thời tăng cường cạnh tranh và sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công nghiệp trên địa bàn và không ngừng giảm tác động tiêu cực đến môi trường; lồng ghép việc thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cùng với hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14.000 và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến khác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường.

Các nhà chuyên môn còn cho rằng, chú ý đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ tư vấn, cán bộ quản lý Nhà nước những kiến thức chuyên sâu về sản xuất sạch hơn, đi đôi với tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, công nhân tại doanh nghiệp về vấn đề này, từng bước áp dụng nó vào hoạt động sản xuất và cải tiến công nghệ thiết bị của đơn vị, phấn đấu đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp có tiềm năng áp dụng vấn đề này sẽ tiết kiệm được từ 5 – 8% mục tiêu năng lượng, nguyên vật liệu trên đơn vị sản phầm; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp có nhân viên kỹ thuật kiêm nhiệm về sản xuất sạch hơn.

Muốn đạt được các mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm yêu cầu các cấp, các ngành và doanh nghiệp tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai và thực hiện sao cho có hiệu quả, đó là tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn, đồng thời xây dựng các đề tài, dự án về quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng và cải tiến công nghệ, xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu theo ngành về suất tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng trên đơn vị sản phẩm, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia để phục vụ cho công tác này.

MAI HUY

(vncpc)

tag: Quy Dau Tu – San Xuat Sach – Moi Truong Xanh – Vay Tien

Tập huấn “Kỹ thuật tư vấn và giảng viên sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” tại Bến Tre

Nhằm từng bước thực hiện mục tiêu của Quyết định số 1419/QĐ-TTg về phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020”: 90% các Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp và nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Bộ Công thương đã tổ chức 03 khóa tập huấn “kỹ năng tư vấn và giảng viên sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” cho đối tượng là cán bộ chuyên trách về sản xuất sạch hơn (SXSH) các tỉnh trên quy mô cả 3 miền:khu vực miền Bắc (4 – 7/9/2012), khu vực miền Trung (20 – 23/8/2012) và khu vực miền Nam (17 – 20/9/2012).

Tại khu vực miền Nam, lớp tập huấn được tổ chức tại thành phố Bến Tre (từ ngày 17 – 20/9/2012) gồm 25 học viên. Về nội dung khóa học gồm có 6 phần: Giới thiệu về SXSH; các điển hình áp dụng SXSH tại Việt Nam; các bước thực hiện đánh giá SXSH; kinh nghiệm tư vấn SXSH; khởi động SXSH với công cụ quản lý nội vi 5S và kỹ năng trình bày bài giảng.

Lớp tập huấn đã giúp các học viên nắm được những kiến thức cần thiết về các phương pháp thực hiện SXSH và có khả năng hướng dẫn cũng như phổ biến thực hiện SXSH tại các doanh nghiệp. Chương trình còn lồng ghép các bài thực hành, thảo luận theo nhóm về các biện pháp xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn tại một số ngành nghề và tham quan mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn tại Công ty TNHH Thanh Bình.

Ảnh: Các học viên tham gia lớp tập huấn

Sau khi lớp tập huấn kết thúc, các học viên đã được trao Chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn. Thông qua khóa học, học viên đã được trang bị những kiến thức để có thể tiếp cận hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật SXSH vào thực tế sản xuất; đồng thời, có kỹ năng giảng bài và tư vấn hướng dẫn thực hiện SXSH cho các cơ sở sản xuất tại địa phương.

(Nguồn: Trung tâm KC & TVPTCN)

tag:  Quy Dau Tu – San Xuat Sach – Moi Truong Xanh – Vay Tien

Sản xuất sạch hơn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp

Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó, tăng trưởng công nghiệp góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế. Việc nâng cao nhận thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn (SXSH) không chỉ cho hiệu quả kinh tế, giảm thiếu tác động tới môi trường mà còn góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững hơn, đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn năng lượng, nhiên liệu đang ngày càng trở nên cạn kiệt và đắt đỏ.

Sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít. Bản chất của sản xuất sạch hơn là thay đổi nguyên liệu thô và phu trợ; sự quản lý nội vi tốt hơn, thay đổi thiết kế lại sản phẩm đồng thời cải tiến và thay đổi, đổi mới công nghệ, tuần hoàn ngay tại chỗ. Các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn là doanh nghiệp đã giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn. Điều này sẽ không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp mà cả môi trường.

Vì sao doanh nghiệp cần phải áp dụng sản xuất sạch hơn?

Thứ nhất, sản xuất sạch hơn giúp giảm nguyên liệu và năng lượng sử dụng vì nước và năng lượng là đặc biệt quan trọng, đặc biệt với các doanh nghiệp sử dụng với khối lượng lớn.

Thứ hai, doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính dễ dàng hơn bởi các kế hoạch hành động về sản xuất sạch hơn sẽ đem lại hình ảnh môi trường có lợi về doanh nghiệp tới các nhà cho vay.

Thứ ba, doanh nghiệp tìm kiếm thêm được các cơ hội thị trường mới và được cải thiện vì khi doanh nghiệp đã có những nỗ lực nhận thức về sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp sẽ có thể mở ra đựơc nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn.

Thứ tư, có thể tạo nên hình ảnh công ty tốt hơn điều này là dễ hiểu bởi: một công ty với hình ảnh “xanh” sẽ được cả xã hội và các cơ quan hữu quan chấp nhận dễ dàng hơn.

Thứ năm, tạo nên một môi trường làm việc tốt hơn: Bằng cách đảm bảo các điều kiện làm việc thích hợp thông qua thực hành sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp có thể làm tăng ý thức của các cán bộ, đồng thời xây dựng ý thức kiểm soát chất thải.

Thứ sáu, giúp doanh nghiệp tuân thủ luật môi trường tốt hơn: Sản xuất sạch hơn hỗ trợ cho việc xử lý các dòng thải, và do đó doanh nghiệp sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn thải một cách dễ dàng, đơn giản và rẻ tiền hơn.

Những năm gần đây, cùng với sự ra đời của Quỹ ủy thác tín dụng xanh tại Việt Nam (GCTF), hàng loạt các dự án sản xuất sạch hơn đã được Quỹ hỗ trợ và đạt được những kết quả đáng kể.

Điển hình cho hiệu quả của sản xuất sạch hơn mang lại phải kể đến dự án “Lắp đặt hệ thống DAF-(Dissolved Air Flotation- hệ thống tuyến nổi bằng không khí hòa tan) của công ty TNHH Giấy Bắc Hà được thực hiện với hỗ trợ của Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF). Hệ thống DAF mới lắp đặt đã chứng minh việc tăng lượng nước thu hồi để tái sử dụng cho khâu chuẩn bị bột lên lưới. Vì thế, từ khi hệ thống DAF được  đưa vào sử dụng, công ty đã không còn khai thác nguồn nước mặt   từ đồng cho sản xuất nữa. Bên cạnh đó, lượng xơ sợi có trong nước trắng cũng được thu hồi trong thời gian ngắn để đưa về tái sử dụng nên chất lượng giấy sản phẩm ổn định hơn trước. Tổng lượng giảm khai thác nước mới ước đạt 244.616 m3/năm. Cải thiện đáng chú khác bao gồm: Chất lượng sản phẩm được cải thiện; Giảm sử dụng nguyên liệu thô.

So với hệ thống bể lắng và lọc nước trắng cũ thì hệ thống DAF có nhiều ưu điểm vượt trội hơn nhiều: Tiết kiệm nước khoảng 65%, giảm sử dụng nước mới, tổng tiết kiệm về kinh tế khoảng 36,360 USD/năm.

Hay như dự án thay đổi công nghệ của công ty nhựa Tân Phú. Được sự tư vấn của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), Công ty Cổ phần Tân Phú đã đăng ký dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF), hai máy ép phun thủy lực lạc hậu đã đươc đầu tư thay thế bằng hai máy ép phun thế hệ mới và đã chứng tỏ hiệu quả cao về tiêu thụ điện năng so với thiết bị cũ. Cụ thể, hai thiết bị mới đã làm giảm 88,8% và 14,7% tiêu hao năng lượng điện tương đương với 575.271 kWh điện mỗi năm so với thiết bị cũ. Hơn nữa, việc triển khai sản xuất trên hai máy mới cũng cho năng suất cao hơn trước 71% và 50%.

Bên cạnh đó, hai thiết bị này còn cho phép tái sử dụng nhựa thải, nhờ đó đã làm giảm đáng kết lượng chất thải rắn phát sinh. Dự án cũng loại trừ việc sử dụng 400 lít dầu thủy lực mỗi năm, góp phần giảm lượng phát thải ra môi trường. Cụ thể, lượng tiêu hao năng lượng và lượng khí nhà kính giảm 882,621 kWh/năm và 508.7 tấn CO2/năm.

Việc áp dụng công nghệ mới cũng đã tạo những cải thiện khác đáng chú ý khác như độ an toàn, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu thụ hạt nhựa nguyên sinh, giảm thải dầu thủy lực, giảm chi phí bảo dưỡng…

Năm 2009, Tân Phú đạt doanh thu là 11,9 triệu.

Trong dự án này, với tổng vốn vay tín dụng là 283,000 USD, công ty nhựa Tân Phú đã được GCTF bảo lãnh 50% giá trị khoản vay tín dụng của Ngân hàng ACB. Bên cạnh đó, công ty cũng đã được thụ hưởng khoản trả thưởng tương đương 25% giá trị tín dụng tương đương 70,750 USD.

Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp đang cùng tham gia thay đổi công nghệ, ứng dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất như: Công ty CP sợi An Viêt, công ty TNHH Nam Hùng, công ty CP XNK Bắc Giang, doanh nghiệp kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng…  góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

tag:  Quy Dau Tu – San Xuat Sach – Moi Truong Xanh – Vay Tien

Sản xuất bền vững và sạch hơn tạo ra sự khác biệt

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là một cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững, trong đó chú trọng tới giảm thiểu sử dụng các hóa chất độc hại ảnh hưởng tới môi trường và tăng lợi nhuận thông qua giảm lãng phí trong sản xuất, làm tiền đề thâm nhập vào thị trường quốc tế. SXSH sẽ được quảng bá rộng rãi tại hội trợ khu vực châu Á Thái Bình Dương Lifestyle Trade Fair tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 17 đến ngày 21 tháng 4 tới.Trong số 700 doanh nghiệp dự kiến tham gia hội trợ thường niên năm nay, chỉ có khoảng vài chục công ty cam kết tham gia thực hiện SXSH, trong đó có 4 công ty sản xuất và chế biến Mây Song (2 từ Việt Nam và 2 từ Lào) được WWF hỗ trợ gian hàng trong khuôn khổ dự án “Thiết lập hệ thống Sản xuất bền vững cho các sản phẩm mây tre đan ở Lào, Campuchia và Việt Nam”.Để khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào phát triển bền vững, trong đó có nội dung sản xuất sạch hơn, một hội thảo về chủ đề “Sản xuất bền vững – Xu hướng của thế kỷ 21” sẽ được tổ chức trong thời gian hội chợ, từ 10.00 đến 11.00 sáng ngày 21 tháng 4. Hội thảo do WWF, One-UN và Vietcraft phối hợp tổ chức.

Các sản phẩm mây tre đan được sử dụng rất phổ biến tại Việt Nam, Lào, Campuchia và đem lại thu nhập cho rất nhiều người sống phụ thuộc vào rừng và sản xuất chế biến Mây Song. Tuy nhiên, việc sản xuất không bền vững do khai thác quá mức cùng với các lãng phí trong sản xuất, chế biến và vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất đang đe dọa ngành sản xuất này. Trước thực trạng này, năm 2009, WWF triển khai chương trình Mây bền vững tại Campuchia, Lào và Việt Nam nhằm kêu gọi cộng đồng, khu vực kinh tế tư nhân và chính phủ cam kết hướng tới một chuỗi cung ứng mây bền vững, từ hoạt động quản lý rừng mây bền vững đến sản xuất và kinh doanh.

Dự kiến sẽ có  300 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm quen với qui trình Sản xuất sạch trong đó ít nhất 120 doanh nghiệp đưa ra được các biện pháp cụ thể phù hợp với từng doanh nghiệp.

“Là một đơn vị chuyên về sản xuất sạch hơn, cùng phối hợp với Chương trình Mây Bền vững của WWF, chúng tôi dành nhiều thời gian và công sức để khuyến khích các doanh nghiệp mây tre hướng tới quy trình SXSH” Ông Lê Xuân Thịnh, Trưởng nhóm Tư vấn Doanh nghiệp của Trung Tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết. “Hiện có 7 công ty bao gồm: Âu Cơ, Ngọc Đông, Vĩnh Long, Hà Linh, Hiệp Hòa, Đức Phong và Nam Phước đã cam kết áp dụng qui trình sản xuất sạch hơn. Trong số đó 3 công ty đã được đánh giá toàn diện, 4 công ty sẽ được đánh giá vào cuối năm nay,” ông cho biết thêm.

Cũng theo ông Thịnh, trung tâm đã phát triển 8 kỹ thuật SXSH mới và phối hợp với các đơn vị chế biến mây tre liên quan kiểm nghiệm trước khi giới thiệu rộng rãi tới các doanh nghiệp khác trong mạng lưới. VNCPC cũng tiến hành các đánh giá nhanh và toàn diện cho các doanh nghiệp tại 3 nước Lào, Việt Nam và Campuchia nhằm giúp họ tìm ra cách thức tốt nhất để áp dụng SXSH và từ đó dần đáp ứng được yêu cầu từ thị trường thế giới đối với sản phẩm sạch.

“Một công ty mây ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có thể tiết kiệm từ 30-50% chi phí về hóa chất và giảm thiểu 40% chi phí về chất lỏng, xăng dầu và khí ga”, ông Thịnh chia sẻ “Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn để đưa SXSH đến các doanh nghiệp như thiếu số liệu về quá trình sản xuất, chuyên môn và năng lực của cán bộ nhân viên còn yếu, thậm chí không đủ kinh phí để thực hiện các giải pháp đề ra. Dự án Mây bền vững của WWF đã và đang hỗ trợ tổ chức bằng các khóa đào tạo nhân lực, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp để họ thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật SXSH mới trong quy trình sản xuất của mình”.

Theo một số điều luật mới được ban hành tại Châu Âu và Mỹ (FLEGT và Lacey Act), chỉ các sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC mới được nhập khẩu vào Châu Âu và Mỹ – hai thị trường chính của các sản phẩm mây. Mây thuộc vào nhóm các sản phẩm phi gỗ, tuy nhiên xu hướng cho thấy các thị trường trên sẽ sớm áp dụng những quy định chặt chẽ hơn về việc nhập khẩu các sản phẩm này. Bên cạnh quy trình SXSH, trong qui trình quản lý bền vững, dự án mây bền vững còn hỗ trợ việc quản lý rừng bền vững bằng việc cấp giấy chứng nhận FSC của Hội đồng Quản lý Rừng.

Ông Lê Thái Tính, Giám đốc Kinh doanh của công ty Vĩnh Long phát biểu: “Chứng chỉ FSC cho mây rất hữu ích vì nó phù hợp với ý tưởng của chúng tôi trong việc duy trì nguồn nguyên vật liệu bền vững và lâu dài. Trong nhận thức, chúng tôi luôn mong muốn duy trì nguồn nguyên vật liệu có thể tái tạo này cho phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Vĩnh Long có thể mở một công ty liên doanh tại Lào, trong đó công ty sẽ cung cấp máy móc và kỹ thuật chế biến trong khi các công ty Lào có thể cung cấp nguồn mây có chứng nhận FSC”.

Bà Sabine Gish Boie, cán bộ quản lý dự án cho biết: “Tại Việt Nam, dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng 6000 ha mây thuộc tỉnh Quảng Nam và Huế, trong đó có khoảng 2000 ha được đưa vào quản lý bền vững. Tại huyện Khamkeut, Lào 1.200 ha rừng mây đang trong quá trình nhận chứng chỉ FSC – chứng chỉ FSC mây tre đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi hy vọng cuối năm nay thị trường châu Âu  sẽ xuất hiện sản phẩm mây tre dán nhãn FSC ”

Dự án “Thiết lập hệ thống Sản Xuất Mây Song bền vững tại Lào, Campuchia và Việt Nam” được đồng tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu (EU), công ty đa quốc gia IKEA và Tổ chức hỗ trợ tài chính Đức (DEG

switchasiavn.org

tag: Vay Tiềnsản xuất sạch hơnchất thải công nghiệpBảo lãnhsản xuất sạch hơn trong công nghiệp Dây chuyền sản xuấtquỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh 

Bảo vệ môi trường

Bảo vệ môi trường

Là doanh nghiệp rất tích cực trong việc gắn sản xuất với bảo vệ môi trường (BVMT), nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Khe Sim đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, góp phần bảo vệ và nâng cấp môi trường ở địa bàn do đơn vị phụ trách.

Theo ông Đinh Văn Toản – GĐ Công ty – khai trường Khe Sim nằm trên dải đồi cao, bên dưới là cuộc sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân 7 phường, xã, nên vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác than là một vấn đề hết sức nhạy cảm. ý thức rõ điều này, từ Ban lãnh đạo đến mỗi CBCNV Công ty đều tâm niệm công tác BVMT phải đặt lên hàng đầu, song song cùng công tác sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp ngày một phát triển bền vững.

Hàng năm, Công ty liên tục giành những khoản kinh phí lớn, tới hàng tỷ đồng, cho công tác BVMT. Về công tác hoàn nguyên môi trường, Công ty đã thực hiện nhiều công trình, dự án và giải pháp đồng bộ bảo đảm cho công tác đạt hiệu quả cao. Đảng uỷ, chỉ huy Công ty luôn quán triệt thực hiện tốt phương châm chỉ đạo sản xuất gắn với BVMT, chú trọng chỉ đạo xây dựng hệ thống hào phân lũ, các tuyến đập chắn hướng dòng chảy không để đất đá trôi xuống khu vực dân cư khi mùa mưa đến. Công ty nghiên cứu áp dụng công nghệ nổ mìn vi sai phi điện, tổ chức nổ vào những khung giờ cố định lệch với giờ làm việc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để không ảnh hưởng tới người dân. Công ty xây dựng và ban hành các quy chế, quy định cụ thể, khắc phục tình trạng coi trọng sản xuất, xem nhẹ hoàn nguyên môi trường. Đặc biệt, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng nâng cao nhận thức cho cán bộ, CNVC- LĐ trong đơn vị và công tác vận động quần chúng trên địa bàn về công tác môi trường được Đảng uỷ, Chỉ huy chỉ đạo chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực. Giai đoạn từ năm 2006 đến nay, Công ty đã đầu tư trên 38,9 tỷ đồng, kết hợp vốn vay với vốn tự có để trồng cây xanh, cây ăn quả; thiết kế xây đập, mở rộng hồ chứa nước ngọt với dung tích trên 80.000 m3; bảo đảm đủ nước sạch cho CB, CNVC- LĐ trong đơn vị và một phần nhu cầu nước sạch cho các đơn vị bạn; mua, đóng mới 10 xe tưới nước môi trường; đầu tư hệ thống phun sương dập bụi các bãi sàng, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng công trình đập môi trường Tây Khe Sim để nhân rộng mô hình trong thời gian tới. Cũng trong thời gian này, Công ty đã trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc 159 ha; hoàn nguyên các bãi thải 27 ha với tổng số trên 465.000 cây thông, keo các loại để một vài năm tới tạo một khu rừng thông, keo kéo dài suốt 7 phường, xã, từ Quang Hanh tới Cẩm Tây, góp phần khôi phục tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường tạo cảnh quan cho các phường, xã; tạo việc làm mới và thu nhập ổn định thường xuyên cho 50 lao động địa phương từ nghề trồng, tu bổ, khai thác rừng. Những việc làm trên đã đưa Công ty trở thành đơn vị điển hình trong công tác này, được Vinacomin và địa phương đánh giá cao.

 

Chính vì có ý thức tốt và bằng những việc làm cụ thể để cải tạo môi trường trong khai thác than đạt hiệu quả rõ rệt. Tháng 8/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt Quy hoạch chi tiết dự án đầu tư trồng rừng BVMT khu vực mỏ Khe Sim – Lộ Trí – Đèo Nai với tổng diện tích 370 ha, trong đó bảo vệ phát triển rừng trồng hiện có 37 ha, 231 ha được sử dụng để trồng rừng mới, 92 ha trồng cỏ bề mặt sườn tầng, 10 ha diện tích hồ chứa nước… Tập đoàn Vinacomin đã quyết định giao cho Tổng Công ty Đông Bắc đảm nhận và đơn vị hoàn thành dự án là Công ty Khe Sim. Dự án hoàn thành sẽ mang lại lợi ích về môi trường và xã hội cho người dân toàn vùng; góp phần nâng cao độ che phủ, hạn chế tác hại xói mòi, sạt lở do mưa lũ, tạo vành đai xanh ngăn cách giữa thị xã Cẩm Phả với các khu sản xuất than của các đơn vị; điều hòa nguồn sinh thủy nước mặt và nước ngầm. Đồng thời, hạn chế tiếng ồn, hấp thu bụi nhằm điều hòa không khí môi trường tự nhiên, tạo ra nhiều việc làm tại chỗ cho người dân địa phương và các vùng lân cận tham gia vào các hoạt động bảo vệ, phát triển nghề rừng. Lãnh đạo Công ty khẳng định, với quyết tâm cao, đơn vị sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ, sớm đưa dự án trở thành “lá phổi xanh” quan trọng mang lại không gian trong lành cho thị xã Cẩm Phả.

Những việc làm về công tác môi trường của Công ty Khe Sim được địa phương, ngành Than đánh giá cao. Thương hiệu Xanh là phần thưởng xứng đáng dành cho họ (năm 2008 – 2010 giành Thương hiệu Xanh phát triển, năm 2009 là Thương hiệu Xanh bền vững). Đó là những ghi nhận xứng đáng cho CBCNV-LĐ Công ty – những người không biết mệt mỏi, phấn đấu, lao động và nỗ lực vì lợi ích doanh nghiệp, lợi ích cộng đồng.

 vinacomin.vn

 tag: quỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh – Bảo lãnh