Tín dụng cũng bảo vệ môi trường
Hoạt động tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường và đang được nhiều nước trên thế giới phát triển. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược NH (NHNN), ngành NH có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc việc phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Hiện nay, vấn đề NH xanh, tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Sản phẩm tín dụng xanh của các NH hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên này tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.
Bà Nguyễn Lê Hằng, Điều phối viên Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) cho biết, trước đây (từ năm 2007 trở về trước), các NH không có ưu tiên gì cho các hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, tín dụng xanh mới chỉ được quan tâm những năm gần đây
Ở Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh mới chỉ được quan tâm trong những năm gần đây. Do đó, các giải pháp về tín dụng xanh còn ít và chưa được triển khai rộng rãi trong toàn Ngành. Bên cạnh đó, khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, NH xanh còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc triển khai hoạt động này tại Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.Vài năm trở lại đây, với sự đẩy mạnh điều chỉnh và tuyên truyền về các chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng các hoạt động tài trợ tăng cường nhận thức và thúc đẩy triển khai từ phía các tổ chức nước ngoài như Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), NH Thế giới (WB) thì các NH đã bắt đầu quan tâm hơn tới các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường. Tuy nhiên, hiện các “dòng tín dụng xanh” tại các NH phần lớn vẫn dựa trên các chương trình/dự án có tài trợ quốc tế. Có lẽ bởi NH vẫn còn e ngại về rủi ro tín dụng từ các dự án đầu tư dạng này.
Mới đây, NHNN đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo Chỉ thị này, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành NH cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. NHNN yêu cầu các TCTD rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Không để vốn thành lực cản
Hiện đã có một số tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam như WB, NH Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc tư nhân tài trợ phải tuân theo. Hiện các kênh về tín dụng xanh chủ yếu được tiếp cận qua GCTF do Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) thành lập ở Việt Nam nhằm hỗ trợ các DN đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường.
Bà Nguyễn Lê Hằng, Điều phối viên Quỹ GCTF cho biết, GCTF là một sáng kiến của Chính phủ Thụy Sĩ dành cho một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dòng tín dụng xanh này sẽ hỗ trợ tài chính cho DNNVV ở Việt Nam mạnh dạn thực hiện dự án thay đổi công nghệ hiện tại theo hướng thân thiện hơn với môi trường. Cơ chế hỗ trợ của Quỹ gồm 2 hình thức song song: bảo lãnh 50% vốn vay tín dụng đổi mới công nghệ tại NHTM (3 NH đã cam kết hợp tác với GCTF gồm Techcombank, ACB và VIB); trả thưởng 15% hoặc 25% tổng giải ngân tín dụng khi tác động môi trường sau dự án đầu tư được đánh giá đạt mức yêu cầu.
Hiện nay, sản xuất sạch hơn ngày càng trở thành xu hướng chung của DN bởi sản xuất sạch có thể giúp các DN tiết kiệm tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ gia… từ đó giúp DN nâng cao hiệu suất hoạt động, nâng cao sự ổn định của sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các DN chính là khoản đầu tư để đổi mới công nghệ tương đối cao. Phần lớn các DNNVV ở Việt Nam thường gặp khó khăn về vốn và không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận được với nguồn cho vay tín dụng tại các NH. Khó khăn này đã làm DN giảm động lực đổi mới công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động môi trường. GCTF là một giải pháp hỗ trợ tài chính giúp các DNNVV của Việt Nam mạnh dạn hơn trong quá trình đầu tư lắp đặt công nghệ mới để thay thế công nghệ lạc hậu hiện tại.
Theo đó, sẽ có rất nhiều DN trong ngành công nghiệp tại Việt Nam nằm trong mục tiêu hỗ trợ của GCTF. Các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, xi măng…), sản xuất thủy tinh (thay lò nấu thủy tinh…), ngành nhựa (thay máy ép thế hệ mới…), ngành dệt nhuộm (thay máy nhuộm, lò hơi…), ngành chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, thuộc da, sản xuất hóa chất, sơn, pin, ắc quy…
Được thành lập từ 2007 đến nay, GCTF đã triển khai rất nhiều dự án thành công, trong đó tiêu biểu như: dự án dây chuyền máy ép nhựa với thiết kế động cơ servo tiên tiến giúp giảm phát thải CO2 tới trên 50% do tiết kiệm điện năng; dự án lắp hệ thống DAF thu hồi tái sử dụng nước và bột giấy trong ngành giấy giúp giảm lượng nước sạch đưa vào sản xuất tới 70%. Cả 2 loại hình thay đổi công nghệ này đều nhận được mức trả thưởng 25%.
Bà Nguyễn Lê Hằng cho rằng, để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam cần có sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý là NHNN, các TCTD và đặc biệt cần tăng cường nhận thức cho DN về bảo vệ môi trường. Do đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nhóm các chuyên gia tư vấn kỹ thuật; tăng cường năng lực xem xét thẩm định các dự án tăng trưởng xanh cho khối NH; tăng cường sự kết nối giữa 3 khối trên với sự gắn kết và thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước.