Tôi xếp mấy cái lõi cuộn giấy toilet, vỏ hộp khăn giấy, vỏ hộp sữa chua… mà tôi gom góp cả tuần nay vào cái túi vải. Sáng hôm sau sẽ phải mang tới cho cô giáo con tôi. Con trai tôi hơn bốn tuổi, đang học mẫu giáo, và điều tôi rất thích ở trường này là các cô giáo dạy cho lũ trẻ “sống xanh” ngay từ lớp bé nhất (2 – 3 tuổi).
Cô giáo viết thư về cho cha mẹ “Không có cái gì là rác cả. Hãy mang cho chúng tôi tất cả các thứ mà bạn định vứt đi…” Sau đó tất cả được các cô biến thành đủ thứ đồ chơi. Hộp giấy biến thành robot, xe tải, lõi cuộn giấy biến thành ống nhòm, quần áo cũ may lại thành quần áo búp bê. Các cô còn dạy cho lũ nhỏ tự tay làm những đồ chơi đó nữa chứ. Nhà tôi bây giờ chật ních đồ mà con tôi làm ở lớp, trong đó tôi thấy “tự hào” nhất là một bức tranh ghép cu cậu làm (tất nhiên là cô giáo giúp là chính) từ nilông cũ và… vỏ trứng. Không chỉ thế, cu cậu còn không cho tôi vứt các đồ bỏ đi nữa. Mỗi khi tôi quen tay quăng cái lõi cuộn giấy vào thùng rác, là cu cậu lại hét lên “Đấy là ống nhòm của con mà!”
Thói quen phải được học từ những năm thơ ấu
Sau bao nhiêu năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường, tôi cũng chỉ rút ra một kết luận: Nói chung là cực kỳ khó để thay đổi nhận thức, hành vi của các thế hệ lớn tuổi. Bao nhiêu dự án, chiến dịch môi trường, từ kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, cho đến kêu gọi tiết kiệm điện nước (là có lợi cho chính mình), mà chẳng thấy thay đổi được mấy người. Chỉ có học sinh sinh viên, nhất là trẻ con, là nhận thức và thay đổi nhanh hơn cả.
Quay lại câu chuyện làm đồ chơi bằng vật liệu tái chế của con tôi, mọi người đừng nghĩ nó chỉ đơn thuần là luyện thói quen “tiết kiệm”. Thực ra, cái mà các cô giáo làm được, là làm cho lũ trẻ thấm nhuần các thói quen của lối sống xanh một cách tự nhiên nhất. Như đám chúng tôi, thời đi học không được học một cái gì gọi là giáo dục môi trường, đến khi lớn lên, ra nguyên một thế hệ hết sức lạnh lùng và ý thức cực kỳ kém với môi trường. Chứ trẻ con ngày nay, ít nhiều cũng được học ở trường, thì ra đường còn biết vứt rác vào thùng, ở nhà cũng biết tắt đèn khi ra khỏi phòng. Nếu bạn đã đến các nước phát triển, không thể phủ nhận là môi trường của họ sạch hơn, động vật hoang dã không bị tuyệt diệt, cũng là vì giáo dục môi trường là môn mà ai cũng phải học từ mẫu giáo. Mà nói đúng ra thì, nó cũng không phải là môn học nữa, mà nó là lối sống, thói quen hàng ngày mà các bé nhìn thấy ở chính bố mẹ, thầy cô giáo từ khi còn bé. Có như vậy thì việc bảo vệ môi trường mới không phải là những chiến dịch, những “ngày hành động” nâng hạ quyết tâm… hết chiến dịch, mọi chuyện đâu vào đấy.
Bảo vệ con bằng lối sống xanh
Lọ cắm hoa từ những chai lọ cũ.
Chúng ta hãy bắt đầu từ khi em bé bạn mới chào đời. Trong tình trạng ô nhiễm môi trường và quản lý sản phẩm còn rất lộn xộn như hiện nay, điều tốt nhất bạn có thể làm cho em bé của mình là áp dụng lối sống xanh, vừa đảm bảo sức khoẻ cho bé, giúp bảo vệ môi trường, lại giảm chi phí trong tình hình kinh tế cũng đang khủng hoảng như hiện nay. Tôi xin chia sẻ một số mẹo nhỏ nhé:
• Dùng sản phẩm thiên nhiên hoặc hữu cơ: các sản phẩm cho bé, từ sữa tắm gội, dưỡng da, cho đến các sản phẩm tẩy rửa, các bạn hãy mua những sản phẩm hữu cơ, hoặc có thành phần thiên nhiên, không mùi, để tránh các hoá chất có hại tiếp xúc với làn da của bé. Theo nhiều chuyên gia, thì dầu ôliu chính là một loại kem giữ ẩm cho da bé rất tốt đấy. Giấy ướt cũng nên chọn mua loại không có chlorine, tự phân huỷ, hoặc dùng khăn mặt xô rồi giặt.
• Hạn chế mua quá nhiều đồ sơ sinh, nhất là những thứ quần áo đắt tiền, vì bé lớn rất nhanh, rất nhiều thứ đồ chưa kịp mặc thì đã không còn mặc vừa nữa rồi. Khi mua quần áo, ưu tiên tiêu chí là chất liệu vải cotton thật mềm, hơn là màu sắc hay hình in ngộ nghĩnh. Bạn cũng hoàn toàn có thể giảm lãng phí, bằng cách xin quần áo và đồ dùng cho trẻ sơ sinh vẫn còn tốt của bạn bè người thân.
• Đồ chơi: bạn hãy đọc sách hoặc tìm trên mạng về cách mua đồ chơi phù hợp cho độ tuổi, tránh việc mua những thứ đồ mà nhiều khi chỉ là sướng mắt mình, chứ bé lại chẳng chơi được. Hãy chọn các loại đồ chơi bằng vải bông thật mềm, hoặc đồ chơi bằng gỗ với sơn an toàn, hoặc dùng lại đồ chơi của các em bé đã lớn.
Những chú bọ rùa từ khay để trứng cũ.
• Đồ gỗ, vật dụng trong phòng bé: hãy chọn các đồ gỗ tự nhiên, tre nứa, dùng ít vécni và các chất xử lý làm bóng gỗ; dùng thảm bằng len tự nhiên hoặc cotton hữu cơ. Ngoài ra, rất nhiều thứ đồ gỗ, sơn, mành rèm và nhiều vật dụng khác, khi còn mới thường thải vào không khí các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (chất VOC), vốn rất độc hại cho sức khoẻ, nên bạn hãy chú ý chọn những đồ không có hoặc có ít VOC. Và tối thiểu nhất, thì khi mua một thứ đồ gỗ cho phòng bé, bạn hãy để bên ngoài vài ngày để các chất độc nhất bay hơi hết trước khi cho chúng vào phòng ngủ của bé.
Cùng con sống xanh
Nếu bạn có em bé, tôi đoán là bạn cũng muốn con mình yêu môi trường, vì suy cho cùng, một đứa trẻ biết yêu cái cây, con vật, thì thường là sẽ trở thành những người nhân hậu, và sống có trách nhiệm hơn với mình và mọi người xung quanh. Một đứa trẻ quen với việc vặn vòi nước lại khi đánh răng, tự tắt tivi khi ra khỏi phòng, thì khi lớn lên chắc cũng sẽ là những người ngăn nắp, biết sắp xếp tổ chức cuộc sống và công việc của mình tốt hơn.
Gia đình chim cánh cụt làm từ vỏ chai và những đôi tất cũ.
Cách hiệu quả nhất để giúp em bé của bạn có một lối sống xanh, là chính bạn phải là tấm gương. Khi con bạn nhìn thấy bạn nhặt rác trong công viên bỏ vào thùng, thì chúng sẽ tự có ý thức về việc phải giữ vệ sinh nơi công cộng.
Để làm tấm gương sống xanh, bạn thử thực hiện các việc sau nhé:
• Chọn một lối sống năng động. Bạn hãy đi bộ, đi xe đạp nhiều hơn, và chịu khó chơi với con thường xuyên hơn. Con bạn mà thấy bạn ôm cái laptop cả ngày, ra tới cửa mua mấy quả ớt cũng cưỡi xe máy, thì bạn cũng đừng trách con không thích chạy nhảy ngoài trời mà cứ ngồi ôm cái iPad và ăn đồ vặt cả ngày.
• Dùng phương tiện giao thông công cộng. Biết là đi xe máy tiện hơn, nhưng đôi khi vào cuối tuần, bạn thử đưa con bạn đi chơi công viên bằng xe buýt xem sao, vì cuối tuần thì xe buýt không đông. Bạn thường đi nghỉ mát bằng xe ôtô của gia đình, nhưng bạn đã thử đi tàu hoả chưa, thú vị lắm.
• Nhờ con giúp việc. Trẻ con thường thích làm các việc của người lớn đó. Bạn hãy thử nhờ bé giúp một tay khi phân loại rác để bán ve chai, hay nhờ bé tưới nước trong khi bạn trồng rau thơm trên sân thượng chẳng hạn. Con tôi rất đắc lực trong các việc tắt đèn tắt quạt mỗi khi cô bảo mẫu quên, vì tôi hay rủ rỉ vào tai con “Nhớ nhắc bác nhé, bác bận nhiều việc hay quên, con phải giúp bác “.
Ống cắm bút tết từ những tờ giấy báo.
• Cho con sớm tiếp xúc với các loài vật. Bạn có bà con họ hàng ở quê, thỉnh thoảng đưa con về quê rồi cho chơi với đàn gà vịt hay những chú lợn con mà các gia đình nuôi (đừng có sợ bẩn nhé), sẽ làm cho bé hiểu rằng bên cạnh những người sống quanh mình, còn có cả một thế giới các loài vật, và dần dần em bé sẽ yêu thương loài vật hơn. Ở thành phố, hãy đưa con đi vườn thú và giải thích cho bé hiểu về những loài vật sống trong thiên nhiên hoang dã, và con người cần phải bảo vệ chúng như thế nào. Đưa con đi du lịch nước ngoài, thì vườn thú hay vườn quốc gia ở các đất nước này chắc chắn sẽ là những điểm đến đáng nhớ hơn nhiều đối với bé, hơn là trung tâm mua sắm đấy.
• Hãy cùng con làm vườn. Hãy tận dụng bancông hay sân thượng trồng một ít rau. Nếu có dịp về quê, hãy đưa bé ra thăm các ruộng rau, rồi mẹ con tự hái rau để về ăn. Con bạn sẽ hiểu là thức ăn không phải đến từ siêu thị, và người trồng rau cũng phải vất vả mới trồng được mớ rau, thì con bạn sẽ có thể hứng thú với việc ăn rau hơn, và giảm được thói quen xấu là bỏ thừa đồ ăn.
Khu vườn côn trùng làm từ khay để trứng cũ.
• Hạn chế tiêu thụ quá mức. Mua đồ chơi cho con, thà bạn mua ít những thứ hơi đắt tiền một chút, nhưng chất lượng tốt, hơn là mua cả đống đồ chơi rẻ, vừa lãng phí tiền, lại bừa bộn cả nhà, mà chính con bạn lại không có được đồ đẹp để chơi. Con bạn sắp sinh nhật, bạn có thể “tâm sự” với các bạn bè thân của mình để nếu họ định tặng đồ chơi, thì cũng tránh bị mua trùng. Và bạn hãy khuyến khích bé tặng lại đồ chơi cũ cho các bạn khác hoặc cho các quỹ từ thiện khi không chơi nữa.
• Khuyến khích thói quen tiết kiệm. Bạn đừng ngại giải thích cho bé là nước sạch không phải là vô hạn, và do đó con không nên lãng phí nước. Giải thích cả chuyện giấy được làm từ cây, và nếu như con bạn yêu cây cối thiên nhiên, thì chúng sẽ biết tiết kiệm giấy nữa đấy. Bạn hãy dạy con “tái sử dụng” các đồ vật trong nhà, làm cái tủ đồ chơi từ mấy vỏ hộp diêm, làm ống cắm bút từ vỏ chai nước cũ, vừa giảm rác thải, vừa giúp bé tăng cường tư duy sáng tạo đấy.
Tất nhiên, bạn không cần phải lúc nào cũng phải “lăm lăm” tinh thần sống xanh, bạn cũng không nên nghĩ là con mình cũng phải tăm tắp như vậy. Hãy bắt đầu từ những việc dễ nhất, mỗi ngày một chút, và dần dần gia đình bạn sẽ ngày càng sống xanh mà có khi chính bạn cũng không nhận ra đâu
Songxanh