Bình Dương xây dựng dự án biến rác thành điện

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Bình Dương và Công ty Trisun Energy Việt Nam vừa thống nhất phương án đầu tư dự án xử lý chất thải để sản xuất điện năng bằng công nghệ plasma tiên tiến trên thế giới.

Đây là công nghệ dùng năng lượng điện và nhiệt độ cao, tạo bởi hồ quang điện khí hóa với nhiệt độ trên 7.000 độ C làm bốc hơi rác thải hữu cơ và tan chảy thành các hợp chất vô cơ. Trung bình 1 tấn rác thải sẽ cho ra khoảng 815 kWh điện và các sản phẩm khác trong quá trình xử lý như ethanol, methanol, dầu diesel, khí hydro…

Ngoài ra, những tạp chất từ quá trình xử lý rác thải còn có thể tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng.

UBND tỉnh Bình Dương cho biết, luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cũng như các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài và Công ty Trisun Energy tại Bình Dương. Nếu nhà máy được xây dựng, sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trisun Energy là một trong những công ty hàng đầu của Australia về hoạt động xử lý chất thải thành điện năng nhờ công nghệ plasma tiên tiến trên thế giới.

Theo ThienNhien

Công nghệ mới giúp giảm giá thành điện gió

Khó khăn lớn nhất để Việt Nam đạt mục tiêu tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng gió từ mức 3,5% năm 2010 lên 4,5% năm 2020 và 6,0%  vào năm 2030 là  vấn đề giá thành điện còn cao. Tuy nhiên công nghệ “2 lớp cánh đồng trục” (YnS-W) mới được Công ty TNHH Công nghệ mới Việt-Nga giới thiệu tại TP. Hồ Chí Minh có thể là hướng mở để giảm giá điện gió

Mô hình tuabin YnS-W

Mô hình Tuabin YnS-W

Công nghệ này được phát triển từ ý tưởng cánh quạt hai lớp trong máy bay quân sự  tại Nga và đucợ đăng ký bằng độc quyền sáng chế tại Nga vào tháng 4/2011. Chỉ 2 tháng sau, Việt Nam đã tiếp cận loại công nghệ này, đồng thời ký kết với đối tác Nga theo dự án tiếp cận công nghệ.

Công nghệ YnS-W có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với công nghệ điện gió ba cánh hiện nay. Với 2 lớp cánh (5 cánh/lớp), Tuabin lấy được nhiều gió hơn, hệ thống sử dụng năng lượng gió đạt từ 0,6 – 0,8 (hệ số này  của tuabin thông thường đạt từ 0,2 – 0,3), sản lượng điện trung bình hàng năm cao gấp 2,5 lần so với các công nghệ điện gió còn lại. Hơn nữa, tuabin YnS-W có thể hoạt động đến hết công suất với sức gió trung bình chỉ đạt từ 7-8m/giây (phổ biến tại Việt Nam). Mặt khác, tần số âm thanh của tuabin YnS-W khi hoạt động phát ra đạt từ 20-40Hz (tương tự tiếng xào xạc của lá cây), không gây tổn hại đến sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Trước mắt, phía đối tác Nga sẽ chế tạo thứ 3 tuabin với công suất 1MW cho Việt Nam. Sau khi thử nghiệm thành công, Công ty TNHH Công nghệ mới Việt – Nga được phép làm chủ công nghệ này. Dự kiến, công ty sẽ thành lập nhà máy tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) để sản xuất đại trà các thiết bị điện gió như tuabin, trụ, cánh quạt… cung cấp cho các dự án điện gió khác.

Theo:  thiennhien

Nhà máy lọc nước biển đầu tiên ở miền Trung

Sáng ngày 8/5/2012, nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt đã được khởi công xây dựng tại xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đây là quà tặng của Hàn Quốc đến dân đảo.

Nhà máy có công suất 200 m3 một ngày đêm, có thể cung cấp cho mỗi gia đình ở xã đảo An Bình 400 lít nước mỗi ngày.Với tổng vốn đầu tư hơn một triệu USD, nhà máy gồm các hạng mục:bể chứa nước biển đầu vào, bể chứa nước ngọt đầu ra, hệ thống ống dẫn nước biển từ ngoài khơi vào bể chứa, hệ thống ống dẫn nước đầu ra từ bể chứa đến trung tâm phân phối nước cho các hộ gia đình…

Nhà máy lọc nước biển
Mô hình nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt do Doosan Vina xây tặng xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn(Quảng Ngãi)
Hệ thống lọc nước biển này được thiết kế theo dạng modul và lắp đặt gọn gàng trong một container, ứng dụng công nghệ tách muối, hóa hơi bằng phương pháp thẩm thấu ngược.Tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Văn Lạng chia sẻ: “Nhà máy lọc nước biển không chỉ mở ra triển vọng về nguồn nước ngọt cho vùng biển đảo Quảng Ngãi mà còn nhiều khu vực đảo, những vùng khó khăn về nước tại Việt Nam”.Thứ trưởng Lãng hy vọng các dự án lọc nước biển sẽ giúp dân đảo giải tỏa cơn khát nước ngọt.

Xã đảo An Bình có khoảng 112 hộ dân với hơn 500 người, quanh năm sử dụng nước mưa dự trữ trong bể chứa, lu bể. Vào mùa khô, cuộc sống người dân cơ cực trăm bề, ruộng đất bỏ hoang vì thiếu thốn nước ngọt trầm trọng. Nơi đây còn thiếu cả điện thắp sáng sinh hoạt.

Một doanh nghiệp Hàn Quốc, nhà tài trợ dự án nhà máy lọc nước biển, còn hỗ trợ hai máy phát điện công suất 128 kWh cho xã.

Theo: vnexpress

Mỹ giúp Việt Nam chống tác động thiên tai

Tỉnh Quảng Nam vừa khởi động dự án do Mỹ hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ven biển miền trung trước những tác động của thiên tai.

Thông báo phát đi hôm qua của Đại sứ quán Mỹ cho biết, dự án có tên “Lá chắn xanh” do Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ có trị giá trên 400.000 USD.

Trong hai năm tới, “Lá chắn xanh” sẽ tác động trực tiếp tới 48.000 người dân trong 12.000 hộ gia đình tại Quảng Nam và Bình Định – hai trong những tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng nhiều nhất của lũ lụt và mưa lớn.

Dự án hỗ trợ nâng cao việc bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động trồng, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn, hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương bảo vệ cuộc sống và sinh kế của mình trước thiên tai, tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm.

Với sự hợp tác chặt chẽ của chính quyền địa phương, dự án cũng lồng ghép kiến thức về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai vào chương trình học của học sinh. Khi kết thúc, cán bộ chính quyền địa phương và cộng đồng sẽ có một mô hình thực tế với sự tham gia của người dân về giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nhằm nhân rộng ra trong cộng đồng, trường học trong và ngoài các huyện dự án.

(Nguồn: vnexpress  )

Dự án năng lượng Trường Sa: giải Năng lượng toàn cầu 2012

 “Dự án tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK” đã được giải Năng lượng toàn cầu 2012 (Energy Globe Awards).

 

Dàn hấp thụ năng lượng mặt trời tại nhà giàn DK
Dàn hấp thụ năng lượng mặt trời tại nhà giàn DK – (Ảnh do Solar BK cung cấp)

 

Dự án trên bao gồm sáu hạng mục: hệ thống năng lượng sạch; nhà trạm nguồn; máng dẫn cáp điện ngầm; mạng điện; hệ thống đèn pha quan sát lắp đặt trên nhà giàn, đảo chìm và đảo nổi, và hệ thống đèn Led chiếu sáng sân đường và tường kè…

Dự án không chỉ đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng 24/24 giờ phục vụ chiến đấu và sinh hoạt cho quân và dân Trường Sa, mà còn góp phần quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 – một trong những tác nhân chính gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, do Bộ Tư lệnh hải quân làm chủ đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tài trợ vốn và Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời bách khoa (Solar BK) thực hiện.

Giải thưởng Năng lượng toàn cầu 2012 được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999 tại Áo. Qua 13 năm thành lập và phát triển, giải thưởng đã thu hút sự tham gia của hơn 150 quốc gia, trở thành giải thưởng quốc tế nổi bật và uy tín trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Theo: tuoitre.vn

Cong Sat Dep

sua chua nha

Phát huy nguồn vốn tự nhiên cho nền kinh tế xanh

Một trong những nguyên nhân của tình trạng nền kinh tế dễ bị tác động bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên là do trong một thời gian dài, hầu hết các chiến lược, chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế chủ yếu tập trung khuyến khích tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính, con nguời, thiếu quan tâm tới sự cạn kiệt, xuống cấp của vốn tự nhiên (VTN).

Hội thảo nguồn vốn tự nhiên cho nền kinh tế xanh
Mô hình tăng trưởng mới – tăng trưởng xanh – đang được cộng đồng quốc tế và Việt Nam hướng tới nhằm sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rủi ro môi trường, khủng hoảng sinh thái.
Tại Hội thảo về “Nguồn vốn tự nhiên trong bối cảnh thúc đẩy nền kinh tế xanh ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và khuyến nghị chính sách” do Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (ISPONE) và Quỹ Hỗ trợ phát triển CHLB Đức tại Việt Nam vừa tổ chức, TS. Nguyễn Văn Tài, Viện truởng ISPONE cho biết: Xu thế phát triển nền kinh tế xanh với trọng tâm là đầu tư nguồn vốn tự nhiên trên thế giới đang mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể “đón đầu”, đi thẳng vào phát triển kinh tế xanh với cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế xanh trong giai đoạn hiện nay.
 PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng: cần nhận dạng, đánh giá đầy đủ nguồn VTN để phát huy thế mạnh và hạn chế nhược điểm của từng loại. Muốn vậy cần thay đổi lại hệ thống thống kê, tính toán tài sản hiện nay đối với các tài nguyên thiên nhiên. Phải có chính sách quản lý, giám sát, điều tiết nguồn VTN  của  Nhà nước. Chúng ta đang tái cấu trúc lại nền kinh tế, đây là cơ hội để xem xét nhìn nhận lại mô hình cũ, thiết kế mô hình mới nhằm khuyến khích các ngành phát huy nguồn VTN như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…giảm thiểu và loại bỏ dần các ngành sử dụng quá nhiều và làm tổn hại tới VTN, thiếu tính bền vững.
Đất đai, nguồn vốn tự nhiên sẽ phát huy giá trị khi đi cùng các chính sách hợp lý. Theo PGS.TS. Vũ Thị Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, giải pháp tăng quy mô và hiệu quả sử dụng đất là hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) gắn với quy hoạch ngành, không gian và lãnh thổ; Đẩy mạnh hoạt động thị trường QSĐ trong nông thôn: Bỏ, hoặc mở rộng hạn điền và không quy định thời gian, hoặc giao đủ dài để dân yên tâm đầu tư ; Khuyến khích hình thành đội ngũ doanh nhân kinh doanh nông nghiệp; Đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn… Phát triển thị trường BĐS lành mạnh; Hoàn thiện chính sách và pháp luật giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và nguời bị thu hồi đất…
Về chính sách phúc lợi xã hội gắn với VTN, PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, Học viện Khoa học xã hội cho rằng, cần coi VTN là yếu tố cần thiết trong đảm bảo phúc lợi xã hội khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Việc xóa đói giảm nghèo là một mục  tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phúc lợi xã hội cần được yêu cầu gắn với đảm bảo khả năng tiếp cận, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn VTN. Đồng thời tăng cường và tạo điều kiện cho mọi người dân cung cấp dịch vụ môi trường – sinh thái, nhất là dịch vụ sinh thái rừng như bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, sông , suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng và phát triển rừng bền vững. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng…
Phát triển kinh tế xanh trước hết cần ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững, thay đổi mô hình sản xuất công nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sinh khối, năng lượng thay thế, đẩy mạnh chi trả dịch vụ môi trường rừng để tạo thêm nguồn thu cho người dân sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó, cần sớm điều chỉnh và xây dựng hệ thống luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế theo xu hướng phát triển kinh tế xanh làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách quản lý phát triển kinh tế phù hợp ở các cấp, các ngành.


Ngành thép Đà Nẵng: Đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng

Nganh thep Da Nang: Doi moi cong nghe de tiet kiem nang luongTheo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, độ chênh lệch về tiêu hao nhiên liệu trong sản xuất ngành thép là rất lớn. Với công nghệ hiện đại, mức tiêu hao điện năng chỉ từ 350- 400kWh/tấn thép, nhưng với những lò luyện thép cũ, mức tiêu hao có thể lên đến 700 kWh/tấn.

CôngThương – Đây là vấn đề rất đáng quan tâm trong tình hình hiện nay khi giá điện đã tăng từ đầu tháng 3/2011. Nằm trong chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm, giữ vững thị phần trong nước, hướng đến quá trình hội nhập; đồng thời đáp ứng được yếu tố bảo vệ môi trường, cũng như tiết kiệm điện để giảm chi phí đầu vào không còn cách nào khác, ngành thép ở TP Đà Nẵng đã và đang nỗ lực thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng.

Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép DANA- Ý, Đà Nẵng cho biết: Doanh nghiệp đã đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện năng, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để có giá thành thấp không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn ở trong khối ASEAN bằng cách đầu tư công nghệ mới hiện đại, liên hoàn. Hơn 500 tỷ đồng là số tiền mà công ty dùng để đầu tư dây chuyền công nghệ luyện Consteel trong sản xuất thép. Đây là dây chuyền công nghệ luyện thép có chức năng nạp liên tục nên tiết kiệm rất nhiều điện năng và hạn chế ô nhiễm môi trường cao. Dây chuyền này có công suất 250.000 tấn/năm, gồm dây chuyền cán thép cây từ phi 10 đến phi 32 và dây chuyền luyện thép công suất 40 tấn, sử dụng công nghệ xanh tiết kiệm năng lượng.

Ông Nguyễn An – Tổng giám đốc Công ty CP thép Thái Bình Dương, Đà Nẵng- cho rằng, việc tăng giá điện sẽ gây thêm khó khăn cho ngành thép, nhưng cũng là biện pháp để loại bỏ các nhà máy thép có công nghệ lạc hậu. Đối với Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương, TP Đà Nẵng, chúng tôi đã xác định ngay từ khi đầu tư dây chuyền khép kín, chỉ có đổi mới công nghệ là con đường tất yếu để tăng cường năng suất lao động, tăng giá năng lực cạnh tranh và đặc biệt tiết kiệm năng lượng trong tình hình hiện nay. Không chỉ có thế, đổi mới công nghệ còn mang lại lợi ích về tiết kiệm chi phí mà ai cũng thấy rõ. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, chi phí đầu tư ban đầu có thể lớn nhưng hiệu quả sử dụng cao, mang lại lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.

Việc tăng giá điện mang tính tất yếu là để bù đắp chi phí cho doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Trong chiến lược kinh doanh của công ty, Thép Thái Bình Dương đã lường trước điều này, do đó, chúng tôi đã chú trọng đầu tư chiều sâu, thay đổi công nghệ, giảm bớt hao phí điện năng để giảm giá thành từ khâu nấu luyện đến thành phẩm nên chúng tôi đã có giá cạnh tranh rất cao- ông Nguyễn An cho biết thêm- Trong điều kiện nguồn điện còn khó khăn, việc các doanh nghiệp thép Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng chủ động đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng là việc làm cần thiết, nhất là vào thời tình hình như hiện nay.

Được biết, với các nước tiên tiến như Nhật Bản, điện năng tiêu thụ cho 1 tấn phôi thép thành phẩm chỉ khoảng 350-400 kWh, trong khi đó, Việt Nam phải cần đến 700 kWh. Nếu không có biện pháp cụ thể giảm chi phí sản xuất mà trước tiên là giảm chi phí năng lượng thì ngành thép Việt Nam khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

Chính vì thế, trong các lựa chọn để tăng tính cạnh tranh, đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng được cho là việc làm mang lại ích thiết thực để tăng tính cạnh tranh, bởi trong lộ trình phát triển, ngành thép Đà Nẵng nói riêng, ngành thép nước ta nói chung phải vượt qua giai đoạn cạnh tranh bằng lợi thế giá rẻ bước sang giai đoạn cạnh tranh chất lượng và hiệu quả .

baomoi.com

Công nghệ tận thu bụi thép, giữ sạch môi trường

Ngày 26/11, các chuyên gia Pháp đã giới thiệu một công nghệ để xử lý bụi thải của các lò sản xuất thép có tính khả thi cao, giải quyết được cả vấn đề môi trường và kinh tế.
Trong quá trình phát triển của một nước, công nghiệp thép là thành phần không thể thiếu. Từ chỗ năm 1975, Việt Nam mới sản xuất được 152.000 tấn thép, đến năm 2009, tổng sản lượng thép của nước ta đã lên tới 9.600.000 tấn và theo dự kiến khi nước ta trở thành một nước công nghiệp hoá (2020), sản lượng thép tính theo đầu người phải vượt quá 200 kg.

Trong số 9.600.000 tấn thép sản xuất năm vừa qua, khoảng 1/3 được sản xuất theo phương pháp hồ quang điện và công nghệ này không tránh khỏi tạo ra một lượng bụi thải rất lớn phải chôn lấp (thông thương chiếm 2% sản lượng thép thành phẩm). Ước tính, năm 2010, lượng bụi thải là 70.000 tấn và năm 2011 là 100.000 tấn.

Trong bụi, chứa 40% sắt cùng với những nguyên tố khác, chủ yếu là kẽm và chì. Như vậy đã mất đi đến 24.000 tấn sắt không thu hồi (theo thời giá lên tới 15 tỷ đôla Mỹ). Lượng hao phí ngày càng lớn khi phát triển sản xuất. Song không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, mà bụi thải rất độc hại với con người và gây ô nhiễm môi trường.

Để giải quyết vấn đề này, Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN Việt Nam) đã điều tra, tìm kiếm những đối tác trên thế giới có khả năng hoàn thiện những công nghệ mới và ngày 26/11/2010 đã cùng Công ty nghiên cứu phát triển nguồn lực tự nhiên (NDR), Công ty Hoá chất, Kim loại và Khoáng sản (CMM), Cộng hoà Pháp tổ chức Hội thảo giới thiệu “Công nghệ Oxindus: Biến chất thải thành sản phẩm có giá trị” tại Hà Nội.

Phía Pháp đã giới thiệu công nghệ Oxindus  là một công nghệ xử lý bụi thải nói trên của các cơ sở luyện thép bằng hồ quang điện gồm 2 công đoạn:

Công đoạn thứ nhất, gọi là Black line, bố trí ngay tại nơi sản xuất trong đó trộn bụi thải với chất phụ gia trước khi tái tuần hoàn vào lò hồ quang dưới dạng các bánh thép. Công đoạn này cho phép nhà máy thu hồi thêm được một lượng sắt hao hụt lớn , nâng cao hàm lượng các kim loại có giá trị và giảm hàm lượng chất ô nhiễm (các chất chứa clo và fluo, chủ yếu là giảm lượng điôxin)

Công đoạn thứ hai gồm xử lý các bánh thép thô nói trên, thu hồi từ các nhà máy, loại bỏ tiếp các tạp chất có hại để biến thành nguyên liệu có giá trị, (từ đó sản xuất ra các kim loại khác (kẽm, chì…) bằng phương pháp thuỷ luyện.

Bằng cách đó, công nghệ Oxidus đã xử lý triệt để khả năng gây ô nhiễm bụi thải, thu hồi thêm được sắt cùng với một nguyên liệu phụ cung cấp cho các nhà máy luyện kẽm.

Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và công nghệ đánh giá cao công nghệ Oxindus, cho rằng đây là công nghệ có hiệu quả, đem lại các giải pháp có tính khả thi cao về cả mặt kinh tế và môi trường trong việc phát triển ngành luyện thép ở nước ta.

Theo vea.gov.vn

Công nghệ cho phép xử lý tốt thảm họa thiên nhiên

Diễn đàn “Nhận thức về hiểm họa,” diễn ra ngày 4/7 tại thành phố Cape Town của Nam Phi thu hút sự tham gia của các chuyên gia quốc tế về hiểm họa tự nhiên, các kỹ sư và các nhà khoa học thế giới, đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc giúp con người đối phó hiệu quả với thiên tai.

Nguy cơ thảm họa tự nhiên
Nguy cơ thảm họa tự nhiên

Tại diễn đàn, các chuyên gia và các nhà khoa học đã đề xuất hàng loạt các công cụ và công nghệ mới giúp các nước phản ứng hiệu quả trước nguy cơ thảm họa tự nhiên như lũ lụt và hạn hán. Các công cụ giúp phản ứng hiệu quả trước các nguy cơ thảm họa tự nhiên hiện nay bao gồm hệ dữ liệu mở, các hệ thống cảnh báo sớm, bản đồ hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ SMS (dịch vụ thông báo nhanh) và cả mạng an toàn xã hội…. Dịch vụ SMS hiện đã được ứng dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu với hơn 3,7 tỷ người sử dụng, chiếm 74% số người thuê bao điện thoại di động toàn cầu.

Theo các chuyên gia, trong khi chưa có biện pháp để loại trừ các nguy cơ thảm họa tự nhiên, con người hiện đã có thể dự báo các nguy cơ và tránh những tác động tiêu cực của thảm họa tự nhiên. Con người cần hiểu biết tốt hơn về cách thức và thời điểm có thể bị tổn thương trước các nguy cơ thảm họa cũng như cách thức xử lý chúng hiệu quả nhất.

Trong nỗ lực dự báo tốt hơn các thảm họa tự nhiên trước khi nó xảy ra, các chuyên gia quốc tế đã chú trọng đến hệ dữ liệu mở để phân tích trên cơ sở các luận chứng, xác định các mục tiêu và địa điểm các thảm họa tự nhiên có thể tác động lớn nhất. Các nhà khoa học Hà Lan đang thử nghiệm công cụ 3Di cho phép mô phỏng các khu vực lũ lụt để tìm ra nơi lũ lụt có thể gây thiệt hại lớn nhất. Công cụ này sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao để có được các thông tin chính xác.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) đưa ra Chương trình Đối tác trợ giúp thúc đẩy giáo dục (LEAP), WFP sử dụng LEAP là công cụ hỗ trợ tính toán sản lượng lương thực trong mùa khô ở Ethiopia, nhờ đó giúp các tổ chức nhân đạo quốc tế dự báo nhu cầu của cộng đồng dân cư ở các khu vực có nguy cơ hạn hán.

Cùng với chương trình mạng an toàn xã hội của chính phủ, nông dân có thể dự báo thời tiết xấu, được bồi thường thiệt hại do thời tiết xấu và được tiếp cận các nguồn tài chính. Hạn hán tác động trực tiếp và dài hạn đến các hộ gia đình, đẩy họ vào tình cảnh cùng khổ.

Liên hợp quốc đưa ra các số liệu cho thấy thiệt hại do lũ lụt đã lên tới 33% tổng thiệt hại do các thảm họa thiên nhiên gây ra hàng năm trên toàn cầu. Lũ lụt là thảm họa tự nhiên xảy ra thường xuyên nhất và đã tác động tới 178 triệu người trong năm 2010. Xử lý tốt thảm họa này trước khi nó tác động đến cộng đồng có vai trò quan trọng làm giảm gánh nặng thiệt hại về kinh tế và xã hội của mọi quốc gia.

(Nguồn: TTXVN)

Kinh tế xanh và con đường phát triển của Việt Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và sau đó là Kết luận Hội nghị TƯ3 (khoá XI) đã xác định nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Con đường phát triển kinh tế bền vững mà cộng đồng quốc tế đang thừa nhận hiện nay là kinh tế xanh, hay gọi cách khác là tăng trưởng xanh.

 

Nên đầu tư vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của VN
Nên đầu tư vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của VN
Kinh tế xanh là nội dung quan trọng hướng tới trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế VN theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là cách thức tiếp cận, lộ trình, phương pháp tiếp cận và việc chuẩn bị nguồn lực như thế nào để chúng ta có thể phát huy hết những yếu tố thuận lợi và khắc phục khó khăn, thực hiện đúng theo định hướng đã xác định.

Phát triển bền vững

Việc tiếp cận nền kinh tế xanh phải được xem xét trong tổng thể của các góc độ kinh tế, quản lý môi trường và xã hội. Bài nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trường Đảng cao cấp Nico Lopez – Cu Ba ngày 9/4/2012 trong khuôn khổ chuyến thăm Cu Ba đã nêu bật một số tư tưởng quan trọng tạo tiền đề nghiên cứu lý luận về việc phát triển kinh tế xanh ở VN: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội… Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau… Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để đảm bảo với môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.

Thứ nhất, dưới góc độ kinh tế, quan điểm về kinh tế xanh của VN nói một cách khái quát là một phương thức thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững dựa trên những yếu tố bền vững. Quá trình này phải diễn ra hài hòa và hợp lý phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh VN, nghĩa là phải điều chỉnh dần dần; để nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện môi trường hơn, giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững (như tài nguyên hữu hạn) và tăng dần các yếu tố bền vững (dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống, con người…) để phát triển. Hay nói cách khác, là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp khu vực “kinh tế nâu”, mở rộng khu vực “kinh tế xanh” trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và các lợi thế so sánh.

Thứ hai, dưới góc độ quản lý môi trường, tăng trưởng kinh tế theo mô hình kinh tế xanh phải đảm bảo sự cân bằng giữa yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh với đòi hỏi tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nhất là trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH, thông qua quá trình: Tập trung phát triển và đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, cacbon thấp. Xây dựng và thực hiện lộ trình hạn chế sử dụng năng lượng hoá thạch. Tăng cường quản lý nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ ba, dưới góc độ xã hội, phát triển kinh tế xanh là quá trình gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là tiêu chí trước sau như một vì nền kinh tế VN là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. VN đang thực hiện quá trình vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, triển khai chương tình xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội… Ở mức độ cao hơn khi tiếp cận sang một nền kinh tế xanh đồng nghĩa với việc chúng ta phải thực hiện xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Bằng nguồn lực con người

Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi VN phải thực hiện tổng hoà các nhóm giải pháp như tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng sạch… Phạm vi bài viết này đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp về nguồn lực. Điều đó đòi hỏi phải huy động, tập trung và đầu tư nguồn lực và cơ chế tài chính một cách phù hợp:

Đây là giải pháp quan trọng nhất vì bối cảnh hiện nay và dự báo trong thời gian tới nền kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, phức tạp khó lường sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố của lực lượng sản xuất, đặc biệt là vốn. Phải biết kết hợp hài hoà giữa việc thu hút nguồn lực và chuyển đổi cơ cấu đầu vào theo hướng giảm dần tỉ trọng đóng góp của yếu tố vốn vật chất, sau đó là lao động và gia tăng dần vai trò của yếu tố năng suất tổng hợp trên cơ sở phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Đồng thời, việc phân bổ nguồn lực tăng trưởng phải theo các tín hiệu và nguyên tắc của thị trường.

Hơn nữa, cách thức đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế xanh cũng phải bắt nguồn từ nguồn tài chính công làm đòn bẩy. Từ đó tạo sức lan tỏa dẫn dắt các nguồn vốn tư nhân sẽ chiếm vai trò chính trong giai đoạn sau. Thí điểm áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, đột phá cho một số khu vực, địa phương có tiềm năng và cơ hội đáp ứng các yêu cầu cho phát triển xanh, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm về chính sách và tạo nguồn lực, động lực để áp dụng trên phạm vi rộng.

Chúng ta cũng nên đầu tư vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của VN, trong đó chú ý nghiên cứu phát triển công nghiệp văn hóa – đây là điển hình một ngành kinh tế xanh mà Hàn Quốc và Trung Quốc đang tập trung xây dựng. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao hướng đến xây dựng nền kinh tế tri thức. Phát triển đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực quản lý giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước… 

VN cần tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế cho các khu vực kinh tế xanh. Đồng thời, chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi tối đa để khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển các lĩnh vực của kinh tế xanh. Bên cạnh đó, nên lồng ghép việc huy động nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển xanh trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, khu vực và từng địa phương. Tăng cường quản lý nhà nước, khai thác có hiệu quả, đúng mục đích, tránh tiêu cực, thất thoát chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu… Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước. Ưu đãi về chính sách để phát triển hoạt động tài chính, tín dụng liên quan đến bảo vệ môi trường, kể cả đối với việc phát triển khoa học công nghệ thân thiện với môi trường.
 
Hướng tới bền vững

Ý tưởng về “kinh tế xanh” được Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) khởi xướng năm 2008. Nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế đã tập trung thảo luận về chủ đề kinh tế xanh, như gần đây được nhấn mạnh tại Hội nghị về phát triển bền vững 2012 (Rio+20) tại Brazil. Nhận thức về khái niệm “kinh tế xanh” cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều cách hiểu và cách gọi khác nhau. Nhưng dù với tên gọi nào thì tựu trung các quan điểm, nhận thức thống nhất là: Kinh tế xanh cùng với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là ba trụ cột của phát triển bền vững và đây là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đây là nền kinh tế thân thiện với môi trường, dựa vào năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu; là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, hao tổn ít nhiên liệu, đổi mới công nghệ, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái; hướng đến mục đích là tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển công bằng. Nhìn chung, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh có hai con đường chính: Các nước phát triển có điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ thì có thể chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thông qua đầu tư, phát triển những lĩnh vực mới trong nền kinh tế có thể giúp phát triển xã hội, môi trường bền vững; trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển phải tốn nhiều chi phí và thời gian hơn bằng cách điều chỉnh dần dần để nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện môi trường hơn.

Hiện nhiều nước đang đi tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế xanh (như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…); với các biện pháp chính là: Tăng đầu tư và chi tiêu trong các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh: năng lượng, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, xử lý chất thải…. Nâng cao nhận thức về các thách thức của nền kinh tế truyền thống cũng như cơ hội, thuận lợi của nền kinh tế xanh và sự phát triển bền vững; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước và đầu tư đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động phục vụ nền kinh tế xanh. Mở rộng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Giảm chi tiêu Chính phủ vào các lĩnh vực sử dụng nguồn lực tự nhiên không thể tái tạo. Phát triển mạng lưới các tổ chức, cơ quan giúp quản lý việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; đồng thời thiết lập hệ thống quy định pháp luật và chính sách giúp thúc đẩy kinh tế xanh. Sử dụng công cụ thuế, phí để giảm thiểu tác động tiêu cực về môi trường (áp dụng cơ chế mua bán phát thải khí nhà kính; áp thuế, phí đối với việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả, thuế sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông…; đưa các ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và cuộc sống vào để tính toán giá cả, chi phí hàng hoá, dịch vụ, từ đó tạo điều kiện để thị trường hóa và từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá, dịch vụ thân thiện môi trường). Tăng cường hợp tác quốc tế…

PGS TS Phạm Minh Chính
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

(Nguồn: DDDN)