Kinh tế xanh và con đường phát triển của Việt Nam

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và sau đó là Kết luận Hội nghị TƯ3 (khoá XI) đã xác định nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Con đường phát triển kinh tế bền vững mà cộng đồng quốc tế đang thừa nhận hiện nay là kinh tế xanh, hay gọi cách khác là tăng trưởng xanh.

 

Nên đầu tư vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của VN
Nên đầu tư vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của VN
Kinh tế xanh là nội dung quan trọng hướng tới trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế VN theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Vấn đề đặt ra là cách thức tiếp cận, lộ trình, phương pháp tiếp cận và việc chuẩn bị nguồn lực như thế nào để chúng ta có thể phát huy hết những yếu tố thuận lợi và khắc phục khó khăn, thực hiện đúng theo định hướng đã xác định.

Phát triển bền vững

Việc tiếp cận nền kinh tế xanh phải được xem xét trong tổng thể của các góc độ kinh tế, quản lý môi trường và xã hội. Bài nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Trường Đảng cao cấp Nico Lopez – Cu Ba ngày 9/4/2012 trong khuôn khổ chuyến thăm Cu Ba đã nêu bật một số tư tưởng quan trọng tạo tiền đề nghiên cứu lý luận về việc phát triển kinh tế xanh ở VN: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thật sự vì con người… Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội… Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau… Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để đảm bảo với môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”.

Thứ nhất, dưới góc độ kinh tế, quan điểm về kinh tế xanh của VN nói một cách khái quát là một phương thức thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững dựa trên những yếu tố bền vững. Quá trình này phải diễn ra hài hòa và hợp lý phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh VN, nghĩa là phải điều chỉnh dần dần; để nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện môi trường hơn, giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững (như tài nguyên hữu hạn) và tăng dần các yếu tố bền vững (dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hóa, truyền thống, con người…) để phát triển. Hay nói cách khác, là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thu hẹp khu vực “kinh tế nâu”, mở rộng khu vực “kinh tế xanh” trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và các lợi thế so sánh.

Thứ hai, dưới góc độ quản lý môi trường, tăng trưởng kinh tế theo mô hình kinh tế xanh phải đảm bảo sự cân bằng giữa yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh với đòi hỏi tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nhất là trong quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH, thông qua quá trình: Tập trung phát triển và đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, cacbon thấp. Xây dựng và thực hiện lộ trình hạn chế sử dụng năng lượng hoá thạch. Tăng cường quản lý nhà nước trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thứ ba, dưới góc độ xã hội, phát triển kinh tế xanh là quá trình gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Đây là tiêu chí trước sau như một vì nền kinh tế VN là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. VN đang thực hiện quá trình vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, triển khai chương tình xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi xã hội… Ở mức độ cao hơn khi tiếp cận sang một nền kinh tế xanh đồng nghĩa với việc chúng ta phải thực hiện xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Bằng nguồn lực con người

Để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi VN phải thực hiện tổng hoà các nhóm giải pháp như tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng sạch… Phạm vi bài viết này đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp về nguồn lực. Điều đó đòi hỏi phải huy động, tập trung và đầu tư nguồn lực và cơ chế tài chính một cách phù hợp:

Đây là giải pháp quan trọng nhất vì bối cảnh hiện nay và dự báo trong thời gian tới nền kinh tế thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, phức tạp khó lường sẽ ảnh hưởng đến các yếu tố của lực lượng sản xuất, đặc biệt là vốn. Phải biết kết hợp hài hoà giữa việc thu hút nguồn lực và chuyển đổi cơ cấu đầu vào theo hướng giảm dần tỉ trọng đóng góp của yếu tố vốn vật chất, sau đó là lao động và gia tăng dần vai trò của yếu tố năng suất tổng hợp trên cơ sở phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Đồng thời, việc phân bổ nguồn lực tăng trưởng phải theo các tín hiệu và nguyên tắc của thị trường.

Hơn nữa, cách thức đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế xanh cũng phải bắt nguồn từ nguồn tài chính công làm đòn bẩy. Từ đó tạo sức lan tỏa dẫn dắt các nguồn vốn tư nhân sẽ chiếm vai trò chính trong giai đoạn sau. Thí điểm áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, đột phá cho một số khu vực, địa phương có tiềm năng và cơ hội đáp ứng các yêu cầu cho phát triển xanh, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm về chính sách và tạo nguồn lực, động lực để áp dụng trên phạm vi rộng.

Chúng ta cũng nên đầu tư vào các ngành kinh tế có thể phát huy lợi thế so sánh của VN, trong đó chú ý nghiên cứu phát triển công nghiệp văn hóa – đây là điển hình một ngành kinh tế xanh mà Hàn Quốc và Trung Quốc đang tập trung xây dựng. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao hướng đến xây dựng nền kinh tế tri thức. Phát triển đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực quản lý giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước… 

VN cần tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật từ cộng đồng quốc tế cho các khu vực kinh tế xanh. Đồng thời, chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi tối đa để khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển các lĩnh vực của kinh tế xanh. Bên cạnh đó, nên lồng ghép việc huy động nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển xanh trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, khu vực và từng địa phương. Tăng cường quản lý nhà nước, khai thác có hiệu quả, đúng mục đích, tránh tiêu cực, thất thoát chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu… Nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước. Ưu đãi về chính sách để phát triển hoạt động tài chính, tín dụng liên quan đến bảo vệ môi trường, kể cả đối với việc phát triển khoa học công nghệ thân thiện với môi trường.
 
Hướng tới bền vững

Ý tưởng về “kinh tế xanh” được Chương trình môi trường của LHQ (UNEP) khởi xướng năm 2008. Nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế đã tập trung thảo luận về chủ đề kinh tế xanh, như gần đây được nhấn mạnh tại Hội nghị về phát triển bền vững 2012 (Rio+20) tại Brazil. Nhận thức về khái niệm “kinh tế xanh” cho đến nay vẫn chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều cách hiểu và cách gọi khác nhau. Nhưng dù với tên gọi nào thì tựu trung các quan điểm, nhận thức thống nhất là: Kinh tế xanh cùng với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường là ba trụ cột của phát triển bền vững và đây là sự lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đây là nền kinh tế thân thiện với môi trường, dựa vào năng lượng sạch, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu; là nền kinh tế tăng trưởng theo chiều sâu, hao tổn ít nhiên liệu, đổi mới công nghệ, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái; hướng đến mục đích là tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển công bằng. Nhìn chung, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh có hai con đường chính: Các nước phát triển có điều kiện tài chính, nguồn nhân lực và công nghệ thì có thể chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thông qua đầu tư, phát triển những lĩnh vực mới trong nền kinh tế có thể giúp phát triển xã hội, môi trường bền vững; trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển phải tốn nhiều chi phí và thời gian hơn bằng cách điều chỉnh dần dần để nền kinh tế truyền thống trở nên thân thiện môi trường hơn.

Hiện nhiều nước đang đi tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế xanh (như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…); với các biện pháp chính là: Tăng đầu tư và chi tiêu trong các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh: năng lượng, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, du lịch, văn hóa, xử lý chất thải…. Nâng cao nhận thức về các thách thức của nền kinh tế truyền thống cũng như cơ hội, thuận lợi của nền kinh tế xanh và sự phát triển bền vững; đồng thời nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước và đầu tư đào tạo kỹ năng cho đội ngũ lao động phục vụ nền kinh tế xanh. Mở rộng thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Giảm chi tiêu Chính phủ vào các lĩnh vực sử dụng nguồn lực tự nhiên không thể tái tạo. Phát triển mạng lưới các tổ chức, cơ quan giúp quản lý việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh; đồng thời thiết lập hệ thống quy định pháp luật và chính sách giúp thúc đẩy kinh tế xanh. Sử dụng công cụ thuế, phí để giảm thiểu tác động tiêu cực về môi trường (áp dụng cơ chế mua bán phát thải khí nhà kính; áp thuế, phí đối với việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả, thuế sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông…; đưa các ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và cuộc sống vào để tính toán giá cả, chi phí hàng hoá, dịch vụ, từ đó tạo điều kiện để thị trường hóa và từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá, dịch vụ thân thiện môi trường). Tăng cường hợp tác quốc tế…

PGS TS Phạm Minh Chính
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh

(Nguồn: DDDN)