Phát huy nguồn vốn tự nhiên cho nền kinh tế xanh

Một trong những nguyên nhân của tình trạng nền kinh tế dễ bị tác động bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên là do trong một thời gian dài, hầu hết các chiến lược, chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế chủ yếu tập trung khuyến khích tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính, con nguời, thiếu quan tâm tới sự cạn kiệt, xuống cấp của vốn tự nhiên (VTN).

Hội thảo nguồn vốn tự nhiên cho nền kinh tế xanh
Mô hình tăng trưởng mới – tăng trưởng xanh – đang được cộng đồng quốc tế và Việt Nam hướng tới nhằm sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu rủi ro môi trường, khủng hoảng sinh thái.
Tại Hội thảo về “Nguồn vốn tự nhiên trong bối cảnh thúc đẩy nền kinh tế xanh ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận, thực tiễn và khuyến nghị chính sách” do Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT (ISPONE) và Quỹ Hỗ trợ phát triển CHLB Đức tại Việt Nam vừa tổ chức, TS. Nguyễn Văn Tài, Viện truởng ISPONE cho biết: Xu thế phát triển nền kinh tế xanh với trọng tâm là đầu tư nguồn vốn tự nhiên trên thế giới đang mở ra cơ hội cho Việt Nam có thể “đón đầu”, đi thẳng vào phát triển kinh tế xanh với cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế xanh trong giai đoạn hiện nay.
 PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho rằng: cần nhận dạng, đánh giá đầy đủ nguồn VTN để phát huy thế mạnh và hạn chế nhược điểm của từng loại. Muốn vậy cần thay đổi lại hệ thống thống kê, tính toán tài sản hiện nay đối với các tài nguyên thiên nhiên. Phải có chính sách quản lý, giám sát, điều tiết nguồn VTN  của  Nhà nước. Chúng ta đang tái cấu trúc lại nền kinh tế, đây là cơ hội để xem xét nhìn nhận lại mô hình cũ, thiết kế mô hình mới nhằm khuyến khích các ngành phát huy nguồn VTN như sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió…giảm thiểu và loại bỏ dần các ngành sử dụng quá nhiều và làm tổn hại tới VTN, thiếu tính bền vững.
Đất đai, nguồn vốn tự nhiên sẽ phát huy giá trị khi đi cùng các chính sách hợp lý. Theo PGS.TS. Vũ Thị Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, giải pháp tăng quy mô và hiệu quả sử dụng đất là hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) gắn với quy hoạch ngành, không gian và lãnh thổ; Đẩy mạnh hoạt động thị trường QSĐ trong nông thôn: Bỏ, hoặc mở rộng hạn điền và không quy định thời gian, hoặc giao đủ dài để dân yên tâm đầu tư ; Khuyến khích hình thành đội ngũ doanh nhân kinh doanh nông nghiệp; Đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn… Phát triển thị trường BĐS lành mạnh; Hoàn thiện chính sách và pháp luật giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và nguời bị thu hồi đất…
Về chính sách phúc lợi xã hội gắn với VTN, PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn, Học viện Khoa học xã hội cho rằng, cần coi VTN là yếu tố cần thiết trong đảm bảo phúc lợi xã hội khu vực nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Việc xóa đói giảm nghèo là một mục  tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong chính sách phúc lợi xã hội cần được yêu cầu gắn với đảm bảo khả năng tiếp cận, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn VTN. Đồng thời tăng cường và tạo điều kiện cho mọi người dân cung cấp dịch vụ môi trường – sinh thái, nhất là dịch vụ sinh thái rừng như bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, sông , suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng và phát triển rừng bền vững. Bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng…
Phát triển kinh tế xanh trước hết cần ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững, thay đổi mô hình sản xuất công nghiệp, dịch vụ và tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sinh khối, năng lượng thay thế, đẩy mạnh chi trả dịch vụ môi trường rừng để tạo thêm nguồn thu cho người dân sống phụ thuộc vào rừng. Bên cạnh đó, cần sớm điều chỉnh và xây dựng hệ thống luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế theo xu hướng phát triển kinh tế xanh làm cơ sở cho việc đưa ra các chính sách quản lý phát triển kinh tế phù hợp ở các cấp, các ngành.