Hiệu quả thực hành sản xuất sạch hơn tại nhà máy

 

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ An Giang) vừa thực hiện thành công dự án “Tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn thực hành sản xuất sạch hơn (SXSH) tại nhà máy”. Tổng kinh phí thực hiện hơn 108 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ hỗ trợ 63,14 triệu đồng.

Dự án do Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Trương Kiến Thọ làm chủ nhiệm, Thạc sĩ Vũ Bá Minh-Trường đại học Bách khoa TP.HCM phối hợp thực hiện. Có 3 nhà máy đông lạnh thủy sản tham gia thực hiện thử nghiệm đánh giá sản xuất sạch hơn (SXSH) là: Việt An, An Xuyên (TP.Long Xuyên), Thuận An 3 (Châu Thành). Mục tiêu dự án nhằm phổ biến kiến thức và thực hiện SXSH, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; áp dụng đánh giá SXSH cho 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với mức tiết kiệm trên 10% chi phí năng lượng, nước…

Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Trương Kiến Thọ cho biết, trung tâm đã tổ chức được 2 lớp tập huấn cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành thiết bị nhằm nâng cao nhận thức về phát triển công nghiệp và sử dụng tài nguyên, chi phí cho dòng thải và lãng phí trong sản xuất, thực hiện SXSH, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Qua tập huấn, đã triển khai thực hành SXSH tại 2 nhà máy chế biến thủy sản, hướng dẫn nhà máy xây dựng các báo cáo đánh giá SXSH.
Qua đó đề xuất các giải pháp giảm tiêu hao tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Tại Nhà máy đông lạnh thủy sản Việt An, công ty có 2 phân xưởng chế biến thủy sản đông lạnh: Việt Thắng và An Thịnh, 1 bộ phận phụ trợ là 2 khu xử lý nước thải. Nhà máy sử dụng lượng điện 21 triệu kWh/năm, nước 200 ngàn m3/năm, tiêu thụ 99 ngàn lít dầu DO/năm (năm 2010). Có 33 giải pháp SXSH được nhận dạng, trong đó có 10 giải pháp tiết kiệm năng lượng. Qua đó cho thấy, tiềm năng giúp nhà máy tiết kiệm khoảng 100m3 nước/tháng, 25 ngàn kWh điện/tháng. Tại Nhà máy Thuận An 3 có phân xưởng chế biến thủy sản đông lạnh, phân xưởng chế biến phụ phẩm và phân xưởng chế biến thực phẩm, 2 bộ phận phụ trợ là nồi hơi và khu xử lý nước thải. Lượng điện nhà máy sử dụng trên 4,7 triệu kWh, 123 ngàn m3 nước (năm 2010). Có 46 giải pháp SXSH được nhận dạng, trong đó có 11 giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiềm năng tiết kiệm từ 70-90m3 nước/tháng và 15 ngàn kwh điện/tháng.

 

Hiện nay, một số giải pháp SXSH ít chi phí đã được nhà máy thực hiện đem lại hiệu quả cao, như: Lắp đặt đồng hồ điện, nước tại các đầu vào; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công nhân về ý thức rò rỉ, lãng phí; sử dụng đèn chiếu sáng; dùng vòi rửa có đường kính nhỏ, dùng bơm cao áp và nước nóng xịt rửa vệ sinh, tách nước thải ô nhiễm. Song song đó, ban giám đốc các nhà máy dự kiến từ năm 2013 sẽ đầu tư thực hiện các giải pháp: Lắp đặt biến tần cho bơm nước, quạt; sử dụng nước nóng từ năng lượng mặt trời…

 

Việc thực hiện các giải pháp SXSH vừa giúp tiết kiệm cho các nhà máy hàng trăm triệu đồng/năm vừa giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm môi trường. Dự án sau khi kết thúc còn giúp nâng cao nhận thức các doanh nghiệp trong tỉnh về SXSH. Trên cơ sở các giải pháp SXSH, các doanh nghiệp tiến hành đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ với sự hỗ trợ Sở Khoa học và Công nghệ, thúc đẩy hoạt động SXSH, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh. Dự án còn mang ý nghĩa xã hội và lợi ích môi trường, tạo hình ảnh nhà máy thân thiện môi trường, góp phần giảm phụ tải điện lưới, giảm sử dụng tài nguyên nước, điện, dầu, góp phần giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

 

Những Bài Liên Quan:  Quy Dau Tu – San Xuat Sach – Moi Truong Xanh – Vay Tien

 

Quy Dau Tu-San Xuat Sach–Moi Truong Xanh-Vay Tien