Gạch làm từ Giấy

Mới đây các nhà khoa học tại ĐH Jaen của Tây Ban Nha đã nảy sinh ý tưởng biến giấy thải thành những viên gạch dùng trong xây dựng.

Để tạo ra sản phẩm đặc biệt hữu dụng này, đầu tiên các nhà nghiên cứu phải tập hợp chất thải cellulose và một loại bùn còn sót lại sau quá trình sản xuất giấy tại các nhà máy. Những chất này sẽ được trộn với đất sét sau đó nén lại thành thanh dài hình chữ nhật. Chúng sẽ được cắt thành các viên gạch và nung lên.

Gạch giấy có đặc tính cách nhiệt tốt (Ảnh: Gizmag)
Theo các nhà khoa học, loại gạch đặc biệt này không cần nung lâu như gạch truyền thống. Nếu chúng được sản xuất đại trà và đưa vào thực tế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí năng lượng và sản xuất. Ngoài ra, nhà xây bằng loại gạch này cách nhiệt rất tốt do đặc tính dẫn nhiệt thấp của vật liệu.Tuy nhiên, sức chịu lực cơ học của gạch giấy chưa cao chính là hạn chế lớn nhất của sản phẩm. Các nhà khoa học hy vọng có thể khắc phục nhược điểm trên bằng cách thêm các chất thải từ quá trình sản xuất bia, dầu ô liu hoặc dầu diesel…

Songxanh

Sáng chế máy gặt từ phế liệu

Những phế liệu được ông Trương Minh Hải lắp ghép một cách khoa học thành chiếc máy gặt lúa đời mới “có một không hai”.

Ông Trương Minh Hải sinh năm 1958, trong một gia đình làm nông tại xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tham gia làm công nhân thủy lợi một thời gian thì đến năm 1971, ông chuyển về làm ở xưởng xẻ cưa. Ngay từ những ngày ấy ông đã biến chiếc cưa thông thường, hiệu quả thấp thành máy tời cưa CD chỉ cần một người điều khiển.


Từ đống phế liệu ông đã chế tạo ra chiếc máy gặt lúa mới lạ

Đến năm 1991 ông về hưu nhưng sự đam mê kỹ thuật vẫn thôi thúc ông theo đuổi nghiệp cơ khí. Từ sau khi nhận sổ hưu, ông dồn toàn số tiền có được mở một xưởng sửa chữa xe máy ở ngõ số 9, đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh. Trong quá trình sửa chữa xe máy ông đã thu được cho mình những bộ phận hỏng của xe. Vào tháng 2/2010, tình cờ trong một lần có người nhờ sửa hộ máy gặt do nhà máy Bông Lúa ở Sài Gòn sản xuất bị hỏng, ông đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thuật chiếc máy. Đêm đó trong đầu ông đã nảy sinh ý tưởng: “Tại sao mình không tự chế ra một chiếc máy cải biến nhược điểm của chiếc máy hiện tại”. Xuất thân từ nông dân, lớn lên từ đồng ruộng nên ông nhận thấy trên cả nước nói chung cũng như Hà Tĩnh nói riêng chưa có loại máy gì hỗ trợ hiệu quả cho người nông dân. Nghĩ là làm, không lâu sau đó ông đã bắt tay vào việc thu thập những phế liệu có trong nhà mình và đi mua thêm ở những cửa hàng sắt vụn của xe Honda như: động cơ, hộp số, xích…
Đầu năm 2011, sau nhiều lần suy nghĩ ông đã quyết định sản xuất máy gặt sử dụng động cơ xe máy cũ. Ban ngày ông sửa xe máy, ban đêm ông tranh thủ gia công sản xuất máy gặt. Khoảng 3 tháng sau ông đã hoàn thành các chi tiết và có có một chiếc máy hoàn chỉnh. Máy đã hoàn thiện nhưng không ai dám cho ông chạy thử vì họ sợ hỏng lúa. Giữa lúc đó có người bạn cùng quê ở Thạch Môn đã đồng ý cho ông chạy thử chiếc máy của mình. Lúc đầu, do trục trặc kỹ thuật máy không hoạt động được nhưng sau khi sửa xong, chiếc máy đã gặt được một mẫu chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ trước sự ngỡ ngàng của nhiều người chứng kiến. So với máy Bông Sen, máy của ông năng suất gấp đôi, thời gian được rút ngắn từ 10 – 15 phút /sào, và chỉ tiêu hao 4 – 5 ngàn đồng tiền xăng. Đây là một kết quả ngoài sự mong đợi mà chính ông cũng không hề nghĩ tới.

Không ngừng sáng tạo

Khi gặt xong trải lúa ra thành hàng bà con lại phải dồn lúa lại bó tốn rất nhiều thời gian. Thấy vậy, ông lại tiếp tục nghiên cứu máy gặt thứ 2. Loại máy này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, nguyên liệu chủ yếu cũng từ phế liệu. Ông đã chế tạo thêm bộ phận mà khi máy gặt được khoảng từ 2 đến 3m thì tự gom lúa lại một lần. Người dân chỉ việc đi bó lại chứ không cần dồn như chiếc máy trước. Thành công đó đã được bà con ở xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên công nhận. Sáng chế của ông đã thành công phần nào nhưng ông vẫn trăn trở mới, đó là sau vụ mùa lúa máy lại nằm im. Từ đó ông nảy sinh ý tưởng đầu tư chế tạo thêm bộ để gieo hạt tự động. “Nghe có vẻ phi lý nhưng tôi đã làm được điều đó. Sau khi gieo thử, hạt lúa mầm đã được gieo thẳng hàng nhưng độ đều và độ găm sâu chưa đạt”, ông Hải nói. Đây là ý tưởng mới đang được ông thử nghiệm và cải tiến giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức.

 Theo Songxanh

Cách làm ống heo tiết kiệm từ chai nước

Để thực hiện, mẹ cần có:


– 5 chai nhựa như hình
– Và không thể nào thiếu: kéo, dao trổ, keo và màu acrylic
tip với keo nến : các bạn có thể dùng lửa hơ nóng để dùng keo khỏi cần súng bắn ( 1 cây keo có giá là 3-5k bán ở hàng điện tử )

Bước 1:
Cắt và dùng keo dính từng chai nhỏ (phần chân) vào chai to (phần thân) như hình bên.
Bước 2: 
cách làm ống heo tiết kiệmkiệm

– Sau đó gắn thêm 2 chiếc tai cho heo bằng keo.
Bước 3:
cách làm ống heo tiết kiệmkiệm

– Tiếp đến là tô thêm mắt, mũi cho heo nhé!
Bước 4:
cách làm ống heo tiết kiệmkiệm

– Cuối cùng, dùng dao trổ rạch một khe nhỏ trên thân heo để bé có thể nhét tiền vào.
Heo hồng tiết kiệm đã hoàn thành rồi.
cách làm ống heo tiết kiệm

Chúc các bạn vui vẻ

Theo Songxanh 

Lạ lùng bồn cầu không cần… nước

Bằng cách làm bay hơi hoặc tự ủ các loại chất thải để làm phân bón hữu cơ, những chiếc bồn cầu không dùng nước độc đáo ở Canada đã tiết kiệm được rất nhiều nước xả và tốt cho môi trường.


Theo khảo sát của cơ quan địa chất Mỹ, mỗi lần xả nước ở bồn cầu tốn trung bình từ 6-15 lít nước. Như vậy, tính ra có hàng chục ngàn lít nước được sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt của mỗi người trong một năm. Đây là một sự lãng phí lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên nước đang ngày càng khan hiếm và cạn kiệt.

Một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh ở Canada (Sun Mar) hi vọng có thể thay đổi thực tế này bằng cách giới thiệu sản phẩm bồn cầu mới, không cần dùng nước và không dùng đường ống. Nhờ tính năng đơn giản và tiện lợi mà nhà vệ sinh này có thể được lắp đặt ở bất cứ đâu.

Đặc biệt hơn, bồn cầu này có thể tự ủ các loại chất thải để làm thành phân bón hữu cơ, sử dụng cho trồng trọt.

Giải thích về công năng của chiếc bồn cầu lạ lùng này, ông Fraser Sneddon, công ty thiết bị vệ sinh Sun-Mar, cho biết: “Các loại bồn cầu truyền thống chỉ đóng vai trò như phương tiện vận chuyển. Chúng ngốn rất nhiều nước để có thể đưa chất thải ra khỏi nhà vệ sinh mà lại không có khả năng xử lý chất thải đó. Với thiết bị này, những chất thải đó sẽ không bị lãng phí. Thiết bị này hiệu quả hơn rất nhiều, bạn không cần phải lắp đặt đường ống nước”.

Được biết, hệ thống này hoạt động bằng cách làm bay hơi chất thải lỏng và ủ chất thải rắn. Chất thải rắn là các chất hữu cơ và có thể tự phân hủy. Nhưng hệ thống bồn cầu này sẽ đẩy nhanh tốc độ của quá trình phân hủy lên 100 lần, và tạo ra phân ủ có thể sử dụng trong từ 2-3 tuần. Quá trình này cũng được đẩy nhanh tiến độ bằng cách thêm vào 1 số hỗn hợp vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn ưa khí.

Có thể bạn đang nghĩ, nhà vệ sinh kiểu này chắc hẳn sẽ gây ra những mùi khó chịu? Tin vui là theo kinh nghiệm của những người đã từng sử dụng, hầu như chưa bao giờ họ thấy bất kì mùi hôi nào từ nhà vệ sinh này.

Theo đơn vị sản xuất, sở dĩ có được điều đó là nhờ công nghệ mới có khả năng thông gió tốt và có thể xử lý mùi do các sản phẩm phụ của quá trình phân hủy tạo ra.

Hiện nay sản phẩm này có giá từ 1500-2000 USD.

Việc sử dụng rộng rãi các loại bồn cầu không sử dụng nước này được hi vọng sẽ góp phần bảo vệ hành tinh xanh hơn và giúp con người vươn tới tương lai phát triển bền vững hơn.

 Songxanh

Sử dụng CNTT xanh để hạn chế phát thải khí CO2

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo chiến lược tăng trưởng xanh và công nghệ thông tin xanh cho sự phát triển bền vững tại Việt Nam, giới thiệu về chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc và kinh nghiệm cho Việt Nam.

Hội thảo góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông xanh để hạn chế phát thải khí CO2, hướng đến mô hình công nghệ thông tin xanh (Green ICT) của ngành công nghệ thông tin.
Các đại biểu đã trình bày các hướng đi cho Green ICT, gồm lựa chọn sản phẩm công nghệ thông tin thân thiện với môi trường, kiểm tra chứng nhận về hiệu quả năng lượng, kiểm tra trang thiết bị phù hợp với khả năng xử lý, tắt nguồn điện khi không sử dụng, tạo thói quen sử dụng các thiết bị này ở chế độ nghỉ, sử dụng dịch vụ Chính phủ điện tử, vệ sinh định kỳ các thiết bị IT, tạo dựng văn phòng làm việc thông minh, tái chế các thiết bị IT còn tốt… Đây đều là những biện pháp đơn giản xây dựng mô hình Green ICT đã được ứng dụng tại Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới mang lại hiệu quả cao.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Trinh – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Chiến lược đã được xây dựng trong hơn một năm theo hai bước là xây dựng khung chiến lược và xây dựng chiến lược chi tiết.
Mục tiêu chung của chiến lược là tiến đến nền kinh tế cácbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Ba nhiệm vụ chiến lược gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Theo tiến sỹ Woo Hyun Chung – nghiên cứu viên cao cấp, Viện Môi trường Hàn Quốc, tăng trưởng xanh góp phần vào phát triển công nghệ xanh và khuyến khích công nghệ xanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm việc làm, giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hàn Quốc, tháng 4/2012 đã thành lập Hội đồng về cuộc sống xanh; tháng 7/2012 công bố Nghị định về kế hoạch buôn bán phát thải.
Theo số liệu thống kê của cơ quan xã hội thông tin quốc gia Hàn Quốc, lượng khí thải CO2 do hoạt động công nghệ thông tin và truyền thông gây ra sẽ tăng lên 15% vào năm 2025. Các tòa nhà thương mại là nguồn tiêu thụ năng lượng đơn lẻ lớn nhất thế giới, chiếm đến 20% năng lượng sử dụng hàng năm do các thiết bị bên trong nó chạy liên tục. Trong khi đó, số người sử dụng công nghệ thông tin không ngừng tăng càng làm gia tăng số rác thải điện tử trên thế giới./.
 Songxanh

Các loại xe xanh

Trên thế giới có bốn loại xe xanh gồm xe điện, xe lai, xe lai có thể cắm sạc (plug-in) và xe dùng pin nhiên liệu. Chi tiết về chúng như cách hoạt động, mức tiêu hao nhiên liệu hay cấu tạo… sẽ có trong bài Infographic này. Bên cạnh đó, còn rất nhiều những thông tin liên quan khác về xe xanh, xe điện mà có thể bạn chưa biết hoặc hiểu sai.

Songxanh

Ô tô chạy bằng sức… người

Đây là thành quả của giáo sư Charles Greenwood, người đã nghiên cứu phát triển các loại xe chạy bằng sức người từ năm 1968, nhằm loại bỏ hai thứ: khí thải của động cơ đốt trong và giảm cân cho những người quá khổ.

Lập luận rằng việc đạp xe chưa đủ, giáo sư Greenwood quyết định chèo thuyền là phương pháp tốt hơn để xả năng lượng. HumanCar Imagine PS có thể đạt vận tốc tối đa 100km/h trên địa hình bằng phẳng và 50km/h khi leo dốc.


Chiếc xe có thiết kế có 4 chỗ ngồi. Nếu cả 4 người cùng vận động, xe có thể chạy chỉ bằng sức người, nếu không sẽ có năng lượng điện hỗ trợ. Do đó, chiếc xe thuộc loại hybrid (lai). Xe cũng có thể chỉ chạy bằng điện.  Công ty HumanCar khẳng định rằng ai cũng có thể vận hành xe, kể cả người già, miễn là có thân hình không quá to béo.

Có thể thay đổi khung xe cho phù hợp với các nguồn điện khác nhau theo bước tiến của công nghệ. Cũng có thể lắp những trang bị của ô tô hiện đại như nóc, đài, hệ thống dẫn đường vệ tinh trên HumanCar Imagine PS, thậm chí cả màn hình cảm ứng hiển thị thông số vận hành của xe.

HumanCar Imagine PS sẽ được đưa vào sản xuất thực tế nếu có ít nhất 800 đơn đặt hàng. Hiện đã có hơn 100.

Songxanh

Mỹ tìm cách phát triển năng lượng xanh từ sóng

Theo trang điện tử Biên niên sử Houston của Mỹ ngày 5/8, các nhà khoa học Mỹ đang tìm cách biến năng lượng sóng biển thành nguồn năng lượng xanh mới nhất của quốc gia này.

Các kỹ sư vũ trụ Mỹ đang dùng bể nước biển nhân tạo của trường Đại học Texas A&M để thử nghiệm ý tưởng đặt các tuabin dưới mặt nước biển, qua đó nhờ năng lượng sóng làm quay các tuốcbin để tạo ra điện năng.

Ông Stefan Siegel – trưởng nhóm nghiên cứu tại trường đại học nói trên cho biết, ý tưởng trên xuất phát từ suy nghĩ rằng nếu năng lượng gió có thể tạo ra điện năng thì sóng biển cũng có thể làm được điều đó.

Ông cho biết, năng lượng sóng đại dương được nghiên cứu sau năng lượng gió hàng thập kỷ, tuy nhiên tất cả các nguồn năng lượng tồn tại trong đại dương đều rất đáng được quan tâm.

Ông Siegel nhấn mạnh: “Gió không phải lúc nào cũng có, Mặt Trời cũng vậy không phải hôm nào cũng chiếu sáng, nhưng sóng biển thì luôn tồn tại”.

Nhóm nghiên cứu của ông Siegel đang phát triển các thiết bị khai thác năng lượng sóng biển tương tự như các cánh quạt máy bay hay các thanh tuabin gió.

Theo thiết kế, thiết bị khai thác năng lượng sóng biển được đặt dưới bề mặt nước biển, sóng biển sẽ làm cho hai cánh quạt quay quanh một trục trung tâm và gắn với một thiết bị chuyển năng lượng cơ học thành điện năng phục vụ sinh hoạt.

Mô hình thiết bị khai thác năng lượng sóng biển đang được nghiên cứu có kích thước bằng 1/10 thiết bị thật, tạo ra 370w trong quá trình thử nghiệm ở bể nước biển nhân tạo và với thiết kế cải tiến, phiên bản thực sẽ sản xuất 5mw, đủ để cung cấp điện năng cho 3.000-4.000 hộ gia đình.

Dựa trên kết qủa thử nghiệm, nhóm nghiên cứu trên có kế hoạch thiết kế cải tiến với mô hình lớn hơn và hy vọng thử nghiệm tại vùng biển Houston vào năm 2014.

Songxanh

Pin nhiên liệu làm sạch nước và tạo ra điện

Yanbiao Liu và các đồng nghiệp của ông thuộc trường Đại học Jiao Tong, Thượng Hải (Trung Quốc) đã thành công trong việc thiết kế và chế tạo một thiết bị có khả năng vừa làm sạch nước thải, vừa sản xuất điện từ.

Việc sử dụng ánh sáng như là một nguồn năng lượng, nhóm nghiên cứu đã tạo ra hình ảnh một tấm pin nhiên liệu xúc tác, sử dụng ống nano titanium dioxide với 2 cực anode (cực +) và cathone (cực -).
Năng lượng ánh sáng phân hủy các chất hữu cơ trong nước thải. Sau đó, nó sẽ đi qua cực âm và chuyển đổi thành điện. Nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả này trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ của Mỹ.

Ông Liu lưu ý trong bản báo cáo rằng, nước thải thường gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nó cũng là một nguồn nguyên liệu có thể xử lý và sử dụng để tạo ra năng lượng. Mỗi ngày, con người chúng ta thải ra môi trường hàng triệu tấn rác thải. Với sự tiến bộ của khoa học hiện nay, chúng ta nên tận dụng những nguồn nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có đó.

Ngoài các chất hữu cơ, nước thải còn có chứa những thành phần khác cần phải được loại bỏ trước khi tái sử dụng cho các mục đích khác.Trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng của pin nhiên liệu trong việc phân biệt chất thơm (nước hoa), thuốc nhuộm azo, dược phẩm hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Kết quả cho thấy, nó hoàn toàn có khả năng tách các hợp chất hữu cơ để sản xuất nước sạch.

Để hệ thống này có thể tận dụng được nguồn ánh sáng Mặt Trời, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều chỉnh điện cực với các chất bán dẫn (chẳng hạn như CdS). Điều này có nghĩa là khi đưa vào quá trình sản xuất đại trà, hệ thống xử lý nước thải này có thể được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu vẫn chưa ước tính được chi phí để mua sắm những trang thiết bị cần thiết, xây dựng một khu công nghiệp xử lý nước thải mới.

Tuy nhiên, đến nay, thật dễ dàng nhìn thấy những lợi ích mà nghiên cứu này đem lại trong tương lai. Ngoài việc làm sạch nước thải từ các song suối, ao hồ, người dân ở những khu vực này cũng sẽ được hưởng lợi, có thể sử dụng nguồn điện thu được trong quá trình này.

Songxanh

Công nghệ biến không khí thành xăng

Một công ty tại Anh tìm ra công nghệ đột phá để sản xuất xăng từ hơi nước và carbon dioxide (CO2) trong không khí.


Xăng mà Air Fuel Synthesis sản xuất từ hơi nước và khí CO2 có màu và mùi như xăng thường, song tạo ra ít khí thải độc hại hơn. Ảnh: Telegraph.

Air Fuel Synthesis – một công ty nhỏ tại thành phố Stockton-on-Tees, Anh – thông báo họ đã chế tạo thành công hệ thống sản xuất xăng từ khí CO2 và hơi nước. Sau khi khởi động hệ thống, công ty đã sản xuất 5 lít xăng từ tháng 8 tới nay. Ban lãnh đạo công ty muốn xây dựng một nhà máy quy mô lớn để sản xuất một tấn xăng mỗi ngày, The Independent đưa tin.
“Chúng tôi lấy khí CO2 từ không khí và khí hydro từ nước rồi biến chúng thành xăng”, Peter Harrison, giám đốc điều hành công ty, cho biết.
Harrison khẳng định Air Fuel Synthesis sẽ trở thành doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới sản xuất xăng từ không khí. Theo ông, loại xăng mới có màu sắc và mùi giống hệt xăng bình thường, song nó không tạo ra nhiều khí thải độc hại như xăng mà người ta sản xuất từ dầu thô.
“Những động cơ đang sử dụng xăng hiện nay đều có thể dùng xăng của chúng tôi”, Harrison khẳng định.
Nhiều người tỏ ra hoài nghi thông báo của Air Fuel Synthesis, bởi họ nghĩ biến nước và CO2 thành xăng là điều không tưởng. Tuy nhiên, ông Tim Fox, trưởng bộ phận Năng lượng và Môi trường của Viện Kỹ sư cơ khí tại thành phố London, xác nhận rằng ông đã thấy công nghệ của Air Fuel Synthesis.
“Họ đã lắp đặt xong hệ thống máy móc và tôi đã thấy nó. Hơi nước và CO2 biến thành xăng theo một quy trình. Hệ thống máy móc hút hơi nước và CO2 từ không khí xung quanh rồi biến chúng thành xăng”, Fox phát biểu.
Mặc dù Air Fuel Synthesis đang thử nghiệm công nghệ, ban lãnh đạo công ty tin rằng họ có thể dùng các dạng năng lượng tái sinh để cấp điện cho hệ thống.
CO2 là một trong những loại khí gây nên hiện tượng ấm lên của trái đất. Giới bảo vệ môi trường tin rằng giảm lượng CO2 trong không khí, giảm hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch ( như dầu mỏ và than đá) là giải pháp hiệu quả nhất trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Vì thế, nếu công nghệ của Air Fuel Synthesis được áp dụng trên quy mô lớn, nó sẽ giúp con người đạt cả hai mục đích: giảm nồng độ CO2 trong khí quyển và giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch.
“Nếu Air Fuel Synthesis nhận đủ số tiền tài trợ cần thiết, chúng tôi sẽ sản xuất xăng từ không khí trên quy mô công nghiệp vào năm 2014”, Harrison nói.
 Songxanh