Đổi mới công nghệ: Hỗ trợ không đủ, DN thờ ơ

Nhiều địa phương đều có nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, nguồn vốn vay từ các quỹ này không đủ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Năm 2007, TP.HCM giao Sở KH-CN TP.HCM 50 tỷ đồng để thành lập Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM. Sau bốn năm đi vào hoạt động, mới chỉ có bảy doanh nghiệp nhận được vốn vay từ Quỹ nói trên với tổng số tiền 30 tỷ đồng. So với hơn 140 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở TP.HCM thì đây quả là con số vô cùng ít ỏi!

Vốn ưu đãi không dễ vay

Giữa năm 2008, Công ty cổ phần Cơ khí và đúc kim loại Sài Gòn đã được Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM rót vốn vay bốn tỷ đồng cho dự án đầu tư dây chuyền công nghệ đúc mẫu chảy. Đây là công nghệ dùng để đúc các chi tiết cơ khí phức tạp với độ chính xác cao, công suất 600 tấn/năm. Là đơn vị đầu tiên được vay nguồn quỹ này, ông Lê Việt, Giám đốc công ty cho biết: thủ tục vay không quá khó, không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh tính khả thi của dự án cho hội đồng xét duyệt.

Nhưng không phải đơn vị nào cũng được may mắn như thế… Ông Lê Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô Thành, đơn vị đăng ký vay đầu tư vào dây chuyền sản xuất nắp nhựa chịu gas và không gas theo công nghệ dập nén, cho biết khi thẩm định dự án, thành viên thẩm định về khoa học – công nghệ ủng hộ, nhưng thành viên thẩm định về tài chính lại ít quan tâm đến hiệu quả của công nghệ, mà chỉ quan tâm đến việc thu hồi vốn.

Hiệu quả của Quỹ phát triển KH-CN đã được các doanh nghiệp chứng minh qua thực tiễn. Ông Kỳ Thiết Bảo, Giám đốc Công ty Thiết Bảo chia sẻ: đầu năm 2011, tiếp cận được nguồn vốn vay từ quỹ, công ty đã đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng cho sản phẩm do mình nghiên cứu. Sau hơn một năm mở rộng sản xuất, Thiết Bảo đã có hơn 30 dòng sản phẩm máy quấn dây với doanh thu đạt từ 5 – 6 tỷ đồng.

Theo bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ TP.HCM: Quỹ Phát triển KH-CN TP.HCM cho vay ưu đãi nhằm kích thích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ mới để nâng cao chất lượng sản phẩm. Số tiền Quỹ cho vay bằng 70% tổng vốn đầu tư cho dự án, nhưng không quá 10 tỷ đồng. Lãi suất vay chỉ bằng 50% so với lãi suất ngân hàng. Thời hạn vay bốn năm và được gia hạn thêm hai năm. Vì cho vay không thế chấp nên Quỹ đưa ra nhiều điều kiện buộc doanh nghiệp phải đáp ứng, chứng minh được hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn, chứng minh tài chính ba năm liền tăng trưởng tốt, chứng minh năng lực sản phẩm bằng hợp đồng… Một dự án vay thường phải mất sáu tháng trở lên để chỉnh sửa thủ tục, thẩm định, xét duyệt.

Hỗ trợ không đủ, doanh nghiệp thờ ơ

Tháng 8.2011, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND về triển khai Chương trình KH-CN hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn 2011 – 2015.

Theo đó, doanh nghiệp đăng ký vay vốn dùng vào việc đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm, tiết kiệm năng lượng sẽ nhận mức hỗ trợ từ 100 – 300 triệu đồng; áp dụng sản xuất sạch, xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhận mức hỗ trợ từ 100 – 300 triệu đồng; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo các tiêu chuẩn quốc tế, 30 – 100 triệu đồng; ứng dụng công nghệ thông tin với mức hỗ trợ từ 20 – 100 triệu đồng; phát triển tài sản trí tuệ với mức hỗ trợ từ 8 – 30 triệu đồng… Tuy nhiên, đến hết tháng 3.2012, vẫn chưa có doanh nghiệp nào gửi hồ sơ đăng ký xin hỗ trợ.

Trước đó, từ năm 2001, Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã có chương trình KH-CN hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tổng kết chương trình này, số doanh nghiệp tham gia để nhận sự hỗ trợ còn khá khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân là sự hỗ trợ chưa hấp dẫn doanh nghiệp khi vốn vay chỉ dừng lại ở mức 30% kinh phí của dự án đăng ký vay và không quá 100 triệu đồng.

Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai cũng có chương trình tương tự, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 2011 – 2015. Doanh nghiệp có thể tham gia nhiều đề án khác nhau từ áp dụng công cụ quản lý tiên tiến, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng website, đến nghiên cứu sản phẩm mới, chuyển giao công nghệ, tiết kiệm năng lượng… với số tiền dao động từ 1,5 – 350 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng thuộc Sở KH-CN tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nguồn vốn trên không thấm tháp gì so với các doanh nghiệp lớn, nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự hỗ trợ nói trên là rất cần thiết. Dù vậy, nó mới chỉ mang tính chất nguồn vốn “mồi” ban đầu nhằm mục đích kích thích cho doanh nghiệp đổi mới.

 

Thái Ngọc

Theo khoahoc.baodatviet.vn


 

Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp – Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp

Trong quá trình hội nhập, sự nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua các họat động chuyển giao công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Một trong những hình thức chuyển giao công nghệ hiệu quả nhất đó chính là việc kí kết các hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp.

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ thì chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp bao gồm 2 dạng đó là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Trong đó chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác còn chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Có thể nói việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, hay nói một cách khác là cấp li-xăng quyền sở hữu công nghiệp là một trong những phương pháp hữu hiệu để chủ sở hữu quyền khai thác quyền này của mình cũng như để bên nhận phát triển công việc kinh doanh của mình dựa trên những lợi thế của quyền sở hữu công nghiệp được li-xăng.

Nói đến việc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa chuyển giao đối tượng sở hữu công nghiệp với chuyển nhượng quyền thương mại, về cơ bản, 2 hoạt động này có những điểm tương đồng với nhau, đó là có chung phạm vi về đối tượng chủ yếu  là quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.  Thế nhưng, điểm khác nhau đầu tiên là, nếu như hoạt động chuyển giao quyền sử dụng hay nói cách khác là li xăng chỉ dừng lại ở việc chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp thì ở nhượng quyền thương mại, quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ là một phần của việc chuyển giao, bên cạnh đó còn là sự chuyển giao về cách thức, bí quyết tiến hành kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh… Như vậy, phạm vi đối tượng của nhượng quyền thương mại là rộng hơn rất nhiều so với hoạt động li-xăng. Nếu như trong hoạt động li-xăng, cái mà các bên nhận li-xăng hướng tới là nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích nhằm xác định hình thức, nội dung sản phẩm, thì trong hoạt động nhượng quyền thương mại, mục tiêu mà các bên hướng tới là nắm giữ và vận hành một hệ thống kinh doanh, trong đó nhãn hiệu hàng hoá, cũng như các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp chỉ là một bộ phận.

Thực tế tại Việt Nam, số lượng đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiện chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp có chiều hướng gia tăng trong một vài năm gần đây. Đối với tỉnh Lào Cai, cũng đã bắt đầu xuất hiện 1 số các doanh nghiệp thực hiện hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, Công ty TNHH Nông dược bản H’Mông Sa Pa – một doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực chính là chế biến các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên tại Sa Pa  là một trong những doanh nghiệp đó.

Bên cạnh chuyển giao quyền về nhãn hiệu như Công ty TNHH Nông dược bản H’Mông Sa Pa thì việc đầu tư vào các dây chuyền, máy móc thiết bị hiện đại  cũng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Với các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại không chỉ giúp tăng năng suất lao động mà chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao, tăng thêm tính cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, có một điểm mà các doanh nghiệp cần lưu ý tới đó là để việc chuyển giao quyền các đối tượng sở hữu công nghiệp được thực hiện một cách hợp pháp thì cần phải đăng ký hợp đồng chuyển giao các đối tượng đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo quy định của Luật thì cần lưu ý một số những hạn chế khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:

1. Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.

2. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển nhượng.

3. Quyền đối với tên thương mại chỉ được chuyển nhượng cùng với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp phải chịu những hậu quả không đáng có khi thực hiện chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp mà chưa ký kết hợp đồng chuyển giao.

Như vậy, việc chọn hình thức chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp hay chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp có lẽ hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích cũng như nhu cầu của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên mỗi hình thức sẽ đều mang đến cho doanh nghiêp những lợi ích nhất định. Hy vọng rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp hơn nữa thành công trong kinh doanh thông qua hình thức chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp./.

Cao Thị Hương – Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành

Theo laocai.gov.vn

 

BKMech một lần nữa thành công với máy công cụ điều khiển số

Công ty TNHH Cơ điện tử Bách Khoa (BKMech) vừa giới thiệu chủng loại máy phay CNC cao tốc hoàn toàn mới. Đây cũng là loại máy lần đầu tiên do Việt Nam chế tạo thành công, có kết cấu kiểu cầu trục với tốc độ quay của trục chính vô cấp và có thể đạt tới 24000 vòng/phút và tốc độ dịch chuyển lên đến 30 m/ph.

 

Máy phay CNC cao tốc của BKMech được hoàn thiện với sự hợp tác của Công ty Nhựa Hà Nội và Công ty Kim khí Thăng Long trong việc gia công chi tiết

Được biết, máy phay CNC cao tốc là kết quả của đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy phay CNC cao tốc”, được triển khai từ tháng 3/2009. So với loại máy gia công phay thông thường, máy phay cao tốc này giúp giảm hẳn thời gian gia công, trung bình tiết kiệm khoảng 20% – 40% do tốc độ cắt cao hơn. Đặc biệt, do độ chính xác, chất lượng bề mặt gia công rất cao nên sau khi gia công không cần phải đánh bóng hoặc gia công nguội. Vì thế loại máy phay này đặc biệt thích hợp cho việc gia công sản phẩm phức tạp như các chi tiết có chiều sâu lớn, sản phẩm có thành mỏng (ví dụ thành trong cánh máy bay)… bắt buộc phải được gia công với tốc độ cao. Ngoài ra, máy còn có thể gia công các vật liệu có độ cứng cao, giảm nhiệt cắt và ứng xuất tập trung. Với những ưu điểm đó, các chi tiết được sản xuất từ máy CNC cao tốc có thể đạt được độ chính xác với hàm lượng giá trị gia tăng cao mà các thiết bị CNC thông dụng và quy trình công nghệ cũ sẽ không đạt được.

Hình ảnh kết cấu máy phay CNC cao tốc

KS.Vũ Đình Minh-Giám đốc dự án Công ty BKMech, chủ nhiệm đề tài máy phay CNC cao tốc cho biết: “Sản phẩm được triển khai hơn 1 năm, nhận được sự hỗ trợ từ các chuyên gia của Tập đoàn Schaeffler (Đức) trong việc xây dựng mô hình, tính toán cơ khí và lựa chọn các thiết bị phù hợp. Tuy nhiên, ban đầu nhóm tác giả phải đương đầu với thử thách rất lớn là để đạt được tốc độ quay và tốc độ chạy dao cao đòi hỏi máy phải có kết cấu vững chãi và cần kiểm soát tốt các vấn đề điều khiển tự động”. Nhưng đến nay, BKMech hoàn toàn yên tâm vì đã sở hữu được sản phẩm máy phay CNC cao tốc có cấu hình tương đương với mẫu máy SD543 của hãng Sister (Đài Loan), anh Minh cho biết thêm.
Thành công của máy phay CNC cao tốc không những đã đánh dấu một mốc quan trọng nữa trong việc nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm về máy công cụ điều khiển số của BKMech, mà nó còn có nhiều lợi ích khác.

So với các sản phẩm cùng loại khác của nước ngoài được phân phối tại Việt Nam, máy phay CNC cao tốc có lợi thế cạnh tranh tốt. Giá chỉ bằng khoảng 50% so với nhập khẩu từ Đài Loan, hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ sau bán hàng trong nước, khách hàng sẽ được tư vấn và lựa chọn cấu hình máy phù hợp với chủng loại sản xuất, được đào tạo vận hành và tư vấn công nghệ chế tạo sử dụng máy phay CNC cao tốc để khai thác tối đa thiết bị. Với chất lượng tương đương sản phẩm của Đài Loan (sản phẩm hiện nay được các doanh nghiệp Việt Nam ưu dùng), loại máy phay này đảm bảo cung cấp các sản phẩm công nghệ cao cho ngành Cơ khí chế tạo, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước. Tiết kiệm được nhiều ngoại tệ cho Nhà nước cũng là một lợi thế lớn do hàng năm, Việt Nam phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để nhập máy công cụ và phụ tùng phụ trợ.
Một tác động không nhỏ đối với ngành giáo dục nước ta, đó là hiện tại, các trường dạy nghề đang bị hạn chế rất nhiều trong việc đào tạo chuyển giao công nghệ cho các giáo viên do phải mời chuyên gia nước ngoài (thường chỉ khoảng 3-5 ngày, tài liệu toàn bằng tiếng Anh, không có giáo trình giảng dạy chuyên dùng,… ) đã làm cho các giáo viên ngại sử dụng, với các sinh viên lại càng khó tiếp cận.

Theo BKMech.

Chợ công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2012

Nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh giao dịch mua bán công nghệ tiên tiến, xúc tiến thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN, đồng thời tăng cường trao đổi hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là các nước ASEAN + 3, EU, Nga, Mỹ, Bộ khoa học và công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Chợ công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2012 (International Techmart Vietnam 2012).

Thời gian tổ chức: từ ngày 20-23 tháng 9 năm 2012.

Địa điểm: Trung tâm triển lãm Quốc tế ICE, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội

Chợ công nghệ và thiết bị Quốc tế Việt Nam 2012  là Techmart Quốc tế đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ phục vụ triển khai các chương trình Quốc gia của Việt Nam như chương trình đổi mới công nghệ Quốc gia, chương trình phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm Quốc gia, chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ, chương trình phát triển năng lượng tái tạo,…

International Techmart Vietnam 2012 dự kiến sẽ có khoảng 600 đơn vị tham gia trong đó có 100 gian hành của nước ngoài.

Đối tượng tham gia gồm: Các tổ chức khoa học và công nghệ Việt Nam và nước ngoài (Viện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ; trường đại học, cao đẳng và học viện; doanh nghiệp khoa học và công nghệ); các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài; các tổ chức, tập thể, cá nhân có nhu cầu mua, bán công nghệ và thiết bị.

Các công nghệ và thiết bị (CN/TB) tham gia phải đáp ứng một trong những tiêu chí: CN/TB là kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, của các tập thể và cá nhân đã được kiểm nghiệm, ứng dụng thành công; CN/TB đã hoàn thiện, sẵn sàng để chuyển giao; CN/TB đảm bảo chất lượng, giá rẻ hơn so với ngoại nhập; CN/TB đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; CN/TB của nước ngoài giới thiệu tại International Techmart Vietnam 2012 phải có chất lượng cao, giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu trong nước.

Những hoạt động chính của International Techmart Vietnam 2012 đó là: Trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị, sản phẩm KH&CN tại các gian hàng; Giao dịch, thương thảo, ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ; Tư vấn về khoa học và công nghệ; Hội thảo và giao lưu; Thuyết trình, giới thiệu công nghệ, thiết bị và sản phẩm mới; trao tặng cúp vàng International Techmart Vietnam.

Các tổ chức và cá nhân có công nghệ và thiết bị  tiên tiến sẽ được các Hội đồng chuyên nghành và Hội đồng xét thưởng xem xét và khen thưởng cúp vàng Techmart Vietnam dựa trên các tiêu chí: Chất lượng và trình độ công nghệ (tính mới; tính sáng tạo; hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội; mức độ sẵn sàng chuyển giao và tiếp nhận); Số lượng hợp đồng, biên bản ghi nhớ được ký kết tại Techmart; hình thức trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị tại gian hàng.

Đây là sự kiện KH&CN quan trọng năm 2012 nhằm phát huy hội nhập Quốc tế về Khoa học công nghệ và công nghệ phục vụ phát triển nhanh và bền vững kinh tế xã hội.

 

Những Bài Liên Quan:  Quy Dau Tu – San Xuat Sach – Moi Truong Xanh – Vay Tien

 

Quy Dau Tu-San Xuat Sach–Moi Truong Xanh-Vay Tien 

NTP

GCTF hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam

Quỹ Uỷ thác tín dụng xanh do Chính phủ Thuỵ Sĩ (SECO) thành lập tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Quỹ được vận hành có sự phối hợp của cơ quan tài trợ SECO, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam và các ngân hàng ACB, TECHCOMBANK và VIB.
 GCTF-Logo
Quỹ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về bảo lãnh tín dụng (50%) và hoàn trả một phần (tới 25%) vốn vay ngân hàng để đầu tư cho công nghệ thân thiện với môi trường tuỳ theo tác động cải thiện môi trường của công nghệ đó.
Triển khai tại Việt Nam, GCTF có 4 phía tham gia là các ngân hàng thương mại Việt Nam (ACB, Techcombank, VIBank), Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), Trung tâm tham vấn tại Thuỵ Sĩ và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ. Ba ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ đánh giá DN về hiện trạng tài chính, đàm phán, thiết lập điều kiện vay (lãi suất, thời hạn vay, các điều khoản…), giải ngân và thu hồi vốn vay, khai thác khách hàng mới. Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam sẽ thẩm định dự án của DN về mặt kỹ thuật để xác định tính khả thi của dự án, tư vấn cho ngân hàng về tài chính của công nghệ sản xuất sạch hơn trong dự án và các vấn đề tác động đến môi trường, kiểm tra, đánh giá hiệu quả của dự án để xác định mức trả thưởng. Trung tâm tham vấn tại Thuỵ Sĩ sẽ tư vấn cho VNCPC về kỹ thuật đối với các dự án có giá trị tín dụng trên 100 ngàn USD. Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ  phát hành thư tín dụng, chuyển tiền cho 3 ngân hàng Việt Nam thông qua RBC (Royal Bank of Canada).

Đối tượng của Quỹ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam (vốn điều lệ < 5 triệu USD hoặc< 1000 công nhân) trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, GCTF vẫn hỗ trợ đối với các công ty lớn, đang dẫn đầu trong một lĩnh vực có nhiều DN tương tự quy mô nhỏ hơn đang hoạt động, để có thể nhân rộng mô hình cải thiện môi trường sau khi thành công.

Liên hệ:

VNCPC
Nguyễn Lê Hằng
(04) 3868 4849, ext 14
Mobile: 0912 467 692
ACB
Lê Thị Thường Chiếu
(08) 3929 0999, ext 171
Mobile: 0917 215  679
TECHCOMBANK
Nguyễn Thi Khai Phuong
(04) 3944 6368,ext  2704
Mobile: 0904 369 373
VIBank
Nguyễn Thị Khánh Hoài
(04) 6276 0068, ext 4668
Mobile: 0902 229 449
Theo báo Công thương