Bài phát biểu tuyệt vời của Thủ tướng Bhutan về Chương trình Chống biến đổi khí hậu của quốc gia nhỏ bé này

Hội nghị Công ước khung các nước về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) năm 2016 đặt ra kỳ vọng nhằm hạn chế nhiệt độ địa cầu gia tăng không quá 2 độ C. 

Các nhà khoa học khẳng định, nếu không kiểm soát thành công ngưỡng nhiệt độ này, Trái Đất sẽ rơi vào một chu kỳ thảm họa vô cùng thảm khốc và khó có thể đảo ngược. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra cái chết cho 141.000 người mỗi năm và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên tới 250.000 người tới trước năm 2050. Trong khi đó, ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, sự nóng lên toàn cầu sẽ đẩy 100 triệu người phải lâm vào tình cảnh đói khổ, thiếu lương thực, thuốc men và các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày trước năm 2030.

Trong khi vẫn các chính phủ còn mải tranh cãi và đổ lỗi cho nhau về nguyên nhân gây biến đổi khí hậu ở COP 15 (Copenhagen, 2009) thì Bhutan, là một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Hy-ma-lay-a, đã tuyên hứa duy trì phát thải cacbon ở mức 0. Cho tới COP21, họ vẫn giữ lời hứa như vậy. Hãy cùng theo dõi câu chuyện chống biến đổi khí hậu ở Bhutan, một đất nước coi Tổng Hạnh phúc quốc dân quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc nội.

tshering-tobgay1

Thủ tường Bhutan – Tshering Tobgay phát biểu tại Hội nghị TED2016 – diễn ra từ ngày 15-19/2/2016 tại Trung tâm Hội nghị Vancouver, Vancouver, Canada. (nguồn ảnh: blog.ted.com)

Theo vncpc.org

Điều phối viên Quỹ Tín dụng xanh (GCTF) trả lời phỏng vấn tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam (VET)

Bà Nguyễn Lê Hằng, đến từ Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam – Điều phối viên Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh (GCTF) trả lời phỏng vấn tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam (VET) về tăng trưởng tín dụng xanh và tương lai phát triển của mô hình này tại Việt Nam.

IMG_5107

 

  • Bà đánh giá thế nào về phát triển tăng trưởng xanh dưới dạng các chính sách và những khó khăn có thể gặp phải tại Viêt Nam?

Tín dụng xanh là một chính sách của ngành tài chính ngân hàng nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư kinh doanh có tác động tích cực tới chất lượng môi trường. Vì vậy tín dụng xanh góp phần mang tới cho xã hội những lợi ích to lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường.

Vấn đề tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm từ nhiều năm nay. Sản phẩm tín dụng xanh của các ngân hàng thường hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên này tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.

  • Mô hình tín dụng xanh hiện đang được phát triển như thế nào tại Việt Nam? Tiêu chuẩn như thế nào để một dự án có thể nhận được hỗ trợ từ GCTF? 

Trách nhiệm của ngành ngân hàng là giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết và cấp vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Do đó, nếu các ngân hàng có những yêu cầu nhất định đối với các dự án vay vốn khi thực hiện phải bảo đảm những quy định về môi trường và an sinh xã hội thì sẽ góp phần hạn chế các dự án gây ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến người dân và khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh sạch, an toàn hơn. Tuy nhiên, cho đến trước khi có Nghị định 03 thì hầu hết các ngân hàng trong nước chưa quan tâm nhiều tới tiêu chí bảo vệ môi trường khi xem xét phê duyệt các dự án nào vay vốn của doanh nghiệp.

Hiện đã có một số tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc tư nhân tài trợ phải tuân theo.

Để lựa chọn một dự án được hỗ trợ tài chính theo dòng tín dụng xanh của GCTF, có một số tiêu chí được đưa ra đối với doanh nghiệp liên quan quy mô, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp, loại dự án, chỉ số môi trường của dự án. Các doanh nghiệp cần tham khảo các lựa chọn công nghệ để có thể đề xuất một phương án phù hợp nhất với quỹ (1 chỉ số về tác động môi trường sau dự án đầu tư được đánh giá đạt giảm ít nhất 30% so với hiện tại).

  • Xin bà chia sẻ thêm về những thành quả mà GCTF đã đạt được trong quá trình hoạt động tại Việt Nam? GCTF gặp những khó khăn gì trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp không

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) thành lập ở Việt Nam nhằm hỗ trợ các DN đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường. Được thành lập vào cuối 2007, đây là một trong những hoạt động tín dụng xanh đầu tiên ở Việt Nam nhằm tới ngành sản xuất công nghiệp và một số ngành dịch vụ để đầu tư phát triển gắn liền với bảo vệ môi trường.Bên cạnh đó, GTF cũng có mong muốn quan trọng là hỗ trợ các ngân hàng thương mại thấy được sự cần thiết để phát triển một loại hình sản phẩm tín dụng mới dành cho khối doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy cũng có một số khó khăn nhất định, ví dụ: khả năng tiếp cận thông tin và chính sách (tài chính và công nghệ) của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; một số doanh nghiệp tiếp cận với Quỹ nhưng lại không được Ngân hàng phê duyệt khoản vay vì nợ xấu, v.v…

  • Theo bà, tín dụng xanh liệu có phải mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam không? Tại sao? 

Theo ý kiến cá nhân tôi thì tín dụng xanh là một công cụ để giúp tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Đặc thù của rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là vẫn vận hành nhiều công nghệ thiết bị cũ, vừa tiêu hao nhiều tài nguyên đồng thời gây phát thải tác động xấu tới môi trường. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các DN để đổi mới trang thiết bị theo hướng thân thiện với môi trường hơn chính là mức đầu tư cần thiết thường khá cao. Phần lớn các DN vừa và nhỏ ở Việt Nam thường gặp khó khăn về vốn và không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận được với nguồn cho vay tín dụng tại các NH. Khó khăn này đã làm DN giảm động lực đổi mới công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động môi trường. Khi ngân hàng triển khai dòng tín dụng xanh thì rào cản này sẽ giảm nhẹ đi rất nhiều.

  • Bà nhận xét như thế nào về các chính sách hỗ trợ tín dụng xanh? 

Để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam cần có sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý là Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng và đặc biệt cần tăng cường nhận thức cho doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quan điểm “một mũi tên trúng 2 đích” nghĩa là có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường mang lại các lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp chứ không đơn thuần là tăng gánh nặng chi phí. Do đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nhóm các chuyên gia tư vấn kỹ thuật; tăng cường năng lực xem xét thẩm định các dự án tăng trưởng xanh cho khối NH; tăng cường sự kết nối giữa 3 khối trên với sự gắn kết và thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước.

  • Bà dự đoán như thế nào về sự phát triển tín dụng xanh trong 3 năm tới đây?

Với chỉ thị 03 đã đi vào thực thi, cũng như các dự thảo chính sách, chiến lược, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững, bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững đang được xây dựng và sớm đi vào thực tiến thì Tín dụng xanh là một công cụ tài chính không thể thiếu trong giai đoạn phát triển tới đây của đất nước.

Theo Tạp chí Thời báo Kinh tế Việt Nam

GCTF Admin

 

 

Tín dụng xanh: Mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam

Với vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngân hàng đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh đang là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Hướng đi tất yếu1738273

Hưởng ứng Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2012 và Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014 của Chính phủ, đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được khuyến khích ưu tiên cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thông qua Chỉ thị 03, Thống đốc NHNN yêu cầu Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo chi nhánh NHNN tại các địa phương tham mưu cho lãnh đạo NHNN nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Riêng đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu mỗi đơn vị căn cứ trên chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như kế hoạch hành động của bộ, ngành và ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố để triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh cụ thể cho đơn vị của mình nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng.

Thực tế cho thấy, trong 4 – 5 năm trở lại đây, một số tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam như WB, IFC, ADB đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. Sau khi mở rộng phạm vi hoạt động cũng như tăng cường mạng lưới liên kết, tính đến thời điểm hiện nay đã có hàng chục ngân hàng thương mại trong nước tham gia thực hiện bộ tiêu chuẩn này. Tiêu biểu có thể kể đến các ngân hàng lớn như ACB, Sacombank, Techcombank, VietinBank, VIB… Các ngân hàng này thông qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sỹ thành lập tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai khá hiệu quả các hoạt động cho vay có bảo lãnh đối với các dự án thân thiện với môi trường. Hầu hết các dự án được xem xét cho vay vốn đều được bảo lãnh 50% và hoàn trả một phần (25%) khi hoàn công và bàn giao cho bên sử dụng.

Theo một số nghiên cứu đánh giá của Tổ chức PanNature, hiện nay đa số cán bộ tín dụng của các ngân hàng thương mại trong nước chưa thực sự quan tâm đến các rủi ro về môi trường, xã hội khi thẩm định dự án. Tuy nhiên, theo những khảo sát của GCTF, thì xu hướng mở rộng các điều kiện xem xét cho vay đối với các dự án có tính đến yếu tố tác động môi trường đang được nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện.

Ghi nhận của GCTF tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 60 doanh nghiệp tại Việt Nam gửi hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ tín dụng theo chương trình tín dụng xanh. Trong đó, 40 hồ sơ đã đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu, 30 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và 12 dự án đã được các ngân hàng thương mại giải ngân cho vay.

Bên cạnh đó, ngoài Quỹ GCTF, còn có một số quỹ tín dụng xanh khác cũng đang hoạt động khá hiệu quả như Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Quay vòng (tại thành phố Hồ Chí Minh). Tính đến cuối năm 2014, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay hơn 566 tỷ đồng với tổng số 113 dự án. Quỹ Quay vòng kiểm soát ô nhiễm công nghiệp tại các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cho vay khoảng 100 dự án với lãi suất 4%/năm.

Khi tham gia vay vốn tại các quỹ tín dụng xanh thông thường thời gian xem xét cho một dự án là 75 ngày. Các dự án đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp nếu đạt được tiêu chí về giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ quỹ theo 2 hình thức là bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay hoặc thưởng từ 15 – 25% tổng giá trị khoản vay tùy từng trường hợp.

Như vậy, mặc dù mới chỉ là những bước đi ban đầu, nhưng hoạt động cho vay có bảo lãnh thông qua các quỹ tín dụng xanh đã được các ngân hàng thương mại trong nước hưởng ứng khá tích cực. Với xu hướng ngày càng chú trọng nhiều hơn đến quản trị rủi ro đối với các khoản vay, rõ ràng Chỉ thị 03 mà NHNN vừa ban hành là một trong những động cơ kích thích các tổ chức tín dụng có những “bước đi” mạnh dạn và cụ thể hơn trong lộ trình xây dựng bộ tiêu chuẩn “ngân hàng xanh” trên phạm vi toàn hệ thống.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), với vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo bà Thanh, tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường. “Vấn đề ngân hàng xanh, tín dụng xanh đang được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, tại Việt Nam hoạt động này còn mới mẻ, các giải pháp về tài chính xanh, ngân hàng xanh còn ít và chưa được triển khai rộng rãi trong toàn ngành”, bà Thanh chia sẻ.

Thêm nhiều ưu đãi và giải pháp hỗ trợ

Một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu để giảm cường độ rác thải từ 8 – 10%/năm hoặc có thể tăng gấp đôi nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, thì từ nay đến năm 2020 sẽ cần khoảng 30 tỷ USD tiền vốn, trong đó có khoảng 30% từ ngân sách nhà nước, 70% còn lại là từ khu vực tư nhân. Ước tính hàng năm chi cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cũng chiếm trên 10% chi thường xuyên của Chính phủ. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh đề ra, vai trò của ngành ngân hàng là rất quan trọng.

Cũng theo chuyên gia trên, nếu ngân hàng chỉ đưa ra những sản phẩm như bình thường thì rất khó tăng tín dụng xanh, bởi các dự án tăng trưởng xanh không phải là dự án luôn đem lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Vậy nên, ngành ngân hàng muốn hỗ trợ tăng trưởng xanh thì cần phải có những sản phẩm khác so với các sản phẩm thông thường thì mới hỗ trợ được các doanh nghiệp tham gia tăng trưởng xanh. Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, cần phải có những hành động thiết thực hơn đối với tăng trưởng xanh như: Cho tái cấp vốn với lãi suất thấp, thực hiện các ưu đãi thuế, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng…

Ông Nguyễn Việt Đức, Phó giám đốc khối Quản lý rủi ro ABBank chia sẻ, ngân hàng đặc biệt lưu tâm tới các nội dung phát triển toàn diện và bền vững. Về cơ bản, ABBank đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Hệ thống này được tích hợp vào quy trình kinh doanh, quy trình cấp tín dụng và áp dụng đồng bộ với các quy trình quản lý rủi ro hiện hành tại ngân hàng. ABBank cũng thực hiện phân công nhân sự chuyên trách để có những báo cáo kịp thời về tiến độ và hiệu quả của việc áp dụng chính sách vào thực tiễn nhằm đảm bảo các chủ trương quản trị rủi ro môi trường và xã hội được thực hiện đúng và đầy đủ. Để tạo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng, ông Đức kiến nghị, các cơ quan quản lý tiếp tục ban hành những chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy xu hướng tăng trưởng bền vững này.

Theo Trọng Triết – nif.mof.gov.vn

GCTF tham dự Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”

Vào các ngày 6/8, 12/8 và 14/8/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng đến mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”  lần lượt tại 3 tỉnh Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng nhằm mục tiêu ra mắt dự án, cập nhật thông tin đến các cơ quan liên quan và doanh nghiệp tiềm năng tại 3 tỉnh trọng tâm, cũng như thông báo tiến độ thực hiện Dự án và các cơ chế hỗ trợ tài chính tham gia Dự án.

Là một trong những Quỹ cam kết tham gia Dự án, đại diện của GCTF sẽ tham dự Hội thảo nhằm giới thiệu cơ chế hỗ trợ tài chính của Quỹ  tới các doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư đổi mới thiết bị/công nghệ theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và đồng thời thân thiện với môi trường.

Một số thông tin về Dự án

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại  từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Mục tiêu của Dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Dự án được thực hiện trong 36 tháng với tổng kinh phí thực hiện là hơn 53 triệu USD.

Admin gctf.vn

Doanh nghiệp chưa mặn mà với phát triển xanh

Phát triển xanh và bền vững được xem là giải pháp mang lại lợi ích kép cho doanh nghiệp (DN). Theo đó, DN vừa có thể tiết kiệm nguyên nhiên liệu sản xuất, vừa thực hiện trách nhiệm với môi trường sống của cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều DN chưa thật sự quan tâm đến vấn đề này.

Thiếu chính sách hỗ trợ

Theo khảo sát của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, có đến 70% DN không nghe đến chứng nhận nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% DN không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% DN không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh; chỉ 50% DN cho biết lý do DN đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh là để bảo vệ môi trường; 23,3% DN cho biết lý do DN đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh là để tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, có 89% DN trả lời không nhận được sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh; chỉ có 26% DN cho biết họ nhận được sự ủng hộ của các nhà sản xuất, phân phối đối với sản phẩm xanh.

Lý giải về vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa, Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết, vấn đề góp phần bảo vệ môi trường, giảm tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu chưa được DN quan tâm, đặc biệt là khối DN thường. Khối DN xanh có sự chủ động và nhận thức được vai trò trách nhiệm của họ hơn là DN thường. Phần lớn DN quan tâm vấn đề kinh tế, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao rồi sau đó mới xét đến các vấn đề khác. Trong lúc DN vẫn đang phải đối mặt với việc giải quyết hàng tồn kho, tìm kiếm và mở rộng thị trường, bảo hộ thương hiệu, tiếp cận vốn vay… họ cũng phải tiếp tục lo thêm một khoản vốn đầu tư ban đầu khá cao khi thực hiện các dự án về sản xuất xanh. Thế nhưng, việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều khó khăn cho DN, và hiện chưa có nhiều ưu đãi cho DN vay vốn để phát triển xanh. Thế nên, nhiều DN chưa mặn mà với phát triển xanh cũng là điều dễ hiểu.

Đồng bộ giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa, phát triển xanh sẽ là con đường duy nhất để các DN có thể tồn tại và phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Sản xuất xanh giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển

Để một công ty phát triển xanh thì trong nội bộ công ty phải có sự đồng thuận từ lãnh đạo đến người lao động. Lãnh đạo công ty phải là người tiên phong trong định hướng phát triển xanh của công ty từ đó thay đổi cách suy nghĩ và hành động của từng cá nhân lao động trong toàn bộ công ty. Cùng với đó, công ty cũng phải chủ động đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng, thân thiện môi trường.

Đặc biệt, điều cần thiết làm ngay là Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách hiện hành sao cho đồng bộ nhất quán theo định hướng phát triển xanh, tạo điều kiện cho các DN, cộng đồng xã hội thực hiện theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Mặt khác, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về tiêu dùng xanh sẽ tạo ra động lực khuyến khích và nguồn cung cho nhu cầu “tiêu dùng xanh trên thị trường”. Đồng thời cần đưa ra các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất các sản phẩm, dịch vụ xanh. Phát triển những ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch hơn, hướng đến các sản phẩm cho tiêu dùng xanh. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, ưu tiên các chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghệ xanh, cơ chế phát triển sạch.

Đồng thời người tiêu dùng cũng phải thể hiện được trách nhiệm tiêu dùng của mình, người tiêu dùng phải là những người tiêu dùng thông thái, thông minh hướng tới việc mua sắm xanh. Mua sắm xanh sẽ mang lại những lợi ích như nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người dân và cộng đồng; phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; tiết kiệm chi phí mua sắm và sử dụng.

Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển xanh đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều nước trên thế giới. Việc DN hòa nhập xu hướng này sẽ giúp tăng uy tín thương hiệu, đồng thời xóa bỏ rào cản kỹ thuật môi trường khi bước chân vào thị trường thế giới. Không chỉ vậy, DN đổi mới xanh còn có cơ hội thu hút đầu tư của các tổ chức phi chính phủ, các ngân hàng và các tổ chức tài chính…

Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết DN phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ bằng những hành động đơn giản: chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện. Và quan trọng nhất là ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là đã giúp thực hiện được mục tiêu này. Bên cạnh đó, để tiến tới xây dựng một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có những thay đổi trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường. Cùng với toàn xã hội, nhận thức và sự đồng hành của các DN trong các hoạt động về bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Khai mạc Enertec Expo 2015 lần thứ 5 về tiết kiệm năng lượng

Sáng ngày 22-7, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Tân Bình, TP HCM đã diễn ra Hội chợ Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 Công nghệ sản phẩm Tiết kiệm năng lượng & Năng lượng xanh (Enertec Expo 2015) và Triển lãm Quốc tế lần thứ 8 về Công nghệ & Thiết bị Điện (Vietnam ETE 2015). 

Hội chợ được thực hiện dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Công Thương, UBND TP. Hồ Chí Minh và các Bộ ngành hữu quan. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì.

Hội chợ triển lãm diễn sẽ kéo dài đến hết ngày 25/7 với quy mô 250 gian hàng, quy tụ những công nghệ, thiết bị tiến tiến về năng lượng và thiết bị điện của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và 25 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Pháp, Đức, Thụy Sỹ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ…

Hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá các  sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị điện công nghệ cao, giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng xanh, sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo…Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác, thu hút đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra các hội thảo chuyên ngành do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức với các chủ đề như: “Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất xanh để bảo vệ môi trường ” và “Giải pháp và công nghệ năng lượng hiệu quả cho các tòa nhà”. Tại hội chợ cũng sẽ diễn ra lễ trao giải cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng cho Cuộc sống Xanh” phối hợp Thành Đoàn TP. HCM thực hiện.

Theo Mai Lan – tietkiemnangluong.com.vn

Các dự án tiết kiệm năng lượng tốt có thể được vay vốn lãi suất thấp

Các dự án tiết kiệm năng lượng tốt có thể vay vốn lãi suất thấp

PV: BIDV sẽ xem xét các đề án vay vốn theo Chương trình Hỗ trợ đầu tư Xanh như thế nào, khi họ đồng thời là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN), một trong những đối tượng Chính phủ ưu tiên vay vốn?

Ông Lê Ngọc Lâm: Ở đây không có gì là trùng lắp. Vay vốn theo cơ chế hỗ trợ của Chính phủ hay vay vốn thương mại về bản chất vẫn là một khoản vay của DN. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, các ngân hàng đang áp dụng lãi suất ưu đãi đối với DN hơn khách hàng bình thường.

Tham gia Chương trình Hỗ trợ đầu tư Xanh, DN có thể tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng (NH) được chỉ định. Điểm đặc biệt của chương trình này là cơ chế trả thưởng dựa trên mức độ tiết kiệm năng lượng hiệu quả của DN.

Các DN có giải pháp tiết kiệm năng lượng tốt sẽ được thưởng từ 10 – 30% tổng chi phí đầu tư dựa trên mức năng lượng tiết kiệm được và đấy chính là nguồn để DN sử dụng trả nợ gốc.

PV: BIDV sẽ áp dụng mức lãi suất nào cho các DN tham gia chương trình này?

Ông Lê Ngọc Lâm:Các DN có thể nhận được nguồn hỗ trợ tài chính 50% giá trị khoản vay thông qua bảo lãnh của NH cho các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng. Về phía BIDV, chúng tôi cũng triển khai cho vay theo cơ chế thương mại thông thường, mức lãi suất phụ thuộc vào từng khách hàng, từng dự án cụ thể.

Với những dự án mà BIDV thẩm định tốt sẽ được ưu đãi hơn so với lãi suất trung và dài hạn đang áp dụng hiện nay là 9 – 11%.

PV: Cho vay trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, theo ông, NH được lợi gì từ chương trình này?

Ông Lê Ngọc Lâm:Chương trình Hỗ trợ đầu tư Xanh cung cấp một gói tài chính sáng tạo gồm một bảo lãnh ngân hàng, một khoản trả thưởng dựa trên hiệu quả thực hiện làm đảm bảo cho khoản tài trợ từ các ngân hàng Việt Nam.

Tôi cho đây là cơ hội để NH Việt Nam làm quen với lợi ích kinh tế về hiệu quả năng lượng, mở thêm các cơ hội vay vốn cho DN. Một điểm nữa, việc Chính phủ Đan Mạch thông qua NH ANZ, hỗ trợ 50% khoản vay giúp DN không phải đặt toàn bộ tài sản đảm bảo 100% khoản vay, họ chỉ cần đặt 50% tài sản tương ứng cho khoản vay, tôi cho đấy là cái lợi từ chương trình này.

PV: Trong bối cảnh nợ xấu vẫn tăng, việc tham gia chương trình này là cách BIDV cũng như các NHTM đẩy rủi ro sang các đối tác phát triển?

Ông Lê Ngọc Lâm:Hoàn toàn không có việc đẩy rủi ro từ bên này sang bên kia mà là sự hợp tác hai bên cùng thắng. Ở đây, Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ cho DN nhiều hơn cho các ngân hàng, để giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng của Việt Nam.

Tất nhiên, các ngân hàng tham gia chương trình cũng có thêm động lực triển khai các dự án cho vay với DN.

PV: Cảm ơn ông!

Theo doanhnhansaigon.vn

Thông qua 3 ngân hàng thương mại, Đan Mạch hỗ trợ đầu tư xanh

Chiều ngày 25-6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Đại sứ quán Đan Mạch với 3 ngân hàng Techcombank, BIDV và SCB.

Đây là các ngân hàng cho vay tham gia vào Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh (GIF) thuộc dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại Lễ lý kết, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao. Các DNVVN với phương pháp sản xuất cũ, thiết bị lạc hậu đang tiêu thụ phần lớn năng lượng. Những DN này đang gây ra gánh nặng cho nền kinh tế, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Trong khi đó, nhiều DN chưa chú trọng đến đầu tư tiết kiệm năng lượng, hoặc có nhu cầu đầu tư nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các Ngân hàng cho vay được diễn ra sẽ tạo cơ hội cho các DNVVN nhận được các khoản hỗ trợ tài chính để đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Đại sứ Đan Mạch cũng bày tỏ hy vọng, đến năm 2016, Dự án sẽ hỗ trợ được từ 150-160 DN. Đồng thời, các DN Việt Nam sẽ học hỏi được kinh nghiệm từ các DN Đan Mạch về hiệu quả năng lượng.

Được biết, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới duy trì phát triển kinh tế trong suốt 30 năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ năng lượng không hề tăng.

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen

Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng bày tỏ sự vui mừng khi tham dự Lễ ký kết. Ông gửi lời cảm ơn đến Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ Năng lượng, Khí hậu và Tòa nhà Đan Mạch về những hỗ trợ cho Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Ông nói: “Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Đại sứ quán Đan Mạch và các ngân hàng cho vay sẽ hiện thực hóa chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh, nhằm hỗ trợ thiết thực cho các DNVVN trong đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng và tăng độ tin cậy cho an ninh năng lượng quốc gia”.

Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng

Lễ ký kết với Ngân hàng BIDV

Lễ ký kết với ngân hàng Techcombank

Lễ ký kết với ngân hàng SCB

Sau thành công của Lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch, Đại diện Tổng cục năng lượng và đại diện 3 ngân hàng đã chủ trì buổi tọa đàm giải đáp những thắc mắc.

Khi được yêu cầu đánh giá nhu cầu vay vốn của các DNVVN tại Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho biết, Đan Mạch nhìn thấy nhu cầu rất lớn từ phía các DN. Nhiều DNVVN tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc vay vốn, cũng như tiếp cận các khoản vay. Do đó, Đại sứ hy vọng sự hỗ trợ từ phía Đan Mạch sẽ mở ra cơ hội tiếp cận về tài chính dễ dàng hơn cho các DN.

Ông Amanarth Reddy, Cố vấn cao cấp của  Dự án LCEE cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 90 DN liên hệ xin hỗ trợ tài chính từ Dự án. Trong đó, 20 DN đang được hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ và 8 DN đang được xem xét cho vay vốn.

Được biết, phía dự án LCEE cũng chủ động quảng bá và tiếp cận với các DNVNN thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm năng lượng.

Đại diện các ngân hàng cho vay cũng chia sẻ, các ngân hàng nhận được nhiều lợi ích khi tham gia vào Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh. Lợi ích lớn nhất đó là sự gắn kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng, nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào hiệu quả năng lượng. Mặt khác, thông qua các hoạt động này, Ngân hàng và DN sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hiệu quả năng lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Cần nhân rộng việc phát triển đô thị sinh thái, giảm thải carbon

Việt Nam hiện có tổng số 774 đô thị. Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều phải đối diện với các vấn đề như: gia tăng dân số (khu trung tâm thành phố), ngập úng, ùn tắc giao thông, thiếu năng lượng, ô nhiễm/nguồn nước có nguy cơ nhiễm mặn.

Dự kiến, đến hết năm 2015, Việt Nam sẽ có khoảng 850 đô thị, đến năm 2025 là 1.000 đô thị và các thách thức liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn.

Những thông tin trên được nêu lên tại hội thảo “Phát triển đô thị sinh thái và ứng dụng công nghệ giảm thải Carbon”, diễn ra sáng 11/3, tại Khu đô thị Ecopark. Hội thảo do Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh (ECC – HCMC) phối hợp với Cục Phát triển Đô thị – Bộ Xây dựng tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra đánh giá, thế giới đang phải đối mặt với những rủi ro chung mang tính chất toàn cầu như: biến đổi khí hậu, hạn hán, bão lụt, động đất, cháy rừng, hiện tượng băng tan, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là việc lượng khí thải carbon toàn cầu liên tục gia tăng và đã đạt tới mức kỷ lục là 36 tỷ tấn từ năm 2013.

Xuất phát từ hiện trạng nêu trên, phát triển carbon thấp đã trở thành một ưu tiên trong các chính sách, chiến lược quan trọng của quốc gia. Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng chung sức với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tiến tới phát triển bền vững.

Trong thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được mở rộng và phát triển mạnh. Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai quốc gia đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác về cơ chế tín chỉ chung JCM”. Đây là cơ hội để các thành phố, khu đô thị tại Việt Nam tiếp cận và sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để áp dụng những công nghệ tiên tiến, ít phát thải carbon, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tại hội thảo lần này, các chuyên gia tập trung giới thiệu tổng quan về chính sách, thực tiễn phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam đồng thời giới thiệu các tiêu chuẩn đô thị sinh thái của Nhật Bản; các chương trình hỗ trợ cho phát triển thành phố sinh thái thông qua nghiên cứu khả thi theo “cơ chế tín chỉ chung”.

Ecopark là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái.

Ecopark là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái

Những chuyên gia đến từ các tổ chức và doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu những giải pháp công nghệ ứng dụng, khả năng chuyển giao công nghệ cho các khu đô thị tại Việt Nam như: công nghệ năng lượng mặt trời, công nghệ chiếu sáng đèn LED, công nghệ xử lý nước thải, hệ thống chia sẻ xe đạp thông minh đã áp dụng thành công tại Nhật Bản.

Hội thảo là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam tiếp cận các sáng kiến khoa học kỹ thuật và ứng dụng trong việc phát triển đô thị sinh thái. Ngoài việc thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, các học giả và nhà khoa học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đã đi thăm quan thực tiễn khu đô thị Ecopark và đánh giá đây là một mô hình kiểu mẫu của đô thị sinh thái.

Theo Lan Hương/Hà Nội mới

Video clip cảm động đạt 200 triệu lượt xem chỉ sau 2 ngày!

Ô nhiễm kinh khủng ngay giữa thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân

Một video phim tài liệu về vấn đề ô nhiễm môi trường của Trung Quốc đã đạt 200 triệu lượt truy cập chỉ sau 2 ngày cuối tuần và số người truy cập vẫn tiếp tục tăng. Các nhà môi trường đánh giá rằng bộ phim giúp người dân Trung Quốc mở rộng tầm mắt.

Khách du lịch phải bịt kín khẩu trang và đeo kính khi đến Công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh vào tháng Giêng. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Khách du lịch phải bịt kín khẩu trang và đeo kính khi đến Công viên Thiên Đàn ở Bắc Kinh vào tháng Giêng. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Chai Jing là một phóng viên điều tra đang làm việc tại đài truyền hình quốc gia Trung Quốc. Cô đã phải bỏ công việc của mình vào năm ngoái để chăm sóc con gái điều trị khối u lành tính.Trong bộ phim tài liệu này, Chai Jing đã diễn tả cô phải rất khó khăn khi giải thích cho cô con gái của mình rằng tại sao không nên ra ngoài đường.

“Tại Bắc Kinh vào năm 2014, tôi chỉ dám đưa con gái ra ngoài khi không khí trong lành hơn,” cô nói trong bộ phim. “Có 175 ngày ô nhiễm trong năm ngoái. Điều đó có nghĩa rằng trong nửa năm, tôi không có sự lựa chọn nào khác mà phải giữ con gái ở nhà, đóng cửa tại như một tù nhân.”

Chai Jing đã đầu tư 160.000 USD và mất một năm để làm bộ phim Under The Dome, tiêu đề giống như một cuốn tiểu thuyết của Stephen King. Một số cảnh trong phim đang gây sốc, trong đó có một chuyến thăm tới một phòng điều hành của bệnh viện, nơi mà các khán giả nhìn thấy những bệnh nhân bị bênh phổi do ô nhiễm không khí tại Trung Quốc gây ra.

Chai Jing hỏi một số câu hỏi khó về chính trị và kinh tế, về nguyên nhân gây ra sương khói, nhưng thường với một cách nhẹ nhàng, hài hước.

Cô phỏng vấn một quan chức môi trường, địa phương, người cảm thấy bất lực khi thực thi pháp luật của nhà nước. Ông thừa nhận rằng, “Tôi không muốn mở miệng, bởi vì tôi e sợ bạn sẽ thấy tôi không có răng.”

Cô thú nhận rằng, giống như nhiều công dân Trung Quốc, chỉ mới đây cô mới biết được sự khác biệt giữa sương mù và sương khói.

Cô đã phỏng vấn các quan chức địa phương, người đã bảo vệ cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm vì các ngành công nghiệp đó đã tạo ra công ăn việc làm và nộp thuế.

Chai Jing không chỉ trích một cách rõ ràng mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Cô cũng không gọi tên các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chịu trách nhiệm đối với các chính sách này. Cô muốn nói lên rằng, ô nhiễm là cái giá phải trả cho việc công nghiệp hóa nhanh chóng và Trung Quốc đã đến lúc bị trả giá.

Trong bộ phim, Chai đã đi đến Los Angeles và London để tìm hiểu cách để những thành phố đó có không khí sạch. Cô kết luận rằng Trung Quốc có thể làm theo những tấm gương đó, và các công dân nên cùng chung tay giải quyết.

“Các chính phủ lớn mạnh trên thế giới không thể tự giải quyết các ô nhiễm… Họ phải dựa vào mỗi người dân bình thường như bạn và tôi, dựa trên sự lựa chọn của chúng tôi, và theo ý của chúng tôi.”

Ma Jun, giám đốc của Viện công cộng và các vấn đề môi trường Bắc Kinh, đồng ý với quan điểm này/ Ông coi bộ phim tài liệu Chai như một lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc, sánh với An Inconvenient Truth, các phim tài liệu về biến đổi khí hậu năm 2006, và Silent Spring, cuốn sách năm 1962 của Rachel Carson về thuốc trừ sâu độc hại.

Ông Ma Jun đã đưa ra lời giải thích vì sao chính phủ Trung Quốc không im lặng trước Chai Jing, và Bộ trưởng môi trường mới của Trung Quốc thậm chí còn cảm ơn cô.

“Bộ phim được chú ý mạnh mẽ vì đề cập đến vấn đề gốc rễ sâu xa, đã được phép phổ biến rộng rãi,” ông nói, ” đó là mặt tích cực của bộ phum, mang đến cho mọi người hy vọng và niềm tin.”

Chai đã từ chối yêu cầu phỏng vấn, ngoại trừ cuộc phỏng vấn với phiên bản web của tờ Nhân dân Nhật báo.

“Mười năm trước, tôi từng tự hỏi, có mùi gì (khó chịu) trong không khí vậy. Giờ đây, tôi đã biết, đó chính là “mùi tiền” – Chai Jing, phóng viên, nhà làm phim tài liệu.

Website đó cho phát trực tuyến bộ phim tài liệu cho đến tận ngày 4/3. Sau đó, nó biến mất mà không có lời giải thích. Tuy nhiên bộ phim vẫn có thể xem được ở những trang web khác ở chính Trung Quốc.

Trong hơn một thập niên qua, Trung Quốc tuyên bố đã đến lúc xử lý ô nhiễm môi trường và họ sẵn sàng giảm tăng trưởng kinh tế để thực hiện được điều đó. Nhưng năm ngoái chỉ có 8 trên 74 thành phố Trung Quốc đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng không khí – nhiều hơn 5 thành phố so với năm 2013.

Các nhà môi trường đã hoan nghênh dấu hiệu đáng khích lệ khác trong những tháng gần đây. Cuối tháng 11/2014, lần đầu tiên, Trung Quốc đặt mục tiêu cho năm 2030 lượng khí thải carbon đath mức tối đa, sau đó sẽ giảm dần.

Và đã hứa sẽ cho phép các nhóm nghiên cứu môi trường nộp đơn kiện tập thể chống lại những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường.

Theo CTV Nguyễn Xuân Hưng/ vov.vn