Khởi động dự án điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên

Dự án “Phong điện Tây Nguyên” được xây dựng tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) sẽ cung cấp 450 triệu/Kwh/năm, đủ khả năng cung cấp điện cho 200 nghìn hộ gia đình ở Tây Nguyên.

Dự án được khởi công sáng nay (6/3), tại xã Đliê-Yang, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) do Công ty Giải pháp năng lượng gió HBRE (HBRE Wind Power Solution) làm chủ đầu tư với tổng công suất thiết kế là 120 MW, tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ  đồng.

20150306221828-a1

 Lễ khởi công dự án “Phong điện Tây Nguyên”

Sản lượng điện cung cấp hàng năm lên đến 450 triệu Kwh/năm, đủ khả năng cung cấp cho 200 ngàn hộ gia đình. Dự án này chia làm 3 giai đoạn và dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ. Riêng giai đoạn 1 sẽ hoàn thành và hòa vào điện lưới Quốc gia trong quý 2 năm 2016, với công suất là 28 MW.

Dự án triển khai và đi vào vận hành ngoài việc tạo được nguồn năng lượng xanh còn góp phần phát triển môi trường đầu tư của địa phương; tạo công ăn việc làm, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông; tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch và kinh tế- xã hội.

Ông Y Dhăm Enuôl, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là dự án điện gió đầu tiên ở Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo mọi điều kiện về cơ chế chính sách để dự án hoàn thành đúng thời gian. Đồng thời mong muốn, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành theo tiến độ dự án đề ra; bảo đảm nhà máy hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển.

Kết quả nghiên cứu của Bộ Công thương, Tây Nguyên là một trong những vùng có nguồn năng lượng gió dồi dào và ổn định nhất Việt Nam. Năm 2012, tổng công suất lắp đặt điện gió của Tây Nguyên chiếm khoảng 25% trên tổng sản lượng điện gió tiềm năng của Quốc gia, tập trung chủ yếu ở Đắk Lắk và Gia Lai.

 Theo Vietnamnet.vn

 

Anh hỗ trợ thương mại hóa sáng kiến khoa học Việt Nam

Một số nhà khoa học Việt Nam sẽ tìm hiểu những kinh nghiệm của các đối tác Anh để thương mại hóa các sản phẩm khoa học trong thời gian tới.

kh-7081-1425298111

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (giữa) trong buổi họp báo chiều nay. Ảnh: Việt Anh

14 nhà khoa học là các giảng viên các trường đại học, nhà nghiên cứu và doanh nhân liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ sẽ đến Anh tham gia chương trình “Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu của nhà khoa học”, ông Nguyễn Văn Trúc, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ, cho biết chiều nay.

Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác nghiên cứu và đổi mới sáng tạo giữa Việt Nam và Anh, do Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (PTTT), Bộ Khoa học Công nghệ, phối hợp với Viện Hàn lâm kỹ thuật Hoàng gia Anh tổ chức. Mục tiêu là đào tạo nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, các nhà sáng chế Việt Nam trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức khoa học của Anh. Trong đó Quỹ Newton của Anh hỗ trợ khoản chi phí 75.000 bảng Anh, theo ông Trúc.

Từ ngày 7 đến ngày 19/3, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tìm hiểu các mô hình kinh doanh khoa học công nghệ, phát triển và thuyết phục khách hàng, dựa trên các kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp Anh. Các học viên cũng sẽ thảo luận hình thức kinh doanh công nghệ mới và các yếu tố thành công trong tiếp cận thị trường, thực hành phương án kinh doanh của mình dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia cố vấn, kết nối với các chuyên gia và mạng lưới doanh nghiệp khoa học công nghệ của Viện Hàn lâm. Sau đó, từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay, các học viên sẽ được Cục PTTT hỗ trợ tập huấn và hoàn thiện kế hoạch kinh doanh phù hợp với chính sách và điều kiện Việt Nam.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục PTTT cho biết ông kỳ vọng các nhà khoa học sẽ tìm hiểu kỹ các câu chuyện thành công và thất bại ở Anh để có thể áp dụng khi về Việt Nam. “Các nhà khoa học phải làm giàu từ đề tài của mình”, ông Quất nói.

Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư và phát triển công nghệ, Đại học Bách khoa, cho hay ông mong muốn tìm hiểu mô hình vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, mối quan hệ giữa nhà khoa học với doanh nghiệp, vai trò của nhà nước trong xây dựng vườn ươm. “Hiện trạng vườn ươm ở Việt Nam là hết tài trợ là ngưng hoạt động”, ông Bình cho hay. Sau chuyến đi, ông Bình hy vọng tạo ra “hệ sinh thái” để phát huy tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam, sẽ xây dựng vườn ươm trong hệ thống doanh nghiệp của Đại học Bách Khoa.

Theo Vnexpress.net

Đổi mới sáng tạo: Yếu tố sống còn của doanh nghiệp

Các công ty hàng đầu thế giới như Apple, Google, Samsung… đều nằm trong top các công ty “chịu” đổi mới nhất và chi tiêu “mạnh tay” nhất cho R&D và có hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Trong môi trường cạnh tranh tự do toàn cầu, các hoạt động này càng trở nên là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp (DN). Các DN Việt Nam cũng không ngoại lệ, hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) và KH&CN đã đóng góp hiệu quả vào sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực canh tranh của DN. Câu chuyện của hai DN dưới đây là một minh chứng.

Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ: đổi mới công nghệ để phát triển

Đổi mới sáng tạo

Máy xát gạo, một trong những sản phẩm của Cty Bùi Văn Ngọ. Ảnh: LV

Từ một xưởng cơ khí nhỏ của gia đình, ông Bùi Văn Ngọ và các thành viên đã phát triển thành Công ty TNHH Cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Cty Bùi Văn Ngọ) với những sản phẩm chủ lực phục vụ nông nghiệp. Các sản phẩm của công ty không chỉ phổ biến trong nước mà còn được xuất khẩu. Đặc biệt, những sản phẩm này ra đời đều do sự sáng tạo của người Việt.

Quá trình 60 năm phát triển của Cty Bùi Văn Ngọ là quá trình tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo và không ngại đổi mới. Ngay từ những năm mới thành lập xưởng cơ khí, ông Bùi Văn Ngọ đã rất chú trọng đến những sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 1963, sáng kiến ra béc phun nhiên liệu dầu cặn sử dụng trong công nghệ nấu gang đã được sử dụng rộng rãi trong các lò nấu kim loại và các lò nung gạch. Sau đó xưởng Bùi Văn Ngọ chuyển sang sản xuất các mặt hàng chế biến nông sản, thiết bị công nghiệp nhẹ, máy nghiền bột giấy,… Từ năm 1986, khi nền kinh tế đổi mới theo cơ chế thị trường, xưởng Bùi Văn Ngọ quyết định hướng trọng tâm sang chuyên sản xuất các thiết bị xay xát gạo. Vừa sản xuất, vừa mở rộng quy mô, các sản phẩm của công ty được biết đến nhiều hơn không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở cả nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Sau những chuyến đi nghiên cứu ở thị trường các nước châu Á, công ty có nhận thức mới về đặc tính kỹ thuật của thiết bị, bố trí hệ thống thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ xay xát. Đây là động lực thúc đẩy tư duy để thiết kế những thiết bị mới cho phù hợp với mặt bằng công nghệ về xay xát của thế giới.

Năm 1998, Cty Bùi Văn Ngọ cho ra đời loại máy xát trắng gạo mới và được Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam cấp bằng độc quyền sáng chế về buồng xát dùng cho máy xát trắng gạo. Từ điểm son này, công ty ứng dụng tạo ra các dòng sản phẩm mới được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đóng góp lớn vào doanh thu của công ty.

Bên cạnh đó, Cty Bùi Văn Ngọ cũng rất “chịu khó” đầu tư đổi mới công nghệ. Ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Cty Bùi Văn Ngọ cho biết, thời gian qua, những thiết bị gia công kim loại luôn được đầu tư mới, hiện đại hơn như máy đột lỗ CNC, máy cắt kim loại dùng tia plasma, tia laser. Vì thế, tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sắt thép tăng từ 80% lên 95 – 97%; tỷ lệ các chi tiết máy không đạt chuẩn từ 5% xuống còn 1%; năng suất lao động tăng nhanh, chất lượng chi tiết máy và thiết bị đạt chuẩn quốc tế. Nghiên cứu sâu về công nghệ xay xát lúa gạo, công ty đã sản xuất ra các dòng sản phẩm máy xay xát thích hợp với vùng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ góp phần quan trọng trong việc thay thế thiết bị xay xát ngoại nhập, sản phẩm của công ty còn xuất khẩu đến 26 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, công ty đang sản xuất các thiết bị sấy tồn trữ và xay xát lúa gạo đồng bộ theo công nghệ tiên tiến. Các thiết bị này giúp giảm thiệt hại sau thu hoạch. Công ty cũng đã sản xuất được hệ thống thiết bị đồng bộ từ sấy – xay xát – tách màu – đóng gói cho ngành lúa gạo ngang bằng công nghệ xay xát thế giới. Ông Bùi Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật cho biết thêm, tất cả các sản phẩm của công ty đều do kỹ sư người Việt của công ty thiết kế, chế tạo. Có được thành công hôm nay là nhờ công ty luôn chú trọng các hoạt động đổi mới sáng tạo và đầu tư cho KH&CN. Phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ được công ty phát động rộng rãi từ những người công nhân lao động.

Công ty TNHH Môi trường Nano: thành công từ ĐMST

Máy nano

ThS Nguyễn Văn Diện cùng máy Ozone công nghiệp nano

Xuất phát điểm là một công ty tư nhân có quy mô nhỏ, khó khăn thách thức nhiều hơn thuận lợi, Công ty TNHH Môi trường Nano vẫn mạnh dạn đặt cho mình mục tiêu tạo thương hiệu, mở rộng thị trường, tăng doanh thu, tạo nhiều việc làm, góp phần giải quyết xử lý môi trường tại Việt Nam hiện nay. Để đạt mục tiêu này, quyết tâm thôi chưa đủ, công ty đã chọn con đường ĐMST.

Hơn 5 năm trầy trật nghiên cứu, ThS. Nguyễn Văn Diện (Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Nano) và các cộng sự đã thành công trong việc áp dụng công nghệ nano để chế tạo máy ozone công nghiệp phục vụ xử lý môi trường. Trong quá trình tìm kiếm các giải pháp hoàn thiện sản phẩm, công ty đã tiếp cận được với Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP) và được IPP hỗ trợ “cải tạo và nâng cấp máy ozone công nghiệp”. Kết quả, Công ty Nano cùng với các chuyên gia của Đại học Quốc gia TP.HCM đã hoàn thành nghiên cứu cải tiến và nâng cấp toàn diện máy ozone công nghiệp. Sản phẩm máy ozone công nghiệp được cải tiến “made in Vietnam” có những ưu điểm như: mẫu mã nhỏ gọn, điều khiển tự động, tiết kiệm điện, hoạt động ổn định và quan trọng hơn, máy đã xử lý được mùi, màu và diệt khuẩn trong nước thải, nước sinh hoạt, nước tinh khiết, xử lý mùi nơi công cộng và các nhà máy.

Từ thành công của máy ozone công nghiệp, Công ty Nano tiếp tục ứng dụng thành công công nghệ ozone vào sản xuất modul xử lý nước thải đô thị. Modul xử lý nước thải đô thị có ưu điểm là nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích, không phải đào bới xây dựng bể chứa, dễ dàng di chuyển khi cần thiết, không gây tiếng ồn và phát mùi khi hoạt động. Sản phẩm này có thể ứng dụng trong xử lý nước thải bệnh viện.

ThS. Diện cho biết, hiện tại, sản phẩm của công ty đã được đưa vào ứng dụng tại hơn 20 công trình xử lý nước thải công nghiệp và hơn 30 phòng khám, bệnh viện ở các tỉnh, thành phía Nam. Các sản phẩm đạt chất lượng tương đương máy nhập ngoại từ châu Âu nhưng giá thành chỉ bằng 1/3. Vì vậy, các sản phẩm của công ty hiện đang được nhiều khách hàng quan tâm và đặt hàng, nhất là modul xử lý nước thải đô thị. Có được thành công này là nhờ Công ty Nano đã chọn đúng hướng đi và mạnh dạn, kiên trì với con đường ĐMST.

ĐMST thực sự đã tạo nên “cú hích” đáng kể đối với kế hoạch phát triển của công ty. Sau khi ĐMST, công ty đã đạt doanh thu tăng gấp đôi, cụ thể từ 2010 – 2012 chỉ đạt bình quân 60 tỷ/năm, nhưng năm 2013 sau khi ĐMST đã đạt khoảng 120 tỷ. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ bảo hành, sửa chữa rất chu đáo, kịp thời vì các kỹ sư của công ty đã làm chủ hoàn toàn được công nghệ. Thời gian tới công ty tiếp tục hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới; tăng cường ứng dụng sản phẩm sẵn có vào thị trường trong nước và hợp tác với các DN nước ngoài để đưa sản phẩm “made in Vietnam” xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á.

Trong bối cảnh hiện nay, ĐMST là việc cần phải làm đối với tất cả các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. DN cần mạnh dạn mở rộng hợp tác với các nhà nghiên cứu của các trường đại học và các tổ chức để phát triển sản phẩm; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; đào tạo đội ngũ nhân viên; hoàn thiện hồ sơ pháp lý (đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng, kiểm định chất lượng…) và quảng bá sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh cải tiến hoàn thiện sản phẩm, ĐMST cần toàn diện từ đổi mới tư duy đến đổi mới phương pháp quản lý, sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý thị trường, quản lý khách hàng. ĐMST trong DN đòi hỏi nhiều điều kiện, trong đó điều kiện về tài chính và năng lực của đội ngũ chuyên gia tư vấn là cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, cần có sự quan tâm và tạo điều kiện đồng bộ từ các cấp, ngành và đặc biệt là sự nỗ lực học hỏi, rút kinh nghiệm của bản thân mỗi DN.

Theo Stinfo số 6/2014

Các động lực để tăng trưởng kinh tế năm 2015

Trong khi kinh tế nhiều nước trên thế giới tăng trưởng còn rất thấp, thậm chí có nước còn tiếp tục suy thoái thì năm 2014, GDP của Việt Nam đạt 5,9%. Tuy nhiên, theo cộng đồng các doanh nghiệp, ý nghĩa không chỉ là từ những gói hỗ trợ, kích cầu mà quan trọng hơn chính là sự điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của của Chính phủ – đây chính là khởi nguồn cho các ngành vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển cho năm 2014, đặc biệt là xung lực cho năm 2015.

cac_dong_luc_tang_truong_kinh_te_2015_1

Ổn định kinh tế vĩ mô

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2014 Việt Nam đã đạt được những thành quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực cả về phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, tăng cường đối ngoại, cải thiện môi trường kinh doanh.

Với sự tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp (DN) như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tín dụng, đất đai, xây dựng, thành lập và giải thể DN, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng…, nhờ đó môi trường kinh doanh từng bước được cải thiện, huy động và sử dụng ngày càng tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.

Nhận định của các tổ chức nước ngoài, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng: kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức 5%. Chỉ số CPI cả năm chỉ dao động quanh ngưỡng 3%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, thấp nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được tích cực triển khai thực hiện tăng cường quản lý, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Bên cạnh việc tăng cường quản lý và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tái cơ cấu DN nhà nước, tập trung vào cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, Chính phủ còn đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Đến nay, cơ bản hoàn thành tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, giảm 7 tổ chức tín dụng. Năng lực tài chính của ngân hàng thương mại tăng lên, an toàn hệ thống được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng dự kiến cả năm tăng 12 – 14% theo kế hoạch Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước thì tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Việc huy động vốn trong năm 2014 tương đối thuận lợi, kim ngạch XK tăng nên nguồn dự trữ ngoại tệ hiện nay khá dồi dào, đạt mức cao nhất từ trước đến nay, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên… Tất cả các yếu tố này để thấy rằng kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng, GDP đạt 5,9% là hoàn toàn có cơ sở.

Các động lực tăng trưởng kinh tế

Có thể nói, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm nay đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 8 – 10% so với 2013. Đáng lưu ý, trong 4 động lực tăng trưởng hiện nay, khối FDI đang giữ vai trò phát triển tốt nhất. Với xu hướng những DN hàng đầu thế giới đang chuyển dịch từ Trung Quốc vào các nước lân cận, trong đó có Việt Nam thì những năm tiếp theo, dự báo động lực tăng trưởng này vẫn duy trì tốt.

Tiếp theo là sản xuất công nghiệp (SXCN), theo Bộ Công Thương, SXCN năm 2014, đặc biệt là những tháng cuối năm có sự bứt phá rất lớn. Với 20.549 tỷ đồng trong năm nay, cho thấy SXCN bớt khó khăn hơn và là tín hiệu khả quan để thúc đẩy công nghiệp có thể tăng trưởng, đóng góp tốt hơn cho toàn bộ nền kinh tế.

Về xuất khẩu (XK), có thể nói đây là năm rất khó dự báo khi những tháng giữa năm chịu sự tác động từ vụ căng thẳng biển Đông, nhiều mặt hàng XK chủ lực của chúng ta sang thị trường Trung Quốc bị chững lại. Tuy nhiên, năm 2014, XK lại đột phá ấn tượng với kim ngạch đạt khoảng 150 tỷ USD, tăng 13%.  Cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể tiếp tục thặng dư do nhập khẩu khoảng 146,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng XK có tốc độ tăng cao, cụ thể như: hạt tiêu tăng 41,5%, cà phê tăng 31%, giầy dép tăng 24,5%, hạt điều tăng 23,7%, thủy sản tăng 23,7%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 22,1%, dệt may tăng 19%… Điều cần khẳng định ở đây là từ con số kim ngạch XK tăng trưởng cho thấy, sự nỗ lực của các Bộ ngành, nhất là các DN Việt Nam đã có sự chủ động tích cực trong việc mở rộng thị trường XK, tránh lệ thuộc vào một số thị trường tập trung.

Thành công tiếp nữa là công tác hội nhập, sau 6 năm trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới – WTO, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại quan trọng như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarut – Cadacxtan… Năm 2014, không chỉ mở ra nhiều hứa hẹn trong đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng mà còn là năm bản lề Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2015 – 2020, đồng thời cũng là năm bản lề của hội nhập khu vực ASEAN nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.

Cùng với những chỉ tiêu chuyển biến tích cực nêu trên thì thị trường bất động sản trong năm 2014 cũng phục hồi tích cực. Có những địa phương tăng tới 200% các vụ giao dịch so với năm 2013, tính thanh khoản cao. Du lịch cũng đã tăng 10,4%, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8 triệu lượt… Tất cả những kết quả này chính là bệ phóng để năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng.

Theo một số chuyên gia kinh tế, trên thực tế năm 2014, Việt Nam vẫn còn những dư địa tăng trưởng kinh tế nếu tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư xã hội, giải quyết một số động lực tăng trưởng tốt hơn như: tận dụng điều hành chính sách tiền tệ; giải cứu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; kích hoạt nhanh hơn thị trường bất động sản; làm cho tác dụng lan tỏa của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước nhanh và có hiệu quả hơn; phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt hơn…

 Theo Kinh tế Việt Nam

Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng xanh?

Nói Việt Nam đã sẵn sàng cho tăng trưởng xanh tuy nhiên việc triển khai các chiến lược, kế hoạch trên thực tế vẫn còn chậm.
Story
Việt Nam tuy đã chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên còn nhiều

Theo chuyên gia, để đảm bảo tăng trưởng xanh, Việt Nam cần đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, chú trọng chuyển đổi cơ cấu nội ngành theo hướng ưu tiên những ngành ít phát thải, và đặc biệt là chú trọng vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, và thu hẹp ngành nông lâm, thủy sản.Cụ thể, nếu như trong giai đoạn 1990-2000 ngành công nghiệp nước ta đóng góp 29,62% tổng GDP, thì giai đoạn 2001-2010 đã tăng lên 38,42%, và giai đoạn 2011- 2013 giảm xuống một chút còn 38,28%. Trong khi đó, cơ cấu GDP của ngành nông lâm, thủy sản tương ứng các giai đoạn 1990-2000, 2001-2010 và 2011-2013 là 29,72%, 20,58% và 19,38%; cơ cấu của ngành dịch vụ có thay đổi nhưng không nhiều, tương ứng các giai đoạn trên là 40,66%, 41,0% và 42,34%. Mặc dù, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành cũng đã có bước chuyển biến tích cực theo hướng tăng trưởng xanh, tức là giảm những ngành tiêu dùng năng lượng, nhưng chuyển dịch còn rất chậm.Bằng chứng là những ngành như xi măng, dệt sợi, sắt thép, hóa chất là ngành có tỷ trọng tiêu dùng năng lượng lớn nhất trong ngành công nghiệp và xây dựng đều có xu hướng giảm tỷ trọng trong GDP, tuy nhiên tốc độ giảm trung bình của nhóm này chỉ ở mức -2,46%/năm.

Cơ cấu kinh tế tuy đã chuyển dịch theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên còn nhiều, nên tăng trưởng xanh sẽ tạo động lực để các ngành tái cơ cấu.

Với lợi thế là nước đi sau, trình độ công nghệ còn thấp cũng đang là cơ hội lớn cho Việt Nam áp dụng các công nghệ tiên tiến, có hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, cũng như giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính.

Mặt khác, hội nhập kinh tế tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tiếp cận với công nghệ tiên tiến, tiếp cận các thị trường lớn đòi hỏi sản phẩm xanh, qua đó tạo động lực để hoàn thiện mình, từ ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với các yêu cầu của các đối tác thương mại, đến việc thu hút đầu tư nước ngoài. Việc thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ đơn thuần là thu hút vốn, mà cả công nghệ và kỹ năng quản trị của họ cũng sẽ góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của nước ta.

Mặc dù nhiều cơ hội, nhưng chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như:

Nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh chưa cao, vẫn còn chú trọng nhiều vào lợi ích trước mắt, thiếu các ưu tiên cho phát triển dài hạn; chưa xác định được những chính sách cân bằng giữa các định hướng và mục tiêu phát triển của 5 nhóm vấn đề nêu trên.

Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu vừa là cơ hội, nhưng vừa là thách thức lớn do nguồn lực tài chính có hạn. Trong cấu trúc doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực đổi mới công nghệ thấp nên việc thay đổi hoặc đổi mới công nghệ gặp không ít khó khăn. Chi cho đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ còn hạn chế. Khu vực có vốn nước ngoài tuy đóng góp cao vào tăng trưởng, đầu tư và xuất khẩu, nhưng ít tương tác với khu vực doanh nghiệp trong nước, chuyển giao công nghệ không đáng kể, chưa được thực sự tận dụng cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam.

Thị trường năng lượng nước ta vận hành chưa hiệu quả, nên chưa tạo động lực thay đổi công nghệ của một số ngành có tiêu thụ năng lượng lớn.

Cuối cùng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, khả năng phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chưa hiệu quả; tồn tại các mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng với mục tiêu bảo vệ môi trường,… đang là thách thức lớn cản trở tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững.

Theo vietq.vn

Lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng sản xuất sạch hơn vào dây chuyền sản xuất

Trong thời buổi kinh tế thị trường nhiều ngành công nghiệp ra đời kèm theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo phát triển bền vững, tăng lợi nhuận về kinh tế và đồng hành cùng với công tác bảo vệ môi trường nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã lựa chọn và áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.

Story

Công ty CPTM Hương Giang

Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 07 tháng 9 năm 2009 và có nhiều doanh nghiệp áp dụng vào trong sản xuất. Thời gian qua các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn vào trong dây chuyền sản xuất của đơn vị mình.

Công ty CPTM Hương Giang (khu CN Hòa Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) là một trong số những doanh nghiệp điển hình đã triển khai áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn vào quá trình sản xuất. Công ty có tiềm lực mạnh về công nghệ sản xuất chế biến xay xát gạo, chuyên sản xuất các sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản, gạo cao cấp,… Sản phẩm gạo chế biến của Công ty được đánh giá là một trong những sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhều nhu cầu của khách hàng, giá thành hợp lý và có tính cạnh tranh so với các sản phẩm khác đang có trên thị trường trong nước. Từ một đơn vị khiêm tốn về cơ sở vật chất ban đầu, Công ty đã có bước phát triển đột phá không ngừng cả về quy mô sản xuất, giá trị sản xuất kinh doanh, khách hàng và thị trường. Với công suất thiết kế ban đầu là 3 tấn/ giờ, sau một thời gian phát triển, tìm kiếm thị trường Công ty đã nâng cấp dây chuyền lên 5 tấn/giờ. Từ năm 2010 đến nay, sản phẩm của Công ty đã có mặt ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Trong quá trình sản xuất, ngay từ ngày đầu Công ty đã đưa hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 áp dụng trong toàn bộ hệ thống sản xuất kinh doanh của mình công suất đạt 4,3-4,5 tấn gạo/giờ.

Nhờ áp dụng thiết bị hiện đại Công ty đã thu được những lợi ích như: hạn chế thất thoát hao phí trong khâu sản xuất, nâng cao năng suất, giảm chi phí liên quan đến thu gom và xử lý chất thải; tăng cường ý thức của người lao động về bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường làm việc, góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động; lượng trấu phế thải được chế biến thành chất phụ gia để sản xuất thức ăn gia súc. Với những giải pháp mà Công ty đã triển khai thì doanh thu hàng năm của Công ty đều trên mức 100 tỷ và đảm bảo việc làm cho 60-70 lao động thường xuyên.

Trong bối cảnh nước ta đang hướng đến nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì sản xuất sạch hơn có thể xem như một giải pháp phù hợp để các doanh nghiệp áp dụng. Việc tham gia áp dụng và thực hiện sản xuất sạch hơn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ; tạo được lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường./.

Theo ipc1.gov.vn 

Biến nước thải từ hạt cà phê thành năng lượng xanh

Một tách cà phê mỗi sáng có thể đem lại sự tỉnh táo tức thì cho nhiều người, và mới đây những người trồng cà phê Trung Mỹ đã tìm thấy nguồn năng lượng mới từ loại hạt này bằng cách biến nước thải nông nghiệp thành khí đốt tự nhiên.

San xuat cafe

 Ảnh minh họa (nguồn: dangcongsan.vn)

Nước thải từ quá trình xử lý hạt cà phê tươi thường không được để ý và xử lý trước khi đổ vào hệ thống nước thải. Ở Trung Mỹ, người địa phương gọi loại nước này là “nước mật ong” (honey water) vì vị ngọt cũng như màu vàng của nó.

Tuy nhiên, do sự lên men của hạt cà phê, loại nước này chứa nhiều khí methane, một trong những khí thải góp phần lớn nhất gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Riêng ở Nicaragua, mỗi năm khoảng 1,3 triệu bao càphê được sản xuất tạo ra lượng khí ô nhiễm tương đương lượng khí thải từ 20.000 xe ôtô.

Loại nước này đổ ra sông khiến những người dân sử dụng nguồn nước này bị các bệnh da liễu và nhiễm khuẩn ruột.

Theo một dự án thử nghiệm đang được tiến hành tại 19 trang trại ở Nicaragua, Guatemala và Honduras, loại nước thải sẽ được xử lý chiết xuất methane và khí này sẽ được sử dụng để chạy máy phát điện và đun nấu.

Dự án này được nhóm phát triển nông trại xanh UTZ Certified của Hà Lan khởi động từ năm 2010 nhằm tìm cách giảm lượng nước sử dụng trong ngành nông nghiệp trồng cà phê và sử dụng chúng sáng tạo hơn.

Những người trồng càphê tại các trang trại này cho biết chỉ một tháng sau khi tham gia, chương trình đã cho thấy hiệu quả. Theo giám đốc kỹ thuật của dự án, lượng nước sử dụng tại một trang trại có thể giảm trên 80%.

Việc sử dụng khí ga để đun nấu cũng giúp người dân giảm việc chặt củi để nấu ăn. Ngoài ra, đối với các trang trại tham gia dự án, các sản phẩm cà phê của họ sẽ được dán nhãn đảm bảo được sản xuất bằng công nghệ xanh và đảm bảo điều kiện lao động tốt.

Hệ thống để tách khí methane trị giá vài nghìn USD, được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ 75% và người trồng càphê chi trả 25%. Mỗi trang trại áp dụng cơ chế chiết xuất khí ga riêng, phụ thuộc vào quy mô trang trại. Một số trang trại chỉ tách khí ga trong mùa thu hoạch, trong khi một số khác sử dụng công nghệ này với cả chất thải từ chăn nuôi và sản xuất khí ga quanh năm.

UTZ đã bắt đầu mở rộng dự án này tại Colombia, Peru và Brazil và đang tìm nguồn vốn hỗ trợ để triển khai dự án ở cả Kenya và Việt Nam/.

Theo vietnamplus.vn

Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh tham gia sự kiện “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp”

Ngày 26/11, khách sạn Sheraton Hà Nội, sự kiện được tổ chức nhằm kết nối các đối tác hoạtđộng đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, diễn dàn được phối hợp thực hiện bởi Ban quản lý dự án VIIP và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV).

IMG_8091

Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh GCTF đã tham dự gian hàng trưng bày nhằm quảng bá Quỹ cũng như các tài liệu chuyên đề về Sản xuất Sạch Hơn – Sử dụng năng lượng hiệu quả tới các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn và các tổ chức phát triển khác.

Một số thông tin về dự án:

VIIP là dự án Đổi mới Sáng tạo Hướng tới người thu nhập thấp do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2018 với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu chung của Dự án là hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức nghiên cứu trong việc tiếp nhận, nâng cấp, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, y dược học cổ truyền, công nghệ thông tin và truyền thông.

Diễn đàn có sự tham gia của một số tổ chức như: Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF), Dự án Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FIRST), Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Chương trình Hỗ trợ Cạnh tranh Toàn cầu (GCF)…

Admin GCTF

Những biện pháp tiết kiệm năng lượng điển hình tại các tòa nhà

Rất nhiều những tòa lớn trên cả nước đã áp dụng thành công các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả. Dưới đây là những biện pháp điển hình đã được áp dụng tại từng tòa nhà.

Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng

Khu đô thị Springlight (TP. HCM) gồm các chung cư cao tầng, trung tâm thương mại và khách sạn. Mặt chính diện của các tòa nhà có hướng Tây- Nam với diện tích cửa kính chiếm đến 35% diện tích bề mặt. Do phần vỏ của công trình nhận một lượng bức xạ lớn từ mặt trời, nên chủ đầu tư đã cho sử dụng loại kính cách nhiệt 2 lớp. Nhờ đó, công trình giảm được nhiệt từ mặt trời xâm nhập, giảm được tải lạnh của tòa nhà. Ước tính lượng điện tải lạnh giảm được từ việc dùng kính cách nhiệt là khoảng 2 triệu kWh mỗi năm.

Hệ thống làm lạnh VRF

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội là một địa điểm giải trí quen thuộc của người dân Thủ đô. Tại tòa nhà này, hệ thống điều hòa chiller có tuổi đời 18 năm được sử dụng để làm mát cho diện tích 500 m2. Để giảm thiểu lượng điện sử dụng, Trung tâm đã cho thay thế hệ thống chiller cũ bằng hệ thống lạnh có lưu lượng môi chất lạnh biến thiên (VRF) có hiệu suất làm lạnh cao hơn.

rap-chieu-phim

Trung tâm chiếu phim quốc gia đang sử dụng hệ thống điều hòa VRF, giúp tiết kiệm 176 ngàn kWh điện/năm

Trước đây, cường độ năng lượng sử dụng của Trung tâm là 403kWh/m2, thì sau khi thay thế hệ thống VRF, cường độ năng lượng giảm xuống chỉ còn 342 kWh/ m2. Mỗi năm, trung tâm tiết kiệm được khoảng 176 ngàn kWh điện. Với vốn đầu tư khoảng 2,8 tỷ đồng, dự tính sau 4,5 năm là có thể thu hồi vốn.

Thang cuốn cảm biến

Tại siêu thị Big C (Đồng Nai), hệ thống thang cuốn tại khu vực mua sắm đã được trang bị hệ thống giới hạn hoạt động khi không cần thiết, dựa trên cảm biến người.

thang-may

Cảm biến cho thang cuốn giúp tiết kiệm được 70% điện năng

Theo một nghiên cứu thực hiện tại Hồng Kông, mức độ tiết kiệm của thang cuốn còn phụ thuộc vào loại hình của tòa nhà và lượng khách di chuyển. Tại siêu thị Big C, sau khi lắp đặt cảm biến, lượng điện năng tiêu thụ đã giảm đến 70%, từ 4,6 kWh/giờ xuống còn 1,37 kWh/giờ.

Hệ thống cấp nước nóng sử dụng NLMT

Trước đây, tại khách sạn Park Royal Sài Gòn (TP. HCM), hệ thống nước nóng được lắp đặt tại các phòng nghỉ là loại bình nung nóng bằng điện, có dung tích 60 lít, được lắp đặt đơn. Mức tiêu thụ điện cho 1 bình có công suất 3,9 kW là 4,8 kWh/ngày.

Sau đó, các bồn riêng rẽ được thay thế bằng hệ thống nước nóng trung tâm sử dung năng lượng mặt trời, có thể cung cấp 14 ngàn lít nước nóng mỗi ngày. Phần nước nóng thiếu sẽ được hệ thống cấp nước nóng bổ sung hoặc sử dụng bơm nhiệt.

Hệ thống nước nóng NLMT giúp khách sạn hằng năm tiết kiệm được 178 ngàn kWh điện, tương đương với 452 triệu đồng. Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2,2 tỷ đồng mỗi năm, thời gian hoàn vốn ước tính là gần 5 năm.

Thiết bị thu hồi nhiệt

Tại TTTM Vincom (Hà Nội), ngoài việc sử dụng cảm biến COđể điều chỉnh lưu lượng gió tươi bổ sung, giúp giảm tiêu thụ năng lượng cho quạt thông gió và làm mát gió tươi, Ban quản lý tòa nhà đã cho lắp đặt thiết bị thu hồi nhiệt có hiệu suất 80%. Thiết bị này giúp thu hồi “năng lượng lạnh” trong gió thải ra để làm mát gió tươi cấp từ bên ngoài.

lo-hoi

Thiết bị thu hồi nhiệt

Với các biện pháp tiết kiệm năng lượng đã áp dụng, mỗi năm TTTM Vincom giảm được 366. 727 kWh điện, tương đương với hơn 822 triệu đồng, giảm phát thải 203 tấn CO2.

Biến tần VSD

Tòa nhà FPT (Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Tòa nhà sử dụng 2 điều hòa khối và hệ thống điều hòa trung tâm, tiêu thụ tới 49% lượng điện của công trình. Hệ thống bơm nước lạnh có 4 tổ máy bơm ly tâm với công suất 75 kW, hoạt động trung bình 9,5 giờ mỗi ngày.

Để giảm lượng điện tiêu thụ, Ban quản lý tòa nhà đã cho lắp đặt biến tần VSD để điều chỉnh lưu lượng nước lạnh, thay thế cho phương án truyền thống sử dụng van tiết lưu. Với hệ thống này, mức tiết kiệm năng lượng dự kiến hàng năm là 25%, tương đương với 142 ngàn kWh/năm. Vốn đầu tư của hệ thống này là 512 triệu động và dự kiến thu hồi trong 2,4 năm.

Theo nguồn tietkiemnangluong.com.vn

Tiết kiệm điện trong ngành Thép: Những tín hiệu mừng

Hiện nay, việc tiêu thụ điện năng cho sản xuất một tấn phôi thép ở Việt Nam theo thống kê là gấp đôi một số nước trong khu vực. Các doanh nghiệp Thép Việt Nam đã bắt đầu áp dụng các biện pháp tiết kiệm, sử dụng năng lượng và đem lại hiệu quả bước đầu.

Ngành thép

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng được đưa ra đã góp phần giảm chi phí đáng kể trong sản xuất thép

Theo ông Trịnh Văn Hoàn, phòng Quản lý năng lượng, Tổng công ty Thép Việt Nam: Nước ta hiện có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Mặc dù, các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng hàng năm tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện. Tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm ngành Thép chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng năng lượng tiêu thụ toàn ngành công nghiệp cả nước.Tại Việt Nam, điện năng tiêu thụ cho 1 tấn phôi thép thành phẩm khoảng 700 kWh (trong khi nhiều nước chỉ khoảng 350 kWh). Tuy nhiên, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại các nhà máy thép lại khá cao. Chính vì vậy, việc lựa chọn những giải pháp tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh là điều các doanh nghiệp thép cần hướng tới tại thời điểm này.

Nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Trước những đòi hỏi về sử dụng năng lượng hiệu quả, nhiều nhà máy thép đã quan tâm và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Có nhà máy luyện thép đã chuyển đổi dòng điện 210 kW sang 207 kW nhằm hạn chế lãng phí điện năng do mất điện đột ngột; Hệ thống đèn sợi đốt cũ không tiết kiệm điện đã được thay bằng hệ thống đèn compact tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, do mỗi lần khởi động lại lò cao sẽ tốn rất nhiều năng lượng so với lò đang hoạt động nên nhà máy đã hạn chế tối đa thời gian máy ngừng và thời gian chạy không tải. Thêm vào đó, hiện tại, một số nhà máy đã bắt đầu sử dụng khí thải lò EAF để sấy nóng thép phế trước khi nạp vào lò. Nhờ vậy, thời gian nấu luyện, thời gian cấp điện giảm đi, giảm lượng điện tiêu thụ lò EAF và LF. Đồng thời, một số công ty thép còn chuyển đổi dùng dầu đốt FO sang dùng khí NG. Nhờ đó, hiệu quả tiết kiệm là 113.000 VND/T phôi.

Để giảm tiêu hao điện năng, có nhà máy thép đã đưa vào sử dụng bộ tái thu hồi nhiệt khí thải lò nung phôi thép. Bộ tái thu hồi nhiệt khí này đã hạ nhiệt độ khí thải được 200oC (từ 672oC – 472oC). Đặc biệt, việc lắp đặt hệ thống vận chuyển phôi thép nóng từ máy đúc liên tục đến lò nung vôi, đảm bảo giữ nhiệt độ phôi thép ở mức khoảng 700oC đã giúp giảm 0.3% lượng cháy hao kim loại trong lò nung, giảm chi phí nhân công, giảm sức lao động cho công nhân nạp lò vì thiết bị hoàn toàn tự động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài những giải pháp đơn giản như: Cải tạo hệ thống chiếu sáng, thành lập nhóm quản lý, theo dõi sử dụng năng lượng, vấn đề đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến cần vốn lớn nên nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại và chưa sẵn sàng đầu tư.

Đối với những giải pháp công nghệ hiện đại hơn như thay đổi công nghệ nung truyền thống sang công nghệ luyện consteel như nhiều quốc gia đã áp dụng, mức đầu tư còn cao hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc áp dụng những công nghệ tiên tiến cho các nhà máy thép tại Việt Nam bị hạn chế một phần do các lò gang đều có công suất nhỏ hơn 300 tấn, trong khi công nghệ luyện consteel cho hiệu quả tiết kiệm điện năng lớn nhưng cần mức đầu tư khá cao, từ 300 triệu USD cho một lò luyện thép công suất 500.000 tấn/ năm. Công nghệ này hiện vẫn vượt ngoài khả năng tài chính của phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thép.

Cần có khu liên hợp gang thép lớn có thể tự sản xuất điện

Theo ông Trịnh Văn Hoàn, phòng Quản lý năng lượng, Tổng công ty Thép Việt Nam: Ngành Thép là hộ tiêu thụ năng lượng lớn, trọng điểm, có ảnh hưởng nhất định đến sự cân bằng năng lượng của toàn ngành công nghiệp. Chính vì vậy, cần từng bước xây dựng các khu liên hợp gang thép, các nhà máy luyện, cán thép quy mô đủ lớn, có khả năng tự sản xuất điện, nhiệt phục vụ nhu cầu riêng và cung cấp cho các hộ sử dụng bên ngoài, góp phần giảm tải nhu cầu điện, nhiệt năng của toàn xã hội.

Ngoài ra cần ưu tiên, khuyến khích áp dụng các giải pháp quản lý năng lượng, kỹ thuật công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các danh nghiệp ngành thép, góp phần hạ giá thành sản phẩm, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo tietkiemnangluong.com.vn