1720 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm

Theo Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2013 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, cả nước có 1720 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Trong đó các tỉnh, thành phố có số cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm nhiều gồm Thành phố Hồ Chí Minh 241 cơ sở; tỉnh Bình Dương 178 cơ sở; thành phố Hà Nội 176 cơ sở; tỉnh Đồng Nai 106 cơ sở; tỉnh Quảng Ninh 98 cơ sở; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 89 cơ sở, tỉnh An Giang 69 cơ sở…

4 tỉnh không có cơ sở nào sử dụng năng lượng trọng điểm là Bắc Kạn, Ninh Thuận, Đắk Nông, Bạc Liêu.

Ảnh minh họa: tietkiemnangluong.com.vn

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Nghị định số 21/2011/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức quản lý hoạt động sử dụng năng lượng của các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cập nhập và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm để công bố trước ngày 31/3 hàng năm.

Cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là các cơ sở có mức sử dụng năng lượng sau đây: a) Cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra một nghìn tấn dầu tương đương (1000 TOE) trở lên.b) Các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tiêu thụ năng lượng tổng cộng trong một năm quy đổi ra năm trăm tấn dầu tương đương (500 TOE) trở lên.

Theo Chinhphu.vn

 

Công nghệ sạch tiết kiệm năng lượng

Đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường và giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính được cho là yếu tố then chốt để hướng đến nền kinh thế tăng trưởng xanh và bền vững. Hơn thế nữa, sản xuất xanh không chỉ giúp các DN giải quyết những thách thức về môi trường, mà còn biến những thách thức đó thành cơ hội “có một không hai” để tăng hiệu quả sản xuất. 

Thoát “bẫy” công nghệ thấp

Theo nhận định các chuyên gia tại hội thảo “Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn – RECP” vừa diễn ra tại Hà Nội, trước xu thế hội nhập quốc tế, sản xuất sạch hơn đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng của nước ta. Trong quá trình sản xuất, sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải. 

Đối với sản phẩm, sản xuất sạch hơn là giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt vòng đời của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ. Còn đối với dịch vụ, sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

a4c2d8125_sx

 Tiết kiệm năng lượng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Khi DN đã có nhận thức về sản xuất sạch hơn, DN đó có thể mở ra nhiều cơ hội tại thị trường mới, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao hơn, giá bán cao hơn, đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm khi xuất khẩu. 

Trong khi đó, chi phí sản xuất thì lại giảm đi. Điều này không chỉ cải thiện tình hình sản xuất kinh doanh của DN mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường nội địa cả quốc tế.

Ở một góc độ khác, việc thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch sẽ giúp cộng đồng DN thoát khỏi “bẫy” công nghệ thấp, rẻ từ Trung Quốc. Từ đó, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển tự thân trong mỗi DN, tạo tiền đề cho một nền sản xuất “xanh” hơn và sự lớn mạnh của các thương hiệu quốc gia.

Cần một “gọng kìm” để thay đổi

Để hướng đến nền kinh tế tăng trưởng xanh, bền vững, việc đổi mới công nghệ trong sản xuất là yếu tố then chốt. Trong đó, DN cần thể hiện được vai trò quan trọng của mình bằng cách đầu tư để áp dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường và giảm thiểu mức phát thải khí nhà kính trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững – cho biết: “Sản xuất xanh và sạch sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, lợi ích mà sản xuất xanh và sạch hơn đem lại cho DN đã thấy rõ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều DN cho rằng, bản thân họ vẫn chưa thực sự nắm bắt được hết các quy trình sản xuất sạch hơn, để từ đó áp dụng vào thực tiễn sản xuất”. 

Vì vậy, Nhà nước cũng đã có một số chính sách công cụ nhằm khuyến khích, như xây dựng các quy định mang tính pháp lý; thiết lập các công cụ kinh tế; đưa ra các biện pháp hỗ trợ; triển khai hướng dẫn xây dựng dự án sản xuất sạch hơn cho DN… Đây là những lợi thế để DN tiến tới sử dụng nhiều hơn mô hình sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Vũ Xuân Nguyệt Hồng cho rằng, vấn đề cốt lõi là Nhà nước cần phải bảo đảm được gọng kìm đủ mạnh, vừa tạo sức ép, vừa tạo điều kiện hợp lý để các ngành tiêu hao nhiều nhiên liệu cơ cấu lại sản xuất, giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong thời gian tới. 

Sức ép có thể đến từ việc hình thành các quy định, tiêu chuẩn về định mức tiêu hao năng lượng của công nghệ, đặc biệt đối với các công nghệ được đầu tư mới; từ việc triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ và khoa học kiểm toán năng lượng và triển khai những biện pháp cần thiết nhằm mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng đối với cả những hoạt động sản xuất đã đầu tư từ trước và những đầu tư mới. 

 Theo Moitruong.com.vn

Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp sinh thái

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Eco Industrial Park

Ảnh minh họa

Dự án trên do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc UNIDO tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Dự án được thực hiện trong 36 tháng với tổng kinh phí thực hiện là hơn 53 triệu USD.

Mục tiêu của Dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Kết quả chính của Dự án là thông qua các chính sách và quy định đáp ứng tiêu chí của KCN sinh thái trong một số lĩnh vực nhằm tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý KCN ở trung ương và địa phương; tăng cường năng lực kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít các bon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và doanh nghiệp trong KCN; triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCN sinh thái; tăng cường nhận thức của cộng đồng về phát triển KCN sinh thái…

Theo baodientu.chinhphu.vn

Công nghệ mới hấp dẫn trên xe hơi

Biên niên sử của ngành công nghiệp ôtô tràn ngập những cải tiến làm thay đổi cách thức các tài xế và hành khách tương tác với xe. Chiếc cần quay tay từng là thiết bị để khởi động động cơ. Rồi chân côn và cần sang số được thay bằng hộp số tự động. Hay radio kiểu “cổ lỗ sĩ” thành máy cassette, đầu đĩa và hiện nay là màn hình thông tin kỹ thuật số kết nối điện thoại thông minh.

xe-hoi

Tuy nhiên, không phải tất cả phát minh của các hãng sản xuất xe hơi đều thành công. Chrysler từng có máy ghi phát gắn ở táp-lô vào năm 1956, hay Chevrolet với tùy chọn “dây xích lốp dạng lỏng” vào năm 1969, thứ dùng để xịt vào bánh sau một loại nhựa thông giúp xe bám đường trên băng tuyết.

Những trang bị mới sau này, như máy điều hòa, khóa điện và cửa sổ điện, hệ thống điều khiển tích hợp trên vô-lăng hay thậm chí là kết nối Bluetooth không dây đã trở thành trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe. Những tiện nghi như ghế và vô-lăng có sưởi cũng trở nên thông dụng, trong khi các hệ thống “né” tai nạn như cảnh báo va chạm phía trước, cảnh báo điểm mù hay thay đổi làn đường xuất hiện trên các sản phẩm cao cấp cho tới các mẫu sedan cỡ trung và cỡ nhỏ.

Những cuộc cách mạng về công nghệ cũng đi kèm thách thức phải phát triển nhiều hơn các đặc tính ấn tượng giúp sản phẩm trở nên khác biệt với số đông. Điều này lý giải cho sự xuất hiện của những phụ kiện như tủ làm lạnh sâm panh trên Hyundai Equus hay trần xe trên Rolls-Royce Phantom Coupe có thể phản chiếu như một bầu trời sao nhờ 1.600 bóng đèn quang học cực nhỏ.

Các mẫu xe đời 2014 mang tới một loạt những tính năng và tiện nghi mới, như Mercedes S-class như chỗ kê tay trên cánh cửa và giữa hai ghế đều có sưởi, máy tạo mùi hương ở hàng ghế thứ hai. Hay Infiniti Q50 có các camera và cảm biến giúp quan sát đường đi cũng như có thể tự động can thiệp vào vô-lăng để giữ xe đi đúng làn đường.

Hệ thống phát điện chạy bằng năng lượng thủy triều

Các nhà sản xuất điện xứ Wales vừa công bố Hệ thống phát điện chạy bằng năng lượng thủy triều DeltaStream, có thể cấp điện cho 10.000 hộ gia đình. Hệ thống này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả hơn rất nhiều các loại hình phát điện khác.

 1 trong 3 turbine của Hệ thống phát điện DeltaStream sắp được thả xuống biển (Ảnh: DailyMail)

1 trong 3 turbine của Hệ thống phát điện DeltaStream sắp được thả xuống biển (Ảnh: DailyMail)

 Trong lòng biển, khối nước chuyển động do thủy triều lên xuống trong ngày tạo ra động năng rất lớn. Tuy nhiên, nhịp điệu lên xuống, mạnh yếu của thủy triều không theo quy luật nào rõ rệt, vì vậy, khi lắp đặt hệ thống này cần tính toán sao cho việc đặt các cụm phát điện cộng hưởng động năng cao nhất.

Hệ thống DeltaStream nặng 150 tấn, có 3 turbine dạng ba cánh quạt, mỗi turbine được gắn chặt vào một cột thẳng đứng. Đường kính của mỗi cánh quạt từ 15 đến 20 mét.

Mỗi turbine được đặt cách nhau một quãng tương ứng với nửa bước sóng mà thủy triều thường tạo ra ở vùng biển xứ Wales. Vì thế, người ta tận dụng được động năng cao nhất nhằm tăng hiệu suất phát điện.

Với hệ thống này, các nhà sinh thái biển không còn băn khoăn về tiếng ồn hoặc sự khuấy động của hệ thống, vì tốc độ của turbine rất chậm, chỉ vào khoảng 20 vòng /phút.

Tuy turbine quay chậm nhưng nhờ có bộ bánh răng điều tốc và ổn định tốc độ nên máy phát điện chạy liên tục, sản ra điện, đưa vào bờ bằng cáp ngầm.

Hiện việc bảo trì các hệ thống phát điện bằng năng lượng thủy triều phải nhờ đến các thợ lặn. Tới đây, các nhà máy điện sẽ trang bị cần cẩu loại lớn, có thể nhấc cả cụm phát điện lên tàu để bảo trì.

Theo Chinhphu.vn

Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà văn phòng

Tòa nhà Mobifone tọa lạc trên đường Dương Đình Nghệ, Hà Nội là trụ sở chính của Công ty Thông tin Di động. Với thiết kế 17 tầng gồm hệ thống văn phòng trụ sở và phòng đặt các thiết bị viễn thông, đây là một trong những tòa nhà tiêu thụ nhiều năng lượng của thành phố. Hiện, tòa nhà đang được quản lý vận hành bởi Công ty PMC, một đơn vị quản lý tòa nhà chuyên nghiệp tại Việt Nam.

toa nha Mobifone-TKNL

Khu vực sảnh tầng 1 được lắp đặt kính để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên

Chú trọng từ khâu thiết kế xây dựng 
Chi phí năng lượng chiếm tỷ lệ cao trong chi phí vận hành tòa nhà, nên ngay từ khâu xây dựng, chủ đầu tư là Công ty Thông tin Di động Mobifone đã chú trọng đến việc thiết kế nhằm sử dụng năng lượng hiệu quả.Tại khu vực sảnh chính tầng 1, nhà ăn và khu quầy bar được lắp đặt kính nhằm tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên mà vẫn tạo được không gian sang trọng. Vào ban ngày, khu vực này gần như không phải dùng đến đèn điện. Khu vực cầu thang bộ từ tầng 4 đến tầng 15 của tòa nhà cũng được thiết kế cửa sổ, giúp hứng trọn nguồn ánh sáng từ bên ngoài mà không cần bật đèn.Thiết kế khu vực đặt giàn nóng và giàn lạnh điều hòa cũng được tối ưu hóa. Giàn lạnh ở tầng nào thì giàn nóng được đặt ngay tại tầng đó, hạn chế khoảng cách và độ cao gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và tuổi thọ của máy nén. Ngoài ra, các giàn nóng được bố trí ở nơi thông thoáng, có mái che, giúp giải nhiệt dễ dàng.

Với đặc thù phải đảm bảo nhiệt độ ổn định để duy trì hoạt động cho các thiết bị viễn thông, nên khu vực phòng máy là nơi tiêu tốn nhiều năng lượng nhất của tòa nhà, chiếm khoảng 60% năng lượng. Để ngăn ngừa việc thất thoát nhiệt qua các vật liệu xây dựng, toàn bộ khu vực tường và sàn của phòng máy đã được dán giấy phản nhiệt dày và tấm cách nhiệt dày 2,5cm. Các cửa kính bên ngoài cũng được bịt kín, dán 3 lớp cách nhiệt gồm phim cách nhiệt, bảo ôn và thạch cao để ngăn chặn tối đa tổn thất nhiệt.

Cuối năm 2012, Công ty Mobifone cũng đầu tư dán phim cách nhiệt cho toàn bộ lớp kính phía ngoài tòa nhà, giúp phản xạ đến 60% ánh nắng mặt trời. Dù số vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, song giải pháp này đã giúp tòa nhà tiết kiệm được hơn 830 triệu đồng tiền điện, do tăng hiệu suất làm mát của điều hòa nhờ giảm nhiệt lượng hấp thụ vào trong tòa nhà.

Đầu tư cho công nghệ

Ngoài việc chú trọng tiết kiệm năng lượng từ khâu thiết kế và xây dựng, Công ty cũng rất chú trọng đến việc đầu tư các công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng. Theo đó, ngay từ khi đi vào hoạt động, tòa nhà đã lắp đặt hệ thống quản lý thông minh iBMS.

Hệ thống này có kết nối mở với các hệ thống khác trong tòa nhà gồm điều hòa, thông gió, chiếu sáng, bơm nước, thang máy…Nhờ đó, nó đã giúp bộ phận kỹ thuật vận hành và quản lý việc tiêu thụ năng lượng trong tòa nhà dễ dàng hơn. Cụ thể, bộ kỹ thuật có thể theo dõi, điều chỉnh bật, tắt các thiết bị từ xa.

Với những khu vực có tần suất người ra vào trong những khoảng thời gian không cố định như hầm để xe, nhà vệ sinh, Chủ đầu tư đã cho lắp đặt hệ thống cảm biến chuyển động, đèn chỉ tự động bật khi có người qua lại và tự động tắt sau 5 phút khi không có người.

Đối với những nơi công cộng, toàn bộ đèn trong tòa nhà được cài đặt thời gian bật tắt theo lịch qua hệ thống quản lý phần mềm chiếu sáng ComBridge Studio Control Center. Nhiều vị trí còn được cán bộ kỹ thuật cài đặt chế độ tắt lại nhiều lần, phòng trường hợp có người ở lại muộn hoặc có người sử dụng nhưng quên không tắt.

Là hệ thống tiêu tốn nhiều năng lượng, việc lựa chọn hệ thống điều hòa dùng cho tòa nhà rất được chú trọng. Hệ thống điều hòa VRV III của Daikin đang được lắp đặt tại nhiều cao ốc văn phòng trên nhiều nước với sự hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng đã được kiểm chứng một cách rộng rãi. Hệ thống điều hòa được quản lý bằng phần mềm chuyên biệt có tên iManager. Phần mềm này giúp cho người vận hành tòa nhà dễ dàng trong việc điều khiển, giám sát trạng thái hoạt động của điều hòa.

Ngoài ra, Hệ thống quản lý iManager  còn cung cấp cho người vận hành những thông tin quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng năng lượng của hệ thống điều hòa, từ đó đưa ra những điều chỉnh để hệ thống vận hành tối ưu hơn. Nhờ đó, giúp giảm đáng kể điện năng tiêu thụ cho cả hệ thống.

Đề cao vai trò quản lý 

Theo KS.Hoàng Văn Toàn, Cán bộ phụ trách Kỹ thuật – Ban Quản lý tòa nhà, khi được đưa vào quản lý khai thác, phòng kỹ thuật đã đề xuất một số thay đổi trong thiết kế để đạt hiệu quả sử dụng năng lượng tối ưu. Cụ thể, các cán bộ kỹ thuật đã điều chỉnh vị trí lắp đặt các máng đèn, cửa gió điều hòa cấp đến gần nơi làm việc cụ thể của từng nhân viên để tránh lãng phí năng lượng.

Tại một số khu vực hành lang, khu vực công cộng, những nơi gần cửa kính có nhiều ánh sáng tự nhiên lượng bóng đèn cũng được giảm bớt và bố trí lắp đặt lại sao cho vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, lại đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Việc giảm bớt lượng bóng đèn đã giúp tòa nhà tiết kiệm được hơn 26 ngàn kWh điện mỗi năm, giảm hơn 53 triệu đồng.

Bên cạnh sự hỗ trợ của các công nghệ hiện đại, công tác quản lý giám sát cũng rất quan trọng. Tại phòng trực trung tâm luôn có cán bộ kỹ thuật giám sát 24/24h. Ngoài việc theo dõi, vận hành thiết bị tắt bật theo lịch, cán bộ kỹ thuật còn điều chỉnh vận hành thiết bị theo nhu cầu sử dụng thực tế. ½ số thang máy được tắt sau giờ hành chính và ngày nghỉ nhằm tiết kiệm năng lượng và tăng tuổi thọ cho thang. Hệ thống bơm nước sinh hoạt cũng được thiết kế vận hành bơm sẵn nước lên đầy bể mái vào ban đêm. Đây là giờ thấp điểm, giá điện rẻ giúp tiết kiệm chi phí năng lượng, lại hạn chế được tiếng ồn.

Nhờ thực hiện tốt những giải pháp tiết kiệm năng lượng, trong năm 2013, tòa nhà Mobifone đã tiết kiệm được 539.624 kWh, tương đương với hơn 1,1 tỷ đồng tiền điện và giảm phát thải 111 tấn khí CO2. Với những kết quả trên, tòa nhà Mobifone đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Quản lý năng lượng trong công nghiệp và tòa nhà 2013 – Loại hình tòa nhà.

Chia sẻ về những hoạt động tiết kiệm năng lượng tại tòa nhà, KS. Hoàng Văn Toàn cho biết: “Theo tôi, ngoài việc chú trọng đến công nghệ, thì công tác quản lý cũng đóng vai trò rất quan trọng. Bởi, máy móc dù có hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được sự quản lý linh hoạt của con người. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến việc bảo dưỡng định kỳ các thiết bị, để nâng cao tuổi thọ và hiệu suất sử dụng năng lượng. Ngoài ra, cũng cần chú trọng đào tạo chuyên môn cho các cán bộ quản lý, cũng như nâng cao ý thức của nhân viên”.

Trong thời gian sắp tới, Ban quản lý tòa nhà PMC sẽ tiếp tục duy trì thực hiện công tác quản lý năng lượng chặt chẽ cũng như bảo dưỡng, bảo trì các thiết bị như đã lên trong kế hoạch. Ngoài ra, PMC sẽ đề xuất cho lắp đặt vách ngăn tại các phòng lắp đặt thiết bị viễn thông. Hiện tại, một số phòng vẫn còn nhiều không gian trống, nên lắp vách ngăn cho khu vực này sẽ giúp tránh thất thoát nhiệt lượng làm mát của điều hòa. Với hệ thống bóng đèn chiếu sáng, phòng kỹ thuật cũng lên kế hoạch thay thế dần bóng đèn T8 đang dùng thành bóng T5 tiết kiệm điện.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Những công ty sáng tạo nhất trong lĩnh vực năng lượng

Technology Review bình chọn 50 công ty sáng tạo định hình thị trường công nghệ thế giới. Thị trường công nghệ thay đổi cực nhanh, ngay như Apple cũng phải cạnh tranh. Chỉ có 15 trong số 50 công ty trong danh sách năm rồi trụ lại được.
Đây không phải bảng xếp hạng, không đánh giá dựa trên các yếu tố định lượng như ngân sách cho R&D (nghiên cứu và phát triển) hay số lượng sáng chế, thật ra các yếu tố này cũng không hẳn xác định năng lực sáng tạo của công ty. Thay vì vậy, ở đây xem xét các khía cạnh thương mại hoá sáng tạo. Trong năm qua các công ty trong danh sách này đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường, thách thức các công ty đứng đầu hay tạo ra thị trường mới.
Năng lượng và vật liệu
12 công ty sáng tạo nhất trong năm 2013 theo Technology Review
ABB
Hoàn thiện bộ ngắt mạch cho dòng điện DC cao áp – một bước quan trọng để sử dụng rộng rãi năng lượng tái tạo.

Alta Devices
Nâng cao hiệu suất năng lượng mặt trời. Những tấm pin uốn cong được của Alta có thể dùng để cấp nguồn di động.

Ambri
Chế tạo pin kim loại lỏng có khả năng hấp thu lượng điện lớn, có thể dùng cho lưu trữ điện lưới.

Aquion Energy
Bắt đầu bán ra một loại pin mới với giá rẻ, có thể dùng để lưu trữ điện lưới.

BrightSource Energy
Khai trương nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất dùng gương phản chiếu ánh sáng lên tháp tạo hơi nước.
Corning
Sản xuất một loại kính mới mỏng và dẻo nhưng đủ cứng để sử dùng cho các thiết bị dùng màn hình cảm ứng.

Dow Chemical
Thương mại hóa tấm lợp mái kết hợp vật liệu quang điện rẻ gấp rưỡi các tấm năng lượng mặt trời hiện đang được dùng.

Nest
Tiếp thị một rơle nhiệt biết nhiệt độ ưa thích của người sử dụng và điều chỉnh để đạt hiệu quả tối ưu.

General Electric
Giúp các công ty điện lực sử dụng năng lượng gió và mặt trời.Tuabin khí mới của GE kích hoạt nhanh chóng khi nguồn điện “xanh” không sử dụng được.

Philips
Chế tạo các bóng đèn LED hiệu quả và hữu dụng hơn. Loại bóng đèn mới này có thể điều khiển bằng điện thoại và máy tính bảng.
 
Theo Technology Review

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh đồng hành cùng Techcombank cung cấp Gói giải pháp tài chính toàn diện và ưu đãi tài chính vượt trội dành riêng cho các doanh nghiệp phát triển “xanh”

Ngày 30/5/2014, tại Vĩnh Phúc, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã tổ chức Hội thảo “Khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm 2014” nhằm giới thiệu lợi ích và hướng dẫn thực hiện giải pháp kiểm toán năng lượng và các mô hình quản lý năng lượng hiệu quả. Với vai trò là ngân hàng duy nhất cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu dành riêng cho các doanh nghiệp tham gia kiểm toán năng lượng, Ngân hàng Techcombank cũng giới thiệu đến nhóm đối tượng này nhiều ưu đãi tài chính vượt trội tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển “xanh” một cách bền vững.

Theo đó, bên cạnh các giải pháp tài chính toàn diện đáp ứng tất cả các nhu cầu về tài chính của doanh nghiệp từ tín dụng, giao dịch, quản lý dòng tiền…, Techcombank còn mang đến nhiều ưu đãi vượt trội dành riêng cho nhóm doanh nghiệp tham gia kiểm toán năng lượng: 

• Gói tín dụng với với lãi suất ưu đãi, thời hạn khoản vay lên đến 24 tháng, phương thức trả gốc và tài sản đảm bảo linh hoạt, thủ tục nhanh gọn 

• Doanh nghiệp có cơ hội nhận được gói hỗ trợ đặc biệt từ Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ tài chính không hoàn lại và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư mới hoặc thay thế các dây chuyền công nghệ mới

Năng lượng đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn năng lượng không tái tạo ngày càng khan hiếm. Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, nhu cầu dùng điện mỗi năm tăng rất nhanh, tối thiểu là 12 – 13% – đạt mức gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP nhưng mức độ tăng trưởng ngành năng lượng trong nước lại chỉ đáp ứng được khoảng 60% yêu cầu. Với mức tiêu thụ năng lượng như vậy, nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm và cạn kiệt, trong khi tình trạng lãng phí năng lượng cho sản xuất, xây dựng… hiện nay rất lớn. Cùng với đó, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng thấp so với các nước phát triển đã khiến giá thành sản phẩm tăng cao và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp trọng điểm trong việc tiết kiệm năng lượng, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. 

Để tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả, khâu kiểm toán năng lượng đóng một vai trò quan trọng. Đây là cách thức để doanh nghiệp nhận diện những bất hợp lý, thất thoát, sử dụng không hiệu quả.. từ đó đánh giá được tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Sau kiểm toán, chuyên gia tư vấn sẽ đề xuất cho doanh nghiệp các giải pháp sử dụng năng lượng tối ưu nhất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, gia tăng cạnh tranh. 

Gói giải pháp tài chính toàn diện cùng với những ưu đãi của Techcombank là nền tảng tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp tham gia kiểm toán năng lượng thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng thông qua việc nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất, công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đạt hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Tin từ techcombank.com.vn

Ngày Môi trường thế giới 2014: Hãy hành động để ngăn nước biển dâng

bankimontrongrung

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon trồng cây

Hưởng ứng Năm Quốc tế các tiểu quốc đảo đang phát triển 2014 International Year of Small Island Developing States -SIDS), chủ đề Ngày Môi trường thế giới 05/6 (tạm dịch là): “Hãy hành động để ngăn nước biển dâng” (Raise your voice, not the sea level) hướng tới chủ đề rộng lớn là biến đổi khí hậu và tác động của nó.

​Thông qua đó hướng tới mục tiêu hỗ trợ cho chủ đề Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về tiểu đảo diễn ra vào tháng 9 tới và sự cấp bách phải bảo vệ các hải đảo khi phải đối mặt với các rủi ro ngày càng tăng, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu.

Quốc đảo là nơi lưu giữ các nền văn hóa và các di sản độc đáo và đang dạng cũng như là nơi có hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy nhiên, các quốc đảo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, tiêu thụ không bền vững, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, thiên tai khắc nghiệt, là nạn nhân của sự gia tăng ô nhiễm và công nhgiệp hóa trên toàn cầu.

Trong đó, biến đổi khí hậu là thách thức hàng đầu, mặc dù các quốc đảo nhỏ chỉ phát thải CO2 hằng năm ít hơn 1% lượng phát thải trên toàn thế giới nhưng họ lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biên dâng. Ủy ban Quốc tế về biến đổi khí hậu (IPCC, năm 2007) đã ước tính rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến mực nước biển dâng lên từ 180 – 590 mm vào năm 2100. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy những ước tính trên có khả năng tăng lên ít nhất hai lần.

Tính dễ bị tổn thương do sự biến đổi khí hậu, hạn chế về khả năng phục hồi sau thiên tai và sự đe dọa của đa dạng sinh học độc đáo trên các đảo. Trong 400 năm qua, đã có 724 loài động vật bị tuyệt chủng, khoảng một nửa trong số đó là các loài ở hải đảo, và có ít nhất 90% số loài chim đã tuyệt chủng trong cùng thời gian ở các đảo trên.

Cộng đồng ven biển ở mọi quốc gia sẽ bị đe dọa do lũ lụt và triều cường, trong đó các hải đảo nhỏ là những nơi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều quốc đảo với dân cư và các nền văn hóa sẽ bị nước biển nhấn chìm.

Tại Lễ khai mạc Năm Quốc tế các tiểu quốc đảo đang phát triển 2014, Tổng Thư ký LHQ Ban-Ki-moon kêu gọi : “Trái Đất chính là hòn đảo chung của tất cả chúng ta, vì vậy hãy cùng nhau bảo vệ trái đất”.

Theo nghiên cứu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), việc chuyển đổi này sẽ tạo cơ hội cho các tiểu quốc đảo quản lý vốn tự nhiên tốt hơn, bảo vệ môi trường, tạo ra các việc làm xanh để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Theo nguồn UNEP

Mười ý tưởng công nghệ xanh táo bạo

Biến đổi khí hậu, bế tắc giao thông, khủng hoảng đói nghèo: vấn đề đặt ra trong thế kỷ này có lẽ là làm thế nào để bảo đảm sự sống còn của nhân loại. Vấn đề càng lớn bao nhiêu thì các giải pháp càng phải có tầm nhìn lớn bấy nhiêu. Chúng tôi xin giới thiệu mười nhà nghiên cứu đưa ra những ý tưởng công nghệ nổi bật nhằm thay đổi thế giới.

Elon Musk: Tàu bánh sắt siêu âm

Ông là người đã đơn giản hoá việc thanh toán trên Internet bằng PayPal, đưa ô tô điện vào cuộc sống thông qua Tesla Roadster và tư nhân hoá các chuyến bay lên vũ trụ với Space X. Tới đây nhà phát minh, doanh nhân 43 tuổi này còn muốn tặng thế giới một loại phương tiện giao thông hoàn toàn mới lạ có tốc độ gấp hai lần máy bay nhưng giá lại rẻ hơn.

Ông Musk đang phát triển một loại tàu nhanh có tên Hyperloop, có sức mạnh của máy bay Concorde cộng với khẩu pháo. Ở khẩu pháo này, đầu đạn tăng tốc nhờ tác động của từ trường. Theo Musk, Hyperloop sẽ chỉ cần khoảng nửa tiếng đồng hồ để chạy quãng đường 600 km từ San Francisco tới Los Angeles.

Hơn thế nữa, tàu có thể sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời do các tế bào quang điện đặt dọc tuyến đường cung cấp. Chi phí xây dựng tuyến đường này hết khoảng sáu tỷ đôla – chỉ bằng một phần mười chi phí đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở California.

Heinrich Bülthoff: Đến văn phòng bằng máy bay không người lái

Thiết bị bay không người lái chạy điện Mycopter

Ô tô có thể chạy theo ba hướng: đi thẳng, rẽ hay chạy lùi. Khi bị ùn tắc thì ô tô chết dí một chỗ. Trong khi đó còn có một hướng đi nữa dành cho chúng mà không được tận dụng, đó là thăng thiên. Một nhóm các chuyên gia quốc tế đang nghiên cứu về cái hướng đi lên này, dự án này của EU mang tên Mycopter.

Mục tiêu: tạo đường trên không để ô tô bay được điều khiển bằng máy tính có thể đưa thẳng hành khách tới tận nơi làm việc – từ đó giảm tiêu hao năng lượng không cần thiết. Ý tưởng này không hoàn toàn là không tưởng: trong thực tế đã có những “con lai” đầu tiên giữa máy bay và ô tô, thí dụ Model Transition của Terrafugia, một doanh nghiệp khởi nghiệp ở Mỹ. Doanh nghiệp e-Volo ở Karlsruhe, Đức thậm chí đang thử nghiệm một loại trực thăng chạy điện dễ dàng điều khiển.

Dưới sự điều hành của giáo sư Heinrich Bülthoff, thuộc Viện Max-Planck về điều khiển học sinh học ở Tübingen, các nhà nghiên cứu về Mycopter muốn làm rõ, phải làm gì để tiếp tục phát triển các thiết bị bay loại này thành vật thể bay không người lái để vận chuyển hành khách, cũng như chính quyền phải ứng xử như thế nào trước những đổi thay này: trong tương lai, những người tự bay cần có bằng loại gì, quản lý giao thông bay cá nhân sẽ diễn ra như thế nào, sự tích hợp của loại hình giao thông này ở các thành phố sẽ ra sao. Các nhà nghiên cứu muốn có những lời đáp cho những câu hỏi trên để việc đi lại bằng vật thể bay cũng đơn giản như đi lại bằng ô tô.

Eduard Heindl: Biến núi thành bình ắc quy

150514_congnghexanh2

Theo các nhà khoa học, một tảng đá đè lên một cột nước có thể tích một lượng điện lên đến hai Terawatt/giờ năng lượng – tương đương lượng điện mà cả nước Đức tiêu thụ trong khoảng 30 giờ đồng hồ.

Để chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, nước Đức phải dịch chuyển những quả núi, đúng như nghĩa đen của từ đó. Đây là đề nghị của nhà khoa học ĐH Khoa học ứng dụng Furtwangen. Nhà vật lý này có ý định xây một công trình tích năng lượng khổng lồ bằng đá hoa cương, và đây sẽ là công trình nổi bật vì sự đồ sộ tương tự như Ayers Rock ở Australia.

Ông Heidl dự kiến dùng thiết bị khoan đường hầm và máy cưa đá để tách một khối đá hoa cương hình trụ (hoặc hình ống), có chiều cao trên 500 mét và đường kính một kilômét. Những kẽ hở và bề mặt của khối đá này sẽ được trát thật phẳng để bảo đảm độ khít. Lượng điện dư thừa từ các cột điện gió và từ tế bào quang điện bảo đảm cho hoạt động của cỗ máy bơm khổng lồ này, trụ đá nén khối nước khổng lồ ở bên dưới để từ đó đẩy trụ lên hàng trăm mét. Khi lưới điện cần năng lượng – thí dụ khi lặng gió – nước sẽ chảy bên dưới trụ đá hoa cương và làm cho turbine hoạt động.

Chi phí xây dựng cái gọi là kho lưu trữ năng lượng này có thể lên tới cả tỷ Euro và có thể tích được khoảng 2.000 Gigawatt giờ điện – nhiều gấp 40 lần lượng điện lưu trữ của tất cả các nhà máy bơm tích điện hiện nay của nước Đức và bằng lượng điện mà nước Đức tiêu thụ trong một ngày.

Matt Watson: Làm nguội trái đất

150514_congnghexanh3

Khi con người đã biết nhân bản cừu, đã có thể dời non chuyển núi – vậy thì còn ngại ngần gì mà không tạo ra một hoạt động của núi lửa? Đây chính là điều mà nhà nghiên cứu Matt Watson muốn đạt được với dự án Projekt SPICE của mình nhằm chấm dứt sự nóng lên của trái đất.

Nhà khoa học thuộc Đại học Bristol của Anh muốn làm được cái mà núi lửa Pinatubo (Philippines) đã từng gây ra, vụ núi lửa này bùng nổ vào năm 1991 đã làm cho nhiệt độ trái đất giảm nửa độ C vì tro núi lửa bốc lên tới tầng bình lưu và che ánh nắng mặt trời. Watson cũng muốn thổi lớp tro bụi lên tới tầng bình lưu thông qua một cái ống gắn vào phần cuối một quả cầu hellium khổng lồ lên đến độ cao 20 km. Một tầu thuỷ chạy trên biển là cơ sở phục vụ cho toàn bộ quá trình này.

Thử nghiệm lắp đặt đầu tiên ở quy mô nhỏ dự định tiến hành vào năm 2012 nhưng đã phải ngưng lại. Nay Watson có ý định phát triển ý tưởng của mình trước hết ở trong phòng thí nghiệm.

Yasuyuki Fukumuro: Tạo ra điện trên không gian

150514_congnghexanh4

Trong tương lai nhà máy điện mặt trời trên không gian có thể phóng năng lượng xuống trái đất.

Vị trí tốt nhất để làm nhà máy điện mặt trời ở đâu? Theo Yasuyuki Fukumuro, phụ trách dự án Space Solar Power Systems thuộc Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Nhật bản Jaxa, thì vị trí thích hợp nhất để đặt nhà máy điện mặt trời là trên quỹ đạo trái đất. Đây là nơi luôn chói chang ánh sáng mặt trời, không bao giờ có mây che phủ – đó là những đặc điểm nổi bật của vị trí này.

Fukumuro dự định sẽ truyền tải điện thông qua tia vi sóng tới một trạm trên mặt đất. Một nghiên cứu của International Academy of Astronautics cho hay, từ 10 đến 20 năm tới có thể xây dựng nhà máy điện đầu tiên trên quỹ đạo.

Tuy nhiên việc bắn các tế bào quang điện lên vũ trụ bằng tên lửa có hiệu quả hay không, đây còn là chuyện rất xa vời. Một điều chắc chắn phải được giải quyết là làm sao để giảm đáng kể trọng lượng của tế bào quang điện, hay sản xuất chúng thông qua máy in ngay trên vũ trụ.

Claudio Lenoardi: Máy bay gá lắp

150514_congnghexanh5

Việc gá lắp các khoang máy bay sẽ làm cho hành khách cũng như hành lý, hàng hoá lên máy may nhanh chóng hơn. Đến một ngày nào đó người ta có thể gá lắp các container chứa khí hydro hay các thùng chứa bình ắc quy vào những chiếc máy bay dùng năng lượng điện.

Claudio Leonardi, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne đang xúc tiến một đề án mang tên Clip-Air , theo đó hành khách đi máy bay trong tương lai khi xuất phát từ một ga xe lửa có thể lên khoang đa chức năng đi thẳng ra sân bay bằng đường sắt, từ đây lên thẳng máy bay mà không cần hoàn tất các thủ tục để lên máy bay.

Có thể lắp tới ba cabin, mỗi cabin dài 30 mét tại sân bay vào một loại máy bay chuyên dụng. Mỗi cabin có thể chứa tới 150 hành khách, tương đương một máy bay Airbus-A320. Cũng có thể gá lắp các khoang chở hàng hoá, hành lý theo nhu cầu vào chiếc máy bay này.

Ý tưởng này còn tiếp tục được Đại học Glasgow phát triển. Hệ thống Horizon của họ gồm một tàu lượn hoạt động bằng điện, luôn ở gần một đường băng chuyên dụng ở sân bay và chỉ tiếp đất khi ca bin tàu hỏa tới và gá lắp vào, sau đó lại cất cánh bay tiếp. Bên cạnh hành khách trong các ca bin này còn có các bình ắc quy mới nạp điện để máy bay có thể tiếp tục bay. Khi hạ cánh, những ca bin này tách khỏi máy bay và chạy tiếp đến các thành phố khác thông qua truyền động từ tính.

Michael Sterner: Tàu thuỷ trở thành máy phát điện

Hiện đã có một số ý tưởng về việc khai thác năng lượng từ biển cả. Tuy nhiên chưa có phương án nào tiến xa như phương án của Michael Sterner, giáo sư về tích năng lượng và hệ thống năng lượng thuộc ĐH Khoa học ứng dụng Regensburg, Đức. Ông dự định dùng những tàu thuỷ dài khoảng 100 mét điều khiển bằng computer hoạt động trên Bắc Đại tây dương để tạo ra khí hydro.

Ngay khi có gió đẩy tàu chạy, dòng nước sẽ làm cho turbine tích hợp trong con tàu tạo ra điện từ đó thông qua điện phân để sản xuất khí hydro. Sterner cho rằng, trong điều kiện thuận lợi về gió, con tàu có thể tạo ra năng lượng ổn định dưới dạng khí hydro và tích trong những thùng lớn. Sau đó, khí hydro sẽ được bơm sang những thùng lớn trên bờ và nguồn năng lượng này có thể sử dụng thí dụ với ô tô chạy bằng khí hydro.

Cánh buồm là những Flettnerrotor, đây là những turbine gió dạng thẳng đứng. Một con tàu có thể tạo ra hai Megawatt điện. Các bộ phận cấu thành hiện đã có – giờ cần có người đứng ra đóng con tàu năng lượng đầu tiên này.

Edmund Kelly: Nhà máy điện mặt trời bồng bềnh

Thông thường các nhà máy điện mặt trời có năng suất cao hơn khi được mặt trời chiếu sáng nhiều hơn. Vì vậy từ lâu các nhà khoa học đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên sa mạc và thậm chí cả trên không gian. Nhà nghiên cứu Edmund Kelly ở California và doanh nghiệp khởi nghiệp Stratosolar của ông đang tính đến một phương án mới: xây dựng các nhà máy điện mặt trời và neo lơ lửng trên tầng bình lưu.

Những quả bong bóng khổng lồ chứa hàng nghìn tấn khí nhiên liệu mang theo những tế bào quang điện mỏng dính lên bầu trời ở độ cao 20 km.

Đây là nơi mặt trời chiếu sáng liên tục suốt cả ngày, không có gió và không khí rất lạnh do đó hiệu suất của điện mặt trời ở đây cao hơn nhiều so với ở trên mặt đất. Dòng điện từ quả bóng quang điện trên không khổng lồ được truyền qua giây cáp xuống trái đất, dây cáp này đồng thời cũng là giây neo bong bóng. Theo tính toán của nhà nghiên cứu Kelly, mặc dù chi phí xây dựng cực kỳ lớn nhưng giá thành điện mặt trời trên tầng bình lưu rẻ hơn gấp ba lần so với giá thành điện mặt trời trên trái đất hiện nay.

Neil Palmer: Tái tạo điện từ những tia chớp

Bầu khí quyển trái đất có điện tích cực lớn. Mỗi ngày trên thế giới có tới ba triệu tia chớp trên bầu trời. Một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Southampton (Anh) do nhà vật lý Neil Palmer đứng đầu cùng với các nhà nghiên cứu của hãng chế tạo điện thoại di động Phần Lan Nokia đã xem xét khả năng tận dụng năng lượng này để vận hành các thiết bị điện trong cuộc sống của chúng ta.

Các nhà khoa học đã tạo được những tia chớp mạnh 200.000 Volt ở trong phòng thí nghiệm, họ dùng một thiết bị thu chuyên dụng để tiếp nhận nguồn năng lượng này và nạp dòng điện vào một Lumia-925-Smartphone, mà không làm tổn hại đến chiếc điện thoại di động. Cũng với cách tương tự, các nhà nghiên cứu khác cũng sử dụng những cột tháp khổng lồ để bắt các tia chớp và từ đó gặt hái điện từ không khí. Vấn đề là ở chỗ: việc này diễn ra như thế nào và liệu có hiệu quả hay không, đây vẫn là những câu hỏi còn để ngỏ.

Louis Michaud: Lấy điện từ những cơn lốc xoáy

Kỹ sư Louis Michaud đang nghiên cứu tại một cơ sở thí nghiệm về nhà máy điện lốc xoáy.

Lốc xoáy là nỗi kinh hoàng với rất nhiều người. Riêng kỹ sư Louis Michaud người Canada lại thấy lốc xoáy cực kỳ hấp dẫn đến mức ông tìm cách tạo ra chúng. Viên kỹ sư này muốn cùng doanh nghiệp khởi nghiệp Avetec của mình xây dựng các nhà máy điện tạo lốc xoáy để làm ra điện. Ông sử dụng nguồn khí thải nóng từ các nhà máy luyện thép hay nhà máy nhiệt điện cho chạy qua những ống khói cao và không khí bốc lên cao theo chiều xoắn ốc.

Không khí bên ngoài lạnh hơn nên phía trên ống khói hình thành một lực hút xoáy, điều này tạo ra một lốc xoáy cao khoảng 40 mét. Nhà nghiên cứu Michaud hy vọng năng lượng hình thành ở đây đủ để vận hành một turbine ở dưới chân tháp và từ đó tạo ra điện.

Bằng cách này có thể dùng khí thải nóng của một nhà máy điện chạy than công suất 500 Megawatt tạo ra lốc xoáy trong tháp thêm một lượng điện lên tới 200 Megawat.

Kỹ sư Michaud đã nhận được một sự hỗ trợ đắc lực của Peter Thiel, nguyên CEO ở PayPal và là nhà đầu tư số một tại Facebook – ông này đóng góp 300.000 đôla để xây dựng một nguyên mẫu.

Theo Xuân Hoài/Tạp chí Tia Sáng, 14/05/2014