Tạo ra pin quang năng rẻ và hiệu quả từ sợi nano

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển) cho biết, việc sử dụng các sợi nano để sản xuất ra những tấm pin năng lượng mặt trời chi phí thấp và hiệu quả hơn là điều hoàn toàn có thể.


Pin quang năng từ sợi nano hứa hẹn sẽ thay thế các tấm pin mặt trời vốn đắt đỏ hiện nay
(Ảnh: sciencedaily)

Các chuyên gia về công nghệ quang năng thường kết hợp các loại vật liệu bán dẫn khác nhau để tạo ra loại pin khai thác hiệu quả nguồn năng lượng dồi dào từ Mặt trời. Tuy nhiên, công nghệ này rất đắt đỏ nên khó ứng dụng trong cuộc sống.
Kỹ thuật mới của Đại học Lund dựa vào các sợi nano được tạo thành từ chất bán dẫn indium phốt pho và hoạt động giống như một ăng-ten có thể hấp thu ánh sáng Mặt trời và sản xuất điện. Theo đó, các sợi nano được sắp xếp trên các khuôn có diện tích 1 mm2 mà mỗi khuôn như vậy chứa đến 4 triệu sợi nano.
Do kích cỡ siêu nhỏ, các sợi nano có thể được kết hợp với các vật liệu tương tự nhau dễ hơn so với các vật liệu chế tạo pin quang năng thông thường (chẳng hạn như silicon), và vì vậy cũng đạt hiệu quả cao hơn mà giá thành lại thấp.
Giáo sư vật lý Knut Deppert và cộng sự khẳng định hiệu quả hấp thu năng lượng công nghệ này hiện đạt 13,8%, cao hơn mức 10% của các tấm pin hiện hành. Họ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và tin tưởng sẽ nâng cao hơn nữa hiệu suất của loại pin quang năng làm từ sợi nano này.
Nghiên cứu thuộc dự án AMON-RA do Liên minh châu Âu tài trợ đã được công bố trên tạp chí Khoa học số mới nhất.
Songxanh