Tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho người nghèo ở nông thôn

Đây là mục tiêu của chương trình chung “sản xuất và thương mại xanh nhằm tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho người nghèo ở nông thôn” nhằm hỗ trợ 4.800 hộ nghèo sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và nguyên liệu ở 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình và Phú Thọ. Chương trình tập trung vào năm chuỗi giá trị mây tre, lụa, cói, đồ sơn mài và giấy thủ công được thực hiện trong 3 năm 2010 – 2012 và mở rộng đến tháng 6/2013.

Dự án do 5 cơ quan của liên hợp quốc bao gồm tổ chức lương thực và nông nghiệp liên hợp quốc (FAO), tổ chức lao động quốc tế (ILO), trung tâm thương mại quốc tế (ITC), hội nghị về thương mại và phát triển của liên hợp quốc (UNCTAD) và tổ chức phát triển công nghiệp liên hiệp quốc (UNIDO) phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC).

Toàn cảnh hội thảo

Vừa qua, ngày 23/01/2013, hội thảo “chia sẻ kết quả sản xuất sạch hơn và đổi mới sản phẩm bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội với sự có mặt các đại diện các tổ chức quốc tế, Cục xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, ban quản lý dự án thuộc 4 tỉnh và Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC). Hội thảo đã được nghe các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đánh giá kết quả thực hiện dự án, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các kỹ thuật sản xuất sạch hơn(SXSH), đổi mới sản phẩm bền vững, xây dựng thương hiệu xanh cho ngành thủ công.

Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận phương thức SXSH(giảm các hoá chất độc hại, chất thải và ô nhiễm môi trường). Đồng thời áp dụng công nghệ cải tiến cùng thiết kế bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ định hướng xuất khẩu cũng như các kỹ thuật chế biến. Chương trình cũng giới thiệu các tiêu chuẩn và phương thức thích hợp đối với người lao động để cải thiện điều kiện làm việc theo hướng tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã tư vấn thêm các kỹ năng hoạt động doanh nghiệp ở cấp cơ sở, tăng cường kỹ năng kinh doanh, kỹ năng gia tăng nội lực cho cuộc sống và kỹ năng thành lập nhóm kinh doanh cho các hộ gia đình.

Cụ thể, theo báo cáo của hợp phần sản xuất sạch – UNIDO, chương trình đã tiến hành đánh giá sản xuất sạch hơn cho 48 doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo 40 giảng viên về SXSH và thiết kế các sản phẩm bền vững, tổ chức 48 lớp học cho hơn 1500 người dân về kỹ năng nghề, SXSH, thiết kế và đóng gói sản phẩm. Từ kết quả khảo sát, dự án cũng đã lựa chọn ra 10 hợp tác xã và 12 doanh nghiệp để hỗ trợ thiết bị. Điển hình như dây truyền chế tạo tăm tre, que chân hương tại hợp tác xã Diễn Vạn (Nghệ An), máy chẻ nứa, chà nhám, nghiền gỗ tại công ty L&V (Phú Thọ), máy quại lõi, buồng sấy cói, máy chẻ cói tại hợp tác xã Nga Tân (Thanh Hóa)…

Phát triển nhanh làng nghề là một trong những mục tiêu của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn và tăng cường xuất khẩu. Thành công của dự án đã và đang góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh và cơ hội mở rộng thị trường cho ngành tiểu thủ công nghiệp Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Tiến sĩ Patrick J.Gilabert – Đại diện văn phòng UNIDO tại Việt Nam phát biểu khai mạc

Ông Juan Ovejero Dohn – Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha tại Hà Nội phát biểu chào mừng

Ông Đỗ Kim Lang – Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị

Tiến sĩ Rene Van Berkel – Giám đốc dự án UNIDO chia sẻ kết quả dự án Sản xuất và thương mại xanh trong việc hỗ trợ nền công nghệ xanh cho Việt Nam

Ông Lê Xuân Thịnh – Chuyên gia tư vấn VNCPC chia sẻ kết quả hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình phát triển biền vững

Sản phẩm lụa tơ tằm được nhuộm từ các chất liệu tự nhiên có sẵn tại Việt Nam (lá bàng, lá chè, cà phê, vỏ măng cụt… ) được trưng bày tại hội thảo

Sản phẩm sơn mài của công ty L&V áp dụng công nghệ  Kurome – Nhật Bản

Máy chế biến sơn theo công nghệ Kurome – Nhật Bản

Sản phẩm khăn lụa tơ tằm – Hợp tác xã Hoa Tiến

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Lĩnh – Chuyên gia tư vấn tham luận về xu thế nhuộm màu tự nhiên cho lụa trong tương lai

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Phương Hòa – Chuyên gia tư vấn chia sẻ về ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường trong xử lý tre

Ông Nguyễn Hồng Long – Chuyên gia tư vấn VNCPC  chia sẻ những điểm cốt lõi trong sản xuất và tiêu dùng bền vững

Các đại biểu tham gia góp ý và đặt câu hỏi tại hội thảo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nhân – Giám đốc VNCPC giải đáp thắc mắc của các đại biểu