Tín dụng xanh: Mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam

Với vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngân hàng đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh đang là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Hướng đi tất yếu1738273

Hưởng ứng Chiến lược tăng trưởng xanh năm 2012 và Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2014 của Chính phủ, đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại được khuyến khích ưu tiên cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thông qua Chỉ thị 03, Thống đốc NHNN yêu cầu Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị khác triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo chi nhánh NHNN tại các địa phương tham mưu cho lãnh đạo NHNN nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Riêng đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu mỗi đơn vị căn cứ trên chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cũng như kế hoạch hành động của bộ, ngành và ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố để triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh cụ thể cho đơn vị của mình nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục đầu tư tín dụng.

Thực tế cho thấy, trong 4 – 5 năm trở lại đây, một số tổ chức tài chính quốc tế hoạt động tại Việt Nam như WB, IFC, ADB đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc nhận tài trợ của họ phải tuân theo. Sau khi mở rộng phạm vi hoạt động cũng như tăng cường mạng lưới liên kết, tính đến thời điểm hiện nay đã có hàng chục ngân hàng thương mại trong nước tham gia thực hiện bộ tiêu chuẩn này. Tiêu biểu có thể kể đến các ngân hàng lớn như ACB, Sacombank, Techcombank, VietinBank, VIB… Các ngân hàng này thông qua Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sỹ thành lập tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai khá hiệu quả các hoạt động cho vay có bảo lãnh đối với các dự án thân thiện với môi trường. Hầu hết các dự án được xem xét cho vay vốn đều được bảo lãnh 50% và hoàn trả một phần (25%) khi hoàn công và bàn giao cho bên sử dụng.

Theo một số nghiên cứu đánh giá của Tổ chức PanNature, hiện nay đa số cán bộ tín dụng của các ngân hàng thương mại trong nước chưa thực sự quan tâm đến các rủi ro về môi trường, xã hội khi thẩm định dự án. Tuy nhiên, theo những khảo sát của GCTF, thì xu hướng mở rộng các điều kiện xem xét cho vay đối với các dự án có tính đến yếu tố tác động môi trường đang được nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện.

Ghi nhận của GCTF tính đến thời điểm hiện nay đã có trên 60 doanh nghiệp tại Việt Nam gửi hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ tín dụng theo chương trình tín dụng xanh. Trong đó, 40 hồ sơ đã đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu, 30 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và 12 dự án đã được các ngân hàng thương mại giải ngân cho vay.

Bên cạnh đó, ngoài Quỹ GCTF, còn có một số quỹ tín dụng xanh khác cũng đang hoạt động khá hiệu quả như Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Quay vòng (tại thành phố Hồ Chí Minh). Tính đến cuối năm 2014, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay hơn 566 tỷ đồng với tổng số 113 dự án. Quỹ Quay vòng kiểm soát ô nhiễm công nghiệp tại các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cũng đã cho vay khoảng 100 dự án với lãi suất 4%/năm.

Khi tham gia vay vốn tại các quỹ tín dụng xanh thông thường thời gian xem xét cho một dự án là 75 ngày. Các dự án đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp nếu đạt được tiêu chí về giảm thiểu tác động đến môi trường sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ quỹ theo 2 hình thức là bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay hoặc thưởng từ 15 – 25% tổng giá trị khoản vay tùy từng trường hợp.

Như vậy, mặc dù mới chỉ là những bước đi ban đầu, nhưng hoạt động cho vay có bảo lãnh thông qua các quỹ tín dụng xanh đã được các ngân hàng thương mại trong nước hưởng ứng khá tích cực. Với xu hướng ngày càng chú trọng nhiều hơn đến quản trị rủi ro đối với các khoản vay, rõ ràng Chỉ thị 03 mà NHNN vừa ban hành là một trong những động cơ kích thích các tổ chức tín dụng có những “bước đi” mạnh dạn và cụ thể hơn trong lộ trình xây dựng bộ tiêu chuẩn “ngân hàng xanh” trên phạm vi toàn hệ thống.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), với vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo bà Thanh, tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường. “Vấn đề ngân hàng xanh, tín dụng xanh đang được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, tại Việt Nam hoạt động này còn mới mẻ, các giải pháp về tài chính xanh, ngân hàng xanh còn ít và chưa được triển khai rộng rãi trong toàn ngành”, bà Thanh chia sẻ.

Thêm nhiều ưu đãi và giải pháp hỗ trợ

Một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nếu để giảm cường độ rác thải từ 8 – 10%/năm hoặc có thể tăng gấp đôi nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, thì từ nay đến năm 2020 sẽ cần khoảng 30 tỷ USD tiền vốn, trong đó có khoảng 30% từ ngân sách nhà nước, 70% còn lại là từ khu vực tư nhân. Ước tính hàng năm chi cho biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cũng chiếm trên 10% chi thường xuyên của Chính phủ. Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh đề ra, vai trò của ngành ngân hàng là rất quan trọng.

Cũng theo chuyên gia trên, nếu ngân hàng chỉ đưa ra những sản phẩm như bình thường thì rất khó tăng tín dụng xanh, bởi các dự án tăng trưởng xanh không phải là dự án luôn đem lại lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Vậy nên, ngành ngân hàng muốn hỗ trợ tăng trưởng xanh thì cần phải có những sản phẩm khác so với các sản phẩm thông thường thì mới hỗ trợ được các doanh nghiệp tham gia tăng trưởng xanh. Trong khi đó, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, cần phải có những hành động thiết thực hơn đối với tăng trưởng xanh như: Cho tái cấp vốn với lãi suất thấp, thực hiện các ưu đãi thuế, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ngân hàng…

Ông Nguyễn Việt Đức, Phó giám đốc khối Quản lý rủi ro ABBank chia sẻ, ngân hàng đặc biệt lưu tâm tới các nội dung phát triển toàn diện và bền vững. Về cơ bản, ABBank đã hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Hệ thống này được tích hợp vào quy trình kinh doanh, quy trình cấp tín dụng và áp dụng đồng bộ với các quy trình quản lý rủi ro hiện hành tại ngân hàng. ABBank cũng thực hiện phân công nhân sự chuyên trách để có những báo cáo kịp thời về tiến độ và hiệu quả của việc áp dụng chính sách vào thực tiễn nhằm đảm bảo các chủ trương quản trị rủi ro môi trường và xã hội được thực hiện đúng và đầy đủ. Để tạo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng, ông Đức kiến nghị, các cơ quan quản lý tiếp tục ban hành những chính sách, cơ chế phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy xu hướng tăng trưởng bền vững này.

Theo Trọng Triết – nif.mof.gov.vn

GCTF tham gia Vietfish 2015 – Hội chợ chuyên ngành thuỷ sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 24-26/08/2015, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, Tp. Hồ Chí Minh diễn ra Hội chợ chuyên ngành thuỷ sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á với hơn 200 đơn vị triển lãm trong và ngoài nước.

Hàng năm Hội chợ thu hút khoảng 200 đơn vị triển lãm trong và ngoài nước, gần 30,000 lượt khách trong nước và quốc tế tham quan. Triển lãm nhằm góp phần giúp các đơn vị tham gia tìm được khách hàng mới đồng thời củng cố mối quan hệ với các đối tác cũ, đánh giá được xu hướng thị trường và thị hiếu người tiêu dùng, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp.

IMGP1955

Hội chợ Vietfish 2015 

Trong khuôn khổ Vietfish 2015 còn diễn ra các Hội thảo: Chất lượng và thị phần cá tra tại EU; Tôm outlook; Kênh bán lẻ nội địa và nhu cầu hàng thuỷ sản VN chất lượng cao; Kỹ thuật bảo quản duy trì độ tươi nhằm nâng cao giá trị gia tăng hàng thuỷ sản; Cải thiện bao bì đóng gói sản phẩm thuỷ sản theo hướng bền vững; Cơ hội cho ngành thuỷ sản khi gia nhập FTAs; Vận động chính sách VASEP 2015 …

DSC_2992

Gian triển lãm của Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh (GCTF)

Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh (GCTF) cũng tham gia Hội chợ nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, các nhà cung ứng thiết bị và giải pháp kỹ thuật công nghệ cũng như các đơn vị quan tâm một cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho các dự án thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm tác động môi trường.

DSC_3024

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh tiếp xúc với doanh nghiệp

Đại diện Quỹ GCTF đã tiếp xúc với một số nhà cung ứng thiết bị như Công ty TNHH lắp đặt điện lạnh kỹ thuật thương mại Việt, Công ty TNHH MTV Mayekawa Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Kỹ thuật Đông Dương Vi Na với mong muốn hợp tác làm việc để đem lại cơ hội chuyển đổi công nghệ khả thi về mặt tài chính cũng như kỹ thuật cho doanh nghiệp.

Tại Hội chợ triển lãm, các doanh nghiệp có cơ hội được tư vấn trực tiếp cũng như hướng dẫn đầy đủ về cách nộp hồ sơ đăng ký với Quỹ.

Mọi thông tin về Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh, xin liên hệ:

    Ms Nguyễn Lê Hằng 

  • Điều phối viên Quỹ GCTF
  • Email: [email protected]
  • Tel: 04 3868 4849 – số máy lẻ 14
  • ĐT: 0912 467 692

Theo Admin GCTF

Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh tham gia Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”

Hội thảo giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” đã được tổ chức thành công tại 3 KCN trọng tâm thuộc tỉnh Ninh Bình, thành phố Cần Thơ và thành phố Đà Nẵng.

Là một trong những cơ chế tài chính cam kết tham gia Dự án, đại diện của GCTF đã tham dự Hội thảo nhằm giới thiệu cơ chế hỗ trợ tài chính của Quỹ trực tiếp tới các doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư đổi mới thiết bị/công nghệ theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất và đồng thời thân thiện với môi trường.

Trong khuôn khổ Dự án, các doanh nghiệp tại các KCN Khánh Phú – Ninh Bình, KCN Trà Nóc 1&2 – Cần Thơ và KCN Hoà Khánh – Đà Nẵng sẽ được đào tạo về nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), được hỗ trợ tư vấn và ưu đãi tài chính để đổi mới công nghệ nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường. Hỗ trợ của Dự án được thực hiện theo quy trình toàn diện gồm: đánh giá hiện trạng, xác định tiềm năng và phương án chuyển đổi, lập hồ sơ vay vốn để tiếp cận các nguồn hỗ trợ tài chính như Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (bảo lãnh 50% và trả thưởng tới 25% vốn vay ) hoặc hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia với các dự án thay đổi công nghệ khả thi.

Sau các phần tham luận giới thiệu các hoạt động và lợi ích đem lại từ Dự án, các cơ chế tài chính tham gia Dự án cũng như Đánh giá tiềm năng nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại các doanh nghiệp thuộc 3 KCN thí điểm của Dự án, phiên thảo luận đã nhận được nhiều câu hỏi từ phía doanh nghiệp liên quan tới các lợi ích cụ thể mà doanh nghiệp có thể nhận được khi tham gia dự án. Đại diện Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh – Bà Nguyễn Lê Hằng – đã giải đáp chi tiết các câu hỏi liên quan đến cơ hội nhận được hỗ trợ tài chính từ Quỹ cũng như cách thức tiếp cận với Quỹ.

IMG_2797

Bà Nguyễn Lê Hằng – đại diện cho Quỹ Uỷ thác Tín dụng xanh giải đáp câu hỏi liên quan đến Quỹ

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều bày tỏ sự quan tâm đến Dự án và cam kết sẽ tham gia tích cực với mong muốn được tiếp cận và hỗ trợ về kỹ thuật cũng như tài chính ưu đãi để đầu tư ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng tài nguyên hiệu quả, góp phần xây dựng mô hình KCN sinh thái bền vững.

Theo Admin GCTF