Hỗ trợ doanh nghiệp xanh để phát triển bền vững

Để phát triển thành công, mỗi doanh nghiệp (DN) và cấp lãnh đạo cần một tầm nhìn và tư duy mới, hướng tới việc tạo ra những giá trị bền vững và có hành động cụ thể chung tay góp sức vì một thế giới tốt đẹp hơn. Doanh nghiệp chỉ có thể thành công nếu truyền được cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới cùng thực hiện những hành động nhỏ mỗi ngày. Từ đó, góp phần thay đổi thế giới và tạo một cuộc sống bền vững cho tất cả chúng ta.

Đó là sự chia sẻ rất chân tình của ông Doug Baillie, Chủ tịch Phụ trách nhân sự Unilever toàn cầu, cùng các vị lãnh đạo cao cấp của Công ty Unilever Việt Nam với hơn 200 các bạn sinh viên Trường Đại học Ngoại thương TPHCM. Đây cũng là những gì mà Việt Nam nói chung và TPHCM mong muốn hướng tới.

Không đổi môi trường vì kinh tế

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã hy sinh môi trường hơn 20 năm để phát triển kinh tế. Đến thời điểm này, kinh tế phát triển mạnh nhưng tình trạng suy thoái chất lượng môi trường cũng không ngừng tăng lên. Điển hình nhất là phần lớn kênh rạch, sông ngòi đều nhuốm màu ô nhiễm. Tại TPHCM, chất lượng nước hầu hết các kênh rạch đều ở mức chết. Vi sinh gần như không thể sống được trong nước. Xuất phát từ thực tế đó mà chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã được đề ra và được UBND TPHCM chấp thuận đưa lên làm một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của thành phố từ nay đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020.

 
Công ty dược phẩm Trung ương 25, một trong những đơn vị đoạt giải thưởng Doanh nghiệp xanh.

Để thực hiện mục tiêu này, nhiều giải pháp giảm thiểu phát thải chất thải gây ô nhiễm môi trường đã được đề ra. Cụ thể, tăng cường thanh kiểm tra DN gây ô nhiễm nghiêm trọng; rà soát thống kê tất cả nguồn thải là DN có khối lượng lớn từ 50m³/ngày; buộc tạm ngưng hoạt động nhiều DN tái vi phạm môi trường nghiêm trọng; thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa kêu gọi đầu tư nhiều dự án cải tạo hạ tầng xử lý chất thải… Những giải pháp này đã và đang dần tạo nên những chuyển biến mới trong việc cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, để tăng tính khuyến khích, từng bước phát huy tính tự giác của DN trong việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, UBND TPHCM đã triển khai chương trình trao giải thưởng Doanh nghiệp xanh. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những DN thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường.

Mặt khác, thông qua hình thức tôn vinh sẽ giúp cộng đồng nhận diện rõ hơn đâu là DN xanh và sản phẩm mà họ sản xuất ra. Từ đó, có chính sách kêu gọi cộng đồng ủng hộ tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp.

Tạo sự hỗ trợ đa chiều cho doanh nghiệp

Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường của Sở TN-MT TPHCM Hà Dũng cho biết, giải thưởng Doanh nghiệp xanh được UBND TPHCM triển khai từ năm 2006. Cho đến nay, giải thưởng đã được cải cách nhiều lần nhằm phù hợp hơn với yêu cầu thực tế. Một trong những cải cách được đánh giá cao nhất là kết hợp hình thức khen tặng danh hiệu Doanh nghiệp xanh với vận động cộng đồng ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của DN đạt chứng nhận này.

Cụ thể, vào tháng 12 hàng năm sau khi xét tuyển hồ sơ đăng ký của DN xanh, thực hiện thẩm định thực tế đối chiếu với thông tin hồ sơ đăng ký, hội đồng chấm giải sẽ chọn ra những DN tiêu biểu trao chứng nhận Doanh nghiệp xanh. Kế đến, tháng 6 hàng năm, ban tổ chức sẽ tổ chức chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh. Chiến dịch được thực hiện xuyên suốt một tháng.

Theo đó, những thông tin thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và sản phẩm của DN xanh sẽ được thông qua tình nguyện viên đưa đến cho cộng đồng. Các tình nguyện viên sẽ trực tiếp đến từng khu phố, từng hộ dân để vận động cộng đồng ưu tiên tiêu thụ sản phẩm của DN xanh.

Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc thường trực Sở Công thương, khẳng định, cách làm trên cũng là hình thức phát huy quyền của người tiêu dùng. Nếu đẩy mạnh được hoạt động này, góp phần tạo nên thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng sẽ rất có lợi cho việc cải thiện chất lượng môi trường sống. Khi người dân chỉ chọn sản phẩm của các DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường thì chắc chắn sẽ buộc các DN phải tự hoàn thiện mình để sản xuất xanh, sạch và thân thiện với môi trường hơn để được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Và nếu ngày càng có nhiều DN xanh như thế thì rõ ràng là môi trường sống sẽ xanh hơn, an toàn hơn cho sức khỏe của cộng đồng.

Ông Hà Dũng cũng cho biết thêm, ngoài việc thẩm định và chứng nhận DN đạt tiêu chí giải thưởng Doanh nghiệp xanh, từ năm 2012 trở đi, Ban tổ chức sẽ hỗ trợ, tư vấn giúp DN hoàn thiện hơn khâu bảo vệ môi trường, tạo điều kiện để họ thực hiện tốt luật bảo vệ môi trường và hướng tới đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh.

Trên thực tế, Bộ Y tế đã đưa ra con số cảnh báo khi mỗi năm nước ta có khoảng 20.000 người chết vì bệnh ung thư do tiếp xúc phải nguồn thải ô nhiễm. Và nếu tình trạng suy thoái môi trường hiện nay không sớm được ngăn chặng thì khó để kiểm soát được vấn đề an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Ông Doug Baillie nhấn mạnh thêm, thế giới hiện đại ngày nay đang phải đối mặt: dân số tăng lên chóng mặt, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khí hậu biến đổi nhanh, thiếu lương thực, bệnh tật do sử dụng nguồn nước ô nhiễm, ý thức vệ sinh kém…

Đồng thời, đặt ra một bài toán cho tất cả mọi người, từ chính phủ đến các DN, cần tìm một mô hình phát triển mới cân bằng được lợi ích kinh tế và vấn đề bảo vệ môi trường. Đây là một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ 21, không chỉ buộc các chính phủ và DN hành động kịp thời, mà còn là vấn đề mà cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ – những người chủ tương lai củađất nước cần ý thức ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

MINH XUÂN

(sggp.org.vn)

tag: Vay Tiềnsản xuất sạch hơnchất thải công nghiệpBảo lãnhsản xuất sạch hơn trong công nghiệp Dây chuyền sản xuấtquỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh 

Sản xuất sạch giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

“Sản xuất sạch hơn sẽ giúp cải thiện hình ảnh công ty, làm tăng lợi nhuận về kinh tế, tăng năng suất lao động, nhất là giảm lượng chất thải, khí thải độc hại góp phần tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp (DN). Các DN khác cũng nên áp dụng rộng rãi công nghệ này để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường”. Đây là những nhận định của nhiều công ty khi làm việc với ban tổ chức giải thưởng Doanh nghiệp xanh do UBND TPHCM chủ trì, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện.

 
Công ty cổ phần bột giặt Lix đang áp dụng dây chuyền sản xuất sạch.

Tăng lợi nhuận

Ông Trần Quốc Anh, Phó giám đốc Công ty Nhựa Duy Tân, cho biết, việc sản xuất sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lượng điện năng rất lớn nên công ty đã áp dụng nhiều biện pháp sản xuất sạch hơn để giảm được chi phí. Theo đó, công ty đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt biến tần cho các máy thổi thế hệ cũ đang sử dụng động cơ thủy lực để giảm lượng điện tiêu thụ. Kết quả là trung bình hàng tháng công ty tiết kiệm được khoảng 10%-25% lượng điện tiêu thụ. Một giải pháp có thể nói quan trọng nhất của công ty, nếu không muốn nói là quyết định đến sự sinh tồn của công ty là việc chuyển sang sản xuất nguyên liệu thân thiện với môi trường.

Trước đây, công ty thường sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa PVC. Loại nhựa này khi gia nhiệt ở nhiệt độ cao sẽ phát sinh ra các khí gốc Cloride – khí góp phần gây thủng tầng ozone. Không chỉ vậy, sản xuất bao bì PVC có sử dụng nhiều hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Từ thực tế đó, năm 2010 Công ty Duy Tân cải tổ toàn bộ hoạt động sản xuất. Đầu tiên là thực hiện kế hoạch chấm dứt sử dụng PVC và thay thế bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường P.E.T. Công ty đã đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất P.E.T mới từ châu Âu và thiết bị phụ trợ từ Nhật Bản. Kể từ năm 2011 đến nay, công ty đã hoàn toàn chấm dứt sử dụng màng co PVC.

Tương tự, hiệu quả của việc sản xuất sạch đã và đang được phát huy mạnh mẽ tại nhiều công ty như Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình, Nhà máy Sữa Trường Thọ, Nhà máy Sữa Thống nhất, Công ty Unilever Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm trung ương 25, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long… Đại diện Công ty Dược phẩm 2-9 nhấn mạnh, phương châm hoạt động của nhà máy là luôn hướng tới sản xuất sạch và kiểm soát các nguồn ô nhiễm một cách có hiệu quả. Do vậy, trong quá trình sản xuất, công ty luôn thực hiện theo đúng quy định về tăng cường công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để làm được điều này thì vai trò của lãnh đạo công ty rất quan trọng. Bản thân họ phải quyết tâm và nhất quán trong quan điểm cải thiện hoạt động sản xuất của công ty theo hướng xanh, sạch hơn. Từ đó mới tạo cơ sở để phổ biến rộng rãi tới tất cả cán bộ công nhân viên trong công ty.

Tạo nhiều cơ hội

Ông Bùi Văn Huống, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long, khẳng định, phát triển theo hướng xanh hơn không những giúp DN có thể tiết giảm chi phí trong sản xuất nhờ sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hợp lý mà còn giúp giảm chi phí cho hoạt động xử lý chất thải. Ông Nguyễn Trung Việt, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, hiện DN chuyển giao 1 tấn chất thải nguy hại có giá từ 4 triệu – 12 triệu đồng. Thậm chí, với một số loại chất thải nguy hại có giá chuyển giao lên đến 40 triệu đồng. Không chỉ vậy, nếu nước thải phát sinh trong hoạt động sản xuất chứa nhiều chất thải thì chi phí xử lý nước thải này cũng rất cao. Do vậy, sản xuất sạch ngay từ nguồn đầu vào sẽ tạo lợi ích kép về chi phí cho DN trong việc xử lý đầu ra.

Ông Bùi Văn Huống cho biết thêm, nhận thức được lợi ích đó nên vào tháng 5-2011, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long quyết định thành lập Ban cải tiến. Ban cải tiến có nhiệm vụ đề xuất những giải pháp sản xuất mới góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho công ty. Hiện nay Thiên Long đã và đang áp dụng một số giải pháp sản xuất sạch hơn như giảm bớt 6 máy nước uống; lắp tôn sáng xưởng ép, giúp giảm sử dụng đèn cao áp; thực hiện cắt giảm nhu cầu sử dụng máy lạnh vào giờ không cần thiết…

Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, khẳng định, DN đã và đang nhận thức rất rõ về lợi ích từ việc sản xuất sạch hơn. Hiện thành phố đang có nhiều chính sách hỗ trợ DN cải tiến sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể, thành phố có quỹ xoay vòng vốn và giảm thiểu ô nhiễm.

Theo đó, các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp có ô nhiễm cần phải khắc phục; các doanh nghiệp thực hiện chương trình di dời theo chủ trương của thành phố… sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi vay ngân hàng hoặc vay vốn với lãi suất ưu đãi 4%/năm trong suốt thời gian vay vốn để đầu tư những hạng mục xử lý ô nhiễm cuối nguồn, sau khi có phương án và quyết định cho vay của ngân hàng cho vay. Hạn mức cho vay mỗi dự án bằng đồng Việt Nam tương đương tối đa 607.000USD (trong đó 500.000USD từ phần vốn của ADB và 107.000USD từ phần vốn HFIC). Thời gian cho vay từ 3 đến 7 năm tùy theo từng dự án, trong đó thời gian ân hạn trả vốn tối đa 1 năm.

Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đang được xem là nguồn vốn ưu đãi cho nhiều dự án cải thiện môi trường. Vấn đề còn lại là DN sẽ tự nỗ lực cải thiện mình như thế nào để được tiếp cận những nguồn vốn trên. Mặt khác, về phía cơ quan chức năng, nhất là những đơn vị quản lý vốn cần cải cách nhiều hơn trong thủ tục xét duyệt và cấp vốn. Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngày càng có nhiều DN phát triển theo hướng thân thiện với môi trường hơn.

Ái Vân – Minh Hải

(sggp.org.vn)

tag: Vay Tiềnsản xuất sạch hơnchất thải công nghiệpBảo lãnhsản xuất sạch hơn trong công nghiệp Dây chuyền sản xuấtquỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh 

Nghệ An: Nước sạch cho nông thôn, hiệu quả và vấn đề nảy sinh

Quá trình thực hiện Chiến lược Quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn ở tỉnh Nghệ An đã chứng minh tính hiệu quả, bền vững của chương trình, đồng thời làm thay đổi nhận thức của người dân, từng bước đổi mới hình ảnh nông thôn hiện nay.

Trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, thì vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường (NS-VSMT) ở khu vực nông thôn, cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các cấp, các ngành. Điều đó được xem là một trong những tiền đề cơ bản nhằm thực hiện chủ trương CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.

 

Tỉnh Nghệ An đã đầu tư xây dựng được nhiều công trình cấp nước tập trung quy mô vừa và nhỏ. Các công trình đó đã chứng minh tính hiệu quả, bền vững trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn, đồng thời làm thay đổi tư duy và nhận thức của người dân về vấn đề nước sạch, cũng như từng bước đổi mới hình ảnh nông thôn hiện nay. Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở vật chất hạ tầng, công tác thông tin giáo dục truyền thông về nước sạch-vệ sinh môi trường cũng được đẩy mạnh. Đội ngũ tuyên truyền viên được củng cố từ huyện xuống tận cơ sở và hoạt động hiệu quả, góp phần đáng kể trong nâng cao nhận thức của nhân dân. Việc tuyên truyền về NS-VSMT được tập trung vào vận động cộng đồng, giới thiệu công nghệ kỹ thuật, vật liệu bền vững cũng như đào tạo kỹ năng quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình. Qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các công trình cấp nước mà cùng nhau chung tay bảo vệ.

 

Với sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước, bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã thay đổi rõ rệt. Với nguồn nước sạch từ các công trình cấp nước mang lại đã không chỉ giúp bà con các xã vùng sâu, vùng xa thoát cảnh phải đi lấy nước xa hàng chục cây số, phải trông chờ từng giọt mưa giữa mùa nắng hạn, mà còn giúp người dân đảm bảo được sức khoẻ khi được sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường còn nhiều phức tạp khiến cho tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chí của Bộ Y tế còn thấp, phong tục tập quán trong sinh hoạt ở một số địa phương vẫn còn lạc hậu, điều này đã làm ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường sống. Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, chăn thả gia súc, gia cầm tự do, khai thác rừng bừa bãi, hố xí chưa hợp vệ sinh, rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, rác thải y tế chưa được xử lý đúng quy trình đã làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, nhất là vùng dân cư tập trung, làm gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người dân.

 

Nguồn tin: Trung tâm Quốc gia nước sạch và VSMT NT

tag: Vay Tiềnsản xuất sạch hơnchất thải công nghiệpBảo lãnhsản xuất sạch hơn trong công nghiệp Dây chuyền sản xuấtquỹ đầu tư Sản Xuất sạchmôi trường xanh 

 

Siêu công nghệ chống ô nhiễm môi trường

Nạn ô nhiễm là “sản phẩm phụ” mà con người tạo ra trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Sự ô nhiễm có thể chỉ đơn giản như tiếng còi xe ban đêm của người hàng xóm phá hỏng giấc ngủ của bạn, hoặc nó xảy ra ở mức độ vĩ mô như việc thải các khí fluorocarbon vào bầu khí quyển làm tổn hại đến tầng ozone, gây nên hiện tượng ấm lên toàn cầu. Việc mất kiểm soát đối với vấn nạn ô nhiễm có thể dẫn đến việc phá hủy môi trường tự nhiên trên Trái đất.

 

Trong nhiều thế kỷ qua, các nhà khoa học đã cất công tìm kiếm giải pháp để đối phó với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Tạp chí Discovery giới thiệu 5 công nghệ mới đang được phát triển, có thể giúp chúng ta giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm trong tương lai.


Ô nhiễm nước

 
Túi nano lọc nước (ảnh trên) và ống LifeStraw

 

Trên thế giới hiện nay, cứ khoảng 3 người thì có 1 người thiếu nguồn nước uống sạch. Nguyên nhân là do lượng mưa ngày càng ít, hoặc do những khó khăn trong việc vận chuyển nước từ sông hồ đến khu dân cư, hoặc là do nguồn nước bị ô nhiễm. Việc uống phải nước bị ô nhiễm có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm như dịch tả hay kiết lỵ.

Công nghệ nano – công nghệ xử lý vật chất ở cấp độ phân tử – hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc làm sạch nước. Công ty Marelize Botes ở Nam Phi đã phát triển thành công mẫu túi lọc nước có hình dáng tương tự một gói trà túi lọc; chiếc túi này được làm từ sợi nano đã được xử lý qua quá trình dioxid để có khả năng diệt khuẩn, bên trong túi chứa đầy hạt than hoạt tính có khả năng hấp thụ cặn bẩn trong nước. Một thiết bị lọc nước khác là LifeStraw được công ty Thụy Điển Vestergaard Frandsen thiết kế và chế tạo năm 2005 đã được phổ biến rộng rãi và phát huy hiệu quả vô cùng cao. Giá cho mỗi chiếc LifeStraw chỉ khoảng 3 đô-la, hơn nữa nó rất dễ sử dụng, một em bé 3 tuổi cũng có thể dùng ống LifeStraw để uống nước trực tiếp từ nguồn nước mà không sợ bị nhiễm khuẩn.

Ô nhiễm không khí

 
Một “siêu cây”

 

Năm 2009 các nhà khoa học đã đưa ra kết luận rằng việc hít thở không khí ô nhiễm trước khi sinh sẽ làm giảm chỉ số IQ sau này. Các nghiên cứu đã cho thấy những đứa trẻ thường xuyên ở trong môi trường có không khí ô nhiễm thì điểm số IQ thấp hơn khoảng 5 điểm so với những trẻ ít tiếp xúc với không khí ô nhiễm hơn.

Ở thủ đô Lima của Peru, nơi không khí đang bị ô nhiễm nặng nề, người ta đã cho lắp đặt những “siêu cây” do hãng Tierra Nuestra sản xuất ở vài khu vực xung quanh thành phố. Đây là thiết bị có khả năng bắt chước cơ chế hô hấp của 1 cái cây thực, có nghĩa rằng nó có thể hấp thụ khí CO2 và thải ra khí O2. Không khí ô nhiễm sau khi đi vào hệ thống này sẽ được chạy qua một hệ thống lọc bằng nước để loại bỏ khí CO2 cũng như một vài loại vi khuẩn. Một “siêu cây” có thể làm sạch khoảng 200.000 mét khối không khí một ngày – tương đương công suất của 6 cây thật – với giá thành đầu tư ban đầu khoảng 100.000 đô-la.

Ô nhiễm đất

 
Hãy bảo vệ và gìn giữ môi trường trong sạch, cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau.

 

Mỗi ngày con người thải ra hàng tấn rác thải trong quá trình sinh hoạt. Khi được đổ đống ở những bãi rác, những chất thải rắn này sẽ phân hủy và làm nhiễm bẩn đất đai, nước ngầm trong khu vực; và tệ hơn nữa là có những chất thải không phân hủy mà cứ nằm đó hàng nhiều thế kỷ. Vì lý do đó mà các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều công nghệ xử lý rác thải giúp giải quyết vấn đề.

Tại Đại học Dublin, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loại vi khuẩn không những có khả năng tiêu hóa bọt chất dẻo mà còn có thể chuyển hóa nó thành một loại chất dẻo có thể tái sử dụng. Đầu tiên chất dẻo này phải được nấu chảy trong điều kiện không có oxy, sau đó chuyển thành dầu styren. Vi khuẩn sẽ ăn hợp chất này và thải ra PHA – một loại chất dẻo có thể tự phân hủy.

Một vài công nghệ khác giúp chúng ta xử lý vấn nạn rác thải điện tử đang gây đau đầu nhiều nhà chức trách hiện nay. Công nghệ mới hướng tới việc sản xuất các loại điện thoại di động bằng các loại vật liệu có thể tái chế; hay các khoa học gia Trung Quốc đã tìm được cách tái sử dụng các chất keo dán và nhựa cây từ bảng mạch của những chiếc máy tính cũ để chế tạo hàng rào hay ghế ngồi trong công viên.

Ô nhiễm ánh sáng 

 
Sử dụng ánh sáng bừa bãi vào ban đêm vừa gây lãng phí vừa có hại cho sức khỏe

 

Trước đây, theo lẽ tự nhiên thì con người sẽ dừng các hoạt động sản xuất khi màn đêm buông xuống, nhưng khoảng 1 thế kỷ trở lại đây, cuộc sống của con người có thể diễn ra cả ngày lẫn đêm, suốt 24 tiếng trong cả 7 ngày. Mặc dù việc kéo dài thời gian hoạt động này giúp tăng năng suất sản xuất hàng hóa và thêm thời gian cho các hoạt động giải trí khác, tuy nhiên việc sử dụng ánh sáng bừa bãi có thể gây tổn hại lớn đến sức khỏe như làm thay đổi nhịp sinh học, gây ra chứng khó ngủ hoặc mất ngủ, hơn nữa việc sử dụng ánh sáng không khoa học còn có thể phá hoại các hệ sinh thái.

Một giải pháp nhiều hứa hẹn cho vấn đề này là sử dụng đèn thông minh như mẫu đèn BetaLED được một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học California-Davis phát triển. Hiện được sử dụng tại các bãi đỗ xe, mẫu đèn này có một công tắc đặc biệt có thể tự chuyển đổi cường độ ánh sáng yếu/mạnh khi có chuyển động trong bãi xe nhờ vào một thiết bị cảm biến chuyển động. Công nghệ mới này giúp tiết kiệm đến 75% lượng điện tiêu thụ so với kiểu đèn thông thường.

Ô nhiễm tiếng ồn

 

 

 

Đơn vị đo tiếng ồn là Décibel. 
– 10-20 dB: Gió vi vu qua lá cây  được xem là trạng thái yên tỉnh
– 30 dB: Thì thầm (trong phòng ngủ)
– 40 dB: Tiếng nói chuyện bình thường
– 50 dB: Tiếng máy giặt, ồn ở siêu thị, có gây phiền nhưng còn chịu được
– 55 dB -80 dB: Động cơ xe hơi, xe máy,  gây khó chịu, mệt mỏi
– 80 dB –  85 dB: Máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ, làm  rất khó chịu
– 90 dB – 100 dB: phát ra ở Công trường xây dựng, ồn ở mức nguy hiểm
– 120dB – 140 dB: Máy bay lúc cất cánh, ồn quá lớn gây tổn thương tâm trí

Ô nhiễm tiếng ồn là hiện tượng đáng lưu ý trong thời đại ngày nay, nhất là ở nước đang phát triển, chưa đạt tới trình độ văn minh cần thiết trong nếp sống. Tiếng ồn là một tác nhân liên quan đến mọi người, già hay trẻ, đi ra đường hay ở nhà, hoặc đến nơi làm việc… Ô nhiểm tiếng ồn có hại cho sức khoẻ. Tiếng ồn còn có thể là một trong những nguyên nhân làm tăng hiện tượng bạo lực trong giao tiếp.

Hiện tại, cách giải quyết loại ô nhiễm đặc biệt này nằm ở các cơ quan có chức năng quản lý xã hội. Cần đưa ra những quy dinh nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trên đường phố (không cho lạm dụng còi xe; không cho các loại xe cũ nát, động cơ kêu to và xả nhiều khói được lưu hành); ở thành phố và nhất là trong những chung cư, không được làm ồn sau 10 giờ đêm; không cho dùng các loa phát thanh công suất lớn để thông tin trên đường phố; hạn chế những tiếng ồn phát ra từ các nhà hàng, vũ trường… nhất là về ban đêm…

Cao Nguyên (Tổng hợp)

vietnamnet

Công ty Giấy Bắc Hà: “Tập trung nỗ lực vào việc giảm tiêu thụ tài nguyên nhờ hệ thống DAF”

Dự án “Lắp đặt hệ thống DAF-(Dissolved Air Flotation- hệ thống tuyến nổi bằng không khí hòa tan) của công ty TNHH Giấy Bắc Hà được thực hiện với hỗ trợ của Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF). Từ khi hệ thống DAF được đưa vào sử dụng, công ty đã tiết kiệm về kinh tế như giảm tiêu thụ điện năng và nước, hạn chế tác động vào môi trường.

Công ty TNHH Bắc Hà đi lên từ 1 doanh nghiệp nhỏ, bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất từ năm 1993 chuyên sản xuất, mua bán giấy (giấy bao gói, giấy vệ sinh, giấy khăn ăn, giấy in), sản xuất nước giải khát, mua bán nông sản thực phẩm, lâm sản phục vụ sản xuất giấy, mua phế liệu các loại, sản xuất, chế tạo nồi hơi các loại…Hiện nay, giấy Kraft là sản phẩm chủ yếu, bao gồm giấy sóng và các loại giấy mặt M1, M2, M6, M7, M8 và M9 với nhiều loại khổ giấy (900 – 165cm) và định lượng khác nhau (150 – 250 g/m2). Công nghệ và máy móc thiết bị của công ty đã qua nhiều năm sử dụng. Hệ thống bể lắng và lọc nước trắng cũ phát sinh sau bước lên lưới có lượng thu hồi và tái sử dụng nước cũng như xơ sợi rất ít hầu như không tái sử dụng được, chất lượng giấy sản phẩm không được ổn đinh. Ngoài ra, công ty còn phải khai thác nước từ mặt đồng cho sản xuất.

Hệ thống tuyển nổi bằng không khí hòa tan (DAF) của công ty TNHH Giấy Bắc Hà mới được đưa vào sử dụng nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Ủy Thác TÍn Dụng Xanh

Công ty TNHH Giấy Bắc Hà đăng ký dự án thay đổi công nghệ với việc áp dụng hệ thống DAF. Việc đầu tư thay đổi này đã giúp công ty tăng được lượng thu hồi và tái sử  dụng nước cũng  như xơ sợi. Hệ thống DAF mới lắp đặt đã chứng minh việc tăng lượng nước thu hồi để tái sử dụng cho khâu chuẩn bị bột lên lưới. Vì thế, từ khi hệ thống DAF được  đưa  vào  sử  dụng,  công  ty  đã  không  còn  khai  thác  nguồn nước   mặt   từ đồng   cho   sản   xuất   nữa.  Bên   cạnh  đó,  lượng  xơ  sợi có trong nước trắng cũng được thu hồi trong thời gian ngắn để đưa về tái sử dụng nên chất lượng giấy sản phẩm ổn định hơn trước. Tổng lượng giảm khai thác nước mới ước đạt 244.616 m3/năm. Cải thiện đáng chú khác bao gồm:  Chất lượng sản phẩm được cải thiện; Giảm sử dụng nguyên liệu thô.

So với hệ thống bể lắng và lọc nước trắng cũ thì hệ thống DAF có nhiều ưu điểm vượt trội hơn nhiều: Tiết kiệm nước khoảng 65%, giảm sử dụng nước mới, tổng tiết kiệm về kinh tế khoảng 36,360 USD/năm.

Công ty đã đầu tư cho dự án này là 100,100USD. Công ty TNHH Giấy Bắc Hà  đã  được GCTF bảo lãnh 50% giá trị khoản vay tín dụng tại Ngân hàng Techcombank. Ngoài ra, công ty cũng đã được thụ hưởng khoản trả thưởng tương đương với 25% giá  trị tín dụng (25.025USD). Đây là mức thưởng cao nhất của Quỹ GCTF cho việc cải thiện môi trường.

Hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng: Ứng dụng công nghệ mới để sản xuất sạch hơn

Với việc đăng ký tham gia dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng (Hoài Đức, Hà Nội) đã có những cải thiện đáng kể về công nghệ với dây chuyền làm việc mới giúp giảm lượng nước sạch tiêu thụ đến 99%, tổng lượng nước sử dụng giảm đi hàng năm lên tới 12.000m3.

Hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng chuyên cung cấp các sản phẩm lưới nhựa trong khu vực nội địa đặc biệt các đại lý bán lẻ trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tính đến năm 2011, hộ đã có 18 nhân công với doanh thu đạt được là 570.000USD (số liệu thống kê năm 2011).

Các thiết bị được doanh nghiệp dùng để sản xuất lưới nhựa như: máy trộn, máy đùn ép, hệ thống tuần hoàn nước làm mát, bàn nhiệt (kéo dãn), máy cuộn, máy dệt đều sử hoạt động theo công nghệ cũ dẫn đến lượng tiêu thụ nước lớn và mức tiêu hao năng lượng cao. Bên cạnh đó là ảnh hưởng tới môi trường từ lượng nước làm mát và nước nóng thải ra ngoài.

Sau khi đăng ký dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC). Dây chuyền sản xuất lỗi thời trước đây với bước trộn thủ công, máy đùn ép đời cũ, hệ thống làm mát không tuần hoàn nước và  kéo dãn bằng  nước nóng được thay thế bằng dây chuyền sản xuất hiện đại bán tự động. Việc thay đổi công nghệ này giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể lượng nước sử dụng nhờ có tuần hoàn nước làm mát và bàn nhiệt. Dây chuyền sản xuất mới cho thấy tiết kiệm một lượng nước rất lớn cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả hơn so với hệ thống máy móc cũ cụ thể là: giảm lượng nước sạch tiêu thụ tới 99% cùng với tăng hiệu quả sản xuất hàng ngày lên 8%. Tổng lượng nước sử dụng giảm đi hàng năm lên tới hơn 12.000m3, tiêu thụ điện giảm 30%. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của nhân công cũng được cải thiện do nhiệt độ môi trường giảm và giảm rủi ro do tai nạn chảy tràn; năng suất lao động tăng lên và cũng tăng khả năng giao hàng đúng hạn.

Thay đổi công nghệ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể lượng nước sử dụng

 

 

Khoản vay tín dụng mà hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng đầu tư cho dự án này là 161.982USD. Hộ kinh doanh của ông Tùng đã được GCTF bảo lãnh 50% giá trị khoản vay với mức được phê duyệt là 80.991USD tại Ngân hàng Techcombank. Sau khi kết thúc dự án, từ việc phân tích chỉ số môi trường lựa chọn (sử dụng nước sạch) được đo đạc trước và sau khi đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới, từ mức giảm sử dụng nước sạch được xác định, doanh nghiệp đã được thụ hưởng khoản trả thưởng cao nhất của quỹ GCTF tương đương với 25% giá trị tín dụng  (40.495USD) cho việc cải thiện môi trường.

 

Doanh nghiệp công nghệ sạch sẽ phát triển tốt

SGTT.VN – Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sạch vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của ngành trong 12 tháng tới, qua một cuộc khảo sát toàn cầu, công ty Grant Thornton International đã đưa ra kết luận này vào ngày16.10.2012

Mô hình một nhà máy công nghệ sạch ở Singapore.

 

 

 

 

 

 

 

 

Khảo sát chỉ ra rằng 68% công ty kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ sạch kỳ vọng tăng doanh thu trong 12 tháng tới, 62% kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận, trong khi con số này chỉ là 38% trên phạm vi toàn cầu.

Các doanh nghiệp của ngành này tập trung đầu tư vào sự phát triển dài hạn, trong đó, 52% kỳ vọng tăng chi tiêu cho nghiên cứu đầu tư và phát triển trong 12 tháng tới, 51% dự định phân bổ thêm vốn đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, cả hai sự gia tăng vốn cho nghiên cứu lẫn đầu tư nhà xưởng đều vượt trên mức trung bình toàn cầu.

Các doanh nghiệp cho rằng rào cản chính cho sự phát triển công nghệ sạch là các quy định và thủ tục hành chính quan liêu, thiếu hụt lao động có kỹ năng. Sự khan hiếm nhân tài cũng giải thích một phần nguyên nhân việc 79% doanh nghiệp ngành công nghệ sạch tăng lương cho công nhân trong 12 tháng tới.

Ông Tom Prescot, chuyên viên thuế của công ty Grant Thornton Việt Nam nhận định tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Ngành công nghệ sạch của Việt Nam cũng được mong đợi tiếp tục mở rộng thông qua sự trợ giúp từ các đối tác quốc tế trong việc triển khai sáng kiến, dự án, chương trình hành động về công nghệ sạch.

NGUYỆT HỒNG

 sgtt.vn

Sản xuất sạch hơn tại Công ty Giấy Phong Châu

Công ty CP giấy Phong Châu – Phú Thọ chủ yếu sản xuất giấy Krap sóng từ nguyên liệu tre nứa, các loại giấy phế thải và các chất phụ gia khác với công suất 10.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, như ngành giấy Việt Nam, công ty cũng gặp vấn đề nan giải về giải quyết ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Công ty CP giấy Phong Châu đã áp dụng 4 giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), cải thiện đáng kể được vấn đề này.

Vì công ty sử dụng công nghệ kiềm lạnh nên thải ra môi trường nguồn nước thải có chứa kiềm dư, bột giấy lơ lửng có chứa hàm lượng BOD, COD cao. Nước thải của công ty không xử lý tại chỗ mà được Công ty Giấy Bãi Bằng cho phép nhập vào dòng thải của công ty. Ngoài ra công ty cũng thải ra môi trường một lượng khí thải do quá trình cháy của lò hơi. Các khí thải gồm CO2, SO2 và bụi than. Chất thải rắn bao gồm các loại xơ sợi xenlulo phân hủy từ bãi nguyên liệu được đổ chung vào bãi thải rắn của Công ty Giấy Bãi Bằng. Trên cơ sở thấy được những tác động tới môi trường, công ty đã tham gia dự án SXSH trong khuôn khổ “Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” của Bộ Công Thương (CPI) và thực hiện 4 giải pháp hiệu quả.

Thứ nhất là công ty đã chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang lò hơi đốt Biomass của Công ty Giấy Bãi Bằng. Công trình được khởi công bắt đầu từ quý IV/2008 và đưa vào vận hành quý I/2009. Giải pháp đã đưa lại lợi ích rất lớn về kinh tế cho công ty: tiết kiệm được 412.000đ x 4.932.000 tấn sản phẩm/năm, mỗi năm tiết kiệm được gần 1,9 tỷ đồng. Giải pháp cũng góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm về môi trường như giảm lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, giảm lượng khí SO2 khoảng 3,4 tấn/năm; giải quyết lượng Biomass thải của Công ty Giấy Bãi Bằng đang gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai là giải pháp hoàn thiện mái che nguyên liệu lò hơi. Nguyên liệu lò hơi chủ yếu là các loại Biomass thải của Công ty Giấy Bãi Bằng, khi không có mái che, loại nguyên liệu này sẽ bị phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước và tạo bụi khi nắng to. Đặc biệt, loại nguyên liệu này nếu không có mái che khi trời mưa sẽ bị trôi đi rất nhiều gây lãng phí và ô nhiễm. Kể từ khi có mái che, lượng Biomass đảm bảo độ ẩm cho phép nên đưa vào lò cháy rất tốt, đem lại lợi ích về kinh tế rất lớn.

Giải pháp thứ ba là xây dựng nhà chứa nguyên liệu xeo II và xeo III. Nguyên liệu sản xuất giấy Krap của công ty chủ yếu được thu mua từ giấy loại thu gom về tập kết tại sân của công ty nên không có mái che. Mưa gây thối mủn làm ô nhiễm nguồn nước và bị hao rất nhiều. Khi trời nắng và gió to sẽ sinh ra nhiều bụi phát tán vào môi trường. Từ khi đưa mái che vào sử dụng, việc nguyên liệu bị thất thoát và mủn thối được khống chế triệt để, không làm ô nhiễm môi trường. Ước tính, dự án đem lại lợi ích khoảng gần 500 triệu đồng/năm.

Giải pháp thứ tư là xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ phần xây dựng hệ thống bể và rãnh thu gom nước của công ty đã xây dựng xong, đang tiến hành lắp đặt thiết bị. Dự tính khi đưa vào vận hành, hệ thống xử lý nước thải sẽ đem lại khoảng 210.000m3/năm nguồn nước tái sử dụng, thu lợi 84 triệu đồng/năm. Hệ thống này còn góp phần thu hồi một lượng bột trong nước thải ước tính khoảng 750 tấn/năm, thu lợi gần 1,9 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, việc triển khai giải pháp còn đem lại những lợi ích về môi trường như giảm lượng nước thải và bột giấy thải ra môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Qua thực hiện 4 giải pháp SXSH, Công ty CP Giấy Phong Châu đã cải thiện đáng kể được vấn đề môi trường, mỗi năm mang lại lợi ích hàng tỉ đồng. Đại diện công ty cho biết: Lợi ích từ SXSH là rất lớn, cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho các doanh nghiệp trong cả nước để SXSH trở thành mô hình sản xuất không thể thiếu của các doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững./.

Minh Kỳ

baomoi.com

Sản xuất nông nghiệp sạch hướng tới nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch như Viet GAP, Global GAP, Euro GAP vào trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… thực tế những mô hình này đã mang lại hiệu quả cao. Đây là hướng đi đúng và là nền tảng để các địa phương triển khai thành công đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) mà Chính phủ đã ban hành.

 
Bưởi da xanh được chứng nhận Global GAP của HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) luôn hút hàng

Hiệu quả mô hình sản xuất GAP

Mô hình GAP có thể nói được áp dụng thành công và có hiệu quả sớm nhất là trên lĩnh vực cây ăn trái. Và khi đề cập đến lĩnh vực này thì không thể không nói đến HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bởi ngay từ cuối tháng 6/2008, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã xây dựng thành công mô hình trồng vú sữa theo tiêu chuẩn Global GAP với diện tích gần 50ha, năng suất đạt khoảng 400 tấn/năm. Đại diện HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết, vú sữa đạt chứng nhận Global GAP được bán với giá bình quân 40.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với mô hình trồng vú sữa thông thường. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu gần 10 tấn vú sữa Lò Rèn Global GAP sang thị trường Canada, Anh.

Bưởi da xanh của HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) đạt được những thành công lớn sau khi áp dụng Global GAP do loại trái cây này của HTX Mỹ Thạnh An luôn trong tình trạng hút hàng. Tại Vĩnh Long, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cũng đạt hiệu quả cao do đầu ra luôn ổn định và dễ tiêu thụ. Theo ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, hiện HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa có 24ha đạt tiêu chuẩn Global GAP và thị trường  bưởi Năm Roi của HTX Mỹ Hòa đã vươn tới các nước Đức, Anh, Nga, Pháp,… nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của thị trường, trong khi bưởi trồng kiểu truyền thống giá rất thấp và thị trường tiêu thụ không ổn định.

Cùng với các mô hình tập thể áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, một nông dân ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến Tre, đó là ông Võ Văn Hớn đã không ngần ngại tổ chức sản xuất theo Global GAP sau khi được ngành nông nghiệp tỉnh tư vấn. Năm 2009, vườn chôm chôm của ông Hớn được Thụy Sĩ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP và cũng kể từ đó ông Hớn nhận được hàng loạt đơn hàng mua chôm chôm với số lượng lớn.

Đối với cây lúa, nhiều mô hình sản xuất theo Global cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Điển hình như tại Tiền Giang, HTX Nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) đã đón nhận giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP. Thực tế sản xuất tại HTX Mỹ Thành cho thấy, việc áp dụng tiêu chuẩn Global GAP giúp cho năng suất cây lúa cao hơn, chất lượng ổn định, trong khi chi phí đầu tư giảm, hạt lúa được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 20% nên nông dân có thu nhập cao. Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Thành cho biết, trong vụ lúa hè thu vừa qua, HTX đã bán 220 tấn lúa Global GAP theo hợp đồng đã ký với Công ty ADC, với giá bán lúa Cẩm 9.920 đồng/kg và lúa OM 6162 giá 7.140 đồng/kg. Với giá này, xã viên thu lãi từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/ha. Đối với canh tác lúa Cẩm Cai Lậy, bà con có thể lãi từ 35 – 40 triệu đồng/ha. Từ đầu năm đến nay, Công ty ADC đã tiêu thụ được khoảng 840 tấn lúa Global GAP chất lượng cao của xã viên HTX nông nghiệp Mỹ Thành.

Trong lĩnh vực thủy sản, hiện có tới 24 doanh nghiệp nuôi cá tra được chứng nhận Global GAP với tổng diện tích được chứng nhận lên tới trên 1.000ha. Đại diện Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, cá tra philê được chứng nhận Global GAP có giá cao hơn khoảng 20 cent/kg philê so với sản phẩm không được cấp chứng nhận và các sản phẩm này dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Tiến tới ứng dụng công nghệ cao

Thực trạng sản xuất trong thời gian qua cho thấy, giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định là khó khăn chung của cả ngành nông nghiệp. Do đó, những kết quả đạt được nói trên đã khẳng định khuyến cáo của các nhà khoa học về áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, bền vững, nhất là theo các mô hình HTX kiểu mới là khuyến cáo đúng, là cơ sở chắc chắn cho việc xây dựng thành công nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quyết định phê duyệt đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng từ 3-5 doanh nghiệp và 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7-10 doanh nghiệp, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp. Những hướng được Nhà nước ưu tiên đầu tư là sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản, sản xuất rau, chè, cây ăn quả giá trị cao.

Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hiện nay, trên toàn huyện này đã có 530ha lúa sản xuất theo hướng an toàn. Thời gian tới, Cai Lậy sẽ nâng diện tích lúa an toàn lên 1.000 ha. Đây là cơ sở để mở rộng sản xuất thành công lúa theo tiêu chuẩn GAP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cũng cho biết, ngoài các dự án nông nghiệp đã triển khai, trong năm 2011 Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư 6 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư khoảng 430 tỷ đồng, gồm nhà máy sơ chế đóng gói rau an toàn, nhà máy sơ chế và đóng gói thanh long, trang trại chăn nuôi tập trung,…

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP ở xã Mỹ Thành Nam đã thu hút được sự quan tâm của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm sạch nước ngoài cũng đã sang để tìm hiểu mô hình sản xuất lúa sạch đầu tiên ở Việt Nam này. Hiện nay mô hình sản xuất lúa GAP đang được xây dựng ở các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ, với diện tích ở mỗi địa phương khoảng 100 ha.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, để xây dựng thành công nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng cần phải có cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư một cách có hiệu quả từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bởi đây là những người có vốn, công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình điểm sinh động, đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Ngoài ra, cần phải tìm ra lời giải cho bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý cho công tác nghiên cứu khoa học để phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thành Công

(tiengiang.gov.vn)

Hướng đến sản xuất sạch hơn

Cùng với công cuộc phát triển kinh tế, nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) đang là vấn đề đặt ra với nhiều thách thức đối với cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Một trong những giải pháp BVMT hiệu quả nhất là áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CN). Hiện tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện chiến lược này.

Xu thế tất yếu

Trong những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhiều khu, cụm CN hình thành, đi vào hoạt động, thu hút các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước vào đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu CN, 30 cụm CN với gần 1.000 DN, cơ sở sản xuất CN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. 7 tháng đầu năm 2012, các DN, cơ sở sản xuất CN trong các khu, cụm CN đã tạo ra giá trị sản xuất CN khoảng 2.000 tỉ đồng, chiếm 48% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.

 

 

 

 

 

 

 

Công ty TNHH Đá Bình Minh – một trong những đơn vị rất quan tâm đến sản xuất sạch hơn.

– Trong ảnh: Dây chuyền cưa xẻ đá của Công ty TNHH Đá Bình Minh.

Sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng của hệ thống các DN đã đưa nền kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỉ trọng kinh tế CN, giảm tỉ trọng kinh tế nông-lâm nghiệp. Điều đáng quan tâm là, tuy mới ở giai đoạn đầu của quá trình CN hóa, nhưng sự phát triển CN ở tỉnh ta đã và đang phát sinh những vấn đề môi trường khá bức xúc. Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều khu, cụm CN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng trầm trọng.

Bên cạnh một số nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại, đa số các cơ sở sản xuất CN trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ÔNMT rất lớn. Đặc biệt, các DN sản xuất thuộc các ngành nông-lâm-thủy sản và một số làng nghề tiểu thủ CN truyền thống, chế biến thực phẩm… còn xả trực tiếp một khối lượng lớn chất thải ra môi trường, gây ÔNMT đất, nước, khí và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: Xu hướng phát triển CN bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với BVMT đang được nhiều nước đặc biệt quan tâm. Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006. Đây là thử thách cho các DN trong nước để khẳng định khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khả năng cạnh tranh không chỉ chịu ảnh hưởng của giá cả và chất lượng sản phẩm, mà còn các yếu tố liên quan đến thái độ của DN đối với các vấn đề xã hội và môi trường. Do vậy, nếu tập trung nỗ lực vào sản xuất sạch hơn thì thị trường đầu ra của DN sẽ lớn hơn, DN có điều kiện phát triển ổn định và bền vững…

Mang lại nhiều lợi ích

Ngày 7.9.2009, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong CN đến năm 2020” với mục tiêu phổ biến rộng rãi cách tiếp cận việc sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất CN, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời, hạn chế mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở đến môi trường cũng như đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân và môi trường sống cho cộng đồng.

Thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn của Chính phủ, ngày 7.9.2010, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015. Theo đó, đến năm 2015, có 100% đơn vị sản xuất CN trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản về sản xuất sạch hơn; trên 100 cơ sở sản xuất CN điển hình triển khai áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất CN giảm trên 10% chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm CN, giảm 15-20% các chất thải gây ÔNMT trong sản xuất CN…

Từ tháng 9.2010 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (đơn vị được Sở Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh) đã tổ chức 3 lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn cho đội ngũ cán bộ thuộc phòng kinh tế, phòng công thương, phòng tài nguyên – môi trường và đại diện các DN trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng đã hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất CN; xây dựng và phát triển mạng lưới trao đổi thông tin, đào tạo tư vấn sản xuất sạch hơn; nâng cao nhận thức cộng đồng về hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN; vận động các đơn vị hỗ trợ các DN và xác định các đầu mối để tác động hỗ trợ các DN trong việc sản xuất sạch hơn.

Ông Nguyễn Bá Tài- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh – cho biết: Qua các lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn, các đại biểu đã hiểu rõ vai trò, vị trí của vấn đề sản xuất sạch hơn và đang từng bước triển khai các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động tại đơn vị mình.

Ông Phạm Xuân Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Đá Bình Minh (Khu CN Phú Tài), cho biết: Hiện nay, các chi phí “đầu vào”, như nguyên liệu, công lao động liên tục gia tăng, trong khi môi trường cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt. Việc chọn lựa giải pháp sản xuất sạch hơn chính là cách để DN đạt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Do vậy, trong thời gian qua, DN chúng tôi đầu tư gần 2 tỉ đồng để triển khai các giải pháp nhằm từng bước áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động của DN.

Ngoài một số kết quả bước đầu, việc triển khai Chương trình sản xuất sạch hơn trong CN ở tỉnh ta cũng gặp không ít những rào cản: Thiếu sự quan tâm và cam kết của các cơ sở CN với chiến lược sản xuất sạch hơn; thiếu các chuyên gia về sản xuất sạch hơn cho các ngành CN; thiếu nguồn tài chính để đầu tư cho các công nghệ mới, sạch hơn. Đặc biệt thiếu hệ thống quy định có tính chất pháp lý để khuyến khích DN hướng đến sản xuất sạch hơn. Có DN bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư cho sản xuất sạch hơn trong khi các DN khác tự do xả chất thải ra môi trường chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt quá nhỏ.

Ở tỉnh ta, để việc triển khai “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong CN đến năm 2020” của Chính phủ theo đúng kế hoạch, đòi hỏi các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa lợi ích của sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài đủ sức răn đe để xử lý các đơn vị gây ÔNMT.

NGỌC THÁI

Nguồn: BaoBinhDinh

(vncpc.vn)