Sản xuất nông nghiệp sạch hướng tới nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch như Viet GAP, Global GAP, Euro GAP vào trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… thực tế những mô hình này đã mang lại hiệu quả cao. Đây là hướng đi đúng và là nền tảng để các địa phương triển khai thành công đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) mà Chính phủ đã ban hành.

 
Bưởi da xanh được chứng nhận Global GAP của HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) luôn hút hàng

Hiệu quả mô hình sản xuất GAP

Mô hình GAP có thể nói được áp dụng thành công và có hiệu quả sớm nhất là trên lĩnh vực cây ăn trái. Và khi đề cập đến lĩnh vực này thì không thể không nói đến HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bởi ngay từ cuối tháng 6/2008, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã xây dựng thành công mô hình trồng vú sữa theo tiêu chuẩn Global GAP với diện tích gần 50ha, năng suất đạt khoảng 400 tấn/năm. Đại diện HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết, vú sữa đạt chứng nhận Global GAP được bán với giá bình quân 40.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với mô hình trồng vú sữa thông thường. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu gần 10 tấn vú sữa Lò Rèn Global GAP sang thị trường Canada, Anh.

Bưởi da xanh của HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) đạt được những thành công lớn sau khi áp dụng Global GAP do loại trái cây này của HTX Mỹ Thạnh An luôn trong tình trạng hút hàng. Tại Vĩnh Long, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cũng đạt hiệu quả cao do đầu ra luôn ổn định và dễ tiêu thụ. Theo ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, hiện HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa có 24ha đạt tiêu chuẩn Global GAP và thị trường  bưởi Năm Roi của HTX Mỹ Hòa đã vươn tới các nước Đức, Anh, Nga, Pháp,… nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của thị trường, trong khi bưởi trồng kiểu truyền thống giá rất thấp và thị trường tiêu thụ không ổn định.

Cùng với các mô hình tập thể áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, một nông dân ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến Tre, đó là ông Võ Văn Hớn đã không ngần ngại tổ chức sản xuất theo Global GAP sau khi được ngành nông nghiệp tỉnh tư vấn. Năm 2009, vườn chôm chôm của ông Hớn được Thụy Sĩ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP và cũng kể từ đó ông Hớn nhận được hàng loạt đơn hàng mua chôm chôm với số lượng lớn.

Đối với cây lúa, nhiều mô hình sản xuất theo Global cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Điển hình như tại Tiền Giang, HTX Nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) đã đón nhận giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP. Thực tế sản xuất tại HTX Mỹ Thành cho thấy, việc áp dụng tiêu chuẩn Global GAP giúp cho năng suất cây lúa cao hơn, chất lượng ổn định, trong khi chi phí đầu tư giảm, hạt lúa được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 20% nên nông dân có thu nhập cao. Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Thành cho biết, trong vụ lúa hè thu vừa qua, HTX đã bán 220 tấn lúa Global GAP theo hợp đồng đã ký với Công ty ADC, với giá bán lúa Cẩm 9.920 đồng/kg và lúa OM 6162 giá 7.140 đồng/kg. Với giá này, xã viên thu lãi từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/ha. Đối với canh tác lúa Cẩm Cai Lậy, bà con có thể lãi từ 35 – 40 triệu đồng/ha. Từ đầu năm đến nay, Công ty ADC đã tiêu thụ được khoảng 840 tấn lúa Global GAP chất lượng cao của xã viên HTX nông nghiệp Mỹ Thành.

Trong lĩnh vực thủy sản, hiện có tới 24 doanh nghiệp nuôi cá tra được chứng nhận Global GAP với tổng diện tích được chứng nhận lên tới trên 1.000ha. Đại diện Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, cá tra philê được chứng nhận Global GAP có giá cao hơn khoảng 20 cent/kg philê so với sản phẩm không được cấp chứng nhận và các sản phẩm này dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Tiến tới ứng dụng công nghệ cao

Thực trạng sản xuất trong thời gian qua cho thấy, giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định là khó khăn chung của cả ngành nông nghiệp. Do đó, những kết quả đạt được nói trên đã khẳng định khuyến cáo của các nhà khoa học về áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, bền vững, nhất là theo các mô hình HTX kiểu mới là khuyến cáo đúng, là cơ sở chắc chắn cho việc xây dựng thành công nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quyết định phê duyệt đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng từ 3-5 doanh nghiệp và 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7-10 doanh nghiệp, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp. Những hướng được Nhà nước ưu tiên đầu tư là sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản, sản xuất rau, chè, cây ăn quả giá trị cao.

Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hiện nay, trên toàn huyện này đã có 530ha lúa sản xuất theo hướng an toàn. Thời gian tới, Cai Lậy sẽ nâng diện tích lúa an toàn lên 1.000 ha. Đây là cơ sở để mở rộng sản xuất thành công lúa theo tiêu chuẩn GAP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cũng cho biết, ngoài các dự án nông nghiệp đã triển khai, trong năm 2011 Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư 6 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư khoảng 430 tỷ đồng, gồm nhà máy sơ chế đóng gói rau an toàn, nhà máy sơ chế và đóng gói thanh long, trang trại chăn nuôi tập trung,…

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP ở xã Mỹ Thành Nam đã thu hút được sự quan tâm của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm sạch nước ngoài cũng đã sang để tìm hiểu mô hình sản xuất lúa sạch đầu tiên ở Việt Nam này. Hiện nay mô hình sản xuất lúa GAP đang được xây dựng ở các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ, với diện tích ở mỗi địa phương khoảng 100 ha.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, để xây dựng thành công nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng cần phải có cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư một cách có hiệu quả từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bởi đây là những người có vốn, công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình điểm sinh động, đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Ngoài ra, cần phải tìm ra lời giải cho bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý cho công tác nghiên cứu khoa học để phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thành Công

(tiengiang.gov.vn)