“Xanh hóa” tổng công ty giấy Việt Nam

Vinapaco luôn thực hiện áp dụng công nghệ mới, tiên tiến để góp phần định hướng mô hình sản xuất “xanh hóa” (Nguồn: bản tin công nghệ xanh số 3)
Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có nhiều tác động tới môi trường, những năm qua, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco)  luôn chủ động hoàn thiện công nghệ, sản xuất theo hướng xanh, bền vững. Bên cạnh khai thác, trồng mới rừng nguyên liệu hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, nhiều năm qua, Vinapaco đã tích cực triển khai tiết kiệm các nguồn nguyên nhiên liệu, hợp lý hóa sản xuất, giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường ngay từ đầu nguồn. Ngoài việc trở thành đơn vị đi đầu trong ngành Giấy về độ thân thiện với môi trường, việc làm đúng hướng này còn giúp Vinapaco nâng cao chất lượng sản phẩm, sự tín nhiệm, yêu mến của khách hàng.
Trong các dự án cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu, Vinapaco luôn thực hiện áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, nhằm sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả nhất nguồn nguyên liệu trong nước, năng lượng, hóa chất và nước sạch.Đáng kể nhất là thông qua nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, chuyển giao công nghệ, hợp tác với các công ty tư vấn nước ngoài, Vinapaco đã thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn I, tăng năng lực sản xuất bột giấy lên 73.000 tấn/năm, và năng lực sản xuất giấy lên 100.000 tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.107 tỷ đồng, trong đó hơn 200 tỷ dành cho đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Đây là sự kết hợp các phương pháp xử lý hóa lý với xử lý vi sinh bùn hoạt tính tương đối hoàn chỉnh, công nghệ tiên tiến, phổ biến trên thế giới. Theo đó phần nổi cộm nhất trong sản xuất giấy là xử lý chất thải đã cơ bản được giải quyết. Nổi bật là Hệ thống xử lý nước thải vi sinh, được đầu tư hoàn mới, do Công ty PURAC Thụy Điển cung cấp và chuyển giao, với công suất thiết kế 30.000 m3/ngày đêm. Toàn bộ nước thải sản xuất; nước thải vệ sinh, sinh hoạt của các CBCNV trong Tổng công ty cũng như nước thải của các công ty xung quanh (mà Tổng công ty có hợp đồng nhận xử lý), đều được thu gom bằng hệ thống cống ngầm và đưa về khu xử lý nước thải tập trung. Kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau xử lý từ hệ thống này đã đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường. Bụi trong khói thải và thực tế hiệu suất xử lý bụi của toàn bộ hệ thống đạt trên 96%, giảm được đến 90% lượng khí mang mùi ra môi trường. Nhiều chất thải rắn như vỏ cây, mùn cưa, xỉ than, bùn sơ cấp và thứ cấp đã được thu hồi, bán làm nguyên liệu.

Để tiết kiệm, trong sản xuất, Vinapaco đã tuyên truyền và phát động tất cả CBCNV sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, nước sạch, vật tư nguyên liệu. Việc duy trì sản xuất sạch hơn, hợp lý hóa các khâu trong qui trình sản xuất, đẩy mạnh các biện pháp quản lý nội vi tại các phân xưởng… đã giúp đơn vị giảm thải ngay tại nguồn. Ngoài ra, Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 được tối ưu hóa tại Vinapacođã giúp mọi quá trình phục vụ và sản xuất được kiểm soát chặt chẽ và liên tục cải tiến. Tất cả CBCNV trong hệ thống đều hiểu công việc mình phải làm và tuân thủ đúng các quy định của công việc có trong các hướng dẫn đã được văn bản hóa.

Bắt đầu từ năm 2011, Đơn vị còn lập kế hoạch định mức kinh tế kỹ thuật hàng năm, làm cơ sở xây dựng đúng giá thành, phát hiện những khâu bất hợp lý và đề ra biện pháp khắc phục. Nhiều sáng kiến hữu ích được đưa vào áp dụng đã giúp Vinapaco giải quyết được nhiều ác tắc trong sản xuất, tạo ra giá trị làm lợi đáng kể. Tính đến nay, đã có gần 150 sáng kiến được áp dụng mang đến giá trị làm lợi lên đến gần 120 tỷ đồng.

Giai đoạn 2003-2010, Vina-paco đã triển khai hàng loại các cải tạo, hoàn thiện và hợp lý hóa hệ thống sản xuất: Cải tạo công nghệ tẩy trắng, bổ sung thêm giai đoạn tách loại lignin bằng ôxy để làm trắng bột giấy, do đó làm giảm 60% lượng hóa chất clo nguyên tố độc hại phải sử dụng (149 tỷ đồng); Chuyển đổi chưng bốc dịch đen từ trực tiếp sang gián tiếp, giảm 90% lượng khí mang mùi ra môi trường (130 tỷ đồng); Chuyển đổi công nghệ điện phân màng ngăn amiang sang màng trao đổi ion ở nhà máy hóa chất, làm tăng chất lượng các sản phẩm hóa chất sản xuất ra, hạn chế rò rỉ hóa chất ra môi trường, đồng thời loại bỏ chất độc hại ami-ang ra khỏi dây chuyền; Tuần hoàn tái sử dụng nước rửa ngược từ bộ phận xử lý nước thô (khoảng 2.000m3/ngày) cho sản xuất… Những thay đổi hoàn thiện này đã giúp Vinapaco làm tốt khâu xử lý cuối đường ống, giảm phát thải, kiểm soát chặt chẽ các chất thải ra môi trường, đặc biệt tại các phân xưởng sản xuất bột giấy và giấy.

Tất cả những hoạt động này đã góp phần định hướng mô hình sản xuất “xanh hóa” ở Vinapaco.

Theo sxsh