Công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời vào ban đêm

Một doanh nghiệp của Đức đã chế tạo được thiết bị sử dụng pin mặt trời sử dụng vào ban ngày, năng lượng thừa được tích trữ để sử dụng vào ban đêm.

Như vậy, thay vì phải bán điện mặt trời dôi dư cho lưới điện và sau này mua lại, hộ gia đình có thể sử dụng điện tích trữ.

160415_pinnlmt

Pin tích trữ năng lượng khai thác vào ban ngày bằng các tấm pin mặt trời gắn trên mái nhà

Sonnenspeicher là hệ thống quản lý thông minh, tự động điều chỉnh dòng điện nạp và phóng để dễ dàng quản lý mức năng lượng tiêu thụ. Nó còn có chế độ “Sleep” đảm bảo cho hệ thống tích trữ không bao giờ họat động ở mức thấp và sẽ tự động chuyển sang chế độ “Standby” khi không được sử dụng để tăng hiệu suất.

Mặc dù hệ thống được thiết kế hoàn toàn độc lập với lưới điện quốc gia, nhưng vẫn có thể thể kết nối trong trường hợp khẩn cấp. Ví dụ, khi trong pin còn năng lượng, kết nối với lưới điện sẽ bị khóa. Khi năng lượng hết, Sonnenspeicher sẽ kết nối vào lưới điện với tốc độ một phần nghìn giây.

Nếu một hộ gia đình chủ yếu sử dụng điện lưới, Sonnenspeicher vẫn sẽ tích trữ năng lượng và đóng vai trò như máy phát điện trong thời gian điện bị cắt.

Hệ thống có nhiều loại như Sonnenspeicher 300 công suất 4,8 kWh và Sonnenspeicher 600 với 8,06 kWh cho đến mô hình 1000 cung cấp 13,44 kWh. Giá thành của hệ thống có tuổi thọ lên tới 20 năm này là từ 8.450 Euro.

Trung bình một hộ gia đình có thể tiết kiệm khoảng 1.200 Euro mỗi năm và vẫn sẽ mất khoảng 7 năm để bù đắp chi phí mua thiết bị.

Theo chinhphu.vn

GCTF tham gia sự kiện Entech Hanoi 2015

Từ ngày 20-22/5/2015 tại Trung tâm triển lãm ICE Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội sẽ diễn ra Hội chợ triển lãm Quốc tế Năng lượng hiệu quả – Môi trường Hà Nội – Entech Hanoi 2015 lần thứ 7.

 Entech Hanoi 2015 nhằm thúc đẩy thị trường chuyển giao công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường trong cộng đồng nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên, môi trường trong bối cảnh thế giới đang thực hiện kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các bon thấp.

Ảnh: tietkiemnangluong.vn

Qua 6 năm thực hiện, Hội chợ đã thu hút 449 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự với gần 1.000 gian hàng đã được trưng bày. Entech Hanoi được tạp chí Today Energy (Hàn Quốc) đánh giá là 1 trong 7 triển lãm hiệu quả nhất đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại nước ngoài, tổng giá trị hợp đồng được ký kết giữa các đối tác đạt 125,2 triệu USD.

Tham gia Entech Hanoi 2015 với diện tích trưng bày trên 6.000m2, dự kiến sẽ có khoảng 160 – 200 gian hàng của khoảng 150 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng mới, năng lượng sạch… trong và ngoài nước tham gia triễn lãm.

Triển lãm nhằm góp phần vào công cuộc đổi mới các công nghệ sử dụng năng lượng trong sản xuất, công trình xây dựng và trong tiêu dùng theo hướng tiết kiệm, thân thiện với môi trường. Entech Hanoi tạo môi trường để các doanh nghiệp Việt Nam và các nước giới thiệu sản phẩm, trao đổi công nghệ, hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường.

Trong khuôn khổ Entech Hanoi 2015 còn diễn ra các hội thảo khoa học như: Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp; giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong tòa nhà thương mại, dịch vụ và tòa nhà trụ sở; diễn đàn giao thương, giới thiệu công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc; giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cuộc thi về “Sản phẩm, công nghệ Xanh”…

Năm nay, Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) cũng tham gia Hội chợ nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, các nhà cung ứng thiết bị và giải pháp kỹ thuật công nghệ, và các đơn vị khác có quan tâm một cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho các dự án thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm tác động môi trường. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tư vấn trực tiếp cũng như hướng dẫn đầy đủ về cách nộp hồ sơ dự án đăng ký với Quỹ.

Mọi thông tin về Quỹ Ủy thác tín dụng xanh, xin liên hệ:

  • Ms Nguyễn Lê Hằng 
  • Điều phối viên Quỹ GCTF
  • Email: [email protected]
  • Tel: 04 3868 4849 – số máy lẻ 14
  • ĐT: 0912 467 692

Theo admin GCTF 

Giảm mạnh đầu tư nghiên cứu công nghệ năng lượng xanh

Nghiên cứu về năng lượng xanh được xem là chìa khóa để thành công trong cắt giảm khí thải các-bon trên toàn cầu đã được cảnh báo có khả năng bị chậm lại khi số lượng bằng phát minh trong lĩnh vực này đã giảm đi 42% trong ba năm qua.

nagn-luong-xanh

Năng lượng xanh từ gió và mặt trời (Ảnh minh họa: evn.com.vn)

Theo nghiên cứu mới đây của hãng EMW cho thấy số lượng đăng ký phát minh về công nghệ xanh như năng lượng trời, gió, sinh học và chất thải đã giảm từ 35.390 phát minh trong năm 2012 xuống còn 20.655 phát minh trong năm 2014.

Hãng EMW cho rằng sự giảm mạnh này chủ yếu từ sự dư thừa nguồn cung trong thị trường các tấm phin năng lượng mặt trời đã làm giảm mạnh lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong năm 2014, đăng ký phát minh liên quan đến năng lượng mặt trời chiếm 65%.

Bên cạnh đó, sự cắt giảm hỗ trợ tài chính của nhiều nước đối với sử dụng năng lượng tái tạo cùng với sự giảm sâu của giá dầu đã nới rộng thêm khoảng cách về giá giữa năng lượng chứa hàm lượng các-bon thấp và năng lượng hóa thạch.

Ông James Geary, người đứng đầu về nhóm nghiên cứu năng lượng xanh của EMW, cảnh báo rằng những số liệu này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực các nước khi muốn đạt được mục tiêu cắt giảm khí các-bon. Theo ông Geary thì có thể các nước có thể sẽ phải tiếp tục tăng thêm tài chính để hỗ trợ nghiên cứu đổi mới năng lượng xanh.

Theo Tuấn Hải/ Nhân Dân

Ninh Thuận hút nhiều vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo

Tỉnh Ninh Thuận đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án điện gió có quy mô vốn đến 3.780 tỉ đồng, và đồng ý về nguyên tắc một dự án điện mặt trời trị giá đến 40.000 tỉ đồng.

Các doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Ninh Thuận tại Hội nghị 

Cụ thể, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận diễn ra tại TPHCM ngày 25-3, Ninh Thuận đã cấp phép cho dự án xây dựng nhà máy điện gió Trung Nam do Công ty cổ phần điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư. Dự án này sẽ được thực hiện tại xã Lợi Hải và xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc với vốn đăng ký lên đến 3.780 tỉ đồng.

Theo kế hoạch nhà đầu tư sẽ triển khai khởi công nhà máy vào tháng 6 tới và hoàn thành cả hai giai đoạn vào năm 2018 cho công suất phát điện 90MW.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh cũng “bật đèn xanh” cho Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thiên Tân tiến hành dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời trên khu đất đến 600 héc ta tại ba huyện gồm Ninh Phước, Bác Ái và Ninh Sơn. Với công suất thiết kế lên đến 300 MW, nhà đầu tư cam kết sẽ đầu tư dự án này với số vốn là 40.000 tỉ đồng. Hiện dự án này đã được lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đồng ý về chủ trương đầu tư, và nhà đầu tư dự kiến sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2018.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh, mục tiêu của tỉnh là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước (gồm điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời), phấn đấu đến năm 2020, giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Trọng tâm của tỉnh là đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân với công suất mỗi nhà máy 4.000 MW, đồng thời phát triển các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời ở các khu vực có tiềm năng theo quy hoạch, với quy mô 2.600 MW.

Đối với năng lượng gió, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5m/s, lý tưởng để phát triển điện gió. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/giây, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận, không kể các dự án mới cam kết tại Hội nghị, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 9 dự án điện gió với tổng công suất 654MW, tổng vốn đăng ký là 24.804 tỉ đồng. Trong số này có ba dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nhà đầu tư EAB và Vend Wind (Đức), Enfinity (Bỉ), và đã chấp thuận địa điểm cho 7 dự án khác với tổng công suất 431,4 MW.

Tuy nhiên việc triển khai đầu tư các dự án điện gió còn chậm do nhiều nhà đầu tư chờ đợi chính sách được tăng thêm giá mua điện gió nối lưới bởi theo họ giá điện gió hiện nay thấp không đủ bù vốn đầu tư.

Đối với năng lượng mặt trời, Ninh Thuận có số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày), cường độ ánh sáng lớn, lượng bức xạ mặt trời trên 230 kcal/cm2, trở thành địa bàn tốt phát triển năng lượng mặt trời.

Đến nay, tỉnh cũng đã có chủ trương đồng ý cho liên doanh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Terra Wood và Công ty Belectric Solar (Đức) triển khai thí điểm dự án điện mặt trời tại huyện Ninh Hải, có công suất khoảng 3 MW với vốn đầu tư khoảng 7 triệu đô la Mỹ.

Theo Thời báo KT Sài Gòn

Đầu tư năng lượng xanh toàn cầu tăng lên 270 tỷ USD năm 2014

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) được công bố ngày 31/3, đầu tư toàn cầu về năng lượng tái tạo đã phục hồi và tăng mạnh lên tới 270 tỷ USD trong năm qua sau hai năm suy giảm.
ttxvn_PinMattroi2

Các tấm gương hấp thụ năng lượng mặt trời tại nhà máy điện Horus, Guatemala. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc mở rộng lắp đặt thiết bị thu năng lượng Mặt Trời ở Trung Quốc và Nhật Bản cùng với các khoản đầu tư kỷ lục trong dự án điện gió ngoài khơi ở châu Âu đã giúp thúc đẩy đầu tư toàn cầu trong năm 2014, tăng 17% so với con số 232 tỷ USD trong năm 2013.

Đây là mức tăng đầu tiên tính theo năm trong việc cam kết và đầu tư vào năng lượng tái tạo (không tính các dự án thủy điện lớn) trong ba năm qua.

Trên toàn thế giới, công suất lắp đặt thêm trong năm 2014 là 103 GW, so với 86 GW năm 2013, 89 GW năm 2012 và 81 GW năm 2011.

Việc giảm mạnh chi phí công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, cũng là yếu tố góp phần gia tăng công suất.

Ông Achim Steiner, Phó Tổng thư ký LHQ kiêm Giám đốc điều hành UNEP cho biết một lần nữa vào năm 2014, năng lượng tái tạo chiếm gần một nửa công suất điện lưới lắp đặt thêm trên toàn thế giới.

Công nghệ năng lượng thân thiện với môi trường hiện là một thành phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và tầm quan trọng của nó sẽ gia tăng khi thị trường trưởng thành, giá cả công nghệ tiếp tục giảm và sự cần thiết hạn chế lượng khí thải có carbon ngày càng trở nên cấp bách hơn.

Sự thâm nhập ngày càng tăng của việc phát triển năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới là một trong những khía cạnh quan trọng và đáng khích lệ trong báo cáo “Xu hướng đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu” của UNEP.

Trong năm 2014, đầu tư vào năng lượng tái tạo của các thị trường mới ở các nước đang phát triển đã gia tăng nhanh chóng với mức tăng 36% lên 131,3 tỷ USD.

Trung Quốc với 83,3 tỷ USD, Brazil (7,6 tỷ USD), Ấn Độ (7,4 tỷ USD) và Nam Phi (5,5 tỷ USD) đều nằm trong nhóm 10 nước đầu tư hàng đầu, trong khi hơn 1 tỷ USD đã được đầu tư ở Indonesia, Chile, Mexico, Kenya và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngược lại, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các nền kinh tế phát triển chỉ tăng 3% lên 138,9 tỷ USD. Thậm chí tính cả việc phát triển mạnh lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi thì các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo ở châu Âu hầu như không thay đổi ở mức 57,5 tỷ USD.

Báo cáo UNEP nhấn mạnh, mặc dù 2014 là một năm bước ngoặt cho năng lượng tái tạo sau hai năm sụt giảm, song vẫn còn nhiều thách thức dưới các hình thức như sự bất ổn chính sách, các vấn đề về cơ cấu trong hệ thống điện – vì chính bản chất của việc phát triển năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời vẫn phụ thuộc vào sức gió và ánh sáng Mặt Trời. Đấy là còn chưa kể đến các thách thức liên quan đến những biến động của giá dầu thô thế giới./.

Theo vietnamplus.vn

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh

Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

_images

Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Theo đó, thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành Ngân hàng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thống đốc nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 -2020. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt; đầu mối tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho hoạt động tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội; hướng dẫn các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội…

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt tình hình kinh tế – xã hội và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, đề xuất với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các giải pháp thực hiện công tác quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu căn cứ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố, chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu doanh mục đầu tư tín dụng của mình; Nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Triển khai tích cực công tác thông tin, truyền thông về quản lý rủi ro môi trường – xã hội và chính sách tín dụng xanh của tổ chức tín dụng để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận, doanh nghiệp đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh của tổ chức tín dụng nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.

Theo chinhphu.vn

Ngành xi măng: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất

Tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những định hướng đầu tư của ngành xi măng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2020-2030.

263201511

 Nghiên cứu chuyển đổi công nghệ nâng cao chất lượng xi măng

Cụ thể, ngành xi măng sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng xi măng.

Để từng bước đổi mới công nghệ, khẳng định vị trí top đầu thị trường xi măng phía Nam, Tổng công ty Xi măng FiCO đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn (TCVN 17025:2005) Vilas 270 và sản phẩm xi măng FiCO PCB 40 đạt tiêu chuẩn TCVN 6260:2009, đảm bảo chất lượng ổn định, giá thành cạnh tranh. Ông Nguyễn Quang Trung – Tổng giám đốc Tổng công ty FiCO cho biết: “Trong thời gian tới (2016-2020), bên cạnh công tác sản xuất và tiêu thụ, FICO sẽ triển khai dự án đầu tư dây chuyền 2 có công suất thiết kế 1,24 triệu tấn clinker, dây chuyền nghiền xi măng công suất 1,6 triệu tấn xi măng, tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018”.

Bên cạnh đó, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Vicem Hoàng Thạch) cũng là một điển hình trong việc tập trung đổi mới công nghệ khi nghiên cứu, áp dụng thành công kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng nghiền liệu, nhờ đó lò 3 của nhà máy chạy ổn định và vượt công suất thiết kế với 336 ngày, đạt kỷ lục thế giới (thông thường theo tiêu chuẩn thiết kế mỗi lò chạy hết công suất khoảng từ 250-325 ngày); chi phí cho tiêu thụ sản phẩm chỉ có 70.000 đồng/tấn xi măng, trong khi đơn vị khác là 150.000-200.000 đồng/tấn.

Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2015 của ngành xi măng tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Tiêu thụ sản phẩm xi măng trong hai tháng đầu năm đạt 9,01 triệu tấn, bằng 103,9% so cùng kỳ năm 2014 và đạt 12,5% kế hoạch năm 2015. Trong đó, tiêu thụ trong nước vẫn đạt con số 6,76 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Đào Ngọc Bình –  Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, để phát triển mạnh theo chiều sâu, Vicem Hoàng Thạch đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.

Theo yêu cầu của Chính phủ, năm 2015, đối với những dự án xi măng đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày trở lên; các dự án ở vùng sâu, dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô, công suất phù hợp. Với sự quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của Chính phủ cùng với đà phục hồi của thị trường bất động sản, các chuyên gia dự đoán rằng mức tiêu thụ sản phẩm xi măng, nhất là tại thị trường nội địa sẽ vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như những tháng cuối năm 2014./.

Theo ven.vn

Xử lý cao su phế thải thành nhiên liệu cấp nhiệt

Công ty TNHH TM DV công nghệ mới (Newtech) đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nhiệt phân liên tục NP-LT tái chế rác cao su thành dầu FO-R và than CBM-R.
6c7d187798-1-05
Từ những phế liệu cao su, thông qua hệ thống tái chế Newtech đã biến chúng thành những nhiên liệu có ích. Nguồn nguyên liệu sau khi phân loại được đưa vào hệ thống tái chế qua quy trình nhiệt phân khép kín tạo thành sản phẩm dầu FO-R, than CBM-R.
Công nghệ xử lý này được thiết kế theo dạng khép kín, kết nối thành một quy trình tuần hoàn sử dụng máy móc chủ yếu tự động hóa. Thành phần chủ yếu của dầu FO-R là mạch hydrocarbon, chúng được sử dụng làm nhiên liệu đốt cho lò hơi, lò sấy và lò tải nhiệt của các hệ thống nhiệt.
Tương tự, than CBM-R cũng có cấu tạo chủ yếu là carbon dạng rắn thay thế cho than cám (than đá) và được sử dụng chủ yếu để làm phụ gia cho quá trình sản xuất gạch block không nung (gạch nhẹ) hoặc thay than cám trộn vào đất sét trong quá trình sản xuất gạch tuynel.
Theo MONRE

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) khuyến khích Hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp và tòa nhà tại Việt Nam

Trong ngày 23-3-2015, tại Khách sạn InterContinental Asiana Saigon, tp HCM, đã diễn ra hội thảo Việt – Đức về “Quản lý năng lượng trong các ngành công nghiệp và cao ốc tại Việt Nam” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) phối hợp tổ chức cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Kinh tế và Khoa học Bang Baden-Württemberg, với sự tài trợ của Bộ Kinh tế và Năng lượng, CHLB Đức. 

Camera 360

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng để việc sử dụng năng lượng đạt hiệu quả cao, đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm tiết giảm chi phí trong sinh hoạt, dịch vụ và đặc biệt trong sản xuất.

Với chủ đề xuyên suốt Hiệu quả năng lượng trong các ngành công nghiệp và tòa nhà, hội thảo đã thảo luận với các nội dung chính gồm: khuôn khổ pháp lý cũng như chính sách, cơ chế ưu đãi và xử phạt về bảo tồn và sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam; hệ thống chứng nhận cao ốc xanh và các tiêu chuẩn về sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như các ví dụ điển hình từ công ty CP Vicem Hà Tiên và dự án Ngôi nhà Đức tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) đã có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cũng như các nhà cung ứng công nghệ và giải pháp quản lý năng lượng hiệu quả và các chuyên gia tư vấn chuyên ngành để quảng bá hình ảnh và dịch vụ của mình, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

GCTF là một giải pháp hỗ trợ tài chính giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam mạnh dạn hơn trong quá trình đầu tư lắp đặt công nghệ mới để thay thế công nghệ lạc hậu

Theo đó, sẽ có rất nhiều DN trong ngành công nghiệp tại Việt Nam nằm trong mục tiêu hỗ trợ của GCTF. Các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, xi măng…), sản xuất thủy tinh (thay lò nấu thủy tinh …), ngành nhựa (thay máy ép thế hệ mới…), ngành dệt nhuộm (thay máy nhuộm, lò hơi…), ngành chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, thuộc da, sản xuất hóa chất, sơn, pin, ắc quy…

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như nhà hàng, dịch vụ ăn uống, khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, khu vui chơi – giải trí, toà nhà văn phòng… cũng có thể tham gia vào GCTF nếu có các dự án liên quan đến tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường…

Theo Admin GCTF

Xu hướng mới: Điện mặt trời nổi trên nước

Ứng dụng năng lượng mặt trời ở quy mô lớn nhất bây giờ và có thể cả trong tương lai vẫn là sản xuất điện năng.

Về mặt công nghệ, hiện nay chỉ phát triển rộng rãi hai loại: Công nghệ quang điện SPV (Solar Photovoltaic) và Công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power).

Riêng trong công nghệ SPV, năng lượng ánh sáng mặt trời được chuyển thành điện năng bởi các tế bào quang điện (hay các pin mặt trời nhỏ bé). Các pin nhỏ này ghép lại thành tấm pin mặt trời lớn và các tấm pin này lại ghép với nhau thành mô-đun hay dãy trước khi đưa lên lưới điện và chuyển đến người sử dụng.

Ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận và “không mất tiền mua”, vậy mà từ bao nhiêu năm nay ngành công nghiệp điện mặt trời chỉ được phát triển một cách chậm chạp và dè dặt, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng công nghệ quang điện SPV.

Chỉ trong những năm gần đây nền điện năng mặt trời loại này như được khởi sắc bởi sự chắp cánh của xu hướng sản xuất ngay trên mặt nước của sông hồ và cả trên mặt biển.

Sáng kiến mở đầu từ Israel

điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng

Sự hạn chế lớn của việc khai thác năng lượng ánh sáng mặt trời để biến thành điện năng dùng công nghệ SPV gây ra bởi hai khó khăn chính. Trước hết, chất bán dẫn Silicon là vật liệu tốt nhất nhưng cũng khá đắt đỏ trong công nghệ CSP. Thứ hai là yêu cầu lớn về diện tích đất để đặt các tấm thu ánh sáng mặt trời trong lúc việc mua hay thuê đất bằng phẳng cũng là khó khăn lớn khiến giá thành của điện mặt trời bị đẩy lên khá cao.

Trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng và thí điểm công nghệ nhằm khắc phục các khó khăn trên phải kể đến Israel, cụ thể là hãng Solaris Synergy. Chính hãng Solaris Synergy đã giải quyết cả 2 vấn đề khó khăn nói trên, đạt được những hiệu quả đáng ngạc nhiên và, nhờ vậy, đã đạt được vị trí thứ nhất trong cuộc thi ý tưởng tại Đại học Tel Aviv vào tháng 11 năm 2011.

Cụ thể, các kết quả nghiên cứu đạt được của Solaris Synergy như sau. Để giảm chi phí sử dụng các tấm silicon lớn, cần chia nhỏ chúng rồi cho “nổi trên mặt nước như đồ chơi Lego” và “được bao phủ bởi một tấm phim tráng gương có hình cong, có thể thu ánh sáng thành một đường mỏng… “ và, như vậy, “bề mặt của thiết bị giảm chỉ cần 5% lượng silicon, do đó giảm được chi phí đắt đỏ của loại vật liệu này”.

Để giảm tốn kém diện tích đất, hãng Solaris Synergy đã đưa thiết bị thu và biến đổi ánh sáng mặt trời thành dòng điện cho nổi trên mặt nước sạch, nước mặn hoặc nước thải. Và hệ thiết bị này được nâng bởi một mạng lưới được kết nối từ các phần nhỏ chế biến từ sợi thủy tinh và chất dẻo siêu nhẹ có thể nổi được trên mặt nước. Ngoài ra, có thể kể thêm một lợi ích kèm theo: tấm pin mặt trời trên mặt nước này còn đưa lại lợi ích khác vì nó giảm đáng kể sự bay hơi, ngăn chặn sự phát triển của tảo và các sinh vật hữu cơ trong môi trường nước.

Và để cho tia sáng mặt trời luôn hội tụ trong các tấm silicon, tấm lưới nâng được xoay dần dần theo sự di chuyển của mặt trời trong ngày nhờ một động cơ nhỏ điều khiển từ xa qua ăng-ten…

Phát minh trên của hãng Solaris Synergy có ý nghĩa lớn và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới, trước hết phải kể đến các quốc gia Anh, Úc, Ấn Độ và Ý. Và tiêu biểu là hai nhà máy điện mặt trời ở hai nước Australia và Nhật Bản.

Australia: Nhà máy điện SPV nổi đầu tiên

Nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ quang điện SPV nổi trên nước đầu tiên với những tính năng ưu việt của nó đã được xây dựng và sắp hoàn thành, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động ngay đầu tháng 4/2015 sắp tới.

Nhà máy này nổi trên một mặt hồ của cơ sở xử lý nước thải ở thị trấn Jamestown thuộc bang Nam Australia. Nhà máy được thiết kế để phần lớn công trình được thực hiện ở bên ngoài, rồi lắp ráp lại với nhau bên trên cơ sở xử lý nước thải.

Các tấm thu năng lượng mặt trời nổi sẽ được làm mát bởi phần nước phía dưới, do đó làm tăng hiệu quả hoạt động lên 57% so với các tấm thu năng lượng mặt trời trên cạn. Đồng thời các tấm này “cũng giúp ngăn chặn 90% nước bốc hơi từ bề mặt được che phủ phía dưới. Đối với những tiểu bang khô hạn hay những vùng có khí hậu khô, đây là một giải pháp tiết kiệm nước tuyệt vời…Nó cũng ngăn chặn tảo xanh phát triển bằng cách giữ mát cho bề mặt nước, cải thiện chất lượng nước qua xử lý” (theo lời bà Felicia Whiting thuộc Công ty Infratech Industries).

điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng

Nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên của Australia được xây dựng bên trên một hồ nước của cơ sở xử lý nước thải. Ảnh: ABC.

Có thể xem nhà máy ở Nam Australia này thực sự là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên trên thế giới. Với nhà máy này, các nhà chuyên môn khẳng định đây là mô hình nhà máy điện mặt trời bền vững, không tốn diện tích đất và là hình mẫu cho nhiều nước trên thế giới.Công ty Infratech Infratech đã phát triển các nhà máy điện mặt trời nổi ở nhiều quốc gia như Pháp và Hàn Quốc, nhưng đó cũng chỉ là những điểm thử nghiệm. Chính nhà máy sắp đưa vào hoạt động ở Nam Australia mới là nhà máy được áp dụng mô hình mới được cải tiến, dự kiến sẽ sản xuất năng lượng không chỉ đủ cho cơ sở xử lý nước thải hoạt động, mà còn cung cấp điện cho thị trấn Jamestown.

Nhật: Dự án điện mặt trời nổi lớn nhất

Ngoài Australia, gần đây, công nghệ pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mặt nước đã được quan tâm phát triển tại Anh, Úc, Ấn Độ và Ý.

Và đặc biệt ở Nhật Bản, một đất nước khá hẹp về diện tích đất đai bằng phẳng và không đủ diện tích để xây dựng các nhà máy điện mặt trời cỡ lớn. Nhưng bù lại, nước Nhật có tiềm năng về các hồ tích nước trong nông nghiệp, hồ kiểm soát lũ và, ngoài ra, toàn bộ đất nước Phù Tang bao quanh bởi đại dương bao la. Đó là tài sản quý giá để đặt các tấm panô pin cho các nhà máy điện mặt trời kích cỡ khác nhau.

Nhìn lại quá trình phát triển ở Nhật Bản, ông Nobuo Kitamura, giám đốc điều hành cấp cao của Kyocera, cho biết: từ năm 1970 nước này đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển năng lượng Mặt Trời, nhưng chủ yếu là ứng dụng với phạm vi nhỏ hẹp như trong sản xuất điện cho đèn đường, biển báo giao thông và trạm viễn thông ở khu vực miền núi. Bước tiếp theo là xây dựng một số nhà máy lớn hơn trên các dải đất ven biển như Kagoshima Nanatsujima.

điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng

Ảnh nhà máy điện mặt trời Kagoshima Nanatsujima hiện có của Nhật. Ảnh: Kyocera.

Và vào tháng 9 năm qua, tập đoàn Kyocera đưa ra kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên nước lớn nhất thế giới: phủ 11.000 tấm panô pin mặt trời lên hai khu vực mặt nước rộng ở tỉnh Hyogo. Hai trạm quang điện nổi này có công suất 2,9 MW, đủ để cung cấp điện sinh hoạt cho 920 hộ dân.Đặc biệt, kể từ năm 2011 khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần với nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời với xu hướng thiên về các nhà máy sử dụng công nghệ quang điện SPV và lắp đặt trên mặt nước.

Đồng thời Kyocera cho xây dựng 30 nhà máy quang điện nổi trên biển vào năm 2015 để sản xuất ra 60 MW điện. Theo Kyocera, các panô nổi trên biển hoạt động tốt hơn trên đất liền vì nước biển làm mát các tấm pin mặt trời khiến tế bào quang điện hoạt động hiệu quả hơn.

Hệ thống năng lượng mặt trời trên mặt nước lớn nhất sẽ được xây dựng trên đập Yamakura. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 2016, khi đó hệ thống sẽ bao phủ 180.000 m2 nước, với 50.000 tấm pin năng lượng mặt trời và cung cấp điện cho khoảng 5.000 hộ tiêu thụ.

Với nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên sắp khánh thành trong tháng sau của Australia và hệ thống nhà máy quy mô hàng đầu thế giới của Nhật bản dự kiến khai trương vào đầu năm tới, ngành điện mặt trời theo công nghệ SPV trên thế giới sẽ vươn lên một vị thế mới sánh vai với ngành này theo công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP sẽ trình bày trong phần giới thiệu kế tiếp Công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power).

Theo Vietnamnet.vn