Khai mạc Enertec Expo 2015 lần thứ 5 về tiết kiệm năng lượng

Sáng ngày 22-7, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Tân Bình, TP HCM đã diễn ra Hội chợ Triển lãm Quốc tế lần thứ 5 Công nghệ sản phẩm Tiết kiệm năng lượng & Năng lượng xanh (Enertec Expo 2015) và Triển lãm Quốc tế lần thứ 8 về Công nghệ & Thiết bị Điện (Vietnam ETE 2015). 

Hội chợ được thực hiện dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Công Thương, UBND TP. Hồ Chí Minh và các Bộ ngành hữu quan. Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh là đơn vị chủ trì.

Hội chợ triển lãm diễn sẽ kéo dài đến hết ngày 25/7 với quy mô 250 gian hàng, quy tụ những công nghệ, thiết bị tiến tiến về năng lượng và thiết bị điện của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và 25 doanh nghiệp nước ngoài đến từ Pháp, Đức, Thụy Sỹ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ…

Hội chợ nhằm giới thiệu, quảng bá các  sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị điện công nghệ cao, giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng xanh, sản phẩm sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo…Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, mở ra cơ hội giao lưu, hợp tác, thu hút đầu tư giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ hội chợ sẽ diễn ra các hội thảo chuyên ngành do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức với các chủ đề như: “Thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất xanh để bảo vệ môi trường ” và “Giải pháp và công nghệ năng lượng hiệu quả cho các tòa nhà”. Tại hội chợ cũng sẽ diễn ra lễ trao giải cuộc thi “Tiết kiệm năng lượng cho Cuộc sống Xanh” phối hợp Thành Đoàn TP. HCM thực hiện.

Theo Mai Lan – tietkiemnangluong.com.vn

Các dự án tiết kiệm năng lượng tốt có thể được vay vốn lãi suất thấp

Các dự án tiết kiệm năng lượng tốt có thể vay vốn lãi suất thấp

PV: BIDV sẽ xem xét các đề án vay vốn theo Chương trình Hỗ trợ đầu tư Xanh như thế nào, khi họ đồng thời là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN), một trong những đối tượng Chính phủ ưu tiên vay vốn?

Ông Lê Ngọc Lâm: Ở đây không có gì là trùng lắp. Vay vốn theo cơ chế hỗ trợ của Chính phủ hay vay vốn thương mại về bản chất vẫn là một khoản vay của DN. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, các ngân hàng đang áp dụng lãi suất ưu đãi đối với DN hơn khách hàng bình thường.

Tham gia Chương trình Hỗ trợ đầu tư Xanh, DN có thể tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng (NH) được chỉ định. Điểm đặc biệt của chương trình này là cơ chế trả thưởng dựa trên mức độ tiết kiệm năng lượng hiệu quả của DN.

Các DN có giải pháp tiết kiệm năng lượng tốt sẽ được thưởng từ 10 – 30% tổng chi phí đầu tư dựa trên mức năng lượng tiết kiệm được và đấy chính là nguồn để DN sử dụng trả nợ gốc.

PV: BIDV sẽ áp dụng mức lãi suất nào cho các DN tham gia chương trình này?

Ông Lê Ngọc Lâm:Các DN có thể nhận được nguồn hỗ trợ tài chính 50% giá trị khoản vay thông qua bảo lãnh của NH cho các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng. Về phía BIDV, chúng tôi cũng triển khai cho vay theo cơ chế thương mại thông thường, mức lãi suất phụ thuộc vào từng khách hàng, từng dự án cụ thể.

Với những dự án mà BIDV thẩm định tốt sẽ được ưu đãi hơn so với lãi suất trung và dài hạn đang áp dụng hiện nay là 9 – 11%.

PV: Cho vay trong một lĩnh vực hoàn toàn mới, theo ông, NH được lợi gì từ chương trình này?

Ông Lê Ngọc Lâm:Chương trình Hỗ trợ đầu tư Xanh cung cấp một gói tài chính sáng tạo gồm một bảo lãnh ngân hàng, một khoản trả thưởng dựa trên hiệu quả thực hiện làm đảm bảo cho khoản tài trợ từ các ngân hàng Việt Nam.

Tôi cho đây là cơ hội để NH Việt Nam làm quen với lợi ích kinh tế về hiệu quả năng lượng, mở thêm các cơ hội vay vốn cho DN. Một điểm nữa, việc Chính phủ Đan Mạch thông qua NH ANZ, hỗ trợ 50% khoản vay giúp DN không phải đặt toàn bộ tài sản đảm bảo 100% khoản vay, họ chỉ cần đặt 50% tài sản tương ứng cho khoản vay, tôi cho đấy là cái lợi từ chương trình này.

PV: Trong bối cảnh nợ xấu vẫn tăng, việc tham gia chương trình này là cách BIDV cũng như các NHTM đẩy rủi ro sang các đối tác phát triển?

Ông Lê Ngọc Lâm:Hoàn toàn không có việc đẩy rủi ro từ bên này sang bên kia mà là sự hợp tác hai bên cùng thắng. Ở đây, Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ cho DN nhiều hơn cho các ngân hàng, để giải quyết vấn đề hiệu quả năng lượng của Việt Nam.

Tất nhiên, các ngân hàng tham gia chương trình cũng có thêm động lực triển khai các dự án cho vay với DN.

PV: Cảm ơn ông!

Theo doanhnhansaigon.vn

Thông qua 3 ngân hàng thương mại, Đan Mạch hỗ trợ đầu tư xanh

Chiều ngày 25-6, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Đại sứ quán Đan Mạch với 3 ngân hàng Techcombank, BIDV và SCB.

Đây là các ngân hàng cho vay tham gia vào Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh (GIF) thuộc dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Phát biểu tại Lễ lý kết, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đang phải đối mặt với nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao. Các DNVVN với phương pháp sản xuất cũ, thiết bị lạc hậu đang tiêu thụ phần lớn năng lượng. Những DN này đang gây ra gánh nặng cho nền kinh tế, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Trong khi đó, nhiều DN chưa chú trọng đến đầu tư tiết kiệm năng lượng, hoặc có nhu cầu đầu tư nhưng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với các Ngân hàng cho vay được diễn ra sẽ tạo cơ hội cho các DNVVN nhận được các khoản hỗ trợ tài chính để đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Đại sứ Đan Mạch cũng bày tỏ hy vọng, đến năm 2016, Dự án sẽ hỗ trợ được từ 150-160 DN. Đồng thời, các DN Việt Nam sẽ học hỏi được kinh nghiệm từ các DN Đan Mạch về hiệu quả năng lượng.

Được biết, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới duy trì phát triển kinh tế trong suốt 30 năm, nhưng nhu cầu tiêu thụ năng lượng không hề tăng.

Đại sứ Đan Mạch John Nielsen

Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng bày tỏ sự vui mừng khi tham dự Lễ ký kết. Ông gửi lời cảm ơn đến Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ Năng lượng, Khí hậu và Tòa nhà Đan Mạch về những hỗ trợ cho Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Ông nói: “Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Đại sứ quán Đan Mạch và các ngân hàng cho vay sẽ hiện thực hóa chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh, nhằm hỗ trợ thiết thực cho các DNVVN trong đầu tư, nâng cấp dây chuyền sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm mức tiêu thụ năng lượng và tăng độ tin cậy cho an ninh năng lượng quốc gia”.

Ông Nguyễn Việt Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục năng lượng

Lễ ký kết với Ngân hàng BIDV

Lễ ký kết với ngân hàng Techcombank

Lễ ký kết với ngân hàng SCB

Sau thành công của Lễ ký kết, Đại sứ Đan Mạch, Đại diện Tổng cục năng lượng và đại diện 3 ngân hàng đã chủ trì buổi tọa đàm giải đáp những thắc mắc.

Khi được yêu cầu đánh giá nhu cầu vay vốn của các DNVVN tại Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho biết, Đan Mạch nhìn thấy nhu cầu rất lớn từ phía các DN. Nhiều DNVVN tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc vay vốn, cũng như tiếp cận các khoản vay. Do đó, Đại sứ hy vọng sự hỗ trợ từ phía Đan Mạch sẽ mở ra cơ hội tiếp cận về tài chính dễ dàng hơn cho các DN.

Ông Amanarth Reddy, Cố vấn cao cấp của  Dự án LCEE cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 90 DN liên hệ xin hỗ trợ tài chính từ Dự án. Trong đó, 20 DN đang được hướng dẫn để hoàn thiện hồ sơ và 8 DN đang được xem xét cho vay vốn.

Được biết, phía dự án LCEE cũng chủ động quảng bá và tiếp cận với các DNVNN thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm năng lượng.

Đại diện các ngân hàng cho vay cũng chia sẻ, các ngân hàng nhận được nhiều lợi ích khi tham gia vào Chương trình Hỗ trợ Đầu tư Xanh. Lợi ích lớn nhất đó là sự gắn kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng, nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào hiệu quả năng lượng. Mặt khác, thông qua các hoạt động này, Ngân hàng và DN sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng về hiệu quả năng lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

Ưu đãi khi sử dụng nước tiết kiệm

Theo quy định tại Nghị định số 54/2015/NĐ-CP của Chính phủ, cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả sẽ được ưu đãi về vay vốn; miễn, giảm thuế.

4_28_1341201799_99_20120619152044_vbl4

Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam (VBL) hiện đang áp dụng hệ thống xử lý nước thải loại A tại các nhà máy, theo đó nước thải qua xử lý sẽ được trả trực tiếp vào nguồn nước công cộng của địa phương

5 hoạt động được ưu đãi

Theo Nghị định trên, các hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả được hưởng ưu đãi gồm tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn; thu gom nước mưa để sử dụng cho sinh hoạt; khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng cho mục đích sinh hoạt; sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm; áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, hoạt động tái sử dụng nước, sử dụng nước tuần hoàn được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước; được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập có được từ hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm theo quy định của pháp luật về thuế.

Còn hoạt động nhập khẩu sản phẩm, thiết bị, công nghệ tiên tiến tiết kiệm nước được miễn, giảm thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế.

Đối với, hoạt động thu gom nước mưa; khử muối từ nước lợ, nước mặn thành nước ngọt; áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Không ưu đãi hoạt động đầu tư lạc hậu

Nghị định quy định rõ, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện nhiều hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả thuộc trường hợp được hưởng ưu đãi thì được hưởng ưu đãi tương ứng với các hoạt động đó theo quy định.

Một hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nếu được hưởng các hình thức, mức ưu đãi khác nhau theo quy định của pháp luật thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được lựa chọn hình thức, mức ưu đãi có lợi nhất; không ưu đãi đối với hoạt động đầu tư thiết bị, công nghệ tiết kiệm nước lạc hậu.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/8/2015.

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã đầu tư thực hiện hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành hoặc đã được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ các chương trình khác thì không được hưởng ưu đãi theo quy định của Nghị định này.

Theo CTTĐT Chính phủ

Giảm lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 750/QĐ-TTg về điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

tindungchinhsach
 Cụ thể, lãi suất cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, cho vay vốn quỹ Quốc gia về việc làm giảm từ 7,2%/năm (0,6% tháng) xuống còn 6,6%/năm (0,55% tháng).

Lãi suất cho vay đối với Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn giảm từ 9,6%/năm (0,8%/tháng) xuống còn 9,0%/năm (0,75%/tháng).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 5/6/2015 và áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định có hiệu lực thi hành.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, sau 12 năm hoạt động, với mạng lưới trải rộng từ Trung ương tới cơ sở và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, Ngân hàng Chính sách xã hội đã huy động được 136.750 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến ngày 31/12/2014 đạt 129.456 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần so với thời điểm thành lập.

Theo thống kê, đã có trên 25,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng doanh số cho vay trên 285 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần giúp trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động, trong đó có trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 6 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn, gần 700 nhà chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở 7 tỉnh miền Trung, trên 102 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc.

Kết quả trên đã góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững từ đó góp phần vào những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Tín dụng xanh – “Vì một tương lai xanh” VTV3 – 28/04/2015

“Vì một tương lai xanh” bao gồm một chuỗi các chương trình hành động xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam phát trên kênh VTV3 lúc 06h55 từ thứ 2 tới thứ 6 hàng tuần.

Chương trình Tín dụng xanh được ghi hình tại Hợp tác xã gạch ngói Việt Tiến, tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Đây là một doanh nghiệp điển hình đã đăng ký thành công dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác tín dụng xanh tại Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC). Dự án trị giá khoảng 5 tỷ đồng nhằm đầu tư xây dựng dây truyền sản xuất gạch không nung đảm bảo thân thiện và bảo vệ tài nguyên đất thay thế cho lò gạch đất nung gây ô nhiễm môi trường và sử dụng nhiều đất nông nghiệp, trong đó Quỹ GCTF bảo lãnh 50% giá trị khoản vay tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB). Ngoài ra, công ty cũng đã được thụ hưởng khoản trả thưởng tương đương với 25% giá trị tín dụng (tương đương 1 tỷ 250 triệu đồng).

Thụy Điển biến rác thành năng lượng

Rác hiện là “mặt hàng” nhập khẩu tăng mạnh tại Thụy Điển, bởi chúng là nguồn nguyên liệu cung cấp điện và nhiệt sưởi ấm cho hàng trăm nghìn hộ gia đình tại đất nước Bắc Âu này.

Đất nước tiên phong

Mỗi ngày, khoảng 300 xe tải chở rác tấp nập ra vào một nhà máy ở ngoại ô thành phố Göteborg, miền tây Thụy Điển, nơi rác được chuyển đến hệ thống lò đốt đặc biệt nhằm tạo ra nhiệt sưởi ấm các ngôi nhà. Christian Löwhagen, đại diện của công ty năng lượng Renova do nhà nước quản lý đồng thời là đơn vị vận hành nhà máy trên, cho biết: “Nguồn năng lượng duy nhất mà chúng tôi sử dụng được tạo ra từ rác”.

Giờ đây, Thụy Điển được nhìn nhận là đất nước tiên phong trong việc biến đổi rác thành năng lượng, là tấm gương sáng cho các quốc gia khác như CH Séc, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan noi theo.

Adis Dzebo, chuyên gia năng lượng tại Viện Môi trường Stockholm, nhận định: “Thụy Điển có hệ thống cung cấp nhiệt sưởi ấm tốt nhất trên thế giới với những lò đốt khổng lồ và nhiệt được chuyển đến từng ngôi nhà qua mạng lưới ống ngầm. Trong khi ở nhiều quốc gia khác, việc sản xuất nhiệt và điện phụ thuộc chủ yếu vào gas hoặc nguyên liệu hóa thạch thì ở Thụy Điển, hoạt động này lại dựa vào quá trình sử dụng rác thải”.

Vấn đề nằm ở chỗ Thụy Điển đã thực hiện công tác tái chế rác thải tốt đến mức không còn đủ rác để đáp ứng nhu cầu. Sau khi 47% lượng rác thải được tái chế và 52% còn lại được sử dụng để sản xuất nhiệt thì chỉ còn 1% rác được đưa đi chôn xuống đất. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu về năng lượng, Thụy Điển hiện đang nhập khẩu rác trong bối cảnh những quốc gia khác phải “đau đầu” tìm biện pháp xử lý số rác này.

Bên ngoài nhà máy của công ty Renova tại Göteborg.

Bên ngoài nhà máy của công ty Renova tại Göteborg

Khi rác cũng có giá trị

Theo Avfall Sverige, hiệp hội quản lý rác thải của Thụy Điển, trong năm 2014, đất nước thuộc bán đảo Scandinavia này đã nhập khẩu khoảng 800.000 tấn rác, chủ yếu từ Anh và Na Uy. Trong đó, riêng công ty Renova đã nhập khẩu 100.000 tấn rác để bổ sung cho 435.000 tấn được “sản xuất nội địa”. Giám đốc truyền thông của công ty năng lượng Sysav cũng cho biết đơn vị này đã phải nhập khẩu 135.000 tấn rác từ Na Uy và Anh trong cùng năm.

Ông Löwhagen chia sẻ: “Renova luôn bắt kịp và theo dõi những nơi thực hiện công tác phân loại rác tốt. Công ty chỉ đốt rác sau khi tất cả những vật liệu có thể tái chế đã được tách ra”.

Sử dụng rác để sản xuất nhiệt và điện đã góp phần giải quyết bài toán xử lý rác thải đồng thời đáp ứng được nhu cầu năng lượng cho người dân. Các công ty năng lượng như Sysav và Renova được sử dụng rác miễn phí, sau đó họ lại bán điện và nhiệt cho người dân.

Weine Wiqvist, Tổng Giám đốc của Avfall Sverige, cho biết: “Bạn sẽ không thể tin được số lượng thư điện tử khổng lồ gửi đến chúng tôi hàng tuần từ những người muốn được cung cấp rác cho chúng tôi”. Ông Löwhagen cũng hồ hởi tâm sự: “Vì các đối tác trả tiền để chúng tôi tiêu hủy rác cho họ nên có thể nói rằng, chúng tôi đang xuất khẩu dịch vụ xử lý rác”.

Những kiện rác chuẩn bị được đưa vào lò để sản xuất năng lượng.

Những kiện rác chuẩn bị được đưa vào lò để sản xuất năng lượng

Môi trường luôn được ưu tiên

Quy trình biến rác thải thành năng lượng tại Thụy Điển hoạt động theo trình tự sau: Trước hết, các vật liệu có thể tái chế sẽ được phân loại, tiếp đó số rác còn lại sẽ được chuyển đến các lò đốt để tạo ra nhiệt. Từ đống tro sót lại, các mảnh kim loại vẫn chưa cháy hết sẽ được tách rời và tái chế trong khi đồ sứ và ngói được chọn lọc để sử dụng trong thi công đường bộ. Ngoài ra, nhiệt từ rác còn được sử dụng để đun nước tạo ra hơi làm quay các tuabin sản sinh điện.
Tuy nhiên, quá trình trên cũng vấp phải một số ý kiến phản đối. Karin Fjellander, một người dân thành phố Göteborg, cho biết: “Điều tôi quan tâm là việc đốt rác phải thân thiện với môi trường, vì vậy nếu quá trình đốt rác thải ra khói độc thì tôi nghĩ giới chức có liên quan không thể tiếp tục làm điều này”.

Tuy quá trình xử lý rác thải vẫn chưa hoàn hảo nhưng Cơ quan bảo vệ môi trường Thụy Điển cho biết với kỹ thuật được cải tiến và việc lọc khói đang được triển khai thì lượng khí độc hại thải ra cũng đang giảm dần và ở mức cho phép.

Chính vì vậy, nhu cầu rác của Thụy Điển vẫn đang tăng lên một cách chóng mặt. Theo Avfall Sverige, nước này sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn rác trong năm 2015 và 2,3 triệu tấn trong năm 2020.

Trước những tín hiệu tích cực trên từ đất nước 9,5 triệu dân, Liên minh châu Âu đã khuyến khích các nước thành viên xây dựng hệ thống nhiệt để sưởi ấm tương tự như Thụy Điển. Ngoài ra, đại diện từ nhiều quốc gia như Ba Lan, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang thường xuyên đến Thụy Điển để học hỏi kinh nghiệm biến đổi rác thành năng lượng.

Tuy nhiên, thành tựu trong việc xử lý rác thải của Thụy Điển không diễn ra trong một đêm mà đó là kết quả của một quá trình nỗ lực hàng thập kỷ, bắt đầu từ những quy định chặt chẽ về phân loại rác thải trong các gia đình, nhà máy và địa phương từ những năm 1970.

Theo Hà Linh/Báo Tin tức

Các nước Bắc Cực cam kết hợp tác cắt giảm khí thải độc hại

Các quốc gia ở vùng Bắc Cực ngày 24/4 đã cảnh báo về những mối nguy hiểm mà môi trường đang phải đối mặt, đồng thời cam kết nỗ lực hợp tác trong việc đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: inhabitat.com)

Ảnh minh họa. (Nguồn: inhabitat.com)

Tại cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực diễn ra ở thị trấn Iqaluit của Canada, cách Vòng Bắc Cực 300km về phía Nam, 8 quốc gia gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Mỹ đã cam kết nỗ lực hơn nữa trong việc cắt giảm lượng khí thải methane và khí carbon đen độc hại, tác động nghiêm trọng đến môi trường nói chung và khu vực Bắc Cực nói riêng.

Các nước cũng lần đầu tiên đạt được một hiệp ước, trong đó cam kết tăng cường hợp tác nhằm giảm thiểu những tác động xấu của tình trạng biến đổi khí hậu thông qua những hành động cụ thể ở từng khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà người dân trên Trái Đất đang phải đối mặt.

Ông cảnh báo khí thải carbon đen và methane gây tác động mạnh đối với môi trường lần lượt gấp 2.000 lần so với khí CO2, trong khi khí methane cũng độc hại gấp 20 lần so với CO2.

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các nước cần chia sẻ trách nhiệm chung trong việc triển khai mọi biện pháp cần thiết để ứng phó với hậu quả của biến đổi khí hậu cũng như ngăn chặn tình trạng này diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Nga Sergei Donskoi cũng kêu gọi các nước tiếp tục hợp tác trong việc giảm thiểu khí thải độc hại bất chấp những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra. Ông đồng thời khẳng định lập trường của Nga trong việc phản đối “chính trị hóa” Bắc Cực.

Được sản sinh ra trong quá trình cháy của gỗ và dầu diesel, khí carbon đen đọng lại trên bề mặt tuyết và các lớp băng đồng thời giữ nhiệt, khiến quá trình tan băng diễn ra nhanh hơn. Trong khi đó, methane cũng là một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính độc hại, khiến nhiệt độ Trái Đất tăng cao.

Các loại khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính đang ngày càng khiến lượng băng tuyết tại khu vực Bắc Băng Dương sụt giảm nghiêm trọng.

Trong báo cáo công bố hồi tháng Ba vừa qua, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về tuyết và băng của Mỹ (NSIDC) đã cảnh báo về lượng băng tuyết giảm xuống mức thấp nhất tại Bắc Cực khi vào thời điểm ngày 15/3, lượng tuyết bao phủ ở Bắc Băng Dương chỉ còn 15,13 triệu km2, mức thấp nhất kể từ năm 1979 khi trung tâm này bắt đầu ghi nhận các dữ liệu của vệ tinh và cũng là năm thứ 6 liên tiếp có lượng băng tuyết giảm xuống mức thấp đáng báo động.

Giới nghiên cứu môi trường nhấn mạnh số liệu trên cho thấy lượng băng Bắc Cực đã tan chảy nhanh hơn dự kiến và đây là một bằng chứng nữa phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu cũng như sự nóng lên toàn cầu đang ở mức báo động.

Theo các nhà khoa học, sự biến mất dần dần của lượng băng tuyết tại Bắc Cực sẽ mang lại những hậu quả nghiêm trọng, khiến mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như các loài động vật và thực vật trên toàn cầu.

Theo TTXVN/VietnamPlus

Việt Nam cần “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị để giảm ô nhiễm

“Việt Nam có 2 thành phố rất đẹp đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên đường của hai thành phố này hiện nay đã tràn ngập xe hơi. Thực tế này đang gây ra những tác động xấu đối với môi trường, nhất là ô nhiễm môi trường không khí với lượng phát thải carbon cao.”

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn đề nêu trên, Đặc phái viên về Biến đổi khí hậu của Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ngài David King cho rằng nếu Việt Nam không “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị, thì trong tương gần rất có thể vấn đề xe hơi đường phố nó còn tồi tệ hơn.

Việt Nam cần đi trước đón đầu về quy hoạch đô thị để góp phần giảm ô nhiễm, ách tắc giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam cần đi trước đón đầu về quy hoạch đô thị để góp phần giảm ô nhiễm, ách tắc giao thông. (Ảnh: TTXVN)

– Hiện nay, biến đổi khí hậu đang ngày diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, khó lường, là Đặc phái viên của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Anh phụ trách về vấn đề biến đổi khí hậu, ngài đánh giá như thế nào về “mối lo” của toàn cầu này?

Ngài David King: Biến đổi khí hậu có nguy cơ mang đến nhiều thảm họa cho xã hội, nền kinh tế và môi trường. Theo quan điểm của cá nhân tôi, biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những thách thức mà ngoại giao chưa thực sự giải quyết được. Vấn đề đặt ra là, nếu chúng ta cứ tiếp tục phá rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch thì chúng ta sẽ phải đối mặt với những hậu quả khôn lường.

Xuất phát từ mối lo trên, hiện nay, Chính phủ Anh đang có những nỗ lực rất lớn ở cả hai mặt trận đó là chính sách đối nội và chính sách đối ngoại để giải quyết thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu.

Trong chính sách đối nội, Vương quốc Anh đã có những giải pháp rất cụ thể. Năm 2008, chúng tôi đã thành lập Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu, đây được coi là nỗ lực kết nối các Chính phủ với nhau về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, chúng tôi đã giảm 29% khí phát thải nhà kính so với mức phát thải của năm 1990. Mục tiêu chúng tôi đưa ra đến năm 2028 là giảm 52%, đến năm 2050 sẽ giảm 80%.

Về chính sách năng lượng, chúng tôi đã sử dụng công cụ định hướng xây dựng và thực thi chính sách liên quan biến đổi khí hậu đến năm 2050. Cho đến nay, công cụ này đã được 12 quốc gia trên thế giới sử dụng, phục vụ cho việc thực thi chính sách, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển.

Chúng tôi cũng đang chia sẻ kinh nghiệm với nhiều quốc gia trên thế giới để chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phát thải carbon cao đến mô hình tăng trưởng carbon thấp đồng thời phối hợp với các quốc gia có rừng để tránh tình trạng phá rừng.

Việt Nam cần “đi trước đón đầu” trong quy hoạch đô thị

– Đối với Việt Nam, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, ngài có khuyến nghị gì để có thể giúp Việt Nam tránh khỏi những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra?

Ngài David King: Việt Nam là quốc gia có nguy cơ chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nguy cơ về lũ lụt. Do đó, Việt Nam cần phải có một chính sách rõ ràng để có thể giảm thiểu được những tác động của biến đổi khí hậu.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là rất cao, Việt Nam cũng đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, và trong tương lai có thể sẽ trở thành quốc gia phát triển. Tuy nhiên, thực tế này cũng đang đặt ra nhiều mối quan ngại về môi trường.

Theo tôi, nếu Việt Nam đưa ra quyết định đúng đắn theo hướng tăng trưởng carbon thấp ngay trong giai đoạn này, thì có thể tránh được cái bẫy phát triển dựa trên phát thải nhiều carbon hoặc là carbon cao. Việc giảm phát thải carbon này cũng có thể mang lại cho Việt Nam được lợi ích kinh tế ngay lập tức.

Cụ thể, tại các thôn nghèo ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam, hiện tại người dân có thể chưa tiếp cận được điện, nhưng khi triển khai chương trình năng lượng tái tạo thì có thể giúp họ tiếp cận được điện với chi phí rẻ gấp 3 lần so với việc mở rộng mạng lưới điện.

Mật độ xe hơi dày đặc tại Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Mật độ xe hơi dày đặc tại Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Việc thứ hai tôi muốn nhấn mạnh là, Việt Nam cần phải quy hoạch đô thị sớm, đi trước đón đầu để tránh những cái bẫy có thể xảy ra. Như chúng ta biết, Việt Nam có 2 thành phố rất đẹp đó là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trên đường phố của 2 đô thị này hiện nay đã ngập xe hơi rồi.

Vấn đặt ra là, hiện nay tầng lớp trung lưu cũng ngày càng gia tăng, điều này có nghĩa là họ sẽ mong muốn có thêm xe hơi trong tương lai. Do vậy, nếu Việt Nam không có kế hoạch “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị, thì trong tương gần rất có thể vấn đề xe hơi đường phố nó còn tồi tệ hơn.

Cũng như bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc xây dựng đô thị phải xác định là cho con người chứ không phải là cho xe hơi. Do đó, Việt Nam cần phải quy hoạch đô thị làm sao có thể “cõng” được khối lượng lớn phương tiện lớn, giúp người dân có thể đi lại được dễ dàng.

Loại bỏ dần xe hơi sử dụng nhiên liệu lỏng, thay bằng xe điện

– Bên cạnh những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hiện nay môi trường không khí tại các đô thị của Việt Nam cũng đang bị ô nhiễm nặng nề. Với kinh nghiệm từ Vương quốc Anh, ngài có khuyến nghị gì để có thể giúp Việt Nam “giải bài toán” ô nhiễm không khí này?

Ngài David King: Sở dĩ môi trường không khí bị ô nhiễm như vậy là do sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than và dầu điezen, đăc biệt là dầu điezen cho phương tiên xe hơi và các phương tiện giao thông khác.

Ở đây tôi kiến nghị 2 giải pháp. Thứ nhất là Việt Nam nên ngừng sử dụng than để phát điện. Giải pháp thứ hai là Việt Nam nên khuyến khích người dân chuyển đổi xe hơi sử dụng nhiên liệu lỏng hiện nay sang nhiên liệu sạch đó là xe điện.

Nếu Việt Nam có thể loại bỏ dần xe hơi ra khỏi khu vực đô thị, thay vào đó bằng hệ thống phương tiện giao thông công cộng như xe điện, tàu hỏa, tàu điện ngầm thì các bạn sẽ giải quyết được 2 vấn đề quan trọng, đó là giảm ùn tắc giao thông và loại bỏ được ô nhiễm môi trường, không khí…

Xin chân thành cảm ơn ngài.

Theo Hùng Võ/VietnamPlus

Phát triển dòng “tín dụng xanh”

Giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Tín dụng cũng bảo vệ môi trường

Hoạt động tín dụng xanh đem lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân cũng như bảo vệ môi trường và đang được nhiều nước trên thế giới phát triển. Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược NH (NHNN), ngành NH có vai trò là trung gian tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc việc phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.

Hiện nay, vấn đề NH xanh, tín dụng xanh được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Sản phẩm tín dụng xanh của các NH hướng vào các dự án tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các lĩnh vực ưu tiên này tùy thuộc vào chính sách tín dụng xanh ở từng quốc gia và khu vực.

Bà Nguyễn Lê Hằng, Điều phối viên Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) cho biết, trước đây (từ năm 2007 trở về trước), các NH không có ưu tiên gì cho các hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường.

Ở Việt Nam, tín dụng xanh mới chỉ được quan tâm những năm gần đây

Ở Việt Nam, hoạt động tín dụng xanh mới chỉ được quan tâm trong những năm gần đây. Do đó, các giải pháp về tín dụng xanh còn ít và chưa được triển khai rộng rãi trong toàn Ngành. Bên cạnh đó, khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, NH xanh còn thiếu và chưa đồng bộ nên việc triển khai hoạt động này tại Việt Nam gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.Vài năm trở lại đây, với sự đẩy mạnh điều chỉnh và tuyên truyền về các chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng các hoạt động tài trợ tăng cường nhận thức và thúc đẩy triển khai từ phía các tổ chức nước ngoài như Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), NH Thế giới (WB) thì các NH đã bắt đầu quan tâm hơn tới các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường. Tuy nhiên, hiện các “dòng tín dụng xanh” tại các NH phần lớn vẫn dựa trên các chương trình/dự án có tài trợ quốc tế. Có lẽ bởi NH vẫn còn e ngại về rủi ro tín dụng từ các dự án đầu tư dạng này.

Mới đây, NHNN đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo Chỉ thị này, ngay từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng của ngành NH cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. NHNN yêu cầu các TCTD rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Không để vốn thành lực cản

Hiện đã có một số tổ chức quốc tế đang hoạt động ở Việt Nam như WB, NH Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) đã có bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội mà các dự án và đối tác vay vốn hoặc tư nhân tài trợ phải tuân theo. Hiện các kênh về tín dụng xanh chủ yếu được tiếp cận qua GCTF do Chính phủ Thụy Sĩ (SECO) thành lập ở Việt Nam nhằm hỗ trợ các DN đầu tư các công nghệ sản xuất có hiệu suất cao và thân thiện với môi trường.

GCTF-Logo

Bà Nguyễn Lê Hằng, Điều phối viên Quỹ GCTF cho biết, GCTF là một sáng kiến của Chính phủ Thụy Sĩ dành cho một số nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Dòng tín dụng xanh này sẽ hỗ trợ tài chính cho DNNVV ở Việt Nam mạnh dạn thực hiện dự án thay đổi công nghệ hiện tại theo hướng thân thiện hơn với môi trường. Cơ chế hỗ trợ của Quỹ gồm 2 hình thức song song: bảo lãnh 50% vốn vay tín dụng đổi mới công nghệ tại NHTM (3 NH đã cam kết hợp tác với GCTF gồm Techcombank, ACB và VIB); trả thưởng 15% hoặc 25% tổng giải ngân tín dụng khi tác động môi trường sau dự án đầu tư được đánh giá đạt mức yêu cầu.

Hiện nay, sản xuất sạch hơn ngày càng trở thành xu hướng chung của DN bởi sản xuất sạch có thể giúp các DN tiết kiệm tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ gia… từ đó giúp DN nâng cao hiệu suất hoạt động, nâng cao sự ổn định của sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các DN chính là khoản đầu tư để đổi mới công nghệ tương đối cao. Phần lớn các DNNVV ở Việt Nam thường gặp khó khăn về vốn và không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận được với nguồn cho vay tín dụng tại các NH. Khó khăn này đã làm DN giảm động lực đổi mới công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động môi trường. GCTF là một giải pháp hỗ trợ tài chính giúp các DNNVV của Việt Nam mạnh dạn hơn trong quá trình đầu tư lắp đặt công nghệ mới để thay thế công nghệ lạc hậu hiện tại.

Theo đó, sẽ có rất nhiều DN trong ngành công nghiệp tại Việt Nam nằm trong mục tiêu hỗ trợ của GCTF. Các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, xi măng…), sản xuất thủy tinh (thay lò nấu thủy tinh…), ngành nhựa (thay máy ép thế hệ mới…), ngành dệt nhuộm (thay máy nhuộm, lò hơi…), ngành chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, thuộc da, sản xuất hóa chất, sơn, pin, ắc quy…

Được thành lập từ 2007 đến nay, GCTF đã triển khai rất nhiều dự án thành công, trong đó tiêu biểu như: dự án dây chuyền máy ép nhựa với thiết kế động cơ servo tiên tiến giúp giảm phát thải CO2 tới trên 50% do tiết kiệm điện năng; dự án lắp hệ thống DAF thu hồi tái sử dụng nước và bột giấy trong ngành giấy giúp giảm lượng nước sạch đưa vào sản xuất tới 70%. Cả 2 loại hình thay đổi công nghệ này đều nhận được mức trả thưởng 25%.

Bà Nguyễn Lê Hằng cho rằng, để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam cần có sự vào cuộc của cả cơ quan quản lý là NHNN, các TCTD và đặc biệt cần tăng cường nhận thức cho DN về bảo vệ môi trường. Do đó, cần tăng cường năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nhóm các chuyên gia tư vấn kỹ thuật; tăng cường năng lực xem xét thẩm định các dự án tăng trưởng xanh cho khối NH; tăng cường sự kết nối giữa 3 khối trên với sự gắn kết và thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước.

Theo thoibaonganhang.vn