Nhiên liệu sinh học từ dưa hấu

Sau dầu chiên, mía đường, dầu hạt nho, vỏ chuối, nước dưa hấu có thể là nguồn nhiên liệu sinh học mới nhất mà con người có thể sử dụng.

Các nhà khoa học phát hiện dưa hấu là một nguồn đường có thể được chưng cất thành rượu cồn dùng để vận hành xe hơi và các loại máy móc nông nghiệp. Khoảng 360.000 tấn dưa hấu “dưới chuẩn” thải ra mỗi năm (chỉ riêng tại Mỹ) có thể dùng để tạo ra 9 triệu lít nhiên liệu sinh học mỗi năm.

Dưa hấu không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn là nguyên liệu dùng để sản xuất ethanol – Ảnh: AFP

Một nhóm chuyên gia thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã tiến hành nghiên cứu tiềm năng công nghệ sinh học của nước dưa hấu nhằm tận dụng khoảng 1/5 số dưa thu hoạch có hình dáng xấu xí không thể bán được. Sau khi trích xuất các dược chất như lycopene và citrullin, phần “nước thải” còn lại của dưa chứa glucose, fructose và sucrose có thể được ủ với các tế bào men để sản xuất ethanol, một loại nhiên liệu sinh học có giá trị. Tiến sĩ Wayne Fish, trưởng nhóm nghiên cứu, nói: “Chúng tôi nhận thấy nước từ những quả dưa hấu là nguồn đường sẵn sàng cho việc ủ men, là kho nguyên liệu sản xuất ethanol cho đến nay chưa được khai thác”.

Nghiên cứu của tiến sĩ Fish và các cộng sự, được đăng tải trên chuyên san Biotechnology for Biofuels, cho thấy có thể sản xuất hơn 75 lít nhiên liệu từ số dưa hấu không được thu hoạch trên mỗi mẫu Anh (khoảng 0,4 héc-ta). Nước cốt dưa hấu thường rất đặc nên trong quá trình sản xuất nó được pha trộn với các nguyên liệu khác, rồi thêm nước để tinh chế ethanol.

Các nước châu Âu đã xác định sản xuất nhiên liệu sinh học là một cách củng cố các mục tiêu về năng lượng tái tạo. Chính sách nhiên liệu vận tải tái tạo của Chính phủ Anh yêu cầu 5% nhiên liệu bán ra tại các “cây xăng” vào năm 2010 là nhiên liệu sinh học.

Songxanh

Cùng nông dân làm thuỷ điện xanh

Suốt 32 năm trời, một nông dân tại xã Đắk R’Moan (thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã dồn hết tiền bạc và thời gian đeo đuổi giấc mơ làm thủy điện. Ông đặt tên cho các công trình của mình là “thủy điện xanh” với mong ước sản xuất điện nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường.


Nhà máy “Thủy điện xanh” của ông Ngô Văn Quýnh tại thôn 14, xã Đắk Wer

(huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) – Ảnh: B.D.

“Một nông dân giàu sáng tạo”

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Lâm – giám đốc Sở Khoa học – công nghệ tỉnh Đắk Nông: “Tôi khá bất ngờ bởi ông Quýnh chỉ là một nông dân bình thường. Công trình của ông Quýnh không hẳn là quá mới, nhưng về ý tưởng và áp dụng thực tế thì rất tiềm năng, có thể sản xuất điện với công suất lớn mà ít ảnh hưởng đến môi trường. Chúng tôi cũng đã đề nghị ông Quýnh kết hợp với doanh nghiệp để sản xuất tuôcbin “xanh” này thành sản phẩm để bán ra thị trường”.

Theo ông Trần Đăng Tùng – chủ tịch UBND xã Đắk R’Moan, hiện ông Quýnh là bí thư chi bộ thôn Tân Hòa kiêm chủ tịch Mặt trận xã Đắk R’Moan, ông là một cán bộ giàu tâm huyết và cũng là một nông dân say mê nghiên cứu khoa học. “Giai đoạn những năm 2002 xã tôi chưa có điện, chẳng ai tin ông Quýnh lại làm được nhà máy để kéo điện về phục vụ UBND xã và bà con” – ông Tùng nói.

Tay trắng làm thủy điện

Nhiều người dân ở xã Đắk R’Moan thường gọi ông Ngô Văn Quýnh (thôn Tân Hòa, xã Đắk R’Moan) là “ông nông dân gàn”. “Gàn” vì mới học hết lớp 3, sống bằng nghề nông nhưng lại đổ hàng tỉ đồng xây đến ba nhà máy thủy điện không phải để kinh doanh mà là… làm khoa học.

Thật ra chuyện nông dân Ngô Văn Quýnh làm thủy điện được ấp ủ từ 32 năm trước, khi gia đình ông còn sinh sống ở huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai). Ông cho biết từ nhỏ vốn đã rất mê cơ khí chế tạo, nhưng do chiến tranh ông chỉ theo học được đến lớp 3. Thuở mới lập gia đình, ông luôn khao khát tự tay làm ra được một sản phẩm cơ khí có thể làm thay đổi cuộc sống. Và ý tưởng đó bắt đầu được nhen nhóm khi một lần ông bắt gặp một nhà máy thủy điện nhỏ. Vợ con nghe ông tính chuyện làm nhà máy thủy điện liền gạt đi, người ngoài thì ôm bụng cười vì chẳng tin. Vậy mà ông vẫn bắt tay vào mày mò. Ròng rã suốt 15 năm trời hết đi chỗ này đến chỗ khác, tìm kiếm sách vở, hỏi dò khắp nơi, đến năm 1995 nông dân Ngô Văn Quýnh đã hàn gắn và cho ra một khối sắt mà ông gọi là “tuôcbin thủy lực xanh”.

“Dự án” nhà máy thủy điện xanh đầu tiên được ông đưa vào sử dụng để chạy nhà máy sản xuất nước đá. Tưởng như mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng đến năm 2000, Nhà nước có chủ trương giải tỏa đất đai để khôi phục di tích lịch sử chiến khu D (xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), ông Quýnh đành phải bỏ nhà máy. Không bỏ cuộc, ông Quýnh lại lên xã Đắk R’Moan (Đắk Nông) để tìm con suối xây tiếp… thủy điện. Năm 2001 ông trở về dẫn cả vợ con lên Đắk Nông. Thời điểm này, xã Đắk R’Moan còn heo hút và chưa có điện lưới. Ông phải mất gần cả năm trời để hàn tuôcbin, be bờ suối rồi lắp đặt các công đoạn cho nhà máy. Cuối năm 2002, nhà máy của ông Quýnh chính thức phát điện, đem ánh sáng về cho gần 150 hộ dân và phục vụ điện cho cả UBND xã.

“Dã Tràng” xây thủy điện

Nhớ lại quãng thời gian “chạy” theo thủy điện, ông Quýnh nói lẽ ra mình đã giàu nếu các nhà máy của ông không vướng vào dự án. Ông kể công trình thủy điện Đắm R’Moan đang được ông giữ lại để nghiên cứu thêm thì năm 2011, dự án thủy điện Đắk R’Tính (công suất 144MW) được triển khai, nhà máy của ông lại nằm trong lòng hồ. “Trước lúc ngăn dòng, chủ đầu tư đã xuống khảo sát và nói rằng nước sẽ không ngập tới nhà máy của tôi. Tuy nhiên đúng vào hôm tích nước, toàn bộ nhà máy đã bị nhấn chìm” – ông Quýnh nói.

Dẫn chúng tôi ra thăm “nhà máy thủy điện xanh” của mình tại thôn 14, xã Đắk Wer (huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) ông Ngô Văn Quýnh cho biết đây đã là công trình thủy điện thứ ba của mình. Nhà máy có công suất 1.500kW còn khá thô sơ với một trục tuôcbin được đặt kiên cố bên một dòng thác. Giữa dòng thác, ông Quýnh cho dựng một bờ bêtông có chiều cao khoảng 60cm để làm nước dâng lên, một phần nước được cho chạy thẳng vào tuôcbin phát điện, phần nước thừa sẽ thoát qua bờ bêtông và chảy theo dòng tự nhiên. “Nhìn đơn giản thế này nhưng tôi phải bỏ ra gần 2 tỉ bạc đấy! Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy điều tôi làm là có lợi cho môi trường. Hiện tại tôi đang phối hợp với một đơn vị khác để hoàn thiện công trình khoa học mang tên “Thủy điện xanh” của mình để trình ra trung ương” – ông Quýnh lạc quan.

Sự khác biệt của “Thủy điện xanh”

Ông Quýnh nói ông đặt tên nhà máy là “Thủy điện xanh” bởi tuôcbin sử dụng là một bộ máy được chế tạo đặc biệt để tiêu tốn ít nước khi phát điện và có thể tạo ra khí nén dự phòng. Hệ thống tuôcbin giống hình một chiếc bát gồm các bộ phận: cánh quạt, lồng chứa nước… Cánh quạt nằm trong lồng chứa nước được thiết kế đặc biệt có khả năng xoay với tốc độ cực lớn khi có áp lực nước đè lên, tuôcbin cũng được thiết kế để nhận nguồn nước đổ xuống cánh quạt theo phương thẳng đứng mà không cần phải có đường ống dẫn nước từ trên cao xuống như các tuôcbin thủy điện thông thường. Ngoài ra, hệ thống tuôcbin cũng có khả năng tạo ra khí nén để đổ vào các bình chứa, lượng khí dự trữ này sẽ được dùng để làm xoay cánh quạt trong tuôcbin tạo ra dòng điện vào mùa khô. Nguyên tắc hoạt động của máy là: nước được dẫn vào tuôcbin và tạo áp lực đẩy cánh quạt xoay với tốc độ cực lớn tạo ra điện, khi không có nước thì hệ thống tuôcbin được đóng kín hoàn toàn và xả khí nén vào làm xoay cánh quạt, từ đây điện sẽ được tạo ra.

 Songxanh

Ngành chiếu sáng hướng tới những sản phẩm thân thiện với môi trường

Cùng với các ngành sản xuất lớn như thép, xi măng… hiện nay, ngành chiếu sáng ở Việt Nam cũng đang tiêu thụ một khối lượng điện rất lớn, chiếm khoảng 25% trong tổng lượng điện quốc gia. Việt Nam hoàn toàn có thể giảm áp lực thiếu điện trong những năm tới bằng cách thay thế hệ thống đèn chiếu sáng tiêu thụ nhiều điện năng hiện tại bằng các loại đèn chiếu sáng công nghệ cao tiết kiệm điện năng, thân thiện môi trường…

  • Chiếu sáng chưa hợp lý

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, điện năng phục vụ chiếu sáng của nước ta hiện chiếm khoảng 25% tổng lượng điện tiêu thụ. Các thiết bị chiếu sáng truyền thống như đèn sợi đốt, đèn halogen, đèn huỳnh quang compact (CFL) mà hầu hết các dự án chiếu sáng đang sử dụng đều tiêu tốn năng lượng rất cao. Bởi vậy, mặc dù diện tích không gian được chiếu sáng còn khiêm tốn so với nhu cầu nhưng tỷ lệ điện chiếu sáng của cả nước vẫn cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác. Nếu không có sự can thiệp có hiệu quả, Việt Nam có thể sẽ phải gánh chịu nặng nề một ngành chiếu sáng công cộng lãng phí các nguồn lực công và góp phần không đáng có vào lượng kiểm kê phát thải khí toàn quốc.

Lắp đặt đèn Led chiếu sáng trên đường Ngô Quyền, quận 10, TPHCM. Ảnh: Kim Ngân.

Theo GS-TS Phan Hồng Khôi, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghệ và dịch vụ, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (VAST), ngành chiếu sáng ở nước ta đã có sự thay đổi lớn. Cụ thể, chúng ta đã có những đột phá để có thể chủ động sản xuất các sản phẩm chiếu sáng. Về chiếu sáng đường phố tuy chưa thật đẹp và hiện đại nhưng đã có nhiều đổi mới. Các thành phố đã chú trọng tới ánh sáng đẹp và tiết kiệm bằng cách thay thế các hệ thống đèn cũ bằng hệ thống đèn hệ suất cao, có tủ điều khiển trung tâm, có thể điều khiển bằng phần mềm máy tính. Tuy nhiên, trong tương lai, ngành chiếu sáng Việt Nam cần phải xem xét làm thế nào chiếu sáng phải hài hòa, phải tính đến sự ô nhiễm ánh sáng vì đôi khi bố trí lòe loẹt quá gây chói mắt lại phản tác dụng và đặc biệt phải chú ý đến thiết kế để kiến trúc phù hợp với ánh sáng, lúc nào ánh sáng xanh, lúc nào ánh sáng trắng.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TPHCM, cũng nhìn nhận, với nền kinh tế tăng trưởng tốt, và sự gia tăng về dân cư, đặc biệt là ở các đô thị và thành phố, Việt Nam đang dần tìm ra được những bước đi ngắn phù hợp với nhu cầu cho loại hình chiếu sáng ở khu dân cư, công nghiệp, trung tâm thương mại, xây dựng kiến trúc cũng như chiếu sáng cho các biển báo, đường cao tốc, đường phố và các không gian công cộng. Song, một trong những rào cản lớn nhất của việc phát triển rộng rãi chiếu sáng hiệu suất cao ở Việt Nam là tình trạng thiếu kiến thức, kỹ năng và thông tin của các nhà hoạch định chính sách, các nhà thiết kế, các nhà sản xuất và đội ngũ vận hành bảo dưỡng. Ngoài ra, các doanh nghiệp khi tham gia sản xuất các loại sản phẩm này đều có chung một nỗi lo đó là tài chính. Họ chưa dám mạo hiểm đầu tư những sản phẩm có chi phí cao như vậy.

  • Led – Giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Song song với quá trình loại bỏ đèn sợi đốt, các chuyên gia chuyên ngành điện cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển công nghệ chiếu sáng led – nguồn sáng siêu tiết kiệm điện, thân thiện môi trường của thế kỷ 21. Ông Nguyễn Khánh Bình, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vietnam Schreder, cho biết, trên thị trường chiếu sáng hiện nay thì đèn led đang chiếm ưu thế bởi những đặc tính khác biệt, chẳng hạn như tiêu thụ điện năng thấp so với ánh sáng thông thường chỉ khoảng 25% trong khi hiệu suất chiếu sáng cao hơn; không tia cực tím, không bức xạ tia hồng ngoại, phát nhiệt của ánh sáng thấp, không chứa chất thủy ngân và những chất có hại. Ứng dụng led trong chiếu sáng công cộng người ta có thể điều khiển được một cách tốt nhất khả năng sử dụng nhiều nguồn sáng để tập trung chiếu sáng vào một khu vực cần nhiều ánh sáng. Với lợi thế kích thước nhỏ gọn, khi hoạt động hầu như không tỏa nhiệt, đèn led trở thành phần lý tưởng tích hợp trong hệ thống chiếu sáng di động. Hơn nữa tuổi thọ kéo dài sẽ làm giảm chi phí bảo dưỡng. Bởi những ưu điểm vượt trội này, công nghệ chiếu sáng bằng led đang trở thành hướng tiết kiệm năng lượng quan trọng trong chiếu sáng của nhiều quốc gia.

Theo các chuyên gia, chúng ta cần nhanh chóng hỗ trợ ngành công nghiệp chiếu sáng nước ta tiếp thu và làm chủ công nghệ chiếu sáng hiện đại, đặc biệt là công nghệ chiếu sáng led. Nâng cấp phòng kiểm chuẩn quốc gia về đo lường, kiểm định các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các xí nghiệp, các viện, trung tâm nghiên cứu trong việc tiếp nhận và phát triển công nghệ chiếu sáng hiệu suất cao nói chung và công nghệ chiếu sáng led nói riêng. Chú ý đến các giải pháp về thiết kế, quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng; tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng.

Songxanh

Anh: Đám cưới xanh thân thiện với môi trường

Vương quốc Anh là một trong số các quốc gia tiên phong về phong trào sống có ích hơn với môi trường, kể cả trong việc tổ chức cưới.

Cũng như nhiều cặp đôi khác, Kate và Gareth đang lên kế hoạch chuẩn bị đám cưới vào mùa xuân này. Kết cho biết, họ đã chọn khách sạn Green House – một trong những khách sạn “xanh” nhất ở Anh và cũng nơi chuyên đứng ra tổ chức các đám cưới sinh thái để thực hiện ước muốn của mình. Giống như việc chọn khách sạn, bánh cưới và thực đơn cưới là những món ăn được chế biến từ các nguyên liệu địa phương, thân thiện với môi trường.

Đám cưới xanh là lựa chọn của nhiều bạn trẻ hiện na1y (Ảnh:weddingphotos-video.co.uk)

Katie Fewings – người đã từng tổ chức đám cưới xanh trước đó – cho biết, lễ cưới thân thiện với môi trường giúp cô tiết kiệm được khoản tiền lớn mà cô có thể sử dụng vào nhiều mục đích khác. Cùng với đó, cô cũng lập trang mạng riêng để giúp đỡ các cặp đôi khác tổ chức đám cưới sinh thái như họ mong muốn.

Becci cũng là người tiên phong trong việc tổ chức đám cưới sinh thái ở Anh vào năm 2004. Điều đặc biệt là cô tự tay thiết kế các đồ cưới như váy cưới, đồ trang trí và các món quà từ phế liệu.

Động lực chính của cô cũng là tài chính. Song không chỉ có vậy, cô chia sẻ thêm: “Thật tuyệt vời khi đám cưới này rất hợp thời trang và tất cả mọi người đều nhớ đến hình ảnh thân thiện với môi trường. Tôi nghĩ rằng bạn có thể tiết kiệm được nhiều hơn khi tự tay chuẩn bị các món đồ cưới và điều này cũng rất thú vị. Nó làm lễ cưới của bạn trở nên cá tính hơn.”
Songxanh

Du lịch xanh- chìa khoá của du lịch bền vững

Việt Nam có bờ biển dài cùng một hệ thống vịnh, đảo, san hô và rừng ngập mặn phong phú, nhưng hệ sinh thái biển đảo của chúng ta đang bị suy thoái vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển không theo quy hoạch và xả nước thải trực tiếp ra môi trường, thông qua xử lý.

Bài viết dưới đây có nhiều thông tin bổ ích cho ngành du lịch Việt Nam trong cố gắng tạo một môi trường du lịch xanh, phù hợp với xu thế của khu vực.

Mong ít khách?

Số lượng khách du lịch đến với khu vực Đông Nam Á trong hai mươi năm qua thường đạt mức tăng đều đặn trung bình khoảng 10%/năm. Nếu năm 2001 có hơn 40 triệu lượt khách trong khu vực thì năm 2011, con số này là 81,2 triệu. Trong đó, số lượng khách du lịch nội khối đến từ các quốc gia ASEAN chiếm tỷ lệ 46,5%, từ các quốc gia châu Á khác chiếm 27,6% và từ châu Âu, Mỹ, Úc chiếm khoảng 21%. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đóng góp một phần đáng kể cho kinh tế các nước trong khu vực. Năm 2010, doanh thu từ ngành du lịch của các quốc gia ASEAN đạt hơn 62,5 tỉ USD, tăng gần 10 tỉ USD so với năm 2009.

Sự phát triển của du lịch giúp cho một số vùng ở các quốc gia Đông Nam Á thoát nghèo. Ngành du lịch cũng giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ địa phương trong lĩnh vực giáo dục và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng có hai mặt và du lịch cũng vậy. Cùng với dòng tiền chảy vào là những nguy cơ như ô nhiễm, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá và văn hóa bản địa bị biến đổi. Các bãi biển hoang sơ, những cánh rừng nguyên thủy, các lưng đèo lộng gió của các quốc gia Đông Nam Á bây giờ đều in dấu chân các nhà đầu tư, các hãng lữ hành và khách du lịch. Resort, khách sạn mọc lên từ bãi biển đến lưng đồi, từ thành phố đến rừng núi kéo theo đó là những vấn đề như phá rừng, chất thải, khói bụi…

Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ – một trong những niềm tự hào về du lịch xanh của TP.HCM
Chắc hẳn cũng có nhiều người như Pinporn Teerarak, nhìn thấy khách du lịch là tươi cười hớn hở, mời chào luôn miệng, nhưng khi ngồi một mình, trong thâm tâm chị lại cho rằng đông khách thế này môi trường không thể nào tốt được. Từ cửa hàng nhìn thẳng ra bãi biển Paton, chị mơ về vịnh Phang nga, quê nhà chị, nơi chị thấy thật may mắn vì ít du khách hơn và vẫn giữ được vẻ hoang sơ.

Nhiều nhà quản lý du lịch hiện nay của khu vực Đông Nam Á cũng nghĩ đến chiến lược ít khách. Ở Thái Lan, ông Nalikatibhag Sangsnit, Giám đốc tổ chức Các khu vực Du lịch Bền vững nhận xét: “Thái Lan không nên tập trung vào việc tăng số lượng du khách nữa. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ đến việc làm sao để du khách ở lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn. Việc tăng số lượng du khách sẽ có một nguy cơ tiềm ẩn, đó là khiến cho môi trường chịu nhiều tác động xấu”.

Tuy nhiên, phương cách này chưa chắc giúp làm giảm số lượng khách du lịch. Singapore có thể là một ví dụ. Giá dịch vụ và các mức giá du lịch của Singapore rất đắt đỏ nếu so với nhiều quốc gia trong khu vực. Với 100 USD, bạn chỉ có thể ở một phòng khách sạn 10m2 trong khu China Town của Singapore, nhưng cũng với số tiền này, người ta có thể ở trong khu resort bốn sao của Thái. Vậy mà lượng khách du lịch đến Singapore năm 2011 vẫn tăng gần 14% so với năm 2010, đứng thứ 4 trong khu vực.

Cần nhân cao nhận thức

Khách du lịch hứng thú với khu vườn lan của Singapore
Có một thực tế khó thay đổi là nhu cầu đi du lịch sẽ ngày càng tăng chứ không giảm. Mức sống được cải thiện dần theo thời gian sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để ai cũng có thể khám phá thế giới và nâng cao hiểu biết của mình. Trước nhu cầu này, theo bà Chutathip Chareonlarp, Giám đốc đại diện của ủy ban Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, du lịch xanh là một trong những chìa khóa để phát triển du lịch một cách bền vững. Du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm là những cách gọi khác nhau nhưng có ý nghĩa gần giống nhau trong cách thức tham quan nhưng không gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và văn hóa địa phương. Tận dụng thế mạnh biển và rừng núi của mình, nhiều nước Đông Nam Á đưa ra những sản phẩm du lịch xanh như tham quan các khu bảo tồn, ngắm chim, cùng sống với người dân địa phương, tham quan bằng xe đạp, trồng cây, lặn biển ngắm san hô và cá, thưởng thức cây và hoa, thám hiểm rừng, chinh phục thác nước,… Khi tham gia các tour du lịch này, khách du lịch được khuyến khích hòa nhập với thiên nhiên, giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương mà không gây bất cứ tác động gì đến môi trường.

Thái Lan là quốc gia dẫn đầu trong khu vực về những ý tưởng làm du lịch xanh. Tháng 5-2012, Thái Lan được trao giải thưởng của Tổ chức Du lịch Lữ hành châu Á – Thái Bình Dương (PATA) cho chiến dịch 7 Green Tourism. Trong chiến dịch này, Ủy ban Du lịch Thái Lan nâng cao nhận thức, hiểu biết về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ các hãng lữ hành, khách sạn, nhà hàng, các điểm vui chơi đến khách du lịch. Theo bà Chutathip, người Thái đã triển khai làm du lịch xanh từ lâu và giải thưởng này là kết quả cho sự nỗ lực của ngành du lịch của Thái Lan.

Làm du lịch xanh không chỉ là đưa ra những sản phẩm du lịch dựa trên nguồn tài nguyên sẵn có mà còn có thể là sáng tạo ra màu xanh này. Singapore tiêu biểu cho khuynh hướng tạo ra du lịch xanh. Đây không phải là một quốc gia giàu tài nguyên nhưng họ tạo ra màu xanh cho mình bằng cách trồng cây xanh khắp nơi, thậm chí trồng cả cây xanh nhân tạo. Vườn cây Garden By the Bay của Singapore đã tạo được các “siêu cây” cao từ 22-50 mét, có khả năng tổng hợp năng lượng mặt trời, nhận nước mưa, lọc không khí và có hệ thống quang điện để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng điện. Vườn cây này vừa khai trương vào tháng 6-2012 và dự tính có thể đón đến 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Để màu xanh bền vững

Một số resort xây dựng dọc theo bãi biển, triền núi dẫn đến nỗi lo tài nguyên thiên nhiên
bị ảnh hưởng xấu
Những người làm du lịch có thể nghĩ ra nhiều phương cách, nhưng để du lịch thật sự được bền vững, trước tiên những người đi du lịch cần phải có kiến thức và tình yêu với thiên nhiên. Hiện nay, hầu như chỉ có du khách đến từ các nước phương Tây là quan tâm đến du lịch xanh nhưng lượng khách này chỉ chiếm khoảng 20% khách du lịch của khu vực Đông Nam Á. Khách du lịch nội vùng mới chiếm tỷ lệ đáng kể (gần 50%). Thế nhưng, nhóm đối tượng này lại chưa hiểu biết nhiều và cũng chưa hứng thú mấy với du lịch xanh. Người dân của các nước đang phát triển ngày càng đi du lịch nhiều hơn, nhưng họ đang ở trong giai đoạn đi để biết chứ chưa phải là đi để thưởng thức và đem đến những điều tốt đẹp hơn cho nơi mình đến tham quan. Điều này có thể quan sát thấy trong các tour của Việt Nam đưa khách đi nước ngoài. Đối với nhiều khách, đi du lịch là đi vài ngày cho biết, chụp ảnh, mua sắm, tắm biển, ăn uống… Ý thức với môi trường chỉ cần thể hiện qua việc không vứt rác bừa bãi là được. Một trong những tour du lịch xanh nổi bật của Việt Nam là tour du lịch tham quan rừng ngập mặn Vàm Sát – Cần Giờ. Đây được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới nhưng cũng chỉ có khách Nhật, khách Úc là thật sự hứng thú với vườn chim, sông nước, còn khách Việt thì ngáp lên ngáp xuống vì chán. Thậm chí có đoàn khách còn xách theo… chai rượu ngồi lai rai trong lúc chờ bọn trẻ con xem dơi. Muốn làm tốt du lịch xanh thì người tham gia du lịch phải cảm nhận được tình yêu với màu xanh và với môi trường. Hiểu được cảm giác hạnh phúc ngập tràn khi đứng trước thiên nhiên hùng vĩ thì mới có động lực để gìn giữ thiên nhiên.

Từ phía các nhà quản lý, một chiến lược phát triển du lịch bền vững đi kèm với những biện pháp đánh giá, kiểm tra cụ thể là điều cần thiết. Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á đã có chiến lược phát triển du lịch đến năm 2015, trong đó nhấn mạnh đến phát triển du lịch bền vững và các tiêu chí xanh, sạch của điểm đến du lịch. Tuy nhiên, theo ông Eddy Krismeidi Soemawilaga, người phụ trách của Ủy ban Cơ sở hạ tầng, Ban thư ký ASEAN, việc thực hiện các tiêu chí này chỉ dựa trên nguyên tắc sự tự nguyện của mỗi quốc gia chứ chưa có biện pháp bắt buộc. Những tiêu chí này còn tiếp tục được cân nhắc và sẽ hoàn thiện vào năm 2015. ASEAN sẽ có những chương trình tập huấn nhằm giúp các điểm đến đạt được các tiêu chí du lịch bền vững trong tương lai.

Songxanh.vn

10 tác phẩm độc đáo làm từ rác thải công nghệ

Những đồ phế thải như bảng mạch máy tính cũ, điện thoại hỏng… được nhiều nghệ sĩ yêu môi trường tái chế thành sản phẩm mang tính nghệ thuật cao.

Bức tranh của nghệ sĩ người Mỹ Nigel Sielegar được đính hơn 100 điện thoại phế thải. Sản phẩm muốn nhắc nhở mọi người rằng pin kèm theo máy điện thoại là vật chất độc hại và sẽ là mối nguy hiểm nghiêm trọng với môi trường nếu không xử lý triệt để.

 Đôi giày có tên E-waster của nghệ sĩ người Mỹ Gabriel Dishaw được làm từ rất nhiều loại linh kiện phế thải điện tử.

Mô hình robot khổng lồ tên Weee Man nặng 3,3 tấn làm từ linh kiện trong màn hình máy tính và các thiết bị điện tử khác

Ghế làm từ đĩa CD

Songxanh.vn

Nhiên liệu thân thiện với môi trường làm từ dầu ăn tái chế

 Dầu ăn là nguồn cung cấp và dự trữ năng lượng lớn nhất và cũng là nguồn cung cấp chất béo và các axit thiết yếu, có tác dụng hoàn thành các chức năng sinh học của cơ thể, giúp cơ thể tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu không biết sử dụng đúng cách, dầu ăn có thể gây tác hại ngược lại đối với sức khỏe của con người.

Thói quen dùng dầu ăn đã qua sử dụng

Để tiết kiệm, rất nhiều người thường sử dụng dầu ăn đã chiên đi chiên lại nhiều lần mà không  hề biết đến tác hại của chúng. Khi dầu bị đun nóng nhiều lần, thành phần hóa học sẽ thay đổi, chất dinh dưỡng trong dầu sẽ bị phá hủy và thay vào đó là các chất độc như: fatty acid oxide, aldehyde… làm phá hủy các men tiêu hóa gây khó tiêu, nhức đầu, chóng mặt, đau bụng, tiêu chảy, huyết áp cao…

Ảnh minh họa: sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần rất hại cho sức khỏe (Nguôn:internet)

Có thể dễ dàng thấy, các loại thực phẩm được chế biến bằng dầu đã qua sử dụng sẽ không còn tươi ngon, hấp dẫn, đặc biệt là rất có hại cho sức khỏe. Hơn nữa, khi dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều lần dễ bị oxi hóa và polymer hóa dẫn đến sự thay đổi về mùi vị, màu sắc và gây ra các bệnh mãn tính như: tiểu đường, ung thư, tim mạch…

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tuyệt dối không nên sử dụng dầu ăn đã qua sử dụng nhiều lần.

Dầu ăn đã qua sử dụng góp phần bảo vệ môi trường

Dầu ăn khi đã qua sử dụng nếu không được tận dụng sẽ gây lãng phí lớn và gây ô nhiễm khi được thải ra môi trường. Để khắc phục tình trạng này, có một công ty tại Nhật tên là Someya Shoten Group ở quận Sumida Tokyo đã tái chế các loại dầu này dùng làm xà phòng, phân bón và dầu VDF (nhiên liệu diesel thực vật).

 Mẫu biodiesel tại phòng thí nghiệm của trung tâm học hóa dầu (Nguồn:internet)

Hiện nay ở nước ta, mức tiêu thụ dầu diesel ngày càng nhiều. Bên cạnh đó thì lượng dầu ăn đã qua sử dụng không có lợi cho sức khỏe được thải ra mỗi ngày trên cả nước là rất lớn, đặc biệt là ở các nhà hàng, các nhà máy sản xuất mì, các nhà máy chế biến thực phẩm. Một nghiên cứu của Trung tâm lọc – hóa dầu (ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng cho thấy, lượng lớn dầu ăn đã qua sử dụng này có thể được tận dụng để làm nguyên liệu sản xuất biodiesel – là nguồn nhiên liệu có thể thay thế cho nhiên liệu diesel truyền thống, làm nhiên liệu để chạy xe bus, xe tải trọng nặng, tàu thủy… Mẫu hỗn hợp 20% biodiesel và 80% diesel hoàn toàn có thể dùng làm nhiên liệu thay thế cho diesel truyền thống. Hỗn hợp này không sử dụng phụ gia và động cơ cũng không phải thay chi tiết máy nào nếu sử dụng dầu biodiesel, vì thế có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí từ nguồn dầu ăn đã qua sử dụng.

Hơn thế nữa, so với dầu diesel, khi sử dụng dầu biodiedel thì lượng hidro cacbon trong khí thải động cơ giảm 65%, Sua Chua Nha lượng CO2 giảm 35%, hạt khói bụi cũng giảm đến 40%.

Ở Mỹ, nhằm giảm lượng khí thái cũng như tiết kiệm tiền xăng dầu nguyên cứu này cũng đã được áp dụng. Dầu thực vật tái chế được dử dụng trực tiếp với sự hỗ trợ của các thiết bị chuyển đổi được lắp đặt trên ô tô chạy bằng diesel. Một thùng nhiên liệu riêng biệt được lắp đặt để chứa dầu thực vật. Ngay khi ô-tô chạy và dầu thực vật được nung nóng, người sử dụng bấm nút để chuyển sang sử dụng dầu thực vật.

Chính vì thế, nếu biodiesel được sản xuất từ nguồn nguyên liệu rẻ tiền và có một lượng lớn như dầu ăn đã qua sử dụng thì đây sẽ là nguồn nhiên liệu được sử dụng rộng rãi trong  tương lai vừa tiết kiệm, vừa thân thiện với môi trường

Songxanh.vn


Thân thiện với môi trường

Khi những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên đời sống con người ngày càng rõ nét, người ta bắt đầu tìm cách làm bạn với môi trường. Một trong những cách thiết thực nhất được nhiều người áp dụng là tái sử dụng những vật đã dùng thay vì vứt đi.

Bạn cũng có thể làm bạn với môi trường theo cách ấy, chỉ cần chút sáng tạo và khéo tay. Chẳng hạn như…

Xây nhà từ vỏ chai. Đây là sáng kiến của nghệ sĩ Tito Ingenieri ngụ tại Quilmes, Argentina. Ngôi nhà được làm từ 30.000 vỏ chai, có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp…



Dùng vỏ lon “trang trí” ô tô. Vừa lạ mắt, không đụng hàng, vừa góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường


Chế tạo máy bay, trực thăng mô hình bằng vỏ lon



Từ vỏ lon, bạn cũng có thể làm ra những bông hoa giả hay chiếc túi xinh xinh…


… bộ sưu tập bướm trang trí…


… thậm chí là giày, váy


Bạn cũng có thể dùng vỏ lon bia “sáng chế” những món quà lưu niệm tặng bè bạn…


 Theo Songxanh

Đãi vàng từ rác thải điện tử

Cứ một triệu điện thoại di động được vứt đi, có thể chứa khoảng 15.875 kg đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và gần 15 kg palađi.

Rác thải điện tử chính là một nguồn tài nguyên phong phú nếu biết tận dụng. Việc tái chế rác thải điện tử tại các nước đang phát triển sẽ tạo việc làm, giảm khí thải có hại và thu hồi nhiều kim loại quý như bạc, vàng, đồng… Dưới đây là một số hình ảnh liên quan đến rác thải điện tử:

Người Mỹ đang loại bỏ dần một lượng lớn thiết bị điện tử ngày càng tăng. Mọi người muốn tống khứ khoảng 29,4 triệu máy tính, 22,7 triệu tivi và 129 triệu thiết bị di động hằng năm, theo số liệu mới nhất của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ. Chỉ có khoảng một phần tư trong số lượng các thiết bị nói trên được tái chế.

Một số trường hợp, các thiết bị bỏ đi có thể được tân trang và tái sử dụng, còn hơn là vứt bỏ chúng đi. Khoảng 38% thiết bị di động được thu thập sẽ được tái sử dụng, theo EPA.

Các thiết bị điện tử bị tháo rời có chứa các kim loại đáng giá, đây được xem là mỏ kinh doanh lớn. Ví dụ, một triệu điện thoại di động sẽ chứa khoảng 15.875 kg đồng, 350 kg bạc, 34 kg vàng và gần 15 kg palađi. Tuy nhiên, các thiết bị điện tử cũng chứa một lượng lớn chất độc hại như chì, kim loại nặng cadmium, thủy ngân, có thể gây ô nhiễm môi trường nếu không bỏ chúng đúng cách.

Tái chế rác thải điện tử đang trên đà tăng dần. Khoảng 54% trong tổng số thiết bị điện tử bị vứt bỏ sẽ được tái chế vào năm 2025, tăng từ 18% trong năm 2010, theo Pike Research, một công ty nghiên cứu thị trường công nghệ sạch. Thỉnh thoảng, rác thải điện tử được chuyển sang Nigeria, Ghana và một số nước đang phát triển khác mà có luật môi trường lỏng lẻo. Một số công ty như Dell (DELL) từ chối xuất khẩu rác thải điện tử đến các quốc gia đang phát triển, bởi vì họ lo ngại tác động đến môi trường và những kỹ thuật tái chế không an toàn.

Các công ty đang khuyến khích chỉ sử dụng thiết bị tái chế đồ điện tử, được chứng nhận qua R2 Solutions và chương trình E-Stewards. Khi loại bỏ các thiết bị điện tử, công ty nên chắc rằng tất cả dữ liệu đã bị xóa từ các thiết bị. Ghi đè lên ổ đĩa cứng hoặc băm nhỏ dữ liệu là cách phổ biến. Tuy nhiên, nhiều công ty lờ đi việc này hay chuyển công việc xóa dữ liệu cho máy tái chế một cách vô tội vạ. Bất kỳ công ty nào phát hiện dữ liệu quan trọng bị mất do bất cẩn thì có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Tính bền vững đang dần được coi trọng trong hoạt động của các công ty. Do đó, những vị trí lãnh đạo liên quan đến tính bền vững của công ty đã được hình thành. Hiện đã có khoảng 29 giám đốc phụ trách tính bền vững trong tập đoàn lớn vào năm 2011, theo nghiên cứu công ty tuyển dụng Weinreb Group.

Kết quả sơ bộ của một báo cáo cho thấy số lượng tuyển vị trí này đã tăng 20% kể từ lúc nghiên cứu ban đầu. Các công ty hiện có giám đốc bền vững bao gồm Coca Cola (KO), Kellogg (K), DuPont (DD), UPS (UPS) và AT&T (T). Khái niệm bền vững gắn liền với các khái niệm xanh (green), môi trường (environment), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility- CSR). Trong nhiều trường hợp, các khái niệm này được hiểu rất gần nhau.

 Songxanh

Công nghệ đặc biệt biến lá cây thành than sau vài giờ

Các nhà khoa học Đức đã phát triển một công nghệ mới, cho phép biến lá cây thành chất đốt sau một đêm.

Những cục than này sau đó có thể được dùng để đốt cháy trong những trạm phát năng lượng thông thường.

Công nghệ này có thể được coi là một cách mạng công nghệ xanh khi giúp giải quyết được vấn đề cung cấp năng lượng.

Rác thải từ vườn như cỏ, lá cây hoặc phần bị cắt xén sẽ được cho vào trong một “nồi áp suất”, nơi chúng bị ép thành dạng than. Chiếc máy này đã hoàn thành một quá trình kéo dài hàng triệu năm trong chỉ vài giờ.

Than được sản xuất từ lá cây rụng

Theo ông Frieldrich von Ploetz, giám đốc nhà máy Suncoal, có trụ sở bên ngoài Berlin, một trong 3 nhà máy than sinh học đang hoạt động tại Đức cho biết: “Loại than sinh học này cũng có đầy đủ đặc điểm của than tự nhiên. Duy chỉ có một điểm khác là khí CO2 nó sinh ra là trung tính”.

Điểm nổi trội của công nghệ mới này không giống như những quy trình sản xuất khí sinh học thông thường, những chất thải hữu cơ, trong đó có cả thức ăn thừa, cũng có thể “carbon hóa” và chuyển thành nhiên liệu được.

Đột phá này đồng nghĩa với việc riêng tại Đức, hàng năm, một lượng chất đốt khoảng 4 triệu tấn sẽ được sản xuất. Lượng chất đốt này đủ để cung cấp điện cho 2,5 triệu hộ gia đình.

Theo songxanh