Mô hình trình diễn kỹ thuật làm sạch sản phẩm và xử lý chất thải ở Công ty CP Thép Hương Thịnh

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 30 doanh nghiệp công nghiệp cơ khí, Công ty CP Thép Hương Thịnh đã tiên phong áp dụng công nghệ làm sạch bề mặt thép có xử lý khí thải và nước thải. Mô hình sản xuất sạch này có thể giúp nhiều doanh nghiệp khác áp dụng nhằm phát triển bền vững.
Ngành cơ khí là một trong những lĩnh vực chủ lực của công nghiệp Bắc Giang trong những năm gần đây. Hiện nay, Bắc Giang đang trong giai đoạn đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại của tỉnh, hạ tầng nông thôn mới,… Do đó, nhu cầu về thép phục vụ xây dựng và gia công, chế tạo sản phẩm cơ khí tăng một cách đáng kể.Hàng năm, tỉnh Bắc Giang đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, nhu cầu xây dựng của người dân ngày càng tăng khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng, trong đó có nhu cầu về sắt thép tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của tỉnh Bắc Giang, nhu cầu tiêu thụ sắt thép của tỉnh và một số khu vực lân cận lên tới 11 triệu tấn/năm – một con số không hề nhỏ so với thực tế sản xuất của các doanh nghiệp Bắc Giang và nhu cầu này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Bởi vậy, sự ra đời của các nhà máy sản xuất thép cũng là điều tất yếu, song lại đặt ra vấn đề trong xử lý môi trường – một yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững.

Căn cứ vào năng lực sản xuất, nhu cầu của thị trường sắt, thép trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các khu vực lân cận, năm 2009, Công ty CP Thép Hương Thịnh đã xây dựng dự án “Đầu tư nhà máy cán thép liên hoàn” tại cụm công nghiệp Hoàng Mai, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang với 3 dây chuyền sản xuất: Dây chuyền đồng bộ ủ, mạ kẽm; dây chuyền làm sạch bề mặt thép và dây chuyền cán thép liên hoàn. Sau khi đầu tư hoàn chỉnh, ước tính Nhà máy đạt sản lượng khoảng 30.000 – 40.000 tấn thép các loại/năm.

Sau khi dự án được duyệt, năm 2010, Công ty đã đầu tư dây chuyền đồng bộ ủ, mạ kẽm liên hoàn với tổng giá trị đầu tư 26 tỷ đồng, công suất tối đa sau khi đi vào vận hành sẽ mạ khoảng 180-250 tấn thép/ngày. Đầu năm 2011, Công ty tiếp tục đầu tư dây chuyền làm sạch bề mặt thép với tổng kinh phí 24 tỷ đồng. Đây là dây chuyền đầu tiên trên địa bàn tỉnh tương đối đồng bộ, khép kín. Dây chuyền này dùng để tẩy rửa sạch các tạp chất có trên bề mặt thép trước khi đưa vào cán, mạ thép để tạo thành những sản phẩm thép có chất lượng cao. Điều đáng nói, dây chuyền làm sạch bề mặt thép còn có cả một hệ thống thiết bị xử lý nước thải và khí thải, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và tiết kiệm một phần chi phí trong sản xuất khi tận thu một lượng sản phẩm phụ đưa vào tái sản xuất. Công suất của dây chuyền rất lớn khi có thể làm sạch bề mặt cho 180-250 tấn thép/ngày, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho dây chuyền cán và mạ thép.

Quy trình làm sạch bề mặt kim loại bắt đầu từ khâu nguyên liệu là tôn cuộn, sau khi đã cắt thành sản phẩm được đưa qua máng tẩy rửa axit công nghệ cao ở nhiệt độ 70oC, nguyên liệu để tẩy rửa là axit HCl (axit clohidric), sau đó chạy qua máng trung hòa NaOH (natrihidroxit) và tráng rửa để thành tôn sạch đưa vào cán. Trong quá trình này, nước thải sẽ được xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn công nghệ cao, năng lực xử lý 10m3 và các khí thải cũng sẽ được xử lý với hình thức hút axit sương mù. Bộ phận xử lý này cũng sẽ thu hồi một lượng axit HCl để đưa vào tái sử dụng, khối lượng có thể thu hồi từ 2-3 kg/tấn sản phẩm – khối lượng này có giá trị kinh tế không nhỏ và góp phần giảm chi phí sản xuất. Lượng axit còn lại sẽ được đưa sang hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn công nghệ cao.

Việc xử lý nước thải trong quy trình làm sạch bề mặt thép được thực hiện từ khâu nước thải đưa vào bể điều tiết. Trong bể này đã được lắp đặt hệ thống sục khí, đưa nước thải vào bể trung hòa. Nước từ bể trung hòa được đưa tiếp vào bể keo tụ và bể lắng. Phần nước bên trong bể lắng sẽ tự chảy vào bể nước trung gian và tại đây, lượng nước này sẽ được bơm nâng lên từ bộ lọc cao áp, qua lọc thải ra ngoài, hoặc đưa vào tái sử dụng theo nguyên lý tuần hoàn.

Trong dây chuyền làm sạch bề mặt thép còn được lắp đặt tháp hấp thụ. Quy trình xử lý khí thải với công nghệ xử lý thu hồi hơi axit được thực hiện tại đây. Lượng axit HCl tại máng tẩy rửa qua quá trình sục khí tái sinh tạo thành hơi axit. Hơi axit được quạt hút vào thiết bị hấp thụ bằng đệm cầu, tại đây hơi đi từ dưới đáy tháp lên, dung dịch kiềm được phun từ trên xuống, tạo ra phản ứng trung hòa, hơi axit đã được xử lý và thu hồi một phần phục vụ tái sản xuất.

Có thể khẳng định rằng, hệ thống xử lý nước thải và khí thải có ý nghĩa đối với dây chuyền làm sạch bề mặt thép bởi đã hạn chế được ô nhiễm môi trường – một vấn đề không dễ khắc phục trong sản xuất thép và tiết kiệm chi phí trong sản xuất. Đây là một hạng mục quan trọng trong dự án đầu tư nhà máy cán thép liên hoàn của doanh nghiệp này.

Tiết kiệm chi phí, đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp và xử lý chất thải trong quá trình sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường là những ưu điểm đã được khẳng định của dây chuyền làm sạch bề mặt thép có xử lý khí thải và nước thải trong quá trình hoạt động. Theo hạch toán của Công ty CP Thép Hương Thịnh, ngoài tạo việc làm thường xuyên cho 140 lao động, doanh thu hoạt động của Nhà máy trong một năm có thể đạt gần 350 tỷ đồng, trong đó chi phí sản xuất gần 280 tỷ đồng, trừ các khoản khấu hao, lãi suất, nộp thuế, lợi nhuận đạt 23 tỷ đồng/năm – kết quả không nhỏ đối với một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó, sản phẩm thép của Công ty đã phần nào đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của thị trường, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho nhu cầu xây dựng, sản xuất cơ khí.