Hướng đến sản xuất sạch hơn

Cùng với công cuộc phát triển kinh tế, nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) đang là vấn đề đặt ra với nhiều thách thức đối với cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Một trong những giải pháp BVMT hiệu quả nhất là áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CN). Hiện tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện chiến lược này.

Xu thế tất yếu

Trong những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhiều khu, cụm CN hình thành, đi vào hoạt động, thu hút các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước vào đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu CN, 30 cụm CN với gần 1.000 DN, cơ sở sản xuất CN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. 7 tháng đầu năm 2012, các DN, cơ sở sản xuất CN trong các khu, cụm CN đã tạo ra giá trị sản xuất CN khoảng 2.000 tỉ đồng, chiếm 48% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.

 

 

 

 

 

 

 

Công ty TNHH Đá Bình Minh – một trong những đơn vị rất quan tâm đến sản xuất sạch hơn.

– Trong ảnh: Dây chuyền cưa xẻ đá của Công ty TNHH Đá Bình Minh.

Sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng của hệ thống các DN đã đưa nền kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỉ trọng kinh tế CN, giảm tỉ trọng kinh tế nông-lâm nghiệp. Điều đáng quan tâm là, tuy mới ở giai đoạn đầu của quá trình CN hóa, nhưng sự phát triển CN ở tỉnh ta đã và đang phát sinh những vấn đề môi trường khá bức xúc. Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều khu, cụm CN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng trầm trọng.

Bên cạnh một số nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại, đa số các cơ sở sản xuất CN trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ÔNMT rất lớn. Đặc biệt, các DN sản xuất thuộc các ngành nông-lâm-thủy sản và một số làng nghề tiểu thủ CN truyền thống, chế biến thực phẩm… còn xả trực tiếp một khối lượng lớn chất thải ra môi trường, gây ÔNMT đất, nước, khí và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: Xu hướng phát triển CN bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với BVMT đang được nhiều nước đặc biệt quan tâm. Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006. Đây là thử thách cho các DN trong nước để khẳng định khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khả năng cạnh tranh không chỉ chịu ảnh hưởng của giá cả và chất lượng sản phẩm, mà còn các yếu tố liên quan đến thái độ của DN đối với các vấn đề xã hội và môi trường. Do vậy, nếu tập trung nỗ lực vào sản xuất sạch hơn thì thị trường đầu ra của DN sẽ lớn hơn, DN có điều kiện phát triển ổn định và bền vững…

Mang lại nhiều lợi ích

Ngày 7.9.2009, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong CN đến năm 2020” với mục tiêu phổ biến rộng rãi cách tiếp cận việc sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất CN, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời, hạn chế mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở đến môi trường cũng như đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân và môi trường sống cho cộng đồng.

Thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn của Chính phủ, ngày 7.9.2010, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015. Theo đó, đến năm 2015, có 100% đơn vị sản xuất CN trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản về sản xuất sạch hơn; trên 100 cơ sở sản xuất CN điển hình triển khai áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất CN giảm trên 10% chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm CN, giảm 15-20% các chất thải gây ÔNMT trong sản xuất CN…

Từ tháng 9.2010 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (đơn vị được Sở Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh) đã tổ chức 3 lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn cho đội ngũ cán bộ thuộc phòng kinh tế, phòng công thương, phòng tài nguyên – môi trường và đại diện các DN trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng đã hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất CN; xây dựng và phát triển mạng lưới trao đổi thông tin, đào tạo tư vấn sản xuất sạch hơn; nâng cao nhận thức cộng đồng về hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN; vận động các đơn vị hỗ trợ các DN và xác định các đầu mối để tác động hỗ trợ các DN trong việc sản xuất sạch hơn.

Ông Nguyễn Bá Tài- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh – cho biết: Qua các lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn, các đại biểu đã hiểu rõ vai trò, vị trí của vấn đề sản xuất sạch hơn và đang từng bước triển khai các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động tại đơn vị mình.

Ông Phạm Xuân Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Đá Bình Minh (Khu CN Phú Tài), cho biết: Hiện nay, các chi phí “đầu vào”, như nguyên liệu, công lao động liên tục gia tăng, trong khi môi trường cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt. Việc chọn lựa giải pháp sản xuất sạch hơn chính là cách để DN đạt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Do vậy, trong thời gian qua, DN chúng tôi đầu tư gần 2 tỉ đồng để triển khai các giải pháp nhằm từng bước áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động của DN.

Ngoài một số kết quả bước đầu, việc triển khai Chương trình sản xuất sạch hơn trong CN ở tỉnh ta cũng gặp không ít những rào cản: Thiếu sự quan tâm và cam kết của các cơ sở CN với chiến lược sản xuất sạch hơn; thiếu các chuyên gia về sản xuất sạch hơn cho các ngành CN; thiếu nguồn tài chính để đầu tư cho các công nghệ mới, sạch hơn. Đặc biệt thiếu hệ thống quy định có tính chất pháp lý để khuyến khích DN hướng đến sản xuất sạch hơn. Có DN bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư cho sản xuất sạch hơn trong khi các DN khác tự do xả chất thải ra môi trường chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt quá nhỏ.

Ở tỉnh ta, để việc triển khai “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong CN đến năm 2020” của Chính phủ theo đúng kế hoạch, đòi hỏi các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa lợi ích của sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài đủ sức răn đe để xử lý các đơn vị gây ÔNMT.

NGỌC THÁI

Nguồn: BaoBinhDinh

(vncpc.vn)