Đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp nông thôn

 

– Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công thay thế cho Nghị định số 134/2012/NĐ-CP ngày 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Cùng với việc kế thừa những nội dung tích cực trong Nghị định cũ, một trong những điểm nổi bật nhất của Nghị định mới này là đẩy mạnh sản xuất sạch hơn (SXSH) trong hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn.

Không thể phủ nhận được những hiệu quả của hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn khi tạo ra một lượng công ăn việc làm lớn cho lao động nông thôn, đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất của hình thức sản xuất này chính là tình trạng ô nhiễm môi trường. Đơn cử như với địa phương được mệnh danh là “đất trăm nghề” như Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm qua đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm khi với 272 làng nghề, không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải… Không những gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm làng nghề còn khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các nhóm người trong độ tuổi lao động.

Khi Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) được triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 – 2011 với sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, khối làng nghề cũng là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện các hỗ trợ SXSH. Sau 5 năm triển khai, đã có 2 làng nghề được nhận những hỗ trợ từ Hợp phần. Theo thống kê, tiềm năng SXSH tại khu vực này có thể đạt mức 15 – 40% tùy từng ngành nghề cụ thể.

Từ những minh chứng trên, có thể thấy, việc đưa hoạt động SXSH vào Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công là hoàn toàn đúng đắn. Theo ông Phan Văn Bản – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương: Điểm mới nhất của Nghị định mới này so với Nghị định cũ là bổ sung thêm mục tiêu về chiến lược SXSH vào mục tiêu của hoạt động khuyến công, đó là khuyến khích, hỗ trợ áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; Giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Vấn đề chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khuyến công cũng có những thay đổi so với Nghị định cũ. Cụ thể, khuyến khích việc trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, SXSH với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; Xây dựng, duy trì và phổ biến các cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về khuyến công, SXSH.

Đối với các làng nghề, rào cản lớn nhất của việc áp dụng các giải pháp SXSH chính là vấn đề vốn. Với kinh nghiệm của một địa phương đã có một thời gian triển khai các hoạt động SXSH cho các DN làng nghề, ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội – đơn vị thực hiện các hoạt động SXSH trên địa bàn Hà Nội cho biết: Các làng nghề có thể thực hiện các giải pháp SXSH đơn giản như thực hiện các giải pháp quản lý nội vi đơn giản, sau đó mới thực hiện các giải pháp thay đổi công nghệ, đòi hỏi mức vốn cao. Đồng thời, để tích cực hỗ trợ cho các DN làng nghề, một điểm quan trọng trong Nghị định mới này là các cơ sở áp dụng SXSH vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn sẽ được hưởng những điều khoản ưu tiên của chính sách khuyến công, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động khuyến công. Đây được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm đẩy mạnh hoạt động SXSH tại khu vực này./.

Lan Phương

ven.vn