Đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện

Số liệu kiểm toán từ ngành điện cho thấy, hiện các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCN) đang tiêu thụ một lượng điện chiếm từ 20% đến trên 50% sản lượng điện của mỗi địa phương trong cả nước. Đà Nẵng với 6 KCN đã tiêu thụ tới 48% sản lượng điện toàn thành phố.
Do công nghệ, thiết bị còn lạc hậu nên tiêu hao điện năng cho một đơn vị sản phẩm rất lớn, chi phí năng lượng trong cơ cấu giá thành sản phẩm của các ngành công nghiệp còn cao. Đặc biệt sản xuất thép, xi-măng, dệt may… là những ngành tiêu thụ điện rất lớn. Ở Đà Nẵng, cơ sở sản xuất xi-măng chưa nhiều (gần 1 triệu tấn/năm) nhưng đã tiêu thụ khoảng 3% sản lượng điện toàn thành phố. Tổng cộng 2 ngành sản xuất thép và xi-măng một năm tiêu thụ khoảng 13% sản lượng điện toàn thành phố. Việc tính giá điện mới vào ngày 1-3-2011, mặc dù đã được dự báo nhưng cũng buộc các đơn vị phải tính toán lại cơ cấu giá thành và có giải pháp nhằm tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí.
Điều đáng mừng là từ vài năm trở lại đây, các đơn vị trong ngành công nghiệp trước sức ép về chỉ tiêu tiêu thụ điện đã tích cực đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến hơn để giảm tiêu hao điện năng. Đối với Công ty CP Xi-măng Hải Vân, việc tiết kiệm điện đã được quan tâm từ nhiều năm. Ông Bùi Viết Minh, Giám đốc công ty cho biết, đến nay sản phẩm xi-măng Hải Vân được sản xuất trên dây chuyền công nghệ đồng bộ, hoàn toàn tự động, do CHLB Đức chế tạo và cung cấp. Tiết kiệm điện luôn được coi là giải pháp quan trọng trong hàng loạt các biện pháp nhằm hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời với việc đổi mới thiết bị, công ty đã tổ chức lại sản xuất hiệu quả theo chế độ làm việc của thiết bị. Trong đó ưu tiên sản xuất vào giờ thấp điểm (giá điện giờ thấp điểm rẻ hơn từ 20% trở lên so với giờ bình thường).
Đối với ngành dệt may, ngoài việc đổi mới công nghệ, thiết bị thì việc tổ chức sản xuất vào giờ thấp điểm là việc làm khó. Hầu hết phải sản xuất vào các giờ cao điểm từ 6 giờ sáng đến 22 giờ nhằm bảo vệ sức khỏe cho công nhân. Theo tính toán của Công ty CP Dệt may 29-3, với việc tăng giá điện từ ngày 1-3-2011 và giá nước mới, mỗi tháng công ty sẽ phải chi phí thêm khoảng 50 triệu đồng. Ông Nguyễn Chánh, Giám đốc Công ty Dệt Hòa Khánh cho biết: Nhận biết được khó khăn trên, nên từ nhiều năm qua, công ty đã chi hàng tỷ đồng để đổi mới công nghệ, mua sắm các thiết bị cung cấp năng lượng như lò hơi, các thiết bị nhuộm và cung cấp nhiệt không dùng điện.
Năm 2010, công ty đã chi gần 10 tỷ đồng trong lộ trình đổi mới công nghệ thiết bị đến năm 2012, để thay thế toàn bộ các thiết bị cung cấp nhiệt, từ dùng điện sang dùng than hoặc củi, đã giảm được gần 50% chi phí nhiên liệu. Giá điện tăng và việc thắt chặt các chỉ tiêu cấp điện, đã buộc các doanh nghiệp sản xuất thép phải tính toán đến việc đổi mới công nghệ. Các Công ty Thép Đà Nẵng, Thép Dana – Ý… đặc biệt coi trọng việc mua thiết bị mới, với tính năng quan trọng nhất là tiết kiệm điện. Trong thời gian chờ đợi việc đổi mới thiết bị, các đơn vị sản xuất thép tập trung sản xuất vào ca 3 – giờ thấp điểm – để được hưởng giá ưu đãi, nhằm giảm giá thành.

Đặc biệt, có một số doanh nghiệp ý thức được vấn đề tiết kiệm điện năng từ sớm nên đã chuẩn hóa, hợp lý hóa, hiện đại hóa quá trình quản lý điện năng ngay từ khi xây dựng. Điển hình như Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước. Ông Trần Văn Lĩnh, Giám đốc công ty cho biết: Ngay từ khi xây dựng nhà máy, công ty đã đầu tư hệ thống quản lý điều hành điện tự động và đầu tư thiết bị theo chuẩn của các nước tiên tiến. Hiện công ty là một trong số ít các đơn vị sản xuất của thành phố có chương trình này. Vì vậy, chi phí về điện chỉ chiếm khoảng hơn 1% so với chi phí toàn bộ. Dù vậy, việc tăng giá điện lần này, công ty sẽ phải chi thêm khoảng 1 tỷ đồng trong năm 2011.
Từ thực trạng tại các doanh nghiệp cho thấy, tiềm năng tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn rất lớn. Điều đáng mừng là sau nhiều năm triển khai, đến nay hầu hết các doanh nghiệp đều đã tiến hành chương trình kiểm toán điện năng. Nhờ vậy, các đơn vị đã sắp xếp, tổ chức sản xuất hợp lý hơn, cũng như việc thay thế các thiết bị thắp sáng từ bóng đèn thường sang bóng đèn tiết kiệm điện (compact) nên cũng giảm đáng kể chi phí về điện trong giá thành sản phẩm. Về lâu dài, đây cũng là giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm tiết kiệm điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Nguồn: Báo Đà Nẵng