Công ty Giấy Bắc Hà: “Tập trung nỗ lực vào việc giảm tiêu thụ tài nguyên nhờ hệ thống DAF”

Dự án “Lắp đặt hệ thống DAF-(Dissolved Air Flotation- hệ thống tuyến nổi bằng không khí hòa tan) của công ty TNHH Giấy Bắc Hà được thực hiện với hỗ trợ của Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF). Từ khi hệ thống DAF được đưa vào sử dụng, công ty đã tiết kiệm về kinh tế như giảm tiêu thụ điện năng và nước, hạn chế tác động vào môi trường.

Công ty TNHH Bắc Hà đi lên từ 1 doanh nghiệp nhỏ, bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất từ năm 1993 chuyên sản xuất, mua bán giấy (giấy bao gói, giấy vệ sinh, giấy khăn ăn, giấy in), sản xuất nước giải khát, mua bán nông sản thực phẩm, lâm sản phục vụ sản xuất giấy, mua phế liệu các loại, sản xuất, chế tạo nồi hơi các loại…Hiện nay, giấy Kraft là sản phẩm chủ yếu, bao gồm giấy sóng và các loại giấy mặt M1, M2, M6, M7, M8 và M9 với nhiều loại khổ giấy (900 – 165cm) và định lượng khác nhau (150 – 250 g/m2). Công nghệ và máy móc thiết bị của công ty đã qua nhiều năm sử dụng. Hệ thống bể lắng và lọc nước trắng cũ phát sinh sau bước lên lưới có lượng thu hồi và tái sử dụng nước cũng như xơ sợi rất ít hầu như không tái sử dụng được, chất lượng giấy sản phẩm không được ổn đinh. Ngoài ra, công ty còn phải khai thác nước từ mặt đồng cho sản xuất.

Hệ thống tuyển nổi bằng không khí hòa tan (DAF) của công ty TNHH Giấy Bắc Hà mới được đưa vào sử dụng nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Ủy Thác TÍn Dụng Xanh

Công ty TNHH Giấy Bắc Hà đăng ký dự án thay đổi công nghệ với việc áp dụng hệ thống DAF. Việc đầu tư thay đổi này đã giúp công ty tăng được lượng thu hồi và tái sử  dụng nước cũng  như xơ sợi. Hệ thống DAF mới lắp đặt đã chứng minh việc tăng lượng nước thu hồi để tái sử dụng cho khâu chuẩn bị bột lên lưới. Vì thế, từ khi hệ thống DAF được  đưa  vào  sử  dụng,  công  ty  đã  không  còn  khai  thác  nguồn nước   mặt   từ đồng   cho   sản   xuất   nữa.  Bên   cạnh  đó,  lượng  xơ  sợi có trong nước trắng cũng được thu hồi trong thời gian ngắn để đưa về tái sử dụng nên chất lượng giấy sản phẩm ổn định hơn trước. Tổng lượng giảm khai thác nước mới ước đạt 244.616 m3/năm. Cải thiện đáng chú khác bao gồm:  Chất lượng sản phẩm được cải thiện; Giảm sử dụng nguyên liệu thô.

So với hệ thống bể lắng và lọc nước trắng cũ thì hệ thống DAF có nhiều ưu điểm vượt trội hơn nhiều: Tiết kiệm nước khoảng 65%, giảm sử dụng nước mới, tổng tiết kiệm về kinh tế khoảng 36,360 USD/năm.

Công ty đã đầu tư cho dự án này là 100,100USD. Công ty TNHH Giấy Bắc Hà  đã  được GCTF bảo lãnh 50% giá trị khoản vay tín dụng tại Ngân hàng Techcombank. Ngoài ra, công ty cũng đã được thụ hưởng khoản trả thưởng tương đương với 25% giá  trị tín dụng (25.025USD). Đây là mức thưởng cao nhất của Quỹ GCTF cho việc cải thiện môi trường.

Hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng: Ứng dụng công nghệ mới để sản xuất sạch hơn

Với việc đăng ký tham gia dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng (Hoài Đức, Hà Nội) đã có những cải thiện đáng kể về công nghệ với dây chuyền làm việc mới giúp giảm lượng nước sạch tiêu thụ đến 99%, tổng lượng nước sử dụng giảm đi hàng năm lên tới 12.000m3.

Hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng chuyên cung cấp các sản phẩm lưới nhựa trong khu vực nội địa đặc biệt các đại lý bán lẻ trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tính đến năm 2011, hộ đã có 18 nhân công với doanh thu đạt được là 570.000USD (số liệu thống kê năm 2011).

Các thiết bị được doanh nghiệp dùng để sản xuất lưới nhựa như: máy trộn, máy đùn ép, hệ thống tuần hoàn nước làm mát, bàn nhiệt (kéo dãn), máy cuộn, máy dệt đều sử hoạt động theo công nghệ cũ dẫn đến lượng tiêu thụ nước lớn và mức tiêu hao năng lượng cao. Bên cạnh đó là ảnh hưởng tới môi trường từ lượng nước làm mát và nước nóng thải ra ngoài.

Sau khi đăng ký dự án thay đổi công nghệ với Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh tại Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC). Dây chuyền sản xuất lỗi thời trước đây với bước trộn thủ công, máy đùn ép đời cũ, hệ thống làm mát không tuần hoàn nước và  kéo dãn bằng  nước nóng được thay thế bằng dây chuyền sản xuất hiện đại bán tự động. Việc thay đổi công nghệ này giúp doanh nghiệp cắt giảm đáng kể lượng nước sử dụng nhờ có tuần hoàn nước làm mát và bàn nhiệt. Dây chuyền sản xuất mới cho thấy tiết kiệm một lượng nước rất lớn cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả hơn so với hệ thống máy móc cũ cụ thể là: giảm lượng nước sạch tiêu thụ tới 99% cùng với tăng hiệu quả sản xuất hàng ngày lên 8%. Tổng lượng nước sử dụng giảm đi hàng năm lên tới hơn 12.000m3, tiêu thụ điện giảm 30%. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc của nhân công cũng được cải thiện do nhiệt độ môi trường giảm và giảm rủi ro do tai nạn chảy tràn; năng suất lao động tăng lên và cũng tăng khả năng giao hàng đúng hạn.

Thay đổi công nghệ giúp doanh nghiệp giảm đáng kể lượng nước sử dụng

 

 

Khoản vay tín dụng mà hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng đầu tư cho dự án này là 161.982USD. Hộ kinh doanh của ông Tùng đã được GCTF bảo lãnh 50% giá trị khoản vay với mức được phê duyệt là 80.991USD tại Ngân hàng Techcombank. Sau khi kết thúc dự án, từ việc phân tích chỉ số môi trường lựa chọn (sử dụng nước sạch) được đo đạc trước và sau khi đầu tư vào dây chuyền sản xuất mới, từ mức giảm sử dụng nước sạch được xác định, doanh nghiệp đã được thụ hưởng khoản trả thưởng cao nhất của quỹ GCTF tương đương với 25% giá trị tín dụng  (40.495USD) cho việc cải thiện môi trường.

 

Doanh nghiệp công nghệ sạch sẽ phát triển tốt

SGTT.VN – Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sạch vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của ngành trong 12 tháng tới, qua một cuộc khảo sát toàn cầu, công ty Grant Thornton International đã đưa ra kết luận này vào ngày16.10.2012

Mô hình một nhà máy công nghệ sạch ở Singapore.

 

 

 

 

 

 

 

 

Khảo sát chỉ ra rằng 68% công ty kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ sạch kỳ vọng tăng doanh thu trong 12 tháng tới, 62% kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận, trong khi con số này chỉ là 38% trên phạm vi toàn cầu.

Các doanh nghiệp của ngành này tập trung đầu tư vào sự phát triển dài hạn, trong đó, 52% kỳ vọng tăng chi tiêu cho nghiên cứu đầu tư và phát triển trong 12 tháng tới, 51% dự định phân bổ thêm vốn đầu tư vào nhà xưởng, máy móc, cả hai sự gia tăng vốn cho nghiên cứu lẫn đầu tư nhà xưởng đều vượt trên mức trung bình toàn cầu.

Các doanh nghiệp cho rằng rào cản chính cho sự phát triển công nghệ sạch là các quy định và thủ tục hành chính quan liêu, thiếu hụt lao động có kỹ năng. Sự khan hiếm nhân tài cũng giải thích một phần nguyên nhân việc 79% doanh nghiệp ngành công nghệ sạch tăng lương cho công nhân trong 12 tháng tới.

Ông Tom Prescot, chuyên viên thuế của công ty Grant Thornton Việt Nam nhận định tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Ngành công nghệ sạch của Việt Nam cũng được mong đợi tiếp tục mở rộng thông qua sự trợ giúp từ các đối tác quốc tế trong việc triển khai sáng kiến, dự án, chương trình hành động về công nghệ sạch.

NGUYỆT HỒNG

 sgtt.vn

Sản xuất sạch hơn tại Công ty Giấy Phong Châu

Công ty CP giấy Phong Châu – Phú Thọ chủ yếu sản xuất giấy Krap sóng từ nguyên liệu tre nứa, các loại giấy phế thải và các chất phụ gia khác với công suất 10.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, như ngành giấy Việt Nam, công ty cũng gặp vấn đề nan giải về giải quyết ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, Công ty CP giấy Phong Châu đã áp dụng 4 giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH), cải thiện đáng kể được vấn đề này.

Vì công ty sử dụng công nghệ kiềm lạnh nên thải ra môi trường nguồn nước thải có chứa kiềm dư, bột giấy lơ lửng có chứa hàm lượng BOD, COD cao. Nước thải của công ty không xử lý tại chỗ mà được Công ty Giấy Bãi Bằng cho phép nhập vào dòng thải của công ty. Ngoài ra công ty cũng thải ra môi trường một lượng khí thải do quá trình cháy của lò hơi. Các khí thải gồm CO2, SO2 và bụi than. Chất thải rắn bao gồm các loại xơ sợi xenlulo phân hủy từ bãi nguyên liệu được đổ chung vào bãi thải rắn của Công ty Giấy Bãi Bằng. Trên cơ sở thấy được những tác động tới môi trường, công ty đã tham gia dự án SXSH trong khuôn khổ “Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” của Bộ Công Thương (CPI) và thực hiện 4 giải pháp hiệu quả.

Thứ nhất là công ty đã chuyển đổi từ lò hơi đốt than sang lò hơi đốt Biomass của Công ty Giấy Bãi Bằng. Công trình được khởi công bắt đầu từ quý IV/2008 và đưa vào vận hành quý I/2009. Giải pháp đã đưa lại lợi ích rất lớn về kinh tế cho công ty: tiết kiệm được 412.000đ x 4.932.000 tấn sản phẩm/năm, mỗi năm tiết kiệm được gần 1,9 tỷ đồng. Giải pháp cũng góp phần giảm thiểu đáng kể ô nhiễm về môi trường như giảm lượng khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, giảm lượng khí SO2 khoảng 3,4 tấn/năm; giải quyết lượng Biomass thải của Công ty Giấy Bãi Bằng đang gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai là giải pháp hoàn thiện mái che nguyên liệu lò hơi. Nguyên liệu lò hơi chủ yếu là các loại Biomass thải của Công ty Giấy Bãi Bằng, khi không có mái che, loại nguyên liệu này sẽ bị phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước và tạo bụi khi nắng to. Đặc biệt, loại nguyên liệu này nếu không có mái che khi trời mưa sẽ bị trôi đi rất nhiều gây lãng phí và ô nhiễm. Kể từ khi có mái che, lượng Biomass đảm bảo độ ẩm cho phép nên đưa vào lò cháy rất tốt, đem lại lợi ích về kinh tế rất lớn.

Giải pháp thứ ba là xây dựng nhà chứa nguyên liệu xeo II và xeo III. Nguyên liệu sản xuất giấy Krap của công ty chủ yếu được thu mua từ giấy loại thu gom về tập kết tại sân của công ty nên không có mái che. Mưa gây thối mủn làm ô nhiễm nguồn nước và bị hao rất nhiều. Khi trời nắng và gió to sẽ sinh ra nhiều bụi phát tán vào môi trường. Từ khi đưa mái che vào sử dụng, việc nguyên liệu bị thất thoát và mủn thối được khống chế triệt để, không làm ô nhiễm môi trường. Ước tính, dự án đem lại lợi ích khoảng gần 500 triệu đồng/năm.

Giải pháp thứ tư là xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ phần xây dựng hệ thống bể và rãnh thu gom nước của công ty đã xây dựng xong, đang tiến hành lắp đặt thiết bị. Dự tính khi đưa vào vận hành, hệ thống xử lý nước thải sẽ đem lại khoảng 210.000m3/năm nguồn nước tái sử dụng, thu lợi 84 triệu đồng/năm. Hệ thống này còn góp phần thu hồi một lượng bột trong nước thải ước tính khoảng 750 tấn/năm, thu lợi gần 1,9 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, việc triển khai giải pháp còn đem lại những lợi ích về môi trường như giảm lượng nước thải và bột giấy thải ra môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân.

Qua thực hiện 4 giải pháp SXSH, Công ty CP Giấy Phong Châu đã cải thiện đáng kể được vấn đề môi trường, mỗi năm mang lại lợi ích hàng tỉ đồng. Đại diện công ty cho biết: Lợi ích từ SXSH là rất lớn, cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho các doanh nghiệp trong cả nước để SXSH trở thành mô hình sản xuất không thể thiếu của các doanh nghiệp trên con đường phát triển bền vững./.

Minh Kỳ

baomoi.com

Sản xuất nông nghiệp sạch hướng tới nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch như Viet GAP, Global GAP, Euro GAP vào trong trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… thực tế những mô hình này đã mang lại hiệu quả cao. Đây là hướng đi đúng và là nền tảng để các địa phương triển khai thành công đề án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) mà Chính phủ đã ban hành.

 
Bưởi da xanh được chứng nhận Global GAP của HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) luôn hút hàng

Hiệu quả mô hình sản xuất GAP

Mô hình GAP có thể nói được áp dụng thành công và có hiệu quả sớm nhất là trên lĩnh vực cây ăn trái. Và khi đề cập đến lĩnh vực này thì không thể không nói đến HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, bởi ngay từ cuối tháng 6/2008, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã xây dựng thành công mô hình trồng vú sữa theo tiêu chuẩn Global GAP với diện tích gần 50ha, năng suất đạt khoảng 400 tấn/năm. Đại diện HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cho biết, vú sữa đạt chứng nhận Global GAP được bán với giá bình quân 40.000 đồng/kg, cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg so với mô hình trồng vú sữa thông thường. Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất khẩu gần 10 tấn vú sữa Lò Rèn Global GAP sang thị trường Canada, Anh.

Bưởi da xanh của HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) đạt được những thành công lớn sau khi áp dụng Global GAP do loại trái cây này của HTX Mỹ Thạnh An luôn trong tình trạng hút hàng. Tại Vĩnh Long, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cũng đạt hiệu quả cao do đầu ra luôn ổn định và dễ tiêu thụ. Theo ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, hiện HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa có 24ha đạt tiêu chuẩn Global GAP và thị trường  bưởi Năm Roi của HTX Mỹ Hòa đã vươn tới các nước Đức, Anh, Nga, Pháp,… nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu của thị trường, trong khi bưởi trồng kiểu truyền thống giá rất thấp và thị trường tiêu thụ không ổn định.

Cùng với các mô hình tập thể áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, một nông dân ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, Bến Tre, đó là ông Võ Văn Hớn đã không ngần ngại tổ chức sản xuất theo Global GAP sau khi được ngành nông nghiệp tỉnh tư vấn. Năm 2009, vườn chôm chôm của ông Hớn được Thụy Sĩ cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP và cũng kể từ đó ông Hớn nhận được hàng loạt đơn hàng mua chôm chôm với số lượng lớn.

Đối với cây lúa, nhiều mô hình sản xuất theo Global cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Điển hình như tại Tiền Giang, HTX Nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy) đã đón nhận giấy chứng nhận sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP. Thực tế sản xuất tại HTX Mỹ Thành cho thấy, việc áp dụng tiêu chuẩn Global GAP giúp cho năng suất cây lúa cao hơn, chất lượng ổn định, trong khi chi phí đầu tư giảm, hạt lúa được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 20% nên nông dân có thu nhập cao. Ông Trương Văn Bảy, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Thành cho biết, trong vụ lúa hè thu vừa qua, HTX đã bán 220 tấn lúa Global GAP theo hợp đồng đã ký với Công ty ADC, với giá bán lúa Cẩm 9.920 đồng/kg và lúa OM 6162 giá 7.140 đồng/kg. Với giá này, xã viên thu lãi từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/ha. Đối với canh tác lúa Cẩm Cai Lậy, bà con có thể lãi từ 35 – 40 triệu đồng/ha. Từ đầu năm đến nay, Công ty ADC đã tiêu thụ được khoảng 840 tấn lúa Global GAP chất lượng cao của xã viên HTX nông nghiệp Mỹ Thành.

Trong lĩnh vực thủy sản, hiện có tới 24 doanh nghiệp nuôi cá tra được chứng nhận Global GAP với tổng diện tích được chứng nhận lên tới trên 1.000ha. Đại diện Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp) cho biết, cá tra philê được chứng nhận Global GAP có giá cao hơn khoảng 20 cent/kg philê so với sản phẩm không được cấp chứng nhận và các sản phẩm này dễ dàng xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU.

Tiến tới ứng dụng công nghệ cao

Thực trạng sản xuất trong thời gian qua cho thấy, giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định là khó khăn chung của cả ngành nông nghiệp. Do đó, những kết quả đạt được nói trên đã khẳng định khuyến cáo của các nhà khoa học về áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch, bền vững, nhất là theo các mô hình HTX kiểu mới là khuyến cáo đúng, là cơ sở chắc chắn cho việc xây dựng thành công nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quyết định phê duyệt đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, mục tiêu đến năm 2015, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng từ 3-5 doanh nghiệp và 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng 7-10 doanh nghiệp, 5-7 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả nước có 3 – 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại một số vùng sinh thái nông nghiệp. Những hướng được Nhà nước ưu tiên đầu tư là sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản, sản xuất rau, chè, cây ăn quả giá trị cao.

Theo Tiến sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy (Tiền Giang), hiện nay, trên toàn huyện này đã có 530ha lúa sản xuất theo hướng an toàn. Thời gian tới, Cai Lậy sẽ nâng diện tích lúa an toàn lên 1.000 ha. Đây là cơ sở để mở rộng sản xuất thành công lúa theo tiêu chuẩn GAP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cũng cho biết, ngoài các dự án nông nghiệp đã triển khai, trong năm 2011 Tiền Giang tiếp tục kêu gọi đầu tư 6 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư khoảng 430 tỷ đồng, gồm nhà máy sơ chế đóng gói rau an toàn, nhà máy sơ chế và đóng gói thanh long, trang trại chăn nuôi tập trung,…

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn GAP ở xã Mỹ Thành Nam đã thu hút được sự quan tâm của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lương thực, thực phẩm sạch nước ngoài cũng đã sang để tìm hiểu mô hình sản xuất lúa sạch đầu tiên ở Việt Nam này. Hiện nay mô hình sản xuất lúa GAP đang được xây dựng ở các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và TP Cần Thơ, với diện tích ở mỗi địa phương khoảng 100 ha.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, để xây dựng thành công nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng cần phải có cơ chế, chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư một cách có hiệu quả từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bởi đây là những người có vốn, công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng mô hình điểm sinh động, đặc biệt quan tâm đến việc nhân rộng mô hình, chuyển giao công nghệ cho nông dân. Ngoài ra, cần phải tìm ra lời giải cho bài toán liên kết, hợp tác trong nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp. Cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp lý cho công tác nghiên cứu khoa học để phát triển việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Thành Công

(tiengiang.gov.vn)

Hướng đến sản xuất sạch hơn

Cùng với công cuộc phát triển kinh tế, nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) đang là vấn đề đặt ra với nhiều thách thức đối với cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Một trong những giải pháp BVMT hiệu quả nhất là áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CN). Hiện tỉnh ta đang nỗ lực thực hiện chiến lược này.

Xu thế tất yếu

Trong những năm qua, tỉnh ta đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhiều khu, cụm CN hình thành, đi vào hoạt động, thu hút các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước vào đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có 4 khu CN, 30 cụm CN với gần 1.000 DN, cơ sở sản xuất CN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. 7 tháng đầu năm 2012, các DN, cơ sở sản xuất CN trong các khu, cụm CN đã tạo ra giá trị sản xuất CN khoảng 2.000 tỉ đồng, chiếm 48% giá trị sản xuất CN toàn tỉnh.

 

 

 

 

 

 

 

Công ty TNHH Đá Bình Minh – một trong những đơn vị rất quan tâm đến sản xuất sạch hơn.

– Trong ảnh: Dây chuyền cưa xẻ đá của Công ty TNHH Đá Bình Minh.

Sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng của hệ thống các DN đã đưa nền kinh tế tỉnh nhà chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỉ trọng kinh tế CN, giảm tỉ trọng kinh tế nông-lâm nghiệp. Điều đáng quan tâm là, tuy mới ở giai đoạn đầu của quá trình CN hóa, nhưng sự phát triển CN ở tỉnh ta đã và đang phát sinh những vấn đề môi trường khá bức xúc. Trên địa bàn tỉnh hiện còn nhiều khu, cụm CN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hoặc có nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) ngày càng trầm trọng.

Bên cạnh một số nhà máy mới xây dựng được đầu tư thiết bị, công nghệ khá hiện đại, đa số các cơ sở sản xuất CN trên địa bàn tỉnh chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ÔNMT rất lớn. Đặc biệt, các DN sản xuất thuộc các ngành nông-lâm-thủy sản và một số làng nghề tiểu thủ CN truyền thống, chế biến thực phẩm… còn xả trực tiếp một khối lượng lớn chất thải ra môi trường, gây ÔNMT đất, nước, khí và ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), cho biết: Xu hướng phát triển CN bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với BVMT đang được nhiều nước đặc biệt quan tâm. Nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006. Đây là thử thách cho các DN trong nước để khẳng định khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khả năng cạnh tranh không chỉ chịu ảnh hưởng của giá cả và chất lượng sản phẩm, mà còn các yếu tố liên quan đến thái độ của DN đối với các vấn đề xã hội và môi trường. Do vậy, nếu tập trung nỗ lực vào sản xuất sạch hơn thì thị trường đầu ra của DN sẽ lớn hơn, DN có điều kiện phát triển ổn định và bền vững…

Mang lại nhiều lợi ích

Ngày 7.9.2009, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong CN đến năm 2020” với mục tiêu phổ biến rộng rãi cách tiếp cận việc sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất CN, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời, hạn chế mức độ gây ô nhiễm của các cơ sở đến môi trường cũng như đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân và môi trường sống cho cộng đồng.

Thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn của Chính phủ, ngày 7.9.2010, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015. Theo đó, đến năm 2015, có 100% đơn vị sản xuất CN trong tỉnh được tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản về sản xuất sạch hơn; trên 100 cơ sở sản xuất CN điển hình triển khai áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất CN giảm trên 10% chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm CN, giảm 15-20% các chất thải gây ÔNMT trong sản xuất CN…

Từ tháng 9.2010 đến nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh (đơn vị được Sở Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh) đã tổ chức 3 lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn cho đội ngũ cán bộ thuộc phòng kinh tế, phòng công thương, phòng tài nguyên – môi trường và đại diện các DN trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng đã hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất CN; xây dựng và phát triển mạng lưới trao đổi thông tin, đào tạo tư vấn sản xuất sạch hơn; nâng cao nhận thức cộng đồng về hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn trong CN; vận động các đơn vị hỗ trợ các DN và xác định các đầu mối để tác động hỗ trợ các DN trong việc sản xuất sạch hơn.

Ông Nguyễn Bá Tài- Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh – cho biết: Qua các lớp tập huấn về sản xuất sạch hơn, các đại biểu đã hiểu rõ vai trò, vị trí của vấn đề sản xuất sạch hơn và đang từng bước triển khai các giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động tại đơn vị mình.

Ông Phạm Xuân Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Đá Bình Minh (Khu CN Phú Tài), cho biết: Hiện nay, các chi phí “đầu vào”, như nguyên liệu, công lao động liên tục gia tăng, trong khi môi trường cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt. Việc chọn lựa giải pháp sản xuất sạch hơn chính là cách để DN đạt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Do vậy, trong thời gian qua, DN chúng tôi đầu tư gần 2 tỉ đồng để triển khai các giải pháp nhằm từng bước áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động của DN.

Ngoài một số kết quả bước đầu, việc triển khai Chương trình sản xuất sạch hơn trong CN ở tỉnh ta cũng gặp không ít những rào cản: Thiếu sự quan tâm và cam kết của các cơ sở CN với chiến lược sản xuất sạch hơn; thiếu các chuyên gia về sản xuất sạch hơn cho các ngành CN; thiếu nguồn tài chính để đầu tư cho các công nghệ mới, sạch hơn. Đặc biệt thiếu hệ thống quy định có tính chất pháp lý để khuyến khích DN hướng đến sản xuất sạch hơn. Có DN bỏ ra hàng tỉ đồng đầu tư cho sản xuất sạch hơn trong khi các DN khác tự do xả chất thải ra môi trường chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền phạt quá nhỏ.

Ở tỉnh ta, để việc triển khai “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong CN đến năm 2020” của Chính phủ theo đúng kế hoạch, đòi hỏi các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa lợi ích của sản xuất sạch hơn. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần có các chế tài đủ sức răn đe để xử lý các đơn vị gây ÔNMT.

NGỌC THÁI

Nguồn: BaoBinhDinh

(vncpc.vn)

Đẩy mạnh sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp nông thôn

 

– Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công thay thế cho Nghị định số 134/2012/NĐ-CP ngày 9/6/2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn. Cùng với việc kế thừa những nội dung tích cực trong Nghị định cũ, một trong những điểm nổi bật nhất của Nghị định mới này là đẩy mạnh sản xuất sạch hơn (SXSH) trong hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn.

Không thể phủ nhận được những hiệu quả của hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn khi tạo ra một lượng công ăn việc làm lớn cho lao động nông thôn, đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất của hình thức sản xuất này chính là tình trạng ô nhiễm môi trường. Đơn cử như với địa phương được mệnh danh là “đất trăm nghề” như Hà Nội, tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều năm qua đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm khi với 272 làng nghề, không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải… Không những gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm làng nghề còn khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các nhóm người trong độ tuổi lao động.

Khi Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) được triển khai tại Việt Nam từ năm 2005 – 2011 với sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, khối làng nghề cũng là một trong những đối tượng ưu tiên thực hiện các hỗ trợ SXSH. Sau 5 năm triển khai, đã có 2 làng nghề được nhận những hỗ trợ từ Hợp phần. Theo thống kê, tiềm năng SXSH tại khu vực này có thể đạt mức 15 – 40% tùy từng ngành nghề cụ thể.

Từ những minh chứng trên, có thể thấy, việc đưa hoạt động SXSH vào Nghị định 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 về khuyến công là hoàn toàn đúng đắn. Theo ông Phan Văn Bản – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương – Bộ Công Thương: Điểm mới nhất của Nghị định mới này so với Nghị định cũ là bổ sung thêm mục tiêu về chiến lược SXSH vào mục tiêu của hoạt động khuyến công, đó là khuyến khích, hỗ trợ áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; Giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

Vấn đề chính sách hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khuyến công cũng có những thay đổi so với Nghị định cũ. Cụ thể, khuyến khích việc trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công, khuyến khích phát triển công nghiệp, quản lý cụm công nghiệp, SXSH với các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; Xây dựng, duy trì và phổ biến các cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về khuyến công, SXSH.

Đối với các làng nghề, rào cản lớn nhất của việc áp dụng các giải pháp SXSH chính là vấn đề vốn. Với kinh nghiệm của một địa phương đã có một thời gian triển khai các hoạt động SXSH cho các DN làng nghề, ông Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội – đơn vị thực hiện các hoạt động SXSH trên địa bàn Hà Nội cho biết: Các làng nghề có thể thực hiện các giải pháp SXSH đơn giản như thực hiện các giải pháp quản lý nội vi đơn giản, sau đó mới thực hiện các giải pháp thay đổi công nghệ, đòi hỏi mức vốn cao. Đồng thời, để tích cực hỗ trợ cho các DN làng nghề, một điểm quan trọng trong Nghị định mới này là các cơ sở áp dụng SXSH vào sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn sẽ được hưởng những điều khoản ưu tiên của chính sách khuyến công, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động khuyến công. Đây được cho là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm đẩy mạnh hoạt động SXSH tại khu vực này./.

Lan Phương

ven.vn

 

Công nghệ sản xuất bột nghệ sạch đã tách bớt tinh dầu

Xuất phát từ nhu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đã kết hợp kinh nghiệm dân gian với khoa học công nghệ để đưa ra công nghệ này.

Chưa đặt vấn đề hỗ trợ chữa bệnh ung thư làm trọng tâm mà là hỗ trợ chữa các bệnh đường tiêu hóa, đường tuần hoàn, đường hô hấp và tác dụng chống viêm bằng bột nghệ vàng đã tách bớt nhựa, tinh dầu, loại bỏ vỏ, giảm cơ bản hàm lượng các bào tử vi khuẩn và nấm mốc, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, mặc dù hỗ trợ chữa một số dạng ung thư cũng là khả năng tương đối quan trọng của củ nghệ vàng Curcuma longa L.

 
Thiết bị sấy kiệt bằng năng lượng mặt trời kết hợp bơm nhiệt

Chúng tôi không pha trộn bột nghệ này với đường glucoza và các đường khác vì có thể làm tăng hàm lượng đường trong máu và cũng không pha trộn với bất kỳ phụ gia thực phẩm nào khác, sản phẩm do đó là 100% từ củ nghệ, cũng không sử dụng hóa chất nào ngoài hơi nước và nước.

Cách tốt hơn để sử dụng bột nghệ là loại bỏ các tạp chất có hại đến sức khỏe ra khỏi củ nghệ và cố gắng không để vi khuẩn, nấm mốc, bụi và các tạp chất bên ngoài lẫn vào bột, giảm thiểu các phản ứng có hại xảy ra trong quá trình chế biến trước khi sử dụng.

Nghệ vàng (Curcuma Longa L.) có chứa hai loại chất chống oxy hóa chính là curcumin và tumeron. Curcumin nằm trong phần chất rắn, thực chất là các curcuminoid bao gồm curcumin, demethoxy curcumin và bis-demethoxy curcumin. Trong ba hợp chất này thì curcumin là đáng quan tâm hơn cả và với các giống nghệ tốt, nó chiếm tới trên 50% tổng số các curcuminoid. Chúng tôi chọn giống nghệ vàng thích hợp mà nhân dân ta gọi là nghệ đỏ, có màu vàng đỏ đậm suốt từ trong ra ngoài củ. Các giống nghệ có màu vàng chanh hoặc chỉ có lõi màu đỏ bị loại bỏ.

Các củ quá nhỏ, non được loại bỏ cùng với các củ cái có vỏ dày. Các củ ngón được rửa và bẻ nhánh thành các đoạn riêng biệt trong quá trình rửa bằng máy, sau đó được đưa tới máy bóc vỏ bần. Sở dĩ phải bóc vỏ vì đây là phần tiếp xúc với hóa chất, phân bón, trứng giun và kim loại nặng nhiều nhất; hàm lượng curcumin cũng rất thấp. Các thiết bị rửa và bóc vỏ đều đảm bảo vệ sinh, không chế tạo bằng thép thường, không bị rỉ.

Phần nhựa bất lợi của củ nghệ là các axit nhựa có thể tan được trong nước. Cần phải loại bỏ phần này vì có mùi hắc, vị đắng và gây tác dụng xấu cho sức khỏe. Chúng tôi đã chế tạo và đưa vào sử dụng thiết bị tẩy nhựa, khử trùng dùng hơi nước từ nồi hơi. Trong quá trình tẩy nhựa, các củ được cung cấp hơi đủ mạnh để chuyển động lơ lửng trong dòng nước sôi trong thời gian dài (từ 3 đến 6 giờ). Vì vậy phần lớn các nhựa bất lợi tan trong nước đều bị loại bỏ. Quá trình này cũng loại bỏ đi phần lớn vi khuẩn, nấm mốc có trong củ tươi.

 
Thiết bị chưng cất tinh dầu nghệ bằng hơi nước quá nhiệt

Toàn bộ thiết bị tẩy nhựa, khử trùng đều được chế tạo bằng thép không rỉ.

Có thể sử dụng xô đa để tẩy nhựa nhanh hơn nhưng chúng tôi không sử dụng vì có thể còn vết hóa chất trong sản phẩm sau khi tẩy nhựa. Mặt khác, xô đa dù có nồng độ thấp vẫn tác dụng với curcumin và các thành phần khác trong bột, vừa làm giảm hàm lượng curcumin, vừa để lại các hợp chất có thể không tan trong nước giữa xô đa với các hợp phần của nghệ.

Máy thái lát bằng thép không rỉ có công suất khoảng 200 kg/giờ nên toàn bộ số củ tươi (1000kg) được thái trong 5 giờ. Các lát có chiều dày tương đối đồng đều, được rải lên các khay chế tạo bằng thép không rỉ có lót vải để đưa vào sấy trong thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời gián tiếp kết hợp với bơm nhiệt. Nhiệt độ sấy vào khoảng 55oC, độ ẩm tương đối của không khí tại đầu vào thiết bị dưới 30%, đảm bảo sấy nhanh mà không gây ra các biến đổi hóa học do phản ứng quang hóa và nhiệt lên curcumin cũng như sự hấp thu vi khuẩn, nấm mốc quá mức khi chế biến.

Do quá trình sấy ở nhiệt độ thấp, thời gian sấy ngắn, không có ánh nắng trực tiếp và kín bụi nên sản phẩm có chất lượng cao về màu sắc, mùi vị và đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi sấy tiến hành nghiền ngay các lát khô thành bột trong máy nghiền thô với lỗ ghi có đường kính 1-2mm. Máy nghiền thô là nghiền bủa có cánh búa cố định trên trục. Các chi tiết tiếp xúc với nguyên liệu đều được chế tạo bằng thép không rỉ SUS304. Với năng suất 50kg/h và nguyên liệu nghệ có độ cứng không lớn, dạng búa cố định trên trục là hợp lý vì làm tăng lực chà xát của búa vào nguyên liệu miếng.

Trong trường hợp dự trữ sản phẩm, cho các miếng nghệ vào túi polyetylen rồi cất vào các thùng có nắp đậy kín bằng nhựa, bảo quản ở nhiệt độ thấp, ở nơi sạch sẽ thoáng mát, khi chế biến sẽ được sấy lại rồi đưa đi nghiền.

Nguyên liệu nghiền được đưa vào thiết bị chưng cất có bộ quá nhiệt để sử dụng hơi khô hoặc quá nhiệt khoảng 10-15oC so với hơi nước bão hòa. Nhờ đó giảm thiểu được hiện tượng curcumin bị nước lỏng thủy phân và giữ được chất lượng hóa học, chất lượng màu và mùi của bột nghệ đã tách bớt tinh dầu. Nhiệt độ chưng cất vào khoảng 135-145oC, áp suất hơi nước vào khoảng 1,5-2kg/cm2. Nhiệt độ này không làm ảnh hưởng đến chất lượng của curcumin, ar-tumeron và tinh bột trong bột nghệ. Mặt khác bột không bị biến đổi kích thước, có nhiều lỗ rỗng bên trong giúp hút thu tốt hơn chất chua và các chất khác trong đường tiêu hóa.

Thời gian chưng cất (khoảng trên dưới 6 giờ) và tốc độ chưng cất được điều chỉnh để trong bột cơ bản hết các cấu tử đứng trước ar-tumeron và còn một lượng tinh dầu trên 1,5% tính theo trọng lượng bột khô sau chưng cất. Chúng tôi đã chưng cất để phần tinh dầu còn lại trong bột là 2% và hàm lượng tumeron vào khoảng 55-65%. Như vậy hàm lương tumeron tính theo trọng lượng bột khô sau chưng cất vào khoảng trên 1%.

Bột nghệ sau đó được đưa trở lại thiết bị sấy để làm giảm độ ẩm xuống đến 7% trọng lượng rồi được đưa tới máy nghiền mịn (bằng thép không rỉ) và sàng (thép không rỉ, kích thước lỗ 150 mesh) trước khi đóng gói.

Bột nghệ sau chưng cất không có sự biến đổi rõ rệt về màu (chỉ sẫm lại chút ít, có thể là do lượng tinh dầu giảm).

TS. Đặng Xuân Hảochủ nhiệm đề tài KHCN số KC 05-07/06-10

baomoi.com

www.baomoi.com

Sản xuất sạch để hướng tới kinh doanh bền vững

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững, xuất Sạch hơn (SXSH) sẽ được quảng bá rộng rãi tại hội trợ khu vực châu Á Thái Bình Dương Lifestyle Trade Fair tại Tp. HCM từ ngày 17 – 21/4, với sự tham gia của 700 doanh nghiệp.

Trong số các doanh nghiệp này, có 4 công ty sản xuất và chế biến mây song (2 từ Việt Nam và 2 từ Lào) được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) hỗ trợ gian hàng trong khuôn khổ dự án “Thiết lập hệ thống Sản xuất bền vững cho các sản phẩm mây tre đan ở Lào, Campuchia và Việt Nam”.

Sản xuất sạch hơn sẽ giúp các sản phẩm mây tre thâm nhập thị trường Âu-Mỹ

Để khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào phát triển bền vững, trong đó có nội dung sản xuất sạch hơn, một hội thảo về chủ đề “Sản xuất bền vững – Xu hướng của thế kỷ 21” sẽ được tổ chức trong thời gian hội chợ, từ 10.00 đến 11.00 sáng ngày 21 tháng 4. Hội thảo do WWF, One-UN và Vietcraft phối hợp tổ chức.

Ông Lê Xuân Thịnh, Trưởng nhóm Tư vấn Doanh nghiệp của Trung Tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) cho biết: “Hiện có 7 công ty bao gồm: Âu Cơ, Ngọc Đông, Vĩnh Long, Hà Linh, Hiệp Hòa, Đức Phong và Nam Phước đã cam kết áp dụng qui trình sản xuất sạch hơn.”.

Cũng theo ông Thịnh, trung tâm đã phát triển 8 kỹ thuật SXSH mới và  phối hợp với các đơn vị chế biến mây tre liên quan kiểm nghiệm trước khi giới thiệu rộng rãi tới các doanh nghiệp khác trong mạng lưới.

Trong thời gian tới, dự  kiến sẽ có 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ làm quen với qui trình Sản xuất sạch, trong đó ít nhất 120 doanh nghiệp đưa ra được các biện pháp cụ  thể phù hợp với từng doanh nghiệp.

“Một công ty mây ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có thể tiết kiệm từ 30-50% chi phí về hóa chất và giảm thiểu 40% chi phí về chất lỏng, xăng dầu và khí ga”, ông Thịnh chia sẻ. “Dự án Mây bền vững của WWF đã và đang hỗ trợ tổ chức bằng các khóa đào tạo nhân lực, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp để họ thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật SXSH mới trong quy trình sản xuất của mình,” ông cho biết thêm.

Theo một số điều luật mới được ban hành tại Châu Âu và Mỹ  (FLEGT và Lacey Act), chỉ các sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC mới được nhập khẩu vào Châu Âu và Mỹ – hai thị trường chính của các sản phẩm mây.

Bà Sabine Gish Boie, cán bộ quản lý dự án cho biết: “Tại Việt Nam, dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng 6000 ha mây thuộc tỉnh Quảng Nam và Huế, trong đó có  khoảng 2000 ha được đưa vào quản lý bền vững.”

Dự án “Thiết lập hệ thống Sản Xuất Mây Song bền vững tại Lào, Campuchia và Việt Nam” được đồng tài trợ bởi Liên Minh Châu Âu (EU), công ty đa quốc gia IKEA và Tổ chức hỗ trợ tài chính Đức (DEG).

Thảo Nguyên

dantri.com.vn

Nước nào giàu nhất nhờ công nghệ sạch?

 

   
 

Đan Mạch có được thị phần doanh thu quốc gia lớn nhất của mình là nhờ sản xuất cối xay gió và các công ngệ sạch khác, Hoa Kỳ cũng đang nhanh chóng mở rộng lĩnh vực công nghệ sạch của mình, nhưng không một quốc gia nào có thể theo kịp tốc độ của Trung Quốc

 

Ngành sản xuất công nghệ xanh của Trung Quốc phát triển với một tỷ lệ đáng kể 77%/năm, theo một báo cáo của Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) được công bố tại một hội nghị công nghiệp ở Amsterdam (Hà Lan) ngày 9.5.

“Người Trung Quốc đã thực hiện một quyết định có ý thức trong việc nắm bắt thị trường này và phát triển nó một cách mạnh mẽ”, ông Donald Pols, một nhà kinh tế của WWF nói.

Đan Mạch, một nước hàng đầu về năng lượng gió, có nguồn thu 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mình từ công nghệ năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng, chiếm khoảng 9,4 tỷ đôla, theo báo cáo. Tuy nhiên, Trung Quốc mới là nước sản xuất lớn nhất tính về mặt doanh thu, với 64 tỉ đô la, chiếm 1,4% GDP.

Mỹ đứng thứ 17 trong việc sản xuất các công nghệ sạch với 0,3% GDP, tương đương 45 tỉ đôla, mặc dù các ngành công nghiệp này đã được mở rộng với tỷ lệ 28%/năm từ năm 2008.

“Mỹ đang tăng trưởng đáng kể, do đó, có vẻ như các chính sách của Tổng thống Barack Obama đang có hiệu quả”, Pols nói. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn không thể so sánh với Trung Quốc.

“Khi bạn nói chuyện với người Trung Quốc, sự biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề ý thức hệ. Nó chỉ là một thực tế của cuộc sống. Trong khi chúng ta tranh luận về sự thay đổi khí hậu và sự chuyển đổi sang nền kinh tế cácbon thấp, Trung Quốc đã đi qua giai đoạn tranh luận”. Pols nói. “Đối với họ, đó là việc thực hiện. Đây là một khu vực tăng trưởng và họ muốn nắm bắt khu vực này”.

Báo cáo này do Hãng Tư vấn chiến lược Roland Berger – một công ty toàn cầu có trụ sở tại Đức thực hiện. Họ đã thu thập dữ liệu về 38 quốc gia từ các hiệp hội năng lượng, báo cáo ngân hàng và môi giới, bài thuyết trình của các nhà đầu tư, Cơ quan Năng lượng quốc tế và một số nguồn tài liệu khác. Nó xác định được các khoản thu nhập từ sản xuất năng lượng tái tạo như nhiên liệu sinh học, các tuabin gió và thiết bị nhiệt, công nghệ tiết kiệm năng lượng như ánh sáng năng lượng thấp và cách nhiệt.

“Công nghệ sạch đang thực sự phát triển nhanh, nhưng Trung Quốc gánh vác phần lớn sự tăng trưởng đó”, ông Ward van den Berg, người đã biên soạn và phân tích các dữ liệu cho công ty tư vấn nói.

Mãi tới gần đây, Trung Quốc mới sản xuất một khối lượng lớn các tế bào năng lượng mặt trời cho các thị trường xuất khẩu, nhưng họ đã phát triển hệ thống năng lượng mặt trời cho thị trường trong nước cũng như là họ đã làm với năng lượng gió trong nhiều năm qua, ông Van den Berg cho biết.

Sau Đan Mạch và Trung Quốc, các quốc gia khác trong top năm nhà sản xuất công nghệ sạch hàng đầu, tính theo tỷ lệ phần trăm GDP, là Đức, Brazil và Lithuania.

Theo laodong, AP

 http://www.vawr.org.vn