Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh tham gia sự kiện “Đổi mới sáng tạo hướng tới người thu nhập thấp”

Ngày 26/11, khách sạn Sheraton Hà Nội, sự kiện được tổ chức nhằm kết nối các đối tác hoạtđộng đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh hướng tới người thu nhập thấp của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, diễn dàn được phối hợp thực hiện bởi Ban quản lý dự án VIIP và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV).

IMG_8091

Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh GCTF đã tham dự gian hàng trưng bày nhằm quảng bá Quỹ cũng như các tài liệu chuyên đề về Sản xuất Sạch Hơn – Sử dụng năng lượng hiệu quả tới các doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn và các tổ chức phát triển khác.

Một số thông tin về dự án:

VIIP là dự án Đổi mới Sáng tạo Hướng tới người thu nhập thấp do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2013 – 2018 với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu chung của Dự án là hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức nghiên cứu trong việc tiếp nhận, nâng cấp, ứng dụng và thương mại hóa công nghệ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thủy sản, y dược học cổ truyền, công nghệ thông tin và truyền thông.

Diễn đàn có sự tham gia của một số tổ chức như: Quỹ Thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF), Dự án Đẩy mạnh Đổi mới Sáng tạo thông qua Nghiên cứu, Khoa học và Công nghệ (FIRST), Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD), Chương trình Hỗ trợ Cạnh tranh Toàn cầu (GCF)…

Admin GCTF

UNIDO tài trợ 53 triệu USD cho Việt Nam phát triển khu công nghiệp “xanh”

Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại với tổng mức tài trợ lên tới 53 triệu USD.

Ngày 28/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1526/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục Dự án do Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tài trợ.

Theo đó, phê duyệt danh mục Dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” do UNIDO tài trợ không hoàn lại từ nguồn viện trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Mục tiêu của Dự án là tăng cường chuyển giao, ứng dụng và phổ biến công nghệ và phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước và phương thức quản lý tốt hóa chất tại các khu công nghiệp (KCN) ở Việt Nam.

Ảnh minh họa: BizLIVE.vn

Ảnh minh họa: BizLIVE.vn

Kết quả chính của dự án được kiểm nghiệm thông qua các chính sách và quy định đáp ứng tiêu chí của KCN sinh thái trong các lĩnh vực:

  • Quy hoạch và quản lý KCN, quản lý ô nhiễm môi trường, ô nhiễm công nghiệp trong các KCN, trách nhiệm và các biện pháp hỗ trợ đầu tư của các bên liên quan đối với hoạt động đầu tư công nghiệp sạch và phát thải ít các bon của doanh nghiệp KCN.
  • Tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái cho các cơ quan quản lý KCN ở trung ương và địa phương.
  • Tăng cường năng lực kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít các bon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và doanh nghiệp trong KCN.
  • Triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCN sinh thái; tăng cường nhận thức của cộng đồng về phát triển KCN sinh thái…

Dự án được thực hiện trong 36 tháng với tổng kinh phí thực hiện là hơn 53 triệu USD, trong đó Quỹ Tín dụng xanh của SECO (GCTF) đóng góp vốn đồng tài trợ và tín dụng ưu đãi cho các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp lên tới 3 triệu USD.

Theo Vũ Minh/BizLIVE.vn

 

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh đồng hành cùng Techcombank cung cấp Gói giải pháp tài chính toàn diện và ưu đãi tài chính vượt trội dành riêng cho các doanh nghiệp phát triển “xanh”

Ngày 30/5/2014, tại Vĩnh Phúc, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã tổ chức Hội thảo “Khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm 2014” nhằm giới thiệu lợi ích và hướng dẫn thực hiện giải pháp kiểm toán năng lượng và các mô hình quản lý năng lượng hiệu quả. Với vai trò là ngân hàng duy nhất cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu dành riêng cho các doanh nghiệp tham gia kiểm toán năng lượng, Ngân hàng Techcombank cũng giới thiệu đến nhóm đối tượng này nhiều ưu đãi tài chính vượt trội tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển “xanh” một cách bền vững.

Theo đó, bên cạnh các giải pháp tài chính toàn diện đáp ứng tất cả các nhu cầu về tài chính của doanh nghiệp từ tín dụng, giao dịch, quản lý dòng tiền…, Techcombank còn mang đến nhiều ưu đãi vượt trội dành riêng cho nhóm doanh nghiệp tham gia kiểm toán năng lượng: 

• Gói tín dụng với với lãi suất ưu đãi, thời hạn khoản vay lên đến 24 tháng, phương thức trả gốc và tài sản đảm bảo linh hoạt, thủ tục nhanh gọn 

• Doanh nghiệp có cơ hội nhận được gói hỗ trợ đặc biệt từ Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ tài chính không hoàn lại và bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư mới hoặc thay thế các dây chuyền công nghệ mới

Năng lượng đang trở thành mối quan tâm lớn của toàn nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh các nguồn năng lượng không tái tạo ngày càng khan hiếm. Tại Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, nhu cầu dùng điện mỗi năm tăng rất nhanh, tối thiểu là 12 – 13% – đạt mức gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP nhưng mức độ tăng trưởng ngành năng lượng trong nước lại chỉ đáp ứng được khoảng 60% yêu cầu. Với mức tiêu thụ năng lượng như vậy, nguồn năng lượng của Việt Nam sẽ trở nên khan hiếm và cạn kiệt, trong khi tình trạng lãng phí năng lượng cho sản xuất, xây dựng… hiện nay rất lớn. Cùng với đó, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng thấp so với các nước phát triển đã khiến giá thành sản phẩm tăng cao và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Điều này cho thấy vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp trọng điểm trong việc tiết kiệm năng lượng, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí mà còn đóng góp cho sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. 

Để tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả, khâu kiểm toán năng lượng đóng một vai trò quan trọng. Đây là cách thức để doanh nghiệp nhận diện những bất hợp lý, thất thoát, sử dụng không hiệu quả.. từ đó đánh giá được tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Sau kiểm toán, chuyên gia tư vấn sẽ đề xuất cho doanh nghiệp các giải pháp sử dụng năng lượng tối ưu nhất, giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào trong sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, gia tăng cạnh tranh. 

Gói giải pháp tài chính toàn diện cùng với những ưu đãi của Techcombank là nền tảng tài chính quan trọng giúp doanh nghiệp tham gia kiểm toán năng lượng thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng thông qua việc nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất, công nghệ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ đạt hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Tin từ techcombank.com.vn

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh tham gia Hội chợ triển lãm quốc tế ENTECH lần thứ 6

Từ ngày 21 đến ngày 23/5/2014, Hội chợ triển lãm Quốc tế ENTECH Hà Nội 2014 (Năng lượng Hiệu quả – Môi trường) đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E (Hà Nội) với hơn 200 gian hàng của khoảng 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước trưng bày các công nghệ sản phẩm tiết kiệm năng lượng và môi trường đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Điển.…

Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) cũng tham gia Hội chợ nhằm giới thiệu đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và dịch vụ, các nhà cung ứng thiết bị và giải pháp kỹ thuật công nghệ, và các đơn vị khác có quan tâm một cơ chế hỗ trợ tài chính dành cho các dự án thay đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm tác động môi trường.

Entech1

 Giới thiệu Quỹ GCTF tại triển lãm ENTECH 2014

Các sản phẩm, công nghệ năng lượng-môi trường tại Entech Hanoi 2014 sẽ tập trung vào các lĩnh vực là công nghệ xây dựng; năng lượng tái tạo, năng lượng mới, nguồn năng lượng; giao thông vận tải, xăng dầu và khí đốt; than và năng lượng tập hợp; tư vấn tiết kiệm năng lượng; công nghệ xử lý chất thải công nghiệp; công nghệ xử lý môi trường phục vụ sinh hoạt.

Image1

  Quỹ GCTF được điều phối bởi Trung tâm VNCPC

 Gian hàng của GCTF đã tiếp xúc với nhiều đơn vị bạn cùng tham gia triển lãm cũng khách tham quan. Các bên cùng trao đổi về những khả năng xây dựng dự án liên quan tới:

  • Sử dụng năng lượng mới, tái tạo thay thế cho các dạng năng lượng không tái tạo;
  • Lắp đặt các loại thiết bị sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thay thế cho các thiết bị hiện có của các doanh nghiệp trong nhiều ngành sản xuất khác nhau: đèn chiếu sáng, bộ phận gia nhiệt, thiết bị phát nhiệt và phát điện di động, …

entech8

 Tư vấn trực tiếp cho các doanh nghiệp tới dự Hội chợ ENTECH về Quỹ GCTF

Admin VNCPC

Điện sinh khối – nguồn năng lượng tái tạo hữu ích

Điện sinh khối (biomass power) là việc sử dụng sinh khối (biomass) để sản xuất điện năng. Đây là dạng năng lượng tái tạo và có trữ lượng không nhỏ nên được nhiều nước quan tâm đầu tư và phát triển.

nha_may_dien_alholmens_1

Nhà máy Điện sinh khối Alholmens (Phần Lan) lớn nhất thế giới.

Theo các nhà khoa học, khí thải trong chăn nuôi nếu biết sử dụng đúng cách sẽ trở thành nguồn năng lượng hữu ích. Như máy phát điện chạy khí sinh học (biogas) để thắp sáng, bơm nước… vừa giúp giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường vừa hướng tới giảm “cơn khát” điện trong mùa hè.

Điện sinh khối trên thế giới

Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ v.v…), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm…

Trên quy mô toàn cầu, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ tư, chiếm khoảng 14-15% tổng năng lượng tiêu thụ của thế giới. Ở các nước đang phát triển, sinh khối thường là nguồn năng lượng lớn, trung bình đóng góp khoảng 35% trong tổng cung cấp năng lượng. Vì vậy năng lượng sinh khối giữ vai trò quan trọng và có khả năng sẽ giữ vai trò sống còn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới trong tương lai.

Mỹ là nước sản xuất điện biomass lớn nhất thế giới, với hơn 350 nhà máy điện sinh học, sản xuất trên 7.500MW điện mỗi năm. Những nhà máy này sử dụng chất thải từ nhà máy giấy, nhà máy cưa, sản phẩm phụ nông nghiệp, cành lá từ các vườn cây ăn quả… Năng lượng biomass chiếm 4% tổng năng lượng được tiêu thụ ở Mỹ và 45% năng lượng tái sinh.

Ở Nhật Bản, chính phủ đã ban hành Chiến lược năng lượng sinh khối từ năm 2003 và hiện nay đang tích cực thực hiện Dự án phát triển các đô thị sinh khối (biomass town). Đến đầu năm 2011, Nhật Bản đã có 286 thị trấn sinh khối trải dài khắp đất nước. Tại Hàn Quốc, năng lượng sinh học đang được tích cực nghiên cứu, phát triển ở đất nước này với mục tiêu đến năm 2030 năng lượng tái tạo sẽ đạt 11%, trong đó năng lượng từ sinh khối sẽ đạt 7,12%. Còn ở Trung Quốc, hiện quốc gia này đã có Luật năng lượng tái tạo cùng hơn 80 nhà máy điện sản xuất từ sinh khối với công suất đến 50MW/nhà máy. Tiềm năng là có thể đạt được 30GW điện từ loại hình năng lượng này.

Tiềm năng điện sinh khối ở Việt Nam

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng ở Việt Nam hiện tăng ở mức gấp đôi so với tỷ lệ tăng trưởng GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ ở mức xấp xỉ 1. Tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ngày càng gia tăng và đã tăng hơn 4 lần từ 2005-2030, tiêu thụ năng lượng điện tăng gần 400% trong vòng 10 năm từ 1998-2008. Với đà này, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng vào năm 2015.

Trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu thế giới tăng cao và sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới, khả năng đáp ứng năng lượng đủ cho nhu cầu trong nước ngày càng khó khăn và trở thành một thách thức lớn. Như vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Bên cạnh tiềm năng về phong điện, thủy điện, điện mặt trời, có thể nói, Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị… phân bổ rộng khắp trên toàn quốc, trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người. Thêm vào đó, với sự phát triển sản xuất và đô thị hóa, sức chịu tải của các hệ sinh thái giảm đi, chắc chắn các xung đột môi trường liên quan sẽ gia tăng.

Với lợi thế một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía. Phế phẩm nông nghiệp rất phong phú dồi dào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp toàn quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng với 15% tổng sản lượng toàn quốc. Hằng năm tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện, và theo số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn trấu mỗi năm thu lại được hàng trăm MW điện.

Hiện nay, Việt Nam đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện sinh học được triển khai; dự kiến sẽ hoàn thành và phát điện trong thời gian sớm nhất ở cả miền Bắc và miền Nam. Tại miền Bắc, Dự án xây dựng nhà máy điện sinh học Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 1.160 tỉ đồng, công suất 40MW, dự kiến đến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2013 với sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm.

Tại miền Nam, Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đã chuẩn bị thủ tục để đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện sinh khối (biomass) tại khu công nghiệp Minh Hưng – Hàn Quốc (huyện Chơn Thành) có công suất thiết kế 19MW, cung cấp hơi nước 70m3/giờ. Nguyên liệu thô cung cấp cho nhà máy hoạt động chủ yếu từ thực vật ngành nông – lâm nghiệp. Tập đoàn sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý và dự án có thể hoàn thành vào năm 2015.

Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện đốt trấu tại KCN Trà Nóc 2 TP Cần Thơ do Công ty Cổ phần Nhiệt điện Đình Hải đầu tư, đã hoàn thành và đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với công suất 20 tấn hơi/giờ. Nhà máy có công suất phát điện 2MW khi nhà máy vận hành ở chế độ không sản xuất hơi nước. Giai đoạn 2 của sẽ đầu tư turbine 3,7MW cấp điện lên lưới quốc gia.

Trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao thì giải pháp sử dụng nguồn điện sinh khối để thay thế mang ý nghĩa to lớn trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Hơn nữa, Việt Nam lại có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, số các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới, việc đầu tư mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia.

Theo VNEEP

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh GCTF tham gia Dấu ấn sự kiện “Ươm tạo Năng lực Tiếp nhận Đầu tư xã hội”

Vào ngày 13/03 vừa qua, Quỹ Ủy thác tín dụng xanh GCTF đã tham gia với tư cách là nhà cung ứng tại phiên Kết nối thị trường và hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề “Ươm tạo năng lực tiếp nhận đầu tư xã hội” do Spark, Adelphi và HATCH! Program phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

80 khách mời tham dự đến từ 30 DNXH, các doanh nghiệp kinh doanh cùng người nghèo, các cá nhân đang chuẩn bị khởi sự doanh nghiệp, đã gặp gỡ, thảo luận với các tổ chức cung cấp dịch vụ phát triển năng lực và các tổ chức ươm tạo tham gia, tìm kiếm tính phù hợp giữa các nhu cầu dịch vụ phát triển năng lực cho các doanh nghiệp phát triển, mở rộng, hoặc bắt đầu thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình với những gì mà nhà cung cấp-ươm tạo có thể đáp ứng. “Lần đầu tiên được tham gia phiên kết nối. Các bên cung cấp rất nhiệt tình, tôi thu được nhiều thông tin và cơ hội bổ ích. Chúng tôi đã nhận được lời mời hợp tác” – 1 doanh nghiệp xã hội chia sẻ.  Tại Phiên kết nối, nhiều doanh nghiệp đã tìm được những nhà cung cấp dịch vụ tiềm năng có thể giải quyết những băn khoăn của doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực như tài chính, tư vấn chiến lược,  pháp lý, v.vv… Các tổ chức cung cấp dịch vụ qua đây cũng đã có cơ hội giới thiệu và quảng bá dịch vụ tài chính, tư vấn chiến lược kinh doanh, luật pháp của mình đến với nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là nhóm các DNXH. Trong khi thảo luận, các nhóm cung cấp dịch vụ cũng có cơ hội chia sẻ những quan sát của họ về thị trường và làm thế nào để thiết kế dịch vụ dành cho DNXH và làm cho dịch vụ được minh bạch hơn . “Mọi người đến trao đổi với chúng tôi rất nghiêm túc.  Tôi nhận thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ ươm tạo từ các cá nhân và tổ  chức khởi nghiệp rất lớn” – Đại diện của Hatch! Program, anh Lê Viết Đạt chia sẻ. Tham gia phiên kết nối thị trường, các nhà cung cấp dịch vụ như OCD, NHQuang & Cộng Sự, hiện đang hướng tới các doanh nghiệp lớn, đã có thêm ý tưởng làm thế nào để dịch vụ có chất lượng của họ có thể cung cấp cho các doanh nghiệp xã hội.  Từ mô hình kết nối thử nghiệm, các đại biểu đưa ra nhiều gợi ý để giúp phát triển thị trường dịch vụ nâng cao năng lực với vai trò kết nối của các tổ chức như Spark.

 

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh GCTF đón nhận nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp

   

                      Hoạt động kết nối giữa các cá nhân/tổ chức cung cấp và sử dụng dịch vụ tại phiên buổi sáng

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm “Ươm tạo Năng lực Tiếp nhận Đầu tư xã hội” dự kiến dành riêng cho các tổ chức cung cấp và ươm tạo doanh nghiệp, thực tế đã mở rộng cho các doanh nghiệp theo yêu cầu của họ vào buổi chiều cùng ngày. Đại diện Oxfam Novib (Hà Lan) đã trình bày các điều kiện cần có để tiếp nhận đầu tư xã hội từ chương trình kết nối đầu tư xã hội của họ, nêu rõ các doanh nghiệp và các dịch vụ cần phải làm gì để tạo điều kiện cho đầu tư. Kinh nghiệm quốc tế của Adelphi (Đức) tăng cường năng lực cho các nhà cung cấp dịch vụ cho thấy hợp tác, đánh giá chuẩn mực chất lượng dịch vụ và cùng phối hợp đáp ứng nhu cầu khách hàng là chìa khoá để phát triển đội ngũ các nhà cung cấp dịch vụ địa phương. Ông Cyrille Antignac, đại diện quỹ đầu tư Uberis Capital cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp như là một trong các điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư xã hội đưa ra quyết định tham gia vào một thị trường cụ thể.

 

Thảo luận nhóm các cá nhân/tổ chức sử dụng dịch vụ

 

                      Ông Mikael P. Henzler, Giám đốc điều hành Adelphi trình bày tại phiên Hội thảo buổi chiều

Buổi thảo luận cũng cung cấp cho các nhóm khách mời là đơn vị cung cấp cái nhìn chân thực về sự phát triển của ngành này tại Việt Nam hiện nay và các hướng đi trong tương lai, đồng thời nêu bật những đặc thù của người sử dụng là  DNXH so với DN thông thường  các khó khăn và lợi thế khi làm việc với họ để từ đó đưa ra kế hoạch hoạt động phù hợp hơn. Bà Vũ Thị Quỳnh Anh, Giám đốc điều hành Spark chia sẻ: “Sự kiện hôm nay thực sự là cầu nối đưa các DNXH và các nhà cung cấp dịch vụ phát triển năng lực đến gần nhau hơn và cũng là nơi các DNXH tại Việt Nam được tìm hiểu và học hỏi nâng cao khả năng đón nhận đầu tư qua kinh nghiệm của các quỹ đầu tư và các tổ chức ươm tạo. Với hy vọng sự kiện này sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển và lớn mạnh của cộng đồng DNXH tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai cũng như sự lớn mạnh của đội ngũ cung cấp dịch vụ ươm tạo doanh nghiệp xã hội, Spark sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức và các sáng kiến phát triển khác tổ chức kết nối chia sẻ kinh nghiệm, triển khai đào tạo huấn luyện và cùng hợp tác phát triển lĩnh vực này.”

Theo Spark.com.vn

 

Tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp: Gõ đúng cửa sẽ không thiếu vốn

Phải làm gì để doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn vốn đáp ứng cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm?

Quản lý Công ty TNHH nhựa H.A ở  Hà Nội, ông Mai Việt Anh, đang “đau đầu” vì không biết tìm đâu ra nguồn vốn để lắp đặt những biến tần cho máy ép hạt nhựa của Công ty, nhằm giảm bớt tình trạng tiêu hao quá nhiều năng lượng.

Thực tế là, sau khi được một công ty chuyên về giải pháp tiết kiệm năng lượng tư vấn phương pháp đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng của máy ép hạt nhựa do Công ty H.A đang sử dụng, ông đã nhận thấy rõ nếu lắp biến tần và đổi mới công nghệ máy ép nhựa sẽ giúp giảm kha khá suất tiêu hao năng lượng giúp sản phẩm của H.A, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Huy động vốn từ các thành viên trong Công ty không đủ, tìm đến ngân hàng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, ông Mai Việt Anh đã gõ cửa các quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ nhằm tìm kiếm những giải pháp về tài chính để cải tạo hệ thống thiết bị, tiết kiệm năng lượng.

Vấn đề của ông Mai Việt Anh cũng là vấn đề mà rất nhiều các doanh nghiệp, đang gặp phải: Thiếu vốn đầu tư cho những công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng nhưng không biết tìm nguồn vốn ở đâu.

Những quỹ tín dụng xanh sẽ tiếp tục đưa ra nhiều gói giải pháp về vốn, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tìm vốn không khó

Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám  đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM (ECC HCMC), để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các dự  án đầu tư công nghệ, tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, hằng năm ECC HCMC có những chương trình giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP HCM. Theo đó, những doanh nghiệp này sẽ được chuyên gia của ECC HCMC nhận biết tình trạng công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại và nhận diện lãng phí năng lượng trong doanh nghiệp thông qua hoạt động đo kiểm và đánh giá. Đồng thời, có thể đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, khả thi nhất để tiết kiệm chi phí năng lượng cho từng hệ thống, từng hộ tiêu thụ năng lượng trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau kết quả kiểm toán năng lượng, ECC HCMC sẽ giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Ông Tước cũng cho rằng, doanh nghiệp khi đã có những giải pháp tiết kiệm năng lượng có nhu cầu đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng có thể tìm đến những nguồn vốn trả chậm, vốn vay liên doanh liên kết, hay tìm vốn qua công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng hỗ trợ… Nhưng để đến được với các tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin, kèm theo đó là một bản báo cáo tài chính rõ ràng, được kiểm toán và một dự án sản xuất kinh doanh tốt.

Ngoài ra, những doanh nghiệp khó khăn về vốn trong vấn đề giải quyết bài toán đầu tư công nghệ, thiết bị cho tiết kiệm năng lượng có thể tiếp cận theo mô hình ESCO. Cụ thể, ESCO sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện trọn gói dự án tiết kiệm năng lượng (kể cả cung cấp tài chính cho dự án). Với ESCO, doanh nghiệp có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng mà không phải bỏ tiền đầu tư hoặc bỏ rất ít. Nói cách khác , ESCO chính là mô hình kinh doanh dựa trên hiệu quả năng lượng tiết kiệm được mà doanh nghiệp không cần phải đầu tư vẫn có thể hưởng lợi.

Bà Đỗ Thúy Hà- Điều phối viên Dự án Meet Bis Việt Nam cho biết, nhằm tìm kiếm giải pháp về  tài chính cho các doanh nghiệp, Meet Bis Việt Nam đã kết nối với Quỹ tín dụng xanh (GCTF) hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, Meet Bis Việt Nam đang cùng Quỹ tín dụng xanh tiếp tục nghiên cứu các gói giải pháp tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ cho những doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thay đổi về thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM (ECC HCMC): Hầu hết doanh nghiệp chỉ mới dừng ở mức tham khảo về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, còn áp dụng hay không thì lại là chuyện khác, nhất là vấn đề giá cả, nếu giải pháp đưa ra có mức chi phí hợp lý, doanh nghiệp mới triển khai.Ông Tào Văn Nghệ – Tổng giám đốc Khách sạn Rex cho biết, từ năm 2010, với việc áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời; sử dụng hệ thống điều hòa inverter… đến năm 2012, khách sạn đã tiết kiệm được trên 400.000 kWh điện, tương đương 970 triệu đồng so với năm 2009.
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn

Các DN sản xuất sẽ có cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất để sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, năng lượng, hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH) nhờ nguồn vốn từ Quỹ Ủy thác tín dụng xanh.

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ
Theo các chuyên gia, SXSH đang ngày càng trở thành xu hướng chung của DN bởi SXSH có thể giúp các DN tiết kiệm tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ gia… từ đó giúp DN nâng cao hiệu suất hoạt động, nâng cao sự ổn định của sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, SXSH còn giúp các DN thu hồi phế liệu, phế phẩm, cải thiện môi trường làm việc, cải thiện hình ảnh DN, tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của SXSH chính là khoản đầu tư để đổi mới công nghệ tương đối cao.
Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) dành cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tại Việt Nam, đối tượng được hỗ trợ tài chính của GCTF là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bởi những DN này thường hay gặp phải những trở ngại như thiếu vốn, khó tiếp cận với nguồn tín dụng từ ngân hàng do không đủ tài sản thế chấp… khi đứng trước những hạng mục đầu tư lớn (đổi mới thiết bị/công nghệ). Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) là đơn vị điều phối nguồn vốn của quỹ này.
Nguyễn Lê HằngĐiều phối viên GCTF cho biết, GCTF hoạt động theo hình thức phối hợp với 3 ngân hàng tại Việt Nam là ACB, Techcombank, VIB tiến hành thẩm định các dự án đổi mới công nghệ của các DN đăng ký tham gia để đánh giá mức hỗ trợ phù hợp. Nếu các dự án đổi mới thiết bị, công nghệ của DN đạt được các tiêu chí về giảm thiểu tác động đến môi trường (theo bảng đánh giá do VNCPC đưa ra) thì DN sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ quỹ theo 2 hình thức là bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay và thưởng từ 15-25% tổng giá trị khoản vay.
Ví dụ, một DN có nhu cầu vay 1 tỷ đồng để đổi mới thiết bị công nghệ, nếu tham gia vào quỹ và đạt được các tiêu chí đánh giá hỗ trợ tối đa thì sẽ được quỹ bảo lãnh 500 triệu đồng tiền thế chấp khi vay vốn ngân hàng và được thanh toán 250 triệu đồng tiền nợ gốc khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Thời gian xem xét cho một dự án là 75 ngày, triển khai đầu tư trong 3-6 tháng. Đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ là các DN sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại muốn thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị mang lại hiệu quả môi trường. Những loại hình công nghiệp tiềm năng là sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, da và sản xuất hóa chất… “Do mục đích của quỹ là hướng đến các DN nhỏ và vừa nên các DN có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD, số công nhân viên dưới 1.000 người, và có 51% vốn thuộc sở hữu trong nước đều có thể tiếp cận chương trình hỗ trợ của quỹ” – bà Hằng cho hay.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 60 DN tại Việt Nam gửi hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ của GCTF, trong đó 40 hồ sơ đã đạt đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu, 30 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và 12 dự án đã được ngân hàng giải ngân cho vay.
Bà Hằng cho biết thêm, trong thời điểm hiện nay, quy mô hỗ trợ tín dụng của quỹ đối với 1 dự án mới chỉ dao động từ 10.000 đến 1 triệu USD. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể cung cấp khoản tín dụng lớn hơn và sẽ có những ưu tiên cho các DN chứng minh được hiệu quả dự án vay đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường./.
Theo báo Kinh tế Việt Nam, ven.vn

Tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho người nghèo ở nông thôn

Đây là mục tiêu của chương trình chung “sản xuất và thương mại xanh nhằm tăng thu nhập và cơ hội việc làm cho người nghèo ở nông thôn” nhằm hỗ trợ 4.800 hộ nghèo sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và nguyên liệu ở 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình và Phú Thọ. Chương trình tập trung vào năm chuỗi giá trị mây tre, lụa, cói, đồ sơn mài và giấy thủ công được thực hiện trong 3 năm 2010 – 2012 và mở rộng đến tháng 6/2013.

Dự án do 5 cơ quan của liên hợp quốc bao gồm tổ chức lương thực và nông nghiệp liên hợp quốc (FAO), tổ chức lao động quốc tế (ILO), trung tâm thương mại quốc tế (ITC), hội nghị về thương mại và phát triển của liên hợp quốc (UNCTAD) và tổ chức phát triển công nghiệp liên hiệp quốc (UNIDO) phối hợp thực hiện cùng Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC).

Toàn cảnh hội thảo

Vừa qua, ngày 23/01/2013, hội thảo “chia sẻ kết quả sản xuất sạch hơn và đổi mới sản phẩm bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội với sự có mặt các đại diện các tổ chức quốc tế, Cục xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, ban quản lý dự án thuộc 4 tỉnh và Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC). Hội thảo đã được nghe các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước đánh giá kết quả thực hiện dự án, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các kỹ thuật sản xuất sạch hơn(SXSH), đổi mới sản phẩm bền vững, xây dựng thương hiệu xanh cho ngành thủ công.

Qua 3 năm thực hiện, chương trình đã hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận phương thức SXSH(giảm các hoá chất độc hại, chất thải và ô nhiễm môi trường). Đồng thời áp dụng công nghệ cải tiến cùng thiết kế bền vững cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ định hướng xuất khẩu cũng như các kỹ thuật chế biến. Chương trình cũng giới thiệu các tiêu chuẩn và phương thức thích hợp đối với người lao động để cải thiện điều kiện làm việc theo hướng tăng năng suất và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, chương trình cũng đã tư vấn thêm các kỹ năng hoạt động doanh nghiệp ở cấp cơ sở, tăng cường kỹ năng kinh doanh, kỹ năng gia tăng nội lực cho cuộc sống và kỹ năng thành lập nhóm kinh doanh cho các hộ gia đình.

Cụ thể, theo báo cáo của hợp phần sản xuất sạch – UNIDO, chương trình đã tiến hành đánh giá sản xuất sạch hơn cho 48 doanh nghiệp vừa và nhỏ, đào tạo 40 giảng viên về SXSH và thiết kế các sản phẩm bền vững, tổ chức 48 lớp học cho hơn 1500 người dân về kỹ năng nghề, SXSH, thiết kế và đóng gói sản phẩm. Từ kết quả khảo sát, dự án cũng đã lựa chọn ra 10 hợp tác xã và 12 doanh nghiệp để hỗ trợ thiết bị. Điển hình như dây truyền chế tạo tăm tre, que chân hương tại hợp tác xã Diễn Vạn (Nghệ An), máy chẻ nứa, chà nhám, nghiền gỗ tại công ty L&V (Phú Thọ), máy quại lõi, buồng sấy cói, máy chẻ cói tại hợp tác xã Nga Tân (Thanh Hóa)…

Phát triển nhanh làng nghề là một trong những mục tiêu của Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong cả nước, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt ở khu vực nông thôn và tăng cường xuất khẩu. Thành công của dự án đã và đang góp phần làm tăng lợi thế cạnh tranh và cơ hội mở rộng thị trường cho ngành tiểu thủ công nghiệp Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Tiến sĩ Patrick J.Gilabert – Đại diện văn phòng UNIDO tại Việt Nam phát biểu khai mạc

Ông Juan Ovejero Dohn – Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác phát triển Tây Ban Nha tại Hà Nội phát biểu chào mừng

Ông Đỗ Kim Lang – Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại phát biểu tại hội nghị

Tiến sĩ Rene Van Berkel – Giám đốc dự án UNIDO chia sẻ kết quả dự án Sản xuất và thương mại xanh trong việc hỗ trợ nền công nghệ xanh cho Việt Nam

Ông Lê Xuân Thịnh – Chuyên gia tư vấn VNCPC chia sẻ kết quả hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình phát triển biền vững

Sản phẩm lụa tơ tằm được nhuộm từ các chất liệu tự nhiên có sẵn tại Việt Nam (lá bàng, lá chè, cà phê, vỏ măng cụt… ) được trưng bày tại hội thảo

Sản phẩm sơn mài của công ty L&V áp dụng công nghệ  Kurome – Nhật Bản

Máy chế biến sơn theo công nghệ Kurome – Nhật Bản

Sản phẩm khăn lụa tơ tằm – Hợp tác xã Hoa Tiến

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Lĩnh – Chuyên gia tư vấn tham luận về xu thế nhuộm màu tự nhiên cho lụa trong tương lai

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Phương Hòa – Chuyên gia tư vấn chia sẻ về ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường trong xử lý tre

Ông Nguyễn Hồng Long – Chuyên gia tư vấn VNCPC  chia sẻ những điểm cốt lõi trong sản xuất và tiêu dùng bền vững

Các đại biểu tham gia góp ý và đặt câu hỏi tại hội thảo

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Nhân – Giám đốc VNCPC giải đáp thắc mắc của các đại biểu

Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) thăm quan doanh nghiệp trong khuôn khổ dự án Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh (GCTF)

Ngày 23/11/2012 đại diện Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Bà Katrin Ochsenbein, Quản lý chương trình, Ban hỗ trợ kinh tế vĩ mô Tổng hành dinh SECO tại Thụy Sĩ và bà Bruhin Brigitte – Phó giám đốc Cơ quan Phát triển Kinh tế và Hợp tác Thụy Sỹ (SECO/SDC) tại Hà Nội cùng Trung Tâm Sản xuất Sạch Hơn Việt Nam (VNCPC) là cơ quan điều phối Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh(GCTF) đi thăm quan doanh nghiệp đang triển khai dự án dưới sự hỗ trợ của quỹ GCTF để đổi mới công nghệ.

Quỹ Ủy Thác Tín Dụng Xanh(GCTF) được thành lập từ năm 2007 tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của SECO nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước mạnh dạn đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Cho đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đã đăng ký dự án với GCTF và một số đã được nhận trả thưởng.

Trong khuôn khổ chuyến công tác lần này của Tổng Hành dinh SECO, đoàn đã đi thăm quan Hộ kinh doanh cá thể Đào Văn Tùng. Đây là một đơn vị chuyên sản xuất mặt hàng lưới nhựa che phủ sử dụng trong nông nghiệp và xây dựng. Doanh nghiệp này đã tham gia quỹ GCTF trong năm 2012 để thay đổi dây chuyên công nghệ nhằm mục tiêu chính là giảm lượng nước tiêu thụ trong sản xuất. Kết quả đạt được ở đây rất ấn tượng với suất tiêu hao nước giảm trên 90%, điện giảm 30% và năng suất tăng khoảng 8% và bên cạnh đó điều kiện an toàn trong sản xuất được cũng được cải thiện.


Bà Nguyễn Lê Hằng Điều phối viên quỹ GCTF tại Việt Nam đang thảo luận cùng Bà Bruhin và Bà Katrin

Trong tình hình kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần được hỗ trợ vốn để đầu tư sản xuất thì Quỹ GCTF là một giải pháp hữu hiệu không chỉ về nguồn vốn tức thì cho doanh nghiệp mà hơn cả là sự thay đổi công nghệ còn giúp cải thiện chi phí sản xuất về lâu dài cũng như bảo vệ môi trường doanh nghiệp và cộng đồng.

Phái đoàn SECO sau khi thăm quan đã cho biết rất hài lòng với những thay đổi trong công nghệ sản xuất của doanh nghiệp. Bà Bruhin còn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thêm vào dự án Better Work (dự án cải thiện điều kiện lao động và hợp tác của chủ doanh nghiệp và người lao động). Khi tham gia vào dự án này doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật để bảo vệ người lao động khỏi những bệnh nghề nghiệp và những rủi ro mất an toàn trong khi làm việc (VD: trang bị nút bảo vệ tai cho công nhân đứng máy, khẩu trang và đồ bảo hộ lao động trong những môi trường khói bụi, hóa chất độc hại).

Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) đã và đang làm cầu nối giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với công nghệ tiên tiến và tối ưu hóa sản xuất đưa doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Bà Nguyễn Lê Hằng (VNCPC) điều phối viên quỹ GCTF tại Việt Nam cho biết: “Trong thời gian tới quỹ GCTF sẽ tiếp tục được triển khai rộng hơn và mong muốn sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nữa tham gia”. Bên cạnh đó VNCPC cũng sẽ tìm kiểm các cơ hội để, cùng với sự hỗ trợ của SECO, tiếp tục triển khai thêm nhiều dự án mới trong thời gian tới nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn nữa.