Hanosimex: Đổi mới công nghệ, xanh hóa sản xuất

Trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, một trong những mục tiêu quan trọng là phát triển phải gắn với bảo vệ môi trường cùng xanh hóa trong sản xuất. Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) cùng các DN thành viên đã đẩy mạnh các giải pháp quản lý và đổi mới công nghệ, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội WRAP cũng như tiêu chuẩn SA 8000, bước đầu những giải pháp này đã phát huy hiệu quả.

hanosimex

Hanosimex: Đổi mới công nghệ, xanh hóa sản xuất

Ông Dương Khuê – Tổng giám đốc Hanosimex cho biết: “Là tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sợi – dệt may, nên vấn đề môi trường chủ yếu là khí thải, bụi trong quá trình kéo sợi và tiếng ồn. Để giải quyết những vấn đề trên, Hanosimex đã đầu tư nhiều hạng mục nhằm tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng cũng như tạo môi trường lao động trong sạch, đảm bảo lợi ích môi trường – xã hội và kinh tế”.

Theo đó, Hanosimex đã đầu tư hệ thống hút bụi tại các phân xưởng, nhà máy dệt, mẩu vải thừa tại các dây chuyền may thì được sử dụng để sản xuất đệm. Tại các lò cấp hơi, tổng công ty đã sử dụng nước mềm nên giảm được 3-5% ô nhiễm không khí và tăng hiệu suất lò hơi. Cùng với đó, công ty đã đầu tư lắp biến tấn cho các quạt gió của các máy sợi con, sử dụng toàn bộ bóng đèn tiết kiệm năng lượng T8 trong các nhà máy.… Nhờ đó, mỗi năm Hanosimex tiết kiệm được trên 4 triệu kWh điện và giảm phát thải khí CO2 tương đương khoảng 4.000 tấn/năm.

Đến thăm nhà máy sợi và nhà máy may của Công ty TNHH MTV Hanosimex Hà Nam tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 của tỉnh Hà Nam, phóng viên được tận mắt chứng kiến không gian rợp bóng cây, vườn hoa và thảm cỏ xanh mướt; môi trường làm việc sạch sẽ, không có bụi phát tán, toàn bộ khu vực các dây chuyền sản xuất rất sạch sẽ, không có bụi bẩn và liên tục được lau chùi.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Lê Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanosimex Hà Nam cho biết: “Trong những năm qua, với sự hỗ trợ từ phía tổng công ty, công ty chúng tôi đã hoàn thành nhiều hạng mục đầu tư nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là năng lượng. Theo đó, tại nhà máy sợi, với công suất sản xuất khoảng 1,5-1,6 triệu tấn/tháng, lượng điện tiêu thụ là rất lớn, chúng tôi đã tổ chức phân bổ lại kế hoạch sản xuất thông qua đẩy mạnh sản xuất vào thời gian thấp điểm để tận dụng chi phí điện thấp, và thời gian cao điểm thì sắp xếp bố trí bảo dưỡng máy móc thiết bị hay nghỉ ăn ca cho công nhân…”.

Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, Tổng công ty Hanosimex đã đầu tư 480 triệu đồng để lắp các biến tấn cho quạt thông gió của hệ thống điều hòa không khí tại nhà máy sợi. Theo tính toán, mỗi năm, thiết bị này phát huy tác dụng trong khoảng 5 tháng, với điều kiện thời tiết mát mẻ thì biến tần sẽ giúp giảm tốc độ quạt, và chi phí tiết kiệm điện sau 1 năm đã đủ hoàn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, lò hơi của nhà máy sợi cũng đã được chuyển đổi từ nhiên liệu đốt than sang đốt trấu hoặc mùn cưa ép. Vải vụn tại nhà máy được đem sử dụng làm đệm hoặc cùng với bụi bông trong quá trình sản xuất thu lại được chuyển cho DN sản xuất mùn cưa, trấu ép để trở thành nhiên liệu đầu vào cho lò hơi.

Toàn bộ các dây chuyền sản xuất của nhà máy sợi và nhà máy may đều được đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến hàng đầu của các nước thuộc khối G7, Thụy Sỹ… nên các thiết bị này vốn dĩ đã có biến tần nhằm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng tại các dây chuyền sản xuất đều được công ty sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng T8. Cũng theo ông Hùng thì chỉ tính riêng chi phí năng lượng tại nhà máy sợi trung bình mỗi tháng khoảng 1,6 triệu kWh tương đương với 2 tỷ đồng tiền điện, nếu các thiết bị sản xuất không có biến tần thì chi phí điện còn cao hơn rất nhiều.

Còn tại nhà máy may, bên cạnh chứng nhận SA 8000 thì đây là một trong hai nhà máy đầu tiên của Tổng công ty Hanosimex đạt chứng nhận WRAP – chính sách trách nhiệm xã hội trong sản xuất may mặc toàn cầu. Đây là giấy thông hành quan trọng để hàng may mặc của nhà máy có thể hiện diện tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Chứng nhận WRAP chứng minh DN thực hiện đầy đủ các nguyên tắc sản xuất hàng may mặc có trách nhiệm, công nhân DN tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu về trách nhiệm xã hội trong quá trình sản xuất và đảm bảo rằng sản phẩm may được sản xuất trong các điều kiện đúng luật.

Chị Lê Thị Oách – Tổ sợi con KB – Nhà máy sợi cho biết: “Mặc dù chúng tôi làm việc đều trong điều kiện tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế đối với ngành dệt may, tuy nhiên vào những ngày hè nắng nóng, công ty còn có thêm chế độ đãi ngộ cho công nhân như yêu cầu nhà bếp nấu thêm bữa ăn phụ: chè, cháo hay sữa chua… để phục vụ người lao động tại các dây chuyền sản xuất. Có thể nói, cùng với một môi trường lao động tốt, không bị ô nhiễm, điều kiện làm việc đảm bảo và thu nhập người lao động khá ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng, chúng tôi hoàn toàn yên tâm công tác tại đây”.

Việc tuân thủ trách nhiệm “sản xuất xanh” của Hanosimex không chỉ đem lại giá trị kinh tế cho DN, mà cao hơn cả là giá trị của DN mà Hanosimex mang lại cho các bạn hàng cũng như đối tác quốc tế. Đây là nền tảng vững chắc để công ty phát triển bền vững trong tương lại./.

Theo ven.vn

Tòa nhà chọc trời phát điện gió đầu tiên thế giới

Được coi là một loại năng lượng sạch và có khả năng tái tạo, ngày nay, điện gió được khai thác ở ngoài khơi gần bờ biển, trên đất liền, thậm chí cả trên những tòa nhà chọc trời. Trung tâm thương mại thế giới Bahrain là tòa nhà chọc trời được lắp đặt tuốc bin gió đầu tiên trên thế giới. Tòa nhà này đã chính thức phát điện gió vào ngày này cách đây 6 năm, ngày 8/4/2008.

Từ những năm 5000 trước công nguyên, con người biết sử dụng gió như một loại năng lượng. Các thủy thủ đã dùng sức gió để đẩy thuyền buồm đi từ địa điểm này đến địa điểm khác. Sau đó, con người đã chế tạo ra các cối xay gió để phục vụ xay xát các sản phẩm nông nghiệp, rồi máy bơm nước chạy bằng sức gió, mở đường cho một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp.

300414_diengio1

 Cận cảnh ba tuốc bin gió khổng lồ lắp đặt tại tòa nhà (Ảnh: Báo Tin Tức)

 Khi cuộc cách mạng công nghiệp bùng bổ, các cối xay, máy bơm chạy bằng sức gió phải nhường chỗ cho động cơ hơi nước rồi các động cơ chạy điện với chi phí thấp hơn. Người ta đã thử chế tạo, thiết kế và lắp đặt những máy phát điện chạy sức gió. Nhiều kiểu tuốc bin gió đã được chế tạo, nhưng điện gió vẫn không mấy phát triển. Phải đến khi cuộc khủng hoảng năng lượng nổ ra vào thập niên 70 của thế kỷ 20 thì công nghệ điện gió mới có những bước phát triển vượt bậc.

Ngày nay, điện gió được khai thác ở ngoài khơi gần bờ biển, trên đất liền, phần lớn từ những trang trại gió. Do đó, kiến trúc sư người Nam Phi Shaun Killa đưa ra ý tưởng đưa tuốc bin gió về gần với người sử dụng, ngay giữa tòa nhà mà nó cấp điện.

Tháng 11/2003, lần đầu tiên tới Ai-Manama, thủ đô của Bahrain. Killa nhận thấy có rất nhiều gió mạnh thổi vào bờ, lượng gió thổi lên đến 60% thời gian trong ngày. Đây là nơi lý tưởng xây dựng tòa nhà tự cung cấp điện gió.

300414_diengio2

 Toàn cảnh tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới Bahrain (Ảnh: Báo Tin Tức)

Để thiết kế một tòa nhà khai thác năng lượng gió, Killa và các cộng sự đã phải tham khảo nhiều hạng mục đã được sử dụng trong các trang trại điện gió trước đây, như hệ thống điều khiển, các cầu tuốc bin và quan trọng nhất là các tuốc bin gió.

Nghiên cứu cho thấy 70% gió đến từ vùng Vịnh với góc chuyển hướng 60 độ cho cả hai phía. Điều này xác nhận rằng vị trí công trình rất quan trọng và tòa nhà phải được thiết kế sao cho gió đến từ một góc nhỏ cũng đẩy tuốc bin làm việc với hiệu quả cao nhất. Do đó, kiến trúc sư Killa đã đưa ra giải pháp là tạo hai khối nhà làm nhiệm vụ của hai cánh đón gió độc lập và các tuốc bin gió được đặt giữa hai tòa nhà.

Được khởi công vào năm 2004, sau 4 năm xây dựng, tòa nhà Trung tâm thương mại thế giới Bahrain được khánh thành. Công trình là một tòa tháp đôi có chiều cao tới 240 m, gồm 50 tầng và là tòa nhà tháp đôi cao thứ hai trên thế giới.

Trên ba chiếc cầu treo nối liền hai tòa tháp của tòa nhà là ba chiếc tuốc bin gió cực lớn, được lắp đặt lần lượt ở độ cao 60 m, 98 m và 136 m. Mỗi tuốc bin có tuổi thọ 20 năm, công suất tương đương 225 kW, đường kính dài 29 m, hướng về phía bắc để đón luồng gió thổi từ vịnh Ba Tư vào.

Hai tòa tháp mang hình dáng hai cánh buồm đối xứng nhau, tạo thành một cái phễu có bề rộng miệng là 120 m và bề rộng đáy là 30m, bảo đảm cung cấp tối đa lượng gió thổi qua các tuốc bin. Các kiểm nghiệm thực tế đã cho thấy, với cấu trúc đối xứng như thế, tòa nhà đã tạo nên một luồng thổi hình chữ “S”, bảo đảm với bất kỳ luồng gió nào dao động trong góc 45° vào một trong hai cánh của trục trung tâm đều tạo thành một luồng gió vuông góc với các tuốc bin, tạo lực đẩy cho cánh quạt của tuốc bin chuyển động.

Cũng chính nhờ những chuyển động đó mà nguồn điện từ các tuốc bin được phát ra đều đặn và liên tục, bảo đảm cung cấp khoảng 11 – 15% tổng năng lượng điện sử dụng cho hai tòa tháp, tương đương khoảng 1,1 – 1,3 GWh điện/năm. Lượng điện này có thể giúp 300 hộ gia đình được sử dụng điện trong suốt cả năm.

Không chỉ giúp tòa nhà có thể đón lượng gió tối đa, cấu trúc đối xứng của hai tòa tháp cũng giúp giảm áp lực lên các cầu nối. Khi tốc độ gió tăng dần, cấu trúc này đã tạo ra sự cân bằng vận tốc giữa các tuốc bin, ngăn cản việc tạo nên áp lực chênh lệch giữa các tầng cầu.

Trong dự án này, các chi phí lắp đặt, vận hành các tuốc bin chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng chi phí dự án, vào khoảng hơn 5 triệu USD, do các nhà thiết kế đã sử dụng nhiều công nghệ có sẵn để chế tạo và lắp đặt các tuốc bin.

Ngoài việc lắp đặt các tuốc bin gió, dự án Trung tâm thương mại thế giới Bahrain còn sử dụng một khối lượng lớn các vật liệu thân thiện với môi trường như: hệ thống nước tái chế nối với hệ thống làm lạnh của tòa nhà, hệ thống cách nhiệt, hay lớp kính ít hấp thụ ánh sáng mặt trời bao phủ xung quanh…

Sau Trung tâm thương mại thế giới Bahrain, nhiều tòa nhà cao tầng khác cũng được lắp đặt các tuốc bin gió, tiêu biểu là: tòa tháp Pearl River tại Quảng Châu, Trung Quốc hay Khu nhà cao tầng Strata SE1 ở London, Anh.

 Theo TTTL/Báo Tin Tức

Ưu ái cho độc quyền

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố: Năm 2013, lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn đạt 9.197 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ sau khi bù các khoản lỗ lũy kế còn 267 tỉ đồng.

Trước đó một năm, EVN công bố lãi năm 2012 cũng cực đậm: 4.404,63 tỉ đồng.

Trong lúc không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả thì việc EVN lãi lớn là đáng khích lệ. Tuy nhiên, ít ai vui khi biết khoản lợi nhuận khổng lồ đó được chủ yếu là nhờ tăng giá bán điện chứ chẳng phải nhờ nỗ lực của doanh nghiệp.

Trong kinh doanh, bên bán luôn dè dặt mỗi khi tăng giá hàng hóa vì sẽ làm giảm sức cạnh tranh, dù đó là công cụ sinh lãi dễ dàng nhất. Thế nhưng, EVN dường như rất chuộng công cụ này. Bởi lẽ, ngành điện đang độc quyền kinh doanh, khỏi lo cạnh tranh với ai. Kinh doanh độc quyền mà không lãi lớn mới là… chuyện lạ!

EVN

Ảnh minh họa từ Bộ Công Thương

Không chỉ ngành điện, nhiều ngành còn độc quyền khác như xăng dầu, than… cũng lãi đậm nhờ tăng giá bán hàng. Riêng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) năm 2013 đạt tổng lợi nhuận hợp nhất 2.021 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đến từ khối kinh doanh xăng dầu đã đạt trên 1.300 tỉ đồng so với mức công bố khi hết năm 2013 là khoảng 1.200 tỉ đồng.

10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hiện đang hoạt động, cứ tưởng có cạnh tranh trong lĩnh vực này song thực tế chẳng phải như vậy. Tất cả cùng chung một giá bán, theo giá bán của “ông lớn” Petrolimex và hầu như cùng tăng, cùng giảm. Một khi cạnh tranh bị triệt tiêu hoàn toàn thì người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác. Nhờ đó, các nhà kinh doanh tha hồ hốt bạc.

Việc tăng giá dù phải được sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước song thực tế cho thấy các “ông độc quyền” luôn có cách để đạt được mục đích. Ngành xăng dầu thường than lỗ do giá thế giới tăng còn ngành điện thì lấy lý do chi phí sản xuất điện (than, khí…) tăng cao. Năm 2014 này, theo tính toán của ngành điện, chi phí sản xuất điện sẽ đội lên từ khoảng 6.500-7.000 tỉ đồng, trong khi EVN đã được cho phép tăng giá điện đến năm 2015 lên tới 21,6% so với giá hiện hành, cán mốc giá cao nhất là 1.835 đồng/KWh. Trung bình năm 2014-2015, mỗi năm, EVN có thể được tăng giá hơn 10%. Và theo cơ chế giá điện mới, EVN có quyền điều chỉnh giá điện tới 7%, Bộ Công Thương có thể thông qua mức tăng giá điện 10% và 2 lần điều chỉnh liên tiếp là 6 tháng.

Ít người biết rằng trong suốt 19 năm, điện khí được nhà nước trợ giá. Ngoài ra, EVN còn được sử dụng vốn, đất đai, hạ tầng… của nhà nước và độc quyền kinh doanh. Tập đoàn này được ưu đãi quá nhiều và đã lãi đậm trong nhiều năm, có điều kiện lấy lãi để bù trừ lỗ lũy kế của các năm trước… Do đó, việc tăng giá bán điện theo lộ trình phải được xem xét lại để giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế.

Chính sách của nhà nước thường phải hướng đến sự hài hòa của tam giác lợi ích: nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Riêng chính sách về giá điện chưa đạt được yêu cầu này, thậm chí còn ưu ái cho độc quyền.

Theo http://www.ducvinhtravel.vn/

Sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng

Ngày 16/6, tại Cao Bằng đã diễn ra hội thảo xây dựng mô hình thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với điện lưới phục vụ chiếu sáng công cộng, thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn…

chieu-sang-nang-luong-mt

Triển khai thí điểm đèn năng lượng mặt trời tại thành phố Cao Bằng (Nguồn: caobangtv.gov.vn)

Công nghệ chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp với điện lưới là mô hình mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, có thể thay đổi chế độ bật, tắt theo thời gian, theo mùa đã được áp dụng tại các tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai và các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh,…

Cao Bằng triển khai thí điểm mô hình tại Khu đô thị mới Đề thám (thành phố Cao Bằng) từ tháng 3/2013. Dự án đã lắp đặt 5 cột đèn led, công suất mỗi đèn 90W, khoảng cách 40 m, tương đương với chiều dài 200 m. Sau 12 tháng ứng dụng thí điểm cho thấy, độ sáng đạt tiêu chuẩn, đầu tư ban đầu lớn hơn việc lắp đặt điện năng truyền thống nhưng hằng tháng không phải mất tiền điện; tuổi thọ trung bình của tấm pin mặt trời khoảng từ 25 – 30 năm, an toàn cho người sử dụng. Tính năng của ứng dụng điện năng mặt trời bằng đèn led là tiết kiệm điện, giảm chi phí, phù hợp với chiếu sáng công cộng, không xảy ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các đại biểu phân tích, đánh giá chất lượng và các thông số kỹ thuật của hệ thống điện năng mặt trời và đi đến nhận định mô hình cho hiệu quả tốt, giảm công suất tiêu thụ điện, giảm chi phí điện, mang lại hiệu quả kinh tế và an toàn, thân thiện với môi trường.  Đồng thời  kiến nghị với tỉnh và các ngành chức năng hỗ trợ, nhân rộng dự án.

Theo monre.gov.vn

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng

Hệ thống quản lý năng lượng (HTQLNL) là công cụ tối ưu giúp các doanh nghiệp kiểm soát việc sử dụng năng lượng. Áp dụng hệ thống này, doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích như giảm nguồn năng lượng sử dụng, giảm chi phí sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường góp phần nâng cao uy tín, tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

ISO 50001

 ISO 50001: 2011 là công cụ đắc lực hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập, áp dụng và duy trì HTQLNL

 Tại Việt Nam, Luật sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã được Quốc hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Luật quy định các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải xây dựng, thực hiện kế hoạch sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả hàng năm. Cũng trong năm 2011, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã công bố tiêu chuẩn ISO 50001: 2011. Đây được đánh giá là công cụ đắc lực giúp các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập, áp dụng và duy trì HTQLNL.

Tại buổi Hội thảo “Mô hình quản lý năng lượng tiêu biểu trong công nghiệp và tòa nhà theo tiêu chuẩn TCVN 50001: 2011” được tổ chức trong khuôn khổ Triển lãm Entech Hanoi 2014, các chuyên gia năng lượng nhận định, xây dựng HTQLNL là hoạt động cấp bách và cần thiết với các doanh nghiệp.

Theo đó, muốn xây dựng HTQLN, trước tiên các doanh nghiệp cần đánh giá thực trạng sử dụng năng lượng thông qua kiểm toán năng lượng. Sau đó, doanh nghiệp sẽ lựa chọn các biện pháp tiết kiệm năng lượng để áp dụng, cũng như xây dựng các ban, nhóm và bổ nhiệm cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng. Cuối cùng, doanh nghiệp cần đưa các hoạt động tiết kiệm năng lượng vào trong quy trình sản xuất và đánh giá kết quả thu được.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm giúp DN xây dựng và áp dụng HTQLNL, Bộ Công Thương thông qua các chương trình, dự án đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ DN. Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về Sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2012-2015, Bộ Công Thương  sẽ tiếp tục hỗ trợ 30% chi phí đầu tư tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp (không quá 5 tỷ đồng/dự án). Nguồn vốn này trong thời gian qua cũng đã được bổ sung từ Chính phủ Đan Mạch với tổng giá trị gần 30 triệu USD. Song song với đó, Chương trình cũng dành ngân sách hỗ trợ các DN thực hiện kiểm toán năng lượng. Cụ thể, DN sẽ được hỗ trợ 50% chi phí kiểm toán năng lượng nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/ doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Trung tâm tiết kiệm năng lượng của các tỉnh, thành phố hỗ trợ tư vấn, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xây dựng HTQLNL cho các doanh nghiệp. Trong đó, hai đơn vị hàng đầu là Trung tâm tiết kiệm năng lượng Hà Nội và TP. HCM có thể giúp doanh nghiệp xây dựng HTQLNL.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp bằng việc tổ chức các khóa đào tạo cán bộ quản lý năng lượng tại nhiều địa phương trên cả nước. Kết thúc khóa học, học viên được kiểm tra kiến thức và cấp giấy chứng nhận Người quản lý năng lượng. Các doanh nghiệp có thể đăng ký với các Sở Công Thương, các trung tâm TKNL, Trung tâm Khuyến công để được tham gia đào tạo.

Đồng hành với Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Công Thương đã phát động Chiến dịch Hiệu quả năng lượng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Chiến dịch nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh Các doanh nghiệp tham gia Chiến dịch sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch và IFC.

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ các gói cho vay của các ngân hàng và tổ chức nước ngoài như: Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với khoản vay 100 triệu USD cho các nhà máy xi măng, thép; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) với khoản vay 50 triệu USD; Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay từ 70-100 triệu USD cho các dự án tiết kiệm năng lượng.

Riêng với dự án hỗ trợ của WB, tổ chức này dự kiến xây dựng một chương trình cam kết tự nguyện. Theo đó, khi các doanh nghiệp cam kết thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tự nguyện, không bắt buộc theo luật thì Chương trình sẽ hỗ trợ tư vấn, kiểm toán năng lượng, xây dựng báo cáo đầu tư xin hỗ trợ, vay vốn từ các tổ chức quốc tế để doanh nghiệp thực hiện các cam kết đó.

Mức sử dụng năng lượng trong công nghiệp có thể lên tới 50% tổng năng lượng sử dụng và có thể tạo ra những vấn đề về nguồn cung trong thời gian tới. Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong đó bao gồm xây dựng HTQLNL hoàn thiện không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh mà còn thể thiện trách nhiệm của DN đối với an ninh năng lượng, phát triển bền vững.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

NASA sẵn sàng phóng vệ tinh đo CO2 trên khí quyển Trái Đất

 

0613_NASA

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng để phóng lên vũ trụ vệ tinh đầu tiên thực hiện chức năng đo nồng độ carbon dioxide trong khí quyển. Vệ tinh Quan sát Carbon 2 (OCO-2) có thiết kế tương tự như người anh em COC-1 đã bị phá hủy trước đó trong vụ phóng hồi tháng 2/2009.

Theo kế hoạch, OCO-2 sẽ được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg ở Carlifornia với nhiệm vụ hoạt động trong quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất 105km. Sau khi được phóng lên không gian, OCO-2 sẽ thu thập hình ảnh về bức tranh phát thải CO2 trên phạm vi toàn cầu cũng như các hiệu ứng hấp thu CO2 ở đại dương và rừng.

NASA mong muốn OCO-2 sẽ trở thành vệ tinh tiên phong cho một phi đội gồm nhiều vệ tinh bay quanh Trái Đất mỗi 99 phút, tạo ra phạm vi quan sát gần như đồng thời về nồng độ thay đổi CO2 trên toàn cầu. OCO-2 được thiết kế hoạt động ít nhất hai năm.

Các chuyên gia sẽ sử dụng thông tin do vệ tinh này thu thập, kết hợp với các dữ liệu thu từ các trạm quan sát mặt đất, máy bay và các vệ tinh khác để đưa ra đánh giá tổng quát về tình trạng phát thải và hấp thụ CO2.

Michael Freilich, Giám đốc Bộ phận khoa học Trái Đất của NASA, cho biết CO2 trong khí quyển đóng vai trò quan trọng đối với sự cân bằng năng lượng của hành tinh và là chìa khóa trong hoạt động nghiên cứu biến đổi khí hậu. Với OCO-2, NASA sẽ có thêm nguồn thông tin quan trọng cho hoạt động quan sát Trái Đất.

Theo số liệu đo đạc, trong tháng Tư vừa qua, nồng độ khí CO2 trung bình trong khi quyển lần đầu tiên đã vượt mức 400 phần triệu ở bán cầu Bắc, mức cao nhất trong vòng 800.000 năm trở lại đây.

Các chuyên gia khí hậu kết luận rằng sự gia tăng khí thải CO2 từ hoạt động của con người, đặc biệt từ việc sử dụng chất đốt hóa thạch và phá rừng, đã làm rối loạn chu trình carbon tự nhiên, làm nhiệt độ tăng cao và gây ra biến đổi khí hậu.

Hiện tại, có gần một nửa lượng khí thải CO2 trong khí quyển là do hoạt động của con người tạo ra./.

 Theo Vietnam+

“Thắp sáng” Trường Sa bằng năng lượng sạch

truongsa

 Dự án năng lượng sạch tại Trường Sa

Trường Sa đã được thắp sáng bằng năng lượng sạch như gió, mặt trời. Từ khi có nguồn năng lượng sạch, các đảo được thắp sáng thường xuyên đã góp phần khẳng định chủ quyền giữa biển khơi.

Ông Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa cho biết, nguồn năng lượng sạch ở Trường Sa là kết quả triển khai dự án hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ cuối năm 2010. Dự án tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK” do Bộ Tư lệnh Hải Quân làm chủ đầu tư, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tài trợ vốn và Công Ty năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK) nhập các thiết bị, lắp đặt vận hành. Đây là dự án khai thác và sử dụng năng lượng sạch được triển khai với quy mô lớn, trải dài trên 48 đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa – Việt Nam. Dự án này đã được vinh dự nhận Giải thưởng Năng lượng toàn cầu (Energy Globe Award) năm 2012.

Dự án bao gồm 6 hạng mục: Hệ thống năng lượng sạch; nhà trạm nguồn; máng dẫn cáp điện ngầm; mạng điện; hệ thống đèn pha quan sát lắp đặt trên nhà giàn, đảo chìm và đảo nổi, và hệ thống đèn Led chiếu sáng sân đường và tường kè,… Tính đến hiện tại, dự án đã triển khai lắp đặt hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 120 quạt gió, hơn 4.000 bình ắc quy, gần 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời. Ước tính, hệ thống đã cung cấp tổng năng lượng hơn 5.167Kwh/ngày, đảm bảo đủ năng lượng 24/24 giờ phục vụ chiến đấu và sinh hoạt cho quân và dân Trường Sa. Đồng thời, dự án còn giúp tiết kiệm hơn 620 lít dầu diesel/ngày, giảm phát thải hơn 6 tấn CO2/ngày.

Theo Monre.com.vn

Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh để thoát nghèo

Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) kêu gọi các quốc gia cải thiện và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giúp đưa khoảng một tỷ người thoát khỏi đói nghèo, đồng thời có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết phục vụ cho nhu cầu của 9 tỷ người vào năm 2050.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) vừa đưa ra lời cảnh báo: kể từ năm 2000, giá năng lượng đã tăng lên đến 260%. Xu hướng này báo hiệu mức độ tiêu thụ gia tăng đang làm cạn kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo của thế giới.

Kể từ năm 2000, giá năng lượng đã tăng lên đến 260%, báo hiệu mức độ cạn kiện nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo của thế giới.

Báo cáo UNEP nhấn mạnh: Việc gia tăng mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên trên toàn thế giới đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cũng như làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Báo cáo đã kêu gọi các quốc gia cải thiện và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, giúp đưa khoảng một tỷ người thoát khỏi đói nghèo, đồng thời có thể quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết phục vụ cho nhu cầu của 9 tỷ người vào năm 2050. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải xem xét lại ngay lập tức tình hình thực tiễn hiện nay, hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ, tài chính và xã hội…

Theo đánh giá của UNEP, công nghệ tiên tiến có thể giúp giảm 40% mức sử dụng năng lượng. Mặt khác, nhu cầu năng lượng có thể giảm 50-80% thông qua việc cải thiện hiệu quả các hệ thống sản xuất và tiện ích. Các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp, khách sạn, công nghiệp và giao thông vận tải có thể tiết kiệm năng lượng và nước tới 60-80% nếu có khả năng thương mại hợp lý.

Những chính sách thay đổi này có thể mang lại sự ổn định và lợi ích kinh tế lâu dài. Bằng cách áp dụng các công nghệ mới ít tiêu thụ tài nguyên, các nước đang phát triển có thể làm giảm mức tăng nhu cầu năng lượng hàng năm từ 3,4% xuống 1,4% trong 12 năm tới, trong khi vẫn đạt được mục tiêu phát triển.

Báo cáo của UNEP được xây dựng dựa trên một nghiên cứu trước đó, trong đó cảnh báo rằng mô hình tiêu thụ của các quốc gia phát triển cùng với việc gia tăng dân số và thu nhập sẽ đưa mức tiêu thụ trung bình mỗi năm của nhân loại lên đến 140 tỷ tấn khoáng sản, quặng, nhiên liệu hóa thạch và sinh khối vào năm 2050, trừ phi tăng trưởng kinh tế không kéo theo sự gia tăng nhu cầu.

Theo nangluong.com.vn

Nam Định: Hỗ trợ xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công

lò gạch cũ2014

Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, cải thiện sức khỏe cho nhân dân và bảo vệ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Nam Định quyết định dành khoản hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng để thực hiện lộ trình xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh vào cuối năm 2015.

Nam Định hiện có 501 lò gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng đang sản xuất gạch đất sét nung với phương thức thủ công. Hoạt động của các này lò này (chủ yếu nằm ven các con sông như sông Hồng, Đáy, Ninh Cơ, Đào…. ) đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành quyết định về việc thực hiện lộ trình và mức hỗ trợ xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công vào cuối năm 2015. Theo đó, mỗi lò thủ công có công suất 1 vạn viên/năm được hỗ trợ 1,2 triệu đồng; lò đứng liên tục công suất 1 triệu viên/năm được hỗ trợ 2 triệu đồng; lò lòng công suất 1 triệu viên/năm được hỗ trợ 8 triệu đồng.

Theo lộ trình, Nam Định sẽ tiến hành xóa bỏ 347 lò trong năm 2014 với tổng kinh phí hỗ trợ gần 3,2 tỷ đồng; năm 2015 xóa bỏ 154 lò với kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, người lao động làm việc tại các lò gạch thủ công có nhu cầu chuyển đổi nghề được hỗ trợ học nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. UBND tỉnh cũng giao ngành chức năng và chính quyền các huyện, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, mua bán đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch bằng lò thủ công; nghiêm cấm phát sinh thêm các lò thủ công mới hoặc lò dã chiến./.

Theo TTXVN

Tín hiệu tốt cho ngành xi măng

ximang

Để thúc đẩy ngành xi măng phát triển, cần tập trung vào các dự án xi măng chất lượng cao

Thị trường xi măng đang có nhiều tín hiệu tích cực khi kết quả sản xuất kinh doanh 5 tháng đầu năm khả quan hơn so với cùng kỳ. Đó là động lực lớn đối với các doanh nghiệp ngành xi măng để duy trì phát triển tại thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Tiêu thụ và xuất khẩu xi măng đều tăng

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, thị trường xi măng 2 tháng trở lại đây đã tăng trở lại sau một thời gian dài ảm đạm, điều này thể hiện qua con số tiêu thụ và xuất khẩu. Cụ thể, xi măng tiêu thụ tháng 5 đạt 4,87 triệu tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính cả 5 tháng đầu năm 2014, tiêu thụ xi măng đạt 20,42 triệu tấn, tăng 1,75 triệu tấn và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2013.

Về xuất khẩu xi măng và clinker trong tháng 5 đạt gần 2 triệu tấn. Tính cả 5 tháng, xuất khẩu xi măng và clinker đạt 6,952 triệu tấn, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam khẳng định, ngành xi măng đã lấy lại được phong độ tương đương với năm 2010. Vì tiêu thụ xi măng nội địa 5 tháng đầu năm đã là 20,42 triệu tấn, với đà này, khả năng tiêu thụ nội địa cả năm 2014 sẽ đạt tới 50 triệu tấn, bằng năm 2010 – năm cao nhất về tiêu thụ. Ông Cung phân tích, do xuất khẩu cũng rất khả quan, 5 tháng đầu năm tăng 42,5% so với cùng kỳ, như vậy khả năng xuất khẩu xi măng cả năm sẽ đạt con số 20 triệu tấn là không điều không quá khó.

Cũng trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã có kết quả tăng trưởng sản xuất, kinh doanh khá tốt. Ông Trang Thanh Ba, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xi măng Fico Tây Ninh cho biết, nhu cầu thị trường gia tăng trở lại, hiện nhà máy đã chạy hết 100% công suất. Theo con số thống kê của 4 tháng đầu năm công ty đã tiêu thụ 450.000 tấn xi măng, tăng 10% so với cùng kỳ. Với nhu cầu thị trường miền Nam và phục vụ xuất khẩu, trong năm 2014 công ty sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu tấn xi măng.

Một “ông lớn” khác trong ngành là Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên 1 cũng xác nhận, thị trường tiêu thụ xi măng 5 tháng đầu năm có khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Công ty đặt kế hoạch tiêu thụ 4,9 triệu tấn xi măng và khoảng 800.000 tấn clinker… trong năm 2014

Tập trung vào các dự án xi măng chất lượng

Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện có tới 70 nhà đầu tư vào lĩnh vực xi măng, theo Chủ tịch Hiệp hội Nguyễn Quang Cung như vậy là quá nhiều nhà đầu tư, so với tổng công suất của cả nước (65-70 triệu tấn) gấp 5-7 lần so với các nước trong khu vực. Điển hình như Thái Lan công suất 56 triệu tấn họ chỉ có 9 nhà đầu tư…

Để giảm bớt đầu mối các nhà sản xuất xi măng, ông Trần Văn Đương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cho biết, trên cơ sở rà soát và đánh giá thực tế vừa qua, Chính phủ đã mạnh tay loại bỏ 9 dự án không khả thi ra khỏi quy hoạch. Lý do là nhiều nhà đầu tư không có khả năng tài chính để triển khai dự án, do vốn đầu tư 1 nhà máy xi măng rất nặng, nhất là việc mua thiết bị. Trước đây, Chính phủ bảo lãnh phần vốn này nên doanh nghiệp đầu tư không có gì phức tạp. Nhưng khi Chính phủ không bảo lãnh cho phần đầu tư này nữa thì khó khăn xuất hiện với hầu hết các dự án xi măng. Một nguyên nhân khác khá quan trọng là chủ đầu tư không có năng lực tài chính nên không triển khai được, nhiều dự án cũng được đăng ký theo kiểu xí phần, cần phải được loại bỏ. Ông Đương nhấn mạnh: “Trong công tác quy hoạch, việc rà soát, điều chỉnh là việc làm thường xuyên, theo đó việc giãn, dịch tiến độ hay đưa một dự án không đáp ứng điều kiện khi triển khai ra khỏi quy hoạch hoặc bổ sung 1 dự án có tiềm năng là chuyện bình thường”.

Ông Nguyễn Quang Cung cũng cho rằng, trên thực tế ngành xi măng đã có đủ xi măng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nên tại thời điểm này, cần tập trung nâng cao chất lượng các dự án xi măng sắp tới. Chúng ta đã xác định được một số vùng giàu về trữ lượng đá vôi như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng… Đó là những vùng có lợi thế cho sản xuất xi măng. Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Văn Đương cũng cho rằng, việc rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch ngành xi măng cần xem xét cả hai khía cạnh: Vị trí bố trí các dự án và năng lực tài chính thực sự của các chủ đầu tư.

Trên cơ sở đó, các dự án xi măng cần đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư quy mô công suất lớn hơn, số lượng dự án ít đi. Tăng hiệu quả đầu tư sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và đảm bảo tốt vấn đề môi trường. Đã đầu tư công suất lớn là đi đôi với công nghệ cao, giảm tiêu hao điện, than, giảm ô nhiễm môi trường… nâng cao năng suất lao động và sản xuất ra sản phẩm xi măng chất lượng cao./.

Ông Nguyễn Quang Cung – Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam: Trên thực tế ngành xi măng đã có đủ xi măng phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nên tại thời điểm này, cần tập trung nâng cao chất lượng các dự án xi măng sắp tới.

Theo VEN