Đèn vẫn sáng dù mất điện

Vào ban đêm mà bị cúp điện đột ngột, trong tay lại không có sẵn hộp quẹt và cũng không nhớ rõ đèn cầy để ở đâu thì rất khó khăn khi phải mò mẫm trong bóng tối.Vì vậy, đèn tròn LED SmartCharge sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Nhà phát minh Shailendra Suman nói với tạp chí Gizmag rằng, đây là lần đầu tiên người tiêu dùng được sử dụng một loại công tắc ảo vì nó tự chuyển mình khi nhận ra vấn đề. Có rất nhiều nơi trên thế giới bị cúp điện đột ngột nên SmarCharge sẽ rất hữu dụng cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp. Khi mất điện thì bóng đèn LED này khởi động pin tích hợp 2200 mAh li-ion giúp nó chiếu sáng liên tục trong 4 giờ. Khi có điện trở lại pin sẽ tự động sạc đầy để “phòng thủ” cho lần cúp điện tiếp theo.

SmartCharge được đánh giá là có thời gian sử dụng đến 40.000 giờ, có thể tự tái sạc pin từ 300 – 400 lần. Tùy thuộc vào quá trình sử dụng mà 3 – 4 năm mới thay thế một lần. Bóng đèn được thiết kế để làm việc với dòng điện 110 – 240 V, cung cấp theo nhiều kiểu thắp sáng tiêu chuẩn như E26 cho Bắc Mỹ, E27 cho châu Âu, B22 cho Vương quốc Anh, Ấn Độ… Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển một loại bóng đèn có thể chuyển đổi dễ dàng qua các chuẩn khác nhau.

Tạp chí Gizmag cho biết theo dự kiến mua một bóng đèn gồm phí vận chuyển là 35 USD tại Mỹ, nếu mua một hộp 2 bóng đèn cần chi 55 USD và tiết kiệm hơn là mua 4 bóng đèn chỉ tốn 100 USD.

Theo Thanh Niên.

 

 

Nhật Bản giới thiệu các sản phẩm thông minh và tiện dụng

​​Tại triển lãm Eco Product được tổ chức tại Tokyo tuần qua, các công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản đã giới thiệu nhiều sản phẩm thông minh, đem lại tiện ích cho cuộc sống và điều quan trọng là mang tính thân thiện với môi trường.
Đây chính là yếu tố bắt buộc mà chính phủ Nhật đặt ra đối với các nhà sản xuất nước này, không chỉ nhằm tiết kiệm nhiên liệu mà còn góp phần chống lại tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Tại triển lãm, hãng Toshiba đã đem tới loại máy photocopy cho phép tái sử dụng giấy tới 5 lần. Mực in đặc biệt của máy sẽ biến mất trong điều kiện nhiệt cao, góp phần tiết kiệm giấy in. Loại máy photocopy độc đào này sẽ được Toshiba tung ra thị trường thế giới vào khoảng giữa năm sau.

Trong khi đó, công ty bán lẻ hàng đầu AEON đã giới thiệu hoạt động trồng rừng được khởi xướng từ đầu những năm 1990 tại khu vực châu Á Thái Bình dương.
AEON đã trồng hơn 10 triệu cây xanh ở Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Australia và Nhật Bản, góp phần đem lại mảng xanh cho các khu vực trên.

Trong năm 1990, AEON đã trồng 1 triệu cây xanh tại Vạn lý trường thành của Trung Quốc. Các họat động mang tính dài hạn của AEON là sự bảo vệ mạnh nhất chống lại từ “kẻ thù vô tình” đang làm hại tới di sản thế giới này.

Hoạt động trồng cây gây rừng của AEON hình thành từ trải nghiệm cá nhân của chủ tịch danh dự Takuya Okada. Trong năm 1960, ông đã sống tại thành phố Yokkaichi, vốn bị ô nhiễm không khí nặng do nhu cầu phát triển công nghiệp. Nhận thấy có một số loại hoa không nở nổi, ông Okada quyết định tổ chức một số hoạt động trồng rừng và ngày nay, đây là hoạt động cộng đồng nổi bật nhất của AEON.

Ý thức bảo vệ các di sản cũng được công ty vận chuyển Sagawa thể hiện qua việc giới thiệu loại xe đạp điện dùng chuyên chở hàng mang tên Kyoto Gion. Việc sử dụng loại xe này nhằm góp phần đem lại bầu không khí trong lành ở cố đô Kyoto, một trong những thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Nhật Bản. Ngoài ra, chiếc xe này cũng phù hợp với các con phố chật hẹp ở cố đô, qua đó có thể phù hợp với nhiều thành phố khác trên thế giới, trong đó có Hà Nội.

Fujitsu đã triển làm hệ thống quan sát động đất và sóng thần ở dưới đáy biển sử dụng cảm biến cáp quang. Fujitsu đã có kinh nghiệm trong việc đặt cáp biển suốt 44 năm qua. Hệ thống mới đã được Viện nghiên cứu động đất ở Đại học Tokyo chấp thuận và sẽ được đắt ở đáy biển tại vùng biển ngoài khơi Sanriku, nơi đã bị động đất sóng thần lớn tàn phá.

Tại Nhật Bản ngày nay, xe đạp điện ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy, hãng NEC đã giới thiệu hệ thống kiểm soát dành cho các trạm sạc (tương tự như trạm xăng). Hệ thống của NEC thích hợp cho các loại xe điện của 14 nhà sản xuất khác nhau.

Việc xe đạp điện trở nên phổ biến cũng nảy sinh nhu cầu trông giữ. Vì thế, hãng JFE Engineering đã triển khai mô hình hệ thống trông giữ xe đạp thông minh. Hệ thống này đã triển khai tại 14 địa điểm trên toàn nước Nhật và đang quản lý 17.000 chiếc xe đạp.

Ý thức bảo vệ môi trường của người Nhật vốn đã cao lại càng được chú trọng hơn kể từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần tháng 3/2011. Và tại triển lãm Eco Product, hãng Nippon Steel Sumikin, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã giới thiệu nhà ở tạm dành cho các khu vực bị thảm họa.

Tại khu vực Tohoku, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa kép nói trên, tình trạng thiếu bê tông và nhân công cho hoạt động xây dựng đã ảnh hưởng lớn đến công tác tái thiết. Do đó, sản phẩm của NSMP có thể giải quyết được tình trạng nói trên.

Ngoài những sản phẩm nói trên, còn rất nhiều phát minh khác của các công ty Nhật đã được giới thiệu tại triển lãm, với tính tiện dụng cao. Công ty chuyển phát Yamato đã đem tới hệ thống “gói hàng thần kỳ,” có thể gói đủ loại hàng từ lớn tới nhỏ nhờ ứng dụng tự “ướm” kích cỡ của vật được gói cho vừa vặn.

Công ty Daiwahouse, bao phủ nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp, thì đem tới các bộ quần áo robot và robot vật nuôi nhằm hỗ trợ cho người già.

Daiwahouse hiện cũng đang đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng người già, vốn rất cần thiết ở một đất nước có tỷ lệ người cao tuổi lớn như ở Nhật. Người già tới sống ở cơ sở như thế sẽ được thoải mái trong suốt phần đời còn lại của họ.

Theo TTXVN

Thách thức về nguồn năng lượng cho đô thị Việt

Sự gia tăng về dân số khiến việc đáp ứng nhu cầu năng lượng trở thành một thách thức lớn, cần có giải pháp an toàn và bền vững.

Hơn 300 chuyên gia năng lượng, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, tham gia hội nghị và triển lãm về năng lượng Châu Á Ascope vừa diễn ra tại TP HCM. Các chuyên gia đánh giá, trong bối cảnh dân số và kinh tế đô thị ngày một tăng nhanh, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng cho 90 triệu người dân Việt Nam là một thách thức thực sự, đặc biệt là tại các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội.

Tình trạng này cũng chung trên thế giới. Cứ mỗi ngày trôi qua, dân số thế giới lại tăng thêm khoảng 200.000 người, và dự kiến sẽ đạt 9 tỷ vào năm 2050. Ở khu vực Đông Nam Á, dân số đô thị đã tăng gần gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Khoảng 44% số dân đang sinh sống tại khu vực đô thị, và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 2/3 cho đến năm 2050.

Trong vài thập kỷ tới, hàng chục triệu người sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế, phương tiện giao thông công cộng và nguồn năng lượng điện ổn định. Hàng triệu người bắt đầu chuyển sang sử dụng xe hơi, các sản phẩm gia dụng như tivi, tủ lạnh. Các xu hướng này sẽ làm gia tăng áp lực đáp ứng nhu cầu sản xuất điện đối với nhà hoạch định chính sách. Dự đoán đến năm 2020, mức tiêu thụ điện thế giới sẽ tăng khoảng 25-35% so với năm 2012.

Theo các chuyên gia, để giải quyết thách thức về năng lượng tại khu vực Đông Nam Á, cần phải ưu tiên giải quyết các vấn đề ô nhiễm ở khu vực đô thị. Nhiều quốc gia đã lập kế hoạch xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó giới hạn sử dụng than đốt và giải quyết vấn đề khí thải của phương tiện giao thông. Việc đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong toàn khu vực sẽ là bước đi quan trọng và đúng hướng.

Các chuyên gia hướng nhiều về khí thiên nhiên như một giải pháp an toàn và bền vững cho nguồn năng lượng tương lai của châu Á. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, nguồn tài nguyên khí thiên nhiên này sẽ đủ để sử dụng trong hơn 250 năm nữa, với mức tiêu thụ như hiện tại.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính phủ các nước trong khu vực cần có chính sách ưu tiên hàng đầu sử dụng khí thiên nhiên do trữ lượng dồi dào, an toàn hơn cho môi trường và sức khỏe, chi phí thấp thay cho các nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm cao.

“Cần ưu tiên giải quyết vấn đề ô nhiễm tại các khu vực đô thị, đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng không khí, loại bỏ các trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”, ông Van Bergen, Tổng giám đốc phát triển thị trường khí và khí thiên nhiên hóa lỏng của tập đoàn Royal Dutch Shell nói.

Lê Phương – VNExpress.net

Sản xuất bê tông từ thủy tinh thải và xi măng

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan (MSU), Hoa Kỳ đã tìm ra cách thức trộn thủy tinh thải vào xi măng để sản xuất bê tông. Loại bê tông này chắc chắn, có độ bền cao hơn và khả năng chịu nước tốt hơn.
​Ngoài ra, việc sử dụng thủy tinh giúp làm giảm lượng thủy tinh đưa đến các bãi chôn lấp và cũng làm giảm phát thải CO2 thường do nhiệt độ cao cần để sản xuất xi măng. Lọai bê tông mới trong đó khoảng 20% xi măng được sử dụng để sản xuất bê tông được thay thế bằng thủy tinh nghiền hoặc xay nát, đang được thử nghiệm tại nhiều địa điểm tại khu sân bãi của MSU. Cho đến nay, các kết quả thử nghiệm rất khả quan.

Parviz Soroushian, GS về kỹ thuật dân dụng và môi trường đang nghiên cứu về việc pha trộn thủy tinh tạo thành bê tông cho rằng thủy tinh nghiền nát tạo ra phản ứng có lợi nhờ các hydrat xi măng, do đó về cơ bản, tính chất hóa học của xi măng được cải thiện nhờ thủy tinh. Thủy tinh nghiền làm cho xi măng chắc, bền hơn và không thấm nước nhanh như xi măng thông thường.
Loại bê tông mới trông không khác biệt nhiều so với bê tông bình thường. Nó có màu sáng hơn nhưng đại thể là không có sự phân biệt. Theo GS Soroushian, xi măng được xử lý ở nhiệt độ rất cao. Sử dụng thủy tinh nghiền làm giảm mạnh nguồn năng lượng tiêu hao cũng như giảm phát thải CO2.
Roz Ud-Din Nassar, nghiên cứu sinh về kỹ thuật dân dụng và môi trường đã làm việc cho dự án cho rằng theo dự báo của các nhà nghiên cứu, phương thức mới thay thế một phần xi măng trong bê tông bằng thủy tinh thải nhiều màu dựa vào các nguyên tắc hóa học và công trình nghiên cứu tiên phong trong phòng thí nghiệm của MSU sẽ mang lại các lợi ích về môi trường, năng lượng và chi phí to lớn.
(NASATI)

 

 

 

Giấy gói đồ thành túi trồng thực vật

Cứ mỗi mùa lễ hội, người ta tặng quà cho nhau và một lượng lớn giấy gói quà thải ra môi trường. Vì vậy, hãng giấy Eden nghĩ ra cách tận dụng giấy gói để làm môi trường trồng thực vật làm thực phẩm.

Ảnh: technolomo.com

Cứ mỗi mùa lễ hội, người ta tặng quà cho nhau và một lượng lớn giấy gói quà thải ra môi trường. Vì vậy, hãng giấy Eden nghĩ ra cách tận dụng giấy gói để làm môi trường trồng thực vật làm thực phẩm.
Những tờ giấy gói quà tặng sẽ được cuốn lại để làm môi trường, có thêm một ít đất và nước cùng hạt giống để trồng thành cây. Theo tạp chí Gizmag, đợt vận động hiện nay để quảng bá giấy Eden có 5 mẫu thiết kế tương ứng với các loại rau quả, gia vị: cà rốt, cà chua, bông cải xanh, ớt và hành tây.

Các hạt giống tương ứng được nhúng trên mặt sau của bao bì và đóng gói trong lớp giấy có thể tự phân hủy sinh học.
Các nhà khoa học còn dự định xa hơn là sản xuất được loại giấy gói đồ từ thực vật và có thể tái chế 100% để tránh làm hại môi trường. Gizmag cũng cho biết các nhà khoa học đã tính rằng mỗi tờ giấy gói bông cải xanh sẽ có giá 8 USD. Dự án này đang được vận động tài trợ với mức 40.500 USD và đã thu được 16.000 USD.
Theo Thanh Niên

 

 

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG KINH TẾ XANH – BẠN CÓ THỂ?

Chứng kiến bài diễn thuyết 6 phút của Severn Suzuki, cô bé 13 tuổi đại diện cho ECO tổ chức Trẻ em vì môi trường Canada, cả thế giới đã phải xúc động: “Cháu đã luôn mơ về những đàn thú hoang dã đông đúc, về những cánh rừng rậm và rừng mưa nhiệt đới đầy các loài chim và bướm. Nhưng giờ cháu lại tự hỏi, liệu con cái chúng cháu sau này còn có cơ hội được thấy chúng nữa không?…”. Những thế hệ đi trước đã làm gì để một cô bé 13 tuổi phải lên tiếng đấu tranh cho tương lai của chính mình, cho các thế hệ mai sau và cho hàng triệu triệu động thực vật đang chết dần?

Trong vài thập kỷ qua, nhân loại đã từng hân hoan đón nhận những thành tựu khoa học kỹ thuật, để từ đó mở ra một cuộc sống hiện đại, sang trọng và đầy đủ tiện nghi hơn. Nhưng, cũng chính do sự phát triển quá nhanh của khoa học kỹ thuật, cộng thêm sự gia tăng chóng mặt của dân số thế giới đã đặt loài người trước những khủng hoảng môi trường. Đó chính là Cái giá phải trả chưa được tínhcủa những chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển thiếu bền vững.

            Những bài học đắt giá của nhân loại vì sự phát triển không bền vững đã khởi nguồn cho các ý tưởng đầu tiên như: “Ngừng tăng trưởng”, “Giới hạn của sự tăng trưởng”, “Tăng trưởng tôn trọng môi sinh”… Tuy nhiên, phải đến  năm 1987, khái niệm phát triển bền vững mới được phổ biến rộng rãi: Theo Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (WCED): Phát triển bền vững là sự sử dụng tài nguyên thiên nhiên, điều kiện môi trường hiện có để thoả mãn nhu cầu của các thế hệ con người đang sống, nhưng phải đảm bảo cho các thế hệ tương lai những điều kiện tài nguyên và môi trường cần thiết để họ có thể sống tốt hơn ngày hôm nay

Trên thực tế, việc thiết lập được 2 nền tảng công bằng nói trên vẫn là một bài toán khó. Quá trình sản xuất, vận hành những phương tiện, tiện nghi hiện đại thường phát sinh lượng chất thải lớn. Tủ lạnh, máy điều hoà nhiệt độ, xe ôtô… khi vận hành sẽ thải ra các loại khí thải độc hại với sức khoẻ con người, gây biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học như CFC, CO2, NOx, SO2

Vấn đề là lợi nhuận thu được sẽ chỉ đến tay nhà sản xuất, quyền hưởng thụ phần lớn chỉ dành cho những người giàu, nhưng những ảnh hưởng của nó thì tác động tiêu cực đến toàn xã hội.  

 

Để khắc phục tình trạng này, nguyên tắc“Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “Người được hưởng lợi về môi trường phải trả tiền” đã được ra đời,song việc áp dụng còn chiếu lệ, chồng chéo nên làm thế nào để có thể đạt đượcsự công bằng trong cùng một thế hệ vẫn là một bài toán chưa có lời giải.

Thiết lập được sự công bằng trong cùng một thế hệ đã rất khó khăn, thiết lập được mục tiêu công bằng giữa các thế hệ lại càng khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả mọi người, mọi tổ chức trên Trái đất này. Cái giá phải trả cho sự phát triển không bền vững là bao nhiêu, chưa ai có thể lường trước được: “Liệu những thế hệ mai sau có phải trả giá đắt cho những lợi ích thu được hôm nay, nếu chẳng may con đường phát triển đó là không bền vững?”.

Câu hỏi này thực sự làm chúng ta trăn trở và lo lắng cho cuộc sống và số phận của những thế hệ tương lai. Bởi, trong bất kể hoàn cảnh nào, trẻ em – tương lai của thế giới, luôn là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất do những tác động tiêu cực của con người tới môi trường. “Giờ tôi sợ phải bước đi dưới ánh mặt trời vì những lỗ thủng trên tầng ozon. Tôi sợ phải hít thở vì không biết không khí đang chứa những hoá chất nào”.

Vẫn biết, rau quả chứa nhiều vitamin tốt cho sức khoẻ, đặc biệt cá tươi rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ trẻ em… nhưng chẳng ai có thể chắc chắn rằng, những miếng thịt, con cá, mớ rau hay những quả nho, quả táo chín mọng đang bày bán trên thị trường kia lại không chứa hoá chất độc hại hay hormon kích thích tăng trưởng… gây các bệnh về gan, thận, biến đổi gene hoặc ung thư…  Việc sản xuất để thu lợi nhuận bằng mọi cách mà không quan tâm đến những tác hại đối với người tiêu dùng đang trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Ngày nào, tình trạng này còn tái diễn thì tính mạng của con người, đặc biệt là trẻ em sẽ còn bị đe doạ.

Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn tháng ngày ấu thơ vẫn mãi là những kỷ niệm lung linh, trong vắt và không thể nào quên. Đó là những tháng ngày được chơi trốn tìm trong khu vườn rợp bóng cây, là những buổi trốn mẹ ngủ trưa đi hái roi, hái ổi, là những buổi chiều cùng lũ bạn thi nhau vẫy vùng trong lòng hồ sau nhà…. Những kỷ niệm êm đềm ấy luôn gắn liền với màu xanh ngắt của rặng tre, bờ ao, ruộng lúa hay những khu vườn chín mọng trái thơm… Lũ trẻ thành phố bây giờ biết tìm đâu ra khu vườn đầy cây trái để chơi trò bịt mắt bắt dê, đánh khăng, đánh đáo khi khu vườn của ngày xưa ấy đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng nằm san sát? Chúng sẽ chẳng có những giây phút hò nhau hái những trái táo, quả dâu hay những chùm khế chín vàng, sai trĩu trong vườn nhà. Cái hồ nước trong vắt đằng sau nhà với những kỷ niệm tuổi thơ nay đã mặc nhiên bị lấn chiếm và trở thành một điểm đổ rác lý tưởng của nhiều gia đình. Người ta có thể vứt bỏ tất cả những gì có thể từ đất, đá, rác rưởi… cho đến xác động vật chết khiến nước hồ từ màu xanh thơ mộng chuyển sang màu xanh đen, đục ngầu, nổi đầy váng và tảo.

Không dừng lại ở vấn đề môi trường, những hệ luỵ của nó còn kéo theo những bất ổn về xã hội. Việc tiếp cận với các điều kiện tài nguyên, môi trường thiếu bình đẳng sẽ càng làm cho những mâu thuẫn vốn có trong xã hội trở nên gay gắt hơn, đó là sự tranh chấp về tài nguyên thiên nhiên, an ninh lương thực, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, mâu thuẫn giữa quyền lợi của khu vực với quốc gia, với thế giới….    

Khủng hoảng về môi trường, xã hội tất yếu dẫn đến kết cục không thể tránh khỏi, đó là khủng hoảng về kinh tế. Năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu xảy ra đồng thời với khủng hoảng về khí hậu, môi trường… đã khiến cho cả thế giới phải điêu đứng, tìm ra cách thức chuyển dịch mô hình tăng trưởng cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. Uỷ ban Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã phối hợp với các quốc gia triển khai sáng kiến “Kinh tế xanh” (Green Economy).

Theo UNEP, Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người, cải thiện công bằng xã hội, giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Kinh tế xanh lấy con người làm trung tâm, trong đó ưu tiên việc sử dụng nguồn vốn tự nhiên đi kèm với các biện pháp cải tạo và phục hồi, hạn chế phát thải ở mức thấp nhất, ngăn chặn sự tổn thương các hệ sinh thái, suy giảm đa dạng sinh học, đồng thời đạt được các mục tiêu công bằng về phúc lợi xã hội, việc làm, thu nhập, quan tâm đến nhóm người nghèo, trẻ em… Do vậy, kinh tế xanh được coi là chìa khóa của phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trở ngại của phát triển bền vững không phải là khoa học, công nghệ mà đó là chính sách, chiến lược và quan trọng hơn cả đó là thói quen của cá nhân và cộng đồng.

Việt Nam là nước có mức độ tiêu thụ năng lượng và tài nguyên ở mức cao khiến cho tình trạng suy thoái môi trường ngày càng nghiêm trọng. Trước những thách thức với môi trường và xã hội, việc lựa chọn mô hình phát triển Kinh tế xanh là một tất yếu. Mặc dù mới được tiếp cận, song hướng đến Kinh tế xanh của Việt Nam đã được triển khai bằng chương trình hành động cụ thể. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050, tập trung vào 3 mục tiêu chính: Giảm phát thải nhà kính; Xanh hóa sản xuất và Xanh hóa tiêu dùng

Một loạt hành động hưởng ứng cho “Sản xuất sạch” và “Tiêu dùng xanh” như diễn đàn “Kinh tế Xanh hướng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường”; giải thưởng “Doanh nghiệp xanh”; chiến dịch “Tiêu dùng xanh”, “Sử dụng sản phẩm xanh vì sức khỏe của chính bạn”; các cuộc thi “Ý tưởng xanh”, “Sáng kiến xanh”; Phong cách xanh” hay phong trào “Văn phòng xanh”… đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về kinh tế xanh. Đặc biệt, sáng kiến “Go Green” phát trên VTV3, “24h Sống xanh” phát trên VTV1 đã thu hút được sự chú ý của nhiều tổ chức và cá nhân đặc biệt là giới trẻ, mang lại những hiệu quả đáng kể.

Trên thực tế, nếu quá trình phát triển kinh tế có tính đến những biện pháp phục hồi các nguồn tài nguyên, đến việc tái chế, tái sử dụng sản phẩm thải loại, nếu mỗi cá nhân có thói quen sinh thái trong tiêu dùng thì có thể thế giới đã không phải trải qua cuộc khủng hoảng năm 2008, Việt Nam sẽ không có con số đáng lo ngại với 37 làng ung thư, và chắc hẳn hệ thống ao, hồ đã không bị ô nhiễm như bây giờ. Còn nữa, nếu quá trình xây dựng những ngôi nhà cao tầng không quá ồ ạt và có tính đến diện tích cây xanh thì trẻ em đâu phải hít thở bầu không khí ô nhiễm như hiện nay, chắc chắn chúng sẽ được chơi đánh chắt, đánh chuyền trong một không gian đầy sắc màu của tuổi thơ, thay vì việc ngồi hàng giờ trước máy vi tính.

Kinh tế xanh hay phát triển bền vững không phải là vấn đề gì quá to tát,mỗi người sống trên Trái đất này đều có thể tham gia vào hành trình làm xanh hoá nền kinh tế để hướng đến các mục tiêu của phát triển bền vững.

Có thể không trực tiếp tham gia vào sản xuất, nhưng mỗi người lại trực tiếp lựa chọn và tiêu dùng hàng hoá. Mỗi sự lựa chọn của người tiêu dùng đều có tác động nhất định, tạo nên động lực hay áp lực cho hoạt động sản xuất. Lấy một ví dụ đơn giản, nếu chúng ta lắc đầu trước những món ăn được chế biến từ thú rừng thì có thể một loài nào đó trên Trái đất này sẽ không bị xoá tên trong sách đỏ; nếu bạn từ chối lựa chọn một sản phẩm không được sản xuất theo công nghệ thân thiện với môi trường thì chắc chắn ở đâu đó một dòng sông có thể được sống dậy để cuộn mình chảy ra biển lớn… Tất cả những việc làm đó sẽ dần góp phần lấy lại sự cân bằng của hệ sinh thái.

Mỗi chúng ta hãy trở thành “người tiêu dùng xanh”, sử dụng những “sản phẩm xanh”, những việc làm rất đơn giản trong cuộc sống được bắt nguồn từ tình yêu thương với thiên nhiên và môi trường đã sẵn có trong trái tim mỗi người. Hơn nữa, đó còn là trách nhiệm của mỗi chúng ta đối với con cái và thế hệ tương lai. Bởi lẽ, “Chúng ta không thừa hưởng Trái đất này từ cha mẹ chúng ta mà vay mượn nó từ con cháu chúng ta”.

Theo  Đồng Xuân Hùng – Tin nhanh online