Loại nhựa tổng hợp mới giúp đất đai màu mỡ hơn

Một nhóm nhà khoa học ở thành phố Khabarovsk ở vùng Viễn Đông Nga của Nga đã tổng hợp được một loại nhựa độc đáo, khiến đất chứa trong các thùng làm bằng loại nhựa này trở nên màu mỡ hơn, giúp ích cho người làm vườn và các chủ trang trại.

Nhìn bề ngoài, các chậu, máng, thùng làm bằng loại nhựa mới “y trang” các công cụ thông dụng của nông dân hay người làm vườn. Trên thực tế, chúng có thuộc tính rất độc đáo do đã được đưa các vi sinh vật có ích vào bên trong. Các vi sinh này có thể thúc đẩy thực vật lớn nhanh, tăng năng suất và chất lượng cây trồng.Quá trình tổng hợp loại nhựa chứa vi sinh vật có ích này không có gì phức tạp. Người ta chỉ cấy vào nhựa các vi khuẩn acid lactic, nấm men, nấm vi sinh và nhiều vi sinh vật hữu ích khác.Tiếp đến, nhà sản xuất dùng loại nhựa này để tạo ra những chiếc chậu, máng và thùng đựng đất phục vụ việc cây trồng. Khi các vi sinh vật từ nhựa thâm nhập vào đất, chúng thoát khỏi trạng thái “tĩnh” và bắt đầu sinh sản, lấn chỗ các vi sinh có hại trong đất. Như vậy, đất trở nên màu mỡ và an toàn hơn cho cây trồng. Thực vật sẽ lớn nhanh, cho thu hoạch tốt.Các thí nghiệm cho thấy loại nhựa mới có thể tác động tốt đến lớp đất dày đến 30-35cm, đồng thời vô hại đối với con người. Ngoài mục đích gieo trồng, loại nhựa mới có thể được sử dụng để xử lý chất thải hữu cơ.Một doanh nghiệp tại thành phố Khabarovsk đã triển khai sản xuất các máng đựng từ loại nhựa này để phục vụ việc trồng cây quanh năm./.
Theo TTXVN

Agence voyage au Vietnam | cua sat | mái tôn | xem thêm |dịch vụ seo

Sử dụng CNG để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường

Không chỉ góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng khí thiên nhiên CNG thay thế xăng dầu còn giúp tiết kiệm tới 40% chi phí nhiên liệu

Không chỉ góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, việc sử dụng khí thiên nhiên CNG thay thế xăng dầu còn giúp tiết kiệm tới 40% chi phí nhiên liệu

CNG (Compressed Natural Gas) là khí thiên nhiên nén, thành phần chủ yếu là metane CH4 được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao (250atm) để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon kèm theo, nên hai loại nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi. Trên thế giới, CNG được sử dụng thay thế xăng do những lợi thế hơn hẳn. CNG dễ phát tán, không tích tụ như hơi xăng, nếu CNG bị rò rỉ ra môi trường không khí, nguy cơ hỏa hoạn chưa bằng một nửa xăng dầu nên hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Xe bus chạy bằng CNG tại TPHCM

Theo số liệu của Hiệp hội Các phương tiện giao thông sử dụng khí thiên nhiên châu Á Thái Bình Dương, chỉ riêng khu vực này đã có khoảng 5 triệu phương tiện sử dụng khí CNG. Trong đó, Pakistan có hơn 2 triệu ôtô, Argentina và Brazil mỗi nước hơn 1 triệu chiếc… Tại Việt Nam, công nghệ khí nén thiên nhiên CNG lần đầu tiên xuất hiện bằng sự ra đời của nhà máy khí thiên nhiên CNG tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào tháng 8-2008.

Và vào tháng 5.2010, để hạn chế ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu, vì môi trường xanh sạch, Tập đoàn Dầu khí đã ban hành Nghị quyết số 2958/NQ-DKVN thông qua việc chuyển đổi và sử dụng nhiên liệu khí nén CNG cho toàn bộ xe ô tô tại các đơn vị thành viên của tập đoàn trên địa bàn TP.HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ước khoảng 600 xe).

Ông Đoàn Văn Nhuộm – Tổng Giám đốc PV Gas South – đơn vị được Tập đoàn Dầu khí giao nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi và cung cấp nhiên liệu CNG cho các đơn vị thành viên của tập đoàn cho biết, việc chuyển đổi nhiên liệu sử dụng CNG cho các xe là hết sức cần thiết, vì nó giúp giảm chi phí nhiên liệu rất lớn (từ 30-50%), đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt chủ trương của Tập đoàn Dầu khí về phát huy nội lực cũng như chương trình hợp tác của ngành dầu khí với TPHCM và tỉnh BR-VT.

Không chỉ dừng lại đó, giá CNG hiện nay thấp hơn giá xăng dầu và cả LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng). Đây là nhiên liệu rẻ, sạch, phù hợp với dịch vụ tại các thành phố lớn và các khu công nghiệp, đặc biệt trong tình hình giá xăng dầu tăng cao trong những năm gần đây. Đó cũng chính là lý do vì sao mà các chuyên gia đều đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường CNG là rất lớn, hứa hẹn mang lại lợi nhuận cũng như tiếng vang cho ngành dầu khí trong việc đi tiên phong giữ gìn và làm trong sạch môi trường.

Tại hội thảo quốc tế về “Sử dụng khí thiên nhiên CNG cho các phương tiện giao thông vận tải”, ông Hyong Luu Jeon, Vụ phó Vụ Vận tải – Môi trường (Bộ Môi trường Hàn Quốc) cũng cho biết, sử dụng khí nén CNG chi phí chỉ bằng khoảng 50% so với dùng xăng dầu nhưng lại giảm thiểu tới 35% khí hydro carbon, 62% oxide, 9% carbon oxide… thải ra môi trường. Đồng quan điểm này, TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông – ĐH Bách khoa TPHCM, tính toán: giá 1 tấn khí CNG khoảng 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu.

Mỗi xe buýt sử dụng CNG hoạt động 1 năm tiết kiệm 8.308 USD nhiên liệu so với dầu diesel. Với 10.000 xe tại TPHCM, nếu chuyển sang sử dụng khí CNG sẽ tiết kiệm 83.080.000 USD mỗi năm. Như vậy, trong khoảng 3 năm, TPHCM sẽ tiết kiệm được 250 triệu USD. Điều này chứng tỏ việc chuyển đổi các loại xe ô tô, xe buýt sử dụng diesel hiện tại sang sử dụng khí nén CNG không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp tiết kiệm tiền bạc, giảm cước phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế…

Theo S.Nâu/Dân Việt

 

Kiểm kê phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng

 

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo về đường phát thải cơ sở và đào tạo chuyển giao kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực năng lượng.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ Kỹ thuật thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó biến đổi khí hậu – Lĩnh vực năng lượng và Giao thông do Quỹ Phát triển Bắc Âu tài trợ thông qua Ngân hàng ADB.

Tại hội thảo, ông Shahab Qureshi, chuyên gia Dự án đã trình bày phương pháp luận tính toán, cấu trúc, thiết kế và số liệu để phát triển phương pháp và công cụ kiểm kê phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng ở phạm vi quốc gia và địa phương, đồng thời phát triển các phương pháp luận đánh giá và ước tính phát thải khí nhà kính theo các kịch bản phát triển bình thường và tăng trưởng xanh. Các ước tính được thực hiện cho các khối dân dụng, công nghiệp, thương mại và giao thông…

Dự án sẽ phát triển các phương pháp luận và công cụ đánh giá mức độ hứng chịu và khả năng dễ bị tổn thương của hạ tầng năng lượng và giao thông Việt Nam trước tác động của biến đổi khí hậu. Mức độ hứng chịu và khả năng dễ bị tổn thương sẽ được bản đồ hóa và thể hiện dưới dạng bản đồ rủi ro khí hậu.

Dự án cũng ước tính các tác động về mặt chi phí lợi ích của các lựa chọn thích ứng nhằm tăng cường khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với nhu cầu điện năng trong tương lai tại Việt Nam.

Đặc biệt, tại hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng đã thảo luận về các kết quả phát thải khí nhà kính cơ sở trong lĩnh vực năng lượng và giao thông để thực hiện chiến lược giảm phát thải khí nhà kính trong giai đoạn tới.

Dự án sẽ chuẩn bị các bản kế hoạch hành động nêu rõ các nhu cầu ứng phó biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016-2020; xây dựng năng lực thể chế về lập kế hoạch và thiết kế các nội dung ứng phó biến đổi khí hậu trong lĩnh vực năng lượng và giao thông; nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo về giảm nhẹ và thích ứng biến đổi khí hậu trong lĩnh vực năng lượng và giao thông; thiết kế các dự án thí điểm giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh./.

Thu Hà (TTXVN)

Giải pháp để giảm lượng khí phát thải ngành dầu khí

Năm 2015, lượng khí phát thải nhà kính (khí CO2) từ hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí sẽ lên tới 42 triệu tấn, tăng 3,6 lần so với năm 2011.

Đây là số liệu thống kê mới nhất về lượng khí phát thải nhà kính được các chuyên gia Viện Dầu khí Việt Nam công bố sau khi tiến hành khảo sát thực tế các hoạt động của ngành dầu khí từ năm 2010 đến nay trên cơ sở kết hợp các tính toán dựa trên Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn đến 2015, tầm nhìn 2020.

Để giảm lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động cốt lõi của ngành dầu khí Việt Nam, theo các chuyên gia trong ngành cần tiếp tục các giải pháp thu hồi, tái sử dụng khí đồng hành từ quá trình đốt đuốc và thu hồi khí Metan thất thoát từ các bồn chứa… để làm nhiên liệu cấp tại chỗ (như chu trình công nghệ thu hồi CO2 của đạm Phú Mỹ để sản xuất phân bón) hoặc phân tách thành các sản phẩm có giá trị kinh tế như khí hóa lỏng LPG, xăng…

Ảnh minh họa: nytimes.com

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thay thế các nhiên liệu đốt đi từ nguồn gốc sinh học thân thiện với môi trường sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí phát thải.

Đặc biệt, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tiếp tục tập trung triển khai sẽ không những là giải pháp giúp tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm mà còn đóng góp lớn vào mục tiêu giảm khí phát thải nhà kính.

Lý giải về nguyên nhân khiến lượng khí phát thải nhà kính của ngành dầu khí cao như trên, các chuyên gia khẳng định vào năm 2015, các nhà máy điện than do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư như Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2… đi vào hoạt động ổn định nên lượng khí phát thải từ đây sẽ cao gấp ba lần hiện nay.

Bên cạnh đó, hoạt động của nhà máy đạm Cà Mau, nhà máy xơ sợi Đình Vũ và ba nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học cũng khi hoạt động ổn định cũng sẽ thải ra lượng khí nhà kính đáng kể.

Theo Viện Dầu khí Việt Nam, xét ở lĩnh vực sản xuất, nguồn phát thải lớn nhất là từ ngành công nghiệp điện với 5,6 triệu tấn/năm, chiếm 50% tổng lượng phát thải.

Tiếp đến là phát thải từ ngành công nghiệp khai thác dầu khí chiếm khoảng 28%, ngành lọc hóa dầu chiếm 18%, phần còn lại là từ sản xuất phân đạm và công nghiệp khí.

Theo Nguyễn Kim Anh/TTXVN

 

 

“1000 lẻ 1″ cách bảo vệ môi trường

Khí hậu khắc nghiệt, hạn hán, lũ lụt,… xảy ra ngày càng nhiều và không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào. Đây là hậu quả của việc con người đã tác động quá nhiều đến môi trường, một trong số đó là khí thải đến từ các nhà máy, khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt và nạn phá rừng… Bảo vệ môi trường, làm trong sạch môi trường sống là cực kỳ cấp thiết. Nhận thức được điều này, nhiều người đã có những hành động thiết thực mang tính sáng tạo để bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta.

Bảo vệ môi trường trên đỉnh núi

Chung tay bảo vệ “Hành tinh xanh” – trách nhiệm không của riêng ai!

Trong dịp lễ hội Yên Tử vừa qua, du khách ngạc nhiên khi thấy một nhóm đông các bạn trẻ tập hợp dưới chân núi và phân thành các nhóm cùng kêu gọi mọi người ăn uống đúng nơi, xả rác đúng chỗ, bảo vệ cảnh quan,…. Không quản ngại mưa to, gió rét, các bạn trẻ vẫn bám trụ với nụ cười tươi trên môi và khẩu hiệu trên tay như: Vứt rác bừa bãi – Ngàn vái bằng không/ Nhặt rác trên đường – Trời thương Phật độ/Bảo vệ cảnh quan – Ưu phiền tan biến… Những khẩu hiện vui nhộn đã khiến cho thái độ và hành vi của khách hành hương thay đổi khá nhiều, lượng rác thải ra môi trường được giảm thiểu một cách tối đa và gần như “Đường lên Chùa Đồng – Nói không với rác”.

“Đại sứ môi trường” tại trường học 

Vừa qua, hãng sản xuất xe Hong Kong – HKbike đã phát động chương trình “Đại sứ môi trường”, được thực hiện tại 16 trường trung học phổ thông tiêu biểu nhất, có thành tích hoạt động, giảng dạy và học tập tốt tại Hà Nội.

HKbike – Đại sứ môi trường gồm 2 phần: học bổng và thi viết. Dựa trên các tiêu chí thành tích học tập cao, rèn luyện đạo đức tốt, tích cực tham gia hoạt động tập thể, 6 học sinh tiêu biểu sẽ được xét để trao học bổng trị giá 500.000 đồng một suất (mỗi khối 2 học bổng). Bên cạnh đó, chương trình còn có cuộc thi viết về môi trường cho các em phổ thông trung học.

Theo đó, học sinh các lớp sẽ được Ban tổ chức cung cấp thông tin tổng quan về hiện trạng ô nhiễm không khí. Thông qua đó, các em có thể viết một bài tối thiểu 300 từ về một trong hai chủ đề sau: nêu cảm nhận về hiện trạng ô nhiễm không khí tại nơi em đang sinh sống và đưa ra cách hiểu của cá nhân về cuộc cách mạng xanh trên đường phố; đưa ra một ý tưởng góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí trên đường phố hiện tại.

3 bài viết xuất sắc sẽ nhận được giải thưởng Đại sứ môi trường và phần quà trị giá 10,5 triệu đồng mỗi giải. Theo đại diện của HKbike, chương trình Học bổng HKbike – Đại sứ môi trường được sự hưởng ứng nhiệt tình của giáo viên và học sinh các trường PTTH tại Hà Nội.

Xử lý rác bằng giun 

Nhận thấy trong rác thải gia đình, rác thải chợ chiếm 70% là rác hữu cơ có thể tái sử dụng, chỉ cần từ 1 đến 2 lạng giun là có thể xử lý được không dưới 300kg rác thải hữu cơ, với hiệu suất xử lý đạt 100%, một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Khoa học-Công nghệ Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình xử lý rác hữu cơ bằng giun thay thế các phương pháp xử lý truyền thống trước đây như: đốt hoặc chôn lấp tại 5 hộ nông dân ở xã Lam Hồng (Đông Anh) và khu chợ Bưởi, chợ Long Biên (Hà Nội).

Sau đó, mô hình được ứng dụng tại một số địa phương khác như: Mê Linh, Từ Liêm, Hoàng Mai. Theo đó, rác thải được thu gom từ các hộ gia đình, chợ. Các loại rác hữu cơ như: lá cây, rơm rạ, cọng rau, vỏ chuối, vỏ dứa.. được lựa chọn và phân loại riêng, rồi đem ủ. Khi rác thải có dấu hiệu hoại mục thì thả giun vào. Tùy theo diện tích và khối lượng rác thải nhiều hay ít mà thả số lượng giun cho hợp lý. Rác thải hữu cơ đã nhanh chóng trở thành thức ăn nuôi giun.

Mặc dù việc phân loại rác hữu cơ và vô cơ là điều không dễ dàng do thói quen của nhiều người nhưng người ta vẫn hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng và trở thành biện pháp bảo vệ môi trường giản đơn mà hữu hiệu.

Theo Phúc Văn/Pháp luật Việt Nam

 

 

Lượng CO2 trong không khí “nặng” kỷ lục

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới công bố, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính dioxid carbon (CO2) trên toàn cầu đã tăng 1,4%, lên mức kỷ lục 31,6 tỷ tấn trong năm 2012.

Trung Quốc là nước đứng đầu danh sách các nước thải nhiều khi CO2 ra bầu khí quyển nhất. Bất chấp những nỗ lực sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và nâng cao hiệu quả các nguồn nhiên liệu, năm ngoái, Trung Quốc vẫn là nước “góp phần” làm gia tăng mạnh nhất lượng khí CO2 toàn cầu, với lượng khí thải tăng thêm 300 triệu tấn so với năm trước. Tuy nhiên, đây cũng một trong những mức tăng thêm thấp nhất về lượng khí thải của Trung Quốc trong một thập kỷ qua.

Trong khi đó, lượng khí thải CO2 của Mỹ đã giảm 200 triệu tấn, nhờ việc áp dụng chính sách năng lượng sạch, đưa mức thải khí CO2 của quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này trở về mức giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh: Russell McLendon

Tại châu Âu, nhu cầu năng lượng giảm do khó khăn kinh tế, cùng với nỗ lực gia tăng các nguồn nhiên liệu tái sinh, đã giúp khu vực này giảm được 50 triệu tấn khí phát thải.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, lượng khí thải CO2 lại tăng 70 triệu tấn, do nỗ lực nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng không bù lại được lượng khí thải gia tăng từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sau khi xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011.

Các nhà khoa học cho rằng cùng nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thế giới cần phải hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C trong thế kỷ này nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đang tàn phá mùa màng cũng như làm tan chảy dải băng ở các đầu cực Trái Đất. Để thực hiện mục tiêu trên, tới năm 2020, lượng phát thải khí CO2 toàn cầu phải được duy trì ở mức 44 tỷ tấn.

 Theo Huyền Anh/Chinhphu.vn

 

Chất thải bồn cầu đang gây ô nhiễm nguồn nước ngầm

Ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết hiện nay, cả nước có gần 90 triệu người sử dụng bồn cầu, xả khối lượng lớn chất thải trực tiếp ra môi trường.

Theo ông Sơn, việc người dân xả chất thải, nước thải bồn cầu tự do ra môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nguồn nước ngầm tại các đô thị.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Lấy ý kiến các Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường khu vực phía Bắc cho dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) diễn ra sáng 10/6 tại Hà Nội.

Báo cáo đánh giá của Tổng cục Môi trường cho thấy tốc độ phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa khá nhanh và sự gia tăng dân số đang gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước.

Bên cạnh ô nhiễm nguồn nước do chất thải từ các khu công nghiệp, việc người dân xả chất thải bồn cầu tự do ra môi trường cũng đang là thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước ngầm tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

TS. Nguyễn Văn Phương, Giảng viên chính trường Đại học Luật Hà Nội, cho biết việc xả nước bồn cầu ra môi trường không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước ngầm ở các đô thị, mà còn khiến nguồn nước ngầm càng trở nên khan hiếm.

Theo ông Phương, thông thường hệ thống thoát nước qua bồn cầu tại các hộ gia đình nhỏ trong quá trình sử dụng có nhiều phát sinh, dẫn tới việc chất thải không được xử lý.

Để tránh tình trạng chất thải bồn cầu gây ảnh hưởng tới nguồn nước đô thị, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) cần phải có những quy định hướng dẫn cụ thể về việc thu gom và xử lý chất thải bồn cầu.

 

Nguồn nước ngầm đang bị suy kiệt và ô nhiễm (Ảnh: TTXVN)

“Tôi cho rằng, trước hết, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) cần thông qua pháp luật xây dựng, quy hoạch hệ thống nhà ở, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải bồn cầu ngay tại nguồn” – TS. Phương khuyến nghị.

Tại Hội thảo, đại diện các sở Tài nguyên và Môi trường ở nhiều tỉnh phía Bắc cũng cho rằng trong bối cảnh nguồn nước ngầm đang khan hiếm, việc thu gom và xử lý chất thải bồn cầu cần được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường với khung quy định cụ thể.

Theo Hùng Võ/VietnamPlus

 

Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực đang thu hẹp lại

Vài tháng gần đây, nhiều vùng miền ở Việt Nam và thế giới liên tục gặp nắng nóng kéo dài và hạn hán, khiến chúng ta liên tưởng tới hiện tượng nóng lên của Trái Đất do hiệu ứng nhà kính. Nếu con người không có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hành tinh này mà cụ thể là cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) thì chắc chắn nhiệt độ sẽ sẽ còn tăng cao nữa.

Trái Đất nóng lên sẽ làm băng tuyết ở 2 cực tan ra, làm mực nước biển dâng lên và hậu quả là nhiều nơi sẽ bị ngập lụt. Đó là một kịch bản sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng gần đây lỗ thủng trên tầng ozone ở Nam Cực đã và đang thu hẹp lại, dự kiến là sẽ biến mất vào năm 2060.

Vùng màu xanh dương là vết thủng tầng ozone

Lỗ hổng trên tầng Ozone được phát hiện và công bố vào năm 1985 bởi nhà Vật lí Joe Farman(ông vừa qua đời giữa tháng 5/2013 vừa qua). Như chúng ta đã biết, tầng Ozone có tác dụng bảo vệ Trái Đất khỏi những tia bức xạ nguy hiểm từ Mặt Trời vốn gây đục thủy tinh thể, cháy nắng và ung thư da. Ozone có độ dày trung bình 300 Dobson Units (DU) tức tương đương 3mm, khi nó chỉ còn dưới 220DU thì được gọi là "bị thủng". Năm 1992, NASA ghi nhận được độ dày tầng Ozone ở Nam Cực chỉ còn 100DU, đến năm 2006 nó còn 93DU và đến tháng 10/2012 thì tăng lên 124DU.

Diện tích của vết thủng trên tầng Ozone khi bị phát hiện đã rất lớn, năm 2010 nó đạt kích thước lớn nhất, tới 30 triệu km vuông tức rộng gấp 3 lần nước Úc, bằng khoảng Bắc Mỹ (diện tích Mỹ và Canada cộng lại). Đến cuối năm 2012, NASA cho rằng lỗ hổng này đã và đang thu hẹp lại, hiện nay "chỉ còn" khoảng 21 triệu km vuông, bằng 2/3 so với hồi 2010.

Lỗ thủng tầng ozone qua các năm (màu xanh dương là vùng bị thủng)

Dự kiến đến năm 2060 thì tầng Ozone ở Nam Cực có thể phục hồi như xưa. Tầng Ozone bị thủng do hậu quả của việc sử dụng khí CFC (chlorofluorocarbon) được phát minh vào thập kỉ 1920 và được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị điện lạnh thế kỉ 20. Đến nay khí này gần như không còn được sử dụng nữa, nhờ vào một Hiệp ước quốc tế không sử dụng CFC kí tháng 9/1987.

Theo TinhTe.

Châu Âu phát triển công nghệ sinh học đối phó với ô nhiễm

Các nhà khoa học châu Âu mới đây đã giới thiệu một loại rêu có khả năng kiểm soát môi trường.

Từ những mẫu rêu này, các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu để phát triển công cụ sinh học đối phó với tình trạng ô nhiễm tại các sông, hồ và trên biển.

Sử dụng công nghệ sinh học để đối phó với ô nhiễm không khí là công trình nghiên cứu đầy thách thức với các nhà khoa học châu Âu. Song những nỗ lực bền bỉ đã được đền đáp khi mới đây các nhà nghiên cứu sinh vật học trường Đại học Freiburg của Đức đã trồng thành công một loại rêu đặc biệt có khả năng kiểm soát môi trường. Loại rêu này hoạt động như một “máy lọc không khí”, với ưu điểm là không có rễ và có khả năng bao phủ trên một diện tích bề mặt lớn.

 

Giảng viên sinh học Eva Decker của Đại học Freiburg cho biết:“Chúng tôi sử dụng loại rêu này bởi vì khả năng bao phủ bề mặt của nó là rất lớn. Loại rêu này sẽ giúp loại bỏ những bụi bẩn và làm sạch không khí. Bên cạnh đó, từ một phần thân của cây rêu chúng ta có thể trồng thành một cây mới. Chúng tôi đang tiếp tục nhân giống loại rêu này trong phòng thí nghiệm”.

Có rất nhiều loại máy đánh giá mức độ ô nhiễm không khí và những công nghệ hiện đại để làm sạch không khí, song giá thành của những thiết bị này không hề rẻ. Với loại rêu đặc biệt này, các nhà khoa học khẳng định có thể kiểm soát được mức độ ô nhiễm trong không khí. Loại rêu này đang được đưa đến trồng tại một số khu vực có tình trạng ô nhiễm không khí nặng tại châu Âu, trong đó có trường Đại học Santiago di Compostela, Tây Ban Nha.

Theo dõi quá trình trồng thử nghiệm loại rêu này, nhà nghiên cứu sinh học Carballeira Braña thuộc trường Đại học Santiago di Compostela đã có những đánh giá khả quan: “Chúng tôi nhận được 3 mẫu rêu khách nhau và đã trồng thử nghiệm trong 3 tuần qua tại những khu vực ô nhiễm không khí, như tại gần các nhà máy công nghiệp, khu vực đông đúc xe cộ… Chúng tôi đang theo dõi tác dụng tích cực của loại rêu này”.

Từ những bước thành công ban đầu trong xử lý ô nhiễm không khí, các nhà khoa học tại Tây Ban Nha đang có kế hoạch nghiên cứu để phát triển loại rêu có thể xử lý ô nhiễm tại các sông hồ và biển. Nhà nghiên cứu Fernández Escribano nói: “Ô nhiễm các sông, hồ là vấn đề nghiêm trọng vì sau đó những chất gây ô nhiễm sẽ đổ ra biển và hủy hoại cả môi trường biển. Do đó, chúng tôi đang tận dụng những khả năng của loại rêu này để đối phó với cả tình trạng ô nhiễm môi trường nước”.

Theo Hoàng Lê/VOV

Thông điệp toàn cầu nhân Ngày Môi trường thế giới của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon

 

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà việc sản xuất lương thực đã vượt qua nhu cầu sử dụng, tuy nhiên 870 triệu người suy dinh dưỡng và trẻ em mắc bệnh còi xương đang là những đại dịch thầm lặng. Để tạo ra một tương lai mong muốn, chúng ta phải điều chỉnh sự vô lý này.
Chúng ta phải đảm bảo quyền được tiếp cận chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho tất cả mọi người, tăng gấp đôi năng suất của những hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, những người đóng góp phần lớn thực phẩm cho sự phát triển của thế giới và làm cho hệ thống thực phẩm bền vững khi đối mặt với những biến cố về kinh tế và môi trường. Đây là tầm nhìn của chiến dịch “Không còn người bị đói” tôi đưa ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về phát triển bền vững Ri+20 năm 2011 vừa qua.
Có một cách để thu hẹp khoảng cách giữa nghèo đói và cải thiện phúc lợi xã hội của đối tượng dễ bị tổn thương nhất là giải quyết tốt vấn đề lãng phí và mất mát quá lớn thực phẩm. Hiện nay, ít nhất một phần ba sản lượng thực phẩm sản xuất ra đã không được sử dụng. Điều này là sự sỉ nhục quá lớn đối với những người nghèo đói, và nó cũng thể hiện rằng một chi phí môi trường rất lớn như năng lượng, đất và nước đã bị lãng phí.
Ở các nước đang phát triển thì sâu bệnh, cơ sở bảo quản, lưu trữ chưa đảm bảo và chuỗi cung cấp thực phẩm thiếu hiệu quả là nguyên nhân chính dẫn đến mất mát thực phẩm. Những người chú trọng phát triển xuất khẩu cũng thường quá chú trọng vào việc mẫu mã hàng hóa theo nhu cầu của khách hàng. Ở các nước phát triển, thực phẩm bị vứt bỏ bởi các hộ gia đình và ngành công nghiệp bán lẻ, lượng thực phẩm này sẽ sẽ bị thối rữa tại các bãi chôn lấp, giải phóng một lượng lớn khí metan (CH4), một loại khí nhà kính rất mạnh
Sự mất mát và lãng phí thực phẩm là điều mà tất cả chúng ta đều có thể giải quyết được. Đó là lý do vì sao Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và các đối tác khác đã đưa ra chiến dịch “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” (Think.Eat.Save), là chiến dịch nâng cao nhận thức và tìm ra các giải pháp giải quyết vấn đề về lãng phí thực phẩm ở các nước phát triển và đang phát triển.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ có thể làm giảm lượng thực phẩm bị hư nát sau khi thu hoạch và trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Chính phủ các nước phát triển có thể cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu và tối đa hóa các cơ hội thương mại với các nước láng giềng; các nước phát triển có thể có thể hỗ trợ thương mại công bằng và hợp lý hàng hóa theo ngày và hệ thống ghi nhãn khác, doanh nghiệp có thể xem xét lại tiêu chí của họ để từ chối sản phẩm; và người tiêu dùng có thể giảm thiểu chất thải bằng cách chỉ mua những gì họ cần và sử dụng thực phẩm một cách triệt để.
Nhân Ngày Môi trường thế giới, tôi kêu gọi tất cả mọi người trong hệ thống thực phẩm toàn cầu hãy có những hành động vì môi trường bền vững và một xã hội công bằng. Dân số tòan cầu hiện nay có 7 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 9 tỷ người vào năm 2050 nhưng số lượng người đói sẽ không được phép tăng. Bằng cách giảm sự lãng phí thực phẩm, chúng ta có thể tiết kiệm tiền và tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động môi trường và quan trọng hơn, hướng tới một thế giới mà mọi người đề có đủ thức ăn, không ai bị đói.
VEA
Theo: UNEP