Đổi mới sản phẩm để giảm tác động đến môi trường

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc UNEP, Tổ chức Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về Đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN).
​Dự án Đổi mới sản phẩm bền vững nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình sản xuất đến môi trường và xã hội, nâng cao năng lực, đổi mới sản phẩm trong năm ngành chủ chốt: Dệt may, da giày, nội thất, thủ công mỹ nghệ và chế biến thực phẩm. Dự án được thực hiện trong 4 năm (2010 -2014) với sự tham gia của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, từ những kết quả bước đầu mà dự án SPIN đã thực hiện được trong thời gian qua như hỗ trợ xây dựng chiến lược sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất và thiết kế sản phẩm đã khẳng định tiềm năng và hiệu quả trong việc tạo ra các sản phẩm bền vững có chất lượng cao, an toàn với môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Việc thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch quốc gia về đổi mới sản phẩm bền vững cần có nội dung thiết thực và có tính khả thi cao, tạo điều kiện cho việc phát triển rộng rãi về đổi mới sản phẩm bền vững đối với mọi ngành sản xuất.
Theo Tiến sĩ Stefanos Fotiou, đại diện Chương trình Liên hợp quốc tại châu Á, khi tham gia dự án, các doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia hàng đầu trong nước và nước ngoài hỗ trợ thiết kế và phát triển sản phẩm bền vững, hỗ trợ về marketing sản phẩm đồng thời đào tạo nâng cao năng lực về đổi mới sản phẩm bền vững.
Các nhà thiết kế, tư vấn, cung cấp dịch vụ liên quan đến phát triển sản phẩm được đào tạo nâng cao năng lực và trao đổi chuyên môn về đổi mới sản phẩm bền vững. Các hiệp hội, cơ quan, tổ chức nhà nước và xã hội được cung cấp các thông tin về tiềm năng áp dụng thiết kế sản phẩm bền vững để hỗ trợ sự phát triển công nghiệp và xuất khẩu của quốc gia…/.
Theo TTXVN

Sản xuất pin mặt trời bằng máy in trên giấy A3

Các nhà khoa học Úc thuộc Tập đoàn Pin Mặt trời Victoria (VICOSC) đã thử nghiệm thành công kỹ thuật sản xuất pin mặt trời mới cho ra sản phẩm tương đương khổ giấy A3 được in ra từ máy in.
Để in dạng pin mặt trời này, nhóm nghiên cứu đã dùng mực quang điện bán dẫn, một máy in đặc biệt trị giá 200.000 AUD (gần 4,1 tỉ đồng) và sử dụng kỹ thuật giống như in hình trên áo thun.

Với kích cỡ bằng khổ giấy A3 những mảng pin bằng chất dẻo hoặc thép mỏng này có thể sản sinh từ 10 đến 15 watt/m2 điện năng và có thể được dán lên cửa sổ hoặc trên mái nhà.
Chuyên gia vật liệu Scott Watkins nói rằng có nhiều ứng dụng với cỡ pin này như cung cấp điện cho bảng quảng cáo, cho đèn hoặc laptop. Ông cho biết nhóm nghiên cứu áp dụng công nghệ in đã có sẵn để dễ tiến hành sản xuất dạng pin này.
Kích cỡ pin như vậy được xem là rộng nhất cho đến nay. Ba năm trước đây nhóm nghiên cứu chỉ tạo ra được mảng pin rộng 10cm2.
Theo NLĐ

Sơn nano chống đạn làm từ trấu

​PGS.TS hóa học Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova, đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhất của bà về 4 loại sơn nano được làm từ vỏ trấu: sơn chống đạn, chống cháy, kháng khuẩn và chống gỉ.
Nghiên cứu độc đáo này đã thu hút sự quan tâm của hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, giảng viên đại học, các lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước; đặc biệt là các tập đoàn, công ty đến từ Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Singapore, Malaysia…

Nguyên liệu chính để làm ra các loại sơn nano này là silicat nano từ vỏ trấu được tách ra, giá trị lớn gấp trăm lần so với trấu, được dùng cho nhiều lĩnh vực như sơn, chống thấm, mỹ phẩm, dược phẩm, vi tính…
Loại sơn này được dùng cho các áo chống đạn để tăng khả năng chống đạn lên nhiều lần và giúp giảm cân nặng cho áo. Áo chống đạn sử dụng sơn nano từ trấu đã được thử nghiệm ở Campuchia với sự hỗ trợ của quân đội nước này.
Kết quả, viên đạn súng lục không xuyên qua 6 lớp vải khi có sơn chống đạn, ở cự ly 2m, trong khi áo chống đạn bình thường có từ 20 – 40 lớp vải nên trọng lượng rất nặng.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cho biết sẽ đưa sáng chế này đăng ký ở Mỹ và hy vọng sẽ nhận được giấy phép của Mỹ, để có thể chuyển giao công nghệ cho các công ty sản xuất áo chống đạn trên thế giới.
Ngoài ra, trong chương trình nghiên cứu của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Hòe còn tập trung vào vật liệu chống cháy với bề mặt chủ yếu là bê tông, gỗ, sắt thép.
Sản phẩm sơn chống cháy nano từ trấu bảo vệ các bề mặt bê tông, thép, gỗ… trong tòa nhà dưới sức nóng lên đến 1.000 độ C của lửa trong vòng 2 – 6 tiếng.
Sơn kháng khuẩn được sự quan tâm của giới y khoa. Loại sơn này được tích hợp công nghệ nano bạc và các hợp chất hữu cơ đặc biệt tạo ra khả năng diệt đến 99% vi khuẩn trên bề mặt sơn. Khả năng diệt khuẩn của sản phẩm đã được chứng nhận tại Singapore và hiện sản phẩm đã được bán ở nước này.
Cuối cùng là loại sơn chống gỉ, theo lời giới thiệu của PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, tính năng đặc biệt của sơn này là có thể sơn cho các công trình dưới biển, 10 năm cũng không gỉ.
Theo Thanh Niên

Thu hồi nhiệt thải công nghiệp: Giảm ô nhiễm, tiết kiệm tiền

Ngành công nghiệp luôn tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường nhất với lượng khí thải, nước thải xả ra hàng ngày vẫn là bài toán nhức nhối. Thu hồi nhiệt và tái sử dụng chất thải công nghiệp được xem là biện pháp ưu việt vừa giảm thiểu ô nhiễm, vừa tiết kiệm tài chính cho doanh nghiệp.
Gim phát thi 
Nguồn năng lượng trên thế giới đang ngày càng trở nên cạn kiệt và xuất hiện nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do sử dụng quá nhiều năng lượng. Hạn chế lớn nhất của việc sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch là gây ra ô nhiễm môi trường do sự phát thải SO2, COx, NOx …
Các nhà máy nhiệt điện, luyện kim, xi măng, hoá chất, gạch, gốm sứ, thuỷ tinh, dệt nhuộm, ép nhựa, chế biến thực phẩm, đường cà phê, chè… đều có các lò đốt sử dụng than, dầu, ga hoặc điện năng để tạo ra nhiệt độ cao trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, lượng nhiên liệu thật sự hữu ích thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số nhiên liệu bị đốt cháy. Điều này không những làm tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp mà còn gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và khí quyển.
Phần nhiệt thật sự góp phần tạo thành sản phẩm thường chỉ chiếm từ 5% tới 30%. Phần lớn nhiệt năng còn lại đi theo khí thải, nước thải hoặc làm nguội máy…và thoát ra môi trường, góp phần làm trái đất nóng lên. Nếu tận dụng triệt để nhiệt lượng sinh ra từ các quá trình đốt, lượng CO2 và SO2 cùng các chất khí độc hại do sản xuất công nghiệp sinh ra có thể giảm từ 50% đến 80%. Với các thiết bị thu hồi nhiệt hiện đại người ta có thể tận dụng hầu hết nhiệt năng thải ra để đưa trở lại quá trình sản xuất.
Chính vì vậy, việc thu hồi nhiệt từ khí thải và nước thải để sử dụng trở lại giúp hiệu suất sử dụng nhiệt năng của các dây truyền công nghiệp có thể đạt tới hơn 90%.
 Li ích kép
Công nghiệp xi măng là một ngành tiêu hao năng lượng rất lớn, để sản xuất ra một tấn clinker theo công nghệ lò nung tiên tiến phải tiêu tốn 730.000 – 800.000 kcal tương đương với 110-120kg than tiêu chuẩn, đồng thời thải ra ngoài không khí lượng khí thải rất lớn 2500 – 2800m3 ở nhiệt độ từ 350-380 độ C. Để sản xuất ra một tấn xi măng phải tiêu tốn 90-100Kwh điện.
Nhiều nước trên thế giới đã không ngừng cải tiến lò nung từ một tháp tiền nung trao đổi nhiệt lên hai tháp, từ 4 tầng lên 5,6 tầng với calciner hiệu suất cao, tối ưu hoá hệ thống gió 3, để góp phần đáng kể việc giảm tiêu hao nhiên liệu nung luyện clinker với định mức thấp hơn 720 Kcal/kg clinker. Đồng thời thiết kế cải tiến thiết bị nghiền nguyên liệu, nghiền than, nghiền xi măng. Từ nghiền bi sang nghiền con lăn, nghiền đứng, nghiền Horomill với hệ thống thiết bị phân ly hiệu suất cao, giảm tiêu hao điện năng dưới định mức 90 Kwh/tấn xi măng.
Tại Việt Nam, một hệ thống thiết bị trạm phát điện nhiệt khí thải công suất 2.950 kW của Nhật Bản được lắp vào dây chuyền xi măng hệ khô lò quay công suất clinker 3.000 tấn/ngày tại Nhà máy xi măng Hà Tiên 2. Sau 7 năm hoạt động, trạm phát điện nhiệt khí thải tại Nhà máy xi măng Hà Tiên 2 đã phát ra 105 triệu kWh, mang lại lợi ích rõ rệt trên các phương diện kinh tế xã hội, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, làm giảm đáng kể giá thành sản xuất xi măng, hệ thống thiết bị của trạm phát điện làm việc ổn định, không ảnh hưởng tới sản xuất xi măng.
Công nghệ tái chế nhiệt thải có thể áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất phát sinh nhiệt thải. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ với công nghệ này. Nhà đầu tư không nắm bắt được thông tin kịp thời, đầy đủ cho rằng đổi mới công nghệ cần vốn lớn mà không nghĩ tới khả năng thu hồi vốn nhanh và những lợi ích về lâu dài như giúp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ,đồng thời góp phần cải thiện môi trường khí quyển.
Theo TN&MT

Năng lượng tương lai – mối quan tâm lớn của người Việt

Một khảo sát mới đây cho thấy, nhu cầu năng lượng tương lai là một vấn đề quan trọng của 7/10 người dân Việt Nam. Đây cũng là 1 trong 10 vấn đề được người dân Việt Nam quan tâm cùng với việc làm và giá sinh hoạt.

Cuộc khảo sát có tên là “Khảo sát Năng lượng tương lai” nhằm mục đích tìm hiểu ý kiến của người dân Việt Nam về tương lai năng lượng.

Theo Liên hợp quốc và Kịch bản năng lượng của Shell, đến năm 2030, dự báo thế giới sẽ cần thêm 40%-50% năng lượng, nước và lương thực để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của nhân loại. Điều đó có thể gây áp lực lên các nguồn tài nguyên sống còn này. Và ngày càng có nhiều người Việt Nam ý thức về các vấn đề này và các biện pháp giải quyết vấn đề.

Năng lượng mặt trời được nhiều người dân Việt Nam lựa chọn là nguồn năng lượng tương lai (Ảnh: gizmag.com)

Khảo sát cho thấy có tới 8/10 người dân cho rằng, thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng cũng như giá năng lượng cao là các vấn đề có thể gây ảnh hưởng lớn đến Việt Nam trong tương lai.

Bà Nguyễn Ánh Tuyết, Chủ tịch công ty Shell Việt Nam cho biết: “Các mối quan tâm đến năng lượng sống còn của thế giới ngày càng tăng lên, nước, lương thực và các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu đã khiến cho nhiều người Việt Nam suy nghĩ về tương lai năng lượng nghiêm túc hơn. Để đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, trong nhiều thập kỷ tới, thế giới sẽ phải huy động toàn bộ các loại năng lượng. Nhưng thách thức đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nước và lương thực trở nên lớn hơn bởi chính mối quan hệ khăng khít giữa chúng, cần phải ứng phó với những thách thức này một các thông minh và đồng bộ”.

Khảo sát Năng lượng tương lai cho thấy, người dân Việt Nam lựa chọn tổ hợp đa dạng các hình thức năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng tương lai. Trong đó, nguồn năng lượng được người dân Việt Nam lựa chọn nhiều nhất là năng lượng mặt trời (72%), tiếp theo là năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%). Sử dụng nhiên liệu sinh học cũng được xem là tốt cho môi trường và là một giải pháp làm giảm thải khí CO2 – vấn đề được đa số cộng động Việt Nam cho là rất quan trọng.

Và gần 2/3 người dân Việt Nam tin rằng, công chúng đóng vai trò trong việc xây dựng tương lai năng lượng. Nhiều người dân Việt Nam đã có những biện pháp như: Sử dụng bớt năng lượng (78%) và sử dụng sản phẩm tiết kiệm năng lượng (74%). Tuy nhiên, họ cho rằng, sự hợp tác giữa cộng đồng, chính phủ và ngành công nghiệp là chìa khóa để xây dựng các giải pháp năng lượng tương lai, trong đó, chính phủ đóng vai trò quan trọng nhất.

“Các chính sách chủ động, đồng bộ và mạnh mẽ rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng của thế giới và bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai. Xã hội cũng có vai trò quyết định trong việc hình thành tương lai của hệ thống năng lượng thế giới. Chúng ta – ngành công nghiệp, chính phủ và xã hội – tất cả đều có trách nhiệm xây dựng một tương lai năng lượng tốt đẹp hơn. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo ra các bước đột phá và công nghệ mới có thể giúp đa dạng nguồn cung năng lượng thế giới, tăng việc sử dụng các năng lượng sạch hơn và cải thiện hiệu suất”, bà Tuyết cho biết.

Những kết quả chính của cuộc khảo sát do Shell Việt Nam tiến hành: • 7/10 người đánh giá nhu cầu năng lượng là quan trọng. Các vấn đề quan tâm hàng đầu là việc làm và giá sinh hoạt.

• Biến đổi khí hậu (33%) và môi trường (27%) là những yếu tố quan trọng tạo nên mối quan tâm đến năng lượng tương lai.

• 8/10 người đánh giá thiếu hụt nước, lương thực và năng lượng gây ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam trong hoàn cảnh hạn chế về năng lượng.

• Năng lượng mặt trời (72%), năng lượng nước (58%) và năng lượng gió (47%) được lựa chọn làm nguồn cung cấp năng lượng.

• 3/5 người tin tưởng cộng đồng Việt Nam có vai trò lớn nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng.

• 8/10 người cho rằng giảm phát thải khí CO2 là quan trọng.

• Hầu hết người tham gia khảo sát có các hành vi giảm phát thải khí CO2. Nhiên liệu sinh học được cân nhắc đầu tiên vì tốt cho môi trường và có thể giảm phát thải khí CO2.

• 41% tin rằng sự hợp tác là yếu tố hàng đầu trong việc đưa ra các giải pháp năng lượng tương lai. Chính phủ (63%) đóng vai trò quan trọng nhất trong việc xây dựng tương lai năng lượng, tiếp theo là người dân Việt Nam (59%) và ngành công nghiệp (53%).

Theo Bùi Tuyết

Sản xuất thép không phát thải khí nhà kính

Sản xuất thép là một trong những nguồn công nghiệp thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Một qui trình mới do các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Masachusetts phát triển, có thể làm thay đổi tất cả.
Sản lượng thép trên toàn thế giới hiện nay đạt khoảng 1,5 tỷ tấn/năm. Qui trình phổ biến sản xuất thép từ quặng sắt, chủ yếu là oxit sắt, nhờ nung nóng quặng sắt bằng các bon; qui trình này sinh ra sản phẩm phụ là CO2. Theo các số liệu của ngành công nghiệp thép, sản xuất 1 tấn thép thải ra gần 2 tấn CO2, chiếm 5% tổng phát thải khí nhà kính trên thế giới.
Ngành công nghiệp thép đã đạt được phần nào thành công trong việc tìm kiếm các phương pháp sản xuất thép không thải các bon. Donald Sadoway, một trong các nhà nghiên cứu cho rằng ý tưởng về phương pháp mới nảy ra khi ông nhận được trợ cấp từ NASA để tìm kiếm các phương thức sản xuất oxy trên mặt trăng.
Một qui trình được gọi là điện phân oxit nóng chảy, có thể sử dụng oxit sắt từ đất mặt trăng để sản xuất lượng oxy dồi dào. Sadoway đã thử nghiệm qui trình sử dụng đất giống đất trên mặt trăng từ miệng núi lửa Meteor ở Arizona chứa oxit sắt do tác động của hành tinh nhỏ cách đây hàng nghìn năm và đã phát hiện thấy nó tạo ra sản phẩm phụ là thép.
Phương pháp của Sadoway sử dụng cực dương iridi, nhưng do iridi đắt đỏ và các nguồn cung cấp hạn chế, nên đây không phải là phương pháp khả thi để sản xuất thép với khối lượng lớn trên Trái đất. Nhưng, sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được một hợp kim rẻ tiền thay thế cực dương iridi trong qui trình điện phân oxit nóng chảy. Đây không phải là vấn đề dễ giải quyết vì bình oxit sắt nóng chảy cần được lưu giữ ở nhiệt độ khoảng 1.600oC. Nhiều nhà nghiên cứu đã nỗ lực sử dụng gốm, nhưng chúng giòn và dễ vỡ.
Vì thế, các nhà khoa học đã giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng một hợp kim tự nhiên tạo thành một màng mỏng oxit kim loại trên bề mặt của nó với mức đủ dày để ngăn chặn sự tấn công mạnh hơn của oxy, nhưng đủ mỏng cho dòng điện tự do đi qua. Đó là hợp kim crom và sắt vừa dồi dào và giá rẻ.
Qui trình mới sản xuất thép ngoài việc không gây phát thải, còn cho ra kim loại có độ tinh khiết đặt biệt. Hơn nữa, qui trình này có thể được điều chỉnh để sản xuất các kim loại và hợp kim bao gồm niken, titan và ferromangan với những ưu điểm tương tự.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature.
Theo NASATI

Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2013

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm 2013 với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”, thành phố Hà Nội chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thông qua các hoạt động truyền thông về môi trường cụ thể (diễn ra sôi nổi từ nay đến ngày 10/6/2013), Hà Nội khuyến khích mọi người hãy chú ý hơn đến những ảnh hưởng môi trường từ việc lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm, tránh lãng phí thực phẩm, cần phải tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất thực phẩm và từ đó thúc đẩy quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Thành phố cũng kêu gọi, khuyến khích cộng đồng, đặc biệt các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối thực phẩm.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, để thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, cơ quan, trường học và các tổ chức tình nguyện tham gia tích cực các chiến dịch như chương trình đạp xe vì môi trường vào thứ bảy và chủ nhật; ra quân làm vệ sinh môi trường tại các chợ trên địa bàn; hướng dẫn trồng rau sạch và làm phân hữu cơ từ thức ăn dư thừa tại nhà cho các bà nội trợ; trồng cây xanh và tổ chức các gian hàng thực phẩm xanh…Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay, thành phố đang huy động các nguồn lực tập trung giải quyết 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất trên địa bàn. Đó là ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, ô nhiễm môi trường nước mặt của các sông, hồ và ô nhiễm môi trường không khí do bụi và khí thải của phương tiện giao thông.

Kết quả đo đạc tại nhiều trục đường giao thông trên địa bàn thành phố cho thấy, trong khi nồng độ bụi trong không khí đang tăng lên đến mức báo động thì nồng độ khí SO2 trong không khí có xu hướng giảm dần theo các năm. Hàm lượng của một số oxit kim loại có trong đất có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng như Cd, As, Cr, Zn…, và đến thời điểm này môi trường đất đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các oxit kim loại nặng có mặt trong các nguồn nước thải công nghiệp bị ô nhiễm.

Một thực trạng môi trường đáng báo động nữa là hai con sông thoát nước thải chính của khu vực nội thành là sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt và công nghiệp không qua xử lý xả trực tiếp ra sông.

Về vấn đề xử lý rác thải, thành phố đang thực hiện đề án thu gom rác thải tại khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng…

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng thừa nhận việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường ở cấp cơ sở còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng về số lượng, thậm chí phải kiêm nhiệm; công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường khu công nghiệp còn chậm, một số khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn khá phổ biến, một số cơ sở vẫn xả thải vượt quy chuẩn cho phép…

Theo TTXVN

Ít cây xanh, nhiều bê tông, Hà Nội thành chảo lửa

Theo các nhà khoa học, Trái Đất đang bước vào “vùng nguy hiểm mới” của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Hà Nội đang ngày càng đi xa quy hoạch ban đầu khiến tỷ lệ cây xanh giảm trong khi tỷ lệ bê tộng và nhựa hóa tăng. Đây được xem là nguyên nhân trực tiếp khiến Hà Nội mấy ngày qua nóng không thua kém các chảo lửa tự nhiên của Việt Nam.

​Người đứng đầu Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc, bà Christiana Figureres, vừa công bố phát hiện mới nhất khiến giới khoa học toàn cầu giật mình. Chỉ số khi carbon dioxide (CO2) đã đạt 400 ppm tương đương 400mg CO2/lít không khí. Đây là mức cao nhất trong lịch sử nhân loại. Hàm lượng này đã “vượt mức lịch sử, đưa Trái Đất đi vào một vùng nguy hiểm mới”, bà C.Figureres nói.

Đã có các cảnh báo các đợt siêu nắng nóng trong tương lai khi Trái Đất đi vào “vùng nguy hiểm mới”. Theo đó, khoảng bốn thập kỷ tới, châu Âu và châu Á sẽ trải qua những đợt nắng nóng khủng khiếp, gấp 10 lần đợt nắng nóng kỷ lục năm 2003 được cho là thủ phạm khiến hàng chục nghìn người các nước Âu thiệt mạng. Dưới tác động của ấm lên toàn cầu, các đợt nắng nóng kỷ lục sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn.

GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, chuyên gia về biến đổi khí hậu, nhận định như vậy khi chứng kiến cảnh Hà Nội đang phát triển theo hướng xa rời các tiêu chí xanh. Bê tông hóa và kính hóa làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt dưới mặt đất, khiến lớp không khi cách mặt đất 100 mét đổ lại trở nên nóng hơn, nung nóng mặt đất lâu hơn. Quá nhiều nhà cao tầng trong khi tỷ lệ không gian rỗng giữa các tòa nhà và trên các tuyến đường ngày càng ít làm cho đối lưu không khí ngày càng bị hạn chế, tạo ra chế độ tiểu khí hậu cục bộ, vừa gây ô nhiễm không khí vừa làm tăng oi bức.

Trong khi đó, diện tích tuyệt đối và tỷ lệ cây xanh, vốn có chức năng hấp thụ cả khí CO2 lẫn hấp thu nhiệt, lại không được đảm bảo bất chấp quy hoạch được điều chỉnh thường xuyên. Trên nhiều tuyến phố cũ lẫn mới của một Hà Nội mở rộng gấp bốn lần so với trước, chỉ lác đác vài cây con còi cọc, thậm chí không có cây xanh.
Tại cuộc họp mới đây đóng góp ý kiến dự thảo quy hoạch hệ thống công viên cây xanh cho Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, thừa nhận: ”Tỷ lệ cây xanh mặt nước của Hà Nội nhất là trong khu đô thị lõi vẫn còn rất thấp, lại phân bố không đồng đều”. Yêu cầu dành diện tích để trồng cây xanh được nhiều người đặt ra nhưng câu hỏi ai là người thực hiện và thực hiện ra sao thì không thấy ai trả lời.
Theo ông Đỗ Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, số cây xanh trên chín quận nội thành chỉ 45.000 cây, nhưng lại tập trung ở bốn quận là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, và Đống Đa. Phần còn lại chỉ có rất ít hoặc nếu có thì toàn cây nhỏ chưa đủ đáp ứng tiêu chuẩn xanh của đô thị.
Đã thế tại chín quận được mệnh danh là các địa bàn xanh của Hà Nội ấy, mật độ dân số ở một vài quận lớn đến mức diện tích bình quân chỉ đạt từ 26-31m2 người. Mật độ ấy dã không đủ cho các hoạt động đi lại, ăn ở, thì lấy đâu chỗ để trồng thêm cây xanh, ông Hoàng than thở.
Vẫn theo ông Hoàng, nhiều đường phố có vỉa hè hẹp gây khó khăn cho thiết kế và bố trí trồng cây. Vỉa hè luôn bị lấn chiếm, trở thành thánh địa của các gia đình có mặt tiền đường phố. Mạng lưới dây diện, điện thoại, các công trình kiến trúc ngày càng cao, nhà mặt phố có ban công lấn chiếm không gian, càng khiến cây bị xung quang, khiến cây có xu hướng đổ ra lòng đường để lấy ánh nắng. Tán bị lệch càng khiến cây dễ gãy đổ hơn vào mùa mưa bão. Các công trình ngầm thì được thi công liên tục, đào bới lòng đường, vỉa hè thường xuyên, khiến không ít cây sống dỡ chết dở.
Hà Nội nóng xấp xỉ chảo lửa Nghệ An

Trong ba ngày vừa qua, từ 14 – 16/5, một số nơi có nhiệt độ trên 40 độ như Ba Vì (Hà Nội) 40.1 độ; Láng ( Hà Nội) 40.0 độ; Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Như Xuân (Thanh Hóa) và Ba Đồn (Quảng Bình) 40.2 độ. Trong khi đó, các trọng điểm nóng ở Nghệ An cao hơn không bao nhiêu. Tại  Tương Dương (Nghệ An) nóng 40.5 độ; Quỳ Hợp (Nghệ An) 40.6 độ; Tây Hiếu (Nghệ An) 40.4 độ. Thậm chí chảo lửa Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng chỉ 39.5 độ.

Theo Tiền Phong

Sản xuất củi từ… trấu

 

Từ đầu năm đến nay, khi giá các chất đốt ngày càng tăng cao thì việc sử dụng củi trấu (trấu được ép thành củi) nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp xay xát ở An Giang. Sáng kiến này không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí, giúp doanh nghiệp nâng cao nguồn thu mà còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Thống kê của Phòng hạ tầng kinh tế huyện Thoại Sơn (An Giang) cho hay, toàn huyện hiện có 6 doanh nghiệp xay xát lúa gạo đang sản xuất củi trấu, doanh nghiệp nhỏ cũng trên 30 tấn/ngày, lớn thì 120 tấn/ngày. Củi trấu được bán với giá trên dưới 1.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với các loại nguyên liệu khác nên rất hút hàng – Nông nghiệp Việt Nam ngày 13/3/2012 đưa tin.

Do giá thành rẻ, lại hiệu quả nên ngày càng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh sử dụng củi trấu làm chất đốt thay cho dầu, gas và than đá. Quy trình sản xuất củi trấu cũng rất đơn giản nên nhiều nhà máy xay xát lúa gạo ở Thoại Sơn đã lắp đặt hệ thống sản xuất sản phẩm này để phục vụ thị trường.
Trước đây, khi chưa sản xuất được củi trấu, một số doanh nghiệp xay xát phải thuê ghe chở đi nơi khác tiêu thụ và phải trả chi phí xăng dầu cho họ. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì ở An Giang, khối lượng vỏ trấu đã gần như không đủ để sản xuất củi bán ra thị trường dù tổng sản lượng lúa của tỉnh lên tới 3,6 triệu tấn/năm.
(Theo thiennhien.net)

Hội thảo tổng kết Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam

 

​Ngày 15/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Môi trường đã tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường TS. Nguyễn Thế Đồng tới dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có các thành viên Ban điều phối chung (JCC); Đại diện các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường; Đại diện các sở TN&MT và một số đơn vị của các tỉnh: Hà Nội,TP. Hồ Chí Minh, Huế,… và các cơ quan liên quan: JICA, VPEG,…

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thế Đồng cho biết mục tiêu của Hội thảo nhằm trình bày và chia sẻ các kết quả, kiến thức về xây dựng chính sách quản lý môi trường nước. Đồng thời, đề xuất các sản phẩm của Dự án và Hệ thống quản lý thông tin môi trường nước tại Việt Nam.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thế Đồng cho rằng kết quả của Dự án đã góp phần hữu ích cho Việt Nam trong việc hoạch định và xây dựng chính sách quản lý môi trường nước. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng mong muốn Tổ chức JICA tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách.
Ông Tadashi Suzuki, Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam đánh giá cao các bên tham gia Dự án đã làm việc nhiệt tình, nghiêm túc để có được những báo cáo, đề xuất để xây dựng các chính sách, công cụ quản lý về môi trường nước. Ông mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực thi các chính sách về quản lý môi trường nước.
Ông Nguyễn Minh Cường, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Môi trường đã trình bày các kết quả của Dự án đạt được, bao gồm:
Về xây dựng chính sách, Dự án đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Tổng cục Môi trường: Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường,…và các chuyên gia để rà soát, sửa đổi xây dựng chính sách đề xuất: Báo cáo “Một số nội dung chi tiết về bảo vệ môi trường nước trong Luật BVMT và đề xuất sửa đổi các điều khoản liên quan tới bảo vệ môi trường nước”,…
Về tăng cường năng lực kiểm soát ô nhiễm nước, Dự án đã tổ chức được 03 khóa đào tạo về phát triển năng lực xây dựng chính sách cho các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, các sở TN&MT một số tỉnh.
Dự án đã đề xuất các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước, Công tác kiểm soát ô nhiễm nước của Sở TN&MT; Các biện pháp về nước thải công nghiệp của cơ sở công nghiệp; Đánh giá tình hình tuân thủ về nước thải công nghiệp và tải lượng ô nhiễm; Đề xuất đề cương kế hoạch cải thiện Kiểm soát ô nhiễm nước.
Với công tác truyền thông nâng cao nhận thức môi trường, Dự án đã tổ chức hội thảo cho các tổ chức và các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp. Đồng thời, làm các biển tuyên truyền và phóng sự trên truyền hình, Xây dựng Sách hướng dẫn về nước thải công nghiệp.
Đối với việc sử dụng và quản lý thông tin môi trường, Dự án đã làm rõ hiện trạng quản lý thông tin môi trường nước ở Việt Nam và xây dựng được Dự thảo ”Quy trình thu thập, quản lý và sử dụng thông tin môi trường nước” và 10 biểu mẫu báo cáo hàng năm./.
Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam”
1. Tên dự án: Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại Việt Nam
​2. Tên nhà tài trợ: Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)
3. Cơ quan chủ quản: Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam
4. Chủ dự án: Tổng cục Môi trường
5. Thời gian dự kiến thực hiện dự án: 2010-2013 (3 năm)
6. Địa điểm thực hiện dự án: Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu
7. Hình thức cung cấp tài trợ: vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại
8. Mục tiêu: Nâng cao năng lực quản lý môi trường nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường.
Theo Xuân Thủy (VEA)