Nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2013

Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm 2013 với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”, thành phố Hà Nội chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Thông qua các hoạt động truyền thông về môi trường cụ thể (diễn ra sôi nổi từ nay đến ngày 10/6/2013), Hà Nội khuyến khích mọi người hãy chú ý hơn đến những ảnh hưởng môi trường từ việc lựa chọn và tiêu thụ thực phẩm, tránh lãng phí thực phẩm, cần phải tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm tối đa các tác động đến môi trường từ việc sản xuất thực phẩm và từ đó thúc đẩy quy trình sản xuất hiệu quả hơn. Thành phố cũng kêu gọi, khuyến khích cộng đồng, đặc biệt các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối thực phẩm.
Ảnh minh họa
Đặc biệt, để thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay, thành phố kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, cơ quan, trường học và các tổ chức tình nguyện tham gia tích cực các chiến dịch như chương trình đạp xe vì môi trường vào thứ bảy và chủ nhật; ra quân làm vệ sinh môi trường tại các chợ trên địa bàn; hướng dẫn trồng rau sạch và làm phân hữu cơ từ thức ăn dư thừa tại nhà cho các bà nội trợ; trồng cây xanh và tổ chức các gian hàng thực phẩm xanh…Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện nay, thành phố đang huy động các nguồn lực tập trung giải quyết 3 vấn đề ô nhiễm môi trường bức xúc nhất trên địa bàn. Đó là ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, ô nhiễm môi trường nước mặt của các sông, hồ và ô nhiễm môi trường không khí do bụi và khí thải của phương tiện giao thông.

Kết quả đo đạc tại nhiều trục đường giao thông trên địa bàn thành phố cho thấy, trong khi nồng độ bụi trong không khí đang tăng lên đến mức báo động thì nồng độ khí SO2 trong không khí có xu hướng giảm dần theo các năm. Hàm lượng của một số oxit kim loại có trong đất có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các kim loại nặng như Cd, As, Cr, Zn…, và đến thời điểm này môi trường đất đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các oxit kim loại nặng có mặt trong các nguồn nước thải công nghiệp bị ô nhiễm.

Một thực trạng môi trường đáng báo động nữa là hai con sông thoát nước thải chính của khu vực nội thành là sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải sinh hoạt và công nghiệp không qua xử lý xả trực tiếp ra sông.

Về vấn đề xử lý rác thải, thành phố đang thực hiện đề án thu gom rác thải tại khu vực nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng…

Tuy nhiên, thành phố Hà Nội cũng thừa nhận việc tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường ở cấp cơ sở còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng về số lượng, thậm chí phải kiêm nhiệm; công tác đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường khu công nghiệp còn chậm, một số khu công nghiệp và nhiều cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn khá phổ biến, một số cơ sở vẫn xả thải vượt quy chuẩn cho phép…

Theo TTXVN