UPS – “Công nghệ xanh” cho sự phát triển bền vững

Đầu tư vào công nghệ nhằm tiết kiệm chi phí, mang lại lợi thế cạnh tranh cho các đối tác, hướng đến một “thế giới xanh” hơn được xem là nền tảng phát triển bền vững của công ty UPS.

Công nghệ: chiếc chìa khóa vàng
Ông Jeff McLean, Tổng giám đốc UPS Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn báo chí gần đây đã chia sẻ một khái niệm mới về công nghệ định hình ngành hậu cần và chuyển phát nhanh trong tương lai “đám mây hậu cần” (logistics cloud).
Trên thế giới, “điện toán đám mây” là công nghệ được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, “đám mây hậu cần” vẫn còn là một khái niệm xa lạ đối với ngành hậu cần thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Riêng đối với UPS, nhà tiên phong công nghệ “đám mây hậu cần”, thì xem nó là công cụ hỗ trợ nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.

UPS – “Công nghệ xanh” cho sự phát triển bền vững

Dây chuyền vận chuyển hàng gửi ứng dụng công nghệ quét mã vạch tại Công ty UPS
Đối với thị trường Việt Nam, Jeff McLean nhận định, công nghệ “đám mây hậu cần”, với đặc tính chi phí kinh tế hiệu quả nhờ thông tin được chia sẻ, sẽ đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đang chiếm trên 90% lượng doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, thông qua công nghệ “đám mây hậu cần”, các khách hàng của UPS có thể gia tăng khả năng tiếp cận rộng rãi đến các nguồn thông tin về công ty và doanh nghiệp trên toàn thế giới, nắm bắt thời gian giao hàng chuẩn xác, giảm tồn kho không cần thiết và kịp thời tránh các bất ổn trong khi hàng hóa được vận chuyển.
Ngoài ra, UPS còn áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong hoạt động vận chuyển hàng toàn cầu như công cụ DIAD là loại thiết bị hiện đại dùng để theo dõi quá trình giao hàng của hơn 15 triệu lượt hàng hóa mỗi ngày trên khắp thế giới, nhãn hàng hóa thông minh để theo dõi hành trình vận chuyển, 2 trung tâm lưu trữ thông tin toàn cầu, công nghệ xử lý hóa đơn điện tử, trang web của UPS sử dụng 12 ngôn ngữ châu Á khác nhau để cập nhật và theo dõi mọi thông tin liên quan đến hàng hóa của khách hàng.
Ông Jeff McLean cho hay, công ty UPS đã đầu tư 1 tỉ USD cho việc cải tiến công nghệ và xem đây là lợi thế cạnh tranh khác biệt trên thị trường.
Sự khác biệt của công nghệ tại UPS nằm ở chuyên môn cao và khả năng mang lại những giải pháp đa dạng để phục vụ cho việc kinh doanh của khách hàng một cách hiệu quả. Nó không chỉ cho phép các công ty theo dõi hàng hóa trên toàn chuỗi cung ứng mà còn có khả năng dự đoán các vấn đề tiềm tàng trước khi chúng xảy ra để đưa ra giải pháp dựa trên thông tin quan trọng đó.

UPS – “Công nghệ xanh” cho sự phát triển bền vững

Với mục tiêu phát triển bền vững

DIAD, “đám mây hậu cần” hay hóa đơn điện tử, tất cả đều nằm trong một chiến lược phát triển bền vững dựa vào “công nghệ xanh” của UPS. Ông Jeff McLean chia sẻ, bền vững là chìa khóa cho sự phát triển của chúng tôi. Do đó, toàn bộ đầu tư của chúng tôi là tối ưu hóa hệ thống toàn cầu nhằm tiết kiệm thời gian, năng lượng, sự tiêu hao nhiên liệu và khí thải.
Điển hình như hệ thống lên kế hoạch bay hiệu quả của Trung tâm Công nghệ Lufthansa Systems có thể giúp tiết giảm gần 3,7 triệu lít nhiên liệu tiêu hao hay hệ thống quản lý mặt đất cũng có thể giúp tiết kiệm hơn 1,3 triệu lít nhiên liệu và hàng triệu USD mỗi năm. Điều này đồng nghĩa có thể giảm hơn 3,3 tấn khí thải CO2 mỗi năm.

“UPS luôn muốn giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tiêu hao năng lượng nên mọi công nghệ đều hướng tới muc tiêu này. Ít ai biết rằng với công nghệ DIAD, UPS có thể tiết kiệm 89 triệu tờ giấy mỗi năm, tương đương giảm sự chặt phá của hơn 7,000 cây rừng”, ông Jeff McLean nhấn mạnh.

Với chiến lược và đầu tư vào công nghệ hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, UPS không còn là nhà cung cấp logistics đơn thuần mà trở thành đối tác tin cậy, luôn đồng hành cùng khách hàng và đối tác. Riêng ở Việt Nam việc đầu tư vào công nghệ và ứng dụng đã góp phần lớn tạo nên mức tăng trưởng lên đến 60% trong năm 2011 (so với 50% của Trung Quốc và mức trung bình 30% của khu vực). Điều này được minh chứng bởi sự nhìn nhận tin tưởng của nhiều đối tác, cũng như khẳng định vị thế ngày càng tăng của UPS.

 

 

Dự án cảng quốc tế ITC Phú Hữu nhập cần cẩu bốc xếp

Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) đã ký hợp đồng với Kocks Krane GMBH – CHLB Đức và Cargotec – Phần Lan về trang bị cần cẩu chuyên dụng bốc xếp container trên bến và cần cẩu bánh lốp trên bãi.
Hai loại cần cẩu này được trang bị dành cho dự án cảng quốc tế ITC Phú Hữu. Đây là những thiết bị hiện đại với “công nghệ xanh” thân thiện với môi trường do chạy bằng điện thay vì dầu DO, có khả năng tự phát điện và giảm tiêu thụ năng lượng lên đến hơn 30%.

Được khởi công từ tháng 6/2010 bằng nguồn vốn đầu tư hơn 180 triệu USD, dự án cảng quốc tế ITC Phú Hữu xây dựng trên tổng diện tích 41.37 hecta thuộc phường Phú Hữu, quận 9, TP HCM.

Nằm giữa các cụm công nghiệp, khu công nghiệp của 3 tỉnh trọng điểm gồm TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, đặc biệt với độ sâu luồng tàu hiện nay, cảng quốc tế ITC Phú Hữu có thể đảm bảo cho tàu tới 36.000 DWT dễ dàng ra vào làm hàng trong điều kiện kín gió. Có thể nói, dự án này là cảng biển đầu tiên có quy mô lớn và hiện đại, do đơn vị tư nhân đầu tư nhằm nâng cao năng lực hạ tầng giao thông cho TP HCM nói riêng và cho toàn bộ khu vực phía Nam nói chung, theo chủ trương của Thủ tướng, của Bộ Giao thông Vận tải và của UBND TP HCM.

Dự án được triển khai ở giai đoạn 1 với 600 mét cầu tàu dự kiến đưa vào hoạt động đầu quý 2/2013 và giai đoạn 2 với 300 mét cầu tàu sẽ đưa vào hoạt động năm 2014. Việc này tạo điều kiện tốt cho các chủ hàng, chủ tàu đón nhận và chung chuyển hàng hóa đến TP HCM, các tỉnh lân cận khi các cảng biển trong nội đô TP HCM phải di dời trong giai đoạn 2013-2015.

Ông Nguyễn Văn Chuyền – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ITC cho biết: “Để có được một cảng biển hiện đại, sau khi xem xét tất cả chào thầu từ các nhà cung cấp, Công ty ITC đã quyết định ký hợp đồng mua thiết bị cần cẩu chuyên dụng bốc xếp container trên bến (Ship To Shore crane-STS), do Kocks Krane GMBH của CHLB Đức sản xuất có sức nâng 40 tấn, tầm với đạt 13 hàng containers và cần cẩu bánh lốp trên bãi (Rubber Tire Gantry crane-RTG) mang thượng hiệu Kalmar, do tập đoàn Cargotec của Phần Lan sản xuất với sức nâng 40 tấn.

Đây là những thiết bị hiện đại hiện nay, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường và cũng là lợi thế cạnh tranh lớn của cảng quốc tế ITC Phú Hữu khi đi vào hoạt động nhờ chi phí vận hành thấp. Trong giai đoạn 1 của dự án, Công ty ITC đặt mua 4 cần cẩu STS và 8 cần cẩu RTG, trong đó một nửa số thiết bị trị giá hơn 300 tỷ đồng sẽ được bàn giao trong quý 1/2013, để chuẩn bị cho việc đưa cảng vào khai thác kịp tiến độ. Cảng sẽ được điều hành và khai thác bởi Công ty CP Cảng Quốc tế ITC Phú Hữu”.

vnexpress.

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lò hơi

các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lò hơi

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong lò hơi (ảnh minh họa)

Theo thống kê, hiện nay, trên cả nước đang sử dụng hàng nghìn lò hơi các loại. Trong đó, phần lớn các lò hơi có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và kém hiệu quả về mặt kinh tế. Tình hình này đặt ra yêu cầu cần thiết phải có các giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng trong sử dụng và vận hành các lò hơi.

 Ở Việt Nam, các loại lò hơi chủ yếu được dùng trong lĩnh vực công nghiệp. Các lò hơi này có công suất từ 1 tấn/giờ – 300 tấn/giờ. Phần lớn các lò hơi đang sử dụng đều có hiệu suất năng lượng thấp nên lượng khí độc hại do đốt nhiên liệu phát thải vào môi trường rất cao.Bên cạnh đó, công nghệ lò hơi lạc hậu nên mức tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cao. Vì vậy, việc nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng đối với lò hơi đang là vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi giá nhiên liệu có xu hướng ngày càng tăng.

Có nhiều biện pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong hệ thống lò hơi liên quan đến quá trình đốt, truyền nhiệt, hao hụt năng lượng, giảm mức tiêu thụ điện của thiết bị phụ trợ. Bằng việc kiểm tra một số yếu tố sau có thể giúp doanh nghiệp đánh giá được thiết bị lò hơi của đơn vị mình có được vận hành với hiệu suất tối đa hay không.

Vận hành hệ số không khí thừa ở nhiệt độ thích hợp

Theo phương pháp chuẩn đối sánh, đối với lò dầu thì tỉ lệ bay hơi tốt nhất là 14% đối với khí CO2 và 1,5% đối với O2. Để điều chỉnh nồng độ O2 hoặc CO2, doanh nghiệp có thể dùng các biện pháp như: Dùng vòi đốt có tỷ lệ Nox/O2 thấp, cải tiến lá chắn tiết lưu và cách điều chỉnh, chống không khí rò lọt vào lò qua các cửa, nút ở thành lò hơi; sửa chữa, cải tiến hoặc thay thế vòi đốt, hoặc cải tiến bộ lá chắn và phương pháp điều khiển.

Gia nhiệt nước cấp sử dụng bộ tiết kiệm nhiệt

Thông thường, khí nóng thoát ra khỏi lò hơi 3 lớp hiện đại có nhiệt độ từ 200 đến 3000C. Do vậy, có thể thu hồi được từ các dòng khí nóng này. Nhiệt độ của khí nóng thoát ra từ lò hơi thường được duy trì ở mức tối thiểu là 2000C, do đó ôxít lưu huỳnh trong khí nóng không ngưng tụ được và gây ăn mòn bề mặt truyền nhiệt.

Khi sử dụng các nhiên liệu sạch như: khí gas tự nhiên, khí hóa lỏng hoặc dầu khí, cần phải tính đến hiệu quả kinh tế của việc thu hồi nhiệt vì nhiệt độ của khí xả nóng có thể dưới 2000C.

Khả năng tiết kiệm năng lượng phục thuộc vào loại lò hơi và loại nhiên liệu được sử dụng. Với loại lò hơi điển hình kiểu cũ, nhiệt độ khí xả nóng đạt 2600C, ta có thể sử dụng bộ tiết kiệm để giảm nhiệt độ xuống còn 2000C, giúp tăng nhiệt độ nước cấp thêm 150C.

Lò hơi 3 lớp hiện đại đốt khí gas tự nhiên có nhiệt độ khí xả nóng ở mức 1400C, sử dụng bộ tiết kiệm ngưng tụ giúp giảm nhiệt độ khi xả xuống 650C và tăng hiệu suất nhiệt lên 5%.

Gia nhiệt không khí đốt

Gia nhiệt khí đốt là biện pháp thay thế việc làm nóng nước cấp. Để tăng hiệu suất nhiệt lên 1%, nhiệt độ không khí đốt phải tăng thêm 200C. Hầu hết bộ đốt dầu và khí gas trong các trạm lò hơi không được thiết kế để sử dụng ở mức nhiệt độ gia nhiệt không khí cao.

Các bộ đốt hiện đại có thể chịu được sự gia nhiệt không khí đốt cao hơn nhiều, do vậy, có thể coi những thiết bị này giống như bộ trao đổi nhiệt cho dòng khí xả nóng và là biện pháp thay thế bộ tiết kiện năng lượng hoặc là nhiệt độ khoảng không hay nhiệt độ của nước cấp giúp nó hoạt động.

Điều tiết xả hơi tự động

Xả hơi liên tục mà không kiểm soát sẽ rất lãng phí. Điều tiết xả hơi tự động được lắp đặt giúp phát hiện và phản ứng với suất dẫn và độ pH của nước lò hơi. Cứ 10% xả hơi cho 15kg/cm2 trong lò hơi dẫn đến mức hao hụt hiệu suất tới 3%.

Giảm đóng cặn và tạo bồ hóng của các lò hơi đốt than và dầu, bồ hóng tích tụ trong ống giống như chất cách nhiệt cho quá trình truyền nhiệt. Những cặn lắng như vậy cần phải loại bỏ thường xuyên. Nhiệt độ ống khói tăng lên cho thấy lượng bồ hóng tích tụ quá nhiều. Hiện tượng nhiệt độ ống khói tăng cũng xảy ra do sự đóng cặn ở bình chứa nước.

Nhiệt độ khí xả cao ở mức dư lượng không khí bình thường cho thấy khả năng truyền nhiệt kém. Điều này sẽ dẫn tới việc tích tụ dần cặn lắng ở phía buồng khí hay khoang chứa nước. Khi có cặn lắng ở khoang chứa nước, cần xem xét lại quy trình xử lý nước và vệ sinh ống để loại bỏ cặn lắng. Ước tính khi nhiệt độ trong ống xả khói tăng lên 22% thì tương ứng hiệu suất sẽ giảm đi 1%.

Nên kiểm tra và lấy số liệu nhiệt độ ống xả khói thường xuyên để đánh giá các chỉ số của cặn lắng và bồ hóng. Khi nhiệt độ khí nóng tăng thêm khoảng 200C so với nhiệt độ thông thường ở các lò hơi mới vệ sinh, cần phải nhanh chóng loại bỏ cặn lắng và bồ hóng. Do vậy, nên lắp đặt một nhiệt kế kiểu mặt đồng hồ ở chân đế của ống xả khói để kiểm tra nhiệt độ khí xả nóng.

Mỗi lớp bồ hóng có độ dày 1mm sẽ làm tăng nhiệt độ của ống xả khói lên 550C. Ước tính, một lớp bồ hóng dày 3mm, mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ tăng lên khoảng 2,5%. Việc vệ sinh định kỳ bề mặt lò đốt, thùng chứa cửa lò hơi, bộ tiết kiệm năng lượng và bộ sưởi không khí sẽ giúp loại bỏ các cặn lắng bám lâu ngày.

Giảm áp suất hơi nước của lò hơi

Đây là biện pháp hiệu quả giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ ở mức cho phép từ 1 đến 2%. Giảm áp suất hơi nước đồng nghĩa với việc thu được nhiệt độ hơi nước bão hòa thấp và không cần thu hồi nhiệt thải từ ống xả khói, đồng thời còn giúp giảm nhiệt độ của khí nóng.

Hơi nước được sinh ra dưới áp suất (thường là áp suất cao nhất) theo yêu cầu nhiệt độ cho từng quá trình cụ thể. Trong một số trường hợp, quá tình sinh hơi không phải lúc nào cũng luôn xảy ra, và có những thời điểm áp suất lò hơi có thể giảm xuống được. Người phụ tránh điều tiết năng lượng cần xem xét kỹ lưỡng việc giảm áp suất trước khi vận hành lò hơi. Các ảnh hưởng bất lợi như: tăng lượng nước chảy từ lò hơi do giảm áp suất có thể đi ngược lại với mục đích tiết kiệm năng lượng, áp suất nên giảm theo từng đợt và không nên vượt quá 20%.

Điều tiết thay đổi tốc độ của quạt, thiết bị quạt gió và bơm

Việc điều tiết thay đổi tốc độ của quạt, thiết bị quạt gió và bơm có ý nghĩa quan trọng giúp tiết kiệm năng lượng. Thông thường, việc kiểm soát không khí đốt được hỗ trợ bởi các van tiết lưu lắp tại các quạt gió cảm ứng và cưỡng bức. Tuy van tiết lưu là thiết bị điều chỉnh đơn giản, nhưng lại thiếu chính xác, khiến khả năng điều chỉnh tại vị trí đầu và cuối của hệ thống vận hành kém. Nhìn chung, nếu đặc điểm nạp tải của lò hơi biến đổi, có thể thay thế van tiết lưu bằng một bộ điều tiết thay đổi tốc độ biến tần.

Thay thế lò hơi

Việc thay thế lò hơi được tiến hành, nếu lò hơi đang sử dụng là cũ và kém hiệu quả, hoặc lò hơi không có khả năng đốt những nhiên liệu thay thế có chi phí thấp hơn; hoặc lò to quá cỡ hay nhỏ hơn so với yêu cầu.

Bên cạnh việc xem xét các yếu tố về tính sẵn có của nhiên liệu và kế hoạch phát triển của mình, doanh nghiệp cũng nên cân nhắc đến yếu tố tài chính và nhân lực trước khi quyết định thay thế, vì các lò hơi thường có tuổi thọ trên 25 năm.

Trên đây là một số biện phát cơ bản để kiểm tra hiệu quả hoạt động của lò hơi tại các doanh nghiệp, xưởng sản xuất, giúp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tiết kiệm năng lượng kiểu mới

Nhân viên ECC-HCMC đang khảo sát, lắp đặt hệ thống ESCO cho các khách hàng (Nguồn: nld.com.vn)

Mô hình dịch vụ giúp tiết kiệm năng lượng cao mang tên ESCO đang được nhiều người dân, doanh nghiệp quan tâm vì hiệu quả, tiện lợi

Tiết kiệm năng lượng (TKNL)  bị hao phí nhờ vào việc đầu tư nâng cấp, trang bị hệ thống thiết bị mới với mức đầu tư chỉ bằng 20% – 30% giá trị của hệ thống hoặc thậm chí hoàn toàn miễn phí là giải pháp xanh có thể giúp tiết kiệm hơn 70% điện năng. Tất cả là nhờ ESCO (Energy service company – doanh nghiệp thương mại chuyên thực hiện gói dịch vụ năng lượng), một mô hình dịch vụ TKNL hiệu quả, mới mẻ đang manh nha phát triển tại Việt Nam.Cung cấp các giải pháp toàn diện

Ông Trần Hiếu Trung, Trưởng Phòng Kinh doanh của Trung tâm TKNL TPHCM (ECC-HCMC, trực thuộc Sở Khoa học – Công nghệ – TPHCM), cho biết ESCO là mô hình cung cấp các giải pháp năng lượng toàn diện bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án TKNL, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng… giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp (DN). Các khoản tiết kiệm chi phí năng lượng sẽ được sử dụng để hoàn trả vốn đầu tư trong vòng 5 – 10 năm.

Đây là mô hình kinh doanh về TKNL đã được ứng dụng nhiều trên thế giới, đặc biệt là tại các nước công nghiệp phát triển. Cụ thể, ESCO sẽ giúp các DN thực hiện trọn gói dự án TKNL (kể cả cung cấp tài chính cho dự án).

Có hai dạng dự án TKNL chính  từ ESCO, một là bảo lãnh hiệu quả năng lượng – tức là khách hàng là người đầu tư, ESCO làm kiểm toán năng lượng và bảo đảm về mức năng lượng tiết kiệm được. Hai là ESCO đầu tư toàn bộ dự án TKNL, mức tiết kiệm thu được sẽ chia theo tỉ lệ giữa ESCO và DN. Như vậy, ESCO kinh doanh trên hiệu quả năng lượng tiết kiệm được mà DN không cần phải đầu tư mà vẫn có thể hưởng lợi. Sự khác biệt của ESCO so với các dịch vụ TKNL khác là tính toàn diện, từ kiểm toán đến triển khai đầu tư các giải pháp, thiết bị hạ tầng,… cho dự án TKNL của DN.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Solar – BK TPHCM, cho biết: “Bằng việc áp dụng mô hình ESCO, các DN có thể tiếp cận các giải pháp xanh với chi phí đầu tư tốt nhất và đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, lợi ích quan trọng nhất của mô hình này chính là quản lý rủi ro về tài chính. Đồng thời, giải pháp ESCO còn giúp DN có điều kiện tham gia hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Bộ Công Thương, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu”.

Cần hỗ trợ nhân rộng

Hiện Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ triển khai thí điểm mô hình ESCO theo chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2012 cho Công ty Solar – BK TPHCM thực hiện. ECC-HCMC cũng đã thiết lập hẳn một bộ phận chuyên làm ESCO có tên là Viet ESCO để giúp đưa giải pháp ESCO triển khai rộng khắp.

Theo bà Võ Thị Bạch Tuyết, Phó Giám đốc khách sạn Palace Vũng Tàu, hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời đã giúp khách sạn tiết kiệm được trên 70% chi phí điện năng hằng năm. Ông Tào Văn Nghệ, Giám đốc khách sạn Rex – TPHCM, cho biết: “Do hiểu rõ tính khả thi của ESCO nên chúng tôi đã đầu tư hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời Solar-BK từ rất sớm. Hệ thống hoạt động ổn định, hiệu quả dự án cao, thời gian thu hồi vốn nhanh”.

Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết giải pháp ESCO đun nóng nước bằng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm hơn 70% chi phí điện năng đang được áp dụng thành công tại hàng loạt khách sạn ở TPHCM như Majestic, Rex, Continental, Sunrise Nha Trang, Morin Huế, nhà máy sữa Vinamilk, Trường Mầm non bán công TPHCM… Ông Trần Hiếu Trung cho hay theo lộ trình trong năm nay, dự định có 10 – 15 DN sẽ là khách hàng của ECC-HCMC. Hiện ECC-HCMC đã triển khai được một số hợp đồng với các DN thuộc lĩnh vực công nghiệp, các tòa nhà, khách sạn, chiếu sáng công cộng…

Tuy nhiên, ông Trần Hiếu Trung cũng cho biết ESCO tại Việt Nam còn khá mới mẻ, thông tin chưa đầy đủ trên thị trường, cộng thêm DN chưa thực sự nhận thức tốt về lợi ích từ các giải pháp TKNL mang lại… là những khó khăn khi tư vấn thuyết phục các DN lựa chọn ESCO. Mặt khác, chưa có những định chế chính sách rõ ràng, các ngân hàng liên kết cũng chưa biết phải thẩm định ra sao các dự án này bởi chưa quen với hình thức kinh doanh TKNL…

Lời trên 4 tỷ đồng từ sản xuất sạch hơn

SXSH giúp doanh nghiệp lời trên 4 tỷ đồng mỗi năm. Nguồn: ven.vn
Với hai giai đoạn đầu tư để thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) cùng mức đầu tư trên 8 tỷ đồng, hiện nay, mỗi năm, Công ty TNHH YFA – Phú Thọ đã thu lời khoảng trên 4 tỷ đồng mỗi năm nhờ hiệu quả SXSH, chưa kể một lượng lớn chất thải rắn và khí thải đã được hạn chế rõ rệt.
Được thành lập năm 2003, Công ty TNHH YEA là một doanh nghiệp hoạt động trong ngành khai thác khoáng sản tại Phú Thọ. Kể từ khi thành lập đến nay, công ty được UBND tỉnh Phú Thọ cho phép khai thác khoáng sản tự nhiên tại mỏ cao lanh Đồi Chiềng, La Phù, Thanh Thủy, Phú Thọ với diện tích khai thác là 2,3ha và trữ lượng quặng cao lanh khoảng 400.000 tấn.Trước khi áp dụng SXSH, công ty sản xuất 2 sản phẩm chính là cao lanh men và cao lanh phong hóa. Quá trình sản xuất các sản phẩm này thường phát sinh một lượng lớn chất thải rắn là bã quặng (khoảng 132-206 nghìn tấn mỗi năm). Năm 2009, khi Phú Thọ được lựa chọn là một trong những tỉnh mục tiêu được Hợp phần SXSH trong công nghiệp (CPI) hỗ trợ thực hiện các giải pháp SXSH, công ty là một trong những đơn vị đầu tiên được lựa chọn để thực hiện các giải pháp này.Khi bắt đầu “làm quen” với các giải pháp SXSH, những giải pháp được công ty lựa chọn thực hiện là các giải pháp quản lý nội vi có chi phí thấp hoặc không tốn chi phí. Cụ thể, công ty đã xây cao tường chắn cát thải giữa bể chứa cát thải và hệ thống máng, bể lắng sản phẩm; Sửa chữa ngay các rò rỉ ống dẫn; Mua lượng than đủ dùng cho công nghệ để lưu trữ tại khu lò đốt (có mái che)… Với những giải pháp này, mức đầu tư mà công ty bỏ ra chỉ vào khoảng 200 triệu đồng nhưng mỗi năm thu lại được khoảng 700 triệu đồng nhờ giảm thất thoát từ 5-8% nguyên liệu, tương đương gần 500 triệu đồng/năm; Giảm tiêu thụ khoảng 15% than tương đương gần 125 triệu đồng/năm; Giảm tiêu thụ từ 12-16% điện năng tương đương 30-45 triệu đồng/năm.Nhận thấy những lợi ích không nhỏ mà các giải pháp đơn giản này đã mang lại, năm 2011, bước sang giai đoạn 2 của quá trình thực hiện SXSH, công ty đã quyết định đầu tư thêm 8,52 tỷ đồng cho các giải pháp lớn hơn mà tiêu biểu nhất là giải pháp xây dựng phân xưởng tuyển, nghiền chất thải rắn tái sử dụng làm nguyên liệu cho ngành gốm sứ xây dựng. Chỉ với riêng giải pháp này, toàn bộ chất thải rắn của nhà máy đã được giải quyết triệt để, những lợi ích kinh tế mang lại từ đó cũng nhiều hơn. Cụ thể, việc giảm tiêu thụ nguyên nhiên liệu đã giúp tiết kiệm 400 triệu đồng, đồng thời giảm 100 tấn CO2/năm. Bên cạnh đó, với việc tận dụng 100% phế thải cao lanh phong hóa, lợi ích mà giải pháp này mang lại là giúp tiết kiệm 2 tỷ đồng. Toàn bộ chất thải rắn đã được tận dụng triệt để.

Không chỉ dừng lại sau giai đoạn 2, với những lợi ích không thể phủ nhận, sau khi nguồn vốn hỗ trợ của Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp kết thúc, công ty đã quyết định vẫn duy trì hoạt động của đội SXSH và lồng ghép các hoạt động SXSH vào hệ thống quản lý chung tại cơ sở. Bên cạnh đó, một kế hoạch giám sát môi trường đã được triển khai với mục tiêu là quan trắc những cải tiến đáng kể từ việc áp dụng các giải pháp SXSH hoặc điều chỉnh ngay nếu kết quả cho thấy một vài lợi ích môi trường bị giảm.

Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã chính thức kết thúc từ năm 2011 nhưng những hiệu quả mà chương trình này mang lại vẫn tiếp tục được DN duy trì. Không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế, lợi ích môi trường mà SXSH còn đang thực sự giúp uy tín của DN tăng lên. Và Công ty TNHH YEA không chỉ được coi là một trong những điển hình của Phú Thọ nói riêng mà còn của toàn ngành khai thác khoáng sản nói chung./.

Bảo Ngọc

“Sản xuất sạch hơn” là hướng đi cấp thiết

“Sản xuất sạch hơn” đang được áp dụng phổ biến trong các doanh nghiệp sản xuất hoa. Nguồn: internet

Cuối năm 2009, Lâm Đồng cùng với cả nước đã triển khai “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 7.9.2009 của Chính phủ. Qua hơn hai năm triển khai, chương trình “sản xuất sạch hơn” (SXSH) ở Lâm Đồng đã thu được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, qua triển khai chương trình, thực tế cũng đã xuất hiện những khó khăn cần khắc phục.

Có thể hiểu, SXSH có mục tiêu đặt ra là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó, Lâm Đồng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015 là 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc SXSH và sẽ tiết kiệm được 5% – 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu… trên đơn vị sản phẩm. Theo số liệu của Sở Công thương Lâm Đồng, trong thời gian qua, Sở đã triển khai một số nội dung cụ thể trong thực hiện Quyết định 1419 của Chính phủ như: Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp cho các doanh nghiệp; tập huấn về SXSH cho các cán bộ của Sở và các phòng kinh tế, phòng công thương… của các huyện; hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp; xây dựng các mô hình trình diễn; đặc biệt là thực hiện đánh giá nhanh SXSH cho 50 doanh nghiệp cùng với việc xây dựng chương trình hành động SXSH trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020.Nhờ đó, trên địa bàn Lâm Đồng đã có nhiều doanh nghiệp đã thực hiện sản xuất theo chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường trong các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đồng thời giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn tài nguyên và giảm thiểu việc tổn thất nguyên vật liệu. Đáng nói hơn, qua công tác tuyên truyền, Sở Công thương Lâm Đồng đã giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các giải pháp SXSH không đơn thuần chỉ là sự thay đổi thiết bị mà còn là các thay đổi cần thiết trong vận hành và quản lý doanh nghiệp với các nhóm giảm chất thải tại nguồn, tuần hoàn và cải tiến sản phẩm. Mới đây, Sở Công thương Lâm Đồng đã lập danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển gồm sợi và lụa tơ tằm, quần áo may mặc các loại, sản phẩm thêu đan, giày dép, van cơ khí chính xác, sản phẩm khai khoáng, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, vật liệu xây dựng, đồ uống…Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp của Lâm Đồng chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ nên vấn đề SXSH càng được chú trọng. Sở Công thương Lâm Đồng cho biết, bởi chỉ mới dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ nên tình trạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên và nguyên vật liệu vẫn còn khá phổ biến ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Lâm Đồng. Không chỉ thế, tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng hiện vẫn phổ biến tình trạng xả chất thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường đất và nước và làm ảnh hưởng không tốt đến vấn đề sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, do hệ thống thiết bị công nghệ còn thiếu và yếu nên nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất ở nhiều lĩnh vực ưu tiên dệt may, nông lâm sản… không những trực tiếp gây ảnh hưởng đến môi trường mà sản phẩm làm ra còn trực tiếp gây tác động xấu cho người sử dụng.

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, để chương trình SXSH của Chính phủ mang lại những hiệu quả thiết thực, trước mắt, tỉnh cần rà soát lại các doanh nghiệp có hay chưa áp dụng SXSH trong công nghiệp để từ đó có kế hoạch hỗ trợ về chuyên môn và nghiệp vụ nhằm giúp các đơn vị áp dụng một cách triệt để SXSH trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ cùng với các cơ quan chức năng thiết lập các thủ tục đăng ký và đánh giá các đơn vị có công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Khắc Dũng