Tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp: Gõ đúng cửa sẽ không thiếu vốn

Phải làm gì để doanh nghiệp có thể tiếp cận được những nguồn vốn đáp ứng cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm?

Quản lý Công ty TNHH nhựa H.A ở  Hà Nội, ông Mai Việt Anh, đang “đau đầu” vì không biết tìm đâu ra nguồn vốn để lắp đặt những biến tần cho máy ép hạt nhựa của Công ty, nhằm giảm bớt tình trạng tiêu hao quá nhiều năng lượng.

Thực tế là, sau khi được một công ty chuyên về giải pháp tiết kiệm năng lượng tư vấn phương pháp đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng của máy ép hạt nhựa do Công ty H.A đang sử dụng, ông đã nhận thấy rõ nếu lắp biến tần và đổi mới công nghệ máy ép nhựa sẽ giúp giảm kha khá suất tiêu hao năng lượng giúp sản phẩm của H.A, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Huy động vốn từ các thành viên trong Công ty không đủ, tìm đến ngân hàng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, ông Mai Việt Anh đã gõ cửa các quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ nhằm tìm kiếm những giải pháp về tài chính để cải tạo hệ thống thiết bị, tiết kiệm năng lượng.

Vấn đề của ông Mai Việt Anh cũng là vấn đề mà rất nhiều các doanh nghiệp, đang gặp phải: Thiếu vốn đầu tư cho những công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng nhưng không biết tìm nguồn vốn ở đâu.

Những quỹ tín dụng xanh sẽ tiếp tục đưa ra nhiều gói giải pháp về vốn, giúp các doanh nghiệp có nhu cầu triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Tìm vốn không khó

Theo ông Huỳnh Kim Tước – Giám  đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP HCM (ECC HCMC), để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho các dự  án đầu tư công nghệ, tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, hằng năm ECC HCMC có những chương trình giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP HCM. Theo đó, những doanh nghiệp này sẽ được chuyên gia của ECC HCMC nhận biết tình trạng công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại và nhận diện lãng phí năng lượng trong doanh nghiệp thông qua hoạt động đo kiểm và đánh giá. Đồng thời, có thể đưa ra những giải pháp tối ưu nhất, khả thi nhất để tiết kiệm chi phí năng lượng cho từng hệ thống, từng hộ tiêu thụ năng lượng trong doanh nghiệp.

Đặc biệt, sau kết quả kiểm toán năng lượng, ECC HCMC sẽ giới thiệu doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Ông Tước cũng cho rằng, doanh nghiệp khi đã có những giải pháp tiết kiệm năng lượng có nhu cầu đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng có thể tìm đến những nguồn vốn trả chậm, vốn vay liên doanh liên kết, hay tìm vốn qua công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng hỗ trợ… Nhưng để đến được với các tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin, kèm theo đó là một bản báo cáo tài chính rõ ràng, được kiểm toán và một dự án sản xuất kinh doanh tốt.

Ngoài ra, những doanh nghiệp khó khăn về vốn trong vấn đề giải quyết bài toán đầu tư công nghệ, thiết bị cho tiết kiệm năng lượng có thể tiếp cận theo mô hình ESCO. Cụ thể, ESCO sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện trọn gói dự án tiết kiệm năng lượng (kể cả cung cấp tài chính cho dự án). Với ESCO, doanh nghiệp có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng mà không phải bỏ tiền đầu tư hoặc bỏ rất ít. Nói cách khác , ESCO chính là mô hình kinh doanh dựa trên hiệu quả năng lượng tiết kiệm được mà doanh nghiệp không cần phải đầu tư vẫn có thể hưởng lợi.

Bà Đỗ Thúy Hà- Điều phối viên Dự án Meet Bis Việt Nam cho biết, nhằm tìm kiếm giải pháp về  tài chính cho các doanh nghiệp, Meet Bis Việt Nam đã kết nối với Quỹ tín dụng xanh (GCTF) hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, Meet Bis Việt Nam đang cùng Quỹ tín dụng xanh tiếp tục nghiên cứu các gói giải pháp tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ cho những doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu thay đổi về thiết bị, công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP HCM (ECC HCMC): Hầu hết doanh nghiệp chỉ mới dừng ở mức tham khảo về các giải pháp tiết kiệm năng lượng, còn áp dụng hay không thì lại là chuyện khác, nhất là vấn đề giá cả, nếu giải pháp đưa ra có mức chi phí hợp lý, doanh nghiệp mới triển khai.Ông Tào Văn Nghệ – Tổng giám đốc Khách sạn Rex cho biết, từ năm 2010, với việc áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như: Đầu tư hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời; sử dụng hệ thống điều hòa inverter… đến năm 2012, khách sạn đã tiết kiệm được trên 400.000 kWh điện, tương đương 970 triệu đồng so với năm 2009.
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn

Các DN sản xuất sẽ có cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất để sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên liệu, năng lượng, hướng đến sản xuất sạch hơn (SXSH) nhờ nguồn vốn từ Quỹ Ủy thác tín dụng xanh.

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh: Cơ hội cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn

Quỹ Ủy thác tín dụng xanh hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ
Theo các chuyên gia, SXSH đang ngày càng trở thành xu hướng chung của DN bởi SXSH có thể giúp các DN tiết kiệm tài chính thông qua giảm lãng phí năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ gia… từ đó giúp DN nâng cao hiệu suất hoạt động, nâng cao sự ổn định của sản xuất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, SXSH còn giúp các DN thu hồi phế liệu, phế phẩm, cải thiện môi trường làm việc, cải thiện hình ảnh DN, tiết kiệm chi phí… Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của SXSH chính là khoản đầu tư để đổi mới công nghệ tương đối cao.
Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) được thành lập từ một sáng kiến hỗ trợ tài chính của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) dành cho các nước đang phát triển nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tại Việt Nam, đối tượng được hỗ trợ tài chính của GCTF là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) bởi những DN này thường hay gặp phải những trở ngại như thiếu vốn, khó tiếp cận với nguồn tín dụng từ ngân hàng do không đủ tài sản thế chấp… khi đứng trước những hạng mục đầu tư lớn (đổi mới thiết bị/công nghệ). Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) là đơn vị điều phối nguồn vốn của quỹ này.
Nguyễn Lê HằngĐiều phối viên GCTF cho biết, GCTF hoạt động theo hình thức phối hợp với 3 ngân hàng tại Việt Nam là ACB, Techcombank, VIB tiến hành thẩm định các dự án đổi mới công nghệ của các DN đăng ký tham gia để đánh giá mức hỗ trợ phù hợp. Nếu các dự án đổi mới thiết bị, công nghệ của DN đạt được các tiêu chí về giảm thiểu tác động đến môi trường (theo bảng đánh giá do VNCPC đưa ra) thì DN sẽ nhận được hỗ trợ tài chính từ quỹ theo 2 hình thức là bảo lãnh tối đa 50% tổng giá trị khoản vay và thưởng từ 15-25% tổng giá trị khoản vay.
Ví dụ, một DN có nhu cầu vay 1 tỷ đồng để đổi mới thiết bị công nghệ, nếu tham gia vào quỹ và đạt được các tiêu chí đánh giá hỗ trợ tối đa thì sẽ được quỹ bảo lãnh 500 triệu đồng tiền thế chấp khi vay vốn ngân hàng và được thanh toán 250 triệu đồng tiền nợ gốc khi dự án hoàn thành và đi vào hoạt động.
Thời gian xem xét cho một dự án là 75 ngày, triển khai đầu tư trong 3-6 tháng. Đối tượng, ngành nghề được hỗ trợ là các DN sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại muốn thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị mang lại hiệu quả môi trường. Những loại hình công nghiệp tiềm năng là sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, da và sản xuất hóa chất… “Do mục đích của quỹ là hướng đến các DN nhỏ và vừa nên các DN có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD, số công nhân viên dưới 1.000 người, và có 51% vốn thuộc sở hữu trong nước đều có thể tiếp cận chương trình hỗ trợ của quỹ” – bà Hằng cho hay.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 60 DN tại Việt Nam gửi hồ sơ tham gia chương trình hỗ trợ của GCTF, trong đó 40 hồ sơ đã đạt đủ các điều kiện sàng lọc ban đầu, 30 dự án đã được phê duyệt kỹ thuật và 12 dự án đã được ngân hàng giải ngân cho vay.
Bà Hằng cho biết thêm, trong thời điểm hiện nay, quy mô hỗ trợ tín dụng của quỹ đối với 1 dự án mới chỉ dao động từ 10.000 đến 1 triệu USD. Tuy nhiên, các ngân hàng có thể cung cấp khoản tín dụng lớn hơn và sẽ có những ưu tiên cho các DN chứng minh được hiệu quả dự án vay đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường./.
Theo báo Kinh tế Việt Nam, ven.vn

Hỗ trợ doanh nghiêp đầu tư, đổi mới công nghệ: Mưa chưa… mát mặt!

Hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ giúp doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn, tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn là một chương trình khuyến công được cộng đồng DN địa phương đánh giá cao. Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng do nguồn vốn còn hạn hẹp, vướng mắc về cơ chế nên việc khuyến công, hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, công nghệ cũng mới chỉ như một cơn mưa… chưa mát mặt!

Kết quả ban đầu

Trong 9 tháng đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến công Bình Dương (TTKC) đã tập trung hỗ trợ cho các DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị bằng cả 2 nguồn vốn Trung ương và địa phương. Công ty TNHH Kim Thành A được hỗ trợ đầu tư mới cho dây chuyền sản xuất ván sàn, Công ty TNHH SX-TM-DV Hiệp Sanh được giúp đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì, với tổng kinh phí thực hiện gần 11,6 tỷ đồng. TTKC cũng đã hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, tiến bộ kỹ thuật cho 8 DN với tổng kinh phí thực hiện hơn 8,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, TTKC còn giúp các DN có dự án đầu tư mới được thụ hưởng chương trình khuyến công là Công ty CP SX-TM Quang Minh với hệ thống máy hút ẩm cho sản phẩm mây tre lá xuất khẩu; DNTN May Quốc Tế với máy ép mùn cưa trong sản xuất thanh gỗ nén và máy móc thiết bị cho các DN sản xuất đồ gỗ khác, như: Công ty TNHH SX-TM Gia Gia Phát (dây chuyền sơn bóng trong sản xuất đồ gỗ nội thất), Cơ sở Hữu Chuẩn (máy cưa xả gỗ), Công ty CP Phú An Sinh (dây chuyền sản xuất viên gỗ nén), Công ty TNHH Khải Nguyên (máy móc thiết bị trong sản xuất ván ép), Công ty TNHH MTV Thanh Phong (sản phẩm máy chạm trổ điêu khắc tự động CNC trong chế biến đồ gỗ nội thất) và Công ty TNHH TM-SX Sao Nam (máy cưa rong lưỡi dưới trong sản xuất đồ gỗ nội thất)…

Mưa chưa… mát mặt!

Sự quan tâm, hỗ trợ của TTKC cũng đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía cộng đồng DN. Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc DNTN May Quốc Tế cho biết, những năm qua TTKC đã luôn đồng hành cùng DN trong các chương trình đào tạo lao động mới. Trong năm 2013, trung tâm đã giúp DNTN May Quốc tế đầu tư mở rộng công nghệ mới, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, theo ông Lương Ngọc Kim, Giám đốc Công ty TNHH Kim Thành A, dù TTKC đã quan tâm hỗ trợ DN trong các chương trình tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch hơn, đầu tư công nghệ mới… nhưng DN vẫn mong muốn có được định mức hỗ trợ cao hơn. Trên thực tế, mức hỗ trợ về kinh phí cho DN hiện còn khiêm tốn so số vốn đầu tư của DN. Thêm vào đó, số DN được hỗ trợ đầu tư cũng còn đếm trên đầu ngón tay trong khi số lượng DN nhỏ và vừa, DN thuộc diện được hỗ trợ tại Bình Dương lên đến hàng ngàn!

Cũng phải nói thêm rằng, do tình hình kinh tế khó khăn, giá cả đầu vào tăng, đầu ra giảm, hầu hết các DN gặp khó khăn về vốn trong sản xuất, kinh doanh, nên DN cũng khó tập trung nguồn vốn cho việc đầu tư các dự án khuyến công. Một số DN đã đăng ký kế hoạch thực hiện các đề án khuyến công trong năm nhưng do kẹt vốn nên không thể thực hiện kế hoạch dự kiến ban đầu. Một số dự án khuyến công “giữa đường đứt gánh” do trễ hẹn vì thời gian từ khi đăng ký kế hoạch đến khi phê duyệt kinh phí chi tiết thực hiện tương đối dài, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của DN…

Cần thêm những giải pháp

Để làm tốt vai trò đại diện, đồng hành hỗ trợ DN, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ông Lê Văn Chí, Giám đốc TTKC Bình Dương kiến nghị: Bộ Công thương và Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư liên tịch về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương đối với hoạt động khuyến công để địa phương có cơ sở thực hiện. Các bộ cần sớm ban hành quyết định phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2014-2020, giúp các địa phương làm căn cứ xây dựng chương trình khuyến công địa phương; cần giảm bớt một số thủ tục cho một số nội dung khuyến công như công tác đào tạo nghề, hỗ trợ sử dụng máy móc thiết bị hiện đại vào các khâu sản xuất… Bộ Công thương và Bộ Nội vụ sớm có thông tư hướng dẫn về xây dựng chi nhánh khuyến công cấp huyện và hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp xã để địa phương có cơ sở kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến công, nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động này tại địa phương.

Các đối tượng DN thụ hưởng chương trình khuyến công cũng “hiến kế”: TTKC cần tìm hiểu các thông tin về công nghệ, sản phẩm, thị trường, thiết bị sản xuất để cung cấp và tư vấn cho các cơ sở, DN sản xuất, DN công nghệ thông tin. TTKC cần tăng cường bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ đó có những biện pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường định mức kinh phí cho các đề án khuyến công, nhất là các đề án đổi mới công nghệ…

Theo baobinhduong.org.vn

Tăng cường trách nhiệm của Ngân hàng với môi trường

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, quá trình phát triển kinh tế – xã hội ở nước ta trong thời gian qua còn chưa quan tâm thích đáng đến yếu tố môi trường và xã hội của các dự án đầu tư. Theo Ngân hàng nhà nước, ngành ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và phát triển thông qua hoạt động cho vay và đầu tư bởi vì hệ thống này là một mắt xích quan trọng trong việc quyết định nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Các tổ chức tín dụng đóng vai trò là yếu tố tăng cường tác động phát triển tích cực tới xã hội và cũng góp phần vào việc bảo vệ cộng đồng và môi trường tại những nơi các tổ chức tín dụng và khách hàng của các tổ chức tín dụng đang hoạt động.

Do đó, trong tương lai ngành ngân hàng Việt Nam phải xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp với chiến lược của Nhà nước đã đề ra về bảo vệ môi trường, theo đó, các dự án đầu tư có nguồn vốn tín dụng ngân hàng tham gia phải bị ràng buộc bởi những quy định về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Về phía các tổ chức tín dụng, việc thực hiện chính sách tín dụng bền vững sẽ đảm bảo cho tổ chức tín dụng hạn chế rủi ro, hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.

Chính vì vậy, tại dự thảo của Ngân hàng Nhà nước quy định: Hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội là tập hợp các chính sách, quy trình quản lý và thủ tục đánh giá, giám sát rủi ro môi trường và xã hội đối với dự án, phương án của khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tổ chức tín dụng) phải xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội tại đơn vị mình để thực hiện việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng.

Tại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tổ chức tín dụng chủ động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong điều hành hoạt động nội bộ nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên. Đồng thời, chủ động phát triển và cải tiến sản phẩm, tìm kiếm và khai thác những cơ hội kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng báo cáo bằng văn bản cho Ngân hàng Nhà nước (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội theo định kỳ hàng quý.

Báo cáo này bao gồm số lượng và tỷ lệ các giao dịch tín dụng tuân thủ theo Quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức tín dụng; tỷ lệ các giao dịch được xếp loại rủi ro thấp, trung bình và cao; và số lượng hồ sơ cấp tín dụng bị từ chối và/hoặc được chấp nhận vì lý do môi trường và/hoặc xã hội.

Bên cạnh đó, hàng năm, tổ chức tín dụng cũng phải báo cáo Ngân hàng nhà nước về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội. Báo cáo bao gồm các nội dung: năng lực quản lý rủi ro môi trường và xã hội của tổ chức; phương pháp giám sát và đảm bảo quản lý rủi ro môi trường và xã hội hiệu quả và công tác báo cáo nội bộ về hoạt động môi trường và xã hội của tổ chức.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên website của cơ quan này.

Theo Chinhphu.vn

Nhiên liệu sinh khối: Sinh tiền tấn

Những phế phẩm như mùn cưa, vỏ trấu… lại trở thành một mặt hàng được săn mua trong thời gian qua đẩy thị trường tưởng chừng như phế phẩm bỏ đi trở nên rất sôi động và đắt giá: từ buôn bán nguyên liệu sinh khối, trồng rừng, chứng chỉ trồng rừng rồi đến cả thị trường khí thải.

Nhu cầu về nhiên liệu sinh khối từ châu Âu, Nhật Bản tăng vọt đã có tác động không nhỏ tới thị trường này tại Việt Nam. Mùn cưa, vỏ trấu, bã mía… đột ngột trở thành những mặt hàng nhiều giá trị.

Mùn cưa ép thành… vàng

                                                                                                                                  Ảnh: Quý Hòa
 
Liên tiếp trong tháng qua, văn phòng của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nhận được các lời chào mua thu gom tất cả phế phẩm mùn cưa của tất cả thành viên HAWA, với đơn chào lên đến hơn 10.000 tấn mùn cưa mỗi tháng!

 Tất nhiên, HAWA không thể gom đủ số lượng này nên khách hàng sốt ruột muốn mua hết cả các loại dăm, bào, gỗ vụn, giá tùy thỏa thuận, có thể lên đến 500.000 đồng/tấn mùn cưa.

Đơn hàng đến từ một công ty tại TP.HCM. Mùn cưa sau khi thu mua được chuyển tới nhà máy tại Bình Dương để nén thành viên, đóng gói bán sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản. Được biết, viên nén mùn cưa được thế giới xem như một dạng nhiên liệu sinh khối thay thế dầu, khí ga, than đá….

Nenryo cũng là một công ty thương mại kinh doanh mùn cưa từ nhiều năm nay. Theo ông Phạm Phú Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nenryo, trong các dạng năng lượng sạch dành cho nhiệt điện, vỏ trấu cũng như mùn cưa là nguyên liệu có giá trị rất cao và có rất nhiều tại Việt Nam.

Số liệu của Nenryo cho thấy, ở Việt Nam lượng phụ phẩm như vỏ trấu là 6,8 triệu tấn/năm trong đó riêng ĐBSCL chiếm 3,7 triệu tấn; phụ phẩm mùn cưa là 5,8 triệu tấn/năm trong đó riêng Tây Nguyên chiếm 2,5 triệu tấn, miền Trung chiếm 1,15 triệu tấn/năm.

Đa số viên nén sản xuất tại Việt Nam và các nước trong khu vực đều xuất khẩu vào châu Âu và Nhật. Đây là những thị trường có nhu cầu rất lớn về nhiên liệu sinh khổi bởi họ đã đổi mới công nghệ và bắt đầu lộ trình sử dụng năng lượng bền vững.

Riêng tại Việt Nam cũng có nhiều các dự án nhiệt điện sử dụng rác thải trong quá trình sản xuất mía đường như: Nhà máy nhiệt điện Lam Sơn – tận dụng nguyên liệu từ quá trình sản xuất mía đường của Công ty CP Mía đường Lam Sơn…

“Thu mua sản phẩm này rất khó khăn vì các nhà máy sản xuất nằm riêng lẻ với công suất thấp, khoảng 500 – 1.000 tấn, tối đa là 2.000 -3.000 tấn, trong khi các đơn mua hàng thường đặt khoảng 10.000 -20.000 tấn.

Theo giá tham chiếu của châu Âu thì giá bán nguyên liệu phải có đủ Chứng chỉ FSC (Chứng chỉ trồng, quản lý và khai thác rừng bền vững), nhưng các nhà cung cấp ở Việt Nam lại hầu hết không có chứng chỉ này nhưng giá bán lại lấy giá tham chiếu làm chuẩn”, ông Thành cho biết.

Để gom đủ số lượng, nhà máy phải huy động nhiều đầu mối thu gom mùn cưa từ Bình Dương, Đồng Nai cho đến Đắc Lắc. Giá thu mua mùn cưa đã chế biến khoảng 500.000đ/tấn, nhưng sau khi xử lý nén và đóng gói có thể xuất FOB với giá lên tới hơn 300 USD/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Thành, so với tiềm năng thì Việt Nam chỉ mới chỉ cung cấp 600.000 tấn/năm để xuất khẩu ra nước ngoài. Còn thực tế, chưa xuất khẩu được vì hầu hết các nhà sản xuất Việt Nam chưa hiểu hiều rõ tiêu chí cũng như yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm. Thực tế, các nhà sản xuất hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, hoạt động manh mún.

Đa phần nhập máy Trung Quốc vì sản xuất và không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu vào Nhật hay thị trường châu Âu nên mất khả năng cạnh tranh…

Chẳng hạn, theo tiêu chuẩn châu Âu, hàm lượng tro đối với sản phẩm viên nén gỗ là 0,3 – 0,5%, nhưng khả năng cung cấp của Việt Nam là 1,5 – 2% nên châu Âu không nhập. Hoặc độ ẩm sản phẩm viên nén gỗ, yêu cầu của chấu Âu và Nhật là 4 – 6% nhưng sản phẩm của Việt Nam tới 7 – 8%.

Theo ông Thành, nếu xuất một lượng lớn mùn cưa từ 10.000 tấn/tháng sang Nhật sẽ đòi hỏi phải xuất trình được chứng chỉ FSC. Nếu có chứng chỉ trồng rừng và đạt các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường thì giá mùn cưa có thể lên đến 400 – 500USD/tấn.

Theo tính toán, mùn cưa dùng trong nhiên liệu công nghiệp khá hiệu quả. Với lò hơi, việc từ than đá chuyển sang dùng củi mùn cưa chi phí có thể giảm đến hơn 50%. Từ dầu FO chuyển sang củi ép mùn cưa, chi phí có thể giảm đến 70%. Nếu sản xuất 2,5 tấn mùn cưa thành nhiên liệu đốt trong nước, Việt Nam giảm nhập khẩu khoảng 1.000 lít dầu.

Để có được FSC, nhiều nhà đầu tư tại Việt Nam sẵn sàng bỏ ra hàng trăm ngàn đến cả triệu USD để hợp tác với các nhà trồng rừng tại Việt Nam. Được biết, Nenryo cũng đang đàm phán bước đầu với các nhà trồng rừng tại Đắc Nông và Bình Dương, cùng với kế hoạch xây dựng các nhà máy ép mùn cưa tại Thanh Hóa, Hải Phòng.

Theo ông Ngụy Như Trọng, Giám đốc Công ty Phúc Nguyên, thị trường nguyên liệu sinh khối bao gồm mùn cưa, bã mía, vỏ cà phê có nhu cầu rất lớn.

Hiện nay, Phúc Nguyên xuất hàng vào thị trường Đức, Ba Lan, Hà Lan… mỗi tháng khoảng vài ngàn tấn. Giá giao động từ 220 – 250 USD /1 tấn, tùy thuộc vào thị trường EU hay châu Á.

Còn theo ông Phạm Bành Tiến, Giám đốc Công ty Hùng Đại Dương, nhu cầu thị trường thì rất lớn, nhưng tìm nguồn nguyên liệu không phải là dễ, khách hàng cung cấp loại nguyên liệu này không phải thường xuyên mà theo thời vụ.

Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn khi nhận đơn hàng lớn, đảm bảo số lượng đã ký hợp đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn khi văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng về mã ngành này mà chủ yếu đăng ký với lĩnh vực kinh doanh: phế phẩm từ nông lâm sản.

Điều này, gây khó khăn khi doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng lớn trong khi lĩnh vực hoạt động không rõ ràng, đăng ký thì trong bảng mã ngành kinh tế quốc dân chưa có. 

 Theo Doanhnhansaigon.vn 

Các cơ sở sản xuất công nghiệp phải thường xuyên cập nhật giải pháp tiết kiệm năng lượng

Đó là một trong những nội dung của Thông tư số 02/2014/TT-BCT vừa được Bộ Công Thương ban hành, quy định các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp (gọi tắt là các quá trình dùng chung) và các biện pháp quản lý, các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành hóa chất.

Ảnh Internet

Theo đó, với ngành công nghiệp, hiệu quả sử dụng năng lượng và mục tiêu hiệu quả năng lượng của các quá trình dùng chung phải được phản ánh trong kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm về sử dụng năng lượng của các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Hiệu quả sử dụng năng lượng của các quá trình dùng chung và mức độ đạt được các mục tiêu về hiệu quả năng lượng theo kế hoạch của các quá trình dùng chung phải được trình bày trong báo cáo kiểm toán năng lượng, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng hàng năm.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp phải có kế hoạch nghiên cứu, triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng và các giải pháp tiết kiệm năng lượng thực tế. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng phải được nghiên cứu, bổ sung và cập nhật thường xuyên.

Thông tư cũng quy định cụ thể việc sử dụng năng lượng trong quá trình đốt nhiên liệu; Trong hệ thống cấp nhiệt và hệ thống lạnh; Hệ thống điều hòa không khí, cấp nước nóng; Động cơ điện; Hệ thống khí nén; Tận dụng thải từ các hệ thống đốt nhiên liệu, hệ thống cấp nhiệt, truyền nhiệt; Công nghệ chiếu sáng và quản lý chiếu sáng trong nhà máy sản xuất, văn phòng của doanh nghiệp…

Về việc ngăn ngừa tổn thất điện năng, Thông tư quy định, hệ thống phải được thiết kế để tránh các dạng tổn thất sau: Tổn thất điện áp, tổn thất do lệch pha, tổn thất do hệ số công suất nhỏ, tổn thất máy biến áp, tăng chi phí mua điện do vận hành giờ cao điểm.

Với ngành hóa chất, Thông tư đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp hóa chất như: Sử dụng động cơ hiệu suất cao; Sử dụng máy biến tần phù hợp; Khí hóa từ củi thay tế nhiên liệu dầu/LPG cho hệ thống sấy liệu; Cải thiện hệ thống quản lý năng lượng; Giảm hệ số hoàn lưu trong quy trình sản xuất; Sử dụng biến tần phù hợp; Tối ưu hóa hệ thống khí nén.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Theo website của Bộ công thương moit.gov.vn

Bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng: DN phải làm gì?

Bộ Công Thương vừa ra thông báo, kể từ năm 2013, tất cả các sản phẩm điện gia dụng sẽ phải dán nhãn năng lượng. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức tối thiểu quy định sẽ không được lưu thông. Vậy các DN phải làm gì để đáp ứng yêu cầu này?

 
4f783cd6b_dnphailamgi15a1.jpg
Máy photocopy bắt buộc dán nhãn năng lượng từ 1/1/2015

Chương trình dán nhãn tiết kiệm năng lượng (TKNL) đã có nhiều sản phẩm được dán nhãn như: bóng đèn huỳnh quang compact; quạt điện, ballast điện tử, bình đun nước nóng của Cty VN Schneider; đèn huỳnh quang T8, ballast điện từ của Cty Vinakip, chóa đèn chiếu sáng đường phố của Cty Hapulico…

Được rất nhiều vẫn băn khoăn

Đối với DN, việc tham gia Chương trình dán nhãn TKNL sẽ mang lại nhiều lợi ích cả trước mắt lẫn lâu dài. Lợi ích trước mắt là tăng đầu ra cho các sản phẩm vì Chính phủ đã ra quyết định đối với các chương trình mua sắm công, các thiết bị được mua sắm phải đảm bảo được chứng nhận TKNL. Đồng thời, DN có các sản phẩm TKNL được hưởng ưu đãi vay vốn đầu tư tại các ngân hàng. Đây là hai cái “được” quan trọng rất đáng để các DN đầu tư ý tưởng, nhân lực cũng như tài chính để tham gia Chương trình. Về lợi ích lâu dài, việc dán nhãn TKNL cho các sản phẩm là một tiêu chí đánh giá ý thức tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của DN.

Tuy nhiên, mục tiêu đầu tiên của DN khi dán nhãn TKNL là để người tiêu dùng phân biệt sản phẩm dán nhãn TKNL với những sản phẩm chưa dán nhãn, cũng như sự khác nhau giữa các sản phẩm của các DN. Từ đó, họ sẽ định hình cho mình hướng tiêu dùng phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, với sự nhốn nháo của thị trường hiện nay, mục tiêu của các DN khó lòng đạt được. Những sản phẩm “từa tựa” sản phẩm được chứng nhận TKNL rất đa dạng và khó kiểm soát chất lượng. VN đã có đèn compact được chứng nhận là sản phẩm TKNL thay bóng đèn sợi đốt với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Rạng Đông, Điện Quang, Philips… Mặc dù vậy, “phiên bản” của những sản phẩm này tràn lan khắp thị trường, thậm chí, còn có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Điều đáng sợ hơn nữa là chúng có sức cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm cùng loại của VN. Còn những sản phẩm TKNL “made in VN” hiện nay thường có giá cao hơn các sản phẩm khác cùng loại. Tâm lý không chắc chắn về nguồn gốc xuất xứ, cộng với sự thiếu tin cậy về tính năng tiết kiệm điện khiến người tiêu dùng rơi vào tình thế “không biết đâu mà lần”, còn các DN thì cảm thấy oan ức.

Giải quyết ra sao?

Đối với vấn đề phát động Chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn TKNL, việc truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng là một vấn đề hết sức quan trọng. Nhiều Cty như Cty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông đã có những chương trình triển khai giới thiệu về sự khác nhau của đèn compact và đèn sợi đốt. Văn phòng TKNL cũng đã phối hợp với EVN để thực hiện những chương trình tuyên truyền về TKNL. Đối với những chế tài xử phạt các DN có hành vi gian lận, những sản phẩm được lựa chọn sẽ được dán nhãn ép buộc và những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn sẽ bị cấm lưu hành trên thị trường. Ông Lương Văn Phan – Phó Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng – Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng VN cho biết: “Bộ Công Thương đang có cơ quan quản lý thị trường. Cho nên sau này những hình thức thanh tra giám sát sẽ là chức năng của cơ quan quản lý thị trường thực hiện. Khi luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực thi hành, mỗi năm 1 lần, Văn phòng TKNL sẽ tổ chức kiểm tra những sản phẩm đã được dán nhãn. Mẫu kiểm tra được lấy tại cả DN và trên thị trường để đảm bảo tính chính xác cho hoạt động kiểm tra. Đối với những trường hợp liên quan đến sự gian lận trên thị trường thì lực lượng công an được huy động vào cuộc”. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể tham gia kiểm tra giám sát, nếu có nghi ngờ có thể gửi sản phẩm đến các cơ quan kiểm định để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Cuối cùng, khi quy định dán nhãn là bắt buộc, câu chuyện “được và mất” của DN sẽ không còn ý nghĩa. Chỉ còn lại là vấn đề quản lý và giám sát sao cho những sản phẩm TKNL thực sự TKNL với đầy đủ ý nghĩa của nó. Có như vậy mục tiêu và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mới thành công và đi vào cuộc sống.
 
Quy dịnh của Bộ Công Thương nêu rõ: kể từ năm 2013, tất cả các sản phẩm điện gia dụng sẽ phải dán nhãn năng lượng. Tất cả các sản phẩm có hiệu suất năng lượng thấp hơn mức tối thiểu quy định sẽ không được lưu thông. Các thiết bị văn phòng và thương mại như máy photocopy, bộ nguồn máy tính, tủ giữ lạnh thương mại và các thiết bị tiêu thụ năng lượng khác được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1/1/2014 và bắt buộc thực hiện kể từ 1/1/2015.

Theo Diễn đoàn Doanh nghiệp

Giới thiệu Quỹ Ủy thác tín dụng xanh tại Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình

Sáng 9/1/2014, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình tổ chức tổng kết hoạt động năm 2013 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2014. Tới tham dự hội nghị có sự có mặt của đồng chí Phạm Văn Xuyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đại diện các doanh nghiệp, đại diện các Sở, ngành tỉnh Thái Bình và đại diện Quỹ Ủy thác tín dụng xanh giới thiệu Quỹ tới các doanh nghiệp.

Tại hội nghị, ông Bùi Đình Trọng Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình đã báo cáo tổng kết hoạt động các khu công nghiệp năm 2013 và nêu rõ phương hướng và nhiệm vụ năm 2014.

 

Tính tới năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 05 khu công nghiệp đã thành lập theo quy định của Chính phủ là Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, Gia Lễ, Sông Trà và Cầu Nghìn với 138 dự án đầu tư và ước tính 47.400 lao động làm việc. Giá trị sản xuất đạt hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kì năm trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trong năm cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng sản xuất.

Trong định hướng phát triển và nhiệm vụ đề ra cho năm 2014, ngoài việc tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lớn và có giá trị gia tăng cao, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng như các doanh nghiệp đều nhận thấy tầm quan trọng của sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về vốn cũng như còn chưa được tiếp cận với các công nghệ sản xuất mới hiện đại.

Bà Nguyễn Lê Hằng – Điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh giới thiệu nguồn Quỹ

 

Nhằm giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn này, bà Nguyễn Lê Hằng – điều phối viên quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF) thuộc Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã giới thiệu đến các doanh nghiệp nguồn quỹ đầu tư của chính phủ Thụy Sỹ. Quỹ GCTF là nguồn vốn ưu đãi bảo lãnh tới 50% tổng giá trị đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp và trả thưởng tối đa tới 25% tổng giá trị đầu tư sau khi đầu tư công nghệ đạt các tiêu chí trả thưởng của quỹ. Đây là môt giải pháp rất hấp dẫn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các công nghiệp hiện đại trong sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp và hướng các doanh nghiệp tới phát triển bền vững.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại Hội nghị

 

Tại hội nghị, rất nhiều các doanh nghiệp đã bày tỏ sự quan tâm được tiếp cận với Quỹ để kịp thời tháo gỡ khó khăn và duy trì phát triển sản xuất kinh doanh cụ thể như công ty cổ phần ô tô An Thái Coneco, Nhà máy bao bì HDI.

 

Thông qua hội nghị tổng kết khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, buổi giới thiệu Quỹ Ủy thác tín dụng xanh đã diễn ra thành công tốt đẹp và mở ra các cơ hội hợp tác của Quỹ với các doanh nghiệp tại tỉnh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và góp phần phát triển hiệu quả của các khu công nghiệp.

Admin GCTF-VNCPC, tháng 1/2014

 

 

 

 

 

Đèn vẫn sáng dù mất điện

Vào ban đêm mà bị cúp điện đột ngột, trong tay lại không có sẵn hộp quẹt và cũng không nhớ rõ đèn cầy để ở đâu thì rất khó khăn khi phải mò mẫm trong bóng tối.Vì vậy, đèn tròn LED SmartCharge sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Nhà phát minh Shailendra Suman nói với tạp chí Gizmag rằng, đây là lần đầu tiên người tiêu dùng được sử dụng một loại công tắc ảo vì nó tự chuyển mình khi nhận ra vấn đề. Có rất nhiều nơi trên thế giới bị cúp điện đột ngột nên SmarCharge sẽ rất hữu dụng cho nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp. Khi mất điện thì bóng đèn LED này khởi động pin tích hợp 2200 mAh li-ion giúp nó chiếu sáng liên tục trong 4 giờ. Khi có điện trở lại pin sẽ tự động sạc đầy để “phòng thủ” cho lần cúp điện tiếp theo.

SmartCharge được đánh giá là có thời gian sử dụng đến 40.000 giờ, có thể tự tái sạc pin từ 300 – 400 lần. Tùy thuộc vào quá trình sử dụng mà 3 – 4 năm mới thay thế một lần. Bóng đèn được thiết kế để làm việc với dòng điện 110 – 240 V, cung cấp theo nhiều kiểu thắp sáng tiêu chuẩn như E26 cho Bắc Mỹ, E27 cho châu Âu, B22 cho Vương quốc Anh, Ấn Độ… Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục phát triển một loại bóng đèn có thể chuyển đổi dễ dàng qua các chuẩn khác nhau.

Tạp chí Gizmag cho biết theo dự kiến mua một bóng đèn gồm phí vận chuyển là 35 USD tại Mỹ, nếu mua một hộp 2 bóng đèn cần chi 55 USD và tiết kiệm hơn là mua 4 bóng đèn chỉ tốn 100 USD.

Theo Thanh Niên.

 

 

Nhật Bản giới thiệu các sản phẩm thông minh và tiện dụng

​​Tại triển lãm Eco Product được tổ chức tại Tokyo tuần qua, các công ty công nghệ hàng đầu Nhật Bản đã giới thiệu nhiều sản phẩm thông minh, đem lại tiện ích cho cuộc sống và điều quan trọng là mang tính thân thiện với môi trường.
Đây chính là yếu tố bắt buộc mà chính phủ Nhật đặt ra đối với các nhà sản xuất nước này, không chỉ nhằm tiết kiệm nhiên liệu mà còn góp phần chống lại tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Tại triển lãm, hãng Toshiba đã đem tới loại máy photocopy cho phép tái sử dụng giấy tới 5 lần. Mực in đặc biệt của máy sẽ biến mất trong điều kiện nhiệt cao, góp phần tiết kiệm giấy in. Loại máy photocopy độc đào này sẽ được Toshiba tung ra thị trường thế giới vào khoảng giữa năm sau.

Trong khi đó, công ty bán lẻ hàng đầu AEON đã giới thiệu hoạt động trồng rừng được khởi xướng từ đầu những năm 1990 tại khu vực châu Á Thái Bình dương.
AEON đã trồng hơn 10 triệu cây xanh ở Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Australia và Nhật Bản, góp phần đem lại mảng xanh cho các khu vực trên.

Trong năm 1990, AEON đã trồng 1 triệu cây xanh tại Vạn lý trường thành của Trung Quốc. Các họat động mang tính dài hạn của AEON là sự bảo vệ mạnh nhất chống lại từ “kẻ thù vô tình” đang làm hại tới di sản thế giới này.

Hoạt động trồng cây gây rừng của AEON hình thành từ trải nghiệm cá nhân của chủ tịch danh dự Takuya Okada. Trong năm 1960, ông đã sống tại thành phố Yokkaichi, vốn bị ô nhiễm không khí nặng do nhu cầu phát triển công nghiệp. Nhận thấy có một số loại hoa không nở nổi, ông Okada quyết định tổ chức một số hoạt động trồng rừng và ngày nay, đây là hoạt động cộng đồng nổi bật nhất của AEON.

Ý thức bảo vệ các di sản cũng được công ty vận chuyển Sagawa thể hiện qua việc giới thiệu loại xe đạp điện dùng chuyên chở hàng mang tên Kyoto Gion. Việc sử dụng loại xe này nhằm góp phần đem lại bầu không khí trong lành ở cố đô Kyoto, một trong những thành phố thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Nhật Bản. Ngoài ra, chiếc xe này cũng phù hợp với các con phố chật hẹp ở cố đô, qua đó có thể phù hợp với nhiều thành phố khác trên thế giới, trong đó có Hà Nội.

Fujitsu đã triển làm hệ thống quan sát động đất và sóng thần ở dưới đáy biển sử dụng cảm biến cáp quang. Fujitsu đã có kinh nghiệm trong việc đặt cáp biển suốt 44 năm qua. Hệ thống mới đã được Viện nghiên cứu động đất ở Đại học Tokyo chấp thuận và sẽ được đắt ở đáy biển tại vùng biển ngoài khơi Sanriku, nơi đã bị động đất sóng thần lớn tàn phá.

Tại Nhật Bản ngày nay, xe đạp điện ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy, hãng NEC đã giới thiệu hệ thống kiểm soát dành cho các trạm sạc (tương tự như trạm xăng). Hệ thống của NEC thích hợp cho các loại xe điện của 14 nhà sản xuất khác nhau.

Việc xe đạp điện trở nên phổ biến cũng nảy sinh nhu cầu trông giữ. Vì thế, hãng JFE Engineering đã triển khai mô hình hệ thống trông giữ xe đạp thông minh. Hệ thống này đã triển khai tại 14 địa điểm trên toàn nước Nhật và đang quản lý 17.000 chiếc xe đạp.

Ý thức bảo vệ môi trường của người Nhật vốn đã cao lại càng được chú trọng hơn kể từ sau thảm họa kép động đất-sóng thần tháng 3/2011. Và tại triển lãm Eco Product, hãng Nippon Steel Sumikin, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, đã giới thiệu nhà ở tạm dành cho các khu vực bị thảm họa.

Tại khu vực Tohoku, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa kép nói trên, tình trạng thiếu bê tông và nhân công cho hoạt động xây dựng đã ảnh hưởng lớn đến công tác tái thiết. Do đó, sản phẩm của NSMP có thể giải quyết được tình trạng nói trên.

Ngoài những sản phẩm nói trên, còn rất nhiều phát minh khác của các công ty Nhật đã được giới thiệu tại triển lãm, với tính tiện dụng cao. Công ty chuyển phát Yamato đã đem tới hệ thống “gói hàng thần kỳ,” có thể gói đủ loại hàng từ lớn tới nhỏ nhờ ứng dụng tự “ướm” kích cỡ của vật được gói cho vừa vặn.

Công ty Daiwahouse, bao phủ nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp, thì đem tới các bộ quần áo robot và robot vật nuôi nhằm hỗ trợ cho người già.

Daiwahouse hiện cũng đang đầu tư xây dựng cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng người già, vốn rất cần thiết ở một đất nước có tỷ lệ người cao tuổi lớn như ở Nhật. Người già tới sống ở cơ sở như thế sẽ được thoải mái trong suốt phần đời còn lại của họ.

Theo TTXVN