Sản xuất sạch hơn: Bước đột phá môi trường làng nghề

Để giảm thiểu ô nhiễm và phát triển bền vững tại các làng nghề truyền thống, áp dụng sản xuất sạch hơn được xem là một trong những giải pháp mang tính đột phá.

Không thể phủ nhận được những hiệu quả của hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn khi tạo ra một lượng việc làm lớn cho lao động nông thôn, đóng góp cho ngân sách Nhà nước cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tuy nhiên, vấn đề tồn tại lớn nhất của hình thức sản xuất này chính là tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Bộ TN&MT, hiện nay trên cả nước có khoảng 4.575 làng nghề, trong đó có hơn 1.300 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động nông thôn. Song thực tế khá phổ biến tình trạng làng nghề vi phạm pháp luật về môi trường.

Đơn cử như Hà Nội là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Làng nghề thủ công ở Hà Nội có rất nhiều nguồn gốc khác nhau, những làng nghề có sẵn chiếm phần nhỏ trong tổng số làng nghề đa phần đều được di dời từ nơi khác về… Mệnh danh là “đất trăm nghề”, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Hà Nội nhiều năm qua đã trở thành một trong những vấn đề nổi cộm. Với 272 làng nghề, không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4. Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương… bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải…

Không những gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm làng nghề còn khiến cho tỷ lệ mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, đặc biệt là các nhóm người trong độ tuổi lao động.

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện 70% số thiết bị được sử dụng tại các làng nghề là máy móc, trang thiết bị đơn giản. Số máy móc hiện đại chỉ tập trung tại một số làng với những ngành nghề như dệt, may, gốm sứ. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải tại các khu vực làng nghề nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đầu tư xây dựng. Do vậy, ô nhiễm môi trường làng nghề đang trở thành tình trạng chung, là vấn đề nổi cộm của hầu hết các làng nghề ngoại thành Hà Nội và ngày càng có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như phát triển sản xuất.

Theo Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề hoàn toàn có thể khắc phục được nếu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn. Ứng dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn nhằm giảm ô nhiễm và tăng hiệu quả kinh tế tại các khu vực làng nghề là một trong những trọng tâm của hoạt động sản xuất sạch hơn đang được triển khai trên địa bàn.

Điển hình như làng gốm Bát Tràng, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn… Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ sản xuất. 6 năm trước đây, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu của UNDP triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam” tại làng nghề. Dự án đã giúp các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.

Đến thời điểm này, Bát Tràng đã có trên 400 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than và hạn chế ô nhiễm ra môi trường xung quanh. Thành công của dự án này ở làng nghề Bát Tràng đã có sức lan tỏa rất lớn. Các doanh nghiệp tham gia dự án thành công với việc chuyển đổi sang mô hình tiết kiệm năng lượng đã khích lệ doanh nghiệp và các hộ sản xuất khác trong làng nghề học tập và làm theo. Đến nay, cả làng nghề Bát Tràng đã có 131 doanh nghiệp và hộ sản xuất áp dụng công nghệ lò gas cải tiến. Đặc biệt, nhờ có hơn 90% các hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường của công nghệ sản xuất trước kia, giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động. Doanh thu của xã Bát Tràng hiện nay đạt 400 tỷ đồng/năm, bình quân 22 triệu đồng/người, lợi nhuận tăng gấp 2-3 lần so với công nghệ cũ.

Một số doanh nghiệp mây tre đan ở làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã áp dụng sản xuất sạch hơn, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Khi chưa áp dụng sản xuất sạch hơn, doanh nghiệp bị hao hụt tới 10% mây tươi ở khâu luộc, tẩm, thu mua. Hóa chất tổn thất nhiều do hệ thống luộc và tẩm mây làm bằng xi măng không có gia nhiệt; cũng ở khâu này, thêm 10% nguyên liệu tiếp tục bị hao hụt. Khi thực hiện sản xuất sạch hơn, kết quả mang lại rất khả quan, lượng nguyên liệu hao hụt giảm mạnh mà doanh nghiệp không mất nhiều chi phí, đặc biệt, giảm phát thải ra môi trường.

(tainguyenmoitruong.com.vn)