Một số cơ chế đối thoại công – tư cho phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay

Khu vực công giữ vai trò chủ chốt trong việc khởi xướng, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển công nghệ xanh, tiến tới thực hiện tăng trưởng xanh (Nguồn: bản tin công nghệ xanh số 3)
Để xanh hóa nền công nghiệp không thể chỉ có quyết tâm từ phía cơ quan nhà nước (khu vực công) mà phải có sự vào cuộc của cả cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Đây là cơ sở để đặt ra vấn đề hợp tác công – tư nhằm phát triển công nghiệp xanh tại Việt Nam. Việc thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa các khu vực chính phủ và khu vực tư nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy các sáng kiến để phát triển bền vững. Kinh nghiệm rút ra được từ các dự án, chương trình hợp tác công – tư đã được thực hiện trong thời gian qua cho thấy, mối quan hệ hợp tác công – tư tạo ra kết quả tốt khi họ tạo sự phân công lao động hiệu quả, tiếp cận nhanh chóng với các nguồn quĩ tài trợ.
Trong khi khu vực công tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc khởi xướng, hỗ trợ và tạo điều kiện để phát triển công nghiệp xanh, tiến tới thực hiện tăng trưởng xanh thì việc chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch hơn, cung cấp năng lượng xanh và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên cần phải có các sáng kiến và các khoản đầu tư của khu vực tư nhân. Ở đây, Nhà nước giữ vai trò là người xây dựng các chính sách, tạo áp lực hỗ trợ việc thực hiện; doanh nghiệp (khu vực tư nhân) giữ vai trò là người thực hiện. Do vậy, cần nhìn nhận và đánh giá cao hơn về tầm quan trọng của khu vực tư nhân vì nếu không có sự tham gia và đầu tư của khu vực tư nhân thì sẽ không thể thực sự bước vào con đường tăng trưởng xanh. Mặt khác, khu vực tư nhân cũng thiết lập được mối quan hệ sâu rộng với các chính quyền địa phương và tổ chức xã hội, đặc biệt thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng. Sự tham gia của khu vực tư nhân còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước theo phương thức Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ chi phí cho việc xanh hóa qui trình sản xuất, kinh doanh. Công nghiệp xanh kết hợp hài hòa lợi ích của cả khu vực tư nhân và Nhà nước ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Do đó, để phát triển hiệu quả công nghiệp xanh cần phải thúc đẩy sự phối hợp giữa hai khu vực này và các bên hữu quan khác. Hiện nay, Việt Nam đã và đang có một số cơ chế đối thoại chính sách công – tư với mục tiêu  đề xuất, tham mưu, tư vấn cho Chính phủ xây dựng các chính sách đảm bảo định hướng phát triển bền vững trong đó có phát triển công nghiệp xanh, Một số cơ chế nổi bật bao gồm:* Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch, thành viên là 41 đại diện cho các cơ quan quốc hội, văn phòng chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội và nghề nghiệp, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông đại chúng. Hội đồng có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn giúp  Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh; giám sát đánh giá việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam theo Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giám sát đánh giá việc thực hiện các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động về nâng cao năng lực cạnh tranh; tổng kết thực hiện phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh ở Việt Nam…* Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững trực thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): là cầu nối giữa các cơ quan chính phủ và khu vực doanh nghiệp nhằm truyền tải thông tin và phản ánh nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong quá trình triển khai chương trình phát triển bền vững; xây dựng mối quan hệ đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan chức năng nhằm xây dựng những giải pháp hiệu quả, đặt nền tảng cho những hoạt động thực tiễn nhất quán. Ngoài ra, Hội đồng còn thực hiện chức năng hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam về thông tin, kiến thức về phát triển bền vững, kinh nghiệm, các bài học thực tế, phổ biến các thông lệ tốt về kinh doanh bền vững bao gồm cả trách nhiệm xã hội doanh nghiệp nhằm nâng cao vai trò và nghĩa vị của doanh nghiệp cho một tương lai bền vững. Hàng năm, VCCI tổ chức nhiều Diễn đàn cấp quốc gia và cấp vùng, đối thoại chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với các cơ quan nhà nước, trong đó có những Diễn đàn về vấn đề phát triển bền vững… Tuy nhiên, VCCI cũng cho rằng việc tổ chức đối thoại công – tư nói chung và trong lĩnh vực phát triển công nghiệp xanh nói riêng đều là giai đoạn mở đầu và có tính chất đặt nền móng. Vấn đề quan trọng, cốt lõi là phải xây dựng và triển khai trên thực tế các chương trình hợp tác công – tư có hiệu quả trong lĩnh vực phát triển công nghiệp xanh.

Thực tế đã có rất nhiều mô hình điển hình về phát triển công nghiệp xanh ở Việt Nam với sự phối hợp của các doanh nghiệp, bộ, ban, ngành Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức quốc tế, các chuyên gia và học giả trong và ngoài nước. Ví dụ như dự án hợp tác của Chương trình Liên hợp quốc về phát triển (UNDP) với Bộ Khoa học và Công nghệ “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ – PECSME” từ năm 2006-2011 nhằm thúc đẩy đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất gạch, gốm sứ, dệt may, giấy và chế biến thực phẩm. Hay như Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp – CPI do Đan Mạch phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các tỉnh mục tiêu thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường… Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2010. Trong 5 năm thực hiện Chương trình này, tổng năng lượng cả nước tiết kiệm được tương đương 56,9 tỉ kWh điện, tiết kiệm 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006-2010, hoàn thành kế hoạch đặt ra là 3-5%. Theo đó, giai đoạn 2012-2015, Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả gồm 4 dự án với mục tiêu đạt mức tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc, tập trung vào các lĩnh vực bao gồm: sản xuất công nghiệp; công trình xây dựng sử dụng nhiều năng lượng; giao thông vận tải, hoạt động dịch vụ, hộ gia đình; phổ biến phương tiện hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng. Mô hình Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý được thành lập từ năm 2002 với chức năng hỗ trợ tài chính dưới hình thức cho vay ưu đãi hoặc tài trợ cho các dự án và hoạt động bảo vệ môi trường đã được vận hành khá hiệu quả. Trên cơ sở này, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã qui định việc thành lập Quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Đây là mô hình hợp tác công – tư thông qua cơ chế hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Ở đây, Nhà nước và người cấp vốn ban đầu và hình thành cơ chế đảm bảo nguồn thu của Quỹ, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý Quỹ. Doanh nghiệp có các chương trình, dự án phù hợp với mục tiêu của Quỹ sẽ được hỗ trợ tài chính để thực hiện. Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quyết tâm trong tiến trình thực hiện công nghiệp xanh, coi đây là cuộc trường chinh phải vượt qua trong công cuộc CNH, HĐH của nền kinh tế nhằm hướng tới tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, để tăng trưởng xanh trở thành hiện thực thì chỉ quyết tâm của Chính phủ là chưa đủ, mà cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, của cả xã hội. Vì vậy, cơ chế hợp tác công – tư được thực hiện một cách hiệu quả có thể coi là yếu tố quan trọng trong quá trình thực hiện tăng trưởng xanh.

 

Theo Sxsh